Nếu Ta Gặp Phật

14 Tháng Ba 201810:14(Xem: 5453)

NẾU TA GẶP PHẬT
Yuval Noah Harari
Nguyễn Văn Nhật Dịch


 

Lời tòa soạn: Bài viết dưới đây được trích dịch từ tác phẩm Homo Deus: A Brief History of Tomorrow của Yuval Noah Harari, có những nhận định tinh tế nhưng cũng có chỗ nhạy cảm. Chúng tôi xin đăng để độc giả có thể rộng đường nhận xétcủng cố niềm tin tôn giáo của mình.

Việc khẳng định tôn giáo là công cụ nhằm gìn giữ trật tự xã hội và nhằm tổ chức sự hợp tác của con người ở quy mô lớn có thể làm phật lòng những người vốn cho rằng trước hết và trên hết tôn giáo thể hiện một con đường tâm linh. Tuy nhiên, nếu như khoảng cách giữa tôn giáo và khoa học thực ra hẹp hơn những điều ta vẫn nghĩ, thì cũng vậy, thực ra khoảng cách giữa tôn giáotâm linh lại rộng lớn hơn nhiều. Tôn giáo là một sự thỏa thuận, trong khi tâm linh là cả một hành trình. Tôn giáo cung cấp một sự mô tả trọn vẹn về thế giới và chào mời với chúng ta một bản hợp đồng được xác định thật chi tiết với những mục tiêu định trước.

“Thượng đế thường tồn. Ngài bảo cho chúng ta phải hành xử theo những đường lối nhất định. Nếu chúng ta tuân lệnh ngài, chúng ta sẽ được chấp nhận vào thiên đường. Nếu chúng ta không tuân lệnh ngài, ngài sẽ thiêu đốt chúng ta trong hỏa ngục”.

Tính cách hết sức rõ ràng của thỏa thuận này cho phép xã hội định rõ những tiêu chuẩngiá trị chung có tác dụng điều chỉnh hành vi của loài người.

Những hành trình tâm linh hoàn toàn không có gì giống như vậy. Mọi con đường tâm linh đều đưa con người vào những lối mòn huyền bí hướng tới những phương trời chưa từng được biết. Sự truy vấn thường bắt đầu với những câu hỏi lớn, chẳng hạn: Tôi là ai? Ý nghĩa của cuộc đời là gì? Điều gì là tốt đẹp? Trong khi phần lớn con người đều chấp nhận những câu trả lời có sẵn được cung cấp bởi những thẩm quyền đương đại, những người truy tầm tâm linh thường không dễ dàng hài lòng như vậy. Họ quyết tâm theo đuổi câu hỏi lớn lao của mình cho dù sự truy tìm đó dẫn họ tới đâu, và không chỉ tìm đến những chỗ mọi người đã biết rõ hoặc mong muốn được thăm viếng. Thế nên, đối với phần lớn những người đi học, việc nghiên cứu học thuật chỉ là một thỏa thuận chứ không hẳn là một hành trình tâm linh, vì thực ra việc nghiên cứu ấy đưa chúng ta tới những mục tiêu định trước, được chấp thuận bởi các bậc trưởng thượng, chính phủ và các nhà ngân hàng.

“Tôi sẽ học tập chăm chỉ trong vòng ba năm, trúng cách trong các kỳ thi, nhận bằng cử nhân và được bảo đảm về một công việc có lương cao“.

Việc nghiên cứu học thuật có thể được chuyển hóa thành một hành trình tâm linh nếu như những câu hỏi lớn mà ta gặp trên đường làm chệch hướng và đưa ta đến những chân trời không hề mong đợi, kể cả trước đó ta chẳng bao giờ có chút nhận thức nào về nơi chân trời đó. Chẳng hạn, một sinh viên có thể khởi đầu việc học của mình trong ngành kinh tế với ý định bảo đảm được một chỗ làm tốt ở thị trường chứng khoán Hoa Kỳ Wall Street. Thế nhưng, nếu trong quá trình học hỏi đó, người sinh viên ấy biết được một điều gì khiến anh ta hay cô ta kết thúc quá trình nghiên cứu của mình ở một tu viện Ấn Độ giáo hay tích cực tham gia vào việc cứu giúp những bệnh nhân nhiễm HIV ở Zimbabwe, bấy giờ ta có thể gọi đó là một hành trình tâm linh.

Tại sao lại dán cho cuộc du hành như vậy cái nhãn “có tính cách tâm linh”?

Đây là di sản từ quan điểm nhị nguyên cổ xưa vốn vẫn tin vào sự hiện hữu của hai vị thần, một thiện thần và một ác thần. Theo quan điểm nhị nguyên này, vị thiện thần tạo ra những linh hồn bất tửtinh khiết hưởng thụ cuộc sống trong một thế giới tinh thần. Thế nhưng, lại có vị ác thần - đôi khi được gọi là quỷ Satan - sáng tạo một thế giới khác, thế giới vật chất. Satan không biết cách làm cho vật sáng tạo của mình tồn tại vĩnh cửu, cho nên, trong thế giới vật chất mọi vật đều mục nát và bị phân hủy. Để thổi sự sống vào tạo vật bất toàn của mình, Satan tìm cách cám dỗ các linh hồn từ thế giới tinh thần và nhốt chúng trong những thân xác vật chất. Đó chính là thân phận của loài người - một linh hồn trong sạch bị giam hãm trong một thân thể vật chất xấu xa. Vì những nhà tù của linh hồn - nghĩa là các thân xác - thối rữa và dần dần đi tới cái chết, Satan không ngừng quyền rũ linh hồn bằng những sự khoái cảm của thân xác, trên hết là những khoái cảm mang lại bởi thực phẩm, tình dụcquyền lực. Khi một thân xác tàn hoại và linh hồn có cơ hội thoát về được với thế giới tinh thần, sự khao khát đối với những niềm khoái cảm vật chất của nó lôi kéo nó trở vào trong một thân xác mới. Đó là cách khiến linh hồn luân hồi từ thân xác này đến thân xác khác, phung phí thời gian của nó trong việc theo đuổi thực phẩm, tình dụcquyền lực.

Thuyết nhị nguyên về tôn giáo hướng dẫn con người phá vỡ những gông cùm vật chất rồi thực hiện một hành trình trở lại với thế giới tinh thần, vốn là nơi xa lạ đối với tất cả chúng ta, nhưng đó mới thật là nhà của ta. Trong quá trình truy vấn này, chúng ta phải từ bỏ mọi quyến rũ và thoả thuận có tính cách vật chất. Vì di sản nhị nguyên này, mọi cuộc hành trình theo đó chúng ta nghi ngờ những quy ước và các thoả thuận của thế giới thế tục để dấn bước hướng về một chân trời vô định đều được gọi là “cuộc hành trình tâm linh”.

Những cuộc hành trình như vậy có những khác biệt căn bản đối với tôn giáo, bởi vì tôn giáo tìm kiếm việc cố kết các trật tự xã hội trong khi hoạt động tâm linh tìm kiếm việc thoát ra khỏi trật tự ấy. Chẳng có gì để nghi ngờ rằng đòi hỏi quan trọng nhất ở những kẻ tìm kiếm về tâm linh là sự thách thức những niềm tin và những quy ước của các tôn giáo đang thống trị. Trong Thiền tông của Phật giáo, người ta từng nói rằng, “Nếu gặp Phật, tôi sẽ giết Phật”. Điều này có nghĩa là trong lúc lang thang trên con đường tâm linh và ta tình cờ gặp những luật lệ cố định cùng những ý niệm khô cứng của một nền Phật giáo đã bị định chế hóa, ta phải tự giải phóng ta khỏi những điều đó.

Đối với tôn giáo, tâm linh chính là một sự đe doạ đầy nguy hiểm. Nói chung tôn giáo luôn cố gắng kiểm soát những truy vấn tâm linh nơi các tín đồ của họ, và nhiều tôn giáo từng bị thách thức không phải bởi những kẻ thế tục chỉ quan tâm đến thực phẩm, tình dục, và quyền lực; mà bởi những kẻ truy tìm chân lý vốn đòi hỏi nhiều hơn những điều tầm thường nhàm chán. Cho nên, cuộc nổi dậy của những người theo giáo phái Tin Lành chống lại quyền lực của Giáo hội Thiên Chúa giáo không hề được khơi dậy bởi những kẻ vô thần ham mê dục lạc mà bởi một vị tu sĩ khổ hạnh đầy lòng thành tín, ngài Martin Luther. Luther đòi hỏi những câu trả lời cho những câu hỏi thiết yếu về cuộc sống và từ chối sự yên nghỉ trên những nghi lễ, nghi thức và những thoả thuận mà Giáo hội Thiên Chúa giáo mang lại.

Trong thời của Luther, Giáo hội Thiên Chúa giáo hứa hẹn với các tín đồ của mình những điều kiện đầy hấp dẫn. Nếu ai đó phạm tội và sợ rằng sẽ phải bị đầy đoạ đời đời trong luyện ngục, tất cả những gì người đó phải làm chỉ là hãy mua một sự ân xá.

Vào đầu thế kỷ thứ XVI, Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã sử dụng những kẻ bán rong chuyên nghiệp chuyên phát hành quyền được cứu chuộc, lang thang khắp các thị trấn và làng mạc ở châu Âu để bán những chứng chỉ xá tội của giáo hội theo những mức giá cố định. Nếu muốn có một chiếu khán để vào thiên đàng ư? Cứ bỏ ra mười đồng tiền vàng! Muốn gặp linh hồn của ông nội và bà nội đã quá cố ngay tại giáo đường ư? Chẳng có gì khó; hãy xùy ra ba chục đồng tiền vàng. Người ta cho rằng kẻ bán rong chuyên nghiệp những quyền được cứu chuộc nổi tiếng nhất thời bấy giờ, một thầy tu thuộc dòng Dominic có tên là Johannes Tetzel, đã phát biểu rằng ngay khi những đồng tiền vàng chạm nhau  kêu lẻng xẻng trong cái rương tiền thì các linh hồn lập tức rời luyện ngục để có mặt ở cổng thiên đàng.

Càng suy nghĩ về những điều đó, Luther càng ngờ vực những thoả thuận ấy, và tất nhiên, ông ngờ vực cả cái Giáo hội đã đưa ra những thoả thuận như vậy. Người ta không thể nào mua quyền được cứu chuộc cho mình. Vị Giáo hoàng không thể nào có quyền lực để tha tội cho bất kỳ ai và lại càng không có quyền mở cửa thiên đàng. Theo truyền thống Tin Lành, ngày 31 tháng 10 năm 1517, Luther đi bộ tới Nhà thờ Các Thánh ở Wittenberg, mang theo một tập hồ sơ dầy cộp, một cái búa và những cây đinh. Tập hồ sơ liệt kê 95 luận đề chống lại những tập tục của nhà chung lúc bấy giờ, có cả việc bán những chứng chỉ ân xá. Luther niêm tập hồ sơ ấy ở cổng nhà thờ, làm dấy lên cuộc Cải cách của những người Thệ Phản, kêu gọi tất cả những ai quan tâm đến việc cứu chuộc của Thượng đế nổi lên chống lại quyền lực của Giáo hoàng và tìm kiếm một con đường khác để đến được thiên đàng.

Từ cái nhìn lịch sử, các cuộc hành trình tâm linh luôn mang tính cách bi thảm, vì đó là con đường cô độc chỉ thích hợp cho những cá nhân chứ không phù hợp với các xã hội hoặc các cộng đồng. Tuy nhiên sự hợp tác giữa con người với con người cần đến những câu trả lời xác định chứ không phải là những câu hỏi; và những người từng bậm môi trợn mắt chống lại những cấu trúc tôn giáotính cách lố bịch, cuối cùng lại đặt ra những cấu trúc mới thay vào những điều đã bị chống đối. Điều đó đã từng xảy ra cho những nền tôn giáo nhị nguyên, nơi mà những hành trình tâm linh cuối cùng trở thành những thiết chế tôn giáo. Điều đó cũng đã xảy ra với Martin Luther, người đã thách thức những luật lệ, định chế, nghi thức của Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã để thấy rằng chính mình cũng viết nên những luật lệ mới, thiết lập những định chế mới và sáng tạo những nghi thức mới. Điều đó cũng đã xảy ra ngay cả đối với Chúa Jesus và Đức Phật Thích-ca. Trong những cuộc truy vấn không khoan nhượng của mình, các ngài đã lật đổ những luật lệ, nghi thức và cấu trúc của các tôn giáo truyền thống của người Do Thái cổ và người Ấn Độ cổ. Nhưng dần dần, nhân danh các ngài hơn bất kỳ cá nhân nào khác trong lịch sử, nhiều luật lệ, nhiều nghi thức và nhiều cấu trúc tôn giáo mới đã được tạo ra.

Nguyên tác: If You Meet the Buddha, Chương 5, Phần III, Homo Deus: A Brief History of Tomorrow (Giống người được Phong thánh: Lược sử Tương lai), Yuval Noah Harari.

Tác giả:Yuval Noah Harari, sử gia người Do Thái và là giáo sư thực thụ thuộc khoa Sử, Đại học Hebrew ở Jerusalem.
Văn Hoá Phật Giáo 1-3-2018
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn