Giữ Cho Hành Tinh Xanh Cách Duy Nhất Để Con Người Tồn Tại

31 Tháng Tám 201000:00(Xem: 24291)

GIỮ CHO HÀNH TINH XANH
CÁCH DUY NHẤT ĐỂ CON NGƯỜI TỒN TẠI

 

 

Ngày 06/04, Tiểu ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC) công bố báo cáo 1.400 trang về “sinh mạng” hành tinh xanh. Một lần nữa, ý thức xanh lại được nhấn mạnh là cách duy nhất cần tiến hành để con người có thể tồn tại.

Các nước nghèo sẽ gánh chịu nặng nhất

Vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng phức tạp bởi không chỉ liên quan đến lợi ích kinh tế mà cả “an ninh quốc gia”. Việc Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích Mỹ và Australia thờ ơ với Nghị định thư Kyoto bởi sự “ích kỷ” vì lợi ích quốc gia là một thí dụ. Tháng 03/2007, cả 27 thành viên EU đã đồng ý trước năm 2020 sẽ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính (HƯNK) ít nhất 20% so với mức năm 1990. Trong khi đó, mức khí thải ở Mỹ hiện lại cao hơn mức năm 1990 đến 16%.

Các nước nghèo phải gánh chịu tác động của HƯNK nghiêm trọng hơn các nước giàu. Mỹ, nơi nông nghiệp chỉ chiếm 4% nền kinh tế, sẽ chống chọi tốt hơn trước tình trạng khí hậu trở chứng so với Malawi, nơi 90% dân số sống ở nông thôn và 40% thu nhập từ nông nghiệp (theo IHT ngày 02/04). Khi nước biển dâng cao bởi tình trạng băng tan, các lưu vực sông tại Đông Nam Á và Bắc Phi là những nơi phải đối mặt với nguy cơ lũ tràn nặng nhất.

Báo cáo IPCC cho biết: 1,1 đến 3,2 tỷ người sẽ bị thiếu nước và hàng triệu người sẽ phải đối mặt với nạn đói cũng như nhiều thảm họa thiên nhiên. Băng trên đỉnh Himalaya đang tan cực nhanh, khiến diện tích vùng băng tuyết có thể thu hẹp từ 500.000km2 xuống còn 100.000km2 trước năm 2030. (Hình bên: Trái đất nóng dần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với nước nghèo)

Henry Miller thuộc Viện nghiên cứu Hoover (Đại học Stanford) cho rằng: “Tương tự vụ đắm tàu Titanic, chẳng hề có khái niệm dân chủ trong thảm họa. Một tỷ lệ cao hơn nhiều đối với hành khách vé rẻ nằm dưới hầm tàu sẽ bị thiệt mạng trước tiên. Chúng ta sẽ chứng kiến hiện tượng tương tự với tình trạng trái đất nóng dần”.

Xanh hay là chết!

Hiện tượng trái đất “hầm hập sốt” cũng làm thay đổi sinh quyển và hệ sinh thái, khiến 20%-30% loài động thực vật bị đe dọa tuyệt chủng nếu nhiệt độ tăng thêm từ 1,5OC đến 2,5OC. Trong khi đó, báo cáo IPCC cảnh báo rằng nhiệt độ có thể tăng từ 1,8OC đến 4OC vào cuối thế kỷ này. 

Tại rừng nhiệt đới Puerto Rico, nhà sinh học Rafael Joglar từng phát hiện sự bất thường lần đầu tiên trong 5 năm không nghe tiếng ếch kêu. Nhiều ghi nhận tương tự đối với loài ếch cũng được báo cáo khắp thế giới, đặc biệt tại Trung và Nam Mỹ. Cuối cùng, người ta tìm ra được thủ phạm: sự thay đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng khiến nhiều vùng trở nên khô hạn và ếch hết đường sống. Vắng ếch, hệ sinh thái sẽ đối mặt nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng số lượng chim và nhiều động vật sống bằng thịt ếch, xóa sổ nhiều loại côn trùng và cuối cùng phá vỡ hệ sinh thái ở mức độ khó có thể hình dung. (Hình bên trên: Đến năm 2050, gấu Bắc cực có thể sẽ tuyệt chủng với diện tích mặt băng hiện tại đã thu hẹp 20% so với năm 1978)

Sự thay đổi nhiệt độ 2OC còn đem lại nhiều chuyện “khóc dở mếu dở” khác. Bọ chét đang lan tràn tại các quốc gia Scandinavia, sinh sôi nảy nở ở động vật nuôi và đe dọa cả con người với nhiều mầm bệnh truyền nhiễm. Bọ chét lại tung hoành ở vùng lạnh như Scandinavia có thể là một hậu quả khó lường của HƯNK, theo giáo sư Thomas Jaenson (Đại học Uppsala)... Nhóm nghiên cứu gấu Bắc cực quốc tế cho biết, số lượng gấu tại vịnh Hudson (Canada) đã giảm 20% kể từ thập niên 1980. Bi kịch tương tự cũng xảy ra với cá tuyết. Nhiệt độ khu vực Biển Bắc tăng 1OC trong hơn 100 năm qua đã làm thay đổi dòng chảy, cuốn đi nhiều nguồn thức ăn khiến cá tuyết chết đói. 

Đó chỉ là vài ghi nhận từ báo cáo IPCC. Tất cả chẳng phải là chuyện “trên trời dưới đất” nữa mà đều đang trực tiếp ảnh hưởng đến con người từng ngày, từng giờ.

(http://www.thiennhien.net/news/150/ARTICLE/1811/2007-04-07.html )

CÙNG CHUNG TAY BẢO VỆ TRÁI ĐẤT. 

10 cách bảo vệ môi trường

Chúng ta biết rằng môi trường sống quanh ta ngày càng xấu đi, vậy hãy bảo vệ chúng từ những việc nhỏ trong chính cuộc sống của mình. 

1. Giữ gìn & trồng cây xanh: Cây xanh hấp thụ khí carbon dioxide, ngăn xói mòn đất và cung cấp ổ sinh thái cho mọi sinh vật sống. Giữ gìn cây xanh bằng cách chọn những vật trang trí nội thất từ các chất liệu thân thiện với sinh thái như tre chẳng hạn. Đừng quá chạy theo mốt, hãy tìm những loại bàn ghế, tủ đựng quần áo bền như vậy vừa tiết kiệm tiền vừa không góp phần tăng lượng đồ phế thải vào môi trường. 

2. Sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên: Bạn có biết rằng thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất sử dụng trong vệ sinh hằng ngày đang làm chúng ta chết dần vì là một trong những nguyên nhân gây ra các căn bệnh như Parkinson, ung thư và các bệnh liên quan đến não. Vậy tại sao không sử dụng các loại hóa chất có nguồn gốc từ thiên nhiên và tận dụng hiệu quả mối quan hệ đấu tranh sinh tồn giữa các loài trong tự nhiên để kiểm soát địch hại. 

3. Rút các phích khỏi ổ cắm: Có lẽ bạn không biết rằng việc để cho các thiết bị điện gia dụng ở chế độ “chờ” trong thời gian dài đã làm tiêu tốn một lượng điện lớn, vì vậy hãy rút các chuôi cắm ra khỏi ổ hoặc tắt nguồn tất cả các thiết bị như máy sấy tóc, máy vi tính, tivi, thiết bị sạc điện thoại di động... khi không sử dụng. 

4. Sử dụng năng lượng sạch: Hãy sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo bất cứ khi nào có thể như năng lượng từ gió, ánh nắng mặt trời... Đây là các loại năng lượng sạch vì việc sản xuất và tiêu thụ chúng không làm phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính như sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch. 

5. Nguyên tắc 3R: (reduce, reuse, and recycle): Giảm sử dụng - tái sử dụng - sử dụng sản phẩm tái chế, hãy đối mặt với thực tế là chúng ta tiêu thụ nhiều hơn cái mà thiên nhiên có thể cung cấp cho chúng ta và mọi thứ đang dần cạn kiệt, kể cả nước! Vì vậy, trước hết hãy giảm thiểu nhu cầu tiêu dùng của bản thân hơn là phải tái sử dụng và tái sử dụng sẽ còn tốt cho môi trường hơn phải tái chế các sản phẩm đã vứt đi! 

6. Ta tắm ao ta! Ưu tiên sử dụng các sản vật được sản xuất từ địa phương, như vậy sẽ giảm được sự vận chuyển là một trong những nguyên nhân làm tiêu hao năng lượng và tăng lượng thải các loại khí độc hại. Thử nghĩ xem, cứ gì phải sử dụng các loại trái cây ướp lạnh từ cách xa hàng ngàn kilômet mang đến khi xung quanh ta tràn ngập các loại trái cây nhiệt đới thơm ngon, bổ dưỡng. 

7. Tiết kiệm giấy: Hãy tranh thủ lướt web để tìm kiếm thông tin, thay vì cứ chăm chăm đọc báo, gửi email và file thay vì viết thư, đấy là bạn đã góp phần bảo vệ cây xanh - là nguyên liệu chính sản xuất ra giấy. 

8. Giảm sử dụng túi nilông: Bạn có tin rằng các túi nilông không thể bị phân hủy sinh học nên chúng có thể tồn tại trong môi trường đến hàng trăm năm và để sản xuất ra 100 triệu túi nhựa phải tiêu tốn 12 triệu barrel dầu hỏa, vì vậy hãy sử dụng giấy, các loại lá... để gói sản phẩm thay vì sử dụng loại túi này. 

9. Tận dụng ánh sáng mặt trời: Tại sao bạn không mở tung cửa sổ ngôi nhà bạn bất cứ khi nào có thể để đón ánh sáng mặt trời thay vì sử dụng các loại đèn chiếu sáng, như vậy bạn sẽ giảm được lượng điện năng tiêu thụ, đồng thời tiết kiệm được túi tiền của mình. 

10. Sử dụng các tiến bộ của khoa học: Hãy dùng đèn huỳnh quang mặc dù chúng đắt hơn một tí nhưng bền hơn và tiết kiệm đến 75% điện năng so với bóng đèn bình thường. Nhưng phải lưu ý rằng trong chúng cũng chứa một lượng nhỏ thủy ngân, tuy không đủ gây hại cho bạn nhưng sẽ tích lũy vào môi trường nếu không được thu gom và xử lý tốt. 

(http://yourco2.org/index.php?option=com_content&task=view&id=189&Itemid=50)  

Mười bước ngăn chặn biến đổi khí hậu

Để kiểm soát phát thải khí nhà kính cần có những thay đổi về nhận thức và nỗ lực ở mọi cấp từ quốc tế, quốc gia đến khu vực. Để ngăn chặn biến đổi khí hậu, theo Tổ chức Liên minh Xã hội Ôxtrâylia, cần phải thực hiện 10 bước sau: 

1. Thực hiện các mục tiêu giảm phát thải trước mắt nhằm giảm toàn bộ phát thải thực tế. Mục tiêu đặt ra là sản xuất 95% năng lượng tái tạo vào năm 2020, giảm toàn bộ phát thải vào năm 2030. Cần phải đề ra các mục tiêu giảm phát thải hàng năm. 

2. Bắt đầu tiến hành các cuộc thương lượng dưới dạng hiệp ước quốc tế, để tất cả các nước nhất trí với mục tiêu toàn cầu là đến năm 2030, giảm 90% phát thải so với mức của năm 1990. 

3. Bắt đầu chuyển đổi sang nền kinh tế không chất thải. Khuyến khích người lao động trong ngành công nghiệp cũng với các chuyên gia kỹ thuật thiết kế lại sản phẩm của họ và tạo ra những việc làm bền vững. 

4. Cần phải áp dụng tất cả các giải pháp khả thi về hiệu suất năng lượng phù hợp cho những ngôi nhà hiện có và hỗ trợ chi phí cho các chủ nhà. 

5. Đặt toàn bộ ngành công nghiệp năng lượng dưới quyền sở hữu của người dân và sự kiểm soát theo hướng dân chủ. Bắt đầu chấm dứt ngay hoạt động khai thác than đá và hoạt động của các nhà máy điện đốt than. Tạo việc làm ổn định và tiến hành tập huấn miễn phí cho các thợ mỏ khai thác than và người lao động trong các nhà máy điện, đồng thời xây dựng các cơ sở công nghiệp mới bền vững. 

6. Kiểm soát công khai toàn bộ ngành công nghiệp ô tô. Trang bị lại để ngành công nghiệp ôtô sản xuất các tua bin gió, xe vận tải công cộng, pin mặt trời. Hỗ trợ chuyển đổi ô tô tư nhân sang sử dụng điện năng. 

7. Tăng cường xây dựng các trạm phát điện từ gió trong các khu vực thích hợp. Đẩy mạnh nghiên cứu tất cả các nguồn năng lượng tái tạo. Hiện nay, cần phải xây dựng thí điểm các nhà máy điện mặt trời và địa nhiệt. Thiết lập mạng lưới điện cục bộ. 

8. Chấm dứt chặt phá những cánh rừng già. Khởi động chương trình tái trồng rừng khẩn cấp và bảo vệ đa dạng sinh học để tạo ra các bể chứa các bon lớn. 

9. Chấm dứt phương thức canh tác dựa vào phân bón, thuốc trừ sâu và nhiên liệu từ dầu mỏ. Giới hạn các khu vực canh tác để đảm bảo rằng các hệ sinh thái ven sông, rừng và hệ sinh thái bản địa phục hồi trạng thái khỏe mạnh. Khuyến khích các phương thức canh tác mới bao gồm canh tác nông nghiệp hữu cơ và canh tác đô thị. 

10. Miễn phí tất cả các phương tiện giao thông công cộng ở đô thị và trong vùng và nâng cấp các dịch vụ cho phép tất cả người dân đô thị được sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi lại thường xuyên. Quốc hữu hoá và nâng cao các dịch vụ tàu phà liên bang để thay thế cho đi lại bằng máy bay. Cần phải ưu tiên vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt. Đảm bảo kết hợp các dịch vụ vận tải.

Theo Công nghệ mới (http://www.moitruong.com.vn/) 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Tư 2023(Xem: 1382)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 7628)
Trong lịch sử nhân loại, chưa lúc nào mà nhu cầu làm sạch môi trường sống và thế giới lại khẩn thiết và cấp bách như hiện nay. Chắc chắn là vì hành tinh này đã bị con người làm ô nhiễm đến nguy cơ phải báo động!