Phật giáo ứng dụng và môi sinh

06 Tháng Mười Hai 201503:10(Xem: 6727)

PHẬT GIÁO ỨNG DỤNG VÀ MÔI SINH – 
Biện Pháp Làm Chậm Thực Trạng Hâm Nóng Địa Cầu
Tâm Thường Định


global climate change and buddhismTheo đa số các nhà nghiên cứu, thực trạng nóng lên toàn cầu (global warming) hoặc biến đổi khí hậu toàn cầu (global climate change) là có thật và ngày càng gia tăng một cách trầm trọng. Nguyên nhân chính là sự gia tăng quá nhanh trong việc thải khí cạc-bon đi-ô-xít (carbon dioxide) trong vòng 30 năm qua do đốt nhiên liệu hóa thạch, fossil fuels (Cox, P. M., et al., 2000), cũng như những hoá chất khác không phải do hoá học hữu cơ (Hansen, J., et al., 2000), và vì nhu cầu sinh hoạt của con người từ sự nhả khói và khí độc của các hãng xưởng công nghệ lớn nhỏ, xe ô-tô cho đến nạn phá rừng, các trại chăn nuôi súc vật đến chất liệu phế thải của các nhà máy thuỷ điện, v.v...
           
Lorenzoni, I., & Pidgeon, N. F. (2006) lại cho rằng, “Nếu không kiểm soát được, ảnh hưởng của con người lên hệ thống khí hậu có thể tạo ra những biến đổi nguy hiểm tai hại cho những khía cạnh khác liên quan đến sự sống cho mọi loài trên cả trái đất này. Thầy Thích Nguyên Hiệp trong bài, Đạo Đức Học Phật Giáo Và Vấn Đề Môi Trường, cũng viết. “Thế giới loài người luôn phải đối mặt với những thảm họa do thiên nhiên gây ra: bão lụt, động đất, núi lửa, sóng thần… là những vấn đề con người phải thường xuyên nhận lãnh suốt theo chuỗi lịch sử phát triển của mình. Và ngày hôm nay, mức độ thảm khốc của những điều này đang tăng dần lên là  do  có sự góp mặt của những tác nhân tiêu cực của  chính con người tạo ra. Bên cạnh những thảm họa thiên nhiên như thường thấy, sự ô nhiễm không khí, cạn kiệt nguồn nước ngầm, đất đai xói mòn, sa mạc hoá, biến đổi khí hậu và đánh mất hệ sinh thái là những thảm họa kinh hoàng khác mà nhân loại đang đối mặt. Những thảm họa đó đang diễn ra khắp nơi, ai cũng biết cũng thấy, nhưng vì nhu cầu cuộc sống và vì phát triển kinh tế, thiên nhiên ngày càng bị con người đối xử tệ bạc, bất chấp những rủi ro khốc liệt hơn mà họ sẽ hứng chịu.”
           
Đất nước Việt Nam của chúng ta cũng phải nhận trách nhiệm trong hiện trạng này ngày càng xấu hơn về việc thay đổi khí hậu toàn cầu. Theo World Population Review (2015), dân số Việt Nam đã lên đến 94.5 triệu người, đứng hàng 14 trên thế giới, chiếm 1.33% tổng số dân thế giới. Dân Việt Nam ngày càng đông mà tài nguyên quốc gia thì ngày càng cạn kiệt, không còn “rừng vàng biển bạc” như thời chúng tôi còn đi học trường làng. Vấn nạn ô nhiễm thì trầm trọng, bắt nguồn từ sự phát triển công nghệ, lạm dụng quyền uy, thiếu ý thức hệ, và thiếu chính sách bảo vệ môi sinh, v.v... Hiện tại, ở VN giai cấp giàu và nghèo ngày càng tăng và sự tiêu xài bất kể của số người giàu đó (thành phần 1%) đã và đang làm môi trường sống tại Việt Nam ngày càng xấu đi.
           
Do đó, vấn đề về môi trường, từ việc nhỏ như vệ sinh công cộng đến những công nghệ sản xuất làm biến đổi khí hậu, chúng ta phải thận trọng vì việc làm của mình ảnh hưởng đến với nhiều thế hệ trong mai hậu. Thầy Thích Tâm Pháp trong bài Phật Giáo và Môi Trường, Tuyển tập Phật Thành Đạo, Nhiều tác giả, ở Phần III có đề cập:  “Đức Phật ra đời và thành đạo không gì hơn là vì lòng thương tưởng đến chúng sanh đang khổ đau do ba độc tham, sân, si hoành hành. Do lòng tham muốn thỏa mãn nhu cầu vật chất, con người phải chịu nhiều thảm họa khổ đau. Muốn chấm dứt đau khổ, con người phải sống đúng theo chánh pháp, tức sống theo qui luật tự nhiên hay luật nhân duyên sanh khởi. Theo qui luật này, con người, loài vật, cỏ cây cùng tồn tại trong mối liên hệ hỗ tương và tùy thuộc lẫn nhau. Thiên nhiên cung cấp môi trường sống cho loài người và động vật. Ngược lại loài người phải có ý thức bảo vệ thiên nhiên để giữ môi trường trong sạch và cân bằng sinh thái.”
             
dams mekongHơn bao giờ hết, chúng ta ai cũng phải có trách nhiệm và bổn phận cho thế hệ con cháu của mình, nhất là chúng ta sinh ra làm người Việt Nam. Tình yêu thương tổ quốc và nỗi lo âu cho tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người con Việt. Cho nên chúng ta không những quán chiếu những gì xảy ra trong ta và quanh ta. Nếu nhìn về khía cạnh quốc gia dân tộc, có thể nói một cách khác là chúng ta phải nhận thức những gì xảy ra trong đất nước mình và các nước láng giềng. Hiện nay nhà nước Trung Hoa đã xây nhiều con đập lớn cùng với nhiều thủy điện trên sông Mekong, làm băng hoại môi sinh và ảnh hưởng xấu cho các nước ở hạ lưu sông này.  Trong bài tham luận về dòng sông Cửu Long (Mekong River) tại Hội nghị Vesak Liên hiệp quốc từ 27-30 tháng 5, 2015 tại Bangkok, Thái Lan. Chúng tôi có trình bày Dòng sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua sáu quốc gia bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, dài 4500 km và sông dài thứ 12 trên thế giới.  Trong hai mươi năm qua có một chương trình khai thác thủy điện trên sông Mekong (Richard Cronin, 2010; Scott Pearse-Smith, 2012).

mekong dam
Ảnh: Ngô Thế Vinh

Tính đến năm 2014, có 26 đập thủy điện trên dòng chính, 14 đập trên sông Lan Thương (tên của thượng nguồn Sông Mekong ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc) và 12 đập trên hạ nguồn Mekong.  Sự ngăn cản dòng chảy tự nhiên của dòng sông Mekong đều có ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái một cách trầm trọng và ảnh hưởng tất cả 6 nước, nhất là các nước nằm ở hạ nguồn như Campuchia và Việt Nam.  Chúng tôi tuyên bố rằng đập thủy điện gây ra thảm họa kinh tế và môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người ở các nước hạ nguồn. Lũ sông Cửu Long xảy ra hàng năm từ tháng sáu đến tháng mười với hàng trăm người bị thiệt mạng.  Hầu hết các nạn nhân lũ lụt là trẻ em chết đuối do thiếu sự giám sát của người lớn tuổi trong gia đình. Trong bản Tuyên cáo Bangkok (Bangkok Declaration) của Hội nghị Vesak Liên Hợp Quốc đã nêu lên vấn đề Mekong và đã yêu cầu các nước trong cộng đồng ASEAN và các nước láng giềng hợp tác để giải quyết tình trạng khẩn cấp của sông Mekong và hệ sinh thái.
           
Ngoài ra, những thuỷ điện lớn mà Trung Quốc đã xây, Chính quyền lại còn xây dựng những nhà máy nguyên tử hạt nhân rất gần với Việt Nam chẳng hạn như Nhà máy Fangchenggang ở gần thành phố Qinzhou thuộc Quảng Tây, chỉ cách biên giới Việt Nam có 45 km (30 miles) và nhà máy điện hạt nhân khác, Changjiang, ở phía Tây đảo Hải Nam. Tuy các nhà máy nguyên tử hạt nhân không gây ra thực trạng hâm nóng địa cầu, nhưng có liên quan đến vấn đề an toàn, an ninh và an nguy của tổ quốc Việt Nam. Vì nếu có  sự cố xấu có thể xảy ra từ những nhà máy hạt nhân Trung quốc gần biên giới miền Bắc Việt Nam, thì không những người dân thấp cổ bé họng tại Trung Hoa bị ảnh hưởng nặng nề và cả những người dân Việt Nam vô tội cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng tôi đã nghiên cứu và kết luận trong bài Ảnh Hưởng Nhà Máy Điện Hạt Nhân Của Trung Quốc Và Sự An Nguy Của Tổ Quốc, rằng “Nói tóm lại vì lợi ích chung của nhiều người và của nhiều thế hệ, chúng ta cần nhận thức rõ ràng về sự nguy hiểm của nguồn điện nguyên tử hạt nhân. Và phải học hỏi những cách thức chuẩn bị, đề phòng và đáp ứng cho gia đình mình, cộng đồng và đất nước mình nếu không may sự cố tai nạn có thể xảy ra. Riêng về hai nhà máy hạn nhân của  Trung Quốc nói trên, chúng ta cần phải theo dõi thường xuyên để chuẩn bị đối phó và giảm thiểu những thiệt hại về sinh mạng cũng như kinh tế cho người dân nước ta.”
           
Trong bài này, lập trường của chúng tôi cũng rất rõ là đất nước Việt Nam chưa sẵn sàng xây dựng và quản lý những nhà máy nguyên tử hạt nhân. Chúng tôi đề nghị thay cho nhà máy điện nguyên tử hoặc thuỷ điện như sau; “Một thay thế khả thi và bền vững đối với các đập là năng lượng mặt trời và gió. Công nghệ nhẹ cũng đã được đề xuất như là chiến lược khả thi để phát triển kinh tế. Các nước và các dân tộc dọc theo sông Cửu Long đa số là Phật tử, Tăng đoàn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tác động các chính sách của chính phủ, giáo dục công chúng về các chi phí và tác động môi trường của các đập và lợi ích của năng lượng sạch và tái tạo được. Những nỗ lực này có thể giảm thiểu xung đột trong tương lai, các thảm họa kinh tế và môi trường và dòng sông Phật giáo sẽ tránh được một cái chết khủng khiếp”.  Vì thế, chúng ta phải ý thức về vấn nạn môi trường và hâm nóng địa cầu ngày càng trở nên xấu đi thì chúng ta và con cháu phải gánh lấy hậu quả khôn lường.
           
Với người con Phật, nhất là Phật giáo Ứng dụng là điểm khởi đầu. Phật Giáo Ứng Dụng ra đời từ thập niên 1960’s trong Chiến tranh Việt Nam do Thiền sư Thích Nhất Hạnh phát khởi để áp dụng kiến thức Phật giáo thành những hành động cụ thể, đem thiền định và Phật pháp vào đời để vơi đi những tình huống khổ đau từ xã hội đến chính trị, từ kinh tế đến môi trường cho con người và xã hội. Theo hai nhà nghiên cứu Queen, Chris và King, Sallie (1996), Phật Giáo Ứng Dụng được vun trồng, phát triển và khá phổ biến ở phương Tây. Chúng ta nên đem thông điệp hiểu biết và thương yêu (từ bi và trí tuệ) để làm cho cuộc đời bớt khổ.  Phật giáo Đại Thừa đi vào cuộc đời bằng sự nỗ lực tích cực, (tự độ, độ tha; tự giác, giác tha). Đạo Phật chọn con đường Trung Đạo. Nghèo đói, dốt nát, thì không có hạnh phúc hoặc nhu cầu căn bản chưa đủ đáp ứng thì khó mà tu tiến. Cần ‘xoá đói, giảm nghèo’ thực sự và nâng dân trí cũng như có tự do dân sự, dân chủ, nhân bản, v.v… thì xã hội mới thăng tiến và có ý thức để bảo vệ và gìn giữ môi sinh hầu làm chậm lại việc hâm nóng địa cầu để bảo tồn trái đất mẹ.
           
Điểm chung, con người đều có nhu cầu cơ bản, ở đâu cũng vậy, ai ai cũng muốn có hoặc phấn đấu cho có được một cuộc sống an vui và hạnh phúc. Chúng ta muốn có cuộc sống an lạc, lành mạnh, và hài lòng với cuộc sống này, nơi mà chúng ta không quá lo lắng, và luôn quan tâm đến thế hệ mai sau.  Ai cũng biết là cuộc đời là cõi tạm, và chúng ta chỉ có một trái đất Mẹ mà hơn 7 tỷ người đang chung sống. Việc còn lại là chúng ta cần và nên làm những gì để cứu vãn tình thế này. Vì thế chúng ta có thể làm những việc cụ thể trong giây phút hiện tại nhằm cải thiện cuộc sống cho mình và cho tha nhân.
Những Biện Pháp có thể làm thay đổi Carbon footprint:

I. Đối với cá nhân và gia đình:

  1. Thiểu dục tri túc, sống đời giản dị (fugal living)
  2. Ăn chay ít nhất mỗi tuần một ngày (pick a day for vegetarian/vegan day)
  3. Ăn ít thịt lại Hoặc không ăn thịt (không ăn thịt mỗi tuần 1 ngày hoặc bỏ ăn thịt. Meatless Monday or Make it Easter once every week)
  4. Giảm lại, dùng lại, và tái sử dụng (Reduce/Reuse/Recycle)
  5. Dấn thân làm môi trường sống, làm việc và giải trí của mình đang ở xanh, sạch, và đẹp.

II. Đối với cộng đồng / tiểu bang:

  1. Tạo những chính sách / luật lệ / chương trình làm tốt cho môi trường sinh thái
  2. Dùng năng lượng xanh hoặc năng lượng tái sử dụng (Use alternative energy or reusable energy).
  3. Cần ủng hộ những phong trào lành mạnh như living green, earth day.
  4. Khuyến khích và tham gia những tổ chức lành mạnh và hữu ích cho môi trường
  5. Trồng trọt những vườn ăn, rau quả cho cộng động, chương trình Farm to Fork.

III. Đối với liên bang / quốc gia

  1. Chấp nhận những Công ước quốc tế để làm giảm carbon footprint và dùng năng lượng tái tạo.
  2. Các nước phát triển, loại trừ hoặc giảm những chất liệu nguyên tử hạt nhân, chiến tranh hoá học, sinh học, v.v…
  3. Cân bằng phân phối thực phẩm và của cải (food and wealth distribution)
  4. Xoá bỏ thế thể độc tài, cần thấu hiểu mối tương sinh, tương quan trong vũ trụ
  5. Đối với những nước chưa phát triển (như Việt Nam) – Tạm thời, chưa nên có điện tử hạt nhân vì còn thiếu nhân tâm, khả năng, kinh nghiệm.

           
Cuối cùng, đây là bổn phận và trách nhiệm chung của tất cả chúng ta để bảo vệ hành tinh duy nhất mà con người đang sống.  Không những thế, mỗi người công dân trên hoàn vũ này, nhất là những nhà lãnh đạo, nhà giáo dục, chính trị gia, v.v… phải cho đây là trách nhiệm đạo đức và luân lý để bảo tồn trái đất Mẹ. Vậy chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình mới, dấn thân để thay đổi cuộc sống cho chính mình và những người xung quanh ngày càng tốt đẹp hơn và để lại trái đất này tươi tốt trong sạch cho những thế hệ kế thừa trong đó có con cháu của chúng ta.

Tài liệu tham khảo/References:
1. Cox, P. M., Betts, R. A., Jones, C. D., Spall, S. A., & Totterdell, I. J. (2000). Acceleration of global warming due to carbon-cycle feedbacks in a coupled climate model. Nature, 408(6809), 184-187.
2. Hansen, J., Sato, M., Ruedy, R., Lacis, A., & Oinas, V. (2000). Global warming in the twenty-first century: An alternative scenario. Proceedings of the National Academy of Sciences, 97(18), 9875-9880.
3. Schuldt, J. P., Konrath, S. H., & Schwarz, N. (2011). “Global warming” or “climate change”? Whether the planet is warming depends on question wording. Public Opinion Quarterly, nfq073.
http://worldpopulationreview.com/countries/vietnam-population/
4. Lorenzoni, I., & Pidgeon, N. F. (2006). Public views on climate change: European and USA perspectives. Climatic change, 77(1-2), 73-95.
5. Queen, C. S., & King, S. B. (1996). Engaged Buddhism: Buddhist Liberation Movements in Asia. New York: Albany State University Press. p. 2. ISBN 0-7914-2843-5.
6. Thích Nguyên Hiệp, Đạo Đức Học Phật Giáo Và Vấn Đề Môi Trường. Thư Viện Hoa Sen. Tải xuống ngày 27 tháng 10, 2015. http://dieungu.org/a14074/dao-duc-hoc-phat-giao-va-van-de-moi-truong-thich-nguyen-hiep
7. Thích Tâm Pháp, Phật Giáo và Môi Trường trong Tuyển tập Phật Thành Đạo. Nhiều tác giả, ở Phần III. Tải xuống ngày 20 tháng 10, 2015. http://www.tuvienquangduc.com.au/DucPhat/40td-tamphap.html
8. Time for Change. Cause and effect for global warming. Tải xuống ngày 10 tháng 10, 2015. http://timeforchange.org/cause-and-effect-for-global-warming
9. Trần Tiễn Khanh và Bạch X. Phẻ (2015), Ảnh hưởng nhà máy điện hạt nhân của trung quốc và sự an nguy của tổ quốc. Phe Bach’s Blog. Tải xuống ngày 20 tháng 10, 2015. http://phebach.blogspot.com/2015/06/anh-huong-nha-may-ien-hat-nhan-cua.html
10. Walther, G. R., Post, E., Convey, P., Menzel, A., Parmesan, C., Beebee, T. J., ... & Bairlein, F. (2002). Ecological responses to recent climate change. Nature, 416(6879), 389-395.
11. World Population Review (2015). Vietnam Population 2015.
TS Trần Tiễn Khanh, AMI Environmental, USA.
TS Bạch X. Phẻ, nhà giáo dục tại San Juan Unified School District, Sacramento, CA.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn