Các Loại Vợ

11 Tháng Tám 201300:00(Xem: 27584)

CÁC LOẠI VỢ
Mithra Wettimuny
Diệu Liên Lý Thu Linh

Bạo hành trong gia đình luôn đưa đến đổ vỡ. Dư luận gần đây đều bức xúc trước những thông tin về việc chồng đốt vợ, giết vợ, tạt acid vợ, vân vân. Thật khó có một giải pháp vẹn toàn cho vấn đề đó. Dưới đây là một bài viết ngắn nhằm soi một chút ánh sáng vào vấn đề này qua lăng kính Phật giáo.

 

Người phụ nữ có cần chịu đựng một ông chồng nát rượu và hay đánh vợ không?

(Câu hỏi này đã được gửi tới mạng Beyond The Net, là một trang điện tử của Phật giáo Nguyên Thủy ở Tích Lan, và được Giáo Sư Mithra Wettimuny trả lời. Giáo sư đã tu Thiền với ngài Thiền sư Matara Sri Nanarama theo truyền thống ẩn tu trong rừng của Thiền viện Nissarana, Tích Lan.)

 Để có thể trả lời thẳng câu hỏi này, chúng ta cần xem xét nhiều khía cạnh quan trọng. Người nghiện rượu hay thường uống rượu đến say xỉn là kẻ dại khờ. Người chồng mà phải dùng đến bạo lực với vợ là người đầy sân hận và cũng là kẻ dại khờ. Người mà phạm cả hai lỗi này thì hoàn toàn là kẻ ngu.

 Trong kinh Pháp Cú Đức Phật đã dạy rằng thà sống một mình còn tốt hơn là sống với kẻ ngu. Đó là vì khi bạn thường xuyên phải tiếp xúc với kẻ ngu thì điều đó sẽ làm phát khởi những tính chất bất thiện trong bạn. Do đó bạn sẽ không bao giờ phát triển theo hướng thiện lành.

 Tuy nhiên, bản tính con người thường dễ nhìn người khác để phán xét hơn là soi lại bản thân mình. Cũng trong kinh Pháp Cú, Đức Phật đã thuyết, “Đừng nhìn lỗi của người, những cái tốt hay xấu của họ, mà hãy tự quan sát hành động của chính mình, xem xét những gì bạn đã làm được, và những gì còn chưa hoàn tất”.

 Từ hai lời dạy này của Đức Phật, chúng ta có thể tạo nền tảng cho quyết định phải đối phó như thế nào đối với vấn đề được nêu trong câu hỏi. Do đó trước khi kết tội người chồng và đi đến một kết luận nào, trước hết người vợ hãy tự xét lại mình.

 Trước tiên người vợ phải hiểu rõ ràng rằng mình là người vợ tốt hay xấu. Về phương diện này, Đức Phật đã dạy rằng có bảy loại vợ trên thời gian này. Đó là:

  1.  Loại vợ này không thương yêu chồng. Người này có thể giết chồng nếu có cơ hội. Người vợ này không lắng nghe chồng, không trung thành, không biết giữ gìn tài sản cho chồng. Một người vợ như thế được gọi là “Vợ Sát Nhân”.
  2. Cũng có loại vợ không biết gìn giữ tài sản cho chồng, ăn cắp, phung phí của cải của chồng, không vâng lời và không trung thành với chồng. Loại vợ này được gọi là “Vợ Ăn Cắp”.
  3. Lại có loại vợ hành xử độc đoán, tàn nhẫn, đàn áp, hống hách, cứng đầu, không trung thành, không gìn giữ tài sản của chồng. Loại vợ này được gọi là “Vợ Độc Đoán”.
  4. Lại có người vợ chăm sóc chồng như người mẹ chăm con. Quan tâm đến tất cả mọi nhu cầu của chồng, gìn giữ tài sản của chồng, trung thành, hết lòng vì chồng. Người vợ đó được gọi là “Vợ Từ Mẫu”.
  5. Có người vợ xem chồng như người anh lớn của mình. Kính trọng chồng, khiêm hạ, vâng lời, bảo vệ tài sản và trung thành với chồng. Loại vợ đó được gọi là “Vợ Huynh Muội”.
  6. Có người vợ xem chồng như bạn. Đối xử với chồng như người bạn thân thiết lâu ngày mới gặp. Người vợ này khiêm hạ, dễ bảo, trung thành và biết bảo vệ tài sản của chồng. Loại vợ này được gọi “Vợ Bằng Hữu”.
  7. Cũng có loại vợ luôn phục tùng chồng dưới bất kỳ hình thức nào, không than phiền, chịu đựng những thiếu sót của chồng, nếu có, một cách âm thầm, dễ bảo, khiêm hạ, trung thành và bảo vệ tài sản của chồng. Loại vợ này được gọi là “Vợ Tận Tụy”.

 Đó là bảy loại vợ có thể tìm thấy trên thời gian. Trong số họ, ba loại vợ đầu tiên (Vợ Sát Nhân, Vợ Ăn Cắp và Vợ Độc Đoán) trong hiện tại họ sống khổ sở, lúc chết sẽ bị đọa đày [thí dụ như tái sinh vào cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ, a-tu-la và địa ngục].

 Bốn loại vợ còn lại, Từ Mẫu, Huynh Muội, Bằng Hữu và Tận tụy, thường sống hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại, và chết được vào cõi cực lạc [thí dụ cõi chư thiên hay cõi người].

 Do đó, người vợ cần phải quán xét bản thân kỹ lưỡng để xem mình thuộc loại vợ nào. Nếu người vợ thấy bản thân mình thuộc vào ba loại vợ đầu tiên, thì rõ ràng là người đó phải tự sửa mình trước khi có thể kết án chồng. Việc làm này suy cho cùng cũng là vì lợi ích của người vợ.

 Nếu người vợ thuộc vào bốn loại vợ hiền, mà phải sống với người chồng say xỉn và hay đánh vợ là một trường hợp thật sự ngoại lệ, có thể bị vướng vào hoàn cảnh này là do nghiệp duyên (hành động có chủ tâm trong quá khứ).

 Nếu sau khi đã là người vợ tốt như đã miêu tả ở trên, nhưng người chồng vẫn tiếp tục làm kẻ nát rượu và đánh vợ (trường hợp này rất hiếm, hoàn toàn ngoại lệ), thì người vợ phải đi đến quyết định có tiếp tục sống chung với chồng hay chia tay. Người vợ phải chắc rằng mình không sống để phải khổ sở hơn. Thí dụ trong hoàn cảnh mà những tính chất bất thiện cứ phát khởi trong tâm (thí dụ sân hận, oán thù, sợ hãi, căm ghét, v.v.). Nếu đó là kết quả của việc sống chung với nhau, thì tốt hơn là chia tay một cách êm thấm. Vì như đã nêu trên trong kinh Pháp Cú rằng, “Thà sống một mình hơn là sống với kẻ ngu, giống như con voi sống một mình trong rừng”, hay “như vị vua đã bỏ ngôi, vào sống trong rừng”. Đây là quyết định cần thiết lập để người phụ nữ có thể tự phát triển trên con đường chân chính, hầu đạt được trí tuệ, và tự giải thoát khỏi khổ đau.

 Mặt khác, nếu hoàn cảnh đặc biệt này được chấp nhận bằng sự chịu đựng với lòng từ bi, thì ở một giai đoạn nào đó trong luân hồi không thể tránh khỏi, người đó chắc chắn sẽ được vào thế giới chư thiên, được hưởng hạnh phúc siêu thế, niết bàn, và sẽ đạt được trí tuệ, giải thoát khỏi tất cả mọi khổ đau, do đã thiết lập một nền tảng dựa trên sự hy sinh và chịu đựng với tâm từ bi.

 Tóm lại, trong hoàn cảnh đặc biệt này, người vợ cần quán chiếu tâm mình thật cẩn thận trong một thời gian và từ đó đi đến quyết định đúng cho cuộc đời của mình.

 

Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển Ngữ theo Beyond The Net).

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Tư 2016(Xem: 7337)
Nói đến Giáo hội Tỳ-kheo Ni, lập tức chúng ta nghĩ ngay đến sự kiện Đức Thế Tôn chưa chấp thuận lời cầu xin gia nhập Tăng đoàn của Di mẫu Mahaprajapati. Để được phép xuất gia, Di mẫu Mahaprajapati đã chấp thuận tuân thủ Bát Kỉnh Pháp một cách vô điều kiện. Thế nhưng, theo như lời Phật dạy, Ni chúng được chư vị Tỳ-kheo truyền giới. Không có nơi nào trong Luật tạng đề cập chư Đại đức Tăng phải yêu cầu các giới tử Ni tuân thủ Tám pháp Bát kỉnh mà Đức Thế Tôn đã đưa ra cho Tôn giả Mahapajapati. Các Tỳ-kheo Ni ý thức rằng, chính vì sự nhận thức chưa thấu đáo về bối cảnh và con người, trong sự kiện Đức Phật chế định Bát Kỉnh Pháp mà ngày nay Giáo đoàn Tỳ-kheo Ni tại Ấn Độ và các quốc gia Phật giáo khác đã phải nỗ lực, phấn đấu rất nhiều mới có thể khẳng định sự tồn tại của mình trong lòng Phật giáo.
25 Tháng Ba 2016(Xem: 6523)
Chúng ta cần phải lưu ý đến một điểm thật quan trọng và tế nhị là dù mình đã đạt được nhiều kinh nghiệm luyện tập thiền định, nhưng không phải vì thế mà tránh được sự mê hoặc của các cảm tính (feeling/cảm nhận) thích thú (pleasant/dễ chịu), chẳng qua vì chúng tạo ra cho mình mọi thứ ảo giác ở nhiều cấp bậc khác nhau. Thật hết sức khó cho chúng ta nhận thấy được các sự biến đổi và tính cách phù du của chúng. Chẳng những chúng không mang lại được sự thích thú thật sự nào mà chỉ tạo ra thêm căng thẳng cho mình, và chỉ vì không hiểu được điều đó nên mình cứ tiếp tục bám víu vào chúng.
19 Tháng Ba 2016(Xem: 7272)
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài báo của một nữ ký giả và biên tập viên người Thái Sanitsuda Ekachai trên báo Bangkok Post về một phụ nữ Mỹ thật phi thường là bà Jacqueline Kramer. Bà từng là một ca sĩ có tiếng, từng độc diễn trên các sân khấu ở San Francisco, nhưng đã hy sinh tất cả để nuôi con nhờ vào tâm Phật bên trong lòng bà. Bà tin rằng một phụ nữ nuôi nấng con cái, làm bếp, dọn dẹp nhà cửa cũng có thể đạt được giác ngộ.
19 Tháng Ba 2016(Xem: 7157)
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài thuyết trình của bà Gabriela Frey với chủ đề "Phụ nữ và Phật giáo", trước cử tọa của tổ chức Ki-tô giáo FHEDLES (Femmes et Hommes, Égalité, Droits et Libertés, dans les Églises et la Société/Nữ và Nam giới, Công bằng, Luật pháp, Tự do, trong Nhà thờ và ngoài Xã hội). Buổi thuyết trình diễn ra ngày 5 tháng 12 năm 2013, và sau đó đã được ghi chép lại và phổ biến trên nhiều trang mạng, trong số này có trang mạng của Tổ chức FHEDLES trên đây và Hiệp hội Sakyadhita Quốc Tế (Sakyadhita International Association of Buddhist Women/Hiệp hội Phụ nữ Phật giáo trên thế giới).
19 Tháng Ba 2016(Xem: 6787)
Lời giới thiệu của người dịch Một người con gái sinh trưởng trong một gia đình bình dị ở một khu phố nghèo của thành phố Luân Đôn, tình cờ một hôm đọc được một quyển sách về Phật giáo, bỗng chợt cảm thấy mình là một người Phật giáo mà không hề hay biết. Cơ duyên đã đưa người con gái ấy biệt tu suốt mười hai năm liền, trong một hang động cao hơn 4000m trên rặng Hy-mã Lạp-sơn. Ngày nay cô gái ấy đã trở thành một ni sư Tây Tạng 73 tuổi, pháp danh là Tenzin Palmo, vô cùng năng hoạt, dấn thân và nổi tiếng khắp thế giới.