Xây Chùa Để Làm Gì? Nguyễn Hữu Đức

09 Tháng Tám 201200:00(Xem: 16081)

XÂY CHÙA ĐỂ LÀM GÌ? 
Nguyễn Hữu Đức

chuabaidinhNgôi chùa được xây dựng trước là để thờ Phật, sau là nơi tu học và là nơi hoằng truyền Phật pháp chứ không phải là cỗ máy hái ra tiền cho chính quyền hay người trụ trì.

Tôi xin kể hai câu chuyện để mọi người cùng suy ngẫm:

Câu chuyện thứ nhất: Quê tôi có 5 ngôi chùa, chùa nào cũng có sư trụ trì, nhưng ngày rằm, mùng một chỉ có mấy chục cụ già đến chùa tham gia khóa lễ. Quê tôi cũng có một nhà thờ, chỉ có vài chục gia đình theo đạo, ngày chủ nhật không nói làm gì, nhưng tối ngày nào thì nhà thờ cũng sáng rực đèn người đến cầu kinh.

Tại sao lại có sự khác biệt đến thế?

Câu chuyện thứ 2: Hôm trước đến chùa nói chuyện với sư bà, được sư bà nói rằng, năm nay kinh tế khó khăn, dân ít tiền, ngày rằm mùng một người dân ít đến chùa hơn. Chẳng lẽ có thực mới vực được đạo hay sao?

Qua hai câu chuyện trên chúng ta thấy sự hấp dẫn của đạo Phật đối với quần chúng, người dân như thế nào?

Vai trò của ngôi chùa như thế nào để có thể thu hút được đông đảo người dân, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, giầu nghèo đến chùa lễ Phật học đạo.

Đừng biến ngôi chùa thành cái miếu thờ, và bảo tàng Phật giáo

Ngôi chùa là nơi hiện hữu của ba ngôi tam bảo: Phật, pháp, tăng. Nhưng hiện nay nhiều ngôi chùa chỉ tồn tại Phật bảo mà thiếu vắng cả Tăng bảo và Pháp bảo.

Phật bảo: nhiều ngôi chùa chỉ đơn giản như một cái miếu thờ. Phật ở đây được hiểu sai lệch, được tô vẽ như một ông thần có đầy đủ quyền năng ban phúc giáng họa để người đi chùa thỏa sức cúng bái, cầu xin, van lạy.

Tăng bảo: nhiều chùa không có sư trụ trì, việc trông coi ngôi chùa được phó thác cho ban hộ tự chỉ để lo thu tiền và quản lý tiền công đức mà thôi giống như chùa Hà ở Hà nội vậy. Hoặc việc quản lý chùa dành cho một số ông thầy bà đồng đứng ra trông coi và vô hình dung biến ngôi chùa thành nơi diễn ra các hoạt động mê tín dị đoan, khiến người dân và chính quyền có cái nhìn không thiện cảm với đạo Phật.

Nhiều chùa có sư trụ trì, nhưng tình trạng cũng không khá hơn mấy. Nhiều sư trụ trì đóng vai trò là thầy cúng, người thủ nhang, người quản tiền công đức là chính.

Người trụ trì như một người lái đò, thả thuyền từ để cứu vớt người trầm luân, chứ không phải biến ngôi chùa thành một ốc đảo để một mình mình tu hoặc để tránh xa trần thế.

Pháp bảo: Kinh sách nhà chùa cất để trên giá, hoặc để tụng mà không phải để giảng. Tăng bảo là người thay Phật hoằng truyền Phật pháp tại thế gian thế nhưng nhiều sư trụ trì cả đời tu hành nhưng không một lần giảng pháp.

Thử hỏi có bao nhiêu chùa, hàng tuần hàng tháng, hàng quý tổ chức được khóa tu, khóa giảng giải Phật pháp cho hàng Phật tử.

Đến ngày rằm mùng một, Phật tử đến chùa lễ Phật xong rồi về mà không được một câu giảng Pháp thì làm sao mà Phật tử đi chùa hiểu được đạo, đi chùa như thế không mê tín mới lạ. Bà nội tôi đi chùa đã mấy chục năm nay nhưng khi cháu hỏi Tam bảo là gì thì bà không cũng biết. Đơn giản vì nhà chùa chỉ tổ chức khóa lễ tụng kinh sau đó thụ trai rồi về.

Thiết nghĩ ban Tăng sự, ban Giáo dục tăng ni, ban Hoằng pháp cần có kế hoạch cụ thể khi bổ nhiệm một vị trụ trì cho một ngôi chùa, thì vị thầy đó không chỉ có giới đức, am hiểu giáo lý nhà Phật mà vị trụ trì phải có kỹ năng hoằng pháp, kỹ năng tổ chức khóa tu và kỹ năng quan hệ với cộng đồng.

Nhiều ngôi chùa mới xây dựng rất khang trang, hoặc đang có kế hoạch xây dựng, nhìn vào đồ án thiết kế nào là tam bảo, nhà tăng, nhà tổ, nhà mẫu, trai đường mà lại thiếu đi hạng mục cực kỳ quan trọng đó là giảng đường.

Ngay từ ban đầu, mục đích chính khi xây ngôi chùa người ta đã chỉ quan tâm đến việc xây chùa là để thờ Phật chứ không phải là nơi hoằng truyền Phật pháp, là nơi tu học theo giáo lý nhà Phật.

Một khi đã xem nhẹ việc hoằng pháp và tu học như thế thì hệ quả tất yếu chúng ta có hàng Phật tử đi chùa chỉ biết cầu xin mà không hiểu đạo. Mà khi đã không hiểu đạo thì việc bị cải đạo dễ như trở bàn tay.

Phật bảo, Tăng bảo, Pháp bảo là ba ngôi báu giúp ngôi chùa đứng vững như kiềng ba chân. Một ngôi chùa mà thiếu đi một hoặc 2 cái chân như thế thì ngôi chùa đó làm sao có thể trụ vững được trong một xã hội đầy biến động và cạnh tranh giữa các tôn giáo như ở Việt nam hiện nay.

Đừng biến ngôi chùa thành điểm khai thác du lịch, hoặc là cỗ máy hái ra tiền

Gần đây có thông tin ở bên TQ người ta còn đưa chùa nên sàn chứng khoán, hay như ở Việt nam ban quản lý danh thắng Yên Tử có kế hoạch thu phí khách hành hương Yên Tử.

Ngôi chùa được xây dựng trước là để thờ Phật, sau là nơi tu học và là nơi hoằng truyền Phật pháp chứ không phải là cỗ máy hái ra tiền để cho người quản lý ra sức tìm cách thu được nhiều tiền càng tốt. Chùa thì xây nhiều ban, để thật nhiều hòm nhiều hòm công đức.

Có câu: từ quang phổ chiếu- ánh sáng từ bi của nhà Phật chiếu khắp muôn nơi không phân biệt. Do vậy, người có tiền hay không có tiền thì cửa chùa luôn rộng mở người đến lễ phật học đạo. Chốn thiền môn không phải là nơi dành cho người có tiền mua vé mới được vào.

Nhớ lại cách đây gần 10 năm, vấn nạn chùa giả ở thắng cảnh Hương. Nhiều tư nhân bỏ tiền ra xây chùa “giả”. Họ xây chùa không phải để cúng dường cho giáo hội làm nơi hoằng pháp và tu học mà họ xây chùa để kiếm lời. Họ tự quản lý chùa, thu tiền công đức, rồi đồng tiền công đức đó chảy vào túi “ nhà đầu tư” để làm giầu cho họ.

Ngày nay, không có hiện tượng chùa giả nữa nhưng xây chùa với mục đích kinh doanh du lịch. Có dự án xây chùa quy mô hoành tráng hàng trăm hecta đất, kinh phí hàng ngàn tỉ đồng, chùa to Phật lớn ghi vào kỷ lục Việt Nam kỷ lục châu Á. Rất tiếc chùa to Phật lớn như vậy nhưng không một lần giảng pháp, tổ chức khóa tu mà đơn giản chỉ là nơi thu hút khách du lịch. Ấy thế mà người ta vẫn sốt sắng ngồi vào cái ghế trụ trì chùa ấy. Để làm gì?

Khách hành hương đến đó cũng không phải để học Phật pháp mà để thăm quan du lịch để thỏa trí tò mò hiếu kỳ xem những kỷ lục kia ra sao.

Mỗi năm nơi đó thu hút hàng triệu lượt người tới thăm, nhưng đừng vội nhìn vào con số đó mà chúng ta mừng rằng PGVN đang hưng thịnh. Con số chẳng nói lên điều gì. Thử hỏi trong hằng triệu du khách đó có bao nhiêu người đến đó đã được nghe giảng, bao nhiêu người ra ra về đã ngộ được đạo, hiểu được lời Phật để rồi trở thành một người Phật tử thuần thành, hay đi lễ về vẫn đầy tham sân si.

Chúng ta đang say mê với các kỷ lục Phật giáo, lo trùng tu xây mới chùa to Phật lớn, chúng ta mới chỉ đang chú trọng tô vẽ cái phần xác mà quên đi bồi đắp cái hồn, cái gốc của đạo là truyền bá chính pháp và hướng dẫn mọi người hành trì theo lời Phật.

Đừng biến ngôi chùa chỉ là nơi cầu cúng và hối lộ Phật thánh

Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, ngôi chùa là nơi truyền bá chính pháp. Nhưng nhiều chùa hiện nay chỉ chú trọng vào việc cúng lễ hơn là giảng đạo và tổ chức khóa tu. Nào là hộ niệm, cầu siêu, cúng tuần, dâng sao giải hạn, giải oan.. vô hình dung biến đạo Phật thành đạo cầu cúng và đạo của người chết.

Một khi đã là đạo của người chết thì làm sao thu hút được người sống và người trẻ đến chùa. Cả đời tạo nghiệp, đến lúc chết nhờ hộ niệm và câu siêu liệu có siêu thoát? Đầu năm cầu an mà quanh năm tạo nghiệp liệu có an?

Hình ảnh đầu năm đông nghịt người đến chùa Phúc Khánh lễ cầu an được thay bằng hình ảnh Phật tử đến chùa tham dự khóa tu thì quý biết mấy.

Nhà chùa thay vì chỉ tổ chức cúng lễ mà còn tổ chức khóa tu, tổ chức lễ mừng thọ, lễ hằng thuận, tết trung thu, phát học bổng cho người hiếu học và phát từ thiện cho người nghèo…những việc làm đó vừa ích đạo lợi đời và có ý nghĩa thiết thực, tăng sự gắn kết giữa nhà chùa và phật tử tại địa phương.

Nhưng mấy chùa đã làm được?

Ngày rằm mùng một và cả ngày thường các chùa ở Hà Nội và làng quê bắc bộ vẫn đông người đến chùa. Nhưng người ta đến chùa không phải là hướng Phật, học Phật mà là để cầu xin. Người ta dâng lên tam bảo một chút hoa, quả cúng một ít tiền lẻ để đổi lấy cầu xin Phật thánh ban cho đủ thứ từ sức khỏa, tài lộc, chức tước, tình duyên, mua may bán đắt…

Có người cho rằng sắm lễ càng to theo kiểu “ tốt lễ dễ kêu, cầu gì được lấy”. Đi chùa như vậy lợi ích được nhiều chăng?

Chính vì đi chùa để cầu xin mà không cần học đạo cho nên họ không hiểu đạo, vì không hiểu đạo mới có những hình ảnh phản cảm diễn ra ở chùa như: rải tiền lẻ, cài tiền vào tượng, vào bất cứ chỗ nào trên ban thờ, mài tiền vào tượng vào chuông, ăn uống, xả rác bừa bãi, đốt vàng mã, chen nhau lễ bái. Những chuyện như thế hết năm này đến năm khác vẫn tái diễn mà không biết tái diễn đến bao giờ?

Chừng nào người ta đi chùa không cần mang cái gì để mặc cả với Phật thánh, mà chỉ cần đốt một nén tâm hương, lòng mình hướng Phật, học lời Phật dậy, soi lại trong từng suy nghĩ, lời nói việc làm có điều gì còn sai trái để mà sám hối, để mà phát nguyện từ nay sống tốt, siêng làm các việc lành tránh làm các việc lánh ác để đem lại lợi lạc cho bản thân và cho cộng đồng cho xã hội. Việc đi chùa như thế mới thực sự có ích và kết quả.

Chừng nào chúng ta có thật nhiều ngôi chùa như chùa như chùa Bằng, chùa Sùng Phúc, chùa Diên Quang, chùa Hoa Nghiêm, chùa Từ Tân, chùa Hoằng Pháp.. ở nơi đó chùa là chùa kiểu mẫu, thầy là thầy kiểu mẫu, Phật tử là kiểu mẫu, tu học cũng là tu học kiểu mẫu thì đạo Phật Việt nam lúc đó mới thật sự hưng thịnh và sinh hoạt Phật pháp mới là thực chất, cây Phật giáo mới thật sự sâu gốc bền rễ trên mảnh đất VN này.

Mong lắm !

Nguyễn Hữu Đức
(Phật Tử Việt Nam)
Ý KIẾN ĐỘC GỈA

Tịnh Lâm 08/08/2012 09:38:28
Một bài viết rất sâu sắc về thực trạng của các Chùa chiền hiện nay, đó cũng là điều mà rất nhiều cư sĩ, Phật tử thực sự mến mộ đạo Phật, có tâm hoằng pháp suy nghĩ.

Chùa chiền ở Việt Nam rất nhiều, nhưng lại rất ít Chùa thực sự được biết đến là 1 nơi tu hành. Mà đa phần đều được biết đến như 1 điểm du lịch tâm linh. Những vị trụ trì thì không mấy quan tâm đến hoằng pháp. Đặc biệt theo mình được biết thì Chùa nào cũng có 1 thư viện sách dù lớn hay nhỏ. Thế nhưng như cư sĩ Nguyễn Hữu Đức đã nêu lên - có mấy Chùa phát huy tác dụng của thư viện sách này. Nhớ lại lần đầu tiên khi mình còn là 1 cậu bé mới bắt đầu tìm hiểu Đạo Phật. Tìm đến rất nhiều ngôi Chùa, thế nhưng đến Chùa ko thấy giảng Pháp, tủ kinh sách thì khóa, có Chùa hỏi thì bảo không được đọc, nhiều Chùa đến hỏi thì Quý Thầy không mấy nhiệt tình giúp mình, riêng với người đến làm lễ thì lại rất nhiệt tình tiếp đón ????

Chùa chiền luôn gắn liền với người dân Việt. Càng những Chùa quê càng dễ hoằng pháp. Thế nhưng chính tại Chùa quê - trụ thì thì thiếu Đạo Hạnh, thiếu kỹ năng hoằng pháp hoặc không tha thiết hoằng pháp. Có lẽ cũng vì mục đích xuất gia của các Thầy. Gần như các Thầy chỉ lo cho cuộc sống được an nhàn ?? chứ không phải lo Tu !

Đi Chùa lễ Phật là 1 tín ngưỡng của đa phần người dân Việt Nam. Thế nhưng những ngôi Chùa được công nhận là các điểm du lịch tâm linh lớn thì lại không được quan tâm hoằng Pháp - điều này có thể là do chính vị trụ trì nơi đó hoặc do chính quyền ngăn cấm ... Những điểm thu hút khách du lịch là 1 cơ duyên tuyệt vời để chúng ta hoằng pháp. Thế nhưng hiện nay như Chùa Bái Đính, Chùa Hương, Chùa Phúc Khánh ... đây là những ngôi Chùa rất nổi tiếng và hàng ngàn ngôi Chùa nổi tiếng ở các tỉnh thành ?? Có mấy ngôi Chùa quan tâm hoằng pháp đến du khách tới lễ Phật. Chỉ những việc làm đơn giản nhất như bày bán băng đĩa hoặc tăng kinh sách băng đĩa, những bài giảng căn bản nhất ... điều này chắc hẳn sẽ được nhiều người quan tâm ! - thế nhưng 1 thực trạng, người dân tới lễ Phật xong thăm quan Chùa rồi ra về ??? ..... Cứ như vậy thì biết bao giờ người dân mới đủ duyên lành tìm hiểu Đạo Phật !

phattu da nang 08/08/2012 09:42:06
Bài viết quá hay đã nêu lên được đúng tình trạng kính mong các Quý Chùa xem xét, sắp xép lại việc này xin đừng để thế hệ mai sau biết đến Chùa như là một ngôi đình làng và Đức Phật như 1 vị thần linh ban phát những khi được cầu xin. Kính cám ơn Nguyễn Hữu Đuc21687

Xã Tắc 08/08/2012 10:54:52 
Ở quê tôi cũng đúng như bài báo đã nêu. Gần đây tôi có về quê và ra chùa làng lễ Phật,vãn cảnh và thăm Sư Thày ;tôi thấy Thày bày tỏ thật là thê thảm: "nơi ăn chẳng hết,nơi mò không ra....tiền điện bây giờ tăng giá,nhà chùa không có tiền để trả tiền điện ,đi cúng lễ thì bị bài xích vì Thày thừa hành nghi lễ rất cẩn thận bởi khi quy âm là phải giảng đạo - không những khai thị cho người mất mà còn khai thị làm bừng tỉnh cả người còn sống đang ngồi đầy đủ nơi đây ....thì liền bị các "đại đức" chê bai rồi bài xích và "cấm vận" luôn......
"Trời Đất đảo điên" ,con người thời cơ chế thị trường cũng mất hết phẩm hạnh cả rồi ư ?!

DO THU KHOA 08/08/2012 11:18:22
Trước khi nói đến chùa;xin cho nói vái câu về nhà thờ TC;tại sao con chiên đạo nầy thường xuyên đi nhà thờ;đây là hình thức đi trả nợ cho chúa mà thôi;tôi hỏi tại sao quí vị siêng đi xem lễ ;họ nói nếu ít đi bị chúa PHẠT có vậy thôi;quí ị đứng qun tâm đến Phật tử đi chùa nhiều hay ít;mà hảy tìm hiểu họ có hật sự tỏ ngộ đạo chơn chánh chưa hay còn tà kiền đi chùa để van vái cầu phước cấu lợi cấu thang7 quan tiến chức;cầu an giải hạn để tai qua nạn khỏi đi làm mánh mung áp phe ;họ coi chùa như đền thờ Thần Phật Thánh Mẫu lung tung

TUONG PHUONG 08/08/2012 11:46:05
Nếu ko có chùa, chúng ta sẽ ko có cơ hội đến chàu học hỏi lời Phật dạy> kinh Phật rất nhiều nhưng thiếu người đọc tụng. Điều quan trọng là rất cần có 1 vị trụ trì có tấm lòng nhân hậu, vì chúng sanh mà xây dựng đạo tràng niệm Phật. Ko khó khăn nến chúng ta- những phật tử có tâm với Đạo Phật, chúng ta cùng với các thầy tổ chức khóa tu, giảng pháp cho những ai có cơ duyên đến với chùa. Khi chúng ta quét rác, đi, đứng, ăn cơm, chúng ta cũng có sự an lạc, nếu chúng ta biết, thực hành lời Phật dạy. Ăn cơm trong chánh niệm, luôn Niệm Phật.

trúc pháp đăng 08/08/2012 14:40:09
Bài viết của Nguyễn Hữu Đức khá hay! Không biết bạn đang làm gì, học vấn ra sao ( xin lỗi), nhưng bạn đã tỏ ra rất chín chắn và thật sự có tâm đạo khi viết bài này với những dẫn chứng cụ thể, có lý lẽ thuyết phục và gợi ra một hướng cải thiện rõ ràng chứ không ước muốn hoang tưởng, mong cầu viễn vong hay đổ thừa cho " khách quan", ngoại đạo. Xin được tán thán!

Quả thật, chúng ta không thiếu những ngôi chùa đúng nghĩa là nơi xiển dương đạo Phật, nơi tu học, hoằng truyền chánh pháp, luôn có những vị tu sĩ là bậc minh sư xứng đáng được kính trọng, noi gương và những vị Phật tử tại gia rất thuần thành, ngoan đạo. Nhưng có lẽ vì sự pháp triển hình thức quá nhanh sau khi được "mở cửa", trong khi đó lại không theo kịp hoặc thiếu quan tâm về chất lượng nên những điều bất cập thậm chí tệ hại là chuyện tất yếu phải xãy ra. Ngoài những khiếm khuyết các bạn đã góp ý ở trên, theo tôi, còn những điều nguy hiểm nội tại như : thói ngụy biện, bao che lấp liếm cho sai trái trong nôi bộ của mình ( họ tưởng rằng làm như vậy thì cái hư hỏng kia tự dưng biến mất?), cộng thêm cái bệnh tự thỏa mãn, háo danh vị, ham vật chất, thích đề cao, ca ngợi những điều không có, thích "lập môn, lập phái" để lôi kéo quần chúng, Phật tử,..vv.. của một số vị tu hành- mặc dù họ biết rằng khi làm vậy, họ đang xa lạ với lời dạy của đức Như Lai- cũng góp phần làm cho cái " nền móng" thêm rạn nức,lung lay. Muốn ngôi nhà đứng vững phải "cải tạo", gia cố từ bên trong chứ không phải lo sơn phết ở bên ngoài! Muốn chống người ta cải đạo thì hãy cải sửa nội bộ mình trước đã!
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Alex 09/08/2012 00:00:11
Tác giả của bài viết này đưa ra 1 vấn đề mà hiện nay cũng được nhiều người quan tâm. Nhưng liệu bạn có hiểu được vấn đề cốt lõi vì sao mà con chiên tuần nào cũng phải đến nhà thờ, có những con chiên đi lễ nhà thờ mỗi ngày, trong khi đó chùa lại vắng Phật tử. Bạn nên biết rằng đạo Phật không ép buộc người Phật tử phải đến chùa mỗi tuần hay mỗi ngày, đó là sự bình đẳng và tự do của Phật giáo, bạn không đi chùa bạn cũng không có tội nếu bạn là người biết sống có đạo đức và biết nhân quả, nghiệp báo. Không ai có quyền và có khả năng ban phước hay giáng tội cho bạn cả, tất cả đều là do nhân bạn tạo thế nào thì được quả như thế ấy. Còn đạo công giáo vì sao mà con chiên họ phải đi nhà thờ mỗi tuần và nhà thờ lúc nào cũng đông con chiên. Lý do đơn giản vì họ sợ chúa giáng tội, họ đi là vì "trả nợ" chứ chưa hẳn là thật lòng muốn đi. Và sự thật là chỉ có nhà thờ ở Việt Nam mới đông con chiên đi lễ như thế, ở những nước phương Tây (cái nôi của đạo công giáo), con chiên đi lễ rất ít, có những nhà thờ phải bán luôn đó bạn à. Lý do vì người ta nhận thấy đạo công giáo có những điều vô lý và không đem lại lợi ích đúng như những gì mà họ được truyền bá từ đạo. Tất cả đều là sự thật nếu bạn có tìm hiểu và nghiên cứu các bài báo của nước ngoài hoặc kênh BBC. Cuối cùng, tôi xin cho bạn 1 lời khuyên, nếu bạn là người theo đạo Phật thì bạn hãy tự hào với đạo của mình và tự hào vì mình và cả thế giới này có 1 đức Phật Thích Ca tuyệt vời như thế. Và thế giới đã tuyên bố rằng chỉ có đạo Phật và giáo lý của Đức Phật mới đem lại sự hòa bình trên thế giới này.

nguoihaique 20 hours 6 minutes ago
Bài viết đúng, nhưng em ah! các bậc đang nắm quyền điều chế giáo hội và các bậc trụ trì liệu họ có xem không? họ thậm chí con không biết sử dụng internet thì sao họ có thể đọc được những băn khoăn trăn trở của người đạo hữu , tín đồ! em nói có phần đúng, nhưng cái biết của em chỉ là bên ngoài, con vấn đề bổ nhiệm trù trì nên lựa chọn người có đạo hạnh , có năng lực, có kỹ năng hoằng pháp... liệu những người đó họ ôm khăn gói đi hoc đến khi họ trở về có ai giao chùa cho họ không? hay chùa của VN ngày nay là Cha truyền con nối, hay Thầy chết thì để cho đệ tử mình bất luận là để tử có năng lực hay không? cái đau lòng nhất hiện nay là những người có học trường lớp, học có cấp bực đang hoàng, có năng lực lại không có chùa để thuyết pháp giảng đạo.... đó là thực trạng ...em nên biết thời đại này "đa kim ngân phá luật lệ" tui cũng không muốn nói nhiều ....

Nguyên Uyên 19 hours 55 minutes ago
Có một vài bạn phản ứng trước việc tác giả-trong phần dẫn nhập- đã so sánh giữa chuyện đi chùa của tín đồ Phật giáo và đi lễ nhà thờ của con chiên TCG. Cá nhân tôi nghĩ là các bạn đã không đọc kỹ hoặc không nắm được " cái lõi" của bài viết, cái ý chủ đạo của tác giả. Xem lại coi, có phải là tác giả muốn ngôi chùa phải thể hiện đúng chức năng thiêng liêng của nó và Phật tử đến chùa cũng cần phải có một tâm thế, một cách hành xử đúng theo chánh pháp của đức Phật hay không? Nếu hiểu rằng tác giả muốn nhiều người đến chùa bằng mọi giá để có được số lượng đông đảo như bên Công giáo thì..trật lất! Mà sao có bạn lại quá "nhạy cảm" khi nghe nói về những yếu kém của tôn giáo chúng ta thế?

Vả lại, tại sao chúng ta cứ xoay ra chỉ trích đạo người ta là như thế này, mục đích thế kia, tín đồ thế nọ mà ta không chịu dũng cảm quay lại xem xét những khiếm khuyết, bất cập, sai trái của tổ chức ( xin nhấn mạnh), của con người trong tôn giáo mình? Liệu chúng ta né tránh, đổ thừa hoàn cảnh "khách quan", phỉ báng người khác để bao che cho mình thì những cái sai trái đó có tự dưng được khắc phục, sửa chữa không? Kể cả sự tự tin thái quá cũng là một điều nguy hiểm ! Cứ như vậy thì chính chúng ta đang tiếp tay làm hư hỏng, suy yếu tôn giáo của mình đấy, các bạn ạ!

Xin phép được nhắc lại một ý "kinh điển" trong đạo Phật chúng ta: " chỉ có con trùng sư tử mới ăn được thịt sư tử".

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Lê Mai - HN 18 hours 34 minutes ago
Không nên lấy cài hinh thức con chiên đến nhà thờ đông và Phật tử đến chùa ít để đưa ra các nhận xét và kết luận về Đạo Phật !

Bạn nên đọc lại các bài viết của GS. Trần Chung Ngọc ở Mỹ thì sẽ hiểu rõ bản chất của vấn đề này. Một bên là tự nguyện tự tâm, một bên là ép buộc là dọa nạt bằng các lý lẽ tỏ vẻ cao siêu khi trình độ hiểu biết của người dân còn hạn chế ? Một bên lúc nào cũng văng vẳng bên tai lời nói không đi nhà thờ sẽ bị rút phép thông công, sẽ bị đày xuống địa ngục. Một bên là lời Đức Phật căn dặn các Phật tử hãy tự đốt đuốc lên mà đi, tức là hãy dùng trí tuệ soi sáng đứng u mê tăm tối !

Bản chất khác nhau như thế thì làm sao lại so sánh được với nhau nhỉ !



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 11573)
Người tu nên dừng lại. Con thành tâm và xin 1 lần nữa được sám hối trước Tam Bảo khi nói điều này. Người xuất sỹ nên và cần rũ bỏ hào nhoáng bên ngoài. Chạy theo xe cộ, điện thoại, chùa to, Phật lớn,… là không đúng. Nhứng thứ đó Đức Thế Tôn không cần. Phật muốn người tu sỹ đặt Phật trong trái tim của mình. Cần xây những ngôi chùa trong trái tim của mình, trong tâm của mình.
21 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 11857)
là tăng sĩ theo Phật giáo đại thừa mà vẫn chưa ăn chay được là một thiếu sót về văn hóa ẩm thực, cần phải nỗ lực khắc phục để vượt qua. Vì thế, không thể nói rằng, đức Phật không cấm ăn mặn trong Phật giáo nguyên thủy nên tăng sĩ theo đại thừa được quyền ăn mặn
01 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6084)
Bài nghiên cứu của tác giả Trần Hồng Liên đã phản ánh thực trạng có vấn đề “chuyển đổi tôn giáo từ Phật giáo Nam tông sang Tin Lành đã và đang gây ra bất ổn định xã hội”. Vấn đề chuyển đổi tôn giáo lẽ thường chỉ xảy ra ở các đô thị lớn nhưng lại xảy ra ở một khu vực tưởng chừng như bất khả xâm phạm của Phật giáo ở Việt Nam. Đây cũng là gióng lên một tiếng chuông cảnh báo cho giới Phật giáo, nhất là các nhà lãnh đạo Phật giáo từ trung ương đến địa phương.
03 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5043)
Thiết nghĩ,một người phật tử học phật chân chính nên dùng lòng từ bi và trí tuệ của mình để tìm hiểu quán chiếu và không nên có những phán xét tùy tiện…chính sự phán xét đó, dù vô tình hay cố ý, sẽ khiến Phật giáo chia rẽ mất đoàn kết,phá vỡ sự hòa hợp của tăng đoàn
22 Tháng Mười 2015(Xem: 8004)
Nói cách khác cho đến thời điểm hiện nay chỉ có hai tháp xá lợi Phật được khai quật là Ca Tỳ La Vệ và Tỳ Xá Li là đang còn. Xá lợi được truyền bá tại Miến Điện, Tây Tạng, Thái Lan, Lào, Campuchia chỉ là Xá lợi niềm tin vì chưa được giám định ADN, xác định gen di truyền và chưa kiểm định C14 để xác định niên đại. Xá lợi niềm tin thì không có gì để tin được.
21 Tháng Mười 2015(Xem: 22510)
Trong số những bài góp ý liên quan đến bài "Về Tôn Xưng "Pháp Vương", chúng tôi nhận thấy cần post lên đây hai bài đáng quan tâm đến vấn đề: một bài gần như đồng quan điểm với những lời phát biểu của quý Hòa thượng lãnh đạo cấp cao Trung Ương Giáo Hội (bài của GSTS. Trần Kiêm Đoàn) và bài kia, dù được loan tải trên kênh chính thức của giáo hội nhưng lại có những quan điểm trái chiều (bài của Cư sĩ Giới Minh)
11 Tháng Mười 2015(Xem: 29244)
Hiện tại pháp môn niệm Phật đang rất phổ biến tại Việt Nam cũng như Trung Quốc và Đài Loan. Thượng tọa cũng đã giải thích, để được về Tây phương thì phải loại trừ tham, sân, si, còn đối với một người xuất gia muốn đạt được đến sự giải thoát chắc chắn phải tu tập giới-định-tuệ. Kinh A-di-đà có nói đến cảnh giới Tây phương cực lạc. Con muốn hỏi: Đức Phật A-di-đà có hay không, và khi niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà thì có được sanh về thế giới Tây phương hay không?
08 Tháng Mười 2015(Xem: 9128)
Sau khi bài viết “Chùa chết” của tôi được nhiều bạn đọc được, tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi. Thành tâm biết ơn sư quan tâm của các bạn. Nay tôi quyết định đi sâu thêm 1 chút nữa, chỉ 1 chút và động đến 1 góc nhỏ thôi ạ. Chuyện chùa chết thì đã rõ. Nhưng ai là người giết chùa.
03 Tháng Mười 2015(Xem: 8375)
Tôi nhận được email, nhắn tin, điện thoại mỗi ngày. Nhiều lắm. Trong số đó có những thắc mắc, những trăn trở và đây là một trong rất nhiều số đó. “Con xin phép hỏi thầy 1 câu ạ: các nhà sư khi xuất gia (đã thành đại đức và là trụ trì 1 ngôi chùa) thì có được phép ăn mặn và uống rượu bia không ạ. Vì con có tìm hiểu và biết rằng Phập Pháp rất tốt cho bản thân con và những người xung quanh nên con có tham gia 1 câu lạc bộ Phật tử ở tỉnh Nam Định (quê con ạ) và có theo 1 thầy đại đức. Nhưng hóa ra con mới biết là thầy không ăn chay mà cũng thi thoảng uống rượu, bia. Theo thầy Hùng thì con có nên theo thầy đại đức này không ạ?”
30 Tháng Chín 2015(Xem: 7728)
Phật giáo Việt Nam cần phải có những bước đi cụ thể gì để thoát khỏi ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, quay lại với đạo Phật có nguồn gốc lịch sử sâu đậm?