BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, TRÍ TUỆ VÀ KINH NGHIỆM Irvine, CA, USA, ngày 06 tháng bảy năm 2015 - Vào ngày thứ hai trong lễ tôn vinh kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài đã trả lời phỏng vấn phóng viên Elizabeth Dias tạp chí Time. Cô đặt câu hỏi quý ngài về vấn đề đa vũ trụ, tập hợp những vũ trụ có thể có. Ngài đã chia sẻ rằng văn học Phật giáo có bàn về những vũ trụ khác nhau và sự kết nối của chúng sinh với các vũ trụ đó là kết quả do sự tương tác lẫn nhau. Ngài cũng nhắc đến các vũ trụ tan rã giống như loại vật chất đặc tan thành hơi ẩm, nhiệt độ, năng lượng và không gian, nhưng chúng lại tiếp tục hình thành trở lại. Đây là những sự kiện diễn ra không phải qua nhiều thập kỷ hay thế kỷ, nhưng qua nhiều kỷ, trong khi đời sống của con người là rất ngắn ngủi. Ngài liên hệ đến sự tương ứng giữa tư tưởng Trung đạo của ngài Long Thọ với vật lý lượng tử hiện đại. Ngài đặt vấn đề liệu sự hiểu biết về sự không tồn tại của khách thể được mô tả trong vật lý lượng tử có giúp làm giảm năng lực của các phiền não nơi những nhà khoa học đã có hiểu biết đúng đắn không. Quan sát khoảng cách ngày càng lớn giữa thông điệp lạc quan của quý Ngài với những thực tế đang xảy ra tại Tây Tạng, Dias tự hỏi chính quyền lưu vong đã thể hiện được đầy đủ năng lực chưa. Ngài cho rằng trách nhiệm chính của các tổ chức lưu vong Tây Tạng là trợ giúp những cộng đồng lưu vong và bảo tồn văn hóa Tạng. Mặc dù sự kiểm duyệt rất hà khắc nhưng nhiều thông tin vẫn tới được Tây Tạng. Ngài trích dẫn trường hợp một vài năm trước, tại một cuộc gặp gỡ giữa tôn giáo lớn ở Ấn Độ, ngài đã chỉ trích phong tục trang trí trang phục bằng lông động vật. Tu học và kết quả sự tu học quan trọng chứ không phải trang phục bên ngoài. Ngay sau đó những báo cáo cho thấy các gia đình ở Tây Tạng đã bỏ những trang phục có lông động vật. Ngày thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh Tâm từ bi toàn cầu được mở tại Trung tâm Sự kiện Bren, Đại học California Irvine. Đầu tiên Hiệu trưởng Howard Gillman đọc lời giới thiệu. Tiếp theo đó là những ý kiến từ UCI Regent Richard Blum, một người bạn cũ của Ngài. Người dẫn chương trình Ann Curry giới thiệu các thành viên buổi hội đàm sáng. Nhà hải dương học Walter Munk năm nay đã 97 tuổi được đức mời ngồi cạnh. Munk chia sẻ ông rất ấn tượng với những buổi thảo luận những ngày hôm trước về vấn đề biến đổi khí hậu. "Từ bi là câu trả lời cho bất cứ vấn đề gì có thể được thực hiện." Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu phiên hội đàm: "Chúng ta phải nỗ lực, ngay cả khi ngay cả khi thất bại, chúng ta cũng sẽ không có gì phải hối tiếc. Trên hết đây là vấn đề sinh tồn của loài người. Tôi nhớ những người bạn đã chia sẻ về một dòng sông chảy qua Stockholm, có thời gian dài không có loài cá nào sống ở đó được. Tuy nhiên, sau rất nhiều biện pháp thực hiện để giảm thiểu ô nhiễm của dòng sông, các loài cá đã xuất hiện trở lại ở đó. Chăm sóc hành tinh chính là chăm sóc ngôi nhà của chúng ta. Trong khi đó, đối với khoảng cách to lớn giữa người giàu và người nghèo, thì cách thức thích hợp là nâng cao tiêu chuẩn của người nghèo.” Tiến sĩ Veerabhadran Ramanathan phát biểu với các thành viên và trước 5500 thính chúng rằng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong vòng 30 năm tới sẽ là rất xa so với tưởng tượng của mọi người. Ông chỉ ra rằng hiện nay 1 tỷ người đang sử dụng 50% năng lượng của thế giới. Ông cho biết có công nghệ có giải quyết nhiều vấn đề chúng ta đang đối mặt, nhưng cần phải có sự thay đổi trong thái độ đối với môi trường. Ông tính toán rằng nếu thực hiện những thay đổi cần thiết cho 1 tỷ người sẽ cần chi phí 450 USD mỗi người. Thêm rằng nếu cung cấp cho tất cả mọi người nguồn năng lượng sạch thì mất chi phí thêm 250 USD mỗi người. Một vấn đề là người dân ở các vùng kém phát triển trên thế giới không kiếm được 250 USD mỗi năm. Bàn về sự tan chảy của các dòng sông băng, Giáo sư Isabella Velicogna cho rằng chúng ta nên lo lắng về những biến đổi khí hậu lớn có khả năng xảy ra. Bà kêu gọi thính chúng là các sinh viên mỗi người hãy giúp tìm một giải pháp. Miya Yoshitani, một nhà tổ chức cộng đồng đấu tranh cho bình đẳng về khí hậu phát biểu rằng nuôi dưỡng lòng từ bi là để đấu tranh cho nhân phẩm. Cô nói mọi người cần phải sống một đời sống có kỷ luật và hãy tìm một mối quan hệ mới với nguồn năng lượng, hãy lưu giữ trong tâm rằng sống một đời sống có nhân phẩm là rất quan trọng. Tiến sĩ Ramanathan nhắc mọi người rằng ó rất nhiều điều mỗi người chúng ta có thể làm ví như, luôn giữ trong tâm rằng biến đổi khí hậu trong 30 năm tới là kết quả của sự ô nhiễm môi trường đang diễn ra hiện nay. Một nguồn chính gây ô nhiễm là giao thông vận tải, vì vậy mỗi người có thể tạo thay đổi tốt nếu biết tìm mua những sản phẩm tiêu dùng địa phương. Hệ thống cài đặt năng lượng mặt trời cũng có hiệu quả. Ông nhắc lại rằng các giải pháp luôn có sẵn. Nghị sĩ Loretta Sanchez cho biết trong khi 97% các nhà khoa học có liên quan đều đưa ra quan điểm rõ ràng về biến đổi khí hậu, thì đa số các thành viên Quốc hội lại không tin tưởng vào khoa học. Bà cho rằng luôn rất khó khăn nếu muốn thay đổi hiện trạng, nhưng muốn vậy cần thay đổi giáo dục và gia đình, giáo dục cho các bà mẹ cũng đặc biệt hiệu quả. Bà bày tỏ sự ủng hộ lời kêu gọi của Đức trong việc giảm thiểu vũ khí hạt nhân. Trở lại với những thính chúng trẻ tuổi trong hội trường, bà cho rằng, "Nếu các bạn có thể bỏ phiếu, xin hãy đăng ký và bỏ phiếu. Nếu không, các bạn đang đánh mất đi quyền lực của chính mình.” Khi Ann Curry đặt câu hỏi cần phải làm những gì để tác động đến các nhà lãnh đạo chính trị, Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng: "Chúng ta đang mắc kẹt với cung cách suy nghĩ cũ kỹ trong khi thực tế đã thay đổi. Xin hãy nhìn vào những gì diễn ra tại hội nghị Copenhagen. Có quá nhiều quốc gia đặt tầm quan trọng lợi ích quốc gia của họ lên trên lợi ích toàn cầu. Về vấn đề này, chúng ta cần phải đặt lợi ích toàn cầu lên trên hết. Một số trong đó là do kết quả của lối sống thiên về cách vật chất và để thay đổi, chúng ta cần một nền giáo dục toàn diện hơn, một nền giáo dục có sự kết hợp các giá trị tình thần, chẳng hạn như sự quan tâm chia sẻ tới lợi ích của người khác." Trước khi phiên hội đàm buổi sáng kết thúc, Richard Blum nhắc rằng có một điều đã không được đề cập tới là 100 bước có thể được thực hiện ở Mỹ, nhưng sẽ có ít ảnh hưởng nếu Trung Quốc không tham gia. Cuối cùng, Tiến sĩ và Tiến sĩ Ramanathan Munk lên cúng dường ngài nhân ngày sinh nhật thứ 80. Hai ông cúng dường ngài một bức tranh về một loài sinh vật mới được phát hiện ở dưới lòng đại dương. Họ đã đặt tên chúng là Sirsoe dalailamai để gửi lời tri ân lên ngài. Đây là một trong những loài sinh vật lạ thường bởi điểm đặc biệt là chúng luôn nuôi dưỡng môi trường xung quanh hơn là lấy đi các chất dinh dưỡng từ môi trường. Sau giờ nghỉ trưa, Larry King phóng viên đài truyền hình nổi tiếng đã phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông từng gặp gỡ ngài một vài lần trước, King nhiều hơn ngài một tuổi. Ông đặt câu hỏi Ngài dùng bao nhiêu bữa một ngày. Ngài trả lời rằng là một tu sĩ Phật giáo ngài không dùng bữa tối. Với câu hỏi về thiền, ngài chia sẻ rằng ngài giành thời gian khoảng 5 giờ mỗi ngày để thiền. Vậy điều gì diễn ra khi ngài thiền? Ngài trả lời rằng hiệu quả nhất thiền quán. Ngài thường thiền quán về sự tương đối của thực tại, điều này cũng giống như những mô tả trong các lý thuyết của vật lý lượng tử. Ngài đã sống lưu vong kể từ năm 1959, vậy đâu căn nguyên của vấn đề này? Ngài đã chia sẻ, ngay khi quân đội Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng, họ đã cố gắng kiểm soát mọi phương diện đời sống của người Tạng. Ngài lo ngại nhiều về Trung Quốc hay ISIS hơn? Ngài cho rằng ISIS dường như họ không có nhiều hiểu biết về việc những hành động của mình đang làm tổn hại đến đạo Hồi mà họ đòi hỏi bảo tồn. Về vấn đề Đức Đạt Lai Lạt Ma đời kế tiếp, Ngài cho rằng: "Đó không phải là việc của tôi. Tất cả phụ thuộc vào người dân Tây Tạng." Vậy ngài có từng vướng vào tình yêu không? Ngài trả lời rằng ngài là một tăng sĩ và ngay cả trong những giấc mơ của mình, luôn luôn là như vậy, mặc dù không muốn suy nghĩ mình là vị Đạt Lai Lạt Ma nhưng ngài luôn luôn khắc ghi rằng bản thân là một tăng sĩ sống cuộc đời độc thân. Cuối cùng, phóng viên King đặt câu hỏi về những gì mà ngài cho là những thành tựu lớn nhất của bản thân. Ngài cho rằng những cuộc đối thoại mà ngài tổ chức trong 30 năm qua với các nhà khoa học là một trong những thành tựu. Thêm nữa trước đây ở Tây Tạng không có sự tu học nghiêm ngặt giành cho ni giới tại các ni viện, ngày nay ở khắp các Ni viện, ngài đã khích lệ chư ni có thể tham dự các chương trình tu học cao cấp nghiêm ngặt. Kết quả ngày nay đã có một số ni sư trở thành học giả hàng đầu; đó cũng là một thành tựu. Trở lại Trung tâm Sự kiện UCI Bren vào buổi chiều, phiên hội đàm bắt đầu với một hàng người lên cúng dường và tri ân tới ngài. Carol Nappi bày tỏ lòng tri ân. Rajiv Mehrotra cũng tri ân rằng ngài là một chela hay một người đệ tử nhưng nay lại trở thành bậc guru của họ, ông đại diện cho một tỷ người Ấn cung chúc sinh nhật ngài và mong nguyện quý ngài trường thọ dài lâu. Juan Ruiz Naupari từ Mỹ Latin cũng bày tỏ lòng tri ân và cúng dường một phẩm vật lên ngài. Điều phố viên Ann Curry cho rằng trong những sự kiện ba ngày thì đây là một trong những buổi mà hầu hết mọi người đều mong muốn tham dự. Đáp lại sự thỉnh mời ban những lời trí tuệ và kinh nghiệm, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng: "Chúng ta cần một nhận thức về 7 tỷ con người đều cùng thuộc về một gia đình nhân loại. Chúng ta cần chia sẻ, đối thoại với nhau với tư cách là những con người. Tất cả chúng ta đều mong có một đời sống hạnh phúc và đó là quyền của chúng ta. Đôi khi những hoàn cảnh khó khăn giúp ta đạt được nhiều kinh nghiệm hơn trong việc thực hiện những mục tiêu đó.” Paul Ekman phát biểu tán thành khung đạo đức mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề xuất để giúp chúng ta dựa vào trong đời sống. Bà Dolores Huerta, thành viên nhiều tuổi nhất của phiên hội đàm, người được Ngài mời ngồi cạnh, đã chia sẻ bà từng chứng kiến người nông dân ở các nông trại không được trả thù lao tương xứng. Bà đã nói với họ rằng, "Quý vị phải hành động cho chính mình." Bà mời thính chúng cùng tham gia để cất tiếng nói giúp những người nông dân nghèo. "Chúng ta có quyền lực," nhưng loại quyền lực gì? "Quyền lực của người dân", "Vâng, chúng ta có thể." Nhà hoạt động nhân quyền Iran Shirin Ebadi chia sẻ với các thành viên rằng, sự mất mát có thể là một phần của chiến thắng. Hãy coi đó như một bước đà để nhảy qua rào cản. Bà kể lại mình từng hối tiếc khi mất công việc thẩm phán vì bà là một phụ nữ, nhưng rồi tất cả những thành tựu bà đạt được tới nay lại bắt đầu từ thời điểm đó. Nếu không rời công việc thẩm phán bà sẽ không thể làm được những gì như hiện nay. Ca sĩ Gloria Estafan, từng phải chịu một chấn thương lưng nghiêm trọng trong một tai nạn, đã nói về việc nhận sự hỗ trợ và năng lượng tích cực từ nhiều người trên toàn thế giới đã giúp cô hồi phục. Jody Williams, nhà hoạt động xã hội chống chiến tranh từ khi còn trẻ đã cho rằng, khi mọi người không chịu lên tiếng có nghĩa là đồng lõa với những việc làm sai trái. Bà thúc giục mọi người cần hành động để chống lại chủ nghĩa quân phiệt. Diễn viên Julia Ormond đã kể lại một cách cảm động về công việc của mình giúp nhiều người thoát khỏi tình trạng nô lệ ngành công nghiệp may mặc. Bà đặt câu hỏi, "Khi nào tình trạng này kết thúc? Ngay khi chúng ta lựa chọn để kết thúc nó“. Bà kết luận: "Bình đẳng không phải là một khát vọng, đó là những gì chúng ta vốn sẵn có." Anthony Melikhov kể về việc thiết lập lại đời sống sau khi rời Byelarus và bước ngoặt của cuộc đời diễn ra chính khi ông nhận ra tầm quan trọng của những việc làm lợi ích cho người khác. "Tôi không có gì để chia sẻ," Ngài trả lời lời trước lời thỉnh mời của Ann Curry, "Tôi rất ấn tượng. Tôi cho rằng nếu chúng ta tổ chức phiên hội đàm này 20 hay 30 năm trước đây, sẽ ít người có thể tới. Còn bây giờ mọi người đang hiện diện nơi đây, điều đó chứng tỏ sự phát triển và tiến bộ của chúng ta. Mặc dù tôi không có ý định hoằng dương Phật pháp nơi đây nhưng tôi thấy có một lời khuyên đặc biệt mà Đức Phật ban tặng cho chúng đệ tử là hãy đừng tin theo những lời dạy của ngài một cách mù quáng chỉ bởi đó là lời dạy của ngài, mà hãy như người thợ kim hoàn kiểm tra chất lượng vàng, hãy suy xét và kiểm chứng những lời dạy của đó. Điều này thực sự đúng trong điều kiện của chúng ta bây giờ. Nó cũng tương tự với thái độ hoài nghi khoa học và tinh thần cởi mở mà chúng ta thấy trong khoa học." Trước khi kết thúc phiên hội đàm, Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng dạy ban tặng khăn Khata trắng cho từng thành viên. Tiến sĩ Bob Thurman thỉnh cầu tất cả mọi người đang hiện diện hãy làm những điều lợi ích cho người Tạng, thậm chí chỉ cần giúp tạo sự nhận biết về vấn đề lớn hơn. Đó chính là phẩm vật cúng dường lên ngài nhân ngày sinh nhật lần thứ 80 của ngài. Lời thỉnh cầu đã nhận được những tiếng vỗ tay hưởng ứng nồng nhiệt. Phúc Cường trích dịch Nguồn: Dalailama.com/news |
Climate Change, Wisdom and Experience
|