Chương 1: Tiếng Chuông Chánh Niệm

12 Tháng Sáu 201200:00(Xem: 5412)

HƯỚNG ĐI CỦA ĐẠO BỤT
CHO HÒA BÌNH VÀ MÔI SINH
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Phương Đông 2012

Phần 1: Ý thức cộng đồng

Chương 1
Tiếng chuông chánh niệm


Tiếng chuông chánh niệm là tiếng chuông kêu gọi ta tỉnh dậy,
tiếng chuông đang kêu vang để đánh thức chúng ta dậy,
để chúng ta ý thức hơn về những hành động của mình,
về những hậu quả đang xảy ra cho hành tinh xinh đẹp của chúng ta.

Tiếng chuông cảnh tỉnh đang kêu vang khắp nơi, vì tai ương do lụt lội, hạn hán, cháy rừng không ngừng xảy tới. Băng đá ở Bắc cực đang dần dần tan chảy, nhiều trận bão lớn, nhiều cơn sóng thần đã hủy hoại sinh mạng của hàng vạn người. Nhiều rừng cây bị tàn phá nhanh chóng, sa mạc càng ngày càng lan rộng. Nhiều loài sinh vật đang trên đà diệt chủng. Thế mà hình như chúng ta vẫn không hay biết gì, vẫn không nghe được những tiếng chuông báo động. Chúng ta vẫn tiếp tục tiêu thụ, tiếp tục hành xử một cách thiếu trách nhiệm, không có tình thương không có ý thức.

Có thể nào chúng ta không biết rằng trái đất xanh tươi của chúng ta đang trong tình trạng nguy kịch. Mỗi bước chân ta dẫm lên mặt đất đều có ảnh hưởng đến các loài động vật và cây cỏ. Thế mà chúng ta vẫn sống rất dững dưng, như thể chúng ta không có liên quan gì với thế giới chung quanh. Chúng ta sống như những người mộng du, không biết mình đang làm gì và đang đi đâu. Chúng ta đi như thế cho đến bao giờ? Chúng ta có ý thức được điều đó hay không? Ý thức được điều đó hay không tùy thuộc vào mỗi bước chân của ta. Chúng ta có bước được những bước bình an, vững chãi trên mặt đất hay không? Tương lai của chúng ta của mọi loài sinh vật đều tùy thuộc vào từng bước chân chánh niệm ta đặt trên mặt đất, trên hành tinh xinh đẹp này. Chúng ta phải để tâm lắng nghe những tiếng chuông kêu gọi ta tỉnh dậy. Chúng ta phải thay đổi ngay lối sống của mình, sống như thế nào để con cháu chúng ta có một tương lai sáng đẹp hơn.

Tôi đã có dịp ngồi chơi với Bụt rất lâu để xin ý kiến của Ngài về vấn đề trái đất bị hâm nóng. Ngài đã dạy rất rõ ràng và cụ thể. Ngài dạy rằng nếu chúng ta tiếp tục sống một cách thiếu trách nhiệm như hiện nay, tiếp tục phá rừng, tiếp tục sản xuất và tiêu thụ một cách bừa bãi, thải ra quá nhiều khí CO2 thì hậu quả khó mà lường được, môi trường bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi bất thường, hệ sinh thái sẽ bị tàn hoại, mực nước biển sẽ bị dâng lên cao và tràn lên bờ, làm ngập lụt các thành phố ven biển, hàng trăm triệu người sẽ không còn nhà ở, tình trạng bất an sẽ đưa đến chiến tranh, và đủ thứ bệnh truyền nhiễm sẽ có cơ hội bành trướng.

Cho nên chúng ta cần phải thắp sáng ý thức cộng đồng để kịp thời ngăn chận tình trạng nguy cập của trái đất. Hiện nay số người ý thức được về tình trạng nguy cơ này còn quá thấp. Phần lớn vẫn còn đang mê ngủ, vẫn còn để cho tiện nghi vật chất làm chủ đời mình, biến mình thành nô lệ. Ai cũng muốn có nhà cao cửa rộng, có đầy đủ xe hơi tủ lạnh, ti vi, điện thoại di động.v.v...cho nên chúng ta không ngần ngại dùng tất cả thì giờ và sức lực chúng ta có được để đổi lấy những thứ đó, vì vậy mà chúng ta luôn sống trong căng thẳng, bị áp lực thời gian đè nặng.

Trước đây chúng ta có thể để ra hàng giờ ngồi chơi uống trà với bạn bè trong một không gian yên tĩnh. Chúng ta đã từng tổ chức những buổi họp để ăn mừng hoa phong lan đang nở rộ trong vườn. Ngày nay chúng ta không còn thì giờ để thưởng thức những thú vui tao nhã đó, vì trong đời sống hiện nay thì giờ là tiền bạc, và chúng ta để dành hết thời giờ chúng ta có được cho công việc kiếm tiền. Ta bận rộn đến nỗi không còn thời giờ để thở, và ta tạo ra một xã hội mà người giàu càng giàu thêm và người nghèo càng thêm túng quẫn. Ta chỉ biết chăm chút lo cho riêng mình, và chỉ thấy những cái lợi trước mắt mà quên những hậu quả về sau, chúng ta ít khi để tâm đến số phận người khác, đến tương lai của hành tinh mẹ của chúng ta. Chúng ta có khác gì những con gà đang bị nhốt trong chuồng và đang giành xé nhau một vài hạt bắp mà không biết rằng lát nữa mình sẽ bị giết làm thịt.

Các nước đang phát triển như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, vẫn còn đang mơ “giấc mơ người Mỹ” (American dream) và xem giấc mơ này như mục tiêu tối hậu của đời sống con người. Ai cũng mơ có xe hơi riêng, có trương mục ở ngân hàng, ai cũng mơ có đầy đủ phương tiện vật chất như ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động.v.v...Hai mươi lăm năm nữa dân số Trung Quốc sẽ lên đến 1,5 tỷ người. Nếu mỗi người đều có xe hơi riêng thì mỗi ngày Trung Quốc phải tiêu dùng đến 99 triệu thùng dầu, trong khi đó cả thế giới chỉ sản xuất được 84 triệu thùng dầu mỗi ngày. Cho nên làm sao có thể thực hiện được giấc mơ này, ngay cả đối với người Mỹ, giấc mơ này cũng không còn hiện thực. Cho nên chúng ta không thể nào tiếp tục sống như một ông hoàng như chúng ta mơ ước, nền kinh tế quốc gia và thế giới sẽ kiệt quệ vì không thể nào kham nổi.

Cho nên chúng ta phải tạo dựng một giấc mơ khác, một giấc mơ trong đó có tình huynh đệ, có sự cảm thông, và giấc mơ này có thể thực hiện được ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta có pháp Bụt dạy, cho ta có đủ tuệ giác và phương tiện để sống giấc mơ này. Chánh niệm là trái tim của sự tỉnh thức, của giác ngộ. Thở những hơi thở có ý thức giúp ta có mặt thực sự trong giây phút hiện tại để nhận diện những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Khi một tâm hành tuyệt vọng phát khởi, ta nhận biết ngay để không bị nó sai khiến lôi kéo đi. Ta thường tìm cách trốn tránh những tâm hành như thế nhưng chúng chính là ta, vì vậy ta phải nhận diện để chuyển hóa chúng.

Chúng ta đừng để mình tuyệt vọng vì tình trạng hâm nóng của trái đất, chúng ta chỉ cần hành động cho kịp thời. Chúng ta phải làm một điều gì đó cho thật cụ thể. Nếu chúng ta chỉ biết ký vào bảng cam kết bảo vệ môi sinh mà trên thực tế không làm được gì cụ thể thì chẳng giúp ích được gì. Chúng ta phải nhanh chóng hành động trên cả hai phương diện cá nhân và tập thể. Tất cả chúng ta đều có ước mơ lớn, ước mơ được sống an vui, trong một môi trường xanh tươi lành mạnh. Ta thường chỉ biết than phiền trách móc, than phiền chính phủ, than phiền các nhà máy đã thải ra quá nhiều chất độc làm ô nhiễm nguồn nước, than phiền về những vụ bạo động trong thôn xóm, những cuộc chiến tranh đã tiêu diệt biết bao sinh mạng con người và các loài vật khác. Than phiền chẳng giải quyết được gì, đã đến lúc chúng ta phải tỉnh dậy và tỏ thái độ rõ ràng qua chính lối sống hàng ngày của chúng ta.

Bạo hành, tham nhũng liên tục tiếp diễn chung quanh ta, và ta biết rằng nếu chỉ áp dụng luật pháp thôi thì chưa đủ để giúp xóa bỏ nạn mê tín và ngăn chặn những hành vi phạm pháp. Ta cần có một niềm tin lớn và một ý chí dũng mãnh thì mới đủ sức vượt qua mọi khó khăn và không rơi vào tuyệt vọng.

Đạo Bụt có một nền tảng nhân bản vững chắc, giúp ta biết sống có trách nhiệm, có từ bi với chính mình và mọi loài chung quanh. Người Phật tử con của Bụt là người biết bảo vệ môi sinh. Chúng ta có đủ khả năng và thẩm quyền để quyết định vận mệnh của hành tinh chúng ta. Nếu chúng ta ý thức được tình trạng hiện tại, chúng ta sẽ thay đổi được chính tâm thức của mình và tâm thức cộng đồng. Chúng ta phải giúp Bụt đánh thức mọi người dậy, nhất là những người còn đang ngủ mơ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Chín 2015(Xem: 5905)
Do đó, khi bạn nói đến môi trường, việc bảo vệ môi trường, điều này có liên quan với nhiều thứ. Cơ bản, hành động phải bắt đầu từ tâm hòa bình của con người, phải không? Vì vậy, tôi nghĩ rằng chìa khóa để có được cái nhìn đúng đối với trách nhiệm toàn cầu là dựa trên tình yêu, lòng từ bi và sự nhận thức rõ ràng.
08 Tháng Bảy 2015(Xem: 5402)
Khi Ann Curry đặt câu hỏi cần phải làm những gì để tác động đến các nhà lãnh đạo chính trị, Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng: "Chúng ta đang mắc kẹt với cung cách suy nghĩ cũ kỹ trong khi thực tế đã thay đổi. Xin hãy nhìn vào những gì diễn ra tại hội nghị Copenhagen. Có quá nhiều quốc gia đặt tầm quan trọng lợi ích quốc gia của họ lên trên lợi ích toàn cầu. Về vấn đề này, chúng ta cần phải đặt lợi ích toàn cầu lên trên hết.
16 Tháng Sáu 2015(Xem: 6175)
Bài tham luận này được trình bày tại Hội nghị Vesak Liên hiệp quốc từ 27-30 tháng 5 2015 tại Bangkok, Thái Lan. Bản tuyên cáo Bangkok (Bangkok Declaration) của Hội nghị đã nêu lên vấn đề Mekong và đã yêu cầu các nước trong cộng đồng ASEAN và các nước láng giềng hợp tác để giải quyết tình trạng khẩn cấp của sông Mekong và hệ sinh thái. Vấn đề Mekong cũng sẽ được đưa vào nghị trình của Đại hội đồng LHQ
22 Tháng Tư 2015(Xem: 5966)
“Billy Gates có một sự say mê đối với phân.” Đó là câu mở đầu bài viết của Jason Silverstein, ký giả tờ New York Daily News, hôm thứ Ba, 6 tháng 1, 2015, mà tôi tìm đọc thêm sau khi đọc một đoạn tóm tắt tiếng Việt về chuyện “Bill Gates uống nước thải”
17 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 5622)
Thế kỷ 21 là thế kỷ của môi trường. Cuộc khủng khoảng toàn cầu, do vấn đề ô nhiễm môi trường và những thiệt hại sinh thái gây ra, đã bắt đầu đe doạ đến sức khoẻ con người. Năm 1992, “Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu” của Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil chủ yếu là để cứu trái đất. Hội nghị đã đạt được một số thoả thuận về việc bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên động vật, thực vật.
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5660)
Hiện nay có rất nhiều vấn đề về môi trường. Những vấn đề mang tính toàn cầu bao gồm: sự nóng lên toàn cầu, cạn kiệt tầng ozone, nạn phá rừng và giảm thiểu đa dạng sinh học, sa mạc hóa, mưa axít, và ô nhiễm nước biển...
12 Tháng Mười 2014(Xem: 4964)
Vào ngày 21 tháng Chín, đông đảo công dân từ khắp nơi trên nước Mỹ, và từ nhiều vùng đất khác, sẽ được hội tụ về thành phố New York tham gia vào cuộc diễu hành về sự biến đổi Khí hậu (The People’s Climate March), đây được cho là cuộc diễu hành vì khí hậu lớn nhất trong lịch sử.
06 Tháng Tám 2014(Xem: 9897)
Tôi muốn kết luận rằng Bà mẹ trái đất đang dạy cho chúng ta một bài học về việc bảo vệ môi trường trên toàn cầu. Đó là một bài học mà chúng ta phải học lại từ đầu, thế kỷ tới chúng ta phải hợp tác với nhau, thương yêu lẫn nhau, chúng ta tuyệt đối không gây ra chiến tranh mà ngược lại phải sống trong an lạc và hạnh phúc.
14 Tháng Sáu 2014(Xem: 10078)
Chưa bao giờ hai chữ “trách nhiệm” được nhắc nhở nhiều như bây giờ, mặc cho báo đài cứ kêu ca mỗi ngày nhưng dường như nó không lay động nổi nhận thức và trái tim lãnh cảm của con người với những cái được gọi là của chung. Sự thực dụng đến mức thô thiển khiến người ta không những không muốn chịu trách nhiệm cho những cái mình đang cùng thừa hưởng mà còn góp phần tàn phá.