● Phỏng Vân Cư Sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

07 Tháng Năm 201100:00(Xem: 9793)

TUYỂN TẬP TƯỞNG NIỆM 
CƯ SĨ TỊNH LIÊN NGHIÊM XUÂN HỒNG
Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen


PHỎNG VÂN 
Cư Sĩ Tịnh Liên NGHIÊM XUÂN HỒNG
(Giao Điểm thực hiện)

Hỏi: Xin Cụ vui lòng cho biết sơ lược tiểu sử của Cụ?

Đáp: Tôi sinh ở Hà Nội, khoảng 1920. Khoảng 1939, vào trường Luật Khoa. Lúc đó, tình hình chính trị trong nước bắt đầu chuyển mình sôi động. Thấy chán nản lối học khoa cử, năm 1941, tôi bỏ học lang thang theo những phong trào chính trị quốc gia mới xuất hiện. Tuy cũng bị ám ảnh ít nhiều bởi trào lưu ý thức hệ Mác Xít, nhưng không hiểu sao, mỗi khi gần gũi, tôi không hề thấy một chút cảm tình gì với những người thuộc Mặt Trận Việt Minh. Năm 1953, làm Luật Sư. Năm 1954, di cư vào Nam. Năm 1975, di cư sang Mỹ. Tôi có viết một ít sách về chính trị, triết học, văn chương. Từ khi sang Mỹ nằm dài đọc kinh Phật.

Hỏi: Cơ duyên nào đã dẫn dắt Cụ đến với đạo Phật?

Đáp: Về cơ duyên đến với đạo Phật, tôi nghĩ mỗi người là một loài hoa. Có những thứ hoa nở sớm, lồ lộ, lộng lẫy. Có thứ hoa nở muộn. Có lẽ tôi thuộc loại hoa nở muộn. Thuở nhỏ đi học cũng lười biếng, khờ khạo, thích đánh bi đánh đáo hơn là học. Lớn lên, chơi với những người bạn văn nghệ như Vũ Khắc Khoan, bỗng nghĩ đến chuyện viết lách, thì trong nhiều năm cũng chÌ nói mồm mà chẳng viết được quyển nào. Cho tới khi bắt tay vào viết, tôi nghĩ rằng giỏi lắm cũng chỉ viết được một vài cuốn là cùng, cho ra vẻ mà thôi; không ngờ về sau cứ viết dài dài. Cho nên dần dần tôi mới hiểu ra rằng: Mọi sự ở đời, trong cuộc sống của mình, đều chỉ là sự NỞ RA CỦA NHỮNG CHỦNG TỪ NẰM SÂU TRONG VÔ THỨC của mình. Và mỗi khi nở ra, chúng thường chiêu cảm sự DẪN DẮT ĐƯA ĐẨY của các vị qủy thần và thần linh, và lần lần, tôi cũng hiểu ra rằng, trên trái đất này cũng như trên vô lượng hành tinh khác, loài người chỉ có ba bốn tỷ, nhưng qủy thần và thần linh cùng các loài chúng sinh phi nhân khác thì vô lượng. Có lẽ cục nghiệp khắc khoải siêu hình cứ lần lần nở ra trong tôi. Đọc sách luật thì thấy chán phè, nhưng đọc những mộng những tưởng kỳ ảo thì thấy rất khoái trá.

Hồi đó tôi có một người bạn cùng một xu hướng: đó là ông anh ruột tôi tên là Nghiêm xuân Cẩn, nay là Thượng Tọa THÍCH TÂM CẨN, trụ trì chùa Một Cột ở Hà Nội. Hai anh em cứ bỏ học đi thăm chơi các chùa và tuy chẳng hiểu Phật pháp gì bao nhiêu nhưng cứ vấn nạn lung tung các vị tăng. Hồi đó chúng tôi hay bàn cãi sôi nổi về vấn đề: “ Vũ Trụ là TẬN hay VÔ TẬN ?“ mà chẳng biết quyết nghi ra sao. Sau này đọc kinh Đại Thừa mới biết đó là một trong 14 câu hỏi khó trả lời. Và tôi mới thấy rằng lời kinh xưa đã trả lời vừa bình dị vừa sâu sắc rằng: khi tâm một chúng sinh còn động niệm, thì vũ trụ vẫn còn hiện lên bời bời chẳng tận, nhưng khi chúng sinh đó biết BẶT NIỆM, thì vũ trụ cũng nhòe đi và tắt luôn.

Nhưng thực ra, tôi còn một cơ duyên khác để đi vào giáo lý Phật đà. Cơ duyên này thích thú hơn, có vẻ lãng tử hơn. Đó là mấy cuốn tiểu thuyết mà tôi say mê. Hồi chín, mười tuổi tôi say mê Tây Du Ký, nhất là nhân vật Tề Thiên Đại Thánh. Nghĩ rằng nếu mình có được 72 phép thần thông biến hóa thì mới thực là sướng. Lớn lên chút nữa, say mê cuốn Lục Giả Tiên Tung với những nhân vật như Lãnh Vu Băng và Kim Bất Hoán. 

Mơ màng tu tiên và luyện đơn trường sanh bất tử. Lớn lên chút nữa, mê Liễu Trai Chí Dị. Giật mình nghĩ rằng thế giới này có nhiều thứ chúng sinh phi nhân mà mắt thịt không nhìn nổi. Thấy có nhiều thứ hồ ly qủy mị và các thứ tình chướng giăng mắc.

Lớn lên ít nữa, đọc Nam Hoa kinh. Thấy nói: nằm ngủ mơ màng hóa thành bướm, nhởn nhơ bay lượn….Lấy làm thích thú, nhưng hồi ấy vẫn hoang mang không chắc ý. Không chắc rằng cái vụ BIẾN HÓA đó có thể thực hay chỉ là một giấc mơ thôi.

Tới gần 50 tuổi, mới đọc kinh Đại Thừa. Tôi bàng hoàng nhận thấy rằng: trong các kinh, chư Phật nhiều như cát sông Hằng, khác miệng nhưng đồng lời, đều khẳng định rằng: “ các cõi, các thế gian đều chỉ là BIẾN HÓA, các chúng sinh chỉ là BIẾN HÓA. Biến Hóa của cái TỰ TÂM ấy. Dệt nên bởi những quang minh của Thần Lực cùng Nguyên Lực của chư Phật cùng Đại Bồ Tát, cũng như được dệt nên bằng quang minh Nghiệp Lực của chúng sinh. Những quang minh của Nghiệp này, xoay vần miên viễn từ vô thủy, lần lần bị nặng nề bởi vọng tưởng vọng tình, nên xoay tròn hữu nhiễu, kết lại thành những hình hài chúng sinh cùng những cảnh giới y báo.”

Cho nên tất cả thế gian này chỉ là một trường biến hiện của Thức Tâm, một trường nhân duyên trùng trùng khởi lên, một trường ảo ảnh…chẳng phải hư, nhưng cũng chẳng phải thực.

Những điều đó thường được giảng dạy trong các kinh, nhất là kinh Hoa Nghiêm. Tôi bàng hoàng vì lời kinh xưa không ngờ rằng lại rốt ráo xác nhận cái khả năng BIẾN HÓA KHÔNG CÙNG của Tâm Thức; vì đó chính là giấc mơ thuở nhỏ của tôi. Từ đó tôi say mê kinh Đại Thừa và chính chân lý ấy làm tôi sống. Đôi khi tôi trộm nghĩ rằng: một người chỉ cần có một niềm TÍN GIẢI sâu sắc vào chân lý Duy Tâm sở hiện, thì có thể đi qua các cõi, các kiếp một cách thong dong yên ổn, tùy duyên kiếp ứng…Vì sao? Vì đó là giáo lý tối thượng về Đạo Lý vận hành của pháp giới này và các vị Qủy thần vương đều phải kính trọng.

Hỏi: Xin Cụ cho biết ý kiến người Phật tử Việt Nam hiện nay nên làm gì để hộ trì CHÁNH PHÁP và góp phần xây dựng DÂN CHỦ cho đất nước?

Đáp: Đề hộ trì CHÁNH PHÁP, vì căn cơ mỗi người đều đa dạng, nên những phương tiện thiện xảo chắc có nhiều. Hoặc có thể tạo lập những tổ chức, đào tạo những đội ngũ…tùy tâm người thích làm. Nhưng riêng tôi chỉ chú trọng và khuyển tấn một phương pháp: đó là sự ĐỌC TỤNG KINH và LUẬN ĐẠI THỪA để khuyển tấn mọi người LẶNG LẼ đi vào miền Tự Giác của Tâm Thức mình, và nhận thấy được cái bí ẩn của Tâm Thức và Pháp Giới. Đồng thời, khuyển tấn phát BỒ ĐỀ TÂM để Phật chủng không đứt đoạn. Phương pháp này không ồn ào và chậm chạp, nhưng kết qủa vững hơn. Nó thiên về Phẩm, về Huệ Tâm. Trong ba môn học Giới, Định và Huệ thì nó thiên về Huệ, về Huệ Tâm. Giới và Định thường có thể sinh Huệ, nhưng Huệ Tâm ngược lại cũng sinh ra Định Tâm và Giới Tâm. Và một Phật tử, khi đã có niềm tín giải Đại Thừa, người đó có thể thong dong đi qua cuộc sống, tự tìm cho mình một con đường xử thế và tu tập. Trong những hoàn cảnh hiểm nghèo, gió nghiệp thổi lên ào ào, người đó vẫn có thể đủ tỉnh trí để tìm cách đối phó với trường ảo ảnh.

Về DÂN CHỦ cũng vậy. Nếu DÂN TRÍ cao thì thể chế dân chủ sẽ xuất hiện.

Hỏi: Xin Cụ cho biết, theo ý Cụ, Pháp Môn nào nên hoằng dương hiện nay?

Đáp: Trong hàng ngũ Phật tử, cả tăng và tục từ xưa đến nay cứ hay cãi nhau hòai về Pháp Môn, ví dụ như cãi nhau về Thiền và Tịnh.

Các vị cãi cọ đó đều không hiểu rằng tất cả Pháp Môn nhà Phật đều là Thiền cả. Vì sao? Vì đều QUÁN CÁI TÂM, nhưng mỗi trường phái thường dùng những PHƯƠNG TIỆN KHÁC NHAU để Quán Tâm. Quán thế nào để có thể đi xuyên qua bốn màn sương mù ảo ảnh là Sắc Thọ Tưởng Hành Âm để lọt vào biển không của Tàng Thức Sở Năng Biến, rồi lại lặn sâu xuống chỗ đáy biển Tột Không Diệu Hữu.

Những vị tu Thiền thường là đi thẳng vào cái Tâm trơ trụi để Quán mà chẳng cần dùng một phương tiện nào cả. Những môn phái như của hoà thượng Thanh Từ thì tuy vẫn giảng nói nhiều về ngữ lục đốn ngộ, nhưng trên thực tế thì hòa thượng tu Như Lai Thiền và dụng công cốt yếu là TRI VỌNG.

Phái Thiền Đốn Ngộ Kiến Tánh thì đề xướng dùng Tham Thoại Đầu và đề khởi Nghi Tình, dùng nó làm mũi dùi phá vỡ nền Vô Thức để lọt vào Thiên La Địa Võng cát đằng kim cổ dệt nên bởi Ý Thức, phá vỡ ý thức để lọt vào biển Tánh, tức biển hào quang của Tàng thức sở năng biến.

Tu Tịnh Độ cũng là Thiền vì cũng nhằm đi tới NIỆM PHẬT TAM MUỘI. Dùng câu Niệm Phật hoặc Quán Chiếu tức A Di Đà, đi xuyên qua bốn màn sương mù, để lọt vào Tàng thức sở năng biến. Vào tới đó sẽ thấy đức A Di Đà, vì hào quang của cõi cực lạc là hào quang của Tàng thức sở năng biến, tức là hào quang hiện thực đầu tiên của Diệu Tâm… Tu Pháp môn này thì dễ hơn, vì dựa vào nguyện lực ĐẠI BI của đức A Di Đà cùng chư Phật.

Tu Mật Tông cũng là Thiền, mà là một thứ Đại Thiền Định. Dùng rất nhiều PHƯƠNG TIỆN để làm nẩy nở tâm thức và chiêu cảm thần lực gia trì. Những phương tiện là: Dùng lễ Quán Đảnh thờ phương vị Bổn Tôn Yidam của mình, dùng mạn Đà la để triệu thỉnh, dùng Thân mật do sự kết ấn, Khẩu mật do tụng chú, và Ý mật do sự quán chiếu chủng tự. Nhưng tu pháp môn này rất khó.

Chúng ta sinh nhằm thời mạt pháp. Căn cơ thường chỉ là hạ căn hoặc trung căn. Trong lòng đầy phiền não kiết sử, nhiều Chấp ngã và đầy Tham dục. Chung quanh toàn là nghịch duyên, vì đều đuổi theo VẬT. Không có mấy ai biết NHÌN TÂM. Lại sống giữa Dục giới của Ma vương nên Tâm niệm đều chấp Ngã và Tham dục. Nên thiển nghĩ đại đa số nên tu theo Tịnh Độ, tham bác một ít Tọa Thiền niệm Phật, và tụng Thần chú. Thần chú có công năng huy động Pháp giới, lọai trừ ma chướng đầy rẫy.

Hỏi: Thưa Cụ, nên làm cách nào để đào tạo tăng tài và các thế hệ thanh niên Phật tử ưu tú cho Việt Nam? Ví dụ như chương trình giáo dục hiện đại hoá, dấn thân vào đời..v..v..

ñáp: Tôi là cư sĩ, không muốn lạm bàn việc đào tạo tăng tài. Tuy nhiên, hiện nay vì môi trường, nhiều phần tử tăng già bị băng hoại nặng nề; nên thiển nghĩ các vị đạo cao chức trọng trong tăng già, trước khi cho thọ Cụ túc giới nên thiết lập một cuộc sát hạch về mức độ giới hạnh, mức độ thiền định và mức độ học hỏi kinh sách của giới tử.

Trong hiện trạng, nghĩ tới việc đào tạo Tăng tài và Phật tử là rất tốt. Nhưng riêng tôi, tôi không thấy lo ngại gì về tiền đồ của Phật pháp trên trái đất này. Vì sao? Vì sức mạnh của Chân lý tối thượng mênh mang bát ngát, sức huân tập thâu hút của biển Diệu Tâm cũng như sức thủy triều, sức gia trì của chư Như Lai cùng thần linh lớn cũng bất khả tư nghì. Dù người có bê trễ, nhưng vẫn có vô lượng quỷ thần vương cùng thần linh gìn giữ đạo lý của Như Lai tương tự như biển cả, nên tất cả những giòng suối lau lách, những giòng sông, NGAY CẢ ĐÊN KHOA HỌC nữa, trước sau cũng phải đổ vào Đại hải.

(Trích : GIAO ĐIỂM số 9 ngày 15-7-1992)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Giêng 2017(Xem: 4616)
14 Tháng Tư 2016(Xem: 5372)
Nền tảng của đạo Phật là Trí tuệ và tình yêu được bắt đầu từ đó. Ngày này có ai biết Phật dậy như thế nào về tình yêu không? Yêu thương theo phương pháp của đạo Phật là tình yêu từ bi hỉ xả, là hiểu biết và yêu thương.
22 Tháng Ba 2015(Xem: 8968)
Từ xa xưa đã có hiện tượng cư sĩ tham gia tu tập Thiền, Tịnh Độ và học tập nghiên cứu Phật Học; nhưng thời cổ đại, việc cư sĩ tại gia học Phật là hành vi tự phát riêng lẻ, không có tổ chức đoàn thể đại chúng cùng tu tập.
22 Tháng Ba 2015(Xem: 7237)
Sự hộ pháp của hàng cư sĩ thời Đức Phật đơn giản trong khi hiện tại đa dạng và phức tạp. Ngày xưa, cư sĩ chỉ hộ pháp bằng cách cúng dường thức ăn hay không gian tu tập nhỏ nào đó thì ngày nay họ phải cúng dường nhiều thứ theo nhu cầu thực tế.
17 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 11686)
Hành trang tôi mang đi là gì nhỉ? Một cái tâm đầy rẫy những phiền muộn, lo lắng, sợ hãi, oán ghét, chối bỏ... Và cũng một mảnh tâm đó, tôi tràn ngập can đảm, quyết tâm và đương đầu. Trước lúc đi tôi có nói với một người bạn không hề biết mặt: "Tôi phải đi. Trường đại học không dạy tôi, ba mẹ không dạy tôi, bạn bè không dạy tôi,...
03 Tháng Sáu 2014(Xem: 11090)
Đây là một tác phẩm hiếm gặp, được biên soạn công phu bởi Thầy Thích Nhật Từ, thích hợp và cần thiết cho hầu hết các gia đình cư sĩ Việt Nam. Có thể nói, đây là một tuyển tập kinh cực kỳ quan trọng, vì nơi đây biên dịch lại tất cả những lời dạy thích nghi của Đức Phật để xây dựng một xã hội hòa hài, người người tôn trọng và yêu thương nhau, và trong tận cùng là xa lìa tham sân si để chứng ngộ Niết bàn.
27 Tháng Hai 2014(Xem: 12782)
09 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 9215)