Giáo Dục Và Giáo Dục Phật Giáo
Châu Trong Ngô
Quan điểm Phật giáo về nhân tính đã xác định rõ mục tiêu xuất thế của nền giáo dục Phật giáo là giúp mọi chúng sinh đạt trí tuệ giác ngộ chân thực, toàn diện và tột cùng. Đó là một nền giáo dục trí tuệ mà từ xưa nơi thảo am, chùa vắng các Ngài tổ đã dạy đệ tử với thân giáo và tâm truyền. “Nếp Sống Chùa” ngày cũ đã un đúc nên nhiều vị Cao Tăng Thạc Đức, dẫn dắt tứ chúng tiến tu trên đường giải thoát.
Vấn đề ô nhiễm môi trường đang là một đại nạn đe dọa sự sống trên toàn cầu. Lo âu của rất nhiều quốc gia không phải chỉ dính líu đến việc khai thác bừa bãi các khoáng sản, các nguồn nước ngầm, đã gây nên biến động khôn lường về thời tiết, đưa đến nhiều tai họa long trời lở đất. Cũng không phải chỉ tập trung vào các chất độc được thải vào không khí, vào lòng đất và vào các nguồn nước gây nên nhiều dịch bệnh lạ kỳ. Thật ra xã hội loài người đang còn khắc khoải lo âu về chính con người, một thành phần chính và cao cấp nhất của thiên nhiên cạnh cỏ cây, núi rừng, sông lạch, cầm thú chim muông. Nguy cơ ấy đã lên tột độ khi chính sinh mạng của mình đã được hủy diệt trong các cuộc khủng bố tự sát, lắm khi không phải để chống lại kình địch mà lại hãm hại chính đồng bào của mình.
Một hiện tượng khác đang phá hoại cư dân của nhiều nước hơn là thảm họa khủng bố. Đó là lề thói gian tham đang gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và sinh mạng của người khác khi sản xuất và kinh doanh quá nhiều mặt hàng có chứa chất độc, tệ hại nhất là các đông, tây y dược dõm và các loại thực phẩm hằng ngày lắm khi đã hư thối được chế biến lại một cách tinh vi.
Để chỉ nói về đất nước ta thôi thì điều đau buồn hơn cả là sự băng hoại đạo lý dường như chưa được để ý tới về tình người. Bạo lực học đường có cả nữ sinh tham gia, có trường hợp dẫn đến chết người mà thủ phạm chỉ là một cháu gái đang học cấp II chưa tròn 15 tuổi. Bạo hành trong gia đình thì không chừa tuổi thơ dại. Các báo hằng ngày đã đưa tin mẹ nguyền rủa đánh đập con hằng bữa, bố hành hạ con liên hồi. Thật là hiểu hết nổi khi nghe chuyện người mẹ nỡ nhẫn tâm đầu độc hai con còn bé bỏng, tỉnh táo bỏ hai thi hài vào thùng giấy đem quăng ở bìa rừng; bố thì rưới xăng vào mình con rồi châm lửa đốt. Ngay tại trường học mà c ũng có cảnh lạ đời chưa từng thấy: chị bảo mẫu dùng băng keo dán miệng cháu bé để khỏi nghe tiếng khóc; cô giáo thì cầm dao kề cổ học trò, bảo để răn dạy. Phải chăng những cảnh đau lòng đó là sự nối dài của thảm cảnh ruồng bỏ thai nhi một cách không thương tiếc.
