Chương 2: Tình Thiên Thu

28 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 5199)

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
ĐÔI DÉP
TRIẾT LÝ VỀ HẠNH PHÚC HÔN NHÂN
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Phương Đông

Chương 2: Tình thiên thu
Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 05-04-2009
 Đánh máy: Bích Ngọc

Đền đài tình ái Taj Mahal

Trong chuyến chiêm bái Phật tích Ấn Độ và Nepal năm 2009, ngày 8/3 Quốc tế Phụ nữ, đoàn chúng tôi có mặt tại Taj Mahal, một trong bảy kỳ quan thế giới. Năm 2008, đền đài tình ái Taj Mahal này một lần nữa lại được bầu chọn là kỳ quan thế giới trong khi một số công trình khác bị loại. Chúng tôi cùng đoàn làm phim VTV chuẩn bị một loạt các ký sự về Phật tích, dự kiến mười tập, mỗi tập ba mươi phút phát sóng vào cuối tháng tư này trên chương trình Thế giới Nghệ thuật của đài VTV1 và tái phát sóng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên đài VTV4 cho Việt kiều và người ngoại quốc. Chúng tôi tin tưởng chương trình phát sóng về các Phật tích sẽ giúp người xem hình dung như tự mình thực hiện chuyến du lịch và chiêm bái dưới góc độ hành hương Qua các ngõ đường mà đức Phật đã đi với tuệ giác, với thiền quán, với sự xúc địa và với chủ trương nhập thế của Ngài, thời vàng son của đạo Phật trong quá khứ mạnh bao nhiêu thì từ thế kỷ thứ XII, nó trở nên hoang tàn, đổ nát và thành các phế tích bấy nhiêu. Đến bây giờ nó vẫn như thế. Bồ Đề đạo tràng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2000, nhưng đến năm 2004 mới chính thức được chính phủ Ấn Độ ăn mừng.

Thử đặt câu hỏi, tại sao một di sản văn hóa cấp thế giới lại để đến năm 2004 mới ăn mừng? Tổng thống của người Ấn Độ khi đó vốn là cha đẻ của bom nguyên tử hạt nhân. Sau khi về hưu, ông tham gia chính trị và được bầu làm tổng thống. Ông là người Hồi giáo nhưng lại xiển dương đạo Phật, bởi vì có lẽ ông thấy rất rõ các công trình tâm linh Phật giáo mấy nghìn năm tại đây bị Hồi giáo phá nát vào thế kỷ XII, cho nên cần phải làm một việc gì đó để chuộc lại lỗi lầm quá khứ. Trong khi đó các triều đại chính phủ thuộc Ấn Độ giáo sau thời kỳ Anh trị, tức năm 1949 tới bây giờ, hầu như không mấy quan tâm đến các Phật tích. Là một nhà phát minh và sản xuất bom nguyên tử lại ca ngợi các Phật tích là điều có ý nghĩa rất sâu sắc.

Cũng như đại đế A-dục, sau cuộc chiến Kalinga, xương chất thành núi, máu chảy thành sông. Đêm đó, ông đi tham quan chiến trường và nhận thấy “Tại sao ta phải tìm lấy đời sống đầy đủ về kinh tế thông qua cuộc tàn sát như thế này”. Nỗi tư duy đã đưa ông đến với đạo Phật. Ngày hôm sau, ông đọc kinh đức Phật, đặc biệt là kinh Từ Bi, ông càng nhận ra hành động của mình hết sức tàn ác, mất nhân tâm. Cuối cùng ông trở thành đại minh quân truyền bá đạo Phật khắp nơi trên thế giới. Ông cũng là người biệt phái các phái đoàn truyền giáo của đạo Phật đến các nước Đông Nam Á, nhờ đó các nước này biết đến đạo Phật. Cho nên, khi đã hồi đầu thì quá khứ ác độc chừng nào cũng sẽ làm cho hiện tại và tương lai đóng góp vào Phật pháp lớn chừng đó theo một cách rất tương thích.

Công trình Taj Mahal rất vĩ đại trên không gian to lớn khoảng vài chục mẫu. Đền được khởi công xây dựng vào đầu năm 1632 và kết thúc vào cuối năm 1652, tức là gần hai mươi hai năm. Tòa chính giữa với ụ tháp tròn cao 55 mét, phần đỉnh ụ tháp bằng vàng nguyên khối. Bốn trụ xung quanh, hai phía trước và hai phía sau có chiều cao mỗi trụ là 40 mét. Kiến trúc sư của công trình này rất tinh ý khi làm cho các trụ có độ ng- hiêng khoảng ba độ hướng ra phía ngoài để khi động đất từ 7.5 trở lên, bốn trụ này có thể bị ngã nhưng vẫn không ảnh hưởng đến tòa nhà chính. Toàn bộ công trình được xây dựng không hề có một cây sắt bên trong. Đá nguyên khối ráp nối với nhau, đó là những loại đá trắng quý mang từ bang Rajasthan và nhiều nơi trên thế giới về, có khoảng 39 loại đá. Tất cả những màu sắc trên đó đều tự nhiên, hoàn toàn không sơn phết gì cả.

Taj Mahal được làm theo hình hai chữ nhật, hình chữ nhật bên trong và hình chữ nhật bên ngoài. Bên ngoài được đánh dấu bằng cổng thành làm bằng đá đỏ, một loại đá quý thường sử dụng làm các thành trì kiên cố của đế chế Hồi giáo. Mặt trước có mười một ụ tròn, mặt sau cũng có mười một ụ tròn. Hai mươi hai ụ tròn này tượng trưng cho hai mươi hai năm xây cất, nghĩa là trước khi khởi công công trình, các kiến trúc sư đã đoán được thời điểm hoàn tất cho nên họ tính rất chuẩn xác. Nền là đá cẩm thạch trắng và chữ thư pháp được khắc trên đó là loại đá cẩm thạch màu xanh. Nếu đứng gần, chúng ta sẽ thấy toàn bộ chữ Ả Rập được trích từ kinh Koran. Điều đặc biệt là dù đứng nhìn từ trên xuống, nhìn từ trái, từ phải sang, hay nhìn từ dưới lên cũng đều đọc rõ ràng rành mạch không mất chữ nào. Đó là sự khéo léo của kiến trúc sư đã phác họa ra loại thư pháp dành cho người Ả Rập. Công trình này do vua Shah Jahan trị vì đất nước Ấn Độ vào năm 1620, kết thúc đế chế vào năm 1658, xây dựng cho hoàng hậu tuyệt đẹp của ông sau khi qua đời.

Mỗi năm, Taj Mahal thu hút khoảng 200.000 lượt khách quốc tế và khoảng 10 triệu lượt khách Ấn Độ đến bái viếng. Ngay cả mùa hè nóng bức từ tháng tư đến tháng bảy, người ta vẫn đến nườm nượp. An ninh tại đây siết chặt chưa từng có. Việt Nam chúng ta có bài hát trong đó có hai câu “Em ơi, lâu đài tình ái đó, chắc không có trên trần gian”. Có lẽ vị tác giả này chưa đến Ấn Độ. Taj Mahal không phải là lâu đài tình ái mà là cung điện tình ái, nó lớn gấp trăm lần so với lâu đài tình ái, và nó có thật, thậm chí trở thành một trong bảy kỳ quan thế giới.

Điều gì đã khiến cho nhà vua phải làm một công trình lớn như vậy. Trước khi người vợ được ông sủng ái qua đời, bà có hai lời nguyện ước. Thứ nhất, yêu cầu nhà vua nếu thực sự thương bà thì phải chung thủy với bà, tức là sau khi bà chết, nhà vua không tái giá. Nhà vua đã nhận lời hứa. Thứ hai, phải xây dựng một công trình vĩ đại để tưởng niệm tình yêu bất hủ giữa hai người. Nhà vua cũng đã đồng ý.

Thông thường, trong lúc còn sống thương yêu nhau, người ta dễ dàng lấy lòng nhau bằng cách xây dựng một công trình nào đó, nhưng đằng này sau khi bà chết, nhà vua mới bắt đầu khởi công xây vào năm sau. Công trình được phác họa đúng một năm mới bắt đầu khởi công và kéo dài suốt hai mươi năm liên tục. Lịch sử mô tả, không có buổi chiều nào nhà vua không đến để giám sát, đốc thúc tiến độ công trình. Đó là chuyện chưa từng có trong lịch sử, cho nên ta mới gọi là “tình thiên thu”, biểu tượng của tình yêu lý tưởng.

Công trình xây dựng trong hai mươi hai năm, số lượng công nhân được mời về khoảng hai mươi ngàn người bao gồm những thợ điêu khắc giỏi nhất không chỉ tại Ấn Độ mà khắp vùng Trung Đông và khắp thế giới. Phong cách vườn làm theo Kashmir, đó là phương pháp đơn giản nhưng rất sang trọng. Phong thuỷ của Kashmir luôn lấy nước làm chuẩn. Dù nhìn từ góc độ nào, ban ngày hay ban đêm, chúng ta vẫn thấy nó là một tòa tháp đôi trên mặt đất dưới mặt nước lung linh ảnh hiện. Mặt sau của tháp này là sông Yamuna nên nó tương phản cả hai mặt, trước và sau. Bên cạnh tòa tháp, Shah Jahan dự kiến xây dựng một tháp tương tự bằng loại đá đen để dành cho ông sau khi qua đời. Kế hoạch chưa kịp thực hiện thì sau khi kết thúc hai mươi hai năm xây dựng, con trai của ông đã soán ngôi ông và cầm tù ông tại pháo đài Agra tám năm cho đến lúc chết.

Làm thế nào người ta vận chuyển những loại đá quý vào thời điểm chưa có xe vận chuyển?. Ông đã phải vận động điều phối một ngàn con voi chiến của triều đình và của đế chế khắp nơi trên Ấn Độ. Trên chặng đường dài khoảng 360

cây số, từng phiến đá một về, mảnh đá nào mẻ một chút hoặc không đúng với bản mẫu lập tức bị vứt bỏ và phải làm đi làm lại nhiều lần. Các thợ, các nghệ nhân giỏi nhất, đặc sắc nhất đã được thỉnh mời về đây thực hiện. Vườn theo phong cách Kashmir, kiến trúc thì của Ba Tư, phong cách lại là Hồi giáo. Bên cạnh thác nước còn có cỏ và các hoa văn xen lẫn nhiều loại đá quý, cả hai bên tạo thành thế tương xứng rất đẹp. Mấy trăm năm trôi qua mà công trình không hề có một sự lún hay nứt nẻ gì. Ở góc nhìn cận hơn, chúng ta sẽ thấy phía dưới là đế thành. Đế này được xây dựng trước tiên. Phía sau trụ tháp là bầu trời, một khoảng không gian như thiên giới. Hoa văn họa tiết trạm trổ ở đây cũng hết sức ấn tượng, đa dạng và phong phú, các hoa văn này đều được làm từ nhiều loại đá quý. Tất cả rất tự nhiên, được ráp nối tinh vi, không hề sơn phết. Do đó dưới ánh đèn, ánh sáng ửng lên từng màu đá lấp lánh tuyệt đẹp.

Mối tình thiên thu

Shah Jahan khi còn là thái tử được đặt tên là Khurram sinh năm 1592 và hoàng hậu mà ông đã làm cung điện Taj Mahal tên là Mumtaz, nhỏ hơn ông một tuổi. Bà sinh năm 1593. Họ gặp nhau từ khi hoàng tử được mười lăm tuổi và cô công chúa Ba tư này mười bốn tuổi. Tình yêu chớm nở ở họ. Cuộc tình kéo dài năm năm và họ đã chính thức trở thành vợ chồng. Công chúa Banu rất đẹp, đẹp đến độ sau khi đã làm vợ của hoàng tử Khurram mà các hoàng tử anh, hoàng tử em vẫn ghé mắt nhìn, vì sắc đẹp của nàng độc nhất vô nhị.

Khurram là con trai thứ năm của vua Jahangir, vị vua thứ tư của đế chế Hồi giáo, một đế chế vô cùng hùng mạnh, mở mang biên cương bờ cõi của mình đến cả vùng Trung Đông. Đế chế lớn mạnh này gọi là đế chế Mogul, gốc là Mông Cổ. Tức là người Mông Cổ đã chinh phục khắp thế giới và xâm chiếm cả vùng Trung Đông. Đế chế Mông Cổ xâm lấn Ấn Độ và biến Ấn Độ trở thành thuộc địa. Ảnh hưởng của đế chế này rất mạnh, với những thành trì cao đến 20 mét. Toàn bộ các thành bằng đá đỏ ở tại Ấn Độ cũng cao 20 mét, bao bọc bằng ba lớp: lớp cuối cùng 20 mét, lớp chính giữa 10 mét, lớp bên ngoài khoảng 5 mét. Bọc xung quanh lớp bên ngoài là rạo cá sấu với đường kính của hào nước khoảng 10 mét. Như vậy để xâm nhập vào thành, thì phải đi qua đến bốn lần xác chết. Đầu tiên là cá sấu, kế đến là lính bộ, sau đó là lính ở 10 mét và cuối cùng là lính canh ở thành 20 mét thì mới vào được bên trong. Nhờ đó mà đế chế Hồi giáo rất vững.

Khurram là vị hoàng tử giỏi về binh lược cũng là người có khả năng biện luận lý trí rất cao. Ông cũng là người yêu thích nghệ thuật cho nên vua cha Jahangir đã viết trong bút ký của ông rằng, trong mấy chục người con, Khurram là đứa con mà ông yêu quý nhất vì ba phương diện: cung kiếm, lý luận và nghệ thuật. Không có một đứa con nào của ông có thể hơn hoặc bằng được một trong ba phương diện đó. Chính vì thế, vua cha đã ban tặng danh hiệu Shah Jahan cho hoàng tử Khurram sau những cuộc viễn chinh thành công mang lại các thuộc địa mới cho vua cha. Shah Jahan có nghĩa đen là “vua của thế giới”. Nó giống như từ “chuyển luân thánh vương”, nhưng “chuyển luân thánh vương” có ý nghĩa chỉ đạo đức và tâm linh, ngoài việc thống trị toàn cầu còn phải lấy đạo đức luật pháp và chân lý để quản trị quốc gia, tạo sự dân chủ và công bình tuyệt đối. Còn “vua của thế giới” dưới ý nghĩa của đế chế Hồi giáo là người bách chiến bách thắng, mở rộng biên cương bờ cõi của sự xâm lăng khắp nơi.

Sau khi vua Jahangir qua đời, chưa kịp di chúc, tình cảnh tranh chấp về quyền lực đã diễn ra. Shah Jahan là người giỏi nhất trong tất cả những anh em và ông cũng là người đại nghi kỵ cho nên ông đã thủ tiêu và triệt hạ tất cả anh em ruột thịt của mình và tự mình lên ngôi trở thành hoàng đế vào năm 1628. Sau khi lên ngôi, ông tiếp tục mở mang bờ cõi, rất nhiều người phải chết dưới thanh gươm và đoàn binh thiện chiến của ông. Lúc đó ông mới phong hiệu cho Banu, người vợ xinh đẹp của mình là Mumtaz. Vương cung ông làm cho vợ mang tên Taj Mahal, Taj nghĩa là vương miện, còn Mahal là cung điện. Ráp hai chữ này lại thành vương miện của cung điện, tức người được sủng ái nhất, chủ nhân của cung điện tình ái. Đó là từ rất ấn tượng và cũng hết sức lãng mạn.

Mumtaz tài sắc vẹn toàn, bất cứ nơi nào nhà vua Shah Jahan có mặt thì Mumtaz luôn luôn tùy hành. Bà nổi tiếng là một nhà quân sự giỏi cũng là nhà cố vấn ngoại giao cho chồng. Trong các cuộc đối đáp, nếu Shah Jahan trả lời không thông, ông chỉ cần liếc mắt nhìn Mumtaz, bà ra những mật hiệu là ông sẽ có thể trả lời lưu loát. Phần lớn chiến lược ngoại giao của vua Shah Jahan đều do hoàng hậu Mumtaz hoạch định. Vừa có sắc đẹp bậc nhất tại Ấn Độ lúc bấy giờ, vừa có tài ba, cho nên nhà vua đã thương yêu và sủng ái bà đặc biệt. Mười bảy năm kết hôn, Mumtaz hiến tặng cho Shah Jahan mười bảy đứa con, tức là sinh năm một. Trong đó, ba đứa con bị chết do sẩy thai, hư thai, còn lại mười bốn. Và chính người con thứ mười bốn là đứa con kết thúc mạng sống của Mumtaz bởi vì bà phải mổ.

Chúng ta thử hình dung, một người phụ nữ sinh mười bảy đứa con trong mười bảy năm thì hầu như lúc nào cũng trong tư thế mang thai, ấy thế mà sắc đẹp vẫn sắc nước hương trời. Quan niệm Hồi giáo, đàn ông được quyền có bốn vợ, nhà vua được quyền có vài chục vợ. Thế nhưng nhà vua Shah Jahan không sủng ái ai ngoài Mumtaz. Cung tần mỹ nữ trẻ đẹp hơn cỡ nào đi nữa, nhà vua cũng không màng đến.

Năm 1632 khi Shah Jahan cất quân đi dẹp loạn ở Burhan- pur, Mumtaz đã đồng hành với vua suốt cả chín tháng mang thai và bà đã sanh ở chiến trường. Phương tiện y khoa lúc đó không đầy đủ, việc mổ bất đắc dĩ gây xuất huyết sản hậu dẫn đến cái chết của bà. Có lẽ vì tình tiết bà bất chấp mạng sống của mình, tùy tùng với nhà vua để cố vấn quân sự chiến lược và chiến thuật, chín tháng ở chiến trường không đủ ăn, lúc nào cũng phải nơm nớp lo đánh giặc, cuối cùng cái sinh của bà lại là cái tử, nỗi đau lòng đó cho nên suốt gần một năm sau, nhà vua không ra làm triều chính, ông cứ ở trong cung điện của mình. Sách sử mô tả trên gương mặt ông luôn chực chờ những giọt nước mắt.

Năm 1658, Aurangzeb soán ngôi vua cha và trở thành một vị vua bạo ác cho đến lúc Anh xâm chiếm Ấn Độ. Đế chế Hồi giáo 300 năm đã được kết thúc vào năm 1707. Trước khi Shah Jahan qua đời, ông có một lời nguyện ước, ông đề nghị con ông hãy chấp nhận như một ân sủng và cũng là tình thương của ông dành cho con từ nhỏ, Aurangzeb nhận lời. Đó là khi ông chết, lễ hỏa thiêu phải được tổ chức theo truyền thống Ấn Độ. Phần lớn người Hồi giáo chôn xác nhưng ông đề nghị thiêu và để tro cốt của ông bên cạnh mộ Mumtaz, vị hoàng hậu mà ông sủng ái nhất và công trình này xây dựng dành riêng cho bà. Sau khi ông chết, người ta làm theo di chúc. Mộ của Shah Jahan nằm ở một góc bìa bên cạnh hoàng hậu Mumtaz, vì ngôi đền này dành cho bà chứ không phải cho ông. Điều này khác với kiến trúc của các đế chế Hồi giáo rằng mộ vua luôn nằm ngay chính giữa.

Một góc độ khác, sở dĩ gọi là tình thiên thu vì công trình này kể từ lúc hoàn tất, nó đã đi vào lòng người như một biểu tượng của tình yêu lý tưởng. Lý tưởng trong lúc Shah Jahan và Mumtaz còn sống, lý tưởng sau khi bà qua đời mà ông vẫn tưởng niệm và thương nhớ ngày đêm. Cũng vì công trình xây dựng này mà ông mất luôn cả ngôi vua, bởi vì dân chúng ta thán đời sống khổ cực. Biết bao sức người đã đổ dồn vào đây trong khi đó, cái nghèo, cái khổ, cái bất hạnh của người dân lại không được quan tâm lo lắng. Và điều đó trở thành một cái cớ rất hữu lý để con trai ruột của ông soán ngôi ông và thay thế quyền cai trị tại đất nước Ấn Độ này. Như vậy cái gọi là tình thiên thu hay vương điện tình yêu đó được xây dựng trên nỗi khổ niềm đau của triệu triệu người dân Ấn Độ lúc bấy giờ.

Tổng chi phí cho công trình trị giá 32 triệu Rupi vào thời điểm năm 1532, tương đương một ngàn tỷ USD hiện nay. Một ngàn tỷ USD đầu tư cho một công trình chỉ để phục vụ cho tình thiên thu với người vợ của mình, phải nói rằng quá uổng phí. Nếu sử dụng một ngàn tỷ USD đó cho việc phục hồi nền kinh tế và tài chính bị khủng hoảng toàn cầu hiện nay thì có lẽ nền kinh tế phục hồi chỉ trong vòng một năm.

Qua việc sử dụng tất cả của cải triều cống của những nước thuộc địa và tận dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên vàng và kim cương của Ấn Độ để lấy số tiền tương đương một nghìn tỷ USD đầu tư cho công trình này, chúng ta có thể hình dung đời sống của người dân khổ cực đến nhường nào. Như vậy, sau lưng công trình được xem là kỳ quan thế giới là cả một khối khổ đau bất hạnh. Hậu quả mà đế chế này đã phải chấp nhận đó là bị soán ngôi. Người con ruột thịt của Shah Jahan đã soán ngôi ông và ban cho ông một ân sủng cuối đời bằng cách đặt mộ huyệt của ông bên cạnh hoàng hậu mà ông sủng ái nhất. Ông chết khi chưa kịp khánh thành công trình vĩ đại này. Nếu chúng ta bỏ qua ý nghĩa của cuộc tình si, mặc dù nó lý tưởng trong cách quan niệm của người đời, thì nó cũng đúc kết những bài học rất ấn tượng.

Đồng chí trong hôn nhân

Vua Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz rất tâm đầu ý hợp. Để có được cuộc tình răng long tóc bạc, không phải ly dị, ly thân hay đổ vỡ giữa chừng thì yếu tố tâm ấn tâm phải được xem là sợi dây xuyên suốt từ tư duy, quan điểm, lý tưởng, con đường, hành động, lối sống và phong cách ứng xử. Hầu như cặp vợ chồng này không có một điểm nào khiến họ mất lòng lẫn nhau trong suốt mười bảy năm chung sống và trước đó là năm năm hẹn hò ở tuổi trẻ thơ. Trong kinh điển Pali, đức Phật đưa ra yếu tố đồng chí là yếu tố quan trọng nhất để đời sống hôn nhân được lâu dài. Đó là chí hướng tâm đầu ý hợp giữa hai bên phải tương thích với nhau.

Khi giảng cho cô con dâu của Cấp Cô Độc, đức Phật đã đưa ra bảy loại hình vợ. Loại hình thứ tư được xem là lý tưởng nhất, “vợ là người đồng hành”. Tương tự, chúng ta có thể suy luận, người chồng cũng phải đồng hành với vợ. Chỉ khi vợ chồng trở thành đồng chí của nhau thì sự đồng hành đó mới trọn cả cuộc đời. Bằng không, nói theo một bài ca của Trịnh Công Sơn, “Tôi đi bằng nhịp điệu 1 2 3 4, em đi bằng nhịp điệu 5 6 7 8”, hai nhịp đó vĩnh viễn chẳng bao giờ gặp nhau, dẫu có đồng hành cũng chỉ mang lại nỗi khổ niềm đau cho nhau.

Rất nhiều cặp vợ chồng sống với nhau cho đến lúc qua đời, nhưng khi sống, họ lại ly thân nhau chỉ vì lý do bảo hộ hạnh phúc cho con cái. Họ không để dòng họ hai bên và làng xã bà con lối xóm biết rằng họ đang sống trong khổ đau. Nhiều cặp vợ chồng sống ly thân cho đến lúc qua đời, ấy thế mà họ vẫn được xem là gia đình văn hóa mẫu mực nhiều năm liền mà không ai biết. Khi họ đến tâm sự với các nhà tư vấn, trong đó có chúng tôi, họ mới nói thật lòng. Hai bên đã mật ước với nhau trước mặt con cái phải giả vờ đóng kịch. Họ chăm sóc, lo lắng, thương yêu nhau đằm thắm như cặp thiên nga, nhưng khi các con vừa ra khỏi nhà thì phòng ai nấy ở, không ai nói với ai câu nào, và trở thành những người xa lạ khác hành tinh. Chúng tôi cũng đã góp ý, hãy đóng kịch với nhau ngay cả khi không có người xung quanh, hạnh phúc sẽ lại quay về. Tuy nhiên nhiều người vượt qua không nổi. Điều gì làm cho người ta vượt qua không nổi. Cái gì đã làm mất đi tính cách đồng hành đó? Cái tôi.

Người nữ có thói quen nghĩ rằng nếu chồng là đấng nam nhi quân tử thực sự thì phải ứng xử cao thượng, xin lỗi vợ trước. Họ sợ sẽ bị chồng lấn lướt nếu nhún nhường nói trước lời xin lỗi. Nhiều quý bà nghĩ như thế, cho nên đôi lúc những mâu thuẫn nho nhỏ chẳng đáng vào đâu lại trở thành một đại vấn nạn. Khi vợ chồng ly thân trên nền tảng của cái tôi tự ái, mặc dù lỗi chưa biết về phía người nào nhưng hai người càng ngày càng ly tâm, xa dần đến lúc nào đó có muốn nối kết hàn gắn với nhau cũng đã quá muộn màng. Những người nam tự ái cũng có thể suy nghĩ tương tự: “Tôi nào có lỗi gì mà phải xin lỗi. Nếu tôi xin lỗi, bà ấy sẽ làm eo làm sách về sau. Cho nên thà dạy cho bà ấy một bài học ngay bây giờ, bằng không, thà ở độc thân cũng được”. Tự ái đó là một sự tự sát.

Theo tinh thần Phật giáo, vợ chồng phải là người đồng hành, và ta phải ứng xử với tư cách như một vị Bồ tát. Người Phật tử đang đi trên con đường Bồ tát hạnh thì những gút mắc, oan trái trong đời sống vợ chồng phải có trách nhiệm tháo mở trước và tạo cơ hội cho người kia đồng tháo gỡ nếu hai bên thực sự còn tình đằm thắm với nhau. Đối với những mâu thuẫn quá lớn, chẳng hạn một trong hai người có tính hoa bướm như một thói quen, một sở thích cố hữu, không bao giờ có chút ý niệm quay đầu trở về để xây dựng mái ấm gia đình, lúc đó ly dị là giải pháp cần thiết.

Đạo Phật không cấm ly dị, đạo Phật cũng không hề bắt buộc người ta phải sống chung với nhau trong sự khổ đau. Trong khi đó, Thiên Chúa giáo cấm ly dị không phải vì muốn bảo hộ hạnh phúc của hai bên, mà vì một lý do rất đơn giản. Họ cho rằng, nam nữ đến với nhau với tư cách một cặp vợ chồng là bất khả phân ly vì sự phối ngẫu đó do Thượng đế sắp đặt. Cho nên ly dị là tuyên chiến với quyền tối cao của Thượng đế. Hai người sống không hạnh phúc cũng phải cắn răng chịu đựng suốt mấy chục năm. Và ly dị là một sự phạm thượng không được chấp nhận. Ấn Độ giáo cũng có quan niệm tương tự, hôn nhân là sự sắp xếp của Thượng đế như một số phận đã được an bày. Cha mẹ hai bên chỉ thay thế Thượng đế thực hiện công việc đó, hay nói cách khác cha mẹ là Thượng đế của con cái. Đến thế kỷ thứ 21, 80% người Ấn Độ theo Ấn Độ giáo vẫn còn chấp nhận hôn nhân sắp xếp, không có hôn nhân tình yêu. Họ nghĩ rằng tình yêu sẽ từ từ phát sinh sau khi chung sống với nhau.

Khi chúng tôi có mặt tại Ấn Độ vào ngày lễ “Holy festi- val” được gọi là lễ thiêng liêng. Trong ngày lễ này, người ta tạt nước màu, trét phấn màu, bụi màu lên nhau như một sự chúc phúc. Hai chiếc xe đoàn hành hương do chúng tôi dẫn đi đều bị tạt màu đầy trên kính và thành xe. Ngày hôm đó, nếu ai đi xuống đường cũng được tặng những bột màu quét đầy trên người. Người ta xem đó như một niềm vui. Buổi tối, đài truyền hình Ấn Độ trình chiếu bộ phim “Holy” đề cập đến cuộc tình của một người con gái Ấn Độ với một chàng trai ngoại quốc. Anh chàng là quản đốc của công ty nơi cô gái Ấn Độ đang làm việc. Cô có trách nhiệm phải đưa người quản đốc của mình thăm viếng một số cảnh đẹp của Ấn Độ để biết về văn hóa nước này trước khi làm việc lâu dài tại đây. Trên đường đi, họ phát sinh tình yêu và sống với nhau như vợ chồng. Đến ngày trở về để bắt đầu vào công việc, cô tình nhân Ấn Độ mới nói với người tình phương Tây của mình: “Kể từ giờ phút này tôi với anh là hai người xa lạ”. Chàng trai giật mình hỏi: “Vậy thời gian vừa qua, tình yêu của chúng ta nằm ở chỗ nào?”. Cô gái Ấn Độ trả lời: “Tôi đã đính hôn được hai tháng, nửa tháng sau, tôi sẽ lên xe hoa.

Theo phong tục tập quán Ấn Độ, sau khi diễn ra lễ đính hôn trao nhẫn để hai bên chính thức chấp nhận dâu và rể của nhau thì khoảng ba tháng họ sẽ làm lễ cưới. Cô gái Ấn Độ cho biết, không chỉ riêng cô mà rất nhiều nam nữ Ấn Độ cần phải yêu ai đó trước khi lên xe hoa với người bạn đời do gia đình sắp đặt, để biết giá trị tình yêu là gì. Họ rời gia đình khoảng nửa tháng đến một tháng nhằm tìm kiếm tình yêu thực sự, sau đó đường ai nấy đi. Mỗi bên có một hướng đi riêng, đó là kết hôn không có tình yêu và thiết lập một tình yêu mới. Ấy thế mà thống kê xã hội học về hôn nhân tại Ấn Độ cho biết Ấn Độ là một trong những quốc gia có mức độ ly dị thấp nhất thế giới.

Vợ chồng ông Kabu là người thường xuyên tổ chức những chuyến hành hương cho khách Việt Nam, cũng là người giúp cho đoàn làm phim HTV thực hiện bộ phim nhiều tập “Huyền bí sông Hằng” đã có mặt với đoàn hành hương của chúng tôi. Người vợ luôn tin tưởng chồng mình trong suốt gần hai mươi năm ông có mặt tại Việt nam với tư cách một luật sư quốc tế. Bà hiểu rõ tính cách chung thủy của chồng bà, thêm vào đó Ấn Độ giáo lại quy định chỉ được phép một vợ một chồng. Cho nên họ sống với nhau rất bền. Mỗi khi hai bên không hòa thuận thì phòng ai nấy ngủ.

Như vậy, không ly dị không có nghĩa là họ sống hạnh phúc thực sự theo ý nghĩa tình thiên thu, tình lý tưởng. Ở một góc độ nào đó, hạnh phúc trong hôn nhân của Ấn Độ lại không được bảo toàn. Bà Kabu giải thích: “Vì chúng tôi đến với nhau thông qua sự sắp xếp, cho nên chúng tôi không hề có bất kỳ nguyện vọng hay mong mỏi nào từ người chồng của mình”. Tương tự, người chồng cũng nói: “Tôi cũng không hề có mong mỏi, ước vọng gì ở người vợ của tôi”. Họ dễ dàng chấp nhận và sống trên sự an bày đó. Cho nên đứng trước những mâu thuẫn nhỏ, họ dễ dàng vượt qua. Đó cũng là một điều hay, vì kỳ vọng càng nhiều, thất vọng càng cao như lời đức Phật dạy về tám phạm trù khổ: “Cầu bất đắc khổ”.

Khi còn là người tình, hầu như con người đến với nhau không thông qua yêu cầu của trách nhiệm. Họ đến với nhau bằng trái tim yêu thương và sự dâng hiến. Mỗi nỗi buồn nho nhỏ của người này cũng đủ khiến người kia đứng ngồi không yên. Nhưng khi chính thức trở thành vợ chồng của nhau thì những hình ảnh đó không còn nữa, nó chết dần chết mòn, và tình yêu bắt đầu khô héo. Đức Phật khuyên, vợ chồng phải xem nhau như người bạn đồng hành. Đã là bạn, chúng ta không đòi hỏi trách nhiệm, nghĩa vụ mà để sự tự nguyện chăm sóc lo lắng mang hạnh phúc đến cho nhau. Đó là phương pháp giúp cuộc tình bền bỉ và nếu có sơ xuất nào đó, người ta cũng không chấp nhất, ngược lại dễ dàng bỏ qua. Không ai nỡ lòng chấp nhặt người có thiện chí làm cho mình được hạnh phúc nhưng làm không trọn vẹn. Cho nên tình yêu đồng hành hết sức lý tưởng.

Dù là hôn nhân sắp xếp hay hôn nhân tình yêu, muốn bền bỉ và có giá trị đích thực của nó thì bản thân người trong cuộc phải có sự quan tâm chăm sóc không phát xuất từ tính trách nhiệm mà phải phát xuất từ sự dâng hiến và phụng sự. Là người Phật tử, chúng ta phải nghĩ rằng, mình đang làm việc khó làm với vai trò của một vị Bồ tát tháo gỡ những oan trái với nhau nếu có. Đừng nghĩ rằng, làm như vậy là hạ thấp nhân phẩm của mình. Nếu thực sự còn tình yêu thì hãy nên tìm mọi cách hàn gắn.

Chia sẻ và chăm c

Yếu tố này vô cùng quan trọng trong các cuộc tình thiên thu. Khi mới bắt đầu yêu nhau, những đấng mày râu có thể tặng quà vào các dịp sinh nhật, ngày nghỉ, lễ hội. Hầu như quý cô đều được tặng một đóa hoa hồng. Nhưng khi trở thành vợ chồng, người ta dần phớt lờ những dịp thể hiện tình cảm, thậm chí quên cả ngày sinh nhật của nhau. Như vậy là chúng ta quá lơ là về sự chia sẻ. Cách chăm sóc và chia sẻ của người nữ đôi lúc không cần quá lớn, nó chỉ có thể bằng một ngôn ngữ để truyền thông rằng tình yêu giữa hai bên vẫn nồng thắm như hôm nào.

Sự chia sẻ theo Phật giáo bao gồm những cái rất tiểu tiết. Đó là sống trọn vẹn với nhau ở các bữa cơm chung. Nhiều người phương Tây không có được những buổi cơm chung trong đời sống vợ chồng. Chồng và vợ làm khác công ty, mỗi ngày đêm phải đi về tổng cộng 400 cây số. Do đó, chồng chưa kịp thức thì vợ đã đi làm và ngược lại. Về nhà chỉ có với nhau vài tiếng đồng hồ. Họ phải quần quật như con trâu suốt khoảng hai mươi năm như thế để có được căn nhà độc lập với mức lương trung bình. Cho nên họ không hề có với nhau bữa cơm chung. Đến ngày thứ bảy, chủ nhật, nếu không có tình yêu thì thế giới gia đình của họ trở thành một sự băng giá. Nhà cao cửa rộng cả ngàn mét vuông, năm bảy phòng nhưng chỉ có hai người ở, sự băng giá đó càng tăng trưởng theo mức tỷ lệ thuận với áp suất cảm xúc.

Do đó chúng ta phải thể hiện sự chăm sóc, ăn cơm chung, tắt hết điện thoại để dành cho nhau thời gian ấm cúng nhất.

Rất nhiều người đã không làm được việc đó vì nghĩ nó không quan trọng. Đừng nghĩ rằng cứ mang tiền bạc, tài sản về cho vợ con là đủ trách nhiệm, là đủ ý nghĩa của hạnh phúc. Một số tình huống ngoại tình xảy ra cũng chỉ vì ông chồng yêu công việc nhiều hơn yêu vợ, dù được ăn sung, mặc sướng như bà hoàng nhưng vẫn cảm thấy cô đơn trống trải. Tương tự quý ông không được quý bà chăm sóc cũng có cảm giác cô đơn và dễ dàng bị cám dỗ đến với những bóng hồng khác.

Qua bài kinh đức Phật giảng cho cô con dâu của Cấp Cô Độc, vợ phải là người đồng hành. Đồng hành ở đây được hiểu như là giai đoạn tiền hôn nhân. Vợ phải luôn đóng vai trò là người tình thì mới giữ chồng một cách lâu dài. Phần lớn đàn ông thường lẫn lộn hình ảnh giữa người tình và người vợ cho nên khi người vợ không làm hài lòng thì ông thay thế hình ảnh đó bằng người tình. Ngoài hình ảnh của người tình, còn có hình ảnh người bạn khác giới phái. Có thể giữa họ không có bất cứ ý tưởng gì về tình yêu nhưng thời gian dành cho người bạn tâm đầu ý hợp có thể nhiều hơn vợ, đôi khi khiến các bà vợ hiểu lầm, ghen tuông và cảm thấy mất hạnh phúc gia đình.

Như vậy người bạn khác giới phái, người tình, người vợ là ba hình ảnh có thể có trong một người đàn ông. Trong khi đó, một người vợ lý tưởng luôn chỉ có một người chồng duy nhất mà thôi. Thế giới hạnh phúc của người vợ nằm ở người chồng và những đứa con ruột thịt, cho nên phần lớn phụ nữ có khuynh hướng bớt giao du và quay về với đời sống gia đình nhiều hơn đàn ông. Người đàn ông ngoài gia đình còn có rất nhiều mối quan hệ xã hội khác, và thời gian dành cho sự chăm sóc chia sẻ với vợ con ngày càng giảm. Chúng ta phải chú ý yếu tố này để tạo một cuộc tình thiên thu mang lại hạnh phúc thực sự cho cả hai bên.

Một nụ hoa tặng vào ngày sinh nhật, ngày lễ, hoặc những quan tâm nho nhỏ mà theo kinh Thiện Sinh đức Phật dạy, người chồng phải mua sắm nữ trang cho vợ. Đó là sự thể hiện quan tâm, chắc chắn sẽ làm cho quý bà cảm động nhiều hơn. Những người Phật tử nam cũng nên chia sẻ với vợ mình trong các hoạt động Phật sự. Rất nhiều bà đến chùa làm Phật sự, khi đưa bằng công đức, một số bà không dám nhận. Hỏi lý tại sao, quý bà trả lời: “Thưa thầy, nhận rồi tôi để ở đâu và làm gì. Chồng tôi mà biết sẽ trách mắng, cho rằng tôi ngu ngốc đem tiền đút mấy ông thầy ăn”. Đưa cho các thầy làm Phật sự mà bảo rằng “đút mấy ông thầy ăn”. Mấy ông thầy có ba bộ y cũ mèm, phòng ốc hết sức đơn giản, hoàn toàn không mong cầu gì hơn trong đời sống vật chất.

Vấn đề ở chỗ giữa vợ và chồng chưa có được yếu tố đồng hành, nên người vợ phải tạo dựng niềm tin để người chồng cảm thấy an tâm. Trong tình huống như vậy, người vợ cần chịu khó thuyết phục chồng bằng một vài nghệ thuật. Chẳng hạn để tên chồng hoặc con mình vào tấm bằng công đức như một sự khích lệ tinh thần. Dần dà, chúng ta sẽ dẫn họ vào thế giới của từ thiện. Tiền bạc làm ra một phần chu cấp cho hạnh phúc gia đình, phần còn lại nên chia sẻ hạnh phúc cho người khác.

Tiền bạc chia sẻ cho các hoạt động từ thiện và nhân đạo không bao giờ mất đi, nó có vẻ vuột khỏi tài khoản của ta nhưng nó sẽ được nạp vào tài khoản ngân hàng công đức. Tài khoản này sẽ bền bỉ với ta, giúp ta có thể sử dụng bất cứ lúc nào mà không cần có thẻ Master, Visa, ACB, v.v… Nhiều quý bà lo sợ bị chồng biết được sẽ rầy mắng, cho nên giấu giếm việc làm từ thiện của mình. Phần lớn người chồng mang tiền của về cho vợ nhưng lại rất tiện tặn khi vợ chi dùng cho những người khác và cho các hoạt động xã hội.

Người nữ mang thai hơn chín tháng cho sự sống qua cái nhau; ba năm nhũ bộ cho sự sống đứa con qua bầu sữa ngọt ngào; mười mấy năm con ngồi ghế học đường, mỗi khi đi chợ búa về, tiền dư bạc cắc, quý bà dành mua bánh kẹo cho con. Cuộc đời người phụ nữ lúc nào cũng liên hệ đến sự cho. Từ đó, cơ hội tiêu xài trên thị trường dành cho quý bà chiếm đến 80%. Bất cứ siêu thị nào, hàng hóa dành cho gia đình, chủ yếu người nữ và trẻ em gần như 80%, bởi vì quý bà quen với cách tiêu xài thông qua sự cho, còn quý ông phải đi làm để trụ cột kinh tế.

Người làm ra tiền, khi ban tặng người khác đôi khi có cảm thấy tiếc nuối. Kinh Dược Sư nói rõ, cảm giác đó giống như dùng con dao thật bén cắt vào làn da thớ thịt của mình. Thực tập theo hạnh Bồ tát, chúng ta phải thấy rằng ban tặng là không mất đi. Tuy làm từ thiện cho người khác nhưng trên thực tế ta đang làm công đức cho bản thân mình, tuy ta giúp cuộc đời nhưng trên thực tế ta đang hoàn thiện nhân cách Bồ tát cho bản thân. Được như vậy là ta đang có ý thức vô ngã trong việc dấn thân xã hội, giá trị phụng sự của nó sẽ cao hơn nhiều.

Tiền rừng biển bạc khi chết cũng không thể mang theo. Hiện nay người càng giàu càng ăn kiêng ở cữ hơn người nghèo. Nghèo như Ấn Độ, mỗi ngày cũng chỉ ba bữa ăn. Sức lao động tại đây rẻ mạt rệp. Đạp một chiếc xe xích lô chở ba người trung bình 160 ký đi ba cây số mà chỉ có mười Rupi, tức khoảng 3000 đồng Việt Nam. Thử hình dung làm sao sống, làm sao giàu, và làm sao đổi đời được? Ấy thế mà họ phải giành giật nhau để được lái chở ba người với mười đồng Rupi đó. Giá thị trường ở đây cũng rẻ, mười đồng có thể mua được nửa ký bột, hoặc nửa lít sữa nguyên chất, hoặc một kg khoai lang tây. Chỉ cần ba mươi đồng, cả gia đình có thể sống thoải mái trong một ngày. Tức khoảng 9.000 đồng Việt Nam, những người nghèo Ấn Độ có thể sống lây lất qua ngày.

Nhân công rẻ mạt, chính vì thế chủ nghĩa giai cấp Ấn Độ bóc lột sức lao động nặng nề. Năm trăm triệu người Ấn Độ hiện nay thất học, họ đều thuộc giai cấp nghèo. Đi chỗ nào cái nghèo cũng đè nặng như thế. Họ phấn đấu có ba bữa ăn trong khi người giàu có chỉ ăn hai cữ vì sợ phát phì, mất đi sắc đẹp. Người ta chuộng sắc đẹp ngoại hình hơn việc ăn uống. Sự chu cấp cho ăn uống trên thực tế không bao nhiêu so với tiền chúng ta có được. Do vậy hãy cố gắng làm từ thiện cho các hoạt động nhân đạo để có ý nghĩa trong cuộc đời. Dù kiếp sau không được phước đi nữa, dù nhân quả không có đi nữa thì việc làm từ thiện vẫn có ý nghĩa của nó. Mỗi khi chúng ta nghĩ tưởng, nhớ về, lòng cảm thấy an vui hạnh phúc vô cùng, huống hồ là nhân quả có, kiếp sau có.

Chia sẻ với tinh thần mang lại niềm vui hạnh phúc cho người bạn đời đồng hành của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ không phải chịu những trách móc, hằn học. Hầu như con người luôn thay đổi tâm lý sau khi kết hôn bởi vì nghĩ rằng đã là vợ chồng thì không còn những cái âu yếm, lo lắng, chia sẻ, dâng hiến cho nhau nữa. Tình yêu trong cách nghĩ này cũng trở nên chết dần chết mòn.

Mumtaz đồng hành với Shah Jahan trên mọi nẻo đường đời. Các vị vua Hồi giáo được quyền có vài chục vợ, thế nhưng vua Shah Jahan vẫn không màng đến việc tái giá trong suốt 20 năm sau khi người vợ mà ông sủng ái nhất đã qua đời. Ngay cả khi cuộc tình đó dẫn đến cái chết, tám năm trong tù không hề được nhìn thấy ánh sáng, nhưng ông vẫn cảm thấy hài lòng. Nguyện ước cuối cùng được ở bên cạnh mộ huyệt của vợ mình được thực hiện khiến ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Hôn nhân ở kiếp sau

Nếu chúng ta thử phân tích về vấn đề tái sinh, có lẽ những cuộc tình lâm ly bi đát như thế sẽ rất khó siêu sinh. Họ không hiểu sau khi chết lại tiếp tục có sự sống. Hồi giáo quan niệm giống như Thiên chúa giáo vì Hồi giáo là một chi nhánh của Thiên chúa giáo. Thiên chúa giáo quan niệm giống Do thái giáo vì Thiên chúa giáo là một chi nhánh của Do thái giáo. Chánh thống giáo và Tin lành cũng là chi nhánh của Thiên chúa giáo cho nên các tôn giáo này có quan niệm giống nhau rằng chỉ có hai cảnh giới, hoặc là hỏa ngục đời đời kiếp kiếp hoặc là thiên đường vĩnh viễn, chứ không có cảnh giới tái sinh chính giữa.

Để có cơ hội lên thiên đường vĩnh viễn, người ta phải chờ đợi đến ngày phán quyết cuối cùng, đó là ngày tận thế. Các tôn giáo này cho rằng năm 2000 là năm tận thế, nhưng năm 2000 đã trôi qua và theo đạo Phật vẫn còn có thể vài nghìn đến vài chục nghìn năm khác tùy theo mức độ bảo vệ trái đất và mức độ xúc địa của con người. Trong thời gian chưa đến ngày tận thế, tất cả các hương hồn này phải tạm thời nằm dưới hỏa ngục. Đến ngày phán quyết cuối cùng, Thượng đế sẽ xuất hiện, đong đo tính đếm tội và phước của mỗi người, ai có phước được lên thiên đường; ai có tội sẽ xuống hỏa ngục vĩnh viễn. Nếu chúng ta thử đặt câu hỏi trong thời gian chưa diễn ra ngày tận thế, tổ tiên của chúng ta sinh vào năm 3000 trước Công nguyên, ngày tận thế lại vào năm 5000 sau Công nguyên thì suốt 8.000 năm đó họ sẽ ở đâu, làm gì, và cảm xúc của họ như thế nào? Không có câu trả lời.

Đó là những bế tắc về phương diện học thuyết của các tôn giáo này. Họ nghĩ họ sẽ yên nghỉ vĩnh hằng dưới lòng đất. Cho nên các vị vua chúa và những người giàu có thường đầu tư rất nhiều ngọc ngà châu báu cho mộ huyệt của mình. Họ không biết rằng càng đầu tư vào mộ huyệt lại càng khó siêu sinh. Thần thức của họ sẽ bám vào mộ huyệt, bám vào ngọc ngà châu báu, và bám vào sự thương tưởng quan tâm của triệu triệu du khách hằng năm. Cho đến lúc nào hiểu được thân xác này chỉ là công cụ tâm thức vay mượn trong khoảng thời gian mấy chục năm tương ứng với sự có mặt trên cuộc đời rồi sau đó phải vẫy tay chào với nó, họ mới dễ dàng giải phóng được cảnh giới ngạ quỷ để tiếp tục đầu thai theo nghiệp.

Là người Phật tử, chúng ta đừng nên quan trọng về đền đài tưởng niệm. Hiện nay tại Việt Nam đang có phong trào cạnh tranh vì tự ái họ tộc. Người ta làm từ đường cho họ tộc của mình hết sức nguy nga tráng lệ. Ví dụ họ tộc Trần làm từ đường 100 triệu, người giàu có kế bên muốn làm 120 triệu, bên khác muốn làm 300 triệu. Cứ như thế mà cạnh tranh leo thang, nghĩ rằng làm như vậy là tốt cho họ tộc của mình.

Thực ra, nhà thờ họ tộc có ý nghĩa tưởng niệm văn hóa họ tộc, tưởng niệm sự đóng góp của tất cả những người đi trước trên tinh thần Phật dạy “Uống nước nhớ nguồn”. Tuy nhiên, đừng quá đặt nặng chủ nghĩa hình thức mà phải quan trọng các khóa lễ cầu siêu. Thờ họ tộc và thường xuyên tụng niệm cầu siêu vào những ngày giỗ để phòng hờ tình trạng chưa siêu thoát thì nhờ đó mà ông bà tổ tiên được siêu sinh thoát hóa. Do đó, tình yêu cũng đừng nên là thiên thu. Tình chỉ có giới hạn trong mấy mươi năm làm vợ chồng ở kiếp này, sau khi chết nếu ai muốn tiếp tục làm vợ chồng của nhau thì phải tiếp tục phát nguyện.

Trước khi nhắm mắt lìa đời đức Phật dạy trong kinh Tăng Chi ba yếu tố để phát nguyện. Thứ nhất, trong mấy chục năm làm vợ chồng, hai người phải chung thủy với nhau, không ngoại tình dù trong tâm tưởng. Yếu tố này làm cho họ sinh ra dù chênh lệch tuổi tác, nhưng họ vẫn chờ đợi, đến khi gặp nhau là yêu liền và sống với nhau hạnh phúc. Thứ hai, một trong hai người đi trước phải nêu ra quyết tâm lớn, không đến với bất cứ người nào khác ngoài người mình đang chờ. Thứ ba, người đi sau cũng phải nêu quyết tâm tương tự, dù gặp người đẹp hơn, giàu hơn, sang trọng hơn, phú quý hơn người bạn vừa qua đời của mình cũng không màng đến và vẫn giữ sự chung thủy đó. Sau khi chết, đức Phật nói trong kinh Tăng Chi, họ sẽ gặp nhau và tiếp tục trở thành vợ chồng của nhau.

Cách đây mấy năm, báo chí khắp thế giới đưa tin rầm rộ về một cuộc tình dị hợm. Một bà cụ 80 tuổi gặp một chàng thanh niên 20 tuổi. Hai người yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bà lão này không phải là tỷ phú, ngược lại bà rất nghèo, ăn lương trợ cấp. Cậu thanh niên lại là người giàu có. Cả hai người làm đám cưới và sống hạnh phúc bên nhau vài tháng thì bà qua đời. Anh thanh niên sống độc thân đến tận bây giờ. Nếu chúng ta lấy yếu tố tình thiên thu theo tinh thần kinh Tăng Chi nêu ra, thì sự kiện trên có thể là một minh chứng.

Thông thường người nam ở tuổi 80 có thể vẫn còn nhu cầu tình yêu, nhưng người nữ ở tuổi 80 hầu như không màng đến nữa, do cấu trúc đặc biệt về sinh học của cơ thể người nữ. Đằng này, bà lão vẫn yêu nồng nàn. Do đó trong tình huống muốn tiếp tục trở thành vợ chồng của nhau thì chúng ta phải chung thủy ở ngay hiện tại này. Bên cạnh đó, cả hai bên đều phải phát nguyện chờ đợi. Dĩ nhiên không phải ai cũng chung thủy ở kiếp sau, tuy phát nguyện nhưng họ vẫn có thể quỵt lời hứa. Cho nên có những trường hợp kén cá chọn canh dẫn đến tình trạng độc thân suốt đời. Tức là người kén chọn luôn tạo dựng hình ảnh lý tưởng mà mình theo đuổi. Họ cứ chờ đợi hình ảnh lý tưởng đó, trong khi người kia không giữ trọn lời phát nguyện và đã kết hôn với kẻ khác. Họ sinh ra rồi quên lời hẹn ước kiếp xưa, người này thì cứ đợi chờ, chờ hoài không thấy và cứ độc thân. Tóm lại, phải có đồng nghiệp, tức là cộng nghiệp giống nhau giữa hai bên thì cặp hôn nhân đó mới tiếp tục sum họp.

Đồng tâm và đồng hành

Bà vợ thích làm từ thiện, ông chồng thì keo kiệt, hay cằn nhằn, la mắng. Hoặc bà vợ sùng kính Tam Bảo, mỗi ngày tụng bốn thời kinh, trong khi ông chồng không thích cũng dẫn đến tình trạng mất hạnh phúc.

Nhân tiện đây chúng tôi xin nhắc thêm, người tại gia đừng nên tụng kinh quá nhiều ở nhà. Mỗi ngày một thời kinh là đủ. Điều quan trọng là hành trì kinh, sống với kinh, biến giáo pháp thành thực phẩm thì giá trị lợi ích sẽ gấp trăm nghìn lần việc đọc kinh nhiều mà không hiểu gì cả. Đừng hiểu đơn giản rằng tụng kinh có phước, dĩ nhiên chúng ta có phước tôn kính. Còn tài sản, gia tài, sự nghiệp, hạnh phúc lại thuộc về những hạt giống khác chứ không phải do tụng kinh. Rất nhiều người hiểu một cách mù mờ và hết sức giản đơn rằng cứ tụng kinh thì cầu gì được nấy. Đó là quan điểm phi nhân quả, trái với đạo Phật, đi ngược lại với Tứ Diệu Đế. Mỗi loại phước có một hạt giống khác nhau. Tụng kinh có phước tôn kính, chúng ta tôn kính Phật thì những người khác tôn kính mình. Hiểu kinh có phước trí tuệ, giúp chúng ta sống đúng nhân quả, không sợ luật pháp trừng phạt, tuy nghèo nhưng vẫn được quý. Mỗi thứ có phước, có nhân quả khác nhau.

Nhiều quý bà khi chưa biết đạo Phật còn chăm sóc chồng mình. Đến khi biết Phật thì mỗi ngày bốn thời, đồng nghĩa ông chồng cũng mất luôn bốn giờ được quan tâm, đương nhiên sẽ phát sinh trạng thái ghen ghét với Phật. Nói ra thì cảm thấy mình nhỏ mọn, nhưng quý bà đôi lúc không nghĩ tới, cứ cho rằng mình đến với Phật là hạnh phúc, mặc chồng muốn đi đâu thì đi. Người chồng cảm thấy bị mất dần vị trí, lo sợ mất vợ nên thường phản đối vợ đi chùa.

Người Phật tử cần đều đều đi vào con đường trung đạo, một thời kinh ở nhà là quá đủ. Tạo phước báu thật nhiều, giữ năm điều đạo đức, giữ vững ba ngôi tâm linh, làm bố thí cúng dường là đã trở thành một người Phật tử lý tưởng. Đừng mong được giải thoát, không nên và cũng không cần. Nếu muốn giải thoát thì hãy trở thành người tu. Hai con đường đó rõ ràng. Những người chồng cũng nên đồng tình hưởng ứng và giúp cho vợ của mình thực hiện con đường tâm linh. Càng sợ sẽ càng mất, còn không sợ thì sẽ không mất. Chúng ta cứ sống hết lòng bằng phương pháp. Dĩ nhiên cũng cần để ý để tứ vợ hoặc chồng nhằm bảo hộ cần thiết nhưng cũng phải tôn trọng để người bạn đời không có cảm giác gò bó, mất tự do. Tâm thức là quan trọng nhất trong tình yêu, lồng vàng cũng chỉ là sự giam nhốt chứ không là yếu tố duy trì cuộc tình bền vững. Đầu tư quá nhiều thời gian cho Phật, thì ông chồng sẽ ghen. Như vậy người chồng sẽ mất đức Phật một cách lâu dài.

Đưa quý ông đi chùa không phải là việc dễ dàng vì quý ông không thích tụng kinh với âm điệu âu sầu buồn bã, đi sâu vào đời sống nội tại. Chúng ta chỉ có thể thuyết phục quý ông đi chùa thông qua các giảng đường. Giảng đường không có tín ngưỡng, giảng đường có tri thức và tuệ giác. Khi đã hiểu giáo pháp, quý ông sẽ tự động ủng hộ quý bà và khích lệ các thành viên còn lại trong gia đình trở thành Phật tử. Đừng bỏ mặc chồng con khi họ chưa hiểu gì về đạo Phật. Làm như thế là ta chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm với người chồng thương kính của mình, và những đứa con mà mình cần phải chu cấp cho nó được hạnh phúc. Không phải chỉ có cơm ăn áo mặc và việc làm là đủ, người vợ, người mẹ luôn đóng vai trò khá quan trọng trong gia đình. Người chồng đôi lúc thờ ơ, vô tư, nông cạn, không ý tứ về những chuyện nhỏ nhặt nhưng người phụ nữ với bán cầu trái lớn, nặng về cảm tính nên dễ dàng thành công trong lĩnh vực này. Chúng ta cần hướng dẫn cho chồng mình trở thành Phật tử.

Ví dụ, khi hai vợ chồng cùng đi chùa, ta cung kính quý thầy, quý sư cô như đức Phật, nhưng về đến nhà lại không thèm ngó ngàng đến chồng mình. Chồng đang đau bệnh, cần được chăm sóc, ta lại khước từ vì bận vào chùa tu Bát Quan Trai. Thử hỏi làm sao ông chồng có thể quý các thầy, các sư cô được. Phải để ý từ những cái nhỏ như thế thì người thân trong gia đình mới không còn ghen tỵ với nhà chùa, với các thầy, các sư cô nữa. Khi được người thân ủng hộ, lúc đó chúng ta tha hồ làm Phật sự. Nó sẽ trở thành tình thiên thu, cả hai vợ chồng đều trở thành Phật tử. Đời sống mới thực sự có ý nghĩa và hết sức sâu sắc.

Với cuộc tình thiên thu của vua Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz, họ đã giữ sự chung thủy, giữ yếu tố tâm đầu ý hợp, giữ sự chia sẻ, tôn kính, giữ lời hứa với nhau, đó là những ý tưởng rất hay cho các cuộc tình thiên thu. Còn cách thể hiện một ngàn tỷ USD để bảo hộ cho cuộc tình thiên thu như thế là không cần thiết. Quý bà cũng đừng nên đong đo tính đếm tình yêu bằng sự chăm sóc tiền bạc vật chất từ những người chồng. Tiền có thể mang lại các dịch vụ tình yêu nhưng không thể thay thế cho tình yêu. Tiền có thể giúp ta đến được các bệnh viện lớn nhưng không thể mang đến cho ta sức khỏe. Cho nên tiền có giới hạn và tình mới là quan trọng. Cũng đừng trải dài tình yêu trên tình lý tưởng nghĩa là không cần gì hết. Nếu không cần đời sống vật chất, không cần nghề nghiệp ổn định, chúng ta không thể tồn tại một cách lâu dài.

Cái tình theo Phật giáo phải được ứng xử như trung tâm của con người, và đừng thái quá nó, hay phụ bạc nó. Ta phải có sự trung đạo trong tình yêu và đời sống vợ chồng để hai bên đừng quá đắm đuối lẫn nhau. Hiểu nhau, tôn trọng nhau, thương kính nhau, dìu dắt nhau, và hy sinh cho nhau để xây dựng hạnh phúc ở kiếp này lẫn kiếp sau nếu còn duyên. Giả sử một trong hai người có qua đời sớm, tốt nhất ta không nên tái giá, hoặc không nên tái giá quá sớm. Người ra đi sẽ cảm thấy uất hận, nghĩ rằng mình không được người còn lại tôn trọng và thương yêu. Trạng thái tâm lý đó khiến họ phải tồn tại trong cảnh giới ngạ quỷ khổ đau buồn tủi. Trường hợp sống với nhau không hạnh phúc, nỗ lực hàn gắn mà không thành công vì một trong hai người kiên quyết không từ bỏ tính hoa nguyệt, lúc đó chúng ta được quyền ly dị. Ngoài ra thì những mâu thuẫn nhỏ không đáng, chúng ta đừng để chủ nghĩa cái tôi can thiệp sâu vào hạnh phúc. Có như vậy, đời sống của người tại gia mới thực sự hạnh phúc và là nền tảng để ta vững tin trên con đường lý tưởng tâm linh mà mình đang đi với tư cách một người Phật tử.







Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn