Hạnh Phúc Theo Quan Điểm Của Phật Giáo - Thích Trí Giải

08 Tháng Giêng 201200:00(Xem: 42226)

HẠNH PHÚC
THEO QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO
Thích Trí Giải

Con người và loài thú đều giống nhau: đói thì kiếm ăn, khát thì kiếm nước uống, cũng đều duy trì bản năng sinh tồn như nhau. Loài thú cũng biết tổ chức theo từng đàn để bảo vệ cho nhau.

Chúng cũng có cảm xúc âu yếm, đùa giỡn bên nhau, đó là sự biểu lộ hạnh phúc của chúng. Nhưng chúng không biết tư duy, vì vậy chúng vẫn là loài thú.

Con người biết tư duy, có tổ chức thành gia đình, làng xóm, và hình thành cộng đồng xã hội. Con người hành nhiều nghề khác nhau để duy trì cuộc sống.

Ngoài vấn đề ăn mặc, con người sản sinh ra nhiều nét văn hóa như nghệ thuật, thẩm mỹ, thơ ca, khoa học…Mục đích của con người nhằm mưu cầu, tìm kiếm hạnh phúc riêng cho mỗi người. Ở đây người viết xin trình bày thế nào là chân hạnh phúc con người cần nên tìm

I. Nhóm hạnh phúc thứ nhất là con người biết an phận:

Quan niệm của họ là xây dựng một mái ấm gia đình nho nhỏ, vợ chồng con cái sống an vui, hòa thuận, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Họ không ước vọng cao sang tiện nghi vật chất; cơm đủ ăn, áo mặc đủ ấm là hạnh phúc, phần đông họ sống ở nông thôn, làm nghề nông, trồng trọt, chăn nuôi và các nghề thủ công, có một số ở thành phố là những giáo viên, công chức. Hạnh phúc của họ quả thật đơn sơ nhưng không kém phần nên thơ lý tưởng:

“Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng hòa, vợ thuận, gật đầu khen ngon”
(Ca dao Việt Nam)

II. Nhóm hạnh phúc thứ hai ước vọng cao hơn, phù hợp với xã hội phát triển ngày nay:

Phần lớn họ sống ở thành thị, có chung ước vọng học hành, có bằng cấp, có địa vị, danh vọng, tiền của, nhà cửa cao sang, huy hoàng và lộng lẫy, vợ đẹp con xinh, đầy đủ tiện nghi, theo cách nghĩ của họ sống mà thiếu tiện nghi là không có hạnh phúc. Bởi vì họ là người tạo ra của cải vật chất nên họ có quyền thụ hưởng, cho rằng đó là hạnh phúc cuộc đời.

III. Nhóm hạnh phúc thứ ba thanh cao hơn, đó là những vị ẩn sĩ sống nơi non cao, núi thẳm.

Họ muốn ra khỏi chốn hồng trần đầy đau khổ này. Hay là những người Phật tử hiểu được chân lý của cuộc đời, sống cuộc sống thiểu dục tri túc, vui với đạo, vui với nội tâm, không màng đến danh lợi, họ tìm cuộc sống hạnh phúc thanh cao hơn, tao nhã hơn. Hằng ngày làm bạn với cỏ cây, sông núi, vui bên chén trà, nghe tiếng chim hót, hay là tụng Kinh, ngồi thiền… có phải hạnh phúc của họ được mong cầu lên cảnh giới chư thiên hưởng thú vui dục lạc trên ấy hay không?

“Cuộc thế công danh mơ tưởng hão
Bầu tiên phong nguyệt thú vui cùng”
( Lê Thánh Tông)

Trên đây chỉ phân tích theo từng nhóm. Người viết muốn nêu lên hạnh phúc cụ thể hơn, tùy theo độ tuổi, tùy theo hoàn cảnh sống, tùy theo địa vị xã hội. Hạnh phúc của em bé là được vuốt ve, âu yếm của người mẹ, được bú mớm, được cưng chiều, hạnh phúc của nó là ở gần bên cha me, gần bên người thân yêu.

Có người cho rằng hạnh phúc là những điều mình mong muốn, có người thấy thân mình đẹp, đoan trang là hạnh phúc, có người cho rằng mạnh khỏe không bệnh tật là hạnh phúc…những điều hạnh phúc nêu trên thật sự không bền chắc.

Nếu đem trí tuệ của đạo Phật mà quán chiếu thì thấy những hạnh phúc ấy mong manh, dễ tan vỡ như giọt sương lúc ánh nắng ban mai, vì bản chất cuộc đời là vô thường, duyên sinh vô ngã,

“Hãy nhìn như bọt nước
Hãy nhìn như cảnh huyễn
Quán nhìn đời như vậy
Thần chết không bắt gặp
( Pháp cú 170 )

Ngài Vạn Hạnh thiền sư đã “Thị Đệ Tử ” bằng bài kệ

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn vật xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.

Những hạnh phúc này theo lăng kính của Đạo Phật thì chúng chính là mầm mống của sự khổ đau vì chất chứa nhiều sự lo âu, phiền não, sầu khổ. Ví dụ: Có người nói rằng, gần người mình yêu là hạnh phúc. Bạn có chắc chắn rằng người yêu ấy có chung thủy với bạn suốt đời không? Người yêu ấy không có bị sanh, lão, bịnh, tử không?

Nếu như tất cả đều theo ý muốn của bạn thì quan niệm hạnh phúc của bạn là đúng. Nhưng có bao giờ được như vậy không? Có những đôi tình nhân nghĩ rằng được sống gần bên nhau là hạnh phúc. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng có hợp ắt phải có chia lìa, yêu nhau xa nhau sinh ra sầu khổ (ái biệt ly khổ). Trong cái hợp đã có mầm móng của sự chia lìa.

Điều họ nghĩ: “đau khổ vì nhau, buồn nhớ vì nhau là hạnh phúc” hạnh phúc của họ là thứ hạnh phúc chờ đợi héo mòn, và hạnh phúc của sự âu lo. Thật sự, hạnh phúc của ái tình rất mong manh, chóng tàn, là thứ tạm bợ, giả tạm mà có trong chốc lát, chứ không phải hạnh phúc miên viễn.

Vì sao nói hạnh phúc của thế gian luôn luôn có sự ưu não, buồn khổ? Bởi vì, hạnh phúc ấy xuất phát từ lòng tham ái, chấp thủ. Ở đâu có mặt của tham ái, ở nơi đó có mặt của đau thương và thù hận.

Nhất là trong vấn đề tình yêu đôi lứa thường hay thờ thốt với nhau, tiếng nói ấy cũng chính từ cái tâm chấp ngã mà có đôi khi để đánh lừa đối tượng, không phải thứ tình yêu chân thật.

Một người có tình yêu chân thật thì luôn có sự hy sinh và trao tặng cho người mình yêu thương, không mong cầu đón nhận. Tình yêu còn có bản ngã, còn có chấp thủ thì sao có sự hạnh phúc chân thật và bền vững được. Nên chúng ta hãy xem quan niệm hạnh phúc trong phật giáo như thế nào?

IV. Hạnh phúc theo quan điểm của Phật giáo

Hạnh phúc trong Đạo Phật luôn luôn đòi hỏi sự hành trì thâm hậu ở mỗi con người. Con người luôn ý thức và làm chủ ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) và những vật chất hữu vi chỉ là phương tiện sống. Mục đích chính là con người phải biết quay về đời sống tinh thần tu tập diệt trừ mọi phiền não để tâm hồn thanh tịnh, an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại.

Đạo Phật không quan niệm vàng bạc, ngọc ngà châu báu là hạnh phúc, Hạnh phúc càng không phải đặt chân vào lâu đài tình ái. Hạnh phúc không phải hình thành từ chất liệu ngũ dục thế gian…không phải chạy theo tiếng gọi của mỹ nhân để được nghe lời hay ngọt ngào, âu yếm cho là hạnh phúc, những thứ này chỉ làm cho tâm con người quay cuồng trong vòng xoay sinh tử, không biết bao giờ ngưng nghỉ, và tạo thêm khổ đau.

Hạnh phúc là những ai biết quay về với đời sống tâm linh cao cả, đó là phần tinh ba cao quý nhất của con người, sống quay về với chính mình và giây phút hiện tại. Nếu chúng ta rời khỏi mình mà chạy tìm cầu ở ngoài thì làm mất đi cái gì quý giá nhất, lạc vào tà kiến, ấy chính là quên đi cái sáng suốt vốn có của mình (Phật Tính). Từ trong bóng đêm vô minh mù mịt trải qua hàng vạn kiếp, tâm hồn ta trôi giạt trong biển đời mênh mông, như con tàu lênh đênh bị sóng gió dập dồi ở ngoài biển khơi không bến bờ nương tựa. Đó chính là biển ái dục và bão tố vô minh, vùi dập chúng ta quay vòng trong sinh tử vô tận.

Chúng ta học Phật Pháp một cách sâu xa và chắc chắn trong tay có được một ngọn đuốc sáng trên con đường đi tìm chân hạnh phúc. Giá trị nhiệm màu của đạo Phật là “tri” và “hành” chứ không phải dùng để nói suông, càng thực hành sâu chừng nào mới thấy giá trị Phật pháp cao siêu chừng đó.

Đức phật tuyên bố: “Giải thoát an lạc, giác ngộ và tịnh độ đều ở ngay trong tâm của chúng ta” hay là “Ta đến đây không phải cứu độ các ngươi, Ta đến đây cốt là để chỉ đường đi sáng suốt cho các ngươi. Các ngươi hãy noi theo đó mà tiến hóa giác ngộ để tự độ lấy mình.” “Ngươi là ngọn đuốc và là nơi nương náu cho chính ngươi. Ngươi đừng tự phó thác vào chốn dung thân nào khác”

Hạnh phúc mà Đức Phật muốn dạy chúng ta đạt đến là cảnh giới Niết bàn tại tâm. Niết Bàn là Bản Thể chân thực của ta, của quần sinh và vũ trụ.

Niết Bàn là hạnh phúc.

Niết Bàn ở sẵn trong tâm khảm con người.

Niết bàn là Chân Thường, Hằng Cửu.

Niết Bàn là một trạng thái tĩnh lặng, bất biến.

Niết bàn có thể thực hiện ngay trong cõi đời này.

Như vậy Niết Bàn là trạng thái mà ta có thể tự tạo cho ta, ban bố cho ta, chứ không do một vị Thần Phật ngoại tại nào. Tại sao vậy? Thưa chính là vì ta đã nhập thể với Bản Thể vũ trụ, nguồn sinh xuất ra vũ trụ, và chư Phật, chư Hiền Thánh Tăng.

Đến đây tôi sực nhớ lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú: “Các ngươi hãy nỗ lực lên. Như Lai chỉ dạy cho con đường giác ngộ, chứ không giác ngộ thế cho ai đượcSự trói buộc của ma vương sẽ tùy sức thiền định của ngươi mà được cởi mở.” (Kinh Pháp Cú 276)

Mới hay công trình tu trì, giải thoát của con người cũng đã chịu một định luật thiên nhiên chi phối. Đó là: “Linh tại Ngã, bất linh tại Ngã” (Hay tại ta, dở cũng tại ta).

Nếu Niết Bàn là hạnh phúc, là bất biến, là trạng thái có thể thực hiện ngay ở đời này, thì dĩ nhiên là nếu có được hạnh phúc bây giờ, thì hạnh phúc ấy cũng không thua kém hạnh phúc hưởng được sau khi nhắm mắt tắt hơi.

Nhận định này hết sức quan trọng. Bởi vì ngay từ trong cuộc sống hiện tiền của chúng ta có thể đạt được một trạng thái cao siêu nhất mà trời đất có thể dành để cho chúng ta. Nếu cuộc sống hiện tại chúng ta chưa đạt được an lạc nội tâm thì đừng có mơ tưởng viễn vong đến thế giới cao xa

Vì vậy con đường giải thoát là tìm Chân Tâm tự nơi mình:

“Hướng ngoại mà tìm cầu,
Tất cả đều ngu si.
Hướng nội mà tùy xứ tiện nghi,
Tất cả đều là chân thật.” [1]

Lục Tổ Huệ Năng nói: trong Pháp Bảo Đàn Kinh: “Tự mình tu, tự mình hành, thấy Pháp Thân của mình, thấy Phật ở Tự Tâm mình, độ lấy mình mới được” [2]

Như vậy châm ngôn để đi tìm chân lý sẽ là:

Con đường hướng nội tiến cho sâu,
Càng sâu, càng thấy lắm nhiệm mầu.
Tâm khảm bao la không bờ bến,
Vũ trụ mênh mông đã thấm đâu.

Vậy muốn tìm Chân Tâm, muốn tìm Phật Tính, phải tìm ngay trong người mình, trong lòng mình.

Phật bảo A Nan: Chân Tính đã ở nơi ngươi mà ngươi chẳng tin, lại theo nơi miệng ta mà tìm Chân Tính, vậy ngươi đã lầm chưa? [3]

Hạnh phúc theo Đạo Phật rất đơn giản, bất cứ người nào cũng đạt được hạnh phúc đó, miễn sao đi đúng con đường đức Thế Tôn đã vạch ra. Trong kinh Đức Thế Tôn dạy về sự chấm dứt khổ đau như sau: “Này các Tỳ kheo, trong tất cả pháp, dù là pháp hữu vi hay vô vi, pháp giải thoát ly tham (viràga,) là cao cả nhất. Ấy nghĩa là giải thoát khỏi kiêu mạn, diệt trừ tham, nhổ tận gốc sự chấp thủ, cắt đứt sự tiếp tục, dập tắt khát ái, giải thoát, chấm dứt, Niết-bàn.” [4]

Nếu ta theo con đường Đức Phật đã dạy thực hành một cách kiên tâm trì chí, nếu ta tinh tấn đào luyện và thanh lọc bản thân, nếu ta đạt đến mức phát triển tâm linh cần thiết, một ngày kia ta có thể thực chứng Niết-bàn ngay trong ta, không cần phải nhọc trí vì những danh từ lớn lối bí hiểm. Cho nên hạnh phúc trong Phật giáo cũng vậy, người nào thật sự tu tập đoạn trừ tham ái, chấp thủ chính người ấy mới cảm nhận được hạnh phúc.

Hạnh phúc trong Phật giáo là sự từ bỏ“tham ái, chấp trước” có nghĩa là không vướng bận bất kỳ mọi hoàn cảnh nào, ở trong khổ đau vẫn thấy an vui, hạnh phúc, ở trong đời ngũ trược đầy dẫy sự đau khổ và bất công, chúng ta cũng có thể tự tại, an vui, cho dù chung quanh của ta toàn là ngũ dục, lạc thú. Chúng ta vẫn không vướng mắc đến nó cho nên thật là chí lý khi nói:

“Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau
Giải thoát là ung dung trong ràng buộc”

Chân lý hạnh phúc không chờ đợi ở kiếp sau, và cũng không cần tìm kiếm một nơi nào khác, chân lý có thể hiện hữu ngay bây giờ và ở đây. Trong tất cả mỗi người ai cũng có một nguồn hạnh phúc chân thật, nhưng con người không biết nhìn nhận hạnh phúc này, mà đi tìm cầu cái hạnh phúc giả tạm kia.

Chuông lòng thánh thoát từ tâm
Pháp âm thơm ngát, khói trầm quyện bay
Lòng an, tâm tịnh mỗi ngày
Dứt phiền não đoạn, tỏ bày tánh chơn ... (Hoa Mai)

 

Thích Trí Giải

 

Chú thích: 

[1] Lâm tế lục thị chúng, ĐĐ Thiên Ân, Triết học Zen, tr.103

[2] Pháp Bảo Đàn Kinh (Đoàn trung Còn dịch), Sám Hối Phẩm, tr. 61

[3]              . Vân hà tự nghi nhữ chi Chân Tính, Tính nhữ bất chân, thủ Ngã cầu thực. – Thủ Lăng Nghiêm kinh (V.N. P. T. hội xuất bản), q. II, tr. 16-17.- Thủ Lăng Nghiêm, -Linh Sơn, Phật Học, tr. 113-114

[4] Aṅguttara- Nikāya, II.p.34

 

CÙNG TÁC GIẢ

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Giêng 2017(Xem: 4559)
14 Tháng Tư 2016(Xem: 5320)
Nền tảng của đạo Phật là Trí tuệ và tình yêu được bắt đầu từ đó. Ngày này có ai biết Phật dậy như thế nào về tình yêu không? Yêu thương theo phương pháp của đạo Phật là tình yêu từ bi hỉ xả, là hiểu biết và yêu thương.
22 Tháng Ba 2015(Xem: 8931)
Từ xa xưa đã có hiện tượng cư sĩ tham gia tu tập Thiền, Tịnh Độ và học tập nghiên cứu Phật Học; nhưng thời cổ đại, việc cư sĩ tại gia học Phật là hành vi tự phát riêng lẻ, không có tổ chức đoàn thể đại chúng cùng tu tập.
22 Tháng Ba 2015(Xem: 7183)
Sự hộ pháp của hàng cư sĩ thời Đức Phật đơn giản trong khi hiện tại đa dạng và phức tạp. Ngày xưa, cư sĩ chỉ hộ pháp bằng cách cúng dường thức ăn hay không gian tu tập nhỏ nào đó thì ngày nay họ phải cúng dường nhiều thứ theo nhu cầu thực tế.
17 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 11660)
Hành trang tôi mang đi là gì nhỉ? Một cái tâm đầy rẫy những phiền muộn, lo lắng, sợ hãi, oán ghét, chối bỏ... Và cũng một mảnh tâm đó, tôi tràn ngập can đảm, quyết tâm và đương đầu. Trước lúc đi tôi có nói với một người bạn không hề biết mặt: "Tôi phải đi. Trường đại học không dạy tôi, ba mẹ không dạy tôi, bạn bè không dạy tôi,...
03 Tháng Sáu 2014(Xem: 11019)
Đây là một tác phẩm hiếm gặp, được biên soạn công phu bởi Thầy Thích Nhật Từ, thích hợp và cần thiết cho hầu hết các gia đình cư sĩ Việt Nam. Có thể nói, đây là một tuyển tập kinh cực kỳ quan trọng, vì nơi đây biên dịch lại tất cả những lời dạy thích nghi của Đức Phật để xây dựng một xã hội hòa hài, người người tôn trọng và yêu thương nhau, và trong tận cùng là xa lìa tham sân si để chứng ngộ Niết bàn.
27 Tháng Hai 2014(Xem: 12538)
09 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 9171)