Con người hiện đang bị ô nhiễm nặng về tâm thức. Điều dễ sợ nhất hiện nay là con người trở nên hung dữ quá mức đến nỗi một chút chi không vừa ý cũng phải giải quyết bằng dao găm và mã tấu, dẫn tới cảnh chém giết nhau hằng ngày hằng buổi. Mới đây, mộ t vị nữ đại biểu Quốc Hội cho biết: “Ngày trước, ra đường đi vào nơi vắng vẻ thì hơi lo ngại; hoặc ra phố ban đêm mà phải vào ngỏ tối thì có sợ. Nay chỉ ngồi ở nhà thôi mà cũng đã lo sợ rồi!” Thêm vào đó, có quá nhiều vụ cướp giật, có khi khổ chủ đã mất mạng lại chỉ là đàn bà hay con trẻ. Thủ phạm giết người có khi còn quá trẻ, tuy trẻ nhưng đã được phương tiện truyền thông hiện nay cung cấp hiểu biết sự đời trở thành lớn trước tuổi. Có lẽ độ thành niên 18 tuổi ngày xưa nay chỉ còn 15 tuổi.
Ở đây, chúng ta không khảo sát con người một cách quá bao quát; đó là những nghiên cứu đã có từ nhiều thời đại và trong nhiều nước về nhân bản luận, về lý thuyết nhân tính. Để chỉ hướng tới việc góp ý về giáo dục, có lẽ chúng ta chỉ đề cập đến hai khía cạnh tốt và xấu nơi con người, cụ thể là con người Việt Nam. Cách đây mấy chục năm, nhà văn Vũ Hạnh đã tổng kết tinh hoa của người Việt Nam trong tác phẩm “Người Việt Cao Quí”. Cách đây không lâu cả hai mặt tốt và xấu được nhà xuất bản Thanh Niên - Báo Tiền Phong tập hợp trong một tác phẩm nhan đề “Người Việt Phẩm Chất & Thói hư - Tật xấu”.
Nói chung về tính người, xã hội ta không lạ gì với những lời dạy.
“Thường người như thể thương thân”
Hoặc như câu “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” mà điều thứ nhất trong Ngũ giới đã ghi một cách cụ thể “làm người ai cũng tham sống sợ chết, vậy chớ giết và chớ bảo giết”.
Nếu cần đề cập tới tính tình người Việt, ta có thể chắt lọc tốt xấu từ những nhận định đã có, ví dụ từ cuốn “Việt Nam sử lược” trong đó cụ Trần Trọng Kim đã viết:
“Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt Nam có cả tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm năm đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy, vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỉ quyệt, và hay bài bác nhạo chế.
Thường thì nhút nhát hay khiếp sợ và muốn sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật. Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỉ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tín tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng n hân, biết thương người và hay nhớ ơn. Đàn bà thì hay làm lụng và đảm đang, khéo chân khéo tay, làm được đủ mọi việc mà lại biết lấy việc gia đạo làm trọng, hết lòng chiều chồng, nuôi con, thường giữ được các đức tính rất quí là tiết, nghĩa, cần kiệm. Người Việt Nam từ Bắc chí Nam, đều theo một phong tục, nói môt thứ tiếng, cùng giữ một kỳ niệm, thật là cái tính đẳng nhất của một dân tộc từ đầu nước đến cuối nước.”
Hoặc từ nhận xét của nhà sử học Lê Tắc về những đặc điểm của người Việt trong tác phẩm “An Nam chí lược”:
“Đàn ông lo đi làm ruộng, đi buôn, đàn bà nuôi tằm, dệt vải. Cách nói phô hiền hòa, ít lòng ham muốn. Người ở khác xứ trôi nổi đến nước họ, họ hay hỏi thăm, ấy là tình thương của họ. Người sinh ra ở Giao Châu và Ái Châu (từ Thanh Hóa trở ra) th ì rộng rãi, có mưu trí, người Châu Hoan, Châu Diễn (Nghệ An - Hà Tĩnh) thì tuấn tú ham học, dư nữa thì khờ dại, thật thà…”
Có lẽ cũng nên nhắc lại ở đây vài nhận xét về người Việt của ông Pierre PASQUIER, Toàn quyền Đông Dương thời Pháp. Trong cuốn “Nước Nam xưa” do ông biên soạn, có đoạn:
“Cái dân tộc nhỏ bé gầy còm ấy, không dễ gì cai trị đâu, súng ống, sức mạnh không làm cho họ sợ hãi đâu”.
Ông cũng ca tụng và chứng minh luật pháp cổ nước Nam văn minh lắm:
“Có điều vị tất các nước Thái Tây đã theo kịp. Người An Nam cho hình phạt là một cách chuộc tội, chuộc rồi mới sạch tội, người Tây cho là một vết ô nhục, dù chịu tôi cũng không bao giờ rửa sạch; so sánh hai đằng (Tây và Nam) đằng nào có ý cao thượng hồn hậu? (L‘Annam d‘autrefois, trang 92. Bản dịch của Phạm Quỳnh “Nước Nam đời xưa”, Nam Phong tạp chí số 45).
Trong một bài thuyết giảng cho công chức Pháp ở Bắc kỳ và Trung kỳ, ông Pierre PASQUIER đã nhắn nhủ:
“Cai trị giống dân An Nam gầy còm này, phải khôn khéo ứng xử lắm, không thì họ cười cho đó. Khi họ chống chúng ta bằng những châm biếm, cười cợt thì hãy chuẩn bị va li mà chuồn về nước!”.
Nếu muốn trở về xa xưa, mong nắm bắt được chút ít bản sắc dân tộc để hy vọng cái cảnh “Lặp di lặp lại trong một ngàn năm trước đây” không còn cơ hội tái diễn được, ta có thể dùng đoạn văn trong tờ sớ do Hoài Nam Vương Lưu Ân dâng lên Vua nhà Hán. Trong sách “Suy nghĩ về Văn hóa Giáo dục Việt Nam” (Nhà xuất bản Trẻ - năm 2000), nhà giáo dục Dương Thiệu Tống đã trích dẫn các nhận xét của Lưu Ân về bản sắc dân tộc Lạc Việt ở hai trang 79 và 80:
“(1) Nước Việt là đất không thể xâm lăng được (đất ấy không thể ở được), dân ấy không thể sai khiến được (dân ấy không thể chăn được).
(2) Không thể đem văn hóa, pháp luật của nước lớn để áp đặt được (không thể lấy pháp độ của nước đội mũ mang đai mà trị được).
(3) Người Việt có niềm tự hào dân tộc nên từ lâu đã có thái độ khinh bạc đối với dân tộc “đội mũ mang đai”.
(4) Người Việt biết cân nhắc đúng đắn quan niệm dân tộc, rộng rãi với quyền lợi đất nước cho nên lúc thì họ hòa hoãn chịu nhượng bộ người Hán, lúc thì quay mũi dáo chống lại họ, vì vậy mới bị coi là tráo trở.”
Cũng liên quan đến bản sắc dân tộc khi ta để ý đến từ người với ý nghĩa rất tổng quát dùng trong ngôn ngữ Việt Nam: từ người luôn luôn đứng trước địa danh để chỉ người của một vùng hay một nước.
Ví dụ: người Huế, người Nam bộ, người Đức Trong lúc đó, cùng một ý định như nhau, ngôn ngữ nước khác lại ghi:
Chinese, Italian, African (Tiếng Anh)
Laotien, Japonais, Suédois (Tiếng Pháp)
Những tiếp vĩ ngữ ese, an, ien... trên đây cũng như chữ nhân (人) ở tiếng Quan Thoại luôn luôn đứng sau tên nước trong lúc ở Việt Ngữ từ người lại đứng trước. Có lẽ đó là một biểu tượng nhắc mọi người Việt chúng ta phải nhớ rằng muốn là người Việt thì đầu tiên hết anh phải là người đã, sau đó mới có thể là người Việt và nếu muốn thì sau nữa mới có thể là người Việt có niềm tin này hay tôn giáo nọ. Đó là một nét độc đáo minh chứng cha ông ta đã có một nếp sống hiếu hòa, thương yêu đồng loại, thể hiện được tính người (và từ đó tình người):
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống như chung một giàn”
Ý đó đã được nhiều nước ghi vào phần mở đầu của Hiến pháp “Mọi người sinh ra đều bình đẳng” hoặc ý đó cũng đã được chứa đựng trong lời Phật dạy:
“Cùng là người thì sống không phân biệt vì máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”.
Những ai hành xử thiếu chất người thì Tiếng Việt không dùng từ người mà lại thay vào đó những từ có ý chê bai trách móc như tên, kẻ, bọn, bè lũ tùy theo trường hợp cá nhân hay băng nhóm: tên cướp, kẻ trộm, bọn côn đồ, bè lũ tham quan ô lại...
Đối chiếu tính người giữa xưa và nay, rõ ràng ta phải khiếp sợ những gì con người ngày nay đang bị ô nhiễm. Là vai chính trong quần thể môi sinh, con người, nói rõ ra là mỗi người đều phải gấp rút tự uốn nắn trở lại trong sự nỗ lực chung của toàn thể xã hội để lần hồi dứt được dịch bệnh “đạo lý suy đồi” do vi-rút “tham ác” gây nên. Nếu không thì sẽ là một nguy cơ lớn trong mỗi nước để dễ lan rộng ra cả toàn cầu. Điều này đã gây buồn lo rất nhiều cho “Tấm lòng Việt Nam” mà hai trích dẫn dưới đây đã mạnh dạn đề cập đúng chỗ cần chữa trị ưu tiên.
Ở trang 64 thời báo Kinh Tế Sài Gòn, số ra ngày 15/05/2008, tác giả Vương Trí Nhàn đã buồn phiền kêu than trong bài viết “Tội làm hư dân”:
“Trời ơi! Con người đô thị bây giờ càn rỡ và bất nhân ngoài sức tưởng tượng!”
Dòng suy cảm của tác giả đành phải chạm vào sự thật không thể làm ngơ theo chiều hướng thương cảm nhìn nhận những kẻ phạm pháp chỉ là những nạn nhân hay bệnh nhân của căn bệnh thời đại:
“...Trong phần lớn trường hợp, tình trạng dân hư liên quan tới hiện tượng nhức nhối là chuyện cán bộ kiếm chác vô nguyên tắc, tư lợi vô cảm, gộp chung là thoái hóa biến chất. Đáng lẽ phải gương mẫu tuân thủ pháp luật thì họ lại tự đặt mình cao hơn luật, phá luật để trục lợi. Trước mặt người dân lúc ấy, lý tưởng như bị xúc phạm. Người ta không thể thờ ơ và dễ bảo mãi. Về mặt triết học có thể bảo con người bắt đầu rơi vào hư vô. Chúa đã chết rồi! Ai muốn làm gì thì làm ! Bởi cảm thấy trên đời này không còn cái gì là thiêng liêng, họ rơi vào liều lĩnh phá phách một cách hung hản. Những cái xấu sẵn có mà bấy lâu họ kìm nén, được lúc vùng lên quẫy lộn. Tự cho phép mình hư ! Nhìn nhau để yên tâm mà hư ! Khuyến khích nhau hư thêm, càng đông người hư càng thích ! Sự bùng nổ lúc này là theo lối dây chuyền, không gì c ó thể giữ con người lại nữa.”
Trong bài “Tâm địa quỷ-người” đăng ở nhật báo Thanh Niên ngày 18.01.2008, tác giả CAMERA đã đau xót phân tích đưa đến một cách hỏi để khẳng định:
“... một sự bất nhẫn man rợ ở mức không thể nào lý giải... sao xã hội ta lại sản sinh một thứ người như vậy? Những yếu tố đầu vào nào đã đưa đến những sản phẩm loại ấy ở đầu ra? Anh ta là chính phẩm hay phế phẩm? Một báo động cực kỳ nguy cấp”.
Để trả lời câu hỏi đó của tác giả CAMERA có lẽ nguyên do chỉ có thể tìm thấy ở thực trạng: cách đào tạo của một thời “thân người thành công cụ” đã làm sai lệch thành “thân người chỉ là công cụ” Nay đất nước đã chuyển qua thời bình gần bốn chục năm rồi mà hình như trong nhiều địa phương các hội đoàn vẫn dễ dãi chìu theo sức ì của lề thói cũ, lối mòn “xưa bày nay làm”, làm cho sự sai lệch bị đẩy lên cao khiến “chất người” bị phai mờ dần nơi thân người, tạo nên một tình trạng xã hội vận hành ngược hướng với những gì mà mục tiêu giáo dục phải nhắm tới.
Trong một xã hội như thế thì trường học khó dạy đ ược học trò và ngành giáo dục dễ bị bó tay. Nhận xét này giúp chúng ta thông cảm với các “triều đại giáo dục” mà bao nhiêu sửa đổi trong thời gian qua cũng chỉ có tính cách hành chính mà thôi, gần như nặng nề hơn cả là việc cải cách thi cử sau mỗi mùa thi, chưa hề thấy hé lộ một chút ít ý tưởng gì về cải cách giáo dục.
Như thế, có lẽ mục tiêu trong nền giáo dục không thể không nhằm dạy trẻ nên người . Bởi vậy một nền giáo dục chính thống phải là một nền giáo dục nhân bản vì chỉ nền giáo dục ấy mới làm cho các nước xích lại gần nhau để có hòa bình thế giới cũng như mới có thể vực dậy đạo làm người đang suy đồi, tái tạo an sinh xã hội cho đất nước.
*
* *
Lời thỉnh cầu đó khiến chúng ta phải nghĩ đến quan điểm của Phật giáo về con người khi chúng ta muốn đề cập tới giáo dục Phật giáo. Cụ thể hơn, nhân tính trong thân người phải được hiểu theo những điều đức Phật đã dạy.
Tác phẩm “Lý thuyết về nhân tính qua kinh tạng Pali” ấn bản 1996 của Hòa Thượng Thích Chơn Thiện giúp ta điều đó. Ở trang 16, Hòa Thượng đã viết :
“...Thế nên con người chẳng là gì khác hơn sự vận hành của mười hai chi phần Duyên Khởi dẫn đến khổ đau, nếu tâm con người bị tư duy hữu ngã chế ngự. Nếu tư duy vô ngã, hay sự giác tĩnh Duyên Khởi vận hành thì sự vận hành này sẽ dẫn đến sự đoạn diệt của mười hai chi phần ấy, hay sự đoạn diệt khổ đau. Bấy giờ con người xuất hiện là con người của cái nhìn vô ngã về sự vật và của hạnh phúc trong hiện tại và tại đây”.
Ở trang 59, Hòa Thượng lại ghi:
“Theo duyên khởi, thế giới hiện tượng là do duyên mà sinh, l à vô ngã và rỗng không; con người và thế giới cùng hiện hữu mà không thể tách rời nhau. Sự thật này đã được đức Phật chứng tỏ trong Mahàpunnama (Trung bộ III) và trong Giới Phân biệt (Dhàtuvibhanga, Trung bộ III) rằng: Sắc uẩn gồm có nội sắc là cơ thể vật lý của mỗi cá nhân, ngoại sắc là thế giới vật lý; điều này có nghĩa là vũ trụ tự nó là một phần của cơ thể con người.”
Ý nghĩa đó được ghi tiếp ở trang 77:
“Hai mươi sáu thế kỷ qua đức Phật đã cho nhân loại một định nghĩa vô cùng tuyệt vời và cực kỳ kinh ngạc rằng: sắc uẩn của một người là bao gồm thân vật lý của người ấy và toàn thể thế giới vật lý. Định nghĩa ấy xác định rằng thiên nhiên hay môi sinh thực sự là cơ thể của con người hay là một phần rất lớn của cơ thể con người”.
Rõ ràng những lời đức Phật dạy trên đây đã như là ngọn đuốc soi đường cho chủ trương lâu nay của Liên hiệp quốc về môi sinh mà mọi quốc gia dân tộc đang nhiệt tình noi theo.
Trong các đoạn kế tiếp của sách đã dẫn, Hòa Thượng Thích Chơn Thiện lại phân tích cặn kẽ hai nội dung “Con người là năm Uẩn”, “Tu tập năm Thủ Uẩn và giáo dục” (từ trang 150 đến trang 176); từ đó Hòa Thượng đã đề ra mục tiêu cụ thể của giáo dục Phật giáo trong một đoạn văn ở trang 169: “Sự tu tập Năm thủ uẩn là công phu giải thoát có hai việc để thực hiện:
- Chế ngự thói quen của con người nghĩ về các hiện hữu như là có một ngã tính thường hằng từ đó dục vọng dấy khởi.
- Phát triển cái nhìn sự vật là vô ngã từ đó vô dục khởi sinh.
Vì thế công phu này là sự chấm dứt các phiền não, khổ đau, vốn là giấc mơ yêu dấu củ a con người, và là mục tiêu cơ bản mà ngành tâm lý giáo dục hiện đại nhắm đến. Tất cả những lời dạy của đức Phật kiết tập trong kinh tạng Pàli là đặt trọng tâm vào điểm tuyệt vời này”.
Quan điểm Phật giáo về nhân tính đã xác định rõ mục tiêu xuất thế của nền giáo dục Phật giáo là giúp mọi chúng sinh đạt trí tuệ giác ngộ chân thực, toàn diện và tột cùng. Đó là một nền giáo dục trí tuệ mà từ xưa nơi thảo am, chùa vắng các Ngài tổ đã dạy đệ tử với thân giáo và tâm truyền. “Nếp Sống Chùa” ngày cũ đã un đúc nên nhiều vị Cao Tăng Thạc Đức, dẫn dắt tứ chúng tiến tu trên đường giải thoát.
Như thế, hệ thống Chùa chiền, Tu viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Thiền viện được thiết lập hay chỉnh trang xưa nay đều đáp ứng trọng trách căn bản và cốt lỏi của nền giáo dục Phật giáo m à nội dung và phương pháp đã được Ban Giáo dục Tăng Ni đương nhiệm biên soạn công phu và ban hành năm 2001.
Chỉ khi nào “Nếp sống Chùa” theo tinh thần ấy được củng cố trọn vẹn, thực chất và gương mẫu thì sự hiện diện của các Trường Phật học mới thật sự tồn tại có ý nghĩa. Hiện nay các Trường ấy đang được tổ chức gần như theo khuôn mẫu trong hệ thống giáo dục học đường ngoài đời. Thật sự, đã là Trường Phật học thì phải là nơi đào tạo các Tông đồ giáo dục, xứng danh Sứ giả Như Lai, nói cụ thể là những giảng sư ban truyền Phật pháp. Có lẽ mô hình gần gũi nhất là các Trường Sư phạm; các học viên, hỗn hợp cả tu sĩ và cư sĩ, được học nhiều điều về sư phạm chẳng hạn như tâm lý giáo dục, tâm lý quần chúng, phương pháp Khế Cơ, Khế Lý, kỹ thuật diễn đạt. Hy vọng rằng các Trường Phật học được biến cải theo lối đó sẽ ngăn chặn được ảnh hưởng thế tục hiện nay vào Đạo của bằng cấp theo tên gọi ngoài đời đối với hệ thống thứ bậc nghiêm túc xưa nay như Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng về Tăng chúng.
Các vị giảng sư nhận lãnh nhiệm vụ nhập thế qua sự phân công có hội ý giữa Ban Giáo dục, Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Cư sĩ và Gia đình Phật tử. Thính chúng đến từ các Đạo tràng, Gia đình Phật tử hay Khuôn hội ở Niệm Phật đường từng địa phương. Giáo dục Phật giáo còn được tổ chức dưới hình thức các phái đoàn đi hành hương, những buổi thuyết giảng ở Trung tâm Văn hóa Phật giáo hoặc các Khóa Tu ngắn hạn nhân dịp các Lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan.
Các nội dung truyền giảng được chọn sát với thực tế đời sống (Khế thời). Một thuận lợi lớn cho vấn đề này là hiện nay đã có một kho tàng tư liệu luận giải đã được phổ biến trên sách báo xưa nay về các vấn đề liên quan giữa Đạo và Đời. Có lẽ nhân dây, một “Chuyện Đời” cũng đáng được nêu ra để mong có biện pháp cứu chữa từ giáo dục. Đó là vấn nạn “trong ngôn ngữ Việt Nam, chữ đang mất nghĩa”.
Như với chữ chung chẳng hạn thì các thể hiện lại riêng: công viên biến thành nơi dọn hàng quán tư nhân, công điền công thổ có thể sử dụng thành của riêng; thủ tục hành chính kế toán tại mỗi bệnh viện đang bị cách tổ chức ngành Y khống chế, đã làm giảm nghĩa chữ cấp cứu, có trường hợp trở thành thong thả trước sự lo âu của người nhà bệnh nhân; lời khuyên trước đây ở học đường “thầy giáo phải thương yêu học sinh” về sau phải được nhấn mạnh “Thầy giáo phải thực sự thương yêu học sinh” vì chữ thương yêu không được thực thi trọn nghĩa.
Chữ mất nghĩa như thế nên lần hồi trong mối giao tiếp giữa người và người năng có sự dè chừng thủ thế, không còn biết ai tin ai. Tình trạng đó đã làm bật ra tiếng kêu đau xót “Sao nay dối trá tràn lan?!” Bên cạnh thảm trạng đó, cái ác đang lộng hành và có quá nhiều trường hợp cái ác ngang nhiên diễn ra trước mắt mọi người mà đa số đành vô cảm vì sợ liên lụy. Tệ hại hơn là hình thái vô cảm âm (vô = không và số âm còn tệ hơn số không) của những kẻ lượm tiền bỏ túi khi có người đi đường bị cướp giật làm vung vãi tiền trên mặt đất. Nhức nhối hơn nữa là khi cái ác đang sờ sờ mà phải vỗ tay như trong cảnh vài nam sinh vui cười phụ họa một nữ sinh đ ấm đá dã man một nữ sinh khác (hình ảnh dịu hiền của nữ sinh hay bóng dáng đôn hậu của phụ nữ đang đổi khác rồi!).
Chung qui cũng chỉ tại cái tâm ác và vọng ngữ mà xã hội trở nên bất an. Vì là Đạo diệt Khổ nên Phật giáo phải nhập cuộc, đương nhiên với lòng từ, vẫn nhìn những kẻ thủ ác như là những con bệnh (từ nhãn thị chúng sinh). Nội dung căn bản nhất được truyền đạt có lẽ là phát huy ngũ giới và tiêu trừ tam độc tham sân si . Xen lẫn, còn có những bài giảng thiểu dục tri túc, những câu chuyện về nhân quả, luân hồi , may ra làm giảm được các trường hợp phá hoại môi trường và phá rối an sinh xã hội như tham ô, cướp của, giết người.
Một điều chủ chốt nhất trong giáo dục là vấn đề thân giáo. Trong giáo dục học đường ngoài đời, vấn đề đó đang còn đơn giản đối với các thầy giáo chứ với giáo dục Phật giáo mà khởi nguyên là tại các Chùa, thân giáo gần như là điều kiện thiết yếu đòi hỏi sự đồng bộ của giới xuất gia và là yếu tố căn bản quyết định thành quả của mọi Phật sự; được vậy, mới mong tái lập lòng tin nơi quần chúng học Phật./.