Nhân lễ đặt đá xây dựng cơ sở mới Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM: XÂY DỰNG ĐẠI HỌC PHẬT GIÁO MANG TẦM VÓC QUỐC TẾ Diệu Nghiêm - H. Diệu
Sáng hôm nay 4-11-2012 (21-9-Nhâm Thìn), một tin vui với tất cả
những ai quan tâm đến ngành giáo dục Phật giáo, đó là lễ đặt đá xây dựng cơ sở
mới Học viện Phật giáo VN tại TP.Hồ Chí Minh thuộc xã Lê Minh Xuân, huyện Bình
Chánh trên diện tích đất rộng 23 mẫu.
Đại thư viện
Chúng ta đã có cơ sở Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội (Sóc
Sơn) với quy mô rất hoành tráng; nay có thêm cơ sở tại TP.Hồ Chí Minh, nơi sẽ
là “cơ sở đại học Phật giáo mang tầm vóc quốc tế”, như trong hướng nỗ lực của
Hội đồng Điều hành Học viện đã khẳng định.
Học viện Phật giáo VN tại TP.Hồ Chí Minh được thành lập từ
năm 1983 - kế thừa phương thức đào tạo của Viện Đại học Vạn Hạnh (1964-1975).
Gần 20 năm qua, Học viện đã đào tạo hơn 3.500 Tăng Ni sinh viên cử nhân Phật
học và là nơi đầu tiên có chương trình đào tạo hậu đại học (thạc sĩ Phật học).
Đó là nguồn nhân lực đóng góp vào sự nghiệp phát triển của GHPGVN trên nhiều
phương diện, trong tinh thần Đạo pháp và Dân tộc gắn bó hài hòa.
Chánh điện
Nhân dịp này, HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN,
Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.Hồ Chí Minh đã có tâm thư vận động xây
dựng Học viện gởi đến Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước.
Nói về tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở Học viện mới
này, Hòa thượng đã nhấn mạnh đặc trưng của môi trường giáo dục Phật giáo: “Đây
là nơi tu học nội trú và là môi trường ứng dụng, hành trì các pháp môn trong
đạo Phật, nhằm giúp hàng ngàn Tăng Ni sinh viên có thể sống đời sống đạo đức và
trải nghiệm tâm linh theo tinh thần Phật dạy”.
Hội trường quốc tế trong tương lai
Nếu ai đã từng có dịp thăm viếng các trường đại học Phật
giáo tại quốc gia láng giềng là Vương quốc Thái Lan hẳn sẽ không khỏi thầm mơ
ước một ngày nào đó Phật giáo VN sẽ có các cơ sở đào tạo như đại học
Mahachulalongkornrajavidyalaya (ở Wan Noi, Ayutthaya), nơi thường diễn nhiều
hoạt động Phật giáo quốc tế, đặc biệt là nhiều hoạt động của Đại lễ Vesak Liên
Hiệp Quốc. Niềm mơ ước đó nay đã hóa hiện thành những mô hình phác thảo, và lễ
đặt đá xây dựng sắp tới là một trong những cột mốc đánh dấu quan trọng.
Nhà khách quốc tế
Đào tạo Tăng Ni là một trong những nội dung được chư tôn đức
lãnh đạo giáo phẩm lãnh đạo quan tâm hàng đầu ngay sau khi Giáo hội Phật giáo
Việt Nam
thành lập (1981). Cho đến nay, ngoài hệ thống giáo dục nhà chùa từ sơ cấp, các
trường trung cấp, các lớp cao đẳng Phật học tại nhiều tỉnh, thành trong cả
nước, chúng ta có 3 Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội, Huế và TP.Hồ Chí Minh, 1
Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP.Cần Thơ, trong đó Học viện Phật giáo
VN tại TP.Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục đầu tiên của Giáo hội có chương trình
đào tạo thạc sĩ Phật học được sự cho phép của Chính phủ.
Tăng, Ni xá
Sự kiện đặt đá xây dựng cơ sở mới của Học viện Phật giáo VN
tại TP.Hồ Chí Minh ở khu đất mới diễn ra trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo
toàn quốc lần thứ VII, sẽ góp thêm một thành quả Phật sự của ngành giáo dục
Tăng Ni chào mừng Đại hội. Đồng thời, sự kiện này cũng đặt niềm tin về một ngày
không xa, nơi đây sẽ là không gian cho các hoạt động Phật giáo quốc tế, là nơi
tiếp tục đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni có tri thức Phật học, vững chãi trong
hành trì và tinh tấn dấn thân phụng sự Phật pháp, đất nước, vì lợi lạc cho số
đông.
Sơ đồ phân bố quy hoạch tổng thể
Dưới đây là thông tin về sự kiện này:
(Giác Ngộ)
Sáng
nay 4-11, Lễ đặt đá xây dựng cơ sở mới Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (HVPGVN TP.HCM) mang tầm vóc quốc tế đã diễn ra trang nghiêm tại khu đất 23,8 ha thuộc xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Quang lâm chứng minh và tham dự có: HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Thư ký HĐCM, HT.Thích Viên Giác, thành viên HĐCM; HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Viện Trưởng HVPGVN TP.HCM; HT.Yoshimizu Daichi, Trưởng lão Phật giáo đến từ Nhật Bản; HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch kiêm Phó viện Trưởng HVPGVN TP.HCM; HT.Thích Thiện Tánh, Ủy viên Kiểm soát HĐTS kiêm Phó ban Thường trực THPG TP.HCM; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh VP II TƯGH;
HT.Thích Gia Quang, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh VP I TƯGH; HT.Thích Nhật
Quang, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS THPG TP.HCM….; NT.Thích Nữ Tịnh Nguyện, Phó ban Thường trực Phân ban Đặc trách Ni giới TƯ; NT.Thích Nữ Tịnh Hạnh, Phó phân ban Đặc trách Ni giới TƯ; chư
tôn đức giáo phẩm Tăng Ni các BTS THPG TP.Cần Thơ, Đồng Nai, Kiên Giang, Gia Lai, Đắc Lắc, Long An, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tây Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương, chư tôn Tăng Ni các tự viện TP.HCM, các giáo sư, tiến sĩ, thiện tri thức, đông đảo Phật tử về tham dự.
Đến tham dự còn có các ông bà: Bùi Quốc Liêm, Phó Tổng cục An ninh quốc gia; Thiếu tướng Lê
Đình Luyện, Cục trưởng Cục An ninh Xã hội; Vũ Phạm Việt Thắng, Thanh tra Chính Phủ; Bùi Thanh Hà, Phó ban Tôn giáo Chính phủ; Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính Phủ; Trần Minh Nga, Vụ phó Vụ Tôn giáo Chính Phủ; Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP; Trần Ngọc Bảo, Phó ban Dân vận TP; Lê Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó ban Tôn giáo-Dân tộc TP; Trần Trung Tính, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP…; đại diện UBND huyện Bình Chánh cùng đại diện các Sở, ban, ngành các cấp; các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đến tham dự.
Chư tôn đức, quan khách nhất tâm cầu nguyện
Phát biểu khai mạc Lễ đặt đá, HT.Thích Trí Quảng, nhấn mạnh: “Sự
hiện diện của chư tôn thiền đức và liệt quý vị trong buổi đặt đá khởi công xây dựng HVPGVN tại TP.HCM hôm nay đã thể hiện mối quan tâm to lớn đến sự nghiệp giáo dục của Phật giáo, đồng thời là nguồn động viên và niềm khích lệ lớn lao cho chúng tôi trong sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài mà GHPGVN giao phó… Tăng Ni là tương lai của đạo pháp, nhưng chỉ có những Tăng Ni có tài có đức mới có thể kế thừa trọng trách hoằng dương Phật pháp của các bậc tổ giáo phó. Rõ ràng, những con người đức trí vẹn toàn như thế ắt phải được đào tạo trong một hệ thống giáo dục hoàn thiện và toàn diện của Phật giáo…”.
HT.Thích Trí Quảng đọc diễn văn khai mạc
HVPGVN TP.HCM có nguồn gốc từ Đại học Vạn Hạnh (1964-1975) và tiền thân là Trường Cao cấp
Phật học VN (1983-1997), HVPGVN TP.HCM được UBND TP.HCM cấp giấy phép hoạt động theo quyết định số 160/QĐ/UB ngày 17-10-1983. Mục đích của Học
viện là đào tạo thế hệ Tăng Ni với đức trí song toàn, kế thừa và phát triển đạo Phật, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đạo pháp và dân tộc. Suốt gần 25 năm hoạt động, dưới sự điều hành và tận
tụy của cố Hòa thượng Viện trưởng sáng lập Thích Minh Châu, Học viện luôn phát triển và thích nghi với với những yêu cầu của thời đại. Kế thừa những di sản mà chư vị tiền bối dày công gầy dựng, Hội đồng điều hành Học viện tiếp tục sự nghiệp giáo dục Tăng tài mà Giáo hội giao phó.
Cho đến nay, Học viện đã đào tạo hơn 1.500 TN sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học, trong đó có 476 Tăng Ni đi du học tại các nước trên thế giới với cấp học thạc sĩ,
tiến sĩ thuộc nhiều ngành học khác nhau. Hiện nay, Học viện được Chính phủ cấp phép đào tạo 150 nghiên cứu sinh cấp thạc sĩ. Trong 5 năm qua, Học viện đã chính thức liên kết đào tạo với một số trường Đại học dnah tiếng ở nước ngoài: Đại học Nalanda, Trung tâm Phật học K.J.Somaiya (Ấn Độ), Mahachulalongkorn (Thái Lan), Đại học Sư phạm Phúc Kiến, Đại học Sư
phạm Hoa Trung, Đại học Liên Hợp Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Phật Quang Sơn (lãnh thổ Đài Loan)…
Buổi lễ đặt đá khởi
công xây dựng cơ sở mới HVPGVN TP.HCM đã diễn ra trang nghiêm thanh tịnh với sự hướng dẫn của chư tôn đức giáo phẩm nhất tâm cầu nguyện, thắp hương bạch Phật, lễ sái tịnh… cầu nguyện công trình xây dựng cơ sở mới HVPGVN TP.HCM được hoàn thành như ý nguyện.
Dâng hương bạch Phật
Chư tôn đức thực hiện Lễ sái tịnh
Cơ sở mới HVPGVN TP.HCM được xây dựng trong tổng thể của dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa
Phật giáo Việt Nam trên khu đất 23,8 ha thuộc xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Toàn bộ khu đất gần 24 ha chia thành hai khu chính: Học viện Phật giáo gồm 160.299,1m2 chiếm 67,4% và Khu trung tâm Văn hóa Phật giáo gồm 59.652,6 m2 chiếm 25,1%; 18% đất còn lại là đất giao thông.
Công trình gồm các hạng mục chính: Chánh điện, khu đại giảng đường và hội thảo chứa khoảng 3.000 người; khu lớp học, khu hành chánh, thư viện, ký túc xá cho khoảng
2.000 Tăng Ni sinh nội trú; nhà khách quốc tế 300 phòng, khu bảo tàng Phật giáo, khu bảo tháp Xá Lợi cao 80 m.
Các giai đoạn xây dựng: San lấp mặt bằng (hiện nay 8ha đã được san lấp để xây dựng), Khu học viện Phật giáo gồm các hạng mục: Chánh điện, khu lớp học, ký túc xá,
nhà bếp, phòng giảng viên, khu hành chánh (dự kiến các hạng mục này dự khoản dao động từ 780 đến 800 tỷ đồng, hoàn tất từ 2 đến 3 năm tùy vào sự phát tâm ủng hộ quý mạnh thường quân, Phật tử); Khu trung tâm Phật giáo và khu công viên, quảng trường… công trình sẽ xúc tiến song song khi thực hiện 2 phần đầu nhằm xanh hóa môi trường Học viện.
Dự kiến, tổng kinh phí xây dựng của công trình lên đến 2.000 tỷ đồng.
Đặt những xẻng cát đầu tiên lên công trình
Dấu ấn đầu tiên của công trình cơ sở mới HVPGVN tại TP.HCM
Chụp ảnh lưu niệm tại cổng cơ sở mới HVPGVN TP.HCM
Ông Lê Minh Trí Phó Chủ tịch UBND TP phát biểu
Công trình do GS-TS.Phạm Thứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM và các Kiến trúc sư của trường khảo sát và chịu trách nhiệm bản thiết kế. Trưởng ban
Quản lý dự án: HT.Thích Trí Quảng.
Tại lễ khởi công, HT.Thích Trí Quảng đã trao Bằng Tuyên dương công đức, tặng hoa cho chư tôn đức đại diện các BTS THPG tỉnh thành, chư tôn đức Tăng Ni, các doanh
nghiệp, các nhà mạnh thường quân, nhà hảo tâm, Phật tử… đã hoan hỷ đóng
góp xây dựng Học viện với tổng số tiền hơn 81,9 tỷ đồng và hơn 600 USD.
Tặng hoa các đơn vị tài trợ
Đại diện VinGroup cúng dường xây dựng 40 tỷ đồng - Ảnh: H.D
Phát
biểu tại lễ khởi đặt đá công xây dựng Học viện, ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chúc mừng lễ đặt đá khởi công xây dựng Học viện Phật giáo và mong muốn công trình sớm hoàn thành để Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM phát huy thế mạnh đào tạo, giáo dục Tăng Ni tài đức cho Phật giáo và dân tộc.
Ban
đạo từ tại buổi lễ, HT.Thích Đức Nghiệp cũng đã kêu gọi toàn thể Tăng Ni, Phật tử, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà mạnh thường quân hoan
hỷ, tích cực đóng góp để công trình xây dựng trường Đại học Phật giáo mang tầm vóc quốc tế này sớm hoàn thành. Đây
là cơ sở giáo dục Phật giáo mà chư tôn đức cũng như Tăng Ni, Phật tử hằng mong đợi, Học viện hoàn thành sẽ mang tầm khu vực và quốc tế phát huy được thế mạnh đào tạo nhân tài Phật giáo trong tương lai.
H.Diệu
Xin giới thiệu chùm ảnh do PV Phattuvietnam.net thường trú tại TP.HCM ghi nhận dưới đây:
Hàng ngàn Tăng Ni, quan chức nhà nước và Phật tử đã đến gia tâm cầu nguyện
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.