Phương Pháp Sửa Lỗi

30 Tháng Mười 201000:00(Xem: 16481)

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN
Hay Phương Pháp Tu Phúc Tích Đức Cải Tạo Vận Mệnh 
Dịch Giả: Tuệ Châu, Bùi Dư Long

  Phương pháp sửa lỗi

 

1.Theo sự tướng 

Tuy nhiên tội lỗi của người ta có thể theo sự tướng mà cải sửa, hoặc theo lý hay theo tâm. Cách dụng công không giống nhau thì hiệu quả cũng không tương đồng. Như hôm trước phạm lỗi sát sinh, hôm sau giữ giới không sát sinh nữa, như hôm trước nóng giận mắng chửi, hôm nay giữ giới không nóng giận nữa. Những sự việc như thế gọi là theo sự thực xảy ra mà cải sửa vậy.

Ngày nay phạm lỗi, ngày mai cố sửa, cứ theo sự việc xảy ra ở bên ngoài mà miễn cưỡng kiềm chế lấy mình để khỏi phạm nữa, thực là trăm phần khó vì chung cục bệnh căn vẫn tồn tại, bởi nay ở bên đông hết tội, mai tội lại nẩy sinh ra ở bên tây, cứu cánh không phải là đường lối hợp đạo lý, không trừ sạch được hết tội lỗi.

 

2.Theo lý cải sửa

Người khéo sửa lỗi mình thì khi còn chưa phạm cấm giới, trước hết hãy nên biết rành rẽ đạo lý đã; như tội lỗi ở chỗ sát sinh thì nên tự nghĩ rằng thượng đế hiếu sinh, chúng vật đều luyến ái mạng sống, giết chúng để nuôi dưỡng thân mình thì sao ta có thể đang tâm; vả lại khi giết chúng, nào là chặt cắt, mổ xẻ cho vào chảo, vào nồi nấu nướng, chúng phải chịu bao nhiêu nỗi thống khổ đau đớn thấu nhập cốt tủy. Chúng ta sát hại chúng để nuôi dưỡng mình, để có la liệt những thứ cao lương mỹ vị miếng ngon vật quý, nhưng khi nuốt trôi khỏi cổ rồi thì giống như không, chẳng có gì nữa. Mà dùng rau đậu, canh dưa cũng đủ no đầy bụng, hà tất phải sát hại mạng sống của chúng vật mang lấy tội sát sinh làm tổn phúc của mình nữa.

Hơn nữa, những vật thuộc loại có huyết khí đều có linh tính, tri giác, mà đã có linh tính tri giác thì chúng cũng đồng một thể, cũng giống y như chúng ta; vả lại chúng ta chưa tự tu được đến mức độ đạo đức thực cao làm cho chúng thân cận ta, tôn trọng ta, há lại hàng ngày sát hại sinh mạnh chúng vật để chúng mãi mãi thù oán, cừu hận chúng ta. Nghĩ như vậy thì đối với miếng ăn thực cũng đau lòng mà khó nuốt trôi.

Như hôm trước nổi sân cáu giận, ắt nên nghĩ rằng con người không phải thánh nhân, còn có nhiều khuyết điểm lỗi lầm, theo đạo lý mà nói, thực tình đáng nên thương hại; nếu họ phạm nỗi sai quấy là do tự họ không hiểu đạo lý chẳng can dự gì đến ta, bản tâm vốn thanh tịnh không chấp trước thì hà tất phải nổi sân.

Lại nữa nên nghĩ rằng trong thiên hạ chắc không ai lại tự nhận mình là thánh hiền, hào kiệt chẳng có chỗ nào sai trái, và cũng không có cái học nào dạy ta oán ghét người, vì người có học vấn, trí thức không oán trời trách người, mình làm chưa đến nơi đến chốn, việc chưa thành tựu đều do tự mình chưa dày công tu phúc, tu đức nên chưa được cảm thông. Chúng ta nên tự phản tỉnh, tự xét lại mình, nếu có những điều phỉ báng, phê bình điều kia tiếng nọ thì nên coi đó là những lời chỉ dạy để mình rèn luyện mài dũa tâm trí, tu tập cho đạt được thành quả, nên hoan hỷ nhận, hà tất phải phát sân phát hận.

Nếu nghe những lời phỉ báng mà nổi giận tranh cãi với người, dù có muốn dùng hết sức biện bác thì trong cơn nóng giận ắt những lời biện luận chẳng được rõ ràng minh bạch, giống như con tằm về mùa xuân kéo kén tự ràng buộc lấy mình, tự làm khổ mình. Sự nóng giận chẳng những vô ích mà còn có hại nữa.

Ngoài việc sân nộ ra, tất cả những lỗi phạm khác cũng đều cứ y theo đạo lý mà xử sự như vậy. Một khi đạo lý đã sáng tỏ, lỗi phạm sẽ tự đình chỉ.

 

3.Theo tâm địa

Thế nào gọi là theo tâm mà sửa lỗi? Lỗi lầm có thiên hình vạn trạng, chỉ do ở nơi tâm mà tạo ra. Tâm chúng ta chẳng động niệm thì lỗi sao có thể nảy sinh. Người học sửa lỗi lầm như háo danh, háo sắc, tham tài, tham lợi, hoặc hay phát sân nộ…, có quá nhiều tội lỗi bất tất phải phân biệt từng loại một để mà sửa trị, chỉ cần một lòng một dạ thành tâm nghĩ điều lành, làm điều thiện, khi đã có chính niệm phát hiện thì tà niệm tự nhiên bị ô nhiễm rồi bị tiêu diệt. Ví như mặt trời xuất hiện ở trên không thì yêu ma, quỷ quái phải tìm đường lẩn trốn chẳng dám ló dạng. Đây là chỗ chân truyền tinh vi vậy. Tội lỗi do tâm tạo ra thì lại do tâm cải sửa, cũng như chặt một cây độc thụ ắt phải chặt ngay từ gốc rễ, há lại đi cắt từng cành, ngắt một chiếc lá một hay sao!

Nói chung thì có thể theo sự tướng, theo lý và theo tâm để tu sửa tội lỗi, nhưng phương pháp theo tâm là tốt hơn cả; tâm đã tu, đã được sửa trị thì sẽ trở thành thanh tịnh, nên mỗi khi một ý niệm ác dấy động ở nơi tâm thì tự mình liền thấy biết ngay, mà đã thấy biết tức đã tỉnh ngộ không còn mê muội thì ác niệm tội lỗi sẽ tiêu tan thành không.

Theo tâm để cải sửa là phương pháp tối thượng, nhưng giả sử chẳng theo được thì nên hiểu rằng luân thường đạo lý không cho phép chúng ta tạo tội hay làm ác; nếu chẳng làm được nữa thì nên tùy sự, tùy việc mà giữ giới cấm, cố gắng đừng phạm tội. Khi gặp sự việc dùng phương pháp trên hạ công kiêm với phương pháp hạ chẳng phải là điều thất sách; nhưng chỉ chấp phương pháp hạ mà bỏ lãng phương pháp thượng tức là vụng về vậy.

 

4.Hiệu nghiệm của việc sửa lỗi

Bất quá khi phát nguyện cải sửa lỗi, ở dương thế cần có bạn tốt thường nhắc nhở để tỉnh mình, ở cõi âm cần quỷ thần chứng minh tấm lòng thành của mình nhất tâm, nhất ý cầu sám hối, ngày đêm chẳng biếng nhác buông thả, như vậy trải qua một hai tuần thất, cho đến một tháng, hai, ba tháng, ắt hẳn có ứng nghiệm.

Hoặc thấy tâm thần điềm nhiên, khoan khoái, hoặc thấy trí huệ bỗng được khai mở, hoặc gặp những trường hợp rối ren phiền toái hốt nhiên xử sự giải quyết được rành rọt thông suốt, hoặc gặp kẻ cừu thù mà hồi tâm chuyển ý vui vẻ không còn oán hận nữa, hoặc mộng thấy thở ra những vật ô uế, hắc ám; hoặc mộng được các bậc thánh hiền xưa kia tiếp đón dẫn dắt, hoặc mộng thấy bay bổng lên cảnh giới hư không, hoặc mộng thấy tràng phan bảo cái, thấy những sự việc hi hữu ít có như trên, đó đều là cảnh tượng của lỗi tiêu tội diệt vậy. Nhưng đừng thấy thế mà tự kiêu tự đại là mình đã đạt tới trình độ cao để vội ngưng nghỉ làm đứt đoạn mất con đường tiến triển.

Xưa quan đại phu Cừ Bá Ngọc, người nước Vệ vào thời đại Xuân Thu, lúc hãy còn trẻ mới 20 tuổi mà đã giác ngộ rằng lỗi lầm cần phải sửa, như lỗi ngày hôm qua thì ngày hôm nay xét lại để gắng sửa cho hết. Tới năm 21 lại hiểu biết được lỗi lầm cải sửa năm trước chưa được hoàn toàn dứt bỏ hết; kịp tới năm 22 tuổi xét nghĩ lại năm 21 tuổi thì tựa như còn mơ mơ hồ hồ về những điều lầm lỗi chưa được tu sửa. Cứ năm này kiểm thảo lại năm trước, theo đó mà dần dần tiếp tục sửa đổi, đến năm 50 tuổi mà còn hay biết được lỗi của năm 49. Cái học tu sửa lỗi lầm của người xưa dụng công như vậy đó.

Bọn chúng ta đều là những kẻ phàm phu tục tử, tội ác tích tụ quá nhiều tựa như lông nhím bao bọc toàn thân nó; nếu có hồi tưởng lại những sự việc đã làm thì thường chẳng thấy có chỗ nào lầm lỗi cả, đó là vì tâm tình thô thiển, mắt bị che phủ kín tìm chẳng ra lỗi để tu sửa.

Người mà tội ác quá sâu nặng sẽ thấy chứng nghiệm ngay; hoặc là tâm tư bế tắc bất định, tinh thần hôn trầm mệt mỏi, mọi việc xảy ra chỉ trong chớp mắt liền quên không nhớ nữa, hoặc chẳng có sự gì cả mà phiền não lo lắng; hoặc gặp người chính nhân quân tử thì thường ngượng ngùng e thẹn mất tinh thần; hoặc nghe những lời luận bàn chính đáng hợp đạo lý mà chẳng hoan hỷ vui vẻ ưu nghe; hoặc làm ơn lại bị oán, hoặc ban đêm thường mộng thấy nhiều sự điên đảo, điên đảo cho đến nỗi mất trí sinh ra vọng ngôn, loạn ngữ không được bình thường; đó đều là những hình trạng của nghiệp chướng phát hiện vậy. Nếu thấy có những hiện tượng như trên thì phải tức khắc phấn khởi tinh thần dứt bỏ lỗi lầm cũ để mưu việc tự tu sửa canh tân, mong rằng đừng nên tự mình lại lừa dối mình.

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Giêng 2017(Xem: 4559)
14 Tháng Tư 2016(Xem: 5325)
Nền tảng của đạo Phật là Trí tuệ và tình yêu được bắt đầu từ đó. Ngày này có ai biết Phật dậy như thế nào về tình yêu không? Yêu thương theo phương pháp của đạo Phật là tình yêu từ bi hỉ xả, là hiểu biết và yêu thương.
22 Tháng Ba 2015(Xem: 8933)
Từ xa xưa đã có hiện tượng cư sĩ tham gia tu tập Thiền, Tịnh Độ và học tập nghiên cứu Phật Học; nhưng thời cổ đại, việc cư sĩ tại gia học Phật là hành vi tự phát riêng lẻ, không có tổ chức đoàn thể đại chúng cùng tu tập.
22 Tháng Ba 2015(Xem: 7184)
Sự hộ pháp của hàng cư sĩ thời Đức Phật đơn giản trong khi hiện tại đa dạng và phức tạp. Ngày xưa, cư sĩ chỉ hộ pháp bằng cách cúng dường thức ăn hay không gian tu tập nhỏ nào đó thì ngày nay họ phải cúng dường nhiều thứ theo nhu cầu thực tế.
17 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 11661)
Hành trang tôi mang đi là gì nhỉ? Một cái tâm đầy rẫy những phiền muộn, lo lắng, sợ hãi, oán ghét, chối bỏ... Và cũng một mảnh tâm đó, tôi tràn ngập can đảm, quyết tâm và đương đầu. Trước lúc đi tôi có nói với một người bạn không hề biết mặt: "Tôi phải đi. Trường đại học không dạy tôi, ba mẹ không dạy tôi, bạn bè không dạy tôi,...
03 Tháng Sáu 2014(Xem: 11020)
Đây là một tác phẩm hiếm gặp, được biên soạn công phu bởi Thầy Thích Nhật Từ, thích hợp và cần thiết cho hầu hết các gia đình cư sĩ Việt Nam. Có thể nói, đây là một tuyển tập kinh cực kỳ quan trọng, vì nơi đây biên dịch lại tất cả những lời dạy thích nghi của Đức Phật để xây dựng một xã hội hòa hài, người người tôn trọng và yêu thương nhau, và trong tận cùng là xa lìa tham sân si để chứng ngộ Niết bàn.
27 Tháng Hai 2014(Xem: 12539)
09 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 9172)