Vô Úy, Vô Ưu: Viết Riêng Cho Người Đồng Đạo

15 Tháng Giêng 201400:00(Xem: 5605)

VÔ ÚY, VÔ ƯU:
viết riêng cho người đồng đạo
Thục-Quyên

phat_giaoĐạo lực của qúi thầy sẽ tỏa sáng để hàng phật tử cư sĩ nương theo mà phát triển đạo hạnh, chấm dứt tà niệm và ác ngữ. Đó chính là chức năng cao cả của người tu sĩ Phật giáo.

Tôi sinh ra trong một gia đình theo phật giáo và đã quy y từ năm 14 tuổi. Theo lời dặn của thầy bổn sư, ít nhất một lần mỗi 4 tuần, tôi ôn tụng và quán chiếu ngũ giới để mong sự học hỏi và hành trì được ngày thêm sâu rộng : tôi là một cư sĩ phật tử.

Thưa như vậy, là để nói rõ thư này xin là lời chia sẻ chỉ với những người đồng đạo, tu sĩ cũng như cư sĩ Phật giáo, về một khía cạnh nhìn vào tình trạng cũng như thế đứng của Phật giáo VN hiện nay, của một phật tử Việt Nam đã qúa lục tuần và hiện đang sống ở hải ngọai. Lẽ dĩ nhiên đây chỉ là những kinh nghiệm và nhận thức của một người, do đó hạn hẹp ,thiếu thốn và có thể sai lầm. Giỏi lắm thì cũng chỉ là một khía cạnh nhỏ của sự thực. Sở dĩ tôi mạo muội viết ra hôm nay, vì bên cạnh nhận định đau buồn về những hình thức tào tạp của đạo Phật thời cận đại, gần đây lại thêm sự tranh cãi càng ngày càng gay gắt trong tứ chúng về vấn đề liên quan đến các giáo hội. Là đệ tử của Phật, chúng ta thường nhắc một cách hân hoan tới những lời thán phục của thế giới đối với đạo giáo của chúng ta, nhưng thay vì hãnh diện có lẽ chúng ta nên để tâm tìm hiểu số người thật tình chịu khó đi sâu vào tinh thần Phật Giáo liệu có đủ để bảo vệ cốt tủy của đạo Phật hay không? Khi Đức Phật xác định Phật tính của mọi người trong chúng ta “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

“Ta là bậc đạo sư chỉ cho mọi người con đường đi." thì ngài cũng chỉ rõ trách nhiệm của chúng ta : " Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Và hơn thế nữa ngài còn nói với chúng ta , những kẻ đi theo sự chỉ dạy của ngài "Tin ta mà không hiểu ta, ấy là bài báng ta vậy ". Điều này cho thấy, không những người Thầy tối thượng của chúng ta cho phép mà còn đòi hỏi chúng ta phải thực nghiệm sâu xa mọi việc, hành xử hợp với lý trí xét đóan của mình , làm sao đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho những kẻ khác. Tuy nhiên, từ khi đảng Cộng sản Việt Nam lên nắm quyền trong nước, gây ra một cuộc chạy nạn ra nước ngoài vô tiền khóang hậu, cho đến khi phật tử VN tương đối an cư lập nghiệp trên khắp thế giới và những chùa chiền xuất hiện to nhỏ ,nhiều ít tùy theo con số phật tử sinh sống tại vùng đó, nếu theo sát những sinh hoạt cho tới nay thì tiếc thay những đề tài thường được đem ra bàn luận, trao đổi, thực nghiệm, không phải là sức mạnh phát xuất từ cốt tủy của Phật giáo mà phần lớn là những hô hào, cãi vả, nhai đi nhai lại về hai đề tài TIỀN BẠC và CHỐNG CỘNG SẢN như bất cứ một hội hè không có tính cách tôn giáo nào khác.

Thử nhìn vào thực tế của vấn đề tiền bạc.
Nhắc tới tiền bạc thì chúng ta nằm lòng lời Phật dạy là tự thân tài sản và tiền bạc chưa nói lên được điều gì. Chính thái độ cũng như cách hành xử của con người đối với tiền bạc mới là vấn đề. Trong trường hơp này, tiền bạc và tài sản có thể là vô nghĩa, nhưng nơi khác, chúng có thể là phương tiện dẫn đến an lạc, hạnh phúc, hoặc chính là đối tượng tiềm ẩn nguy hiểm, đau khổ và bất an. Phật tử VN đến cư trú tại Mỹ ,Úc, hoặc các nước Âu châu, là đến nhập vào những quốc gia chịu ảnh hưởng Ki Tô giáo , do đó khắp mọi nơi có sự hiện diện của những cơ sở tôn giáo của đạo này. Những tu sĩ Ki tô giáo VN tới đâu là có chỗ nương dựa tới đó, nhà thờ nhà họp có sẵn, vấn đề cơm ăn áo mặc sức khoẻ , ngay cả tiền túi cũng có trung ương cấp phát, không phụ thuộc trực tiếp sự đóng góp của giáo dân. Những vị này tương đối được rảnh tay về mặt tiền bạc mà lại có thế mạnh đối với giáo dân là lo cho giáo dân mà không đòi hỏi đóng góp. Bên Đức,người theo Kitô giáo đi làm phải đóng "thuế nhà thờ" cho chính phủ và tiền này sẽ được chuyển lại cho giáo hội. Mới đây , sau vụ án giám mục công giáo Tebartz van Elst dối trá và che dấu hoang phí khoảng 31triệu Euro để trùng tu nơi cư trú của mình tại Limburg/ Đức quốc.( số tiền này gấp 10 lần so với dự toán ban đầu), dư luận Đức vẫn còn sôi nổi vì khám phá rằng theo một điều luật cũ từ nhiều thế kỷ,bên cạnh "tiền thuế nhà thờ" đa số các tiểu bang vẫn phải xuất một phần ngân sách để phụ giúp trả tiền lương cho các cấp tổng giám mục, giám mục, phụ tá giám mục....nghĩa là xử dụng cả tiền đóng thuế của những người dù không theo Kitô giáo nhưng sống và làm việc tại Đức. Trở lại với sinh hoạt của Phật giáo VN tại hải ngoại, phần lớn những chùa chiền, thiền viện và ngay cuộc sống thường ngày của các vị tu sĩ là do sự đóng góp của phật tử dưới mỹ từ "cúng dường tam bảo". Rất ít các tu sĩ có nghề nghiệp "ngoài đời" để có thể sống tự túc.

Cúng dường là tập tục có tính cách tự nguyện rất đẹp của Phật giáo Á Đông để người cư sĩ và người tu sĩ nương dựa vào nhau đi theo con đường của Đức Phật. Thường thì các phật tử săn sóc ủng hộ các tu sĩ các nhu cầu vật chất tối thiểu và biểu lộ chân thành lòng thương yêu, kính trọng. Bù lại,người tu sĩ vô sản, trọn ngày chỉ học Phật Pháp và hành Thiền định, để có khả năng trao cho người cư sĩ các hiểu biết về Phật pháp, giới thiệu cho người cư sĩ con đường chân chính , đoạn khổ, với một tấm lòng từ bi và lân mẫn. Tuy nhiên trong cuộc sống lưu vong tản mác, xảy ra tình trạng kém hay là các vị tu sĩ không sống chung thành đoàn thể để tu học, nâng đỡ và đồng thời giúp nhau giữ giới luật, lại thêm sự thừa mứa vật chất nên mỗi người một chùa hay mỗi người vài chùa. Từ đó một tu sĩ mà chung đụng với hàng chục cư sĩ thân tín để lo việc chùa hàng ngày , lại lệ thuộc tài chánh, chùa càng to lệ thuộc càng nhiều vào cư sĩ, càng ít thì giờ để tu tập ,càng khó có khả năng để hướng dẫn người cư sĩ học và tìm hiểu Phật pháp. Sinh họat chùa chiền/giáo hội nặng dần về hành chánh, phô trương, tính tóan. Đạo đức cũng yếu thế dần trước sức mạnh của đồng tiền. Người tu sĩ không cáng đáng tròn vẹn chức năng của mình còn người cư sĩ cúng dường như đi mua một món hàng . Không vừa ý thì rêu rao bôi bác,hoặc có khi còn đòi lại. Cả hai bên đã sao lãng mục đích ban đầu, quên rằng tất cả mọi người luôn luôn chịu trách nhiệm hành động của mình. Cư sĩ và tăng ni luôn tương tức với nhau. Cư sĩ cúng dường cho vị tăng nào là kết duyên với họ. Vị tăng xấu ,phá giới, thì người cư sĩ cúng dường mù quáng cũng cùng chung gánh lấy hậu qủa tội lỗi của họ. Vị tăng biết người cư sĩ phạm giới mà không khuyên can để được nhận cúng dường, để mượn tay người cư sĩ thỏa mãn lòng tham sân si ,vọng ngữ của mình, cũng đồng thời nhận trách nhiệm nhân qủa .

Tóm lại, tiền bạc và tài sản chỉ là phương tiện sống không thể thiếu của con người, và phật tử xuất gia hay tại gia cũng không là ngọai lệ. Nhưng xây dựng chùa chiền để cùng nhau tu học miên mật trong tình đồng đạo ấm cúng , hay chùa chiền để phô trương sơn son thếp vàng, ai ngồi mâm trên ,ai đội áo mão. Nếu không có kẻ lậy thì không có người nhận lậy, nên thanh tịnh hay tha hóa, thì cả tăng lẫn cư sĩ đồng chịu trách nhiệm. Lúc hữu sự không nhìn được những sai trái của chính mình mà chỉ lo buộc tội người khác chính là vô minh.

Sự trợ cấp của những tổ chức chính phủ hay phi chính phủ.

Trong những xã hội tây phương, mạng lưới xã hội có rất nhiều cơ quan cũng như tổ chức có nhiệm vụ hổ trợ cho sự tự do no ấm, về mặt vật chất cũng như tinh thần của người dân. Khi số phật tử VN tụ lại một nơi nào đủ đông để lập chuà (hay cơ sở sinh hoạt như niệm phật đường ) , thì chuà có những sinh hoạt đảm nhiệm năng chức này . Do đó những chuà (hay giáo hội) có tổ chức hành chánh đúng luật có thể được hưởng một chút quyền lợi pháp lý tương đương với các nhà thờ bên Kitô giáo thí dụ được phép cấp giấy trừ thuế cho những người hổ trợ tài chính các sinh họat của chùa, hoặc không phải đóng thuế nhiều nếu có cung cấp những dịch vụ (buôn bán sách vở, những vật cần thiết trong đời sống tôn giáo..v..v ), hoặc trong vài trường hợp hiếm hoi, nếu có ảnh hưởng tốt cho sự an lạc trong xã hội , còn được cả sự giúp đỡ tài chánh hoặc đất đai , phòng ốc .

Tại Đức, một vị cao tăng đã đứng mũi chịu sào, bảo bọc tinh thần cho phật tử VN suốt 35 năm,rất được kính trọng và ủng hộ của chính phủ thành phố Hannover. Sau này, chính phủ Liên bang Đức với sự đồng ý của tất cả các đảng phái và dân cư thành phố Waldbroel (gần Bonn) cũng đã giao cho một thiền sư VN toà nhà quan trọng nhất của thành phố để thành lập Viện Phật Học . Đó chỉ là vài thí dụ.

Thử nhìn vào thực tế của vấn đề chống cộng sản.

Hệ thống giá trị của Phật giáo đậm nét hoà bình, không hận thù, bất bạo động. Nếu vạn bất đắc dĩ phải dùng đến chữ "kẻ thù" thì kẻ thù của ta là bạo động, u mê, bất công, là cưỡng bách,chiếm đoạt ,đàn áp, bóc lột. Dù "kẻ thù" này có mang tên Cộng sản hay độc tài hay bất cứ một cái bảng hiệu hoa mỹ nào, thì với tuệ giác của Đạo Phật, ta thừa sức để nhận diện kẻ đó.

Học đức tính Từ bi của Phật, người phật tử không thể sống để ngày đêm tâm niệm tiêu diệt người khác, nhưng Từ bi trong Đạo Phật luôn đi đôi với Trí tuệ. Hiền lành, tử tế không có nghĩa là thụ động, để mặc cho người khác dày đạp, tiêu diệt mình hay người chung quanh mình.

Bất bạo động không phải là bất động.

Tuy phật tử VN đều đồng lòng mong muốn và đang tranh đấu đòi dân chủ cho VN, nhưng một giáo hội Phật giáo cần nhận định rõ ràng những phương cách thích hợp với chức năng của một giáo hội. Con đường tranh đấu cho hoà bình an lạc của Phật giáo là con đường phát huy trí tuệ, đạo đức.

Một cơ quan thông tin của một giáo hội cần mang hình thức tôn giáo rõ ràng, và cẩn trọng trong cách xử dụng ngôn từ cho thích hợp với Đạo Phật, một đạo giáo của trí tuệ.

Cùng đi với nhau trên con đường giải thoát, cần buông bỏ không những tính cá nhân vị kỷ mà cả tính vị kỷ theo bè nhóm rồi mù qúang không nhìn thấy tính tương tức trong vạn vật.

Vị Thầy tối thượng của chúng ta đã trao lại một cơ sở lý thuyết vững chắc cùng những phương thức hành động cụ thể .Chúng ta chỉ cần hiểu và thực sự ứng dụng sự trao truyền của Đức Phật vào cuộc sống thực tế trong xã hội tức thời quyền Sống, quyền Tự do, quyền Bình đẳng nghiễm nhiên có một giá trị hiện thực. Người phật tử đã thực chứng những điều dạy của giáo pháp ắt có tự tin ,tự trọng và tự chủ, không bị đảo điên, phập phồng tới mức lúc nào nhìn sợi giây thừng cũng ngỡ là con rắn cộng sản.

Trong kinh Alagaddupamasutta, Đức Phật đã dạy nếu ta biết mình, biết rắn,và nắm vững thủ thuật bắt rắn, thì ngay cả rắn độc vẫn có thể bắt mà không lao nhọc hoặc bị rắn mổ.

Bản lai diện mục. Bộ mặt thật xưa nay.

Sự có mặt hiện nay của nhiều tông phái ,nhiều giáo hội Phật giáo là một sự thật.

Tuy khác nhau hình thức để phù hợp với hoàn cảnh, tâm lý và thời điểm, nhưng giữ nguyên căn bản của đạo Phật, mang dấu ấn của giáo lý vô thường, vô ngã và duyên khởi.

Thật ra cách phân biệt giả chân, một tông phái hay giáo hội là Phật giáo đích thực hay không ,rất đơn giản: Đức Phật đã khẳng định ngài không là một vị thánh thần đầy uy quyền thưởng phạt để tôn thờ, cốt tủy của Phật giáo là trí tuệ và sự thực chứng . Hẳn nhiên Đạo Phật không chấp nhận lòng tin mù quáng, không chủ trương những hình thức mê tín dị đoan. Rõ ràng hơn hết là

Phật giáo không thần phục nô lệ cho bất cứ một người hay một chủ nghĩa nào cả.

Những yếu điểm hiện nay của Phật giáo thật ra không phải do sự thành công xâm nhập của những đánh phá bên ngoài mà chính vì sự thiếu truyền thông, một phần nhỏ do hoàn cảnh không gian cách trở, phần lớn do thiếu đức lắng nghe với tuệ giác và tâm từ bi , để hiểu và nắm vững sự việc trước khi phán xét, phản ứng và trách móc.

Trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, lẽ dĩ nhiên cũng đã xảy ra vài điều đáng tiếc.

Rất may các vị cao đức của Phật giáo đều có khả năng phản quang tự kỷ để nhận rõ đó chỉ là những ý niệm và tri giác sai lầm để dễ dàng buông bỏ.

Đạo lực của qúi thầy sẽ tỏa sáng để hàng phật tử cư sĩ nương theo mà phát triển đạo hạnh, chấm dứt tà niệm và ác ngữ. Đó chính là chức năng cao cả của người tu sĩ Phật giáo.

Buông bỏ ý muốn hơn thua.

Những vấp váp rối ren ngày nay trong sinh hoạt Phật giáo chỉ rõ Phật giáo VN đã không thành công trong việc nhìn rõ thực tại tâm lý, xã hội, kinh tế của thời đại để áp dụng giáo lý một cách thông minh, cởi mở, để khế hợp với những điều kiện mới.

Có những cuộc tranh cãi rối như mớ bòng bong chỉ đơn giản xuất phát từ sự trộn lẫn giữa Giáo lý và luật lệ trong giáo hội là những luật lệ hành chánh. Điều kém đẹp không phải là những lúng túng , nhầm lẫn đến từ những kinh nghiệm hành chánh non nớt của một giáo hội mới được 50 tuổi ,lại vay mượn từ bên ngoài để mong chuyển đổi một hệ thống liên hệ chiều ngang bình đẳng qua hệ thống liên hệ chiều dọc, trên dưới.

Điều đáng buồn phiền là cách cư xử thiếu cẩn trọng giữa những người đồng đạo với nhau.

Đạo Phật tuy không những cho phép mà còn khuyến khích sự cật vấn tranh luận, nhưng điều không thể chấp nhận được là những cuộc tranh cãi không thể hiện truyền thống từ bi, khoan dung, vô úy và giải thoát của Đạo và thái độ bảo thủ vì thói quen, thành kiến và cố chấp đang đưa tới bế tắc .

Trong khi nếu thật tình muốn chung vai xiển dương đạo pháp, đóng góp một nền tảng luân lý vững chắc để xây dựng một xã hội tiến bộ, đạo đức cho mọi người, thì chỉ cần buông bỏ ý muốn hơn thua.

Nếu không có khuynh hướng chứng tỏ là mình hoàn toàn đúng , khi nghiêm trách một vị tăng phạm giới, thì đồng thời phải xét lại tại sao những vị tăng và cư sĩ sinh hoạt với vị này, ngay khi xảy chuyện, đã không nhóm họp để tìm hiểu và bênh vực vị tăng nếu vị này bị hàm oan? Hoặc nếu vị này phạm giới thì phải tức thời xử theo giáo luật để bảo vệ sự thanh tịnh của tăng đoàn?

Nếu không chú tâm buộc tội kẻ khác thì khi chê trách một người bưng bít tin tức để sai xử người khác thì đồng thời phải xét lại tại sao bao năm tháng dài mà một số đông người sống trong tự do, đầy đủ mọi thứ, lại giao cả một hệ thống thông tin vào tay lèo lái của một người?

Không có người kiên trì đưa tin nhiều chiều sao có người nhận đủ tin tức để có thể lấy quyết định tốt nhất?

Sự có mặt hiện nay của nhiều tông phái ,nhiều giáo hội Phật giáo là một sự thật.

Mỗi tông phái, mỗi giáo hội Phật giáo, đích thực hoạt động tự do, đều đang đóng góp hoằng dương Chánh pháp dưới nhiều hình thức khác nhau. Những khúc mắc hiện nay càng chứng tỏ mọi tông phái, mọi giáo hội cần chú tâm thêm vào việc tu học, hành trì giới luật nghiêm mật , và soi rọi ánh sáng trí tuệ để khế hợp với những điều kiện sinh hoạt mới, và nhìn rõ tính tương tức với nhau. Nếu ngày mai, mọi phật tử, tu sĩ cũng như cư sĩ, bảo nhau "dừng lại”,lấy thanh gươm trí tuệ cắt đứt tham đắm, sân hận đang đưa mình vào ác ngữ và ác nghiệp, thì chúng ta đã thể hiện được sức mạnh thực sự của Phật giáo.
 
Đức Bổn Sư đặt lòng tin vào mọi người chúng ta đều có khả năng đó và đã gởi Giáo pháp của Ngài cho chúng ta trì giữ và phát triển.

Chỉ có ánh sáng của trí tuệ Ba La Mật mới đuổi được màn vô minh.

Cuối năm qúi tỵ (2014)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười 2010(Xem: 164169)
27 Tháng Tám 2010(Xem: 29075)
Ngay cả đến việc ngâm nga các bài kệ, bài pháp với các âm điệu trầm bổng du dương cũng bị Đức Phật khiển trách và ngăn cấm. Một lần nọ, các tỳ-khưu nhóm Lục sư ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: