● Một Buổi Chiều Ở Tây Hồ Hàng Châu Với Nghiêm Xuân Hồng Tiên Sinh, Tịnh Thủy

07 Tháng Năm 201100:00(Xem: 8285)

TUYỂN TẬP TƯỞNG NIỆM 
CƯ SĨ TỊNH LIÊN NGHIÊM XUÂN HỒNG
Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen

MỘT BUỔI CHIỀU Ở TÂY HỒ
VỚI NGHIÊM XUÂN HỒNG TIÊN SINH
Tịnh Thủy

Chúng tôi đến Bắc Kinh bằng chuyến xe lửa đêm, từ thành phố Đại Đồng và rời Bắc Kinh bằng chuyến bay chiều, để tới Hàng Châu. Phi trường không lớn, thưa người, lại trời mưa nên tỏ ra ảm đạm. Lặng lẽ, chúng tôi theo người hướng dẫn viên du lịch ra xe về khách sạn. Thành phố Hàng Châu ướt sũng trong mưa vào buổi chiều chúng tôi đến. Nhưng qua ngày hôm sau, trời nắng ráo, không khí trong lành và bầu trời thật xanh.

Không biết duyên thơ, duyên đạo hay nhân duyên nào đã đưa đẩy chúng tôi có dịp cùng Nghiêm tiên sinh dạo chơi bên bờ Tây Hồ, thành phố Hàng Châu vào một buổi chiều sắp tắt nắng, của ngày cuối cuộc hành trình du lịch thành phố này. Chúng tôi đã cùng cụ chậm rãi, thong thả và nhẩn nha bước từng bước chân trên bờ hồ, ngắm nhìn những đóa sen nở muộn, trong váng chiều vàng lãng đãng rơi trên mặt hồ. Cụ nói nhiều lắm về những thế giới mông lung huyền ảo, về thế giới quỷ thần, về trăng, về sen và về những thi sĩ lừng danh đời Đường, nào Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị với Bạch Y cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Du của Việt Nam, người đã từng đặt chân đến Hồ Tây này, đã từng bơi thuyền ngắm trăng, xem hoa sen nở và xem những người con gái hái sen.

Tôi không còn nhớ hết chi tiết nội dung câu chuyện giữa chúng tôi và cụ, vì đã hơn một thập niên rồi, nhưng bây giờ mỗi khi kể cho ai nghe câu chuyện về Tây Hồ Hàng Châu, thì tôi nhắc thêm về cụ Hồng, một nhà thơ, một nhà văn, một học giả, một nhà tư tưởng và một Cư sĩ uyên thâm Phật Pháp, của Việt Nam cận đại, cũng đã đặt chân đến đây, ngắm nhìn sen nở, nhìn ánh mặt trời tắt dần trên Tây Hồ và rải những câu thần chú khắp mặt hồ, để cầu cho một nước Việt Nam thanh bình, cho chúng sinh mọi miền an lạc.

Khi nhắc đến Nguyễn Du, tôi có trao đổi với cụ về một giai thoại mà hầu như ít người biết đến, nửa như thực, nửa như hư, về một thời Nguyễn Du tiên sinh ở Hàng Châu, do nghe được từ một người bạn già, trong một hội ái hữu của chồng tôi kể lại. Không biết cụ có nghe rõ hay nghe hết câu chuyện tôi kể lại không, nhưng nay, tôi xin kể lại, viết lại thành văn, như là một kỷ niệm với cụ, vào một buổi chiều tối ở Tây Hồ, đầu Thu năm 1991.

Số là trong một bữa ăn tối, tại một nhà hàng trước mặt Hồ Tây, vào cuối thu năm 1986, người kể chuyện (*) được làm quen với một người Tầu mang hai dòng máu Việt Hoa, đã già, từng sống ở Việt Nam lâu năm, và nói được tiếng Việt, tên là Quách Hán. Quách Hán mời về nhà dùng trà xem tranh và giới thiệu bức tranh thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Du làm năm 1813, khi ghé thăm Tây Hồ.

Như gặp được tri kỷ, ông Quách Hán kể về nguồn gốc bức tranh thơ: “Năm 1813, cụ Nguyễn Du được vua Gia Long cử đi công cán tại Trung Hoa. Khi tới Hàng Châu, cụ nghỉ tại nhà khách chính phủ. Một buổi chiều, trong lúc nhàn rỗi, giong thuyền hóng mát ở Tây Hồ và đọc cuốn “Tiểu Thanh Ký”, kể chuyện nàng Tiểu Thanh, một nữ sĩ nổi tiếng đời vua Hiến Tông nhà Minh. Nàng là người tài sắc vẹn toàn, nhưng tình duyên lận đận, lấy phải người chồng đã có gia đình, thườnghay bị vợ cả la mắng đánh đập, lại bị chồng phụ rẫy tình xưa.... Tiểu Thanh phải trốn ra ở trong một gian nhà tranh ven Tây Hồ, rồi buồn phiền lâm bệnh. Một đêm kia, tự nhiên lửa bốc cháy từ gian nhà tranh của Tiểu Thanh. Khi dân làng tới cứu, dập tắt được ngọn lửa thì nàng đã ra người thiên cổ. Trong đống tro tàn còn sót lại một số thơ văn của nàng mới làm. Sau đó một văn nhân, vì xót thương người tài hoa bạc mệnh, nên thu thập tài liệu viết thành sách nhan đề “Tiểu Thanh Ký’, trong đó ghi chép tiểu sử và văn chương của nàng. Sau khi đọc xong chuyện nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du thấy lòng chạnh buồn, liền làm bài thơ bằng chữ Hán, khóc người tài hoa vắn số và bài thơ này được truyền tụng trong giới thi văn ở Hàng Châu từ hơn 100 năm nay...”
Bài thơ chữ Hán nhan đề là “Độc Tiểu Thanh Ký Cảm Tác”, được ông Quách Hán chép lại ra giấy, trao tặng cho người mới quen, và ông đã dịch thoát ý ra văn Việt như sau:

“Cành mai ở Tây Hồ đã biến thành nấm mồ hoang,
trong gió thu nhỏ lệ khóc người phận mỏng,
trời sanh có thấu mối sầu này không,
vì nghiệp văn chương mà nàng mang lụy,
tôi và nàng cùng chung một nỗi niềm.
Không biết ba trăm năm sau nữa trên trần gian có ai khóc Tố Như không”.

Đó là câu chuyện được viết lại ra đây để kỷ niệm, một buổi chiều tối ở Tây Hồ, Hàng Châu với Nghiêm tiên sinh, để nhớ về cụ, nhớ lại cảnh Hồ Tây trong sương chiều mờ ảo, trong ánh trăng huyền hoặc lúc đêm về. Chỉ tiếc là sự hiểu biết của tôi về vẻ đẹp thiên nhiên, về văn thơ của cụ, không có là bao nhiêu, nên không thể viết ra được những nét đẹp kỳ ảo của Tây Hồ trong cảnh hoàng hôn sương mờ và những nét đẹp kỳ diệu thâm mật trong văn thơ của cụ. Xin trang trọng thắp lên một nén hương lòng, tưởng nhớ đến cụ, nhân ngày giỗ đại tường.

Tịnh Thủy

Chú Thích:
(*) Người kể chuyện lại, là ông Tôn Thất Tùng, công chức Bộ Công Chánh, VNCH trước năm 1975.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Giêng 2017(Xem: 4565)
14 Tháng Tư 2016(Xem: 5326)
Nền tảng của đạo Phật là Trí tuệ và tình yêu được bắt đầu từ đó. Ngày này có ai biết Phật dậy như thế nào về tình yêu không? Yêu thương theo phương pháp của đạo Phật là tình yêu từ bi hỉ xả, là hiểu biết và yêu thương.
22 Tháng Ba 2015(Xem: 8935)
Từ xa xưa đã có hiện tượng cư sĩ tham gia tu tập Thiền, Tịnh Độ và học tập nghiên cứu Phật Học; nhưng thời cổ đại, việc cư sĩ tại gia học Phật là hành vi tự phát riêng lẻ, không có tổ chức đoàn thể đại chúng cùng tu tập.
22 Tháng Ba 2015(Xem: 7187)
Sự hộ pháp của hàng cư sĩ thời Đức Phật đơn giản trong khi hiện tại đa dạng và phức tạp. Ngày xưa, cư sĩ chỉ hộ pháp bằng cách cúng dường thức ăn hay không gian tu tập nhỏ nào đó thì ngày nay họ phải cúng dường nhiều thứ theo nhu cầu thực tế.
17 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 11662)
Hành trang tôi mang đi là gì nhỉ? Một cái tâm đầy rẫy những phiền muộn, lo lắng, sợ hãi, oán ghét, chối bỏ... Và cũng một mảnh tâm đó, tôi tràn ngập can đảm, quyết tâm và đương đầu. Trước lúc đi tôi có nói với một người bạn không hề biết mặt: "Tôi phải đi. Trường đại học không dạy tôi, ba mẹ không dạy tôi, bạn bè không dạy tôi,...
03 Tháng Sáu 2014(Xem: 11025)
Đây là một tác phẩm hiếm gặp, được biên soạn công phu bởi Thầy Thích Nhật Từ, thích hợp và cần thiết cho hầu hết các gia đình cư sĩ Việt Nam. Có thể nói, đây là một tuyển tập kinh cực kỳ quan trọng, vì nơi đây biên dịch lại tất cả những lời dạy thích nghi của Đức Phật để xây dựng một xã hội hòa hài, người người tôn trọng và yêu thương nhau, và trong tận cùng là xa lìa tham sân si để chứng ngộ Niết bàn.
27 Tháng Hai 2014(Xem: 12541)
09 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 9173)