Giáo Dục Phật Giáo Định Hướng Tương Lai - Thích Trưng Khiết

30 Tháng Mười Hai 201200:00(Xem: 8705)


Giáo Dục Phật Giáo Định Hướng Tương Lai

Thích Trưng Khiết

Nói đến giáo dục Phật giáo là một nền giáo dục mang nhiều sắc thái đặc thù, đặc sắc, là sự giáo dục trưởng thành trí tuệ một cách toàn diện, cả tinh thần lẫn thể chất, hoàn thiện từ nội dung cho đến hình thức, từ đời sống vật chất cho đến đời sống tâm linh…Để có tầm nhìn toàn diện, chúng ta phải có con mắt trí tuệ để quán chiếu các pháp.

Chúng tôi xin thay lời cho Ban giáo dục Tăng Ni tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận, kính chúc sức khỏe quý đại biểu, chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

Với ngành giáo dục nói chung và giáo dục Phật giáo nói riêng là niềm trăn trở của mọi người qua bao thế hệ. Hôm nay, chúng tôi xin trình bày đề tài: “Giáo dục Phật giáo định hướng tương lai”. Với đề tài này, chúng tôi trình bày những điểm sau:

1. Khái niệm về giáo dục Phật giáo

2. Những đặc thù của giáo dục Phật giáo.

2.1. Phật giáo lấy con người làm trung tâm.

2.2. Phật giáo hướng nội – quay về tự tâm, sáng suốt.

3. An lạc hiện tại, định hướng tương lai.

3.1. Trao dồi “Giới, Định, Tuệ”

3.2. Tu tập tự thân – năng lượng giáo dục.

4. Kết luận – nhận định.

-------------

Kính thưa quý vị:

Nói đến giáo dục Phật giáo là một nền giáo dục mang nhiều sắc thái đặc thù, đặc sắc, là sự giáo dục trưởng thành trí tuệ một cách toàn diện, cả tinh thần lẫn thể chất, hoàn thiện từ nội dung cho đến hình thức, từ đời sống vật chất cho đến đời sống tâm linh…Để có tầm nhìn toàn diện, chúng ta phải có con mắt trí tuệ để quán chiếu các pháp.

Từ khi “khai thiên lập địa”, con người sinh sống theo bộ lạc…muốn cho cuộc sống tốt đẹp, dù ở thời đại nào, bất cứ dân tộc nào…cũng phải “giáo dục” theo một ý nghĩa nhất định nào đó. Mục đích làm cho con người đi vào quỹ đạo cuộc sống, tiến bộ trong từng thời kỳ, như săn bắn, hái lượm…dần dần con người biết chế biến thức ăn theo phương thức của nó. Đứng về mặt nào đó, con người đã có một nền “giáo dục nội bộ” nghĩa là người trước giáo dục người sau, người lớn giáo dục người nhỏ theo thể thức tập quán khác nhau. Từ khi khoa học phát triển, con ngườ i tiến bộ hơn, hệ thống giáo dục được đi vào quỹ đạo nhất định, có phương thức và định nghĩa rõ ràng cho từng lĩnh vực. Nói đến Giáo dục, đặc biệt là giáo dục Phật giáo thì chưa có một định nghĩa nào cụ thể, các nhà nghiên cứu cũng chỉ dừng lại ở mức độ nào đó để mọi người tự hiểu và triển khai trong nhận thức theo sự hiểu của mình mà truyền lại cho thế hệ sau. Thế Nhưng, chúng ta cũng nên đi vào “khái niệm” mà các nhà nghiên cứu đã đưa ra.

1. Khái niệm về giáo dục Phật giáo.

Lật từng trang sử, tìm về quá khứ, từ sơ khởi của Phương Đông lẫn Phương Tây định nghĩa rằng: “Giáo” là dạy, là sự rèn luyện về tinh thần nhằm phát triển trí thức và huấn luyện tình cảm đạo đức. “Dục” là nuôi nấng, săn sóc về mặt thể chất.

Vậy Giáo dục là đào luyện con người về cả hai phương diện trí tuệ tình cảm và thể chất.

Tóm lại, giáo dục là người trên đặt ra cho người dưới phải bắt chước làm theo và nuôi con phải khiến cho con mình làm điều thiện.

Theo một định nghĩa khác: Nói đến giáo dục là nói đến việc dạy, việc truyền thọ kinh nghiệm và kỷ năng, kiến thức của người dạy cho người học.

Đến nay chưa có một định nghĩa nào cụ thể, đại khái: “Giáo dục” là sự dạy dỗ truyền thọ và đào luyện cho người nhận sự giáo dục được mở mang trí tuệ và đức hạnh, tự khám phá và hiểu được mình nhờ đó có những hành động phù hợp với môi trường, với cuộc sống, với cộng đồng xã hội.

Cách hiểu giáo dục như vậy là quá sơ sài, nhưng ta chỉ có thể hiểu giáo dục một cách khái quát qua những định nghĩa trên.

Do vậy khi chúng ta đề cập đến khái niệm giáo dục thì rất phức tạp bởi có nhiều định nghĩa khác nhau. Mục tiêu duy nhất của giáo dục là cung cấp cơ hội phát triển và loại bỏ các ảnh hưởng gây trở ngại sự phát triển, mà đem đến cho cá nhân sự phát triển tri thức và phát triển khả năng đến cao điểm. Giáo dục phải được xem có mối liên hệ với cộng đồng hơn là liên hệ với cá nhân và công dụng chính của giáo dục là đào tạo công dân hữu dụng…

Từ định nghĩa về giáo dục, chúng ta có thể đi vào “giáo dục Phật giáo” một cách cụ thể. Nói về định nghĩa một cách chính xác, thì chưa một nhà nghiên cứu nào đưa ra định nghĩa cụ thể, đại khái chúng ta hiểu:

Giáo dục Phật giáo, là một hệ thống giáo dục do chính đức Phật khám phá ra và giảng dạy cách đây hơn 26 thế kỷ, đã thể hiện đầy đủ qua hệ thống giáo lý duyên khởi, năm thủ uẩn, bát chánh đạo, tứ niệm xứ…

Mục đích tối hậu của giáo dục Phật giáo là mang lại sự an lạc giải thoát khỏi mọi sự khổ đau, phiền não muôn thuở vốn có trong cuộc đời, của mọi khiếp người, của bất cứ một ai. Đó là mục tiêu cao nhất, khó nhất, phải trải qua nhiều kiếp sống mới có được. Nhưng đối với bất cứ một ai cũng có thể đạt tới, không trong kiếp này thì kiếp sau nếu biết và cố gắng kiên trì thì theo giáo pháp của Phật. Đó là Niết bàn là hạnh phúc tối cao vĩnh viễn trên tinh thần giáo dục Phật giáo.

2. Những đặc thù của giáo dục Phật giáo.

Nói đến kho tàng giáo lý đạo Phật – nền giáo dục Phật giáo thì vô cùng rộng lớn, từ kinh tạng cho đến luận tạng đều những đặc điểm cụ thể, từng pháp môn rõ ràng…mục đích hướng con người đến chân, thiện, mỹ và giải thoát khỏi sự khổ đau, phiền não sanh tử luân hồi. Trong bài này, chúng tôi chỉ nói vài đặc điểm như sau:

2.1. Phật giáo lấy con người làm trung tâm.

Trở về lịch sử, khi đức Phật thị hiện trên cuộc đời này, cũng vì mục đích “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Đời sống xã hội Ấn độ lúc bấy giờ, có nhiều giai cấp, phân chia rõ ràng, giai cấp này không có đặc quyền như giai cấp khác và ngược lại. Có thể nói đức Phật là người đầu tiên xóa bỏ giai cấp trong lịch sử nhân loại; xây dựng một xã hội bình đẳng, mặc dầu điều đó đi ngược lại với truyền thống của Bà la môn (tư tưởng chủ đạo của xã hội Ấn độ thời bấy giờ). Đức Phật đã áp dụng sự bình đẳng trong tăng đoàn, những người theo ngài không phân biệt giai cấp nào. Những ai giác ngộ một lòng đi theo con đường c ủa Ngài đều bình đẳng như nhau, đức Thế tôn dạy: “không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ”. Đây là một tư tưởng vĩ đại, vô tiền khoáng hậu, có một không hai từ xưa đến nay.

Có thể nói, đức Thế Tôn là một con người vĩ đại không chỉ về lĩnh vực giáo dục mà còn về cả lĩnh vực khác như: Nhà cách mạng vĩ đại, nhà giải phóng con người khỏi nô lệ, nhà lương y (tùy bệnh cho thuốc), nhà bảo vệ môi trường, nhà hòa bình… Những tư tưởng mà đức Phật đưa ra đều lấy con người làm trung tâm để giáo dục. Trong khế kinh đức Phật dạy: “con người là tối thắng, vì con người có thể thực hiện hết thảy mọi sự tốt đẹp”…

Theo đức Thế tôn, nguồn gốc của chiến tranh là lòng tham lam và sân hận. Tham mà không được thì trở thành thù, giải quyết hận thù bằng con đường vũ lực để chinh phục kẻ khác. Từ đó dẫn đến sự bất an cho xã hội, làm con người khổ đau vì chiến tranh, vì bản ngã…Bản chất của chiến tranh là trái với lẽ phải, đáng bị lên án nhưng có một số người lại xem chiến tranh là điều vinh dự đáng khích lệ.

Đức Phật đã tỏ thái độ của ngài về chiến tranh:

Thắng trận sanh thù oán,

Bại trận nếm khổ đau,

Ai bỏ thắng, bỏ bại,

Tịch tịnh hưởng an lạc.

(Kinh Tương Ưng bộ tập 1)

Vì vậy, đức Phật mới đưa ra tư tưởng hòa bình để bảo vệ con người cộng đồng xã hội, dù đó là người theo tôn nào, dân tộc nào…

Ca ngợi cuộc sống hòa bình và chống chiến tranh là phù hợp với quan điểm chung của thế giới ngày nay và nó trở thành nhiệm vụ của tổ chức Liên Hiệp Quốc, ngăn chặn những cuộc chiến tranh phi nghĩa, ca ngợi hòa bình, để nhân dân được an cư lạc nghiệp, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Đây là tư tưởng chủ đạo, lý tưởng ra đời và bản hoài của chư Phật, làm cho chúng sanh được giải thoát an lạc trong hiện tại và tương lai.

2.2 .Phật giáo hướng nội – quay về tự tâm, sáng suốt.

Với nền tư tưởng phương Đông nói chung và nền giáo dục Phật giáo nói riêng là hệ tư tưởng “hướng nội”, có nghĩa là quay về với nội tâm, với bản tánh sáng suốt vốn có của con người. Đức Phật đã từng dạy “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” (tất cả chúng sanh đều có tánh Phật) tánh Phật ở đây ngụ ý là tánh sáng suốt, lòng trong sạch tiềm ẩn trong mỗi con người. Con người luôn luôn đối diện với mình và đứng trước sự cố gắng tìm hiểu, thực hành để tiến tới chỗ hoàn thiện, đem lại sự cân bằng và sự giải thoát. Con người thường được đề cao hầu hết trong các thời thuyết pháp của đức Phật, được ngài đề cao hơn hết trong tất cả các loài.

Nguồn gốc khổ đau của con người chính là vô minh, chính vô minh biểu hiện hai trạng thái thuộc tâm lý là tham lam và sân hận, sau đó sai sử thân miệng ý của chúng ta thực thi tạo thành đau khổ. Cái đẹp thích thú, tham ái xuất hiện; cái gì xấu xa không thích mà vẫn gặp, tạo thành sân hận. Tham mà không được thành ra khổ, giận ghét mà vẫn gặp cũng s anh ra khổ.

Như vậy sự khác nhau giữa Phật và chúng sanh chỉ là giác và mê. Giác là Phật, mê là chúng sanh, vì giác cho nên được an lạc, vì mê nên phải đau khổ. Bản chất của con người vốn là trong sạch, thanh tịnh, bình đẳng sáng suốt…sở dĩ con người trôi lăn trong sanh tử luân hồi là vì không biết đường quay về với bản lai diện mục thanh tịnh vốn có của chính mình.

Trong kho tàng giáo lý của đức Phật, ngài luôn đề cao và khuyên mọi người hãy quay về với bản tâm thanh tịnh vốn có của mình:

Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động,

Khổ não bước theo sau

Như xe, chân vật kéo.”

 

Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý thanh tịnh,

Nói lên hay hành động

An Lạc bước theo sau,

Như bóng, không rời hình”

(Kinh Pháp Cú)

Sở dĩ chúng sanh bị khổ đau sanh tử luân hồi là vì vô minh che lấp; đức Phật dạy cho chúng sanh nhiều phương pháp để đoạn trừ vô minh thì minh hiện. Nói Cách khác, bóng tối không còn thì ánh sáng hiển hiện, mây tan thì mặt trăng hiển lộ. Lúc bấy giờ con người trở lại với Phật tánh sáng suốt, với bản tâm thanh tịnh giải thoát Niết bàn.

3. An lạc hiện tại, định hướng tương lai

Vô minh không còn, phiền não không còn, thì chúng ta thảnh thơi trên lộ trình giải thoát, thong dong tự tại an lạc, không còn ai quấy nhiễu. Tự tại là định hướng tốt nhất cho đời sống tương lai. Để đạt tới giai đoạn đó, chúng ta cần tu tập, trao dồi Tam vô lậu học.

3.1. Trao dồi “Giới, Định, Tuệ”

Có thể nói, “Tam vô lậu học” là một sợi chỉ xuyên suốt trong hệ thống giáo lý của đức Phật. Ngài là bậc thầy sáng suốt thấy được khả năng vô tận của con người, có thể vươn tới chân, thiện, mỹ…ngài thường nhắc nhở đệ tử phải tin ở tiềm năng ấy mà nỗ lực tu tập để làm chủ bản thân, tạo dựng nếp sống hạnh phúc an lạc, trước nhất chúng ta phải tuân thủ theo giới luật để điều chỉnh cuộc sống.

Con người sống trong cuộc đời này, là sống với mọi người, sống với tha nhân, nên phải có luật pháp để ngăn chặn mọi hành động, việc làm gieo tai họa cho người khác; với công việc chuyển hóa tâm hồn, làm mới lại đời sống, hướng đến chân trời an lạc giải thoát …thì phải có những luật pháp cố định gọi là giới luật, là những điều hạn chế cấm ngăn, không cho con người hành động theo hướng cũ.

Căn bản của giới là giới hạn, chế ngự hay phòng hộ căn môn, không có nó thì con người tha hồ phóng túng vào chợ đời ham hố ngủ dục. Có giây cương, con người chế ngự mọi hành động nói năng tác hại, gieo đau khổ đến mọi loài. Đức Phật cho biết, ngài đã trãi qua vô lượng kiếp hành trì giới luật, nhờ giới tròn đầy nên hiện ra 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, ai nhìn cũng có thiện cảm. Người mới vào tu nương vào giới luật để chế ngự tâm ác của mình, xem giới luật như vành đai an toàn giúp cho ta được an ổn. Giới luật có nhiều loại khác nhau, tùy theo con người khi phát nguyện hành trì như: 05 giới, 10 giới, 250 giới, 348 giới, bồ tát giới…

Trong đạo Phật, có hai phương diện giải thoát lớn nhất: Giới luật giải thoát và trí tuệ giải thoát. Nghĩa là ta ra khỏi sự u tối trói buộc mê muội đau khổ bằng hai phương pháp giữ giới và nhận thức với ánh sáng của sự hiểu biết bậc thánh. Trong kinh Di Giáo đức Phật dạy: “Giới luật là chỗ an toàn số một cho tâm hồn hành động người tu tập giải thoát”. Vì vậy, giới luật là nền tảng của người tu, dù là xuất gia hay tại gia. Tuy nhiên muốn phát huy được trí tuệ thì phải tu tập thiền định là môn vô lậu thứ hai.

Ở phương diện thứ hai, sự hỗ tương giữa ba pháp môn căn bản giới, định, tuệ, luôn luôn đòi hỏi nhận thức đầy đủ trí tuệ, không phải giữ giới mà còn biết đến định và tuệ. Định là chuẩn bị tu tập để trút gánh nặng đeo níu, gánh nặng mê lầm trói buộc con người.

Định là tam muội, là tập trung tư tưởng vào một cảnh duy nhất không cho loạn động. Định là cột tâm vào một chỗ, thống nhất các biểu tượng, cuối cùng phải đến chỗ vô niệm, vô tưởng, đó là tu định.

Đức Phật dạy: “Chế tâm nhất xứ vô sự bất biện” (Trụ tâm một chỗ thì không có việc gì không thành). Định là yếu tố quan trọng trong mọi lĩnh vực hoạt động của cuộc sống. Đối với mọi việc khó khăn nguy hiểm, nếu tâm ta bị dao động vì ngoại cảnh, trí không an định, thiếu bình tĩnh sẽ đưa đến quyết định sai lầm, dẫn đến thất bại trong công việc, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng. Thiền định là phương tiện duy nhất để có trí tuệ thấu ngộ được chân tướng vạn hữu, chấm dứt sự tái sanh ê ẩm trong sanh tử luân hồi.

Lý tưởng mục đích của sự tu tập là chấm dứt khổ đau, thiề n định là pháp tu chân chính, khiến cho trí mình sáng lên thấy được mọi pháp hữu vi đều chóng qua, đều tan biến tự nhiên của vô thường, mà ta không còn tham đắm vào pháp hữu vi nữa, coi nó là phương tiện mà thôi. Có hai loại định: Chánh định và tà định. Tà định là sự lắng lòng tập trung tư tưởng suy nghĩ việc chinh phục hại người hoặc đem trí tưởng tượng đến một cảnh giới xa xôi rồi cầu an một mình, đó là thiền định của ngoại đạo tà giáo. Trái lại, tu tập chánh định, chúng ta dùng năng lực quán chiếu gạn lọ c các ý niệm vọng động của tự tâm, loại trừ sự nhiễu loạn; nhờ đó mà tâm hồn thanh tịnh và thâm nhập cảnh giới thanh tịnh.

Bồ tát quán sát tận gốc rể và giải thoát được mọi khó khăn cho chúng sanh nên thành tựu được trí tuệ là môn vô lậu thứ ba.

Trí có nghĩa là quyết đoán, tuệ có nghĩa là giản trạch. Hay trí là hiểu biết của tục đế, tuệ là sự thông hiểu của chân đế. Cũng có thể nói, trí là thể tính sáng suốt trong sạch, tuệ là diệu dụng xét soi tự tại.

Vậy trí tuệ là sự hiểu biết rõ ràng và đúng đắn triệt để chân tướng và vạn pháp xuyên qua ánh sáng của chân lý vô thường, khổ không và vô ngã. Trí tuệ là cứu cánh của mọi người tu tập mong đạt đến. Từ đó không còn tham đắm trần tục cũng như mọi hữu vi bèo bọt huyễn mộng dương trần này, ra khỏi sự trói buộc đạt được hạnh phúc tự do. Trí tuệ có ba loại:

Trí tuệ bằng cách nghe lời dạy của người khác. Xưa kia chưa có sách vở ấn lót, nên đi học là nghe thầy giảng rồi ghi nhớ nằm lòng, gọi là văn tuệ.

Trí tuệ hiểu biết nhờ tư duy, suy luận mà có, gọi là tư tuệ.

Trí tuệ là hỗ tương nên sáng suốt khai thông trí tuệ bằng lối thực tập thiền định, gọi là tu tuệ.

Hai pháp trên chỉ đem lại cho ta sự sáng suốt lý luận thế gian, còn pháp thứ ba là trí tuệ xuất thế gian. Kết hợp lại chúng ta sẽ có sự tu tập, quán chiếu từ bên trong cho đến bên ngoài, chúng ta sẽ có một trí tuệ đích thực để loại trừ vô minh phiền não, chấm dứt khổ đau, chào vĩnh biệt luân hồi.

3.2. Tu tập tự thân – năng lượng giáo dục.

Con người đã có sự hiểu biết đúng, nhận thức đúng, dẫn tới việc làm đúng. Nó i về giáo dục Phật giáo, có phần khác hơn giáo dục ngoài đời. Giáo dục Phật giáo là phải giáo dục trên ba phương diện: Thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Nền giáo dục này làm cho tâm trí của chúng ta lành mạnh, để có đủ năng lực thực hiện sứ mạng tuyệt đối quý giá cùng cực của con người, đưa con người đến chỗ hoàn thiện nhân cách tối thượng của mình là giác ngộ giải thoát, vượt mọi biên giới của trói buộc khắc nghiệt từ vô số đời sống giá trị ngời sáng của nó chính là ở chỗ thực hành đạt kết quả của mỗi người.

Chánh niệm trong từng việc làm, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, hành động của một người được gọi là “giáo thọ” thì phải thể hiện một cách nhuần nhuyễn. Nếu dạy trên giáo án, bằng lời nói không thì chưa hoàn thiện về một con người truyền thọ kiến thức về P hật giáo, gọi là “giáo dục Phật giáo” mà phải kết hợp cả thân, khẩu, ý. Nếu chúng ta muốn giáo dục Phật giáo hiệu quả, thì phải tu tập. Tu tập là tiếp thêm năng lượng, để có sự lý giải đúng chánh pháp, triển khai giáo lý hiệu quả.

Khi thực hiện đường hướng giáo dục theo Phật giáo là bản chất của đạo Phật, bản chất của giáo dục Phật giáo nằm trong sinh hoạt theo chánh pháp; giáo lý của đạo Phật, lý thuyết nhân tính và giáo dục của đạo Phật không phải là đối tượng để nghiên cứu bàn luận suông mà là con đường, là pháp khởi niệm, để tu tập, để thực hành. Chúng ta nên biết rằng bài thuyết pháp hùng hồn hơn hết của đức Phật là đời sống hằng ngày của ngài.

Nhân loại đang bước vào thế kỷ mới với những lo toan cho cuộc sống ngày mai vốn chứa nhiều khủng hoảng, nhưng đó chưa phải là điều đáng lo ngại. Vì chúng ta đã có những giải pháp mà chính đức Phật đã dạy cách đây 26 thế kỷ, chúng ta đem áp dụng vào đời sống thường nhật, tôn trọng sự sống lẫn nhau, bảo vệ môi trường, xây dựng hòa bình cho nhân loại, trên 05 mục tiêu (05 giới cấm) đem hạnh phúc trao cho mọi người. Có như vậy, chúng ta mới thể hiện đúng tinh thần và mục đích, sự hoài bão thị hiện của chư Phật, chư vị tổ sư thị hiện trên cõi đời này.

4. Kết luận – nhận định

Đạo Phật tồn tại với nhân sinh, là tồn tại với ý nghĩa chăm lo đời sống an lạc, hạnh phúc trong sự sống hằng ngày. Nền giáo dục Phật giáo là nền giáo dục và huấn luyện dẻo dai bền bỉ cho con người biết tình cảm, biết nghe nhìn cái hạnh phúc quý giá thuần khiết của vô dục, của sự vĩnh đoạn mọi lo toan điên đảo vọng cấu. Giáo dục Phật giáo là phải giáo dục trên mọi phương diện, từ lý thuyết cho đến thực hành là một thể thống nhất. Điều quan trọng cho mọi người trước sau vẫn là chỗ thực hành tĩnh giác lắng sâu. Đó là sức sống của Phật pháp trong chúng ta. Nói bằng hình tượng thì giáo dục thiền định là trái tim của Phật giáo.

Thế nhưng, giáo pháp của đức Phật thì đa dạng nhiều pháp môn, nhiều phương tiện tu tập, nhiều phương pháp giáo dục…mục đích tối thượng là làm cho chúng sanh lìa khổ đau đạt được an lạc, giải thoát trong đời sống thường ngày.

Tương lai của nền giáo dục Phật giáo có đạt kết quả như mong muốn hay không còn tùy vào định hướng giáo dục của chúng ta. Chúng ta phải có chiến lược hoạch định lâu dài, tầm nhìn xuyên suốt…củng cố đội ngũ giáo dục kế thừa, trẻ hóa thành phần giáo thọ, có định hướng, giáo khoa, giáo trình rõ ràng cho từng cấp học… Nếu chúng ta không có giáo trình thì sự giảng dạy sẽ trùng lập, lớp dưới cũng học môn đó, lớp trên cũng học môn đó…tạo sự nhàm chán cho học viên. Chúng ta vẫn biết rằng, đối với kinh điển Phật giáo, mỗi lần học là có thêm một cái mới, một ý tưởng mới, một nhận định mới. Thế nhưng, người học vẫn chưa có cảm giác đó…

Vì vậy, chúng ta là những nhà lãnh đạo về giáo dục, những nhà giáo kinh nghiệm thâm niên hãy hoan hỷ dấn thân vạch ra con đường cho giáo dục Phật giáo tương lai rõ ràng, để đạt kết quả cả kiến thức lẫn tu tập.

Riêng với nền giáo dục Phật giáo Bình Thuận, là một tỉnh nằm ven biển duyên hải miền trung, cho nên ít nhiều cũng ảnh hưởng về tập tục xa xưa. Phật giáo Bình Thuận đã tiếp thu và kế thừa tất cả hình ảnh Phật giáo các miền, từ tu học cho đến giáo dục, nghi lễ…

Người xứ biển họ rất tin vào cúng kính, tức là ứng phú đạo tràng – một phần trong nghi lễ Phật giáo. Để Phật giáo ngày càng đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, thì chúng ta phải áp dụng nghi lễ (đời sống tâm linh) trong đời sống của đồng bào Phật tử. Có nghĩa là, chúng ta định hướng giảng dạy, phải đưa nghi lễ vào hệ thống giáo dục Phật giáo, để trang bị cho các nhà giáo dục tương lai, có đầy đủ kiến thức, để đưa Phật pháp đến với mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội.

Nếu chúng ta chỉ dạy Phật pháp, thuyết giảng giáo lý thì khó mà đưa đạo Phật đến với mọi người được. vì nhu cầu của bà con xứ biển là niềm tin, sự cúng kính, ma chay…nếu chúng ta đáp ứng được nhu cầu phần nào thì hướng họ về với Phật pháp dễ dàng hơn.

Trong giáo trình giảng dạy các trường Phật học nên đưa phần nghi lễ vào giáo trình để trang bị cho Tăng Ni sinh – những nhà giáo dục tương lai một hành trang vào đời vững vàng, mỗi khi bà con có nhu cầu. Nghi lễ là thể hiện sự cung kính, tôn trọng nhưng không vì thế mà chúng ta quá lạm dụng, vô tình trở thành mê tín thì phản tác dụng.

Xin trân trọng cảm ơn quý vị đã lắng nghe.

HT. THÍCH TRỪNG KHIẾT

Trưng Ban giáo dục Tăng Ni tỉnh hội PG Bình Thuận

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn