Đề Xuất Thay Đổi Tên Gọi "Ban Giáo Dục Tăng Ni"
Minh Thanh
1) Đặt vấn đề
Bài viết này nhắm đến mục tiêu cụ thể là thay đổi tên gọi Ban Giáo dục Tăng Ni, một ban của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sang tên gọi mới “Ban Giáo dục và đào tạo”.
Thực chất, đây không phải chỉ là việc đổi tên một ban, mà là việc thay đổi đối tượng giáo dục. Mà thay đổi đối tượng giáo dục chính là thay đổi về cơ bản đường lối, quan điểm giáo dục.
2) Sự cần thiết phải thay đổi tên gọi “Ban Giáo dục Tăng Ni” thành “Ban Giáo dục và đào tạo”
Tên gọi “Ban Giáo dục Tăng Ni” đã có trong suốt quá trình hoạt động lâu dài của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho đến tận hôm nay.
Từ “Tăng Ni” trong cụm từ tên gọi “Ban Giáo dục Tăng Ni” xác định rõ đối tượng cũng như giới hạn đối tượng của hoạt động giáo dục của Giáo hội, đó là trong phạm vi tu sĩ (Tăng Ni).
Việc xác định đối tượng cũng như giới hạn đối tượng trong hoạt động giáo dục của Giáo hội như thế phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh của những năm 1980, 1990 khi mà hoạt động giáo dục Tăng Ni là một yêu cầu bức thiết, hàng đầu sau một thời gian đình trệ vì hoàn cảnh. Khi đó, Phật giáo Việt Nam cần ít nhất 20 năm tập trung cho hoạt động giáo dục, đào tạo Tăng Ni, nâng cao c ơ bản mặt bằng trình độ Tăng Ni, lấy đó làm đào tạo những chuyển biến quan trọng trong hoạt động giáo dục của Phật giáo Việt Nam.
Đây chưa phải là hoạt động giáo dục đúng nghĩa, vì giáo dục không thể có sự giới hạn về đối tượng, về không gian về thời gian. Nếu chỉ là hoạt động đào tạo tăng tài, đào tạo tu sĩ và luôn luôn như vậy, thì sẽ không có một nền giáo dục toàn diện.
Khi đó, hàng loạt trường Sơ cấp Phật học, Trung cấp Phật học, Cao cấp Phật học (về sau xây dựng thành Học viện Phật giáo), với đối tượng đào tạo chủ yếu giới hạn trong phạm vi tu sĩ, kiến thức chủ yếu là giáo lý.
Với mục tiêu đào tạo tu sĩ, những đối tượng không phải là tu sĩ (Phật tử, những người yêu đạo Phật, những người có nhu cầu tìm hiểu về đạo Phật, có thể là người theo các tôn giáo khác hay không tôn giáo) không nằm trong hệ thống giáo dục của Phật giáo.
Và ở một khía cạnh khác, hoạt động giáo dục của Phật giáo Việt Nam, nhìn chung, là tách rời khỏi hoạt động giáo dục nói chung của hệ thống giáo dục toàn dân. Một đường ranh giới rõ ràng chia cắt giáo dục Phật giáo Việt Nam với giáo dục toàn dân. Điều này vừa có ưu điểm, vừa có khuyết điểm.
Một trong những hệ quả tích cực là về mặt giáo dục Tăng Ni, tức giáo dục Phật giáo, giới hạn trong phạm vi tu sĩ Phật giáo, 30 năm qua, Phật giáo Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng. Mặt bằng trình độ học vấn Phật học tu sĩ Phật giáo nâng cao, tỷ lệ tăng ni có các văn bằng Phật học tương ứng, từ sơ cấp đến Phật học đều gia tăng. Bức tranh Giáo dục Phật học đối với tu sĩ có sự chuyển biến rõ rệt.
Việc gia tăng số lượng tu sĩ Phật giáo có bằng cử nhân Phật học đã là tiền đề thúc thẩy việc du học của tăng ni, theo học những cấp cao hơn ở các trường đại học nước ngoài. Từ đó, số lượng tăng ni có văn bằng tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo ở Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc… cũng gia tăng.
Giáo dục Phật giáo tập trung vào đối tượng Tăng Ni đã đi vào phát triển theo chiều sâu, với nhiều thành quả.
Nhưng vì giới hạn trong “giáo dục Tăng Ni” nên giáo dục Phật giáo không thể phát triển theo chiều rộng. Sự ngăn cách giữa giáo dục Phật giáo và giáo dục toàn dân ngày càng đào sâu.
Đây là điều đáng quan tâm và lo ngại trong khi một số tôn giáo lại có chiến lược phát triển song song giáo dục tu sĩ và giáo dục xã hội. Có tôn giáo đã mở được mạng lưới các trường giáo dục mầm non chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất và nhân lực để nâng cấp hệ thống giáo dục xã hội khi được phép. Chiến lược đào tạo tu sĩ của họ cũng không giới hạn trong hoạt động tôn giáo, mà còn nhằm phục vụ giáo dục xã hội, mà hiện nay họ đã triển khai một cách không chính thức ở các cấp học trên cấp mầm non.
Trong xu thế xã hội hóa giáo dục, và cũng là một chủ trương quan trọng của nhà nước trong hoạt động giáo dục, sớm muộn gì tỷ trọng hoạt động giáo dục tôn giáo tham gia vào hoạt động giáo dục xã hội sẽ gia tăng và không loại trừ tình huống gia tăng nhanh chóng.
Trước bối cảnh đó, đã đến lúc Phật giáo Việt Nam không thể chỉ giới hạn đối tượng của hoạt động giáo dục trong phạm vi tu sĩ, tức ―giáo dục Tăng Ni‖, mà cần nhanh chóng mở rộng đối tượng giáo dục theo nhu cầu thực tế, tích cực chuẩn bị cho việc tham gi a vào giáo dục xã hội ở tất cả các cấp học theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, tích cực và nhanh chóng tham gia ngay vào giáo dục xã hội ở cấp giáo dục mầm non ở mức độ cao nhất có thể .
3) Quan điểm giáo dục mới theo tên gọi “Ban giáo dục và đào tạo”
Với tên gọi “Ban giáo dục và đào tạo”, hoạt động giáo dục của Phật giáo vừa mở rộng đối tượng, vừa mở rộng phạm vi hoạt động, tích cực góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Về đối tượng giáo dục, “ban giáo dục và đào tạo” không giới hạn phạm vi hoạt động chỉ trong đối tượng tu sĩ, mà mở rộng đến toàn xã hội, kể cả đối tượng người theo tôn giáo khác và người không tôn giáo nhưng có yêu cầu đối với giáo dục Phật giáo. Quan điểm mở rộng đối tượng giáo dục như trên là quan điểm mang tính chất “tốt đời đẹp đạo”, nó giúp Phật giáo góp phần vào việc giáo dục đạo đức xã hội nói riêng, thúc đẩy sự phát triển sự nghiệp giáo dục toàn dân nói chung.
Giáo dục Phật giáo Việt Nam cũng chính là giáo dục truyền thống dân tộc Việt Nam. Mở rộng đối tượng giáo dục Phật giáo chính là mở rộng hoạt động giáo dục truyền thống dân tộc theo khía cạnh riêng do phía Phật giáo chủ trì, nâng cao và làm phong phú hoạt động giáo dục truyền thống dân tộc, giáo dục truyền thống văn hóa phương Đông.
Mở rộng đối tượng của hoạt động giáo dục Phật giáo Việt Nam là môi trường và động lực để phát huy tiềm năng giáo dục mà Phật giáo Việt Nam đã tích lũy trong 2000 năm lịch sử và trong 30 năm hoạt động giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc làm này sẽ phát huy tiềm năng giáo dục mà Phật giáo Việt Nam đã tích lũy trong 2000 năm lịch sử và trong 30 năm hoạt động giáo dục của Phật giáo Việt Nam. Và ngược lại, sẽ là một sự lãng phí vô cùng tai hại nếu tiềm năng lớn lao này, trong hoàn cảnh mới, cũng chỉ giới hạn cục bộ, quanh đi quẩn l ại trong phạm vi Tăng Ni.
Mở rộng đối tượng của giáo dục Phật giáo Việt Nam là trở về với truyền thống đẹp của Phật giáo Việt Nam hàng ngàn năm trước, khi nhà chùa cũng là nhà trường, khi nhà sư cũng đồng thời là thầy giáo, khi giáo hội tăng già đồng thời cũng là lực lượng trí thức tinh hoa của xã hội, góp phần tích cực và hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Mở rộng đối tượng giáo dục của Phật giáo Việt Nam là đưa Phật giáo Việt Nam tiến kịp với bước tiến của thời đại, khi mà ở nhiều nước, nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới, kể cả ở những quốc gia Phật giáo còn là tôn giáo thiểu số, Phật giáo đã có những hoạt động xã hội mạnh mẽ, thể hiện qua việc tham gia công tác xã hội bằng hệ thống trường học các cấp, nhất là ở bậc đại học, kể cả ở những nhành khoa học kỹ thuật ứng dụng, như y khoa, dược khoa, quản trị… chẳng hạn.
Mở rộng đối tượng của hoạt động giáo dục Phật giáo Việt Nam là tạo môi trường thuận lợi, tạo cơ hội cho một số lượng Tăng Ni trẻ đông đảo đã được đào tạo với trình độ học vấn cao, kết quả của hoạt động giáo dục Phật giáo Việt Nam trong 30 năm qua cống hiến, phục vụ cho Dân tộc và Đạo pháp. Tình trạng có không ít Tăng Ni đạt trình độ học vấn cử nhân, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ phải giới hạn hoạt động của mình trong việc cúng bái, l à do hoạt động giáo dục Phật giáo còn bị giới hạn trong một phạm vi hẹp, không có nhu cầu về nhân sự không tạo môi trường hoạt động cho Tăng Ni trí thức. Nay, nếu tình trạng đó thay đổi, chính là việc khởi nguồn cho nước sông về biển lớn, đạo và đời đều được lợi.
Mở rộng đối tượng của hoạt động giáo dục Phật giáo Việt Nam cũng là môi trường cống hiến cho người cư sĩ Phật tử. Phật giáo Việt Nam hiện có một số Phật tử thuần thành với trình độ học vấn cao. Trong bối cảnh phạm vi phục vụ của hoạt động giáo dục Phật giáo được mở rộng, cơ hội để số Phật tử trí thức này tham gia vào hoạt động của Giáo hội sẽ mở rộng theo. Tính chất hoạt động của Giáo hội sẽ thay đổi theo hướng tích cực, không chỉ đối với xã hội ,mà ngay cả đối với tự thân nội bộ Phật giáo. Ảnh hưởng của Giáo hội đối với xã hội bên ngoài và chính tín đồ Phật giáo được gia tăng bằng chính những hoạt động giáo dục mở rộng của mình.
Để đạt được những mục tiêu như trên, tất yếu cần một quá trình chuyển biến lâu dài. Nhưng điều cần thiết trước tiên là sự chuyển biến về nhận thức và cơ chế, trong đó việc thay đổi tên gọi “Ban Giáo dục Tăng Ni” thành “Ban Giáo dục và Đào tạo” là một bước chuyển đổi bắt buộc và tiên quyết.
Xác định rạch ròi việc mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động giáo dục Phật giáo là sự mở đường cần thiết cho những nỗ lực sau đó đưa hoạt động giáo dục Phật giáo lên một tầm cao mới.