Chương 02. Thầy Thông Lạc Sai Lầm Về Lịch Sử Phật Giáo Trung Hoa.

07 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 8944)
doithoai-thaythonglac

CHƯƠNG II:

THẦY THÔNG LẠC SAI LẦM VỀ LỊCH SỬ PHẬT GIÁO TRUNG HOA


TTL không hiểu lịch sử Phật giáo Trung Hoa, khi nói các giai đoạn Thiền, TTL đã giải thích và suy luận sai lầm.

I. TRÍCH DẪN:

A. Sách Đường Về Xứ Phật, tập 1, TTL viết[1]: “Đừng tu hơi thở theo pháp môn Lục Diệu của Ngài Trí Khải, nó không phải của Phật Giáo. Lục Diệu Pháp Môn là một loại Thiền tưởng của Trung Hoa và cũng đừng tu sổ tức quan vì nó, cũng là một loại Thiền ức chế tâm do các Tổ Đại Thừa chế ra”.

B. Giáo án tu tập cho người cư sĩ vì chánh Phật pháp[2], TTL giảng rằng:

Thiền Đông Độ chia làm ba giai đoạn, giai đoạn đầu thiền, giai đoạn giữa thiền, giai đoạn cuối thiền.

1. Từ pháp môn An tâm đến pháp môn Bản lai diện mục là giai đoạn đầu của Thiền Đông Độ.

2. Từ số đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng đến Lâm Tế là giai đoạn giữa thiền.

3. Từ số đệ tử của Lâm Tế đến Hư Vân Hoà Thượng và La Hỏa Thiền sư là giai đoạn cuối thiền.

Giai đoạn đầu thiền sư khai ngộ cho đệ tử dễ hiểu, dễ ngộ, cho nên lúc bấy giờ người theo tu rất đông, nhất là thời kỳ Lục Tổ Huệ Năng, người nghe qua liền ngộ, chẳng cần phải moi đầu nặng óc tìm kiếm. Chúng ta phải nói thiền Đông Độ cực thịnh nhất ở giai đoạn này như hoa thiền đến thời kỳ rộ nở. Khi nhận ra pháp này Thiền Đông Độ gọi là ngộ, ngộ xong rồi còn phải bảo nhậm còn gọi là tiệm tu. Tiệm tu có nghĩa là tu lần lần. Mục đích của thiền này là nhắm vào Phật tánh. Vì có ngộ được Phật tánh mới thành Phật nên gọi là kiến tánh thành Phật. Ngộ Phật tánh tức là nhận ra pháp môn tu hành, nhận ra pháp môn tu hành tức là nhận ra pháp môn chẳng nghĩ thiện chẳng nghĩ ác”. TTL giảng tiếp: “Câu chẳng nghĩ thiện chẳng nghĩ ác, độ hết chúng sanh thành Phật, thấy tâm không thật thì tâm dứt, thấy người không thật thì người quên. Những câu nói này là tưởng tuệ, không tu hành gì được. Bằng chứng là kinh sách thì nhiều mà người tu chẳng ra gì, nghe thì hữu lý mà thực hành thì không vô. Bởi vậy có hàng trăm hàng ngàn người tu theo với Mã Tổ mà người ngộ đạo, ngộ được tâm ngồi đạo tràng tu hành chỉ có 84 người nhưng đến khi thành tựu chỉ còn có 2, 3 người, tức là những người nhập được định, trong đó có Thiền sư Dược Sơn.

 Phải nói Thiền Đông Độ, có nhiều đạo tràng chỉ có đạo tràng của Mã Tổ là số người tu đông nhất, nhập định được thì cũng không được mấy ngưòi, nhưng lại là định tưởng, định không làm chủ được sự sống chết. Loại thiền định này nhập để mà chơi cũng như Đức Phật nhập Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ để mà biết Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ mà thôi thì còn có nghĩa lý gì cho cuộc đời tu hành.

 Kính thưa quý vị, giai đoạn đầu thiền người ngộ thì đông mà tu thành tựu thì quá ít, không giống như câu nói kiến tánh thành Phật. Biết bao nhiêu người đã thấy chỗ không nghĩ thiện không nghĩ ác mà có làm Phật được đâu? Mà có thành Phật chỗ nào? Do sự tu không được, các Thiền Sư phải thay đổi cách khai ngộ và cách tu, bắt đầu họ dùng các công án rắc rối hơn, hoặc đánh hoặc la hét để hạn chế người ngộ. Đó là giai đoạn giữa thiền. Bắt đầu từ các đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng đến Lâm Tế thì cách tu tập họ cũng còn giữ cách tu cũ, nhưng có thêm nhiều thứ thiền như Lục diệu môn, sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh. Thiền hơi thở phong, khí, suyễn, tức và pháp môn Tịnh Độ. Thiền Lục Diệu Pháp Môn do Trí Khải Đại sư sản sanh, thiền hơi thở phong, khí, suyễn, tức do một vị thiền sư mà tôi không nhớ tên. Pháp môn Tịnh Độ do Thiền Sư Huệ Viễn lập Liên Trì Thư Xã và sớ giải kinh Tịnh Độ, Thiền Sư Diên Thọ Vĩnh Minh tán thán pháp môn này. Khi con đường thiền Đông Độ tu không có kết quả người ta mới sinh ra nhiều pháp môn như vậy.”

II. NHẬN XÉT:

A. Lục Diệu Pháp Môn do Bồ Tát Thế Thân tại Ấn Độ, soạn trong Câu Xá Luận thuộc Tiểu Thừa (bây giờ gọi là Nguyên Thủy), không phải Đại Thừa (hay Phật Thừa), Đại Sư Trí Khải người Trung Hoa chỉ lược nói lại. Vui lòng xem phần Trí Khải Đại Sư, trong chương này.

B. TTL giảng rất sai lầm về kết quả tu tập của Thiền Tông Đông Độ, nhưng ai ăn nấy no, ai tu nấy có kết quả, NH không cần thiết đối thoại vấn đề này. Còn các giai đoạn đầu Thiền, giữa Thiền, cuối Thiền này do TTL đặt ra để ghi từng thời gian, cho TTL giải thích, giảng dạy. Tuy nhiên, một khi đã chọn thời gian, TTL nên dùng những vị sống cùng thời gian đó mới hợp lý.

Ví dụ: Nếu nói về các thời đại Đinh Lê Lý Trần, mà có người nói rằng trong thời nhà Đinh có vua Quang Trung đại phá quân Thanh; thời nhà Lê có võ sĩ Lê văn Khôi, dùng tay đánh thắng cọp; thời nhà Lý có vua Hàm Nghi chống Pháp; thời nhà Trần có bà Triệu Ẩu; thì người nghe nghĩ thế nào? Có cảm thấy vui cười không? 

 Tương tự, ở đây NH chỉ nói về lịch sử Phật giáo Trung Hoa mà hầu hết mọi người đọc qua đều hiểu được dễ dàng, TTL sai lầm như thế nào? Từ đó dẫn đến sự suy luận của TTL sai lầm.

 Bây giờ chúng ta viết về thời gian của một số quý Ngài có liên quan đến đoạn nói trên.

A. NÓI VỀ AN TÂM:

Nói về an tâm tức nói đến giai đoạn lịch sử Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma an tâm cho Nhị Tổ Huệ Khả.

Sách Tổ Thiền Tông, viết[3]:

 “Vua Lương Võ Đế không lãnh hội được, lui về nghỉ. Ngài (Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma) biết căn cơ chẳng hợp, tạm lưu lại đây ít hôm. Đến ngày 19, Ngài bỏ vua Lương, lén sang sông qua Giang Bắc. Ngài nhập cảnh nước Ngụy đi đến Lạc Dương nhằm đời Hậu Ngụy vua Hiếu Minh Đế niên hiệu Chánh Quang năm đầu (520 sau T.C.) ngày 23 tháng 11.

 Ngài dừng trụ tại chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, trọn ngày ngồi xây mặt vào vách im lặng. Tăng chúng đều không hiểu được. Người đời gọi Ngài là “Thầy Bà La Môn ngồi nhìn vách” (Bích quán Bà la môn).

 Có vị Tăng tên Thần Quang học thông các sách, giỏi lý diệu huyền, nghe danh Ngài tìm đến yết kiến. Thần Quang đã đủ lễ nghi mà Ngài vẫn ngồi lặng yên ngó mặt vào vách không màng đến. Quang nghĩ: “Người xưa cầu đạo chẳng tiếc thân mạng, nay ta chưa được một trong muôn phần của các Ngài”. Hôm ấy, nhằm tiết mùa Đông (mùng 9 tháng chạp) (như vậy có thể đã sang năm 521 Dương Lịch), ban đêm, tuyết rơi lả tả, Thần Quang vẫn đứng yên ngoài tuyết chắp tay hướng về Ngài. Đến sáng tuyết ngập lên khỏi đầu gối, mà gương mặt Thần Quang vẫn thản nhiên. Ngài thấy thế thương tình, xây ra hỏi:

- Ngươi đứng suốt đêm trong tuyết, ý muốn cầu việc gì?

Thần Quang thưa:

- Cúi mong Hòa Thượng từ bi mở cửa cam lồ, rộng độ chúng con.

- Diệu đạo vô thượng của chư Phật, dù nhiều kiếp tinh tấn, hay làm được việc khó làm, hay nhẫn được việc khó nhẫn, còn không thể đến thay! Huống là, dùng chút công lao nhỏ này mà cầu được pháp chân thừa?

Thần Quang nghe dạy bèn lấy đao chặt cánh tay trái để trước Ngài để tỏ lòng thiết tha cầu đạo. Ngài biết đây là pháp khí bèn dạy:

- Chư Phật lúc ban đầu cầu đạo, vì pháp quên thân, nay ngươi chặt cánh tay để trước ta, tâm cầu đạo như vậy cũng khá.

- Pháp ấn của chư Phật con còn có thể được nghe chăng?

- Pháp ấn của chư Phật không phải từ người khác mà được.

- Tâm con chưa an, xin Thầy dạy pháp an tâm.

- Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho.

- Con tìm tâm không thể được.

- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.

 Thần Quang nhơn đây được khế ngộ. Ngài liền đổi tên Thần Quang là Huệ Khả.”

 Như vậy năm 521 sau dương lịch, Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma dạy Ngài Huệ Khả pháp môn An Tâm.

B. NÓI VỀ BẢN LAI DIỆN MỤC:

Nói về pháp môn Bản Lai Diện Mục tức là TTL muốn nói đến việc Lục Tổ Huệ Năng nói với Thượng Tọa Huệ Minh: “Chẳng nghĩ thiện chẳng nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh?”

* Sách Tổ Thiền Tông, viết[4]: “Huệ Năng (638 – 713 T.L.)”.

* Sách Ngài Huệ Năng, viết[5]: “Đến ngày mồng 3 tháng 8 niên hiệu Tiên Thiên năm thứ 2 của Hoàng Đế nhà Đường, năm Quý Sửu, tức 713 dương lịch, Ngài Huệ Năng viên tịch ở chùa Quốc Ân, Tân Châu. Như vậy là Ngài có 76 tuổi: 24 tuổi đắc pháp, 39 tuổi thế phát, thuyết pháp lợi sanh 37 năm”. Như vậy Ngài Huệ Năng (638 – 713) (Tuổi âm lịch, tuổi ta, 76 nhưng theo dương lịch, tuổi tây, chỉ 75; 713 – 75 = 638). Năm Ngài nói câu bản lai diện mục với Thượng Tọa Huệ Minh tức là năm Ngài đắc pháp: 662 dương lịch. (638 + 24 = 662). Nói Ngài dạy đệ tử tức là năm 676 dương lịch (713 – 37 = 676).

* Sách Trung Hoa chư Thiền Đức Hành Trạng, viết[6]: “Thiền Sư Nghĩa Huyền ở Lâm Tế, khai tổ Tông Lâm Tế ( ? – 876)”.

C. KẾT LUẬN VỀ NIÊN ĐẠI THEO Ý THẦY THÔNG LẠC:

 Như vậy theo ý của TTL, từ An tâm pháp môn đến Bản lai diện mục, giai đoạn đầu Thiền, tức là từ năm 520 hay là 521 đến năm 662.

 Từ số đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng đến Lâm Tế, giai đoạn giữa Thiền, tức là từ năm 676 đến năm 867.

 D. THAM KHẢO SỬ SÁCH ĐỂ XÉT LẠI THẦY THÔNG LẠC NÓI ĐÚNG HOẶC SAI?

 NH không cần thiết phải kê khai lịch sử giai đoạn cuối Thiền trong đoạn dẫn chứng trên. Bây giờ chỉ nhận xét giai đoạn đầu và giữa Thiền.

1. GIAI ĐOẠN ĐẦU THIỀN:

 Theo dẫn chứng trên, giai đoạn đầu thiền, TTL nói đến Ngài Mã Tổ và Thiền Sư Dược Sơn. Nói đến hai Ngài này chúng ta có 2 cách:

a. Đọc sách và nhớ:

* Mã Tổ: Ngài Mã Tổ tức Ngài Mã Tổ Đạo Nhất, được Thiền Sư Nam Nhạc Hoài Nhượng giáo hóa và khai ngộ. Thiền Sư Nam Nhạc Hoài Nhượng là đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng.

* Dược Sơn: Ngài Dược Sơn tức Ngài Dược Sơn Duy Nghiễm được đắc pháp nơi Ngài Mã Tổ.

b. Tra cứu niên đại:

* Mã Tổ: Sách Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng, viết[7]:

“Thiền Sư Đạo Nhất (Mã Tổ) (709 – 788)[8]

* Dược Sơn: Sách Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng, viết[9]: “Thiền Sư Duy Nghiễm (Dược Sơn) (751 – 834)”.

 Như vậy chẳng biết TTL có đọc sách của Sư Phụ TTL là Hòa Thượng Thích Thanh Từ hay không? Các Ngài Mã Tổ (709 – 788) và Dược Sơn (751 – 834), tính theo niên đại lịch sử ở giai đoạn giữa Thiền, gần đến giai đoạn cuối Thiền. 

 Hai Ngài này đều ở giai đoạn giữa Thiền, nhưng theo ý TTL thì hai Ngài này thuộc giai đoạn đầu Thiền là sai lầm.

2. GIAI ĐOẠN GIỮA THIỀN:

giai đoạn giữa Thiền (676 – 867), TTL đề cập đến: Trí Khải Đại Sư viết Lục Diệu Pháp Môn, sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh và pháp môn Tịnh Độ do Thiền Sư Huệ Viễn lập. TTL còn giảng tiếp:

 “Khi con đường thiền Đông Độ tu không có kết quả người ta mới sinh ra nhiều pháp môn như vậy”. Chúng ta thử phân tích TTL giảng đúng hoặc sai.

a. Trí Khải Đại Sư sống vào năm nào?

 1. Sách Các Tông Phái của Đạo Phật, viết[10]: “Thiên Thai là tên của một hòn núi ở Thai Châu, miền nam Trung Hoa. Một triết gia vĩ đại, Trí Khải (531 – 597), trú tại núi này và giảng dạy đồ chúng suốt đời nhà Trần và Tùy”.

 2. Phật Học Từ Điển, viết[11]:

 “Trí Khải – Tcheu-K’ai (ch.): Đại sư người Tàu, nhà sáng lập tông Thiên Thai hồi thế kỷ thứ sáu, sanh năm 531 và tịch năm 597 Dương Lịch, hưởng thọ 67 tuổi.”

 3. Sách Thiền Căn Bản, viết[12]: “Pháp môn này (Lục Diệu Pháp Môn) do Ngài Trí Khải Đại sư, đời Tùy, lược nói ra ở đất Đô Hạ, chùa Ngoã Quan”.

Thật ra, Lục Diệu Pháp Môn có nguồn gốc từ Câu Xá Luận, do Bồ Tát Thế Thân (khoảng 400 – 480 sau Tây Lịch) viết và Ngài Trí Khải lược nói ra. Theo Câu Xá Luận:

a. Sổ (S: Gaanā): Để tâm vào hơi thở vào ra mà không cần phải gắng sức (S: Abhisaṃskāra) buông xả tâm và thân, đồng thời chỉ dựa vào niệm để đếm từ 1 cho đến 10.

b. Tùy (S: Anugama): Theo dõi hơi thở vào ra một cách bình thản.

c. Chỉ (S: Sthāna): Buộc tâm niệm một chỗ, đầu lỗ mũi, giữa chân mày, hay chỗ khác, nơi ngón chân, v.v…

d. Quán (S: Upalakṣṇā): Quan sát phân tích: “Hơi thở này không chỉ là gió (S: Vāyu) mà còn là bốn đại chủng (S: Mahābhūta), là sở tạo sắc. Tâm và các tâm sở đều nương vào những hơi thở này”. Nhờ vậy, hành giả sẽ thấy năm uẩn nhờ vào sự phân tích này.”

e. Chuyển (S: Vivartanā) còn gọi là Hoàn: Di chuyển tâm để hướng tâm đến các pháp càng ngày càng trở nên thuần thiện hơn, cho đến khi có được Thế Đệ Nhất Pháp.

f. Tịnh (S: Pariśuddhi): Pháp môn vào Kiến Đạo và Tu Đạo

 Qua 3 dẫn chứng trên và cùng là đời Tùy nên Ngài Trí Khải sống năm 531 – 597 là chính xác.

b. Thiền Sư Huệ Viễn lập pháp môn Tịnh Độ ở vào thời kỳ nào?

Sách Đường Về Cực Lạc, viết[13]:

 “SƠ TỔ HUỆ VIỄN ĐẠI SƯ: Huệ Viễn Đại Sư họ Cổ, người Nhạn Môn. Lúc thơ ấu, bẩm tánh Ngài rất hiếu học, đã thông Nho điển lại rất giỏi về học thuyết Lão Trang.

Bấy giờ Đạo An Pháp Sư lập chùa ở Hằng Sơn, vân tập Tăng Chúng thuyết pháp. Ngài nghe mến đức, bèn đến Hằng Sơn quy y với Pháp Sư.

 Khi nghe Đạo An Pháp Sư giảng kinh Bát Nhã, tâm trí Ngài mở thông tỏ ngộ diệu lý. Ngài bèn than rằng: “Nào ngờ Phật thừa thâm diệu! Mấy lâu nay uổng công ta đeo đuổi theo bã rác Khổng, Mạnh, Lão, Trang! Rồi Ngài xin xuất gia, pháp hiệu Huệ Viễn.

Từ đó trở đi, ngày liền đêm, Ngài chuyên tâm đọc tụng, tư duy, tu tập. Đạo An Pháp Sư thấy Ngài chuyên cần nên khen rằng: “Phật pháp sẽ được lưu hành ở Trung Đông, tất do nơi Huệ Viễn này vậy”.

Năm Thái Ngươn thứ 6, nhà Tấn, đến Tầm Dương thấy cảnh núi Lô Sơn rộng rãi tĩnh mịch, phải nơi hành đạo, Ngài bèn lập tịnh xá ở đó hiệu là Long Tuyền[14]. Lúc đó Pháp Sư Huệ Vĩnh, bạn đồng sư của Ngài đã lập chùa Tây Lâm ở phía Lô Sơn mời Ngài cùng về ở Tây Lâm tự.

Được ít lâu, học chúng theo Ngài quá đông, chùa Tây Lâm không đủ chỗ, ý Ngài muốn lập cảnh khác ở phía đông Lô-Sơn. Sơn-Thần đến xin cúng cây gỗ. Rồi sau một đêm mưa to gió lớn, cây gỗ chồng chất ngổn ngang. Quan Thứ Sử Hoàn Y phát tâm dựng tòng lâm cho Ngài. Vì Sơn Thần dưng gỗ và đối với Tây Lâm tự, nên đề hiệu là “Đông Lâm Thần Vận tự”.

Khi nơi chốn đã yên, Ngài liền đốc suất đại chúng hành đạo, đào ao trồng sen. Trên mặt nước thả bông sen gỗ 12 cánh. Cứ mỗi giờ là nước ngập một cánh, dùng định giờ hành đạo. Gọi là Liên Lậu.

Lần lần những nhà đại trí thức mộ đạo ở bốn

phương, như Giác Hiền, Phật Đà Gia Xá, Lưu Di Dan, Vương Kiều Chi v.v… nghe tiếng Ngài nên đến xin dự chúng tu tập được 123 người, Ngài bảo: “Quý vị đến chốn này phải chăng là người quyết chí nơi Tịnh độ ư?” Ngài bèn tạo tượng Di Đà, Quan Âm, Thế Chí. Lập hội Liên Xