Giáo Dục Và Giáo Dục Phật Giáo: Bản Chất Và Giá Trị - Minh Chân

28 Tháng Mười Hai 201200:00(Xem: 6819)

Giáo dục và giáo dục Phật giáo:
Bản chất và giá trị 
Minh Chân

Giáo dục Phật giáo là nền Giáo dục nhân bản, xét về bản chất. Giá trị cao quý của nền Giáo dục nầy cũng xuất phát từ đó.

“Duy tuệ thị nghiệp” vốn là phương châm Giáo dục, đồng thời cũng là mục tiêu Giáo dục của Phật giáo. Trí tuệ bao giờ cũng là ngọn đuốc soi đường dẫn đến thành công trong hầu hết hoạt động của người tại gia cũng như người đã xuất gia.

Kể từ những năm cuối thế kỷ XX, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, vấn đề Giáo dục Tăng Ni được đưa lên hàng đầu trong mọi hoạt động của Giáo hội. Trong giai đoạn lịch sử hội nhập và toàn cầu hóa của đất nước, hàng vạn Tăng Ni ra trường sau khi tốt nghiệp đã là những tu sĩ có trình độ Phật học và thế học vững vàng, đóng góp tích cực và có hiệu quả trong phong trào hoằng pháp, góp phần không nhỏ phát triển đất nước.

Hơn bao giờ hết, trong cuộc hội thảo khoa học “Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Định hướng và phát triển” hôm nay, chúng ta cần đặt lại vấn đề cơ bản: “Giáo dục và Giáo dục Phật giáo: Bản chất và giá trị” thuộc nhóm chủ đề 1 có tiêu đề Giáo dục Phật giáo: Bản chất và phạm vi ứng dụng.

Để có thể xác định chính xác giá trị nền Giáo dục Phật giáo, trước hết chúng ta cần tìm hiểu Giáo dục là gì? Sao gọi là Giáo dục Phật giáo? Bản chất của Giáo dục và Giáo dục Phật giáo như thế nào?...

PHN I: VẤN ĐỀ GIÁO DỤC: ĐỊNH NGHĨA VÀ GIỚI HẠN

Giáo 教 là dạy, dục 育 là nuôi, Giáo dục là dạy nuôi (Thiều Chửu); là “dạy dỗ người ta khiến cho thoát ly cái trạng thái tự nhiên của tạo vật sinh ra (P.éducation)(Đào Duy Anh).

Đại từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “tác động có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của con người để họ dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra”. Còn theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 2, thì Giáo dục là: “quá trình đào tạo con người một cách có mục đích, nhằm chuẩn bị cho con người tham gia đời sống xã hội, tham gia lao động sản xuất, nó được thực hiện bằng cách tổ chức việc truyền thụ và lĩnh hội những kinh nghiệm lịch sử - xã hội của loài người”.

Giáo dục là một hiện tượng xã hội đặc trưng của xã hội loài người. Giáo dục nảy sinh cùng với xã hội loài người, trở thành một chức năng sinh hoạt không thể thiếu được và không bao giờ mất đi ở mọi giai đoạn phát triển của xã hội. Giáo dục là một bộ phận của quá trình tái sản xuất mở rộng sức lao động xã hội, một trong những nhân tố quan trọng nhứt thúc đẩy xã hội phát triển về mọi mặt. Giáo dục mang tính lịch sử cụ thể, tính chất, mục đích, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp và tổ chức. Giáo dục biến đổi theo các giai đoạn phát triển của xã hội, theo các chế độ chính trị - kinh tế của xã hội, hệ thống các biện pháp, các tổ chức đào tạo và Giáo dục của một nước.

Từ ngữ thứ hai cần xác định là Bản chất 本質 “Chất gốc”. Theo Đại từ điển Tiếng Việt nêu trên, Bản chất là “thuộc tính căn bản, ổn định vốn c ó bên trong của sự vật, hiện tượng”. Như vậy, ở đây từ Bản chất có thể hiểu là nội dung, cái chứa đựng bên trong (P.contenu). Chủ đề tham luận: “Giáo dục và Giáo dục Phật giáo: Bản chất và giá trị”, xin được hiểu như sau: Trình bày nội dung Giáo dục nói chung và riêng biệt nội dung Giáo dục Phật giáo. Đánh giá các nền Giáo dục đó.

Bài tham luận sẽ được triển khai trong giới hạn nêu trên.

PHN II: GIÁO DỤC TRONG CỘNG ĐỒNG XÃ HỘI.

A. Giáo dục chánh quy trong nhà trường.

Nền Giáo dục quốc dân từ nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học đến đại học và sau đại học, nhìn chung đều do ngành Giáo dục - đào tạo chỉ đạo, quản lý. Việt Nam là đất nước ngàn năm văn hiến, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học lâu đời. Người Việt Nam lấy sự học làm căn bản để thực hiện đạo lý làm người: nhân bất học bất tri lý. Do đó, trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, qua mọi giai đoạn thăng trầm của lịch sử, Giáo dục luôn là một lãnh vực được coi trọng và đề cao. Thời đại ngày nay đòi hỏi con người phát triển kiến thức về nhiều mặt, Giáo dục có nhiệm vụ chuẩn bị cho người học kiến thức toàn diện. Tuy nhiên, kiến thức nhận được ở các trường phổ thông và đại học sẽ nhanh chóng lạc hậu nếu không được bổ sung bằng kiến thức mới phù hợp với sự phát triển và đáp ứng yêu cầu của từng lãnh vực, từng môi trường, từng hoàn cảnh.

B. Giáo dục ngoài nhà trường.

Hiện nay, hệ thống trường học từ mẫu giáo đến đại học chỉ thâu nhận được không quá 25 triệu người trên dân số cả nước 85 triệu. Như vậy, ngoài xã hội còn không dưới 60 triệu người cần được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, nâng cao dân trí.

Xuất phát từ nhu cầu bức xúc đó, vấn đề xây dựng xã hội học tập cho cả nước tại các Trung tâm học tập cộng đồng mở ra trong từng phường, xã, thị trấn đã được đề ra. Xã hội học tập là một xu thế mới trong quá trình phát triển của loài người ở thời kỳ hậu công nghiệp. Đó là đòi hỏi của cách mạng công nghệ, phát triển kinh tế và cũng là đòi hỏi của sự phát triển con người bền vững trong thế kỷ XXI.

Nội dung cơ bản của khái niệm xã hội học tập là “Giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời” đúng như UNESCO đã khẳng định trong tuyên bố ngày 20/12/1999 “Giáo dục không còn là một quá trình mà con người chỉ tham gia trong thời gian đầu cuộc đời”.

Giáo dục thường xuyên liên tục gắn bó hữu cơ giữa Giáo dục gia đình với Giáo dục nhà trường và Giáo dục xã hội. Đặc trưng của xã hội học tập là mỗi cá nhân, mỗi thành viên xã hội đều phải học, xem đó là một yêu cầu mang tính đạo đức của xã hội hiệ n đại. Giáo dục nhà trường và Giáo dục ngoài nhà trường là những khâu liên hoàn, con người vừa học vừa làm, vừa làm vừa học.

Trong xã hội học tập, nền Giáo dục mang tính mềm dẻo, linh hoạt, đa dạng, phong phú, kết hợp các hình thức Giáo dục chánh quy, Giáo dục không chánh quy (A.informal) như Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa, câu lạc bộ …

C. Đánh giá.

1. Thành tựu.

a). Đối với Giáo dục trong nhà trường.

Trước năm 1945, 95% dân số Việt Nam không đọc được chữ quốc ngữ thì nay số này chiếm không tới 1%. Số có học hàm, học vị cao gấp nhiều trăm lần so với ngày xưa. Nhờ đó, dân trí cũng vọt cao gấp nhiều lần mà dân trí của một dân tộc bao giờ cũng tiêu biểu cho trình độ văn minh của nước đó. Có nhiều tỉnh trong nước, c hẳng hạn như tỉnh Vĩnh Long, đã phổ cập xong Trung học cơ sở và đang tiến hành phổ cập Trung học phổ thông.

b). Đối với Giáo dục ngoài nhà trường.

Công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có tầm quan trọng đặc biệt, đã trở thành nhiệm vụ của toàn dân. Công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã là một mặt trận rộng rãi, thu hút được nhiều nguồn lực trong xã hội, phát huy được sức mạnh tổng hợp, mang lại nhiều hiệu quả to lớn. Vị trí, vai trò của Hội Khuyến học ngày nay càng được khẳng định, đã được giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong xây dựng xã hội học tập, kể cả trong và ngoài học đường. Với vai trò này, Hội Khuyến học đã góp phần vận động, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng Giáo dục ở các trường, góp phần giữ vững kết quả phổ cập Giáo dục Tiểu học, Trung học cơ sở tiến tới đạt chuẩn phổ cập Trung học phổ thông trong thời gian tới. Các mặt hoạt động thường xuyên của các cấp hội Khuyến học đã có những bước phát triển vững chắc. Các tổ chức hội tiếp tục được củng cố, phát triển. Từ một tổ chức hoạt động chưa ổn định, đến nay hội Khuyến học đã xây dựng được một hệ thống hoàn chỉnh từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời phát triển mạnh mẽ tổ chức vào cơ quan, trường học, đồng hương, dòng họ …

Công tác vận động xây dựng quỹ đạt kết quả khả quan. Hình thức vận động đa dạng, phong phú. Nhiều địa phương đã tổ chức được quỹ ổn định để hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.

Phong trào vận động nhân dân hiến đất xây trường tiếp tục mang lại hiệu quả. Nhiều sinh viên nghèo được hỗ trợ vay tiền ngân hàng để hoàn thành chương trình học tập.

Công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn chuyên môn, tham quan học tập được thực hiện tốt. Việc tổ chức hội thảo, học tập các chỉ thị, nghị quyết đã giúp cho cán bộ, quần chúng nhân dân ngày càng thông suốt đường lối, chủ trương. Công tác tập huấn chuyên môn và tham quan học tập cũng được quan tâm thực hiện nhằm nâng cao trình độ nhận thức và chuyên môn. Việc phối hợp với các ngành Giáo dục - đào tạo để tổ chức các hoạt động tại các Trung tâm học tập cộng đồng đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao trình độ dân trí và cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương. Phong trào xây dựng Gia đình hiếu học ngày càng phát triển sâu rộng vốn là nền tảng để xây dựng tỉnh nhà trở thành một xã hội học tập.

2. Nguyên nhân thành tựu.

a). Đối với Giáo dục trong nhà trường.

Các phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “mỗi Thầy, Cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” phù hợp lòng dân và xu thế thời đại, cũng như ngân sách dành cho Giáo dục năm sau cao hơn năm trước đã là động lực phát triển Giáo dục chánh quy. Cơ sở vật chất dành cho Giáo dục mọc lên ngày càng nhiều với quy mô đồ sộ, trang thiết bị hiện đại cũng là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với học s inh, sinh viên.

Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của sự nghiệp Giáo dục, toàn dân đã tích cực hỗ trợ thiết thực cho học sinh, sinh viên và trường học bằng nhiều hình thức như sửa chữa cơ sở vật chất, hỗ trợ học cụ, kinh phí tham quan, giao lưu, học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, hiếu học … Tổng số tiền hỗ trợ chỉ tính từ năm 2006 đến 2011 của phụ huynh dành cho Giáo dục Vĩnh Long là 63.283.789.863 đồng. Đó là chưa kể một số khá lớn vật chất không quy thành tiền. Việc thực hiện chính sách miễn, giảm học phí trong những năm qua cũng đã tác động tốt đến tâm lý của học sinh, phần nào giảm tỉ lệ học sinh bỏ học vì kinh tế gia đình.

b). Đối với Giáo dục ngoài nhà trường.

Nguyên nhân thành tựu trước hết phải kể đến nhận thức đúng đắn và quyết tâm cao của chánh quyền địa phương. Để đạt được điều đó, bộ phận chức năng cần làm tốt công tác tham mưu. Công tác xây dựng xã hội học tập phù hợp với xu thế phát triển của địa phương và đất nước, tương xứng với truyền thống hiếu học của dân tộc nên được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp tiền bạc, đất đai, công sức … ngày càng nhiều. Đây chính là nguồn lực to lớn thúc đẩy phong trào. Việc sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng kịp thời cũng là nguồn động viên rất đáng kể.

3. Hạn chế.

a). Đối với Giáo dục trong nhà trường.

Vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta phải nhìn nhận là trình độ dân trí nước ta còn kém nhiều so với các nước tiên tiến trên thế giới. Giáo dục là điều kiện tiên quyết để nâng cao dân trí. Từ mấy thập niên trở lại đây, nền Giáo dục nước ta có nhiều vấn đề cần bàn cãi. Chủ trương hạn chế lưu ban thường đưa tới bỏ học là đúng, phù hợp với quốc sách xây dựng xã hội học tập trong cả nước. Nhưng nếu”thi rớt khó hơn thi đậu” và “ở lại lớp khó hơn lên lớp” thì thật là điều cần phải suy nghĩ. Chỉ số thông minh cũng như thể trạng, tầm vóc con người không ai giống ai. Đó là điều hiển nhiên. Có người sáng dạ, có người “âm trì địa ngục”, có kẻ cao to dũng mãnh, có người thấp bé gầy gò. Chúng ta không thể buộc ai cũng đậu Tú tài! Thử hỏi với người đ ếm từ 1đến 100 chưa xong thì làm sao mà đậu được Tú tài! Giả sử bằng cách nào đó, anh có được bằng cấp Tú tài thì bằng cấp đó có xứng đáng hay không? Thêm nữa, bằng cấp chưa phải là điều kiện “ắt có và đủ” để thành công trong cuộc sống! Biết bao thiên tài thành công vang dội như Bill Gates hay Steve Job có tốt nghiệp Đại học đâu?

Học trò giỏi, dỡ đời nào và ở đâu cũng có. Nhưng nếu chúng ta cho “lên lớp lún càn” thì nhất định sẽ có một số không cần học vì biết chắc như đinh đóng cột rằng đàng nào mình cũng lên lớp và cũng thi đậu như ai! Hiện nay trong trường phổ thông nảy sinh tình trạng vàng thau lẫn lộn: cùng một lớp có những em thật giỏi xen lẫn với những em “dốt đặc cán mai”! Điều này, thời chúng tôi đi học không có! Chỉ cần cách nhau một điểm trung bì nh thôi là đủ xa nhau hàng chục “dem” (ième) rồi!

Bây giờ Tú tài chẳng có nghĩa lý gì, kể cả “Cử nhân” cũng thế. Đúng là “ông Nghè, ông Cử cũng nằm co”. Chúng ta đã rơi vào tình trạng lạm phát: lạm phát văn bằng! Phải chăng vì nhiều quá nên hết quý và không được dùng?

Ngoài việc thiếu công ăn việc làm thích hợp, một vấn đề từng làm đau đầu các nhà Giáo dục là bạo lực học đường liên tiếp xảy ra những năm gần đây tại một số trường phổ thông. Chuyện học sinh đánh lộn, hầu hết là nam sinh là chuyện thường tình, nhưng đánh nhau mà có tính toán, có âm mưu, tổ chức, cố sát thương hay các nữ sinh câu kết đánh hội đồng bạn học, cố tình làm nhục nhau bằng cách xé quần, xé áo, bắt quỳ xin lỗi rồi quay phim đưa lên mạng thì tuyệt nhiên ngày xưa không có. Nhan nhản chỗ nào cũng có dán câu “tiên học lễ, hậu học văn” tại các trường. Tiên học lễ mà vậy đó sao?

b). Đối với Giáo dục ngoài nhà trường.

Trong hai mảng xây dựng xã hội học tập thì mảng học tập ngoài nhà trường phát triển còn khá chậm. Số gia đình hiếu học chưa nhiều, việc biểu dương khen thưởng Gia đình hiếu học cũng chưa kịp thời, chủ yếu là do thiếu kinh phí. Phong trào toàn dân tham gia học tập chưa thật sâu rộng, các Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động chưa đều tay, chất lượng hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu học tập của người dân.

Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong chống tiêu cực dạy và học, chống lưu ban bỏ học, phòng chống tệ nạn xã hội xâm nhập nhà trường còn nhiều chệch choạc, chưa ngang tầm với nhiệm vụ đề ra.

Các ban ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội chưa kết hợp chặt chẽ, chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phong trào thi đua vừa rời rạc vừa chưa có chiều sâu vừa mang tính hình thức nên thật sự chưa độ ng viên được nhiều.

4. Nguyên nhân hạn chế.

a). Đối với Giáo dục trong nhà trường.

Nguyên nhân đầu tiên và thuyết phục nhứt là do ảnh hưởng phim ảnh và công nghệ thông tin thời đại. Cái xấu phương Tây bao giờ cũng tác động đến tuổi trẻ Việt Nam nhanh hơ n cái tốt và đôi khi còn đè bẹp cái tốt. Những “mốt” sáng tạo kỳ quặc vừa xảy ra ở Anh, Pháp, Mỹ chẳng bao lâu xuất hiện trên đất nước ta.

Một lý do nữa là chúng ta muốn đi tắt, đón đầu để sớm bắt kịp người về tri thức. Chương trình Giáo dục của ta có tiếng là nặng so với các nước tiên tiến. Ở Singapore chẳng hạn, học sinh đầu cấp 1 cứ học 10 tuần là được nghỉ 2 tuần. Học sinh học tập nhẹ nhàng, thoải mái. Đúng là vừa học, vừa chơi và chẳng bao giờ có chuyện học thêm, học bớt.

Còn học sinh hỗn hào vô lễ thì người ta cho là do luân lý, đạo đức không được dạy dỗ cẩn thận. Chương trình Giáo dục Công dân Cấp 3 nặng về pháp luật, nghĩa vụ hơn là đạo đức. Tiếng là “học lễ” nhưng không thấy “lễ” được dạy ở đâu.

Đào tạo mà không được sử dụng hợp lý, đúng chỗ cũng làm cho tuổi trẻ hao mòn niềm tin. Tuổi trẻ mà mất niềm tin thì tuổi già phải chịu đựng quậy phá chớ sao!.

b). Đối với Giáo dục ngoài nhà trường.

Về khách quan, xây dựng xã hội học tập là một chủ trương quan trọng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đòi hỏi phân định trách nhiệm cụ thể. Từng lúc, từng nơi, công việc này chưa được thực hiện rốt ráo.

Nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm mức quan trọng của chủ trương xã hội hóa Giáo dục.

Ngân sách dành cho mảng học tập không chánh quy, chưa tương xứng với nhiệm vụ đề ra khiến cho công tác xây dựng xã hội hóa Giáo dục gặp nhiều trở ngại.

PHN III: GIÁO DỤC PHẬT GIÁO.

Phân tích, đánh giá nội dung nền Giáo dục ngoài xã hội là nhằm mục đích tìm hiểu tường tận hơn nền Giáo dục Phật giáo, cùng giá trị của nền Giáo dục này trong cộng đồng xã hội. Nền Giáo dục Phật giáo có một quá trình hình thành và phát triển lâu đời, kể từ khi đức Phật Thích Ca thành đạo và bắt đầu chuyển pháp luân.

A. Đức Phật Thích Ca, nhà Giáo dục vĩ đại , chuyển pháp luân.

Theo nhà nghiên cứu Minh Chi “Luân là một khí giới lợi hại về đời thượng cổ Ấn Độ. Nếu đem “Luân” ra dùng thì trăm trận đánh trăm trận thắng. Nó được đem ví với đạo Phật mà triết lý cao siêu đã xô ngã và bẻ gãy hết thảy những tà thuyết cùng dị luận khác.

“Luân” còn có nghĩa là bánh xe tròn, có thể ví với giáo pháp hoàn bị của đạo Phật. Bánh xe đưa người ta tham gia giao thông; đạo Phật dẫn chúng sanh từ bể khổ đến bờ vui, từ sanh diệt đến thường còn, từ nhơ bẩn đến trong sạch, từ nô lệ đến giải thoát.

1. Địa điểm đức Phật Thích Ca đến thuyết giảng.

Sau khi thành đạo, trong 45 năm liền, đức Phật Thích Ca giảng pháp, cứu vớt chúng sanh khắp nơi trong vùng Ấn Độ bao la. Chúng ta có thể coi Ngài là vị giảng sư đầu tiên làm công tác Giáo dục Phật giáo một cách xuất sắc nhứt và di chuyển liên tục từ nước này sang nước khác: từ nước Ca - tỳ - la - vệ ở cực Bắc, dưới chân núi Tuyết Sơn, qua nước Câu-diệm-di ở phương Tây, đến nước Ba-la-nại ở phương Nam.

Vua chúa thời bấy giờ rất tín ngưỡng Phật giáo. Các vua chúa thường đem những khu vườn tịch mịch cúng dường đức Phật để làm nơi thuyết pháp gọi là Tinh xá. Đáng kể là Tinh xá Trúc Lâm ở gần thành Vương Xá là danh tiếng hơn cả, vốn của trưởng giả Karanda, xây trên núi Linh Thứu. Ngoài ra còn có Tinh xá Kỳ Hoàn, do Trưởng giả Cấp Cô Độc, xây trong vườn của Thái tử Kỳ - Đà. Đức Phật thuyết pháp nhiều nhứt ở hai Tinh xá đó.

2. Hàng đệ tử xuất gia và tại gia.

Ngay năm đầu đức Thích Ca thành đạo, đã có hơn ngàn đệ tử, từ vua chúa cao quý cho đến lớp ăn mày bẩn thỉu, bất cứ người nào thành tâm, bỏ tà quy chánh đều được nhận làm học trò. Ban đầu, Ngài chỉ nhận hàng nam đệ tử, tổ chức thành đoàn gọi là Tăng già. Sau Ngài mới thâu nhận nữ đệ tử. Người đàn bà đầu tiên xuất gia là bà dì của Ngài, Bà-xa-bà-đề.

Đàn ông xuất gia gọi là Tỷ kheo, phụ nữ xuất gia gọi là Tỷ kheo ni, Tỷ kheo nghĩa là ăn xin: trên thì ăn xin Pháp Phật để điều trị tâm, dưới ăn xin thực phẩm để nuôi dưỡng thân xác.

Lại có hàng đệ tử Phật không cắt tóc xuất gia, vẫn sống tại nhà, có vợ con và thực hành Phật đạo theo năng lực của mình. Đó là hàng đệ tử tại gia, nam là Ưu - bà - tắc, nữ là Ưu - bà - di. Hai chúng xuất gia hợp với hai chúng tại gia, cộng chung: bốn chúng.

Trước khi nhập Niết bàn, Ngài vẫn tiếp tục dạy dỗ:

“Này A - Nan, con bảo rằng sau khi Phật diệt độ, sẽ không còn nơi nương tựa che chở chăng? Con không nên nghĩ như vậy, những kinh luật ta đã dạy từ khi thành Phật đến giờ sẽ là nơi nương tựa, che chở của các con”.

Từ đó, một nền Giáo dục mệnh danh là Giáo dục Phật giáo hình thành và phát triển qua các thời đại cho đến ngày nay.

B. Bản chất và nội dung nền Giáo dục Phật Giáo.

1. Các đặc điểm của Phật Giáo.

a). Đạo Phật có phải là tôn Giáo?

Theo ý kiến của Đại đức Nàrada, người Tích Lan, Phật giáo không phải là tôn giáo đúng nghĩa nếu hiểu tôn giáo là “một hệ thống tín ngưỡng nhằm sùng bái và trung thành với một đấng siêu nhiên”.

Phật giáo không đòi hỏi các tín đồ tin tưởng mù quáng. Phật tử quy y đức Phật vì chính Ngài đã phát hiện con đường giải thoát.

Phật tử quy y đức Phật không thể hy vọng được Ngài cứu giúp bằng chính sự Tịnh hóa của Ngài. Đức Phật không hề đảm bảo như vậy. Việc tẩy sạch các ô nhiễm của chúng sanh không thuộc quyền hạn của bậc Giác ngộ.

Đức Phật, ở cương vị của bậc Đạo sư, dạy chúng ta, nhưng chính chúng ta phải có trách nhiệm trực tiếp về sự thanh Tịnh hóa của chúng ta.

Phật tử tuy quy y đức Phật nhưng không phải là kẻ tự đầu hàng trước người khác. Phật tử cũng không hy sinh tự do tư tưởng của mình để trở thành đệ tử đức Phật.

Đối với người cần tìm chân lý, đức Phật dạy: “Đừng chấp nhận bất cứ điều gì chỉ vì được nghe nói. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì do truyền thống. Đừng chấp nhận bất cứ điều gì chỉ do tuyên truyền. Đừng chấp nhận bất cứ điều gì chỉ vì phù hợp với kinh điển của mình …”

Đức Phật không tin trong vũ trụ có một đấng toàn năng, toàn trí, hiện diện khắp nơi, cũng không có những khải thị siêu nhiên hay những thiên sứ. Do đó, Phật tử không nô lệ bất cứ quyền lực siêu hình nào …

Đó là những điểm cấp tiến đặc sắc chỉ thấy trong Phật pháp, vượt khỏi mọi câu thúc của một tôn giáo!

b). Mười đặc điểm của Phật Giáo.

Theo một danh tăng hiện đại, Phật giáo hội đủ mười đặc điểm:

- Đặc điểm thứ nhứt là “in như sự thật”. Lý thuyết, phương pháp cùng kết quả đều hợp lý, đều như thật. Phật giáo không chen chủ quan của mình vào trước hay trong khi suy nghiệm sự thật và chân lý của đạo Phật là lời kết luận sau sự suy nghiệm trung thực ấy. Đạo Phật chỉ thấy và chỉ nói những sự thật mà sự vật có, không thêm không bớt … Cho nên đạo Phật cũng được gọi là đạo Như Thật.

- Đặc điểm thứ hai là “tôn trọng sự sống”. Không sát sanh, ăn chay là những điều tượng trưng cụ thể cho đặc điểm ấy. Đạo Phật xem sự sống trên tất cả. Giết sự sống để nuôi sự sống là mê muội, mà vì tham sống nên hại sự sống cũng là vô minh.

- Đặc điểm thứ ba là chỉ thừa nhận sự “tương quan, sinh tồn”. Đạo Phật dạy cho người ta thấy ở đời phải tự lập chứ không thể biệt lập. Vũ trụ là một lò tương quan, không có gì là trung tâm, không có gì là phụ thuộc.

- Đặc điểm thứ tư là xác nhận “người là trung tâm điểm của xã hội loài người”. Tất cả đều do người phát sanh và đều phát sanh vì người. Năng lực hoạt động của con người tạo tác chi phối tất cả.

- Đặc điểm thứ năm là đạo Phật chú trọng “đối trị tâm bịnh con người trước hết”. Xã hội phản ảnh trung thành tâm trí con người. Muốn cải tạo xã hội, căn bản là cải tạo con người, cải tạo tâm bịnh con người.

- Đặc điểm thứ sáu là đạo Phật “đào luyện con người thành bi, trí, dũng”. Bi là tôn trọng quyền sống của người khác. Trí là hành động sáng suốt, lợi lạc. Dũng là quyết tâm quả cảm hành động. Ba yếu tố này hòa quyện, gắn bó keo sơn với nhau, đào tạo nên con người mới, xây dựng xã hội mới.

- Đặc điểm thứ bảy là “kiến thiết một xã hội mới” mà căn bản là con người mới. Trước hết, con người mới đó phải chiến thắng chính mình. Trong xã hội ấy, quyền sống tuyệt đối bình đẳng: bình đẳng trong nhiệm vụ, bình đẳng trong hưởng thụ.

- Đặc điểm thứ tám là “tiến lên vô thượng giác”. Xa hơn nữa, đạo Phật còn hướng dẫn con người tiến dần lên chóp đỉnh tiến hóa là vô thượng giác của Phật đà.

- Đặc điểm thứ chí n là “tự lực giải thoát”. Đức Phật chỉ chúng ta thấy con đường sáng. Còn chúng ta phải tự thắp đuốc trí tuệ mà đi. Tự lực giải thoát là con đường duy nhứt của mười phương chư Phật, chư Bồ tát. Phật tử cần tự lực giải thoát ngay trong cảnh giới đ au khổ, mê muội. Tuệ giác vô thượng chỉ phát khởi từ chúng sanh.

- Đặc điểm thứ mười cũng là đặc điểm cuối cùng là “hiện chứng, thể nghiệm”. Hiện chứng là nương theo lời đức Phật dạy, chúng ta bước từng bước, hiện chứng đến đâu thể nghiệm chân lý đến đó, cho đến khi toàn giác. Đức Phật ban cho ta cái thang, ta phải tự lực mà trèo từng nấc thang lên giàn hoa chân lý. Trèo được nấc nào là tự thể nghiệm chân lý nấc ấy.

Mục đích của nền Giáo dục Phật giáo là nhằm triển khai, quán triệt, càng sâu càng tốt, các đặc điểm trên.

2. Giáo dục tại các Đạo tràng và Tự viện. a). Tại các Đạo tràng:

Ngay từ thời đức Phật còn tại thế, Ngài đã thành lập các Đạo tràng để cho chư Tăng tu học, vừa là nơi để cho cư sĩ Phật tử đến nơi tu tập dưới sự hướng dẫn của đức Phật và chư Tăng, như Tinh xá Trúc Lâm, Tinh xá Kỳ Viên, giảng đường Lộc Mẫu. Đó là ba Đạo tràng tu học lớn nhứt lúc bấy giờ. Đạo Phật truyền đến đâu thì các Đạo tràng tu học được thành lập đến đấy.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngay từ buổi đầu, cùng với sự có mặt của chư Tăng, các chùa đã được xây dựng cho Phật tử tề tựu về tu học.

Dưới triều đại nhà Đinh, tiền Lê và nhà Lý, các Đạo tràng không chỉ dừng lại trong khuôn khổ đào tạo Phật học, mà cả Thế học, Nho giáo.

Đến triều đại nhà Trần, với sự phát triển mạnh của Phật giáo, từ tầng lớp vua quan, quý tộc đến quần chúng nhân dân đều hướng về Phật giáo, chuyên cần tu học.

Dưới triều đại nhà Nguyễn, bên cạnh Thiền tông, Tịnh độ tông cũng đã phát triển khá mạnh, các Đạo tràng tu học Tịnh độ đã được thành lập ở nhiều nơi.

Đến đầu thế kỷ XX, qua ảnh hưởng của phong trào chấn hưng Phật giáo từ Trung Quốc và một số nước châu Á, nhiều hội đoàn Phật giáo đã được thành lập. Điển hình như hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học (1930), hội An Nam Phật học ở Trung Kỳ (1932), hội Phật giáo Bắc Kỳ (1934), Lưỡng Xuyên Phật học ở Trà Vinh …

Tổ chức gia đình Phật tử nhằm mục đích Giáo dục thanh thiếu niên sống theo tinh thần Phật giáo, đã được thai nghén từ năm 1943 và chánh thức ra đời, đi vào hoạt động mạnh mẽ từ năm 1951.

Vào những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, phong trào tu học của cư sĩ Phật tử càng được giới lãnh đạo Phật giáo quan tâm nhiều hơn. Rất nhiều chương trình, nhiều khóa tu học dành cho Phật tử tại gia được mở ra, với nhiều pháp môn, nhiều nội dung tu học khác nhau. Điển hình, như các Đạo tràng tu Thiền theo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Hòa thượng Thanh Từ dẫn dắt, các Đạo tràng Pháp Hoa do Hòa thượng Thích Trí Quảng dẫn dắt, các Đạo tràng tu theo Pháp môn Tịnh Độ, nổi bật nhứt là Đạo tràng Tịnh độ chùa Hoằng P háp, các Đạo tràng trì tụng kinh Dược Sư, Chú Đại Bi … Gần đây còn hình thành các mô hình tu học mới: các câu lạc bộ, các khóa tu ngắn ngày, các buổi tọa đàm, các hội trại, …

b). Tại các Tự viện.

Về ngữ nguyên, Tự viện có quy mô lớn hơn Đạo tràng mà học giả Đào Duy Anh còn gọi là “đạo trường” (P.temple) với ý nghĩa “chỗ giậy (sic) kinh và cúng bái của Phật giáo …” hay chỗ “tu đạo (P.monastère, couvent)”. Tuy nhiên trên thực tế, nội dung hai từ gần như tương đương.

Các Tự viện là Trung tâm chánh của nền Giáo dục Phật giáo. Ở đó, việc Giáo dục được mở rộng cho mọi thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo … được theo học miễn phí.

Ở mức độ khái quát, có thể nói sự phát triển của ngành Giáo dục Phật giáo là sự phát triển của nền Giáo dục Tự viện hay Phật học viện.

Bài pháp về giáo lý Tứ Diệu Đế đức Phật giảng cho năm anh em ông Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển sau khi Ngài giác ngộ, đã khởi đầu cho nền Giáo dục Phật giáo như đã trình bày. Khi giáo đoàn được thành lập với sự hình thành của các Tinh xá, nền Giáo dục Tự viện đã bắt đầu. Từ mùa an cư đầu tiên, Giáo dục Phật giáo đã mặc nhiên sinh hoạt dưới hai hình thức: Giáo dục Tự viện trong ba tháng an cư mùa mưa và Giáo dục quần chúng trong chín tháng mùa khô.

Việc Giáo dục quần chúng dần dần trở nên tập trung: Tự viện trở thành những Trung tâm tu học cho cả giới cư sĩ dưới hình thức những khóa tu một ngày hay nhiều ngày, tạo nên sự biến đổi về nội dung và hình thức trong quá trình phát triển của nền Giáo dục Phật giáo.

Ngày nay, với nhu cầu học hỏi và truyền bá, chương trình học trong nhiều Tự viện Phật giáo đã bổ sung thêm những môn học cần thiết và phổ biến như Anh ngữ, khoa học tự nhiên, y học, tin học…

Mục tiêu của Giáo dục Phật giáo là đạt đến trí tuệ cứu cánh hay trí tuệ chân thật, giúp chúng ta thoát khỏi đau khổ, tìm thấy chân hạnh phúc trong cuộc sống.

Giá trị của nền Giáo dục Phật giáo chính là những thành tựu từng bước xóa bỏ vô minh - nguyên nhân của triền miên đau khổ - khai mở dần dần tuệ giác kinh qua nhịp cầu giới và định trong tam đoạn: Giới - Định - Tuệ.

C. Giá trị hay thành tựu và nguyên nhân thành tựu.

1. Thành tựu.

Nhìn chung, tình hình Giáo dục Phật giáo ngày càng khởi sắc. Các Đạo tràng, các khóa tu được mở ra ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn và ảnh hưởng ngày càng mạnh, đối với tập thể cũng như cá nhân.

a). Đối với tập thể.

Thành tựu đầu tiên là tạo được sức mạnh tập thể trong quá trình tu học. Sức mạnh này không chỉ là sức mạnh vật chất mà còn là sức mạnh tinh thần. Khi có nhiều người cùng tu tập thì việc tổ chức sẽ thuận tiện hơn. Đàng khác, sinh hoạt tập thể còn tạo ra sức mạnh vô hình tựa hồ “từ trường”, có khả năng cảm hóa và phát huy đạo tâm, duy trì niềm tin Chánh pháp. Đó là sự thật mà bất cứ ai thường xuyên tham dự lễ hội chùa chiền cảm nghiệm ít nhiều.

Khi tụ tập chung với nhiều người khác, người ta có điều kiện nổ lục hơn, tinh tấn hơn và nghiêm túc hơn. Ngoài ra, Phật tử cũng có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.

b). Đối với cá nhân.

Giáo dục Phật giáo trước tiên dạy chúng ta biết và hiểu kinh Phật vốn có rất nhiều kinh sách do đức Phật hay các vị đại đệ tử của Ngài giảng dạy.

Học kinh như là một phần của tiến trình tu học, nhằm chuyển đổi bản thân, giúp chúng ta trở thành người tốt hơn, có phạm hạnh và đạo đức cao hơn.

Giáo dục là để phát triển trí tuệ, hiểu thấu bản chất thật sự của các Pháp, hiểu được những điều luôn chân thật và có giá trị, qua đó loại bỏ những quan điểm sai lầm.

Giáo dục Phật giáo giúp đào tạo nên những con người có thể đem giáo pháp của đức Phật trao truyền lại cho những người khác. Nghiên cứu Phật pháp là để làm lợi ích cho cuộc đời nầy, là đào tạo nên những con người biết phụng sự người khác.

2. Nguyên nhân thành tựu.

Sở dĩ Giáo dục Phật giáo gặt hái được nhiều thành quả nêu trên, có lẽ bắt nguồn từ các lý do sau đây:

a. Đáp ứng được yêu cầu bức xúc của con người là giải thoát. Ai cũng phải chết một lần. Nhưng cái chết có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Chúng ta luôn sống trong tư thế phòng thủ nhằm chống lại cái chết luôn luôn rình rập ta. Bao lâu cái chết còn khống chế vạn vật là bấy lâu ta còn mơ giải thoát và giáo lý đức Phật còn được tôn sùng.

b. Giáo lý đức Phật vừa thực tế, vừa gần gũi chúng ta với nhiều cấp độ khác nhau mà bất kỳ ai ở trình độ nào cũng ứng dụng được.

c. Giáo pháp đức Phật có nhiều điểm cách tân so với đương thời, đặc biệt là tinh thần bình đẳng hết sức triệt để.

d. Tính đại chúng và tính “dân tộc” đối với người Việt Nam trong giáo lý đức Phật rất cao. Có thể rằng, sau trên hai ngàn năm trăm năm, tư tưởng Phật giáo đã ngấm vào xương thịt của dân tộc Việt Nam. Cũng có thể rằng trong quá trình xây dựng giáo lý, đức Phật Thích Ca và các đại đệ tử của Ngài đã dựa trên dân tộc tính phương Đông.

Ngày nay, trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam, có một phần không nhỏ thuật ngữ Phật giáo như: Ta bà, giác ngộ, giải đãi, tội nghiệp, …

D. Hạn chế và nguyên nhân hạn chế.

1. Hạn chế.

Bên cạnh những thành tựu to lớn, việc tổ chức sinh hoạt và Giáo dục tại các Đạo tràng, Tự viện vẫn còn tồn tại một số bất cập, điển hình như sau:

a. Sinh hoạt của các Đạo tràng, Tự viện còn thiếu tính t hống nhứt và đồng bộ, ngay cả những nghi lễ tụng kinh bái sám cũng không giống nhau.

b. Một số nội dung trong phần nghi thức tụng niệm sử dụng tiếng Hán-Việt khiến cho Phật tử không hiểu hết, làm suy giảm ý nghĩa và hiệu quả của việc tụng niệm.

c. Một số Đạo tràng chưa chú trọng lắm vấn đề giảng dạy giáo lý căn bản. Có nơi còn thiếu người hướng dẫn, giảng dạy có năng lực sư phạm.

d. Các Đạo tràng tu học, các Hội, Đoàn Phật tử chủ yếu tập trung phát triển mạnh ở thành thị. Tại các vùng nông thôn sâu và xa, vùng đồng bào thiểu số chưa được phát triển và triển vọng phát triển còn xa. Nhiều nơi còn nhiều thứ thiếu: Thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo thọ và nhứt là thiếu kinh phí tổ chức.

e. Thiếu tính chặt chẽ, nhứt quán trong liên kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các ban ngành, đoàn thể liên quan.

f. Các vị lãnh đạo trong Đạo tràng, Hội, Đoàn cư sĩ, Phật tử còn khá thụ động. Phần lớn chỉ đón tiếp người tự giác tìm đến, chứ chưa chủ động vận động gọi mời. Tinh thần dấn thân, phụng sự đạo pháp cũng cần xem xét lại.

g. Hình thức sinh hoạt, tu học ở các Đạo tràng chưa phong phú, chưa tạo được tâm lý tích cực, chủ động và hăng hái tham gia tu học cho các Phật tử. Mỗi Đạo tràng hình như hoạt động theo một nội quy riêng, không hoàn toàn thống nhứt với từng nội quy các Đạo tràng khác trong khu vực.

h. Thiếu các hoạt động thi đua, khen thưởng trong Đạo tràng hoặc giữa các Đạo tràng liên kết với nhau. Vì vậy, chưa tạo được nguồn động viên, khích lệ, chưa hình thành được phong trào Giáo dục Phật giáo.

i. Trình độ văn hóa phổ thông của học viên không đồng đều. Có người đã tốt nghiệp Cao đẳng chánh quy, có người vừa tốt nghiệp Tú tài, có người đang học lớp Sáu, lớp Bảy phổ thông tại các Trung tâm học tập cộng đồng. Điều này tạo rất nhiều khó khăn cho người dạy lẫn người học.

j. Tại giảng đường, thông thường học viên chỉ nghe giảng và dò theo tài liệu đã được phân phối trước đó. Cái lợi là học viên đỡ mất thì giờ ghi chép, làm bài tập tại giảng đường. Trong giờ, học viên chỉ cần tập trung lắng nghe. Tai hại cũng từ đấy mà ra. Ít viết, ít động não, học viên quen dần với thụ động, mất dần kỹ năng sáng tạo, viết lách. Đến lúc cần phải viết, học viên cầm viết mà viết mãi không thành câu; nét chữ thì cong quẹo; câu cú thì què cụt; ngữ pháp, chánh tả thì sai đầy trong bài!

2. Nguyên nhân hạn chế.

Thiển nghĩ, Giáo dục Phật giáo còn một số mặt hạn chế như vừa trình bày trên là do các nguyên nhân điển hình sau:

a. Thời gian gần đây, tiếp nhận được sự hỗ trợ tương đối tích cực từ bên ngoài, một số nơi hình như quá quan tâm đến việc dựng xây cơ sở vật chất sao cho đồ sộ, lộng lẫy mà xao lãng Giáo dục. Chúng ta thấy rải rác đó đây, nhiều cơ sở lộng lẫy sơn son, thếp vàng, thoạt trông tưởng như cung điện vua chúa ngàn xưa. Có những ngôi chùa lớn nhứt Việt Nam! Có những Đại hồng chung nặng nhứt Đông nam Á! Có những pho tượng sừng sửng trên đỉnh núi cao.

Thật ra, chùa to Phật lớn là tốt thôi, lưu lại cho con cháu đời sau những công trình “hi hữu”, giá trị như di tích lịch sử cũng là điều quý. Nhưng tất cả hoạt động Phật sự đều cần nhịp nhàng, hài hòa cân đối với hoàn cảnh chung của Giáo hội và của đất nước, cần sáng suốt sắp xếp thứ tự ưu tiên. Thiết tưởng, trong hoàn cảnh đạo đức xã hội còn nhiều vấn đề, ưu tiên một phải là Hoằng pháp. Gần đây, trên diễn đàn Văn hóa Phật giáo, nhiều ý kiến đã đặt lại vấn đề lãng phí nầy.

b. Vào hậu bán thế kỷ trước, có một dạo trường Bồ đề nở rộ! Bây giờ, gần như không còn trường nào hoạt động! Cố nhiên là do rất nhiều nguyên nhân. Nhưng trong các nguyên nhân đó thế nào cũng có nguyên nhân về kinh nghiệm quản lý, nền nếp và chất lượng học tập! Có phải chăng nhiệt tâm thôi chưa đủ, cần phải có yếu tố và điều kiện khác và “dục tốc” thì thường là “bất đạt”?

3. Đề xuất ý ki ến khắc phục.

Tuyên dương các mặt mạnh có giá trị tích cực, trình bày các mặt hạn chế tức là đề xuất các ý kiến khắc phục. Ở đây, báo cáo viên chỉ xin đề xuất bổ sung một vài ý kiến mọn nhằm khắc phục những vấn đế bất cập, nâng cao hiệu quả Giáo dục Phật giáo.

a. Giáo hội, đặc biệt là Ban Hoằng pháp, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, cụ thể là đào tạo giảng sư, giáo thọ để điều hành Đạo tràng, Hội, Đoàn cư sĩ Phật tử, Tự viện … một cách tốt lành và đạt hiệu quả cao.

b. Ý kiến của nhà nghiên cứu Giáo dục Quảng Trí hết sức xác đáng, qua đề xuất cần đẩy nhanh công tác biên soạn một bộ sách giáo khoa Phật pháp căn bản và thống nhứt trên phạm vi toàn quốc, từ sơ cấp đến cao cấp, quy định dùng trong các trường Phật học. Tất nhiên, trước đó cần có nhiều cuộc hội thảo sâu rộng để lấy ý kiến thống nhứt.

“Nghi thức tụng niệm” cũng cần thống nhứt sử dụng một quyển độc nhứt mà thôi. Cố nhiên, đó là quyển được phổ biến rộng rãi bởi chân giá trị của nó.

Trong loạt bài nghiên cứu hết sức công phu và chi tiết nhan đề “Bước đầu đề xuất một chương trình giảng dạy văn học Phật giáo Việt Nam” đăng liên tiếp trên Nguyệt san Giác Ngộ từ số 143 tháng 2/2008 đến số 148 tháng 7/2008, nhà Giáo dục Đào Nguyên đã tạo được cảm tình và đồng thuận của rất nhiều người quan tâm đến vấn đề Giáo dục Phật giáo. Tuy nhiên, đã bốn năm dư trôi qua, kết quả hình như chưa được công bố trên Nguyệt san nầy.

c. Đẩy mạnh sự liên kết giữa các ban ngành trong Giáo hội, giữa các Đạo tràng, Đoàn, Hội với nhau, nhằm tạo thuận lợi, phong phú, đa dạng trong tổ chức, trong hướng dẫn chương trình tu học.

d. Tổ chức các Đạo tràng tu học ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ xây dựng cơ sở tu học.

e. Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo về hoạt động Giáo dục theo định kỳ để trao đổi kinh nghiệm sư phạm giữa các Giáo thọ, phổ biến những thông tin giáo khoa mới. Đồng thời, các cuộc thi với nội dung nội khóa hay ngoại khóa cần được liên tục tổ chức nghiêm túc nhằm khích lệ tinh thần tu học.

f. Cuối cùng, thiết nghĩ Giáo hội Phật giáo, các cấp cần bàn bạc, thảo luận thống nhứt từng bước mở các lớp phổ thông tiểu học, Trung học cơ sở, Tr ung học phổ thông dành riêng cho thanh, thiếu niên xuất gia, tương tợ như các “chủng viện”. Các lớp này cần được tổ chức học tập và thi cử chặt chẽ, nghiêm túc theo chương trình của ngành Giáo dục - Đào tạo. Có thấy các “cô”, các “chú” đầu tròn, áo vuông, ngồi lẫn lộn với đám “nhứt quỷ, nhì ma …” tại các trường phổ thông thế tục mà lòng đau, dạ xót! Các học sinh tu sĩ nầy chịu đựng biết bao là tủi cực!

Chùa không to, tượng Phật không lớn mà tổ chức được những lớp học phổ thông nghiêm túc, dành riêng cho kẻ thế phác quy y thì đáng hoan nghinh biết là chừng nào!

*

* *

Như báo cáo trên, mục đích sau cùng của Giáo dục Phật giáo là trí tuệ cứu cánh. Trí tuệ là gia tài có sẵn đã bị bỏ quên. Nhứt thiết do tâm tạo. Nền Giáo dục Phật giáo lấy Tâm làm tôn chỉ, có nghĩa là tìm lại chính mình.

Nói chung, Giáo dục Phật giáo là nền Giáo dục nhân bản, xét về bản chất. Giá trị cao quý của nền Giáo dục nầy cũng xuất phát từ đó.

Điều tối cần cho người theo đạo Phật là vận dụng khả năng trí tuệ nhạy bén, vượt lên trên giới hạn của lòng tin mù quáng, mạnh dạn tìm hiểu sâu vào chính mình. Do đó, tín ngưỡng Phật giáo chỉ dựa vào lý luận và tri thức, tinh thần thực tiễn chứ không dựa vào lòng tin bâng quơ, mù quáng.

Xuất phát từ Tôn giáo nhưng Giáo dục Phật giáo lại phóng ngo ại, ra ngoài nhà chùa nhằm phục vụ cho lợi lộc của con người trong xã hội và không bao giờ ràng buộc ai dưới bất cứ hình thức nào!

Đang hoạt động sôi nổi trên toàn quốc là bốn Học viện Phật giáo Việt Nam, chín lớp Cao đẳng Phật học, ba mươi ba Trường Trung cấp Phật học và gần một trăm lớp Sơ cấp Phật học nói lên phần nào thành tựu và giá trị của nền Giáo dục Phật giáo.

Tự trang bị bằng vũ khí Văn-Tư-Tu tiến vào khu rừng Giới - Định - Tuệ, nền Giáo dục Phật giáo từ trên hai mươi lăm thế kỷ vẫn xoay quanh trục ba yếu tố nầy, hòa quyện nhau, không giây phút chia ly.

Đó là tất cả cốt lõi của Giáo dục Phật giáo.

Xong lúc 23:00 ngày 02-03-2012 (PL.2555)

MINH CHÂN ( Vĩnh Long)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. Tài liệu (lưu hành nội bộ)

1. Văn kiện Địa hội Đại biểu lần IV, nhiệm kỳ 2011-2015 của Tỉnh hội Khuyến học Vĩnh Long.

2. Nhà ngoại giao tâm huyết khuyến học - khuyến tài xây dựng xã hội học tập của Hội Khuyến học Việt Nam.

B. Sách:

3. Các vấn đề Phật học của Minh Chi, viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, ấn hành 1995.

4. Đạo Phật tinh yếu của Nàrada, Phương Thảo dịch, Nhà Xuất bản Tôn giáo.

C. Tạp chí :

5. Nguyệt san Giác Ngộ các số: 128,169, 170, 180.

6. Một vài ý kiến rút từ Bán nguyệt san Văn hóa Phật giáo.

D. Tự điển và Từ điển:

7. Một số Tự điển và Từ điển Hán Việt và Việt Nam có liên quan.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn