Đạo Phật Và Con Đường Giáo Dục - Chuyển Hóa Con Người Và Xã Hội - Pháp Hỷ

08 Tháng Giêng 201300:00(Xem: 8561)

ĐẠO PHẬT VÀ CON ĐƯỜNG GIÁO DỤC - CHUYỂN HÓA CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI

Pháp Hỷ


Tỳ Khưu ni Dr. Pháp Hỷ Dhammananda, Sanghamittārāma, 40 Chesterville Dr. East Bentleigh Vic. 3165, Australia

Kiến thức khoa học và các hình thức nghệ thuật cũng không thể giải đáp tất cả các hiện tượng trong cuộc sống, do đó người ta tìm đến con đường tâm linh hay một đời sống tôn giáo để tìm sự giải thích, tìm nơi nương tựa tinh thần và tìm những thỏa mãn tình cảm hay tâm linh.

Phần lớn quần chúng đến với Đạo Phật như tìm đến một tôn giáo mặc dù Đạo Phật không hoàn toàn giống như định nghĩa về tôn giáo trong các tự điển thông dụng. Vậy tôn giáo là gì? Theo từ điển, tôn giáo được định nghĩa là: “Một hình thức hay biểu hiện của hành động mà bằng cách đó con người thể hiện sự công nhận của Thượng Đế hay các năng lực siêu nhiên có khả năng can thiệp vào đời sống và vận mệnh của họ, đối với các thế lực đó người ta phải phục tùng, phục vụ và kính ngưỡng. Qua những hành động tôn giáo đó, con người bày tỏ tình cảm như kính yêu, sợ hãi, trung thành trong niềm kính sợ các năng lực siêu nhiên kia bằng cách tuyên bố niềm tin, thực hành các lễ nghi và các hội hè tôn giáo, hay bằng các hạnh kiểm thể hiện quan niệm đạo đức nào đó. Tôn giáo cũng là một hệ thống các niềm tin hay tín ngưỡng; một sự biểu hiện của lòng mộ đạo hay trung thành, như đạo đức tôn giáo, tôn giáo nhất thần hay đa thần, tôn giáo tự nhiên, tôn giáo khải mặc, vv” [1913 Webster]. Trong một điều luật gần đây của nước Úc ( Recommendation 14) tôn giáo được định nghĩa như sau: “rằng định nghĩa về tôn giáo được căn cứ trên các tiêu chuẩn đã chế định trong trường hợp khoa học, cụ thể là:

- Niềm tin vào một đấng siêu nhiên, vật thể hay nguyên lý; và

- Chấp hành và tuân thủ theo kinh điển trong cách cư xử để tạo ra kết quả của niềm tin đó.

(That the definition of religion be based on the principles established in the Scientology case, namely:

- belief in a supernatural Being, Thing or Principle; and

- acceptance and observance of canons of conduct in order to give effect to that belief. What constitutes a religion? Chapter 20; www.cdi.gov.au)

Theo những định nghĩa trên, chúng ta thấy rằng, nay phần lớn quần chúng đến với Đạo Phật là đến với một tôn giáo hay một tín ngưỡng, mặc dù tín đồ Phật giáo không gọi Phật (Thánh, Bồ Tát, hiền tăng) là Thượng Đế, nhưng họ vẫn tin tưởng các đối tượng kính ngưỡng này có năng lực tác động, ảnh hưởng lên đời sống của con người theo một cách nào đó.

Tại sao người ta cần đến một tôn giáo? Hầu hết mọi tôn giáo đều hướng dẫn người ta làm thiện, sống tốt, ăn ở nhân đức và tránh xa điều tội lỗi. Tuy nhiên quan niệm thiện ác và làm thế nào để sống tốt và tránh xa điều tội lỗi thì mỗi tôn giáo, mỗi học thuyết có những tôn chỉ và phương thức riêng. Trong Đạo Phật con đường này bắt đầu từ sự giáo dục và chuyển hóa được sắp xếp theo một mô hình gọi là Bát Thánh Đạo bắt đầu từ Chánh kiến hay thấy biết đúng đắn, hướng đến một tầm nhận thức mới về con người và cuộc sống.

Tại sao người ta cần đến đời sống tôn giáo? Có những vấn đề, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống mà người ta không thể dùng lý trí và các dẫn chứng khoa học để giải thích, cũng không thể dùng các phương tiện khoa học kỹ thuật để giải quyết. Phải chăng đời sống vật chất hưởng lạc không thỏa mãn hết các nhu cầu trong con người?

Mọi tôn giáo đều bắt đầu từ một niềm tin hay một sự tìm hiểu mà không phải bao giờ cũng có thể dùng các dữ liệu để chứng minh hay lý trí để giải thích. Cũng vậy, trong đời chúng ta gặp những con người, sự kiện mà chúng đem đến hạnh phúc, khổ đau những được và mất, những thành và bại khiến chúng ta cười, khóc, và có bao giờ chúng ta tự hỏi do đâu các hiện tượng đó có thể xẩy ra? Nếu người ta tự hỏi tại sao, người ta bắt đầu tìm kiếm một cái gì khác hơn là chỉ có thỏa mãn các nhu cầu vật chất, chỉ đi tìm các hưởng thụ thỏa mãn các dục vọng trong con người.

Kiến thức khoa học và các hình thức nghệ thuật cũng không thể giải đáp tất cả các hiện tượng trong cuộc sống, do đó người ta tìm đến con đường tâm linh hay một đời sống tôn giáo để tìm sự giải thích, tìm nơi nương tựa tinh thần và tìm những thỏa mãn tình cảm hay tâm linh. Người ta cần cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và ý vị hơn việc chỉ thỏa mãn các nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí, làm tình, và nói chung là những gì chỉ là mặt vật chất tro ng đời sống hay các mối quan hệ gia đình và xã giao trong xã hội.

Khác với các tôn giáo khác, Đạo Phật (ĐP) không chủ trương đi tìm Thượng Đế (TĐ) hay những năng lực siêu nhiên để giải thích các hiện tượng mà con người kinh nghiệm trong cuộc sống. Pháp mà ĐP thuyết giảng có mục đích là để giáo dục con người bằng cách giới thiệu một cách nhìn mới và đưa họ ra khỏi những nhân thức một chiều đã bị điều kiện hóa hay đã bị đóng khung. Pháp Phật được khéo dùng phương tiện thuyết giảng, thiết thực hiện tiền, vượt không gian và thời gian, mời gọi người ta đến để mà thấy, không phải chỉ có niềm tin. Từ sự thấy biết đó dẫn đến một mục đích, một hướng đi lên trong cuộc sống mà mọi người phải tự mình trải nghiệm.

Con đường giáo dục trong Phật giáo bắt đầu từ Chánh Kiến hay thấy biết đúng đắn. Thay vì đi tìm TĐ (God) hay chân ngã (Ātman = Brahma), Đạo Phật dạy chúng ta phải quay về với chính mình để thấy được bản chất của đời sống đang hiện hữu trong ta và quanh ta. Bản chất của đời sống này bao gồm những mặt khác nhau trong mỗi con người và những nhu cầu khác nhau trong mỗi nguời. Trí tuệ trong Đạo Phật chính là thấy được sự hình thành và tan rã của các mặt hiện hữu này trong ta và quanh ta. Cách đây gần một ngàn năm thiền sư Vạn Hạnh đã nói: “Thân như ánh chớp có rồi không; như cỏ cây xanh trong mùa xuân, héo úa vào cuối thu. Thấu hiểu qui luật thịnh suy, tâm không xao động; thịnh suy như hạt sương mai trên ngọn cỏ bên đường.”[1]

Một hôm Đức Phật đang ngồi thiền trong một lâm viên xinh đẹp thì có một nhóm thanh niên hoàng gia đến hỏi ngài có thấy một phụ nữ trẻ trang điểm và ăn mặc sặc sỡ chạy qua chỗ ngài đang ngồi không? Nhóm thanh niên này cũng kể cho Phật nghe vì sao họ phải tìm kiếm người đàn bà đó. Hôm đó có 30 thanh niên hoàng tộc muốn làm một chuyến du ngoạn và picnic trong rừng. Phần lớn trong số họ đã có vợ hay thê thiếp, riêng một công tử trẻ chưa có bạn đời. Anh chàng liền thuê một cô gái giang hồ cùng đi để mua vui. Trong khi mọi người trong nhóm đang say sưa nhảy nhót ca hát và uống rượu ngất ngư thì cô gái giang hồ lợi dụng vơ vét đồ đạc trang sức của họ và bỏ trốn. Khi mọi người phát hiện ra sự vắng mặt của cô và đồ đạc của họ cũng biến mất, họ tìm kiếm cô ta. Trên đường đi họ gặp Phật đang ngồi dưới bóng mát một cây đại thụ. Đức Phật bình thản mời họ ngồi xuống quanh ngài rồi nhẹ nhàng hỏi:

- Này các vương tử, đối với các vị thì việc tìm kiếm người đàn bà và việc tìm lại chính mình, việc nào quan trọng hơn?

- Bạch ngài, đối với chúng tôi việc quan trọng hơn là chúng tôi nên tìm lại chính mình.

- Này các vương tử, nếu là như vậy các vị hãy ngồi xuống, ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp cho các vị.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi những người bạn thuộc nhóm các vương tử ấy đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến các vị ấy. Tức là ngài đã giảng giải bài pháp về bố thí, bài pháp về giới cấm, bài pháp về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của các vị ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã đưa ra bài Pháp mà chư Phật khai mở là: không thỏa mãn (Khổ), Nguyên nhân của nó là khát ái (Tập), Sự Bình An (Niết bàn), và Con Đường đưa đến Sự Bình An (Đạo). Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến các vị ấy: “Mọi mầm mống của „sinh’ (samudayadhamma) đều có tiềm ẩn diệt ngay trong chính nó (nirodha dhammam‘ti). (Đại Phẩm, Luật Tạng).

Nhóm thanh niên lúc đầu không hoàn toàn hiểu Đức Phật muốn nói gì với họ. Tại sao họ lại phải đi tìm chính mình? Nếu có ai hỏi quí vị “ngươi là ai?” chắc chắn quí vị sẽ nói ra một cái tên nào đó, một chức vụ hay địa vị nào đó gắn liền với thân thế mình, quí vị có chắc rằng những tên gọi đó, chức tước địa vị đó là mình hay không? Chúng ta vẫn quen xem thân này, danh này là “ta”, câu hỏi của đức Phật đưa những người kia trở về với chính họ. Trước đó họ chỉ biết chạy theo dục lạc thú vui bên ngoài mà biểu hiện là người đàn bà trẻ đẹp với những trang sức bắt mắt, ưa nhìn. Với một người đàn ông trẻ tuổi, một người đàn bà trẻ đẹp có thể thỏa mãn hết 5 giác quan của họ, và người đó có thể quên mình trong niềm đam mê tình ái. Khi lạc thú qua đi, họ có thể cảm thấy chua chát hay dư vị tẻ nhạt, thậm chí vô nghĩa. Khi vì một lý do nào đó mà mất đi những lạc thú, họ cảm thấy thất vọng, bị lừa dối, bị phản bội, vv. Người tầm thường thường trốn chạy sự khó chịu hay không thỏa mãn trong một dục lạc mới, một cuộc săn tìm thú vui mới, lao vào một đam mê khác. Họ chạy theo các giác quan và tìm quên chính mình là ai, vì họ không dám đối diện với chính mình hay khi sống một mình họ thấy cô đơn tẻ nhạt.

Bài pháp mà Đức Phật thuyết giảng cho những người sơ cơ thường bắt đầu từ sự bố thí (Dāna).

Đây là phẩm chất đầu tiên mà khi thực hành nó, người ta biết xả bỏ tính tham lam ích kỷ chỉ biết nghĩ đến chính mình. Thay vì tìm cách giành giật, chiếm đoạt và tích trữ cho riêng mình hay cho gia đình mình, người Phật tử làm hạnh bố thí, tức biết quan tâm và thông cảm với người khác qua hành động chia sẻ những gì mình đang có với người đang cần chúng. Như vậy hành động tích cực đầu tiên mà Đức Phật dạy chính là chia sẻ, cảm thông và xả bỏ tính tham lam.

Mặc dù trong nhiều bài pháp Đức Phật phân tích khá chi tiết về phước báu của việc bố thí, về những quả báo tốt đẹp mà người cho sẽ nhận được do hành động tốt đẹp của mình, tuy nhiên, người làm bố thí không nên chỉ nghĩ đến phước báu. Vì nếu bố thí hay cúng dường mà chỉ nghĩ đến kết quả thì nếu kết quả chưa đến kịp thời sẽ sinh nản lòng (cho rằng chùa này không thiêng, thầy, cô này, hay hội chúng này không có phước đức lớn). Hơn nữa một việc làm như vậy cũng chỉ xuất phát từ lòng vị kỷ, chưa xả bỏ thực sự mà chỉ là việc đầu tư, do đó nó không thự c là hành động thể hiện lòng từ bi, quan tâm và chia sẻ.

Cũng như các hành động thiện xảo khác trên con đường tu Phật, bố thí -cúng dường có hai cấp độ. Ở cấp độ thế gian, nó là một hành động tích trữ thiện nghiệp cho một quả báo tốt đẹp ngay trong hiện tại hay về sau. Cho gì, mình sẽ nhận lại được thứ đó, trong những lời kinh chúc phúc, chư Tăng –Ni thường nói kết quả của bố thí đem lại bốn phước báu là: trường thọ, sắc đẹp, hạnh phúc và sức mạnh. Như vậy Bố thí là một hành động đẹp khiến cuộc đời vui vẻ, hạnh phúc và bớt cô đơn, trống trải hơn. Chia sẻ đúng lúc và đúng cách cũng khiến cho các mối quan hệ giữa con người với nhau, và giữa con người với những sinh linh khác trở nên tốt đẹp và hòa hảo hơn. Ngoài ra bố thí- cúng dường, giúp đỡ và cảm thông chia sẻ với kẻ khác cũng cho phúc lạc cõi trời với nhiều an vui và lạc thú vi diệu hơn cảnh trần gian rất nhiều. Trong nền đạo đức phật giáo, Bố thí chính là chủ động tạo thiện nghiệp, một pháp tu đối trị tính tham lam dẫn đến trộm cắp. Ở cấp độ xuất thế gian, bố thí cúng dường là hành động xả bỏ, vì tâm từ bi đối với các chúng sinh khác, không vì mong cầu quả báo tốt đẹp cho chính mình. Khi người phật tử thực hành giới thứ hai, không trộm cắp, bước tiếp theo là bố thí và mở rộng tấm lòng thơm thảo cho người khác.

Khi tuân theo giới luật, người ta tự khép mình vào kỷ cương, trở thành con người có giáo dục, biết tiết độ và kiềm chế mình theo khuôn mầu đạo đức của một tôn giáo hay một cộng đồng xã hội. Nhưng kỷ luật và tiết độ cũng khiến cho người ta có thể trở nên khô khan hay khắc nghiệt. Để cho cuộc sống hài hòa và dễ chịu hơn, bố thí hay mở rộng tấm lòng trước mọi người là việc tốt đẹp bổ sung cho việc giữ giới. Nghĩa là không chỉ tránh trộm cắp (tránh ác nghiệp), người Phật tử chân chánh sống với tâm cởi mở, hay giúp đỡ và thảo thuận với mọi người (vun bồi thiện nghiệp). Bố thí và trì giới đưa đến phúc lạc cõi người và cõi trời. Tuy nhiên, tất cả những quả báo tốt đẹp đó cũng chỉ mang tính thế gian, và như tất cả các phước báu còn có ô nhiễm (hữu lậu) do tâm m ong cầu, khi phước báu hết thì người đó vẫn có thể phải trở lại với khổ cảnh.

Từ thời pháp được thuyết theo thứ lớp như vậy, Đức Phật khiến cho người nghe nhận thức được tính vô thường trong mọi hiện hữu. Khi nhận chân được sự vô thường, người ta không cò n chấp tướng. Đây là một trong ba cửa ngõ để đạt đến Sự Bình An tức Niết bàn, cụ thể là không, vô tướng, vô nguyện. Cũng cần phải giải thích thêm thiền quán trên sự vô thường dẫn đến giác ngộ về vô tướng, thiền quán trên sự bất toại nguyện hay khổ dẫn đến giác ngộ về vô nguyện, và thiền quán trên sự vô ngã của vạn hữu dẫn đến sự giác ngộ về tính không. (Abhiddhammatthasangaha, chương IX, 32) Đây là những điểm sâu sắc và cốt tủy nhất của triết lý Đạo Phật vẫn còn đồng nhất trong tất cả cá tông phái Phật giáo hiện hành. Chúng ta sẽ trở lại với vấn đề này sau.

Sự thấy biết đúng đắn trong Đạo Phật thường bắt đầu từ sự tìm kiếm lại những chân giá trị đã bị đánh mất hay lãng quên. Người ta thường đề cập đến sự tìm kiếm này như là tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời: Tại sao chúng ta lại sinh ra như thế này? Cuộc đời này có ý nghĩa gì không? Con người sẽ đi về đâu?, vv. Đức Phật dạy rằng chúng ta được sinh ra bởi duyên nghiệp đã được tạo tác trong đời trước, và mỗi người kinh nghiệm cuộc đời tùy thuộc vào nghiệp lực đã tạo trong mối tương tác với ý chí và nhận thức trong hiện tại. Mỗi người tự mình làm nên ý nghĩa cho cuộc đời, và tùy theo nhận thức và các hành động qua thân, khẩu, ý mà hướng cuộc đời đi đến chỗ tốt đẹp, hạnh phúc hơn hay tồi tệ, đau khổ hơn.

Những gì đã được tạo tác trong quá khứ thì không thể thay đổi được, cho dù đó là do Thượng Đế hay do cha mẹ cho ta, ta không thay đổi được, nhưng chúng ta có quyền chịu nhận (hay kinh nghiệm cuộc đời) theo cách của mình. Nếu chúng ta đừng tham lam quá đáng, đừng bất mãn đổ lỗi cho ai hay oán hận trong lòng, đừng ôm ấp thù nghịch tàn hại kẻ khác, chúng ta sẽ kinh nghiệm những gì đang có được một cách dễ dàng thoải mái và an nhiên hơn, cho dù những gì mà ta đang có hay đang phải chịu nhận không phải là tốt đẹp lắm. Đây chính là Chánh Tư Duy trong Đạo Phật. Chánh tư duy chính là thái độ đúng đắn trước cuộc sống. Khi có suy nghĩ đúng đắn, người ta không tự giày vò làm khổ chính mình, không làm khổ người khác vì sân hận, tham lam, hay oán thù. Tích cực hơn, chánh tư duy chính là thái độ khoan dung hào hiệp, thái độ từ ái thân thiện và thái độ bi mẫn thương người.

Một lần, khi Đức Phật và đông đảo chư tăng đệ tử đang trú ở Nalanda, một đô thị phồn thịnh thời bấy giờ của nước Ma Kiệt Đa, có một người đến yêu cầu Đức Phật và thánh chúng thi triển các loại thần thông để thu phục dân chúng trong vùng tin theo Đạo Phật. Đức Phật đã không thuận theo lời yêu cầu có vẻ rất hợp thời đó. Ngài giải thích rằng giữa các loại thần thông mà ngài và các hàng thánh chúng đã đạt được do công phu thiền định, chỉ có thần thông của sự giáo dục chuyển hóa là ngài thường dùng nhất, ngài cũng khuyến khích các hàng đệ tử sử dụng loại thần thông này: người hãy suy nghĩ như thế này, đừng suy nghĩ như thế kia[2]… Vì biết rằng ý nghĩ hay tâm tưởng có quyền lực rất lớn trên những gì mà con người cảm nhận, trong Kinh Pháp Cú, Phật dạy: “Ý dẫn đầu, ý tạo tác, ý làm chủ. Nếu người nói, làm hay ôm ấp các tâm niệm ô nhiễm đau khổ sẽ theo người như bánh xe lăn theo con bò kéo xe.” “Ý dẫn đầu, ý tạo tác, ý làm chủ. Nế u người nói, làm hay ôm ấp các tâm niệm trong sạch, hạnh phúc sẽ theo người như bóng với hình.” (Pháp cú 1 -2).

Phần lớn những đau khổ trong đời sống là do con người thiếu hiểu biết về chính mình và đời sống quanh họ. Chúng ta sống trong một thế giới mà các hiện tượng xuất hiện theo những qui luật của chúng, có những qui luật riêng[3], và có những qui luật chung[4]. Những qui luật riêng cần phải có phương pháp khoa học đúng đắn mới khám phá được. Do đó kiến thức và sự học hỏi là cần thiết. Với những qui luật chung, cần có sự chiêm nghiệm, từng trải để thấy biết và sống hòa hợp trong dòng chảy của cuộc đời và thời cuộc mà không bị vướng mắc đau khổ. Thế giới hiện tượng xuất hiện trước mỗi người tùy thuộc vào tâm trí của người cảm nhận. Điều này nói lên tính chủ quan trong kinh nghiệm cá nhân. Ngoài tính chủ quan, con người còn lệ thuộc vào tình cảm, tâm lý, do đó nhận thức về cuộc sống và sự vật thường bị bóp méo bởi cảm nhận chủ quan.

Biết được điều này, Đức Phật đưa ra những phương pháp khác nhau để đưa tâm trí và nhận thức của con người về chân nguyên, tức cái thấy biết như thực không bị ảnh hưởng của kiến chấp, tâm lý và tình cảm.

Sự phân tích về con người theo ĐP thì ở tầng mức đơn giản nhất, nó bao gồm hai khía cạnh:

phần vật chất (rūpa) và phần tinh thần (nāma). Bình thường chúng ta chỉ cảm nhận được phần vật chất và những cảm giác, tình cảm, ý tưởng, ham muốn sinh khởi liên quan đến phần vật chất này. Phần vật chất này bao gồm cơ thể và những nhu cầu của cơ thể như thức ăn, nước uống, không khí để thở. Để bảo tồn cơ thể và thỏa mãn những nhu cầu của nó, chúng ta phải làm việc, kiếm tiền, xây nhà. Để thỏa mãn những nhu cầu khác như tình cảm, ham muốn, quan hệ, vv, người ta cần bạn bè, cần người hợp tác và hôn nhân, vv. Tất cả các hoạt động của con người chỉ để thỏa mãn các nhu cầu khác nhau này. (còn tiếp)

 


[1] Trong kinh điển nguyên thủy cũng có một câu kệ tương tự: Khi trí tuệ quán chiếu, thấy hữu vi vô thường (khổ, vô ngã), liền thoát ly khổ não, đó là thanh tịnh đạo.

[2] Kevatta Sutta, Trường Bộ kinh tập I.

[3] Triết lý Phật giáo trình bày 5 loại qui luật riêng bao gồm (1) Utu-niyama, qui luật về thời tiết; (2) Bīja- niyama, qui luật về chủng loại; (3) citta- niyama, qui luật về tâm lý; (4) k amma- niyama, qui luật về nghiệp lực; và (5) Dhamma- niyama, qui luật về pháp.

[4] Qui luật chung cho tất cả các hiện tượng là vô thường (anicca), bất toại nguyện (duk k ha) và vô ngã (anatta) chính là không có ai trường tồn điều khiển các hiện tượng. Các hiện tượng xuất hiện/ s inh khởi vì nhân duyên và điều kiện, chúng tan rã và biến mất cũng vì nhân duyên và điều kiện đã thay đổi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn