Thực Hư Về Câu Chuyện Niêm Hoa Vi Tiếu Của Thiền Tông.

05 Tháng Năm 201100:00(Xem: 22226)

THỰC HƯ VỀ CÂU CHUYỆN NIÊM HOA VI TIẾU CỦA THIỀN TÔNG.

 

niemhoavitieu2Lời Ban Biên Tập: Do sự sơ xuất của một moderator của chúng tôi khi chuyển bài từ thư mục này sang thư mục khác nên đã bị mất hoàn toàn bài của GS001 và các ý kiến đóng góp của quý độc giả. Nay chúng tôi chỉ repost được bài viết của tác giả GS001 do còn lưu giữ trong E-mail. Xin thành thật cáo lỗi cùng tác giả và quý độc giả. Mong quý độc giả tiếp tục góp ý.


Tôi đọc trong các kinh lớn của Đại Thừa lẫn Nguyên Thủy tôi không hề tìm ra được ở đâu có ghi câu chuyện NIÊM HOA VI TIẾU. Câu chuyện này mang nặng tinh thần "phong kiến" và "dấu nghề" của Trung Hoa.

ĐẠO TRÍ TUỆ của Phật không thể có cái tinh thần truyền thừa như thế. Đã là ĐẠO TRÍ TUỆ thì phải như KHOA HỌC, khi lý thuyết đã trình bày ra đầy đủ, thì bất cứ ai, ở bất cứ phương trời góc bể nào, đều có thể theo đó mà trở thành bác học một cách bình đẳng như nhau.

Đó chính là lý do Đức Phật đã nhấn mạnh: "Các con tự thắp đuốc lên mà đi với chánh pháp, không nương tựa vào một ai khác". Trong đoạn kinh sau đây Đức Phật còn khẳng định rằng: Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng: "Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta". Như vậy thì làm sao có chuyện ngài trao lại y bát cho ai làm giáo chủ.

25. Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy).

Này Ananda, những ai nghĩ rằng: "Như Lai là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo"; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Như Lai" thời này Ananda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo.

Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng: "Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta" thời này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo?

Này Ananda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi. Này Ananda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng.

Này Ananda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai được thoải mái.

26. Vậy nên, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác.

Này Ananda, thế nào là vị Tỷ-kheo hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?

Này Ananda, ở đời, vị Tỷ-kheo, đối với thân quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời; đối với các cảm thọ... đối với tâm... đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời. (Phật nhắc lại pháp TỨ NIỆM XỨ)

Này Ananda, như vậy vị Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác.

Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.

(Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN, tụng phẩm II, thuộc Trường Bộ Kinh)


Cho nên đối với tôi, câu chuyện NIÊM HOA VI TIẾU của người TÀU là một câu chuyện lừa bịp để cho phật tử Á châu đều qui ngưỡng về TÀU. Câu chuyện muốn chứng tỏ rằng "Giáo Pháp nhãn tạng” của Phật đã được rinh hết về TÀU. Đó cũng do cái tinh thần bá quyền muốn dùng tôn giáo như một "sức mạnh mềm" để chinh phục thiên hạ. Các đế quốc Tây phương cũng đã xử dụng Kitô giáo để đi xâm lăng các thuộc địa cũng cùng một chiến thuật như vậy.

Nói tóm lại, đạo Phật là ĐẠO TRÍ TUỆ mở rộng ra cho tất cả chúng sanh (mà Đức Phật gọi là bàn tay ngữa) chứ không phải là một môn phái võ lâm mà có sự truyền thừa. Biết đâu để chấm dứt tệ nạn này mà LỤC TỔ đã ra đời để chấm dứt sự truyền y bát của Thiền Tông? Để ý rằng LỤC TỔ không chứng đạo từ NGỦ TỔ mà ngài đã chứng đạo trước rồi (qua kinh Kim Cang), trước khi đến với NGỦ TỔ để nhận y bát, rồi sau đó chấm dứt sự trao truyền.

Ngoài ra qua đoạn kinh trên ta thấy Đức Phật còn giảng rõ ra thế nào là làm ngọn đèn cho chính mình? Thế nào là nương tựa chính mình?

-- Đó chính là sự thực hành TỨ NIỆM XỨ để tìm hiểu chính mình bằng các pháp khảo sát: Quán THÂN, quán THỌ, quán TÂM, quán PHÁP.

Trong kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN của Phật giáo ĐẠI THỪA ta cũng thấy Đức Phật trả lời ngài A NAN về sự nương tựa pháp TỨ NIỆM XỨ mà tu hành sau khi Phật diệt độ như thế. Đó là pháp THIỀN độc nhất mà Phật đã dạy đi dạy lại. Chứ Phật chưa hề dạy pháp VÔ NIỆM như Thiền tông Trung hoa hồi nào cả.

TỨ NIỆM XỨ là pháp thiền để hiểu rõ, để hiểu sâu, và để khám phá thực tướng VÔ NGÃ của chính mình. Nếu không hiểu rõ mình thì còn lâu mới có thể sửa đổi, mới có thể nhổ sạch gốc cội vô minh chấp ngã, gây nên khổ đau cho mình.

Không thể nào có một bậc giác ngộ mà không hiểu rõ về chính mình.

Tiến trình tu hành của Đức Phật chẳng qua cũng là một công trình miệt mài liên tục về sự tìm hiểu chính mình. Ngày ngài thành đạo ngài đã tâm sự như sau:

153. Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay, phải tái sanh.

154. Ôi! Người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi!
Người không làm nhà nữa.
Đòn tay ngươi bị gẫy,
Kèo cột ngươi bị tan
Tâm ta đạt tịch diệt,
Tham ái thảy tiêu vong.

(Kinh Pháp Cú)

Cho nên, phải hiểu rõ chính mình trước khi nói đến giác ngộ. Mà muốn hiểu rõ chính mình thì phải quan sát, phải khảo sát chính mình bằng các pháp quán của TỨ NIỆM XỨ. Đó cũng chính là pháp "chiếu kiến ngủ uẩn" của BÁT NHÃ.

Do đó khởi đầu kinh TỨ NIỆM XỨ Phật đã nhấn mạnh:

-- Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ.

Như vậy con đường tu hành mà Phật đã chỉ ra thật rất rõ ràng và minh bạch. Không ai có thể trách Phật còn mơ hồ. Khi Đức Phật đã xác định là "con đường độc nhất" thì có nghĩa rằng đừng đi lang bang bằng các con đường khác. Người ta có thể ra đi từ vạn nẻo đường khác nhau (tùy căn cơ), nhưng đoạn đường cuối để đi đến đích thì ai cũng phải đi qua TỨ NIỆM XỨ để thành tựu CHÁNH TRÍ, để chứng ngộ BÁT NHÃ, để đạt đến NIẾT BÀN.

Tôi có bằng cớ nhiều vị Thiền sư Trung Hoa chưa chứng được BÁT NHÃ. Thật vậy, chính vì chưa chứng được BÁT NHÃ cho nên các ngài đã hiểu lầm ý nghĩa BÁT NHÃ mà kết án tâm PHÂN BIỆT, rồi đưa ra pháp thiền VÔ NIỆM, khác với CHÁNH NIỆM của PHẬT. Thử hỏi rằng một bậc tu hành, khi đạt được sự giác ngộ, có biết mình đã giác ngộ không? Nếu biết, thì không thể VÔ NIỆM. Nếu không biết, thì vẫn còn VÔ MINH.

Cho nên, phải biết rằng khả năng PHÂN BIỆT là một khả năng của TRÍ GIÁC. Nếu không có khả năng phân biệt thì làm sao có thể biết mình đã GIÁC NGỘ, đã ra khỏi VÔ MINH? Nhân loại nếu không có khả năng phân biệt ĐÚNG và SAI thì làm sao có sự tiến hóa cao hơn? Không lẻ Đao Phật lại phản tiến hóa, phản khoa học sao? Chỉ có những kẻ bị hôn mê, trí óc đờ đẫn mới không còn khả năng phân biệt mà thôi.

Thân ái,

GS001.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
NIÊM HOA VI TIẾU (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
NIÊM HOA VI TIẾU (Cao Đài Tự Điển)
NÓI VỀ CHUYỆN NIÊM HOA VI TIẾU Pháp Như - Lý Lược Tam
TRÊN ĐỈNH NÚI LINH THỨU NHỚ DESCARTES Nguyễn Tường Bách
XUẤT XỨ VÀ Ý NGHĨA VIỆC ĐỨC PHẬT THÍCH CA NIÊM HOA VI TIẾU (Văn Hóa Phật Giáo)


Niêm hoa vi tiếu

*
Niêm hoa vi tiếu (拈花微笑 - j: nenge-mishō - nghĩa tiếng Việt: cầm hoa mỉm cười) là một giai thoại thiền, ghi lại sự kiện trên núi Linh Thứu (Gṛdhrakūṭa) trước mặt đông đảo đại chúng, Đức Thế Tôn không tuyên thuyết pháp thoại như mọi ngày, mà lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Đại chúng ngơ ngác chẳng ai hiểu gì, duy chỉ có đại trưởng lão Ma-ha Ca-diếp (Mahākāśyapa) mỉm cười. Đức Phật tuyên bố với các thầy tỳ khưu: “Ta có chánh pháp vô thượng trao cho Ma-ha Ca-diếp. Ca-diếp là chỗ nương tựa lớn cho các thầy tỳ khưu, cũng như Như Lai là chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh”.

Câu chuyện trên không thấy ghi trong Chánh tạng, Nam truyền lẫn Bắc truyền, mà chỉ thấy ghi trong Tục tạng Trung Hoa.

Đây chỉ là một huyền sử của Phật giáo Trung Hoa. Theo ông Dumoulin (Zen Buddhism: A History, 2005), giai thoại này đầu tiên được ghi trong quyển Thiên thánh quảng đăng lục (天聖廣燈錄 - T’ien-sheng k’uan-t’eng lu, Tiansheng guangdeng lu) do cư sĩ Lí Tuân Úc (李遵勗 - Li Zunxu) của tông Lâm Tế, đời Tống, biên tập năm 1036.

Về sau, Hối Ông Ngộ Minh (晦翁悟明 - Huiweng Wuming) ghi thêm chi tiết trong quyển Liên đăng hội yếu (聯燈會要 - Liandeng huiyao) vào năm 1183. Quyển này ghi lại hệ thống truyền thừa của Thiền tông, từ 7 vị Phật quá khứ, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, 28 vị tổ Ấn Độ, truyền đến 6 vị tổ Trung Hoa, và khoảng 600 vị thiền sư Trung Hoa khác.

(Nguồn: http://budsas.blogspot.com/2011/05/niem-hoa-vi-tieu.html )


DỮ LIỆU PHỤC HỒI:

Ý kiến độc giả (13)

Được gửi bởi NL (Guest) vào 05/04/2011 09:13 PM

Kính thăm tất cả quý đạo hữu. Mong rằng cuộc tranh luận về đề tài Niêm Hoa sẽ thuần túy dựa trên tinh thần nghiên cứu thảo luận và xây dựng để cùng nhau phát triển từ bi và trí tuệ, chứ không phải cùng nhau phát triển tham, sân, si và ngã chấp. Xin cám ơn GS001 đã nêu lên đề tài, buộc người Phật tử phải dùng trí tuệ quán chiếu và khảo sát các chủ đề giáo pháp(cũng như vàng phải được lọc luyện kỹ lưỡng lâu dài). Cũng xin cám ơn các đạo hữu khác nêu lên ý kiến nhắc nhở xây dựng. Cũng trên tinh thần nghiên cứu và xây dựng, tôi xin nêu những hiểu biết theo tri kiến giới hạn của mình. Mong quý vị cao minh chỉ giáo.

Khi GS001 nói rằng Vô Niệm của Lục Tổ thật ra là Chánh Niệm của Phật, thì tôi nghĩ mấu chốt của vấn đề đã sáng tỏ rồi. Chỉ khác nhau ở semantics thôi. Khi nói về "Vô Niệm", thật ra là ý muốn nói "Vô cái Niệm gì"? Ta sẽ trả lời: cái "Niệm phân biệt". Rồi thì ta lại nghiên cứu tiếp: Niệm phân biệt cái gì? Ta sẽ trả lời: phân biệt xấu đẹp, sạch dơ, hôi thơm, thiện ác, etc.. À tới đây thì có sự disagreement về semantics. Đạo hữu GS001 cho rằng nếu biết Vô Niệm thì chẳng thể gọi là Vô Niệm, nếu không biết thì vẫn còn Vô Minh. Vế thứ hai thì chắc là mọi người đều đồng ý với GS001 dù là tu Tứ Niệm Xứ hay tu Tổ Sư Thiền. Nhưng vế thứ nhất, có lẽ sẽ có different interpretations in term of semantics. Vì nếu theo như định nghĩa Vô Niệm là Vô cái Niệm phân biệt yêu ghét nhị nguyên, thế thì khi Tâm chỉ thuần có cái "biết" thì lúc đó quả thật là Tâm không có cái Niệm yêu ghét, Tâm chỉ có cái Chánh Niệm mà thôi. Như vậy nói Vô Niệm hay Chánh Niệm cũng đều hợp lý. Tới đây có lẽ GS001 sẽ lý luận rằng: nhưng mà Chánh Niệm cũng phải cần có phân biệt chớ (thôi thì không yêu ghét, nhưng phải biết pháp lành dữ hay thiện ác để mà tu hành chớ), như vậy thì technically không thể hoàn toàn Vô Niệm được. Hoàn toàn đồng ý. Tới đây thì chúng ta phải xem xét tới 3 phần của Ngũ Uẩn: Thọ (khổ, lạc, hay trung tính), Tưởng (tri giác, nhận diện, đối chiếu), và Hành (tâm hành, bản ngã bắt đầu khởi yêu ghét) . Nếu niệm khởi lên rồi dừng lại ở Tưởng. Lúc đó nói Vô Niệm hay Chánh Niệm đều đúng. Nếu Hành đã khởi rồi, thì lúc đó không còn Chánh Niệm và cũng chẳng còn Vô Niệm. Tâm tuy bình đẳng nhưng vẫn phải "biết" (Tưởng) pháp thiện ác tốt xấu thì mới tu hành đúng. Nhưng một khi đã khởi yêu hay ghét(Hành) thì ta bắt đầu đi trật đường rầy rồi.

Tóm lại, nếu chúng ta thử tưởng tượng Đức Phật khi thấy một kẻ đang cầm dao đâm người khác, hoặc thấy một người đang cứu đói kẻ khốn cùng, Ngài sẽ có Chánh Niệm vì Ngài biết rõ pháp nào thiện ác, đồng thời Ngài cũng sẽ có Vô Niệm vì Ngài không khởi tâm ghét bỏ kẻ cầm dao và yêu thương kẻ đang tế độ. Ở Ngài chỉ có Trí Tuệ siêu đẳng và lòng Từ Bi vô bờ bến. Nguyện tất cả chúng ta noi theo tấm gương ngời sáng của Đấng Tối Thắng Tôn, đều trọn thành Phật đạo. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Được gửi bởi Chơn Trung (Guest) vào 05/04/2011 08:42 PM

Cám on BBT website TVHS đã cho đăng những ý kiến của các độc giả, thật có ý nghĩa lớn để mọi người nhận biết đâu Chánh đâu Tà trong Phật giáo.
Cám ơn tác giả GS001 đã có bài viết về chủ đè này, đa số phật tử chúng tôi thời nay vẫn bị lầm mê bời những danh từ hoa mỹ, mơ hồ của các thầy Tổ Phật giáo Trung Quốc từ nhiều thế kỷ qua.
Tôi cũng thành thật cám ơn hai độc giả BNTT và Nguyễn Đức Tuấn đã có những phản biện quyết liệt về nội dung bài viết này. Tôi thông cảm và chia sẻ cùng với hai vị, bởi chính tôi cũng có hồi mê lầm như thế. Giờ đã hiểu ra tôi thấy đã có lúc mình ngu muội thật đáng thương.
Về bài viết của tác giả GS001, tôi xin góp thêm một ý nhỏ này (nếu có gì sai sót xin tác giả chỉ giáo để tôi được học hiểu thêm).
Đoạn kinh này: "Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ". Tác giả GS001 cho rẵng quán Bốn Niệm Xứ cũng là pháp "Chiếu Kiến Ngũ Uẩn" thì tôi e nó không được chuẩn lắm.
Theo sự hiểu biết nông cạn của tôi thì quán Bốn Niệm Xứ trong kinh Nguyên Thủy nó khác rất xa với Chiếu Kiến Ngũ Uẩn của Phật giáo Trung Quốc.
- Về Chiếu Kiến Ngũ Uẩn trong kinh Bát Nhã đã rõ ràng, tôi không ý kiến gì, chỉ băn khoăn suy nghĩ: chiếu kiến mãi mà ngũ uẩn có giai không chưa? ngũ uẩn giai không rồi nhưng tâm tam, sân, si vãn ngút ngàn thì giai không để làm gì? Bằng chứng tác giả đã có ý kiến trả lời: các Tổ Trung Quốc được mọi ngợi tán dương như người đã đắc đạo. Đắc đạo rồi sao tâm vẫn còn tham, sân và si mê thế (Như thầy dạy còn mê mới khiến trò ôm bình bát bỏ trốn, hay các đệ tử thiền Tàu giành nhau con mèo để đến mức mèo phải chết oan...).
- Về Con Đường Độc Nhất của đạo Phật để đi đến mục đích giải thoát cuói cùng, tôi nghĩ rằng đó là con đường Bát Chánh Đạo hay còn tên khác là con đường Giới - Định - Tuệ. Ở đây đức Phật dạy con đường độc nhất là Bốn Niệm Xứ cũng hoàn toàn chính xác. Nhưng chúng ta có cần rạch ròi thêm, con đường thì phải có đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối thì mới trọn con đường chứ. Đó chính là điểm mà Bốn Niệm Xứ trong kinh Nguyên Thủy không phải lá Chiếu Kiến Ngũ Uẩn của thiền Tàu.
Con đường Bát Chánh Đạo với Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Người phật tử thực hành để có thể đạt đến đích rốt ráo bằng pháp môn Thân Hành Niệm. Thực hành Thân Hành Niệm tức trong đó bao gồm có đầy đủ Ba Mươi Bảy phẩm trợ đạo như: Ngũ Căn, Ngũ Lực, Bốn Chánh Cần, Bón Bất Hoại Tịnh, Bốn Vô Lượng Tâm và Bốn Niệm Xứ, đến như vậy vẫn chưa trọn con đường Giới Định Tuệ mà còn phải tiếp tục tu cho đủ Bảy Giác Chi , Bốn Thần Túc. Khi đó hành giả mới có thể Thể Nhập Bốn Thánh Định và chứng Tam Minh. Như vậy con đường tu theo Phật giáo đã hoàn mãn, không còn phải tu them gì nữa.
Phật giáo đơn giản chỉ có thế, sao chúng ta cứ chấp theo cái hoa mỹ, mơ hồ của Phật giáo Trung Quốc làm gì để ròi phải nổi sân hay nặng lời tranh cãi với nhau.
Mấy lời trao đổi cùng quý vị như vậy, xin quý vị chúng ta cùng nhau hiểu nhau để xây dựng Phật giáo Việt Nam mang bản sắc riêng cúa Việt Nam.

Được gửi bởi GS001 (Guest) vào 05/04/2011 04:25 AM

Đh Nguyễn Đức Tuấn viết:
Tôi chẳng biết ông GS001 đang phục vụ ai mà cố chen vào nhiều trang web của Phật Giáo nói ra những lời nông nổi mong khích động mọi người
GS001 xin trả lời:
Bác Tuấn hãy an tâm. Nếu bác muốn ĐẠO PHÁP và DÂN TỘC luôn luôn được giữ gìn nguyên vẹn, thì hãy mừng khi có GS001 luôn ở bên cạnh.
Đh Nguyễn Đức Tuấn viết:
đất nước ta vẫn đẹp tươi vì là nhờ công đức của tiền nhân mà trong đó có không ít những người – chẳng hạn như các vị đã nêu ở trên - nương tựa vào những kinh, những luận, những tông mà ông đả phá để thành tựu nhận thức, phát triền tâm cứu độ - đúng tính bi trí dũng của tam thế chư Phật.
GS001 xin trả lời:
Đúng như vậy, đất nước ta sẽ rất vững vàng và sẽ chói sáng khi dân ta nắm vững cả ĐẠO LÝ và TRÍ TUỆ của ĐẠO PHẬT. Nếu mỗi chúng ta có đầy đủ BI, TRÍ, và DŨNG thì VN ta sẽ không sợ hãi trước một đế quốc nào hết.
Đh Nguyễn Đức Tuấn viết:
Chịu khó nghĩ một chút ta sẽ thấy những người, những kinh, những tông, những luận luật ấy có nguồn cội từ kim khẩu đức Từ Bi phát xuất chứ không phải từ Trung Quốc.
GS001 xin trả lời:
Đúng vậy, nhưng người TÀU đã cố tình thuyết phục dân ta rằng gốc rể NGUYÊN THỦY của Phật chỉ đáng dùng cho hàng TIỂU THỪA sơ cơ. Chỉ có giáo lý truyền dạy từ các tổ Trung Hoa mới thật cho hàng THƯỢNG THỪA. Thậm chí họ còn tuyên truyền rằng các vị A LA HÁN làm "tiêu nha bại chủng" hạt giống Phật. Trong khi chính các ngài A LA HÁN là những vị đã lo kết tập kinh tạng và truyền tụng lại Phật Pháp cho đời sau khỏi mất giống Phật.
Đh Nguyễn Đức Tuấn viết:
Nếu ông là người thờ Thượng Đế, Thiên Chúa thì cũng xin nhắc rằng ông đang ở trên nước Chúa, và Thượng đế ở mọi nơi chốn. Chỗ ta ở đang đẹp, ta khai mở cái đẹp ấy để tạ ơn Phật, hoặc Chúa.
GS001 xin trả lời:
Ha ha, bác đừng lo. Tôi là người đã chứng minh GOD là TÀO LAO ở trên nhiều diễn đàn mà không ai cải được. Rồi đây GS001 sẽ còn chứng minh CHÚA JESUS là con của Phật bằng chính các lời Phúc Âm của CHÚA JESUS để lại và bằng các hình ảnh ở trong nhà thờ đàng hoàng.
Thân ái.

Được gửi bởi GS001 (Guest) vào 05/04/2011 12:44 AM

BNTT viết:
theo như ông nói những người tu theo thiền tông trung hoa sẽ không giải thoát à?
GS001 xin trả lời:
Nếu họ được giải thoát dễ dàng thì đã không có chuyện đồ chúng của thiền sư NAM TRIỆU chỉ vì một con mèo mà cũng giành giựt nhau để cho nó bị chém đứt đôi một cách tội nghiệp.
Nếu họ được giải thoát dễ dàng thì đã không có chuyện nhiều ông thiền sư thuộc hàng cao tăng bị hộc máu chết, sau khi "đấu trí" bị thua đối phương.
BNTT viết:
vậy ngũ tổ thế nào?chẳng lẽ ngũ tổ không đắc quả à?
GS001 xin trả lời:
Theo bác, ngài đã đắc quả gì? A LA HÁN chăng? Xin chứng minh cho tôi được rõ. Dĩ nhiên tôi không nghi ngờ gì về ĐỨC HẠNH của ngài. Nhưng tôi biết rằng ngài chưa dạy đồ chúng đúng đạo của Phật. Vì nếu dạy đúng thì làm gì có chuyện đồ chúng của ngài còn đầy THAM SÂN SI muốn giành dựt y bát. Để nửa đêm nửa hôm, LỤC TỔ phải bỏ ngủ vác giò lên cổ mà chạy trốn.
BNTT viết:
trong kinh Kim Cang đức Phật có hỏi ngài Tu Bồ Đề: Vị tu đà hoàn có thấy mình chứng quả tu đà hoàn chăng?...Vị A la Hán có thấy mình chứng quả A La Hán chăng? ngài Tu Bồ Dề đều trả lời không? Vì sao? Vì nếu còn thấy mình còn chứng quả tức còn 4 tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, ông lấy tâm phàm phu mà đo lường cảnh giới Phật, vậy thì ai ngu muội?
GS001 xin trả lời:
Nếu Đh hỏi một vị A LA HÁN rằng: Ngài vẫn chưa chứng được gì giống như tôi phải không? Thì vị A LA HÁN sẽ trả lời sao?
Đh phải nhớ câu này ở trong kinh Kim Cang: "Pháp còn phải bỏ, huống gì phi pháp". Cho nên đừng nghe Phật nói chuyện bỏ pháp rồi chọn PHI PHÁP thì rất là ngu muội.
Thân ái.

Được gửi bởi GS001 (Guest) vào 05/03/2011 10:17 PM

Quí Phật tử thân mến:
Nếu bạn đọc bài của tôi mà cảm thấy bị tổn thương, hoặc tông phái mình bị tổn thương, thì phải biết rằng bạn đang tu theo ĐẠO THAM ÁI, không phải tu theo ĐẠO GIẢI THOÁT như Phật. Phải hiểu rằng khi tôi đưa ra những lời này của Phật:
Này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác.
Là muốn nhắc nhở với các bạn rằng hãy LẤY CHÍNH MÌNH LÀM CHÁNH PHÁP và thắp sáng CHÁNH PHÁP ấy lên bằng sự quán sát tìm hiểu chính mình như Phật đã giải thích:
Này Ananda, thế nào là vị Tỷ-kheo hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?
Này Ananda, ở đời, vị Tỷ-kheo, đối với thân quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời; đối với các cảm thọ... đối với tâm... đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời. (Phật nhắc lại pháp TỨ NIỆM XỨ)
Cho nên, phải hiểu rằng cái đạo tu theo ai, tu theo tông phái nào, tu theo pháp môn nào, đều là những đạo THAM ÁI còn có sự dính mắc (attached) và đều sẽ "chết chùm" với nhau, không có sự giải thoát. Hãy để giành cái đạo kiểu đó cho các tông phái võ lâm có giáo chủ.
ĐẠO GIẢI THOÁT của Phật là đạo lìa tham ái, là đạo không có sự dính mắc (attached) nên không có giáo chủ, mà phải lấy chính mình làm CHÁNH PHÁP, lấy chính mình làm hoang đảo nương tựa. Phật cũng vì tôn trọng những hoang đảo của chúng ta nên mới tuyên bố rằng:
Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng: "Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta".
Bạn hiểu được ý tôi chăng? Tôi muốn nói lại ý của Phật.
Thân ái

Sau đây là một ý kiến từ các trang trước mà GS001 đã saved lại được trước khi post:

Nhân tiện tôi cũng xin đưa ra sự so sánh giữa VÔ NIỆM của TỔ SƯ THIỀN (thiền công án), VÔ NIỆM của LỤC TỔ và CHÁNH NIỆM của thiền TỨ NIỆM XỨ.

1) VÔ NIỆM của thiền công án hay tổ sư thiền là không cho niệm sinh ra. Vì họ cho rằng có niệm sinh ra là rơi vào tri kiến, là rớt vào nhị biên. Tu như vậy tôi không biết khi họ đạt được VÔ NIỆM như họ muốn, thì họ có biết VÔ NIỆM hay không? Nếu biết, thì chẳng còn VÔ NIỆM, nếu không biết thì vẫn còn VÔ MINH.

2) VÔ NIỆM của LỤC TỔ là "ở trong niệm mà không niệm" (lời nguyên văn trong kinh Pháp bảo đàn của LỤC TỔ). Nói như vậy có nghĩa là vẫn có niệm mà chỉ "vô trụ" (không dính) với niệm sinh ra. Đó là đúng theo ý nghĩa "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm". Tức tâm không có chủ trương gì với niệm sinh ra cả.

3) CHÁNH NIỆM trong TỨ NIỆM XỨ với đơn cử ví dụ này: "Khi tâm tham nổi lên, tuệ tri (biết) tâm tham nổi lên. Khi tâm sân nổi lên, tuệ tri (biết) tâm sân nổi lên". Như thế cũng có nghĩa là không chủ trương ngăn chận (tâm) niệm sinh ra, nhưng cũng chẳng dính mắc (attached) với các niệm nổi lên, vì chỉ "tuệ tri" chúng một cách khách quan.

Như vậy thì cái VÔ NIỆM của LỤC TỔ thật ra là CHÁNH NIỆM của Phật. Nhưng chẳng qua vì LỤC TỔ sinh ra trong cái xã hội VÔ NIỆM của tổ sư thiền, nên ngài phải dùng ngôn ngữ của họ đó thôi, Chứ thật ra VÔ NIỆM của LỤC TỔ chẳng chủ trương dẹp bỏ niệm (tri kiến) như TỔ SƯ THIỀN. Còn với CHÁNH NIỆM của TỨ NIỆM XỨ, thì khi Phật đã dạy chỉ "TUỆ TRI" mà thôi, thì có nghĩa là khách quan với những gì xảy ra, tức cũng chẳng dính mắc với niệm khởi.

Nói một cách chính xác, Phật dạy pháp thiền TỨ NIỆM XỨ là để thường trực sống trong CHÁNH NIỆM tức là luôn luôn sống trong sự TỈNH THỨC của GIÁC TRI. Sống như vậy là thường trực tĩnh lặng "TUỆ TRI" trên chính mình. Có như thế CHÁNH KIẾN, CHÁNH TƯ DUY mới càng ngày càng phát triển để VÔ MINH càng ngày càng tan biến. Có như thế mới đến một ngày khi thực tướng VÔ NGÃ của ta và KHÔNG TÁNH của tất cả các pháp hoàn toàn được phơi bày, thì đó là lúc chấm dứt "mọi khổ đau ách nạn" (kinh Bát Nhã). Vì lúc đó vô minh chấp ngã không còn nữa.

Pháp tu như thế mới xứng danh là của ĐẠO TRÍ TUỆ, của một bậc "CHÁNH BIẾN TRI". Chứ không phải tu để đi đến cái tâm "VÔ PHÂN BIỆT" chẳng biết mình đã giác ngộ hay còn vô minh?

Thân ái.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 4000)
30 Tháng Bảy 2015(Xem: 7762)
Việt Nam là một quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời. Nhiều người VN, dù theo đạo Phật, cũng không có sự hiểu biết tối thiểu về đạo Phật hoặc biết một cách rất mơ hồ, sai lạc, thậm chí nguy hại. Dưới đây là vài điều hiểu lầm rất phổ biến hiện nay
26 Tháng Bảy 2015(Xem: 4978)
“Với tư cách Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch, đại biểu Quốc hội, tôi xin khẳng định nghi thức hiến sinh dã man động vật trong một số lễ hội như: lễ hội chém lợn giữa sân đình tại Bắc Ninh, giết trâu tại Phú Thọ dứt khoát phải chấm dứt và loại bỏ”
17 Tháng Sáu 2015(Xem: 6781)
Phóng viên Báo Năng lượng Mới – PetroTimes đã phỏng vấn Thượng tọa Thích Nhật Từ, Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam, kiêm Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP HCM về sự kiện con bò được làm lễ quy y Tam bảo tại ngôi chùa Pháp Hải Sài Gòn dưới góc nhìn Phật pháp..
06 Tháng Năm 2015(Xem: 11045)
Có quan niệm cho rằng, người tu pháp môn Tịnh độ mà đọc tụng, nghiên cứu kinh điển, học tập giáo pháp ngoài các kinh Tịnh độ, và hành thiện tu phước (làm các việc cúng dường, bố thí-từ thiện) là tạp tu; chỉ niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà là đủ, đó gọi là chuyên tu.
30 Tháng Tư 2015(Xem: 5888)
Vào tuần thứ 3, tháng 4.2015, trang nhà www.thuvienhoasen.org có đăng một số ý kiến về Phật Giáo và Âm Nhạc, mà trọng tâm là đặt thành vấn đề Tăng Ni “trẻ” Phật Giáo có nên ca hát không? Và dựa trên tiêu chuẩn nào để trả lời câu hỏi. Hòa Thượng Thích Thiện Tánh, Trưởng Ban Kiểm Soát Trung Ương GHPGVN, ....
23 Tháng Tư 2015(Xem: 7579)
Nhân đọc bài viết " Bất lập văn tự " của cư sĩ Nhuận Bảo và xem lời comment của một số Đạo Hữu xa gần thấy có đôi chỗ cần làm sáng tỏ thêm nên mạo muội viết bài này tới quý ban điều hành trang Web mong cũng được đóng góp đôi lời vào một vài vần đề mà tôi có chút tìm hiểu . rất hy vọng bài viết của tôi sẽ được đăng ngõ hầu tôi cũng có thể được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm tri thức từ các Đạo hữu gần xa để giúp tôi mở mang thêm những hiểu biết còn hạn chế của mình trong quá trình tìm hiều phật giáo . trân trọng cảm ơn!
29 Tháng Giêng 2015(Xem: 6153)
Tổ chức Động vật châu Á (AAF) phát động chiến dịch kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn ở tỉnh Bắc Ninh, được tổ chức theo truyền thống vào dịp đầu xuân.
18 Tháng Giêng 2015(Xem: 6504)
Thông thường qua một thời gian dài những nghĩa chính của kinh bị pha trộn vì nhiều nguyên nhân. Như từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác hay những danh từ địa lý hay những sự vật trước kia thì có mà nay không còn. Hay những vị dịch kinh không đủ trình độ vì vậy qua nhiều lần thì tam sao thất bổn…