Chương 1: Tiếng Chuông Chánh Niệm

12 Tháng Sáu 201200:00(Xem: 5425)

HƯỚNG ĐI CỦA ĐẠO BỤT
CHO HÒA BÌNH VÀ MÔI SINH
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Phương Đông 2012

Phần 1: Ý thức cộng đồng

Chương 1
Tiếng chuông chánh niệm


Tiếng chuông chánh niệm là tiếng chuông kêu gọi ta tỉnh dậy,
tiếng chuông đang kêu vang để đánh thức chúng ta dậy,
để chúng ta ý thức hơn về những hành động của mình,
về những hậu quả đang xảy ra cho hành tinh xinh đẹp của chúng ta.

Tiếng chuông cảnh tỉnh đang kêu vang khắp nơi, vì tai ương do lụt lội, hạn hán, cháy rừng không ngừng xảy tới. Băng đá ở Bắc cực đang dần dần tan chảy, nhiều trận bão lớn, nhiều cơn sóng thần đã hủy hoại sinh mạng của hàng vạn người. Nhiều rừng cây bị tàn phá nhanh chóng, sa mạc càng ngày càng lan rộng. Nhiều loài sinh vật đang trên đà diệt chủng. Thế mà hình như chúng ta vẫn không hay biết gì, vẫn không nghe được những tiếng chuông báo động. Chúng ta vẫn tiếp tục tiêu thụ, tiếp tục hành xử một cách thiếu trách nhiệm, không có tình thương không có ý thức.

Có thể nào chúng ta không biết rằng trái đất xanh tươi của chúng ta đang trong tình trạng nguy kịch. Mỗi bước chân ta dẫm lên mặt đất đều có ảnh hưởng đến các loài động vật và cây cỏ. Thế mà chúng ta vẫn sống rất dững dưng, như thể chúng ta không có liên quan gì với thế giới chung quanh. Chúng ta sống như những người mộng du, không biết mình đang làm gì và đang đi đâu. Chúng ta đi như thế cho đến bao giờ? Chúng ta có ý thức được điều đó hay không? Ý thức được điều đó hay không tùy thuộc vào mỗi bước chân của ta. Chúng ta có bước được những bước bình an, vững chãi trên mặt đất hay không? Tương lai của chúng ta của mọi loài sinh vật đều tùy thuộc vào từng bước chân chánh niệm ta đặt trên mặt đất, trên hành tinh xinh đẹp này. Chúng ta phải để tâm lắng nghe những tiếng chuông kêu gọi ta tỉnh dậy. Chúng ta phải thay đổi ngay lối sống của mình, sống như thế nào để con cháu chúng ta có một tương lai sáng đẹp hơn.

Tôi đã có dịp ngồi chơi với Bụt rất lâu để xin ý kiến của Ngài về vấn đề trái đất bị hâm nóng. Ngài đã dạy rất rõ ràng và cụ thể. Ngài dạy rằng nếu chúng ta tiếp tục sống một cách thiếu trách nhiệm như hiện nay, tiếp tục phá rừng, tiếp tục sản xuất và tiêu thụ một cách bừa bãi, thải ra quá nhiều khí CO2 thì hậu quả khó mà lường được, môi trường bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi bất thường, hệ sinh thái sẽ bị tàn hoại, mực nước biển sẽ bị dâng lên cao và tràn lên bờ, làm ngập lụt các thành phố ven biển, hàng trăm triệu người sẽ không còn nhà ở, tình trạng bất an sẽ đưa đến chiến tranh, và đủ thứ bệnh truyền nhiễm sẽ có cơ hội bành trướng.

Cho nên chúng ta cần phải thắp sáng ý thức cộng đồng để kịp thời ngăn chận tình trạng nguy cập của trái đất. Hiện nay số người ý thức được về tình trạng nguy cơ này còn quá thấp. Phần lớn vẫn còn đang mê ngủ, vẫn còn để cho tiện nghi vật chất làm chủ đời mình, biến mình thành nô lệ. Ai cũng muốn có nhà cao cửa rộng, có đầy đủ xe hơi tủ lạnh, ti vi, điện thoại di động.v.v...cho nên chúng ta không ngần ngại dùng tất cả thì giờ và sức lực chúng ta có được để đổi lấy những thứ đó, vì vậy mà chúng ta luôn sống trong căng thẳng, bị áp lực thời gian đè nặng.

Trước đây chúng ta có thể để ra hàng giờ ngồi chơi uống trà với bạn bè trong một không gian yên tĩnh. Chúng ta đã từng tổ chức những buổi họp để ăn mừng hoa phong lan đang nở rộ trong vườn. Ngày nay chúng ta không còn thì giờ để thưởng thức những thú vui tao nhã đó, vì trong đời sống hiện nay thì giờ là tiền bạc, và chúng ta để dành hết thời giờ chúng ta có được cho công việc kiếm tiền. Ta bận rộn đến nỗi không còn thời giờ để thở, và ta tạo ra một xã hội mà người giàu càng giàu thêm và người nghèo càng thêm túng quẫn. Ta chỉ biết chăm chút lo cho riêng mình, và chỉ thấy những cái lợi trước mắt mà quên những hậu quả về sau, chúng ta ít khi để tâm đến số phận người khác, đến tương lai của hành tinh mẹ của chúng ta. Chúng ta có khác gì những con gà đang bị nhốt trong chuồng và đang giành xé nhau một vài hạt bắp mà không biết rằng lát nữa mình sẽ bị giết làm thịt.

Các nước đang phát triển như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, vẫn còn đang mơ “giấc mơ người Mỹ” (American dream) và xem giấc mơ này như mục tiêu tối hậu của đời sống con người. Ai cũng mơ có xe hơi riêng, có trương mục ở ngân hàng, ai cũng mơ có đầy đủ phương tiện vật chất như ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động.v.v...Hai mươi lăm năm nữa dân số Trung Quốc sẽ lên đến 1,5 tỷ người. Nếu mỗi người đều có xe hơi riêng thì mỗi ngày Trung Quốc phải tiêu dùng đến 99 triệu thùng dầu, trong khi đó cả thế giới chỉ sản xuất được 84 triệu thùng dầu mỗi ngày. Cho nên làm sao có thể thực hiện được giấc mơ này, ngay cả đối với người Mỹ, giấc mơ này cũng không còn hiện thực. Cho nên chúng ta không thể nào tiếp tục sống như một ông hoàng như chúng ta mơ ước, nền kinh tế quốc gia và thế giới sẽ kiệt quệ vì không thể nào kham nổi.

Cho nên chúng ta phải tạo dựng một giấc mơ khác, một giấc mơ trong đó có tình huynh đệ, có sự cảm thông, và giấc mơ này có thể thực hiện được ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta có pháp Bụt dạy, cho ta có đủ tuệ giác và phương tiện để sống giấc mơ này. Chánh niệm là trái tim của sự tỉnh thức, của giác ngộ. Thở những hơi thở có ý thức giúp ta có mặt thực sự trong giây phút hiện tại để nhận diện những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Khi một tâm hành tuyệt vọng phát khởi, ta nhận biết ngay để không bị nó sai khiến lôi kéo đi. Ta thường tìm cách trốn tránh những tâm hành như thế nhưng chúng chính là ta, vì vậy ta phải nhận diện để chuyển hóa chúng.

Chúng ta đừng để mình tuyệt vọng vì tình trạng hâm nóng của trái đất, chúng ta chỉ cần hành động cho kịp thời. Chúng ta phải làm một điều gì đó cho thật cụ thể. Nếu chúng ta chỉ biết ký vào bảng cam kết bảo vệ môi sinh mà trên thực tế không làm được gì cụ thể thì chẳng giúp ích được gì. Chúng ta phải nhanh chóng hành động trên cả hai phương diện cá nhân và tập thể. Tất cả chúng ta đều có ước mơ lớn, ước mơ được sống an vui, trong một môi trường xanh tươi lành mạnh. Ta thường chỉ biết than phiền trách móc, than phiền chính phủ, than phiền các nhà máy đã thải ra quá nhiều chất độc làm ô nhiễm nguồn nước, than phiền về những vụ bạo động trong thôn xóm, những cuộc chiến tranh đã tiêu diệt biết bao sinh mạng con người và các loài vật khác. Than phiền chẳng giải quyết được gì, đã đến lúc chúng ta phải tỉnh dậy và tỏ thái độ rõ ràng qua chính lối sống hàng ngày của chúng ta.

Bạo hành, tham nhũng liên tục tiếp diễn chung quanh ta, và ta biết rằng nếu chỉ áp dụng luật pháp thôi thì chưa đủ để giúp xóa bỏ nạn mê tín và ngăn chặn những hành vi phạm pháp. Ta cần có một niềm tin lớn và một ý chí dũng mãnh thì mới đủ sức vượt qua mọi khó khăn và không rơi vào tuyệt vọng.

Đạo Bụt có một nền tảng nhân bản vững chắc, giúp ta biết sống có trách nhiệm, có từ bi với chính mình và mọi loài chung quanh. Người Phật tử con của Bụt là người biết bảo vệ môi sinh. Chúng ta có đủ khả năng và thẩm quyền để quyết định vận mệnh của hành tinh chúng ta. Nếu chúng ta ý thức được tình trạng hiện tại, chúng ta sẽ thay đổi được chính tâm thức của mình và tâm thức cộng đồng. Chúng ta phải giúp Bụt đánh thức mọi người dậy, nhất là những người còn đang ngủ mơ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Năm 2016(Xem: 7251)
Ngày hôm nay và về sau người dân miền Trung sẽ sống trong hoang mang vì biển chết, cá nhiễm độc. Người dân cả nước sẽ nơm nớp lo âu từng hạt muối từng lít nước mắm, từng con cá cho đến ngày tiêu hủy hoàn toàn nguyên nhân gây ra thảm họa đó. Thế hệ chúng ta và con cháu chúng ta đang trả giá cho lỗi lầm này.
02 Tháng Năm 2016(Xem: 6184)
“Nếu chúng ta cứ tiếp tục hành hạ quả đất cách nầy, chắc chắn nền văn minh của chúng ta sẽ bị hủy diệt. Cuộc quay đầu nầy đòi hỏi sự giác ngộ, thức tỉnh. Sự giác ngộ của đức Phật có tính cách cá nhân. Chúng ta cần một sự giác ngộ tập thể để làm chậm lại dòng hủy diệt nầy. Nền văn minh sẽ đi đến chỗ chấm dứt nếu chúng ta tiếp tục chìm đắm trong sự tranh đua về sức mạnh, tiếng tăm, tình dục, và lợi nhuận.”
02 Tháng Năm 2016(Xem: 5430)
Từ những thập niên trở lại đây, khi vấn đề về môi trường được cảnh báo là càng lúc càng trở nên tồi tệ hơn, nhiều cá nhân và tổ chức khắp nơi đã lên tiếng kêu gọi, tìm kiếm và đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn những việc làm gây tổn hại thêm cho môi trường.
29 Tháng Tư 2016(Xem: 5353)
Là nhân viên hiện công tác tại Bộ Môi sinh cho một tiểu bang tại Hoa Kỳ, người viết theo dõi tin tức trong tâm trạng hết sức lo âu về hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế với nghi vấn liên quan tới nước thải từ khu công nghiệp Formosa - Hà Tĩnh. Bởi một nhà máy luyện kim nếu không tuân thủ những quy tắc kiểm soát chất thải nghiêm ngặt sẽ ô nhiễm môi trường qua 3 luồng: nước thải, khí thải và nước ngầm. Sự ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống không chỉ dưới nước mà còn trên đất liền, tác hại nghiêm trọng đến hàng triệu người.
06 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6768)
Hiện tại, ở VN giai cấp giàu và nghèo ngày càng tăng và sự tiêu xài bất kể của số người giàu đó (thành phần 1%) đã và đang làm môi trường sống tại Việt Nam ngày càng xấu đi.
28 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6437)
Với 3.200 km bờ biển, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, và do vậy, mọi người cần phải sớm chung tay hành động để giảm thiểu thiệt hại, theo ông Emmanuel Ly-Battalan, Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM.
28 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5272)
Khí hậu bị hâm nóng do khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Điều này đã được khoa học chứng minh. Hội nghị về Khí hậu được mở ra tại Paris không ngoài mục tiêu giảm khí thải tai hại này, với các cam kết nỗ lực giảm bớt đến từ các quốc gia. Vấn đề là biện pháp cụ thể để giảm là như thế nào.
19 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10902)
Trong đời sống chúng ta thường đề cao cái tôi, dĩ nhiên cái tôi đó không phải là cái gì quí giá mà được đề cao. Ở phương Tây, người ta xem mỗi người là chính mình, cái tôi đó càng được đề cao thêm, do đó lối sống này không thể mang lại hạnh phúc thật sự mà chúng ta cần đến. Cho nên chúng ta cần phải chuyển hóa cái tôi của mình.
06 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6310)
Chúng tôi, các nhà lãnh đạo Phật giáo ký tên dưới đây, cùng tập hợp lại trước thềm Hội nghị lần thứ 21 (COP21) các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) tại Paris, nhằm góp thêm tiếng nói của mình vào lời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hợp tác với nhau trong tình thương và tuệ giác để có thể đạt được một thỏa thuận hiệu quả và đầy tham vọng về biến đổi khí hậu.