Văn Hóa Phong Bì Trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam - Cư Sĩ Lê Minh

09 Tháng Mười 201200:00(Xem: 11581)

VĂN HÓA PHONG BÌ
TRONG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Cư sĩ Lê Minh

 

vanhoaphongbiLà những người Phật tử xuất gia hay tại gia, dù là người có thiện căn trí thức hoặc là độn căn thì cũng đã phần nào hiểu về Tam Tạng Thánh Điển của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. 

 

Thông qua các đại giới đàn Tam quy – Ngũ giới, Sadi giới, Tỷ kheo giới đến Bồ Tát giới, chư tôn đức đóng vai là giới sư truyền thụ ít nhiều cũng đã từng tuyên giới và giảng giải những nội dung liên quan đến giới “không được cất giữ vàng, bạc, của báu; ngoại trừ giữ gìn của Tam Bảo và theo quốc độ để có thể làm phương tiện lộ phí khi đi đường, song phải coi như là lấy vật đổi vật mà không được sinh vọng tâm tham đắm”. (Giới thứ 10 trong Sadi - hành giả để tiến lên hàng Thanh văn, Bồ Tát,…). Hoặc trong Luận Trí độ có nói tới “Tam thí: tài thí, pháp thí và vô úy thí”; tài thí tức là nói tới vật thí như là (quần áo, thức ăn, ruộng nương, nhà cửa, châu báu); pháp thí tức là thuyết pháp khiến cho người tin nghe, hiểu và thực hành có lợi lạc trong đời sống; vô úy thí tức là đem cái vô úy bố thí cho người.

Như vậy, rõ ràng trong giáo pháp và giáo luât của Đức Bổn Sư không có đề cập đến tiền bạc, song tài thí (vật thí) hiện nay ngoài quần áo, thức ăn, ruộng vườn, châu báu thì còn bao hàm cả tiền bạc, nhưng một điều bất biến của giáo lý Đức Phật là tất cả tài thí là để giữ gìn của Tam Bảo, là phương tiện để làm lộ phí khi đi đường, song phải coi đây như là lấy vật đổi vật mà không được sinh vọng tâm tham đắm trên tinh thần thực hành kế tri túc, không bận vào đường danh lợi.

Ngài Tô Đông Pha một văn hào của Trung Quốc đã từng nói: “Biết an thời vinh hiển, biết đủ thời giàu sang”. Lịch sử Phật giáo nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng, nhiều vị Quốc sư, Thiền Sư, Pháp sư có công lao to lớn với đất nước ngay từ những ngày đầu đất nước mới khởi dựng, họ được coi là những bậc “khai quốc công thần”, những các ngài không màng đến danh lợi, hoàn thành sứ mệnh với đất nước, các ngài lại trở về nơi am tranh rừng vắng tu tập, cuộc sống thanh đạo, hướng dẫn tín đồ Phật tử nhất tâm hộ trì đất nước, để giữ gìn non sông gấm vóng của quốc gia.

Lịch sử là vậy, ngày nay với cuộc sống công nghiệp, hiện đại, hội nhập quốc tế, đại bộ phận Tăng ni Việt Nam vẫn tiếp tục kế tiếp lịch sử để nhất tâm tu tập, hướng dẫn Phật tử hành trì lễ niệm, giữ gìn bản sắc văn hóa Phật giáo, cầu nguyện quốc thái dân an, đạo pháp được xương minh, chúng sinh an lạc, như giáo lý của Đức Bổn Sư đã từng dạy. Song cũng có một bộ phận Tăng ni hiện nay cũng đã và đang có những biểu hiện lệch lạc trong đời sống tu tập, có những việc làm thái quá, trái với tư tưởng giáo lý và tổn hại đến đạo pháp, làm cho hình ảnh của những Thích tử xa lạ với đời sống xã hội, tạo nên sự xa hoa trong lối sống thiền gia.

1. Thành tâm cúng dường xuất phát từ giáo lý của Đức Phật như trên đã đề cập tới (Tam Thí), và đây là một truyền thống văn hóa tốt đẹp trong đời sống Phật giáo. Vì tất cả Tăng ni đều là những người “xả phú cầu bần, xả thân vì đạo”, cho nên họ là những người đáng kính trọng và đáng được cúng dường. Ví như trong văn hiến cúng ngọ, Tăng ni vẫn thường đọc tụng văn cúng và hiểu rằng: không có canh tác mà lại có lương thực để ăn, không dệt vải mà lại có áo để mặc,… tất cả đều do đàn việt thập phương tín thí, nên mọi người phải nỗ lực mà tu tập, thực hành giáo lý cho thật tốt, để hồi hướng công đức đến những người đã một sương hai nắng, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để có sản phẩm thành tâm dâng cúng hành giả của Đức Như Lai.

Vì vậy, trong sinh hoạt của chư Tăng Phật giáo Nam truyền, chư Tăng thường đi khất thực bình bát theo gương của Đức Phật vào mỗi sáng và trưa, thông qua việc thực hành này mà gieo hạt Bồ Đề cho tín đồ Phật tử để liễu nghĩa được giáo lý Phật Đà trong cuộc sống nhân gian, đồng thời với chư Tăng diệt trừ được tam độc (tham, sân, si), từ đó tăng trưởng đạo lực, sống cuộc sống thanh đạm, không tích trữ tài vật, vì như ngài Hòa thượng Minh Giáo (Thiền sư Trung Quốc) đã nói “lợi là cái mầm mống của loạn”.

Đối với Phật giáo Bắc truyền, chư Tăng phải chuyên tâm tu tập và thực hành lao động sản xuất để tự nuôi sống bản thân với một tinh thần “ngày không làm thời cũng không ăn”, “tự tiêu tự sản”, không lạm dụng của thập phương tín thí. Nhiều chùa chiền ở vùng quê thì có ruộng vườn để lao động, tạo ra lương thực, thực phẩm, với các chùa ở phố xá thì làm nhiều việc phù hợp với việc Phật sự như tổ chức sản xuất hương, tương, làm đậu phụ, in ấn kinh sách và các văn hóa phẩm khác.

Cả Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền hàng năm vẫn tổ chức các khóa an cư kết hạ nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi giới định tuệ, cầu nguyện quốc thái dân an. Trong thời gian này, Phật tử thập phương hành hương về các điểm an cư tập trung phát tâm cúng dường đầy đủ “tứ sự cúng dường”.(y phục, ẩm thực, ngọa cụ và thuốc thang), nhằm giúp chư Tăng ổn định cuộc sống tu tập, đồng thời là để hồi hướng công đức cho cửu huyền thất tổ và là điều kiện để thực hành phép “tứ ân” của giáo lý Đức Phật.

2. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang vận hành theo nền kinh tế thị trường, nhiều vấn đề thế tục đã đan xen vào trong chốn thiền môn, làm cho giá trị văn hóa Phật giáo như trên đã trình bày bị “méo mó”, làm thay đổi những giá trị đích thực mà giáo lý Phật Đà.

+ “Phong bao cúng dường trong nghi lễ” đang là một vấn nạn trong đời sống Tăng ni và Phật tử. Trước hết là ở mỗi vị Tăng Ni hiện đang sinh hoạt trong các cơ sở tự viện, đặc biệt là Phật giáo Bắc truyền. Mỗi khi chùa có Phật sự như khởi công động thổ, khánh thành, Tăng ni sa bà báo mãn, phụ mẫu của Tăng ni mất,… việc thỉnh chư tôn đức Tăng ni ở nơi khác đến tham dự cho buổi lễ được long trọng thì phải lo phong bì, lễ nghi để thỉnh và coi đây là là kinh phí để thuê phương tiện đón rước, gần thi đi xe máy, xe ô tô, xa thì đi máy bay, tàu hỏa,… Tăng ni nào muốn đông Tăng ni đến dự nhiều cho hoành tráng và muốn chư tôn đức lãnh đạo các cấp giáo hội cho long trọng thì kinh phí “tiền thỉnh” lại phải càng nhiều và sự nhận lời, hứa khả của chư tôn lại càng cao. Lo thỉnh xong, chư Tăng ni đến dự lại phải có lễ hậu tạ cũng tương đương như lúc thỉnh và đôi khi còn lớn hơn lúc thỉnh.

Người này làm được, người kia làm được và nay đã trở thành như là một trào lưu “trăm hoa đua nở, trăm chùa đua tiếng”. Có những vị Tăng ni có điều kiện thì dễ dàng, song cũng có những vị Tăng ni không có điều kiện đành phải vay mượn để cốt lo công lo việc của chùa mình cho bằng chúng bằng bạn. 

Phật sự của Tăng ni ở các chùa là vậy, gia đình Phật tử mỗi khi có công việc muốn trông cậy vào nhờ quý thầy thì cũng phải như thế, tùy theo khả năng của mỗi gia đình. Có những gia đình Phật tử muốn làm lễ cầu siêu, cầu an cũng phải chi phí từ vài triệu, chục triệu, trăm triệu, thậm chí là lên hàng tỷ đồng (tùy theo thời gian, nội dung làm lễ và số lượng Tăng ni đến dự đông, hay vắng), đặc biệt trong giai đoạn “phú quý sinh lễ nghĩa” này.

Hiện nay nghi lễ không chỉ dừng lại ở góc độ gia đình Phật tử với trụ trì Tăng ni ở các chùa dưới góc độ cá nhân, mà nay đã lan tỏa sang nhiều cơ quan, tổ chức với góc độ tập thể và cũng không chỉ dừng lại ở những ngày kỷ niệm chính mà bất cứ lúc nào khi họ cảm thấy gọi là “cần thiết”, cho nên có khóa lễ tổ chức lên đến hàng vài tỷ đồng cũng không phải là hiếm thấy, và không chỉ tổ chức ở nơi thờ tự mà nay còn tổ chức những nơi của người mất, ở nghĩa trang liệt sỹ hay ở những rừng cây, sông suối,… 

+ “Phong bao cúng dường trong hành chính đạo. Hiện tượng này ngày nay đang rất phổ biến ở một số vị quý vị lãnh đạo các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Hiện tương phong bì phong bao để xin giấy tờ, chủ trương, dự án, cơ cấu nhân sự, nâng lên đặt xuống là mặt trái của đời sống xã hội hiện nay, song hiện tượng này cũng đã phát tác đến một số quý vị được gọi là lãnh đạo các cấp giáo hội hiện nay: Tăng ni muốn độ đệ tử xin giáo hội cấp trên để được nhập tu cũng phải có lễ, phong bao để tác bạch lãnh đạo chứng minh cho việc độ đệ tử; muốn thọ giới cho đệ tử cũng phải đến bạch chư tôn đức lãnh đạo kèm theo đầy đủ lễ nghi; Tăng ni muốn được đi học các trường Phật học, thế học, cần phải xin giấy tờ xác nhận của lãnh đạo cũng phải có lễ nghi; Tăng ni muốn trụ trì, thuyên chuyển sinh hoạt cũng phải có lễ nghi đến tác bạch lãnh đạo giáo hội; Tăng ni muốn được an cư kết hạ cũng phải có lễ để tác bạch,…

Đây là những việc thông thường và thuận theo lý và sự, mọi đương sự đến xin giấy tờ đều đúng quy định của giáo hội đề ra thì còn dễ dang giải quyết; còn những ai trái tuyến, thiếu một vài thủ tục gì đó thì “lễ nghi” phải khác mới có thể nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo.

Mỗi dịp các cấp giáo hội có sự thay đổi nhân sự trong ban lãnh đạo, đặc biệt vào các dịp tổ chức đại hội, cơ cấu sắp xếp nhân sự, thì sự lân mẫn và lễ nghi của một vị nào đó mà tạo sự cảm tình của bề trên thì ắt rất thuận lợi cho việc đề cử và ủng hộ cao của chư tôn đức lãnh đạo, thậm chí còn có những mặc cả hoán vị bằng tiền thành tâm cúng dường để có một vị trí trong ban lãnh đạo. Thậm chí, nhiều vị Tăng ni ở các chùa là nơi thánh tích, có nhiều điều kiện hào phòng về sự phát tâm cung dường, sẵn sàng đem phong bì đó để cúng dường các bề trên từ A-Z, tạo sự quan hệ khăng khít có đi lại để tạo bè tạo phái, thuận cho thao túng tổ chức, tạo nên những lợi ích nhóm trong tổ chức giáo hội.

Có những vị có nhiều của cải vật chất đã hoang tâm sử dụng hoang phí, sống phóng túng buông thả, không tự mình sống phạm hạnh. Có những vị Tăng ni xâm nhập vào đời sống kinh tế thị trường như mua đất, biệt thự, căn hộ, chứng khoán, xe hơi xịn, thậm chí là có cả những quan hệ bất chính trái với luật đạo, tạo nên dư luận không tốt trong xã hội.

Rõ ràng, những mặt trái của thế tục đã và đang lan tỏa sâu rộng trong tổ chức giáo hội, đã làm băng hoại nếp sống Phật gia của một bộ phận Tăng ni, biến sự cao quý cúng dường của giáo lý Phật Đà thành sự tham nhũng của thế tục đang sinh sôi nảy nở trong cõi thiền môn. 

Kết thúc bài viết này xin được trích lời của Hòa thượng Viên Thông Nột (Thiền sư Trung Quốc): “Phàm người ở chốn tùng lâm, tự mình không duy trì lấy đạo đức ở nội tâm, lại nương cậy vào quyền thế ở bên ngoài, nhất đán cái thế đó mất đi, không thể tránh khỏi cái họa khuynh đảo”.

(Nguồn: Chuyển Luân)



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn