● Thầy Tôi Đã Sớm Ra Đi!

24 Tháng Giêng 201200:00(Xem: 6143)

PHẬT GIÁO & NỮ GIỚI
NỮ GIỚI & PHẬT GIÁO
(Truyền Thống, Cải Cách, Phục Hồi)
Biên soạn: Ellison Banks Findly
Chuyển ngữ:
Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam
Nhà xuất bản: PHƯƠNG ĐÔNG 2011

Phần II
CÁC VỊ THẦY, GIÁO PHÁP, VÀ SỰ TRUYỀN THỪA

Thầy Tôi Đã Sớm Ra Đi!
James Whitehill

Vị thầy người Nhật của tôi đã ra đi năm ngoái, quá trẻ, quá sớm. Bà chỉ mới năm mươi bốn tuổi, và không có ai để truyền thừa Pháp, chỉ có năm người đệ tử sống cùng bà trong những năm gần đây. Tôi, năm mươi sáu tuổi, nhưng lại là đệ tử mới nhất của bà, mà lại là nam đệ tử. Tôi ở với một nhóm nhỏ đệ tử người Tây phương chỉ mới được mười năm nay, trong khi người nữ đệ tử trẻ tuổi nhất cũng đã có mười lăm năm theo học với bà. Do vị thế ưu tiên của việc “sống lâu lên lão làng” trong tăng đoàn nhỏ bé của chúng tôi, mà các vị nữ đệ tử trẻ này tha hồ chế ngạo cái đầu không tóc, và việc gia nhập tăng chúng muộn màng của tôi. Họ thường gọi tôi là “cha dượng già”. Tôi không màng điều đó chút nào, vì từ những ngày đầu, tôi đã rất hạnh phúc được thân cận “roshi” của tôi, với lòng tin tưởng rằng sự gần gũi, tiếp xúc hằng ngày với bà có thể giúp tôi đi đến ngưỡng cửa tiếp cận tâm linh, nơi mà bản thể thực sự của tôi cuối cùng sẽ được tỏa sáng.

Sống cận bà, tôi hy vọng có thể trở thành Phật, hay ít nhất cũng được nhiều trí tuệ, nhiều giới hạnh hơn là những gì tôi tưởng khi bước chân vào nơi này. Từ khi thầy tôi ra đi, tôi đã tưởng nghĩ rất nhiều đến người, và gần đây, dường như bà đã về thăm viếng tôi trong những giấc chiêm bao, cố gắng nhắn nhủ với tôi điều gì đó, được viết trên một mảnh giấy. Trong một giấc mơ gần đây nhất, khi lướt nhìn góc tờ giấy trắng bà đang cầm nơi tay, tôi thấy chữ ký của mình, và những dòng chữ nghệch ngoạch ở phía trên. Những dòng chữ đó không phải của tôi, tôi chắc như thế, và tôi cảm thấy rất bức xúc khi phải cố gắng đoán xem chúng là gì. Sau đó bà quàng vai tôi, và khuôn mặt của bà như nhòa đi khi tôi cúi nhìn bà. Vì thực tế là tôi cao hơn bà gần nửa thước. Mỗi khi phải nhìn ‘xuống’ thầy tôi, tôi không bao giờ thấy thoải mái, nhưng trong giấc mơ tôi lại thấy thích thú với cảm giác gần gũi đó.

Trong ngày, đôi khi tôi cảm thấy như nghe được tiếng nói của bà trong tôi, cắt ngang dòng tư tưởng của tôi khi chúng sắp dẫn dắt tôi đi quá xa hay trở nên suy đoán quá cặn kẻ. Dường như đó là tiếng nói của bà, nói những điều khiến tôi phải ngạc nhiên, nhưng cũng có thể là tôi nhầm lẫn. Thật ra, tiếng nói của bà đã trở thành một trong những tiếng nói của tôi qua gần 10 năm trời chìm đắm, “chấp nhận bà”, đến nỗi đôi khi, tùy vào tâm trạng, tôi cũng không phân biệt được chúng. Roshi của tôi, bà đích thực hiện hữu, và tôi ‘chiêm ngưỡng’ bà như hầu hết mọi người đệ tử thuần thành đối với vị thầy khả kính của mình. Vì thế ‘tiếng nói’ của bà, có thể là tiếng nói ‘của bà’ được chuyển qua tôi trở thành một trong những tiếng nói ‘của tôi’. Nhưng như tôi đã nói, sư phụ tôi không có người truyền thừa giáo Pháp, vì thế tôi không thể thực sự nói thay cho bà. Chỉ có thể nói về bà, từ mối quan hệ mật thiết, có thể là hơi hiếm hoi, mà cũng có thể không hiếm hoi gì, nhưng chắc chắn không phải là một mối quan hệ bình thường.

Tuy nhiên, cảm giác về sự có mặt của bà nơi đây, về một sự hiện hữu bằng xương bằng thịt rõ ràng, cô đọng đang dần phai nhạt một cách không thể cưỡng lại được. Khi nỗi đau của tôi dần qua đi, tôi dần đánh mất thầy. Mỗi ngày, tôi chiêm nghiệm tâm trạng của mình trước sự mất mát, trống vắng khi chúng dần mất đi cường độ, nét sắc bén. Roshi của tôi mờ nhạt dần, và dường như tôi cũng tan biến theo bà, đánh mất bản thân, đánh mất mọi tư duy. Tôi phải dựa vào đâu, trong thời gian đau khổ tột cùng này, trên vũng nước tối tăm này? Tôi phải hướng về đâu để tìm lại dấu vết Phật tánh của mình? Tôi phải làm gì bây giờ? Đây là những câu hỏi đớn đau mà người đệ tử phải đối mặt khi đánh mất thầy mình? Khi vị thầy còn hiện tiền, bạn luôn có phương hướng: chỉ cần quanh quẩn cạnh roshi. Nhưng thầy tôi đã ra đi, trong khi tôi vẫn phải đi tới. Tôi đành làm hồn ma bóng vía bám theo thầy. “Roshi ơi, hãy trở về với tôi”, tôi gào khóc.

Tôi biết đó là cái bẫy. Không phải sự than khóc, mà là ước muốn tạo ra một thực tại theo ý mình, để thắt lại các mối duyên nghiệp. Thần kinh. Phiền muộn. Ảo tưởng. Tôi khám phá ra rằng trong những ngày này chỉ có ba thứ có thể giúp tôi lưu tâm đến những vấn đề quan trọng: cái đau, bốn nữ đệ tử kia và thế giới sống động quanh tôi. Dĩ nhiên cái đau là nỗi mất mát, là cái đau dằn xé tự nhiên hay một nỗi buồn âm ỉ vận hành theo quy luật, thời gian, và không gian của riêng nó. Tôi để nó tuôn trào, trôi lăn theo nó. Quán sát nó. Đôi khi chuyển mình theo nó, đôi khi bất động trên gối thiền nhìn nó. Tôi chiêm nghiệm nỗi muộn phiền của mình: nó bộc lộ với tôi, từng chút một, trong từng tiếng than vãn, trạng thái và mức độ của sự mất mát của tôi. Sự mất mát này như dồn ép thêm vào cảm giác đánh mất bản thân, vì cái chết của roshi đã lấy mất của tôi chỗ dựa cũ, mục đích, phương hướng chân chánh. Nỗi buồn đau cũng khiến tôi trở nên lặng lẽ. Tôi thấy dường như mình không còn thở. Tôi trở nên là giây phút trước khi sự chờ đợi bắt đầu. Tôi dừng lại và dường như đông giá. Lúc ấy, có thể một điều tầm thường gì đó xảy ra, và đem tôi trở về thực tại: một tia sáng xuyên qua cành lá dưới cơn gió bất chợt, một chú mèo ngơ ngác bước vào phòng, một cánh cửa đóng mạnh tay (cửa bị kẹt, và lý ra tôi phải sửa lại, nhưng không thể là lúc này). Tôi chỉ biết một điều: tôi đã bước xuống một dòng nước, mà không thể bước ngược về quá khứ. Tôi trôi xuôi theo dòng nước.

Tôi vẫn còn thấy kết nối với bốn người đệ tử của roshi, những người có lẽ còn lạc lõng hơn tôi. Chúng tôi cố gắng đùm bọc lẫn nhau. Nếu họ không nghĩ thì tôi nghĩ mình là “vị roshi ghẻ” của họ. Và nhiệm vụ của tôi là: “Có mặt ở đó”. Điều đó dễ thôi: Tôi chỉ loanh quanh, làm bổn phận, trao đổi đôi điều. Tôi không phải là vị roshi tâm linh của họ, nhưng tôi có thể nấu ăn, trả các khoản nợ, và bảo đảm là tiền cúng dường không bị ăn chặn. Hằng đêm, tôi lo khóa các cửa nẻo. Dễ thôi. Như một người cha.

Nhưng roshi là một bà mẹ, đã sử dụng những phương tiện thiện xảo, khác biệt để sách tấn từng người chúng tôi. Một cách kiên nhẫn, không thúc ép quá thường xuyên hay quá khắt khe. Mở rộng tâm từ bi đối đãi với chúng sanh vô minh, các vị Phật sơ sinh, các vị Bồ-tát hay tranh cãi, và những giống quỷ đói vô vọng. Đầy lòng dũng cảm, vì phải có dũng cảm mới tạo ra được các vị Phật. Ở đây, tôi đang khốn khổ với bốn vị đệ tử trẻ (dầu tuổi hạ họ hơn tôi và roshi đã huấn luyện họ sống tự lập, dường như bà biết rằng bà sẽ không thể ở với họ lâu). Người thì trầm cảm, hoang mang. Kẻ thì hay khóc. Hai người còn lại thì không chia sẻ gì với tôi về vị thầy, người bạn kính yêu của chúng tôi. Tôi không biết làm một roshi cho họ, để bảo bọc họ như một người mẹ - trong khi vị roshi của chúng tôi thì không có người truyền thừa để chúng tôi có thể nương tựa. Hai vị đệ tử lớn tuổi nhất đã tự bỏ đi - với mục đích tìm kiếm ai đó khác làm thầy.

Roshi của chúng tôi thích làm vườn và nấu ăn. Buổi sáng bà dành cho việc làm vườn tược, buổi chiều thì nấu ăn. Để có thu nhập cho chùa, tôi làm việc bên ngoài bốn hay năm ngày một tuần. Nhưng roshi của chúng tôi, theo truyền thống, chỉ ở trong chùa, làm Phật sự, và tiếp tục tu tập hoàn thiện bản thân theo cách riêng của mình. Trong khi tôi làm việc ở bên ngoài đến tận chiều tối, thì bà huấn luyện các đệ tử khác nấu buổi ăn chiều theo phong cách Phật giáo, trước tiên là tập trung vào lời dạy và cách thức, sau đó tiến tới thái độ tâm linh được tìm thấy trong những lời hướng dẫn của Dogen đối với người nấu bếp trong thiền viện, cốt yếu là, “Hãy để hết tâm trí vào công việc diệu kỳ này!” Tôi nghĩ là hai nữ đệ tử lớn tuổi đã thọ lãnh ân sủng cuối cùng của roshi, được bà ấn chứng là ‘những đầu bếp giỏi”. Tôi hơi ganh tỵ với việc họ được xác nhận là những người xứng đáng. Dầu Roshi cũng đã cố gắng an ủi tôi bằng cách nói, “Ngươi rất khéo tay, giỏi văn, vân vân”, nhưng tôi biết là chưa hoàn tất hay hoàn thiện bất cứ điều gì, nói chi đến cái ngã của tôi.

Gần như mỗi ngày, roshi của chúng tôi đều bắt đầu một giờ ‘thiền nấu ăn’ lúc 5 giờ chiều, rồi dọn cho chúng tôi một bữa ăn ngon lành, đầy dinh dưỡng lúc 6 giờ đúng. Trong năm cuối trước khi bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, tôi để ý thấy là không còn đúng bon 6 giờ, mà là 6 giờ 5 hay 6 giờ 15 - nhưng lúc đó tôi nghĩ là do tuổi tác bà đã tăng. “Nghi thức trong trai đường” của bà luôn giữ một nhịp độ đặc biệt năm này qua năm khác: giai đoạn chuẩn bị kéo dài, rồi ào cái xào nấu là xong. Bà thường mất gần nửa tiếng hay hơn để liếc ngó, tìm kiếm, rờ rẫm, nắn bóp cái gì đó trong tay, thường là ‘đồ ăn còn lại của bữa trước’, chuẩn bị trong đầu vài món, để ngoài món chính chúng tôi còn có thể thưởng thức các món phụ, tùy theo tâm trạng lúc ngồi vào bàn ăn của chúng tôi như thế nào. Mười lăm phút cuối của một tiếng đồng hồ đó dành cho sự thong thả quay qua quay lại trong nhà bếp, kết hợp hài hòa tất cả mọi yếu tố để có một bữa ăn đầy màu sắc, hương vị đúng ngay sáu giờ. Đôi khi chúng tôi ngồi trong nhà bếp quán sát, tìm cách gợi chuyện với bà, nhưng rõ ràng là bà đắm chìm trong hoạt động của mình, và không muốn bị quấy nhiễu. Không gian trong nhà bếp bình dị, tự nhiên, nhưng chính xác và chân chất. Giống như một buổi trà đạo của người Nhật.

Có thể cách nấu ăn của bà là do ảnh hưởng của việc bà đã được huấn luyện trong trà đạo, nhưng phong cách đó cũng thể hiện trong mọi thứ khác trong cuộc sống của bà. Có thể tinh thần trà đạo đã lấn áp mọi thứ hoặc là bà đã đạt đến mức độ vượt thoát khỏi mọi hình thái của trà đạo và các nghệ thuật khác. Tôi nghĩ điều thứ hai có lẽ đúng hơn: hành động của bà dường như phát xuất từ suối nguồn trong trẻo của cảm hứng tự nhiên, và từ chính nguồn Thiền, trong gần như tất cả mọi việc. Thần thái thiền và những bài học thiền nhẹ nhàng của bà hiển lộ qua hành động, hơn là lời nói. Nếu tôi có thể tóm tắt những lời dạy của bà, thì chúng chủ yếu nằm trong ba nguyên tắc dành cho bà và cho chúng tôi. Nguyên tắc thứ nhất, trên tất cả, bà nhắc nhở chúng tôi “cố gắng chánh niệm”. Tỉnh giác và chánh niệm trong từng phút giây. Ở mỗi thời điểm chỉ chú tâm vào một việc. Nguyên tắc thứ hai thiên về đạo đức: “Khi đã quyết định làm điều gì thì hãy cố làm hết sức mình”. Lời dạy này không nhằm khuyến khích ta tranh hơn thua với người, mà là để ta tự tu sửa, hoàn thiện khả năng của mình.

Nguyên tắc thứ ba và là cuối cùng của bà là, “sống thật, sống hòa hợp với bản thân”. Chúng tôi có thể nhận thấy được ‘bản tánh tự nhiên’ và sự tự tại của bà dưới nhiều hình thức. Bà thích mặc y phục thoải mái. Bà rất thích tiếp xúc với trẻ con, chơi đùa với chúng, tặng cho chúng những món quà đặc biệt mà bà luôn có sẵn như là các vỏ ốc biển hay đồ chơi xếp bằng giấy. Là một phụ nữ dịu dàng, trầm lặng, nhưng bà hay cười một cách dễ dàng, hạnh phúc, đôi khi bằng cái cách mà tôi chỉ có thể giải thích là phát xuất từ một niềm hân hoan vô cùng tận. Các ‘sự kiện’ cười này, khi mới khởi lên, khiến ta ngạc nhiên, nhưng chỉ trong phút chốc nó khiến người nghe khó mà không bị vui lây. Sự hóm hỉnh của một điều bí mật nào đó từ sâu thẳm bên trong roshi của chúng tôi vỡ tràn ra trên gương mặt người, khiến mắt người ngấn lệ, và rồi như thác, đổ xuống chúng tôi một niềm vui thánh thiện, nồng nhiệt. Tôi nhớ lại có đôi lần tôi cố kiềm chế mình, để có thể quán sát những tràng cười khúc khích, dòn tan, nước mắt, và thân thể gập lại, có vẻ không phù hợp với chỉ sự kích động của một câu nói buột miệng hay một lối chơi chữ. Tiếng cười của bà quá sâu sắc và sôi nổi để tôi có thể giữ được một khoảng cách khách quan: Tôi luôn phải cười theo sự vui vẻ của bà.

Phần lớn những sự kiện vui vẻ này xảy ra ở bữa cơm chiều, tại bàn ăn. Thần thái trà đạo hay cảm hứng thiền của bà tỏa sáng rõ nhất ở các bữa ăn. Chắc chắn buổi ăn tối là thời điểm tốt nhất, theo quan điểm của bà, để dành cho việc học Pháp và khảo hạch chúng tôi. Dầu phòng ăn được sắp xếp theo phong cách Tây phương, với những chiếc ghế xếp quanh một cái bàn gỗ hình bầu dục lớn, nhưng không gian đó đã được lọc qua các màn vi tế của văn hóa trà đạo. Sự thể hiện hình thức cặn kẻ đến từng chi tiết và các chuyển động trịnh trọng theo truyền thống trà đạo không quan trọng ở đây. Bà đã chỉ chắc lọc từ nghi thức trà đạo cái tinh thần của nó, và chỉ những gì tối cần thiết để khơi dậy, để ta nhận ra được cái tinh thần đó.

Vì suy cho cùng, chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ đệ tử người Tây phương còn nhiều thiếu sót. Hẳn là bà không muốn áp đặt văn hóa Nhật với chúng tôi, chỉ trừ khi đó là phương tiện hữu hiệu nhất để bà có thể giúp chúng tôi hiểu được con đường của trí tuệ và từ bi. Bà đã định cư ở Mỹ rất sớm, từ những năm 1966, do thích sống ở nơi này, vì Nhật Bản khó dung chứa những phụ nữ giống như bà. Nghe nói là Roshi của chúng tôi, không chịu đảnh lễ, chưa từng thế phát và chưa từng khẳng định bà thuộc hệ phái nào. Bà chẳng tin vào những điều này cũng như chẳng tin nơi cấp bằng. Với sự phán đoán ít khi nào sai lầm về ai, bà không coi trọng bằng cấp, vì bà có thể thấy rõ bản chất thật và cái ngã giả tạo của chúng tôi. Chúng tôi cũng không gọi bà là “Roshi”, (trong bài viết này tôi gọi thế vì lòng mến mộ bà trong tâm tưởng), vì bà thích một danh xưng khiêm cung hơn, nữ tính hơn, xuất phát từ truyền thống Chân Ngôn, là Miko-san. Chúng tôi gọi bà là Miko. Bạn bè và hàng xóm tưởng đó là tên bà, nhưng đó là danh xưng, là bút danh, cố ý chơi chữ dựa trên tên gọi roshi.

Miko, roshi của chúng tôi, luôn tụ họp chúng tôi lại lúc 6 giờ để dùng bữa chiều. Không ai được bỏ bữa hay trễ bữa. Bữa ăn bao gồm những món ngon (lại thêm một điều khác biệt nữa với truyền thống của các tự viện) và nhẹ nhàng chú tâm chánh niệm vào những gì mình đang làm để có thể làm đúng một cách tự nhiên. “Chỉ ăn”. Trò chuyện ở bàn ăn không bị cấm, nhưng cũng không được khuyến khích. Các đệ tử còn vụng về (kể cả tôi vào những ngày không may mắn) đôi khi không kiềm chế được sự thôi thúc phải than phiền hay tán đủ thứ chuyện kiểu: “Ai đoán chuyện gì xảy ra hôm nay nào?” Roshi sẽ không ngăn cấm điều này, nhưng ít đáp ứng hay chỉ lặng thinh ăn. Đôi khi bà hỏi lại, “Thức ăn có vừa miệng không?” để kéo sự chú tâm của chúng tôi về việc đang làm. Một khi chúng tôi đã chú tâm trở lại, thì thỉnh thoảng bà lại khéo chỉ cho chúng tôi thế nào là ‘ăn uống đúng cách”. Nhiều điều chúng tôi học được ngay trong cách ăn uống của bà. Ngày qua ngày, hàng ngàn bài học đã được diễn ra trước mắt chúng tôi: với chủ tâm, một cách lặng lẽ (chúng tôi dùng đũa, nên không ồn ào như muỗng nĩa bao giờ), êm đềm, đều đều.

Theo tôi nhận xét, bà hoàn toàn chánh niệm ở bàn ăn, thưởng thức các món ăn với sự trân trọng, chăm chú (mà) tôi chưa từng thấy ở nơi nào khác. Tuy nhiên, bà cũng không bỏ sót bất cứ hành vi gì của chúng tôi. Sự hoàn toàn tỉnh thức này là một điều cực kỳ huyền bí đối với tôi. Sau nhiều năm hành thiền, tôi cũng có khả năng tập trung vào một đối tượng với chút gì đó ổn định, nhưng không thể đồng thời có được trạng thái cởi mở, uyển chuyển, bao quát như thế. Dĩ nhiên, bà cũng biết sự thiếu sót này của tôi, và tôi nghĩ là do sự thiếu ‘tỉnh thức rốt ráo’ đó mà tôi là đệ tử duy nhất bị cho là chưa sẵn sàng để học nấu ăn với Roshi. Trái lại, bà chăm chú vào thói quen ăn uống của tôi, coi đó là phạm trù để bà dựa vào đó giảng giải cho tôi về giáo Pháp, về sự tỉnh thức, về chân lý.

Một buổi chiều kia, trong trạng thái hưng phấn, tôi vừa ăn, vừa uống vội vã, vừa nói về một điều gì đó, tôi cũng không nhớ, vừa không ngớt gắp thức ăn đầy trong chén. Những hành động này thật khó chấp nhận đối với Miko của chúng tôi, người thường cho phép chúng tôi trò chuyện chút đỉnh, tự bới cơm thêm, hay ngay cả tranh luận, nhốn nháo đôi chút trong khi ăn. Khi tôi với tay phải đang cầm đũa qua bàn ăn đến chỗ tô đựng bông cải xanh, tay trái thì cầm ly nước giơ lên định uống. Hai tay đang ở hai tư thế cầm nắm khác nhau như vậy mà tôi dừng lại để nói điều gì đó với một người đệ tử khác, thì “Chát!”- Miko quật đũa vào tay phải của tôi, và la, “Đừng làm thế!” Tôi chết lặng vì bà chưa bao giờ la tôi như thế. Tôi có cảm giác như mình vừa rơi xuống hố, một cái hố thẳm băng giá còn hơn nước đá. Các cơ khớp tôi đông cứng lại vì sợ. Tôi không nói được lời nào để biện giải cho mình. Chú bé trong tôi dường như đang muốn đứng dậy để ngoan cố phản đối sự sửa sai của bà mẹ - nhưng chỉ hoài công. Đây không phải là mẹ tôi, mà là vị thầy khôn ngoan và từ bi của tôi - đang bắt tôi tại trận trong một thứ tội không tên, trước mắt cả thế giới.

Miko khiến tôi chết lặng: Tôi không nói được lời nào, cái đánh của bà đã làm đông cứng cả thân và tâm tôi. Nhận ra được tâm trạng của tôi, bà không nỡ hành hạ tâm tôi, nên dịu giọng nói: “Mỗi lúc chỉ làm một việc. Đừng vừa gắp thức ăn, vừa uống và nói cùng một lúc”.

Bao bài học tuôn ra từ những lời khuyên tầm thường đó. “Đừng có dùng đũa với qua bàn ăn để gắp mấy miếng bông cải như thế. Trước hết, đem dĩa bông cải lại gần mình, rồi mới dùng đũa gắp. Phải chú tâm vào những việc mình làm! Đừng phân tâm vào quá nhiều thứ, vì ông sẽ không làm tốt chúng, hóa ra coi thường chúng”. Rồi bà ‘trình diễn’ cách làm thế nào để làm những điều này đúng, nhanh chóng, nhẹ nhàng, cẩn trọng và chính xác.

Tôi nín thở, quán sát bà, khi bà vừa chấm dứt những cử động chỉ vừa đủ và những lời khuyên răn, tôi cảm thấy ngập tràn xấu hổ. Choáng váng. Trong nỗi tủi nhục lớn lao có một góc, một góc nhỏ, của sự trân tráo. Từ góc nhỏ đó tôi có thể nhận ra mình thật may mắn có được một vị thầy như thế, dầu hơi thở tôi nghẹn lại trong cơn giông bão của sự hối hận, tiếc nuối. “Tôi biết ông có thể làm tốt hơn thế mà”, bà nói khi quay qua một vị nữ đệ tử khác và đổi đề tài câu chuyện.

Hồi tưởng lại bữa ăn đó, cái đánh, bài học, sự xấu hổ, tôi muốn phủi tay, bất cần và nói, “Đó chỉ là cách hành xử của người Nhật”. Nhưng không làm được. Rõ ràng nhìn lại lúc đó, tôi thấy mình còn con đường dài phải đi: tôi còn chưa làm chủ bản thân - sự chú tâm còn mơ hồ, sự thể hiện cẩu thả, và tâm tham vẫn còn tràn đầy. Tôi đã làm bà, các vị đệ tử khác, dĩa bông cải và cả giây phút đó hoen ố, vì đã không tôn trọng mọi thứ đủ để dành cho chúng sự quan tâm sâu sắc nhất, rõ rệt nhất và bao la nhất. Bà đã bực bội, có thể ngay đối với bản thân bà, vì tôi là người đệ tử thân cận nhất, người thị giả mật thiết, trong ít nhất là 6 năm nay. Bà đã thất bại vì tôi sao? Làm sao bà có thể tìm được một thân quyến nào khác để truyền thừa Pháp?

Nếu ở bàn ăn là một địa phận đặc biệt khép kín, là nơi roshi của chúng tôi có thể quán sát các trạng thái tâm của chúng tôi bằng cách quan sát sự phối hợp giữa cái tâm và đôi đũa của chúng tôi, thì những hoạt động ngoài vườn cây là một vùng rộng mở, phức tạp hơn, nơi bà khuyến khích chúng tôi tu sửa dưới nhiều khía cạnh để trở nên là những chúng sanh tỉnh thức. Bà thích những phương cách huấn luyện cụ thể, linh động, dầu bà có thể ngồi im lặng hàng giờ, và hài lòng rằng tôi có thể ngồi tọa thiền thoải mái, với cái lưng lúc đau lúc không. Bà cũng rất coi trọng những giờ im lặng trong Pháp học, và sẽ không quấy rầy khi chúng tôi học kinh điển. Đối với các vị đệ tử trẻ trong chúng, bà thường nói, “Với tâm còn non trẻ, tốt nhất là học Pháp”. Tôi đoán hẳn là bà nghĩ tôi đã biết đủ, vì bà chẳng bao giờ khuyên tôi nên học thêm. Trái lại, bà khuyên tôi học ít lại, nhưng học mỗi lúc chỉ một thứ, cho đến khi tôi có thể ứng dụng nó một cách hữu ích, chỉ thế thôi. Bà biết là tôi thích nghiên cứu sách vở, tư duy quá nhiều.

Tôi chẳng bao giờ muốn có được phong thái thiền vị trong việc làm vườn như bà, nên ngoan cố không nghe lời bà kêu gọi tôi bước vào thế giới của hoa cỏ. Việc làm vườn, để phát triển sự kết nối, thông cảm giữa cây cỏ, đất cát, nước, mặt trời và bản ngã, chỉ khiến lưng tôi đau. “Khum, khiêng và quay qua quay lại - làm xô lệch xương sống”, là điều mà tôi kết luận về việc làm vườn. Mấy vị đệ tử trẻ cũng cố gắng làm vườn, nhưng cũng thất bại, mỗi người một cách, khi muốn kết nối với các loài hoa. Roshi của chúng tôi bàng hoàng, và đôi khi không giấu được nỗi thất vọng trước sự thất bại của chúng tôi. Nhưng bà đã ra đi quá sớm, không thể dìu dắt chúng tôi đi xa hơn trong những bài Pháp về vườn tược. Tôi rất buồn về việc đó. Lúc đó và ngay cả bây giờ, tôi cảm nhận rằng những bài học lớn nhất của bà là trong việc làm vườn, vì bà muốn chúng tôi quán sát và nhìn ra nhiều thứ. Những gì chúng tôi cần học được tôi gọi là ‘cuộc hành hương hoa”, một cuộc hành trình vòng quanh qua các góc vườn, với năm hay sáu loại cây, đất sinh thái khác nhau, biến đổi bóng dáng, màu sắc dưới ánh mặt trời. Một cuộc hành trình với hoa, phân bón, rau củ, thảo mộc và hơi thở từ cội nguồn không tên.

Lộ trình của cuộc hành hương hoa, đi từ bên ngoài là con đường bộ giản đơn, nhấp nhô quanh tòa nhà chính, chạy từ các luống rau cải, đến các bông hoa, đến vườn thảo mộc, vượt qua dãy hố phân bón, xuống đến khu rừng đầy hoa dại, và trở về vòng qua ‘viện mồ côi’, nơi Miko chứa các loại cây đơn độc, héo rũ, bị quên lảng trong những kỳ bán cây của tháng 6 và 7. Rồi chừng thêm 150 bước nữa là bạn đã đi đủ một vòng. Chỉ cần hai phút để làm việc đó - nếu bạn không để ý đến các quả dưa chuột, các loại đậu, các cây hoa mẫu đơn và huệ sum sê, đất cát đen thẳm trong các hố phân bón, vẻ đẹp của mùa xuân, những cây táo tháng năm, che chắn lối đi nhỏ giữa những cây sồi tong teo, cao lêu khêu và các cây thích đang lớn, hay, khi bạn ra khỏi khu rừng, bao bông hoa không tên e dè xuất hiện lố nhố khi bạn tiến bước trên lối nhỏ hướng về phía tây tới con đường sáng láng hơn. Những luống hoa iris bên vệ đường sẽ đánh dấu cuối đường hành hương, nhưng không phải là đích đến.

Đích đến của con đường là trở thành một vị Phật, một cách tự nhiên, chậm rãi, tu sửa mỗi ngày một ít, từng việc nhỏ, với một mục đích được gia giảm đến độ trong tâm bạn nó không còn giống là một mục đích. Việc tu tập trong vườn hoa có thể mất mười phút hay hai giờ, đối với một người đứng ngoài quán sát, nhưng hoàn toàn không nhận ra mục đích của nó như tôi. Lúc cuối cuộc đời quá ngắn ngủi của bà, trước khi đi đến các buổi hóa trị hay xạ trị, Miko đều đi một vòng như thế, làm một cuộc hành hương trước khi tôi đưa bà lên xe chạy đến tòa nhà trung tâm ung bướu màu trắng với những cửa sổ màu đen, nằm bẹp trên ngọn đồi ngó xuống thành phố. Vài tuần trước khi ra đi, dầu đã rất yếu, bà vẫn ra đứng trong vườn, giữa những luống rau, ở đầu con đường. Những bức ảnh cuối cùng tôi chụp lúc bà đứng ở đó.

Những bức ảnh nhạt màu bởi làn bụi vàng hắt lên người bà và các luống cây. Tôi không biết là điều đó làm tôi liên tưởng đến màu vàng da hay đến vàng ròng. Tôi chỉ biết là nhìn những hình ảnh này làm trái tim tôi đau thắt, nên tôi đã cất chúng đi. Tôi tự hỏi không biết sang năm hay hai mươi năm tới, tôi có thể nhìn lại chúng không và tôi sẽ cảm xúc thế nào. Có lẽ tôi sẽ chỉ nhìn thấy vẻ trầm lặng không lay chuyển trên gương mặt, và nụ cười chua chát của bà. Có lẽ, rồi bỗng dưng tôi sẽ nhìn bà như là một vị Phật, và hình ảnh của bà sẽ ghi dấu ấn sâu đậm đến nỗi tôi sẽ Giác Ngộ ngay tức khắc. Nhưng nếu tin theo lời dạy của bà thì điều đó không thể xảy ra ngay tức khắc. Thành Phật là một quá trình lâu dài, để chúng ta có thể hành hạnh kham nhẫn với bản thân và tha nhân; có thể tự giải phóng mình khỏi các thời khóa biểu, các công việc trì kéo lương tâm ta; có thể có đủ thời gian, dầu bao lâu cũng được, để huân tập ‘mỗi lúc, một việc’.

Bà đã tin công việc lâu bền này có thể dễ dàng thực hiện trong vườn, và bà đã muốn chúng tôi bắt tay vào việc. Bước đầu tiên là thuộc tên các loài hoa mọc dọc theo con đường hoa. Tất cả các loài. Không phải những cái tên thực vật học bằng tiếng Latin, mà là những tên thông dụng. Tất cả chúng tôi đều phản đối. Nhưng Miko cứ dắt chúng tôi dọc theo lối đi, hỏi hoặc nói cho chúng tôi tên một loài hoa. Việc này kéo dài khoảng mười tới hai mươi phút. Rõ ràng là trong cuộc hành hương này, chúng tôi đang bị khảo hạch, rằng chúng tôi đang ở ngưỡng cửa đầu tiên của những hoa môn mà bà muốn chúng tôi bước vào. Chúng tôi luôn bị kiểm tra - ngay trên lối đi hay ở cuối đường gần các luống hoa iris, hay sáu giờ sau đó, khi việc cắm hoa được bày ra giữa bàn ăn. “Giờ, nói xem hoa gì đây?”

Tất cả đệ tử chúng tôi đều thất bại, vì chỉ có số điểm hoàn hảo mới được chấp nhận. Tại sao chúng tôi phải biết tất cả tên của chúng? Ngay chỉ một tên, chúng tôi cũng không hiểu tại sao mình phải biết? Bà không trả lời những câu hỏi này, mà chỉ nói, “Để biết, chúng ta phải bắt đầu bằng tên gọi”. Chúng tôi bắt bẻ bà: “Sư phụ còn lầm tên chúng đệ tử đây, có khi còn gọi tên con mèo nữa đó! Tại sao đệ tử lại phải đoán đúng chính xác tên mấy bông hoa dại kia? Hơn nữa, sư phụ cứ trồng thêm hoa mới, những cây hoa mồ côi, rồi còn những người tự nguyện mang hoa trong rừng về trồng thêm. Làm sao các đệ tử theo nổi”, chúng tôi rên rĩ.

Bà nói, “Ta đã biết quý vị rồi, nên không cần phải nhớ tên. Đã thế, nếu ta nói sai, các người đã phản kháng ầm ĩ, một cách không cần thiết. Mấy cánh hoa thì yếu đuối, câm lặng, không thể tự bảo vệ mình - như chúng ta. Vì thế chúng ta bắt đầu bằng cách đặt tên cho chúng. Không phải tên thật của chúng, nhưng khi đặt tên cho chúng, ta thấy gần gũi với chúng hơn, chúng trở nên cụ thể, rõ ràng. Điều đó giúp ta chú tâm đến chúng, để rồi với thời gian, chúng ta sẽ trở nên thân thuộc với chúng đến độ chúng ta không cần phải gọi tên chúng nữa. Lúc đó, chúng sẽ đến với ta mà không cần ta kêu gọi. Chúng sẽ đến cả trong những giấc mộng của ta. Nhưng trước hết ta phải đặt tên cho chúng”.

Riêng tôi, tôi đã đôi lần miễn cưỡng cố nhớ tên các loài hoa. Nhưng không được, nên tôi nghĩ là tôi sẽ tạo những cách riêng để nhớ, như là ‘cây hoa gì mà cao, xanh, giống hoa huệ mà không phải’, hay ‘hoa cam mọc cạnh hoa mẫu đơn’. Điều này cũng giúp tôi nhớ, nhưng có cái gì đó thiếu sót, đó là, một cái tên. Tôi biện luận với Miko rằng cách làm đó rất đúng theo tinh thần Phật giáo, vì đó những sự nhận dạng qua liên hệ, so sánh, trong bối cảnh, chứ không phải là những tên gọi rạch ròi, gợi lên sự cá biệt, riêng lẻ. Lập luận khôn khéo này không đem lại kết quả gì. Ở đây tôi muốn diễn giải thêm. Tôi đoán, cái tên là cần thiết để ta lưu tâm đến “mỗi lúc, một việc”. Tôi nghĩ là giờ bà cũng nhìn thấy cái mà trà chủ Sen No Rikyu thấy khi ông chưng chỉ một bông hoa trong lọ, trong căn lều của buổi trà đạo ở thế kỷ thứ mười sáu của ông. Chỉ khi nào bạn đã biết điều gì thật rõ, chỉ khi nào bạn có thể tiếp cận với điều gì đó như một vị Phật, nếu không bạn cần phải biết tên nó để ‘phân biệt’ và tôn trọng nó. Sự tôn trọng được thể hiện qua tên gọi cho đến khi ta trở nên thành thuộc đến độ các tên gọi tan biến đi và sự vật đến với chúng ta tựa như không khí ta thở, như một thứ gì đó vừa ở bên trong lẫn bên ngoài, mà cũng không ở bên trong hay bên ngoài ta. Lúc đó, cái tên gọi đã nhạt nhòa, và chính sự vật hiển hiện trước ta. Chúng ta sẽ mỉm cười, sẽ hoàn toàn tự tại - hay có thể sẽ trở nên tuyệt diệu.

Tôi đã thoáng bắt chợp điều ‘tuyệt diệu’ này khi đi dọc theo con đường hoa sau khi roshi đã ra đi. Một buổi sáng tĩnh lặng nọ, vài tuần sau sự ra đi vào đầu tháng 10 của bà, tôi khật khưởng nửa tỉnh nửa mê đi vòng quanh nhà. Ở một điểm trong khu vườn của các loại hoa mồ côi, khoảng nửa chặng đường hành hương, tôi bỗng dừng lại không hiểu tại sao. Rồi như tôi đã từng thấy Miko làm nhiều lần, tôi cũng ngồi chồm hổm xuống thấp, rất thấp, trên đường và chợt nhận thấy tôi đang quán sát một cách rất bình thản một bông hoa duy nhất, với những cánh hoa li ti xanh. Một tư tưởng chợt xuất hiện, “Không phải là tôi nhìn thấy điều này”.

Tôi cảm thấy một điều gì đó trong tôi đang dâng trào ra ngoài, để tiếp cận với bông hoa cô đơn đó với vòng tay tỉnh thức, cởi mở. Khi mắt tôi tập trung vào đó, những cánh hoa xanh, mỏng mảnh, vì lý do gì đó dường như nổi bật một cách khác thường, hoàn hảo trước mắt tôi. “Trước tôi”, mà cũng không phải trước “tôi”. Tôi cảm thấy dường như bông hoa ‘hiển hiện’ trước mặt tôi bằng một phong thái thân mật, dạn dĩ. Nó ở trước ‘mặt tôi’, mà cũng không phải mặt ‘tôi’.

Tôi đang cố gắng mà dường như không thể nào diễn tả lại trải nghiệm đó. Nhưng tôi biết một cách thật rõ ràng, trong một trạng thái tĩnh lặng lạ lùng, rằng bông hoa đó đang lộ diện trước Miko. Miko, người vợ thân yêu của tôi. Bà ấy đang nhìn qua mắt tôi những gì bà muốn tôi nhìn thấy trong những năm tháng của bao buổi sáng đẹp trời khi bà níu tay tôi, thiết tha kéo tôi đi dọc theo con đường hoa -để nhìn một bông hoa mồ côi nhỏ bé, rực rỡ một cách thầm lặng, đẹp đến vô cùng - và tất cả những vị Phật tuyệt vời khác.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Tư 2015(Xem: 11777)
Nhận thức trong lời tác bạch: “Cuộc đời là vô thường, mọi vinh quang của thế gian không thể nào sánh với điều mầu nhiệm của đạo lý, chỉ có Phật pháp mới mang đến hạnh phúc thật sự.” Cô đã nhận thức buông bỏ, đã thế phát xuất gia dưới ánh từ quang của Như Lai, bước vào con đường ánh sáng tuệ giác vô tận. Hoa hậu Võ Bích Liên - Ni cô Thích Nữ Liên Ngọc là người con gái lành của đức Thế Tôn
05 Tháng Tư 2015(Xem: 6302)
Sau khi đạt đến Chánh Đẳng Giác, Đức Phật bắt đầu tiếp nhận đệ tử gia nhập Tăng đoàn của Ngài dựa trên quyết tâm của người đệ tử ấy, miễn sao người ấy có thể tận tâm sống cuộc sống của một Tỳ-kheo để theo đuổi con đường giải thoát mà Đức Phật đã chứng ngộ. Sự tình đã diễn ra như thế cho đến khi chính phụ thân của Đức Phật, vua Suddhodhana, yêu cầu rằng, “trong tương lai không một đứa trẻ nào được chấp nhận vào Tăng đoàn mà trước đó không có sự ưng thuận của cha mẹ chúng”.
23 Tháng Ba 2015(Xem: 6699)
Ngày nay, tuy giáo lý của Đức Phật đã được phổ biến rộng khắp, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những ý kiến cho rằng Phật giáo hạ thấp giá trị của người phụ nữ. Sự thật không phải như vậy và hiện nay trong giáo dục Phật giáo, phụ nữ có vị trí rất quan trọng và có những đóng góp giáo dục rất to lớn.
15 Tháng Bảy 2014(Xem: 4899)
Đức Phật ở lại đại viên Nigrodhārāma (Rừng Cây Đa) để thuyết pháp cho mọi thành phần giai cấp kinh thành Kapilavatthu đều được nghe. Ngày nào cũng hằng trăm người đến dự thính, trong đó có một số ít ngoại giáo thích tranh luận, khá nhiều người xin quy y và một số đông dòng tộc Sakyā xin xuất gia nữa! Đức Phật chỉ thuyết pháp và giáo giới mấy hôm, sau đó bàn giao trách nhiệm ấy lại cho hai vị đại đệ tử.
14 Tháng Bảy 2014(Xem: 5667)
Bình đẳng nam nữ là một trong các khái niệm căn bản của Phật Giáo. Thậm chí, có thể nói rằng bình đẳng nam nữ là nền tảng gốc, vì trong tận cùng, ai cũng đều có khả năng giác ngộ, bất kể tính pháí, giai cấp, chủng tộc, màu da...
14 Tháng Bảy 2014(Xem: 6419)
Một trong những minh họa rõ nét nhất về sự bất bình đẳng giới ở Thái Lan, cụ thể là sự bất bình đẳng giới trong hàng ngũ xuất gia của Phật giáo Thái Lan, đó là bộ phim tài liệu White robes, Saffron dreams (Hàng bạch y và giấc mơ được khoác y vàng).
18 Tháng Sáu 2014(Xem: 12101)
Một trong những vị cao tăng của Úc, ngài Ajahn Brahm, được Việt Nam mời đọc tham luận về “ Bình Đẳng Giới và Trao Quyền cho Nữ Giới ” tại đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam vào tháng 5 , 2014. Thật không may là Ajahn Brahm đã không được phép trình bày bài tham luận này do một lệnh cấm từ Ban Tổ Chức UN Vesak áp đặt chỉ một ngày trước khi hội nghị bắt đầu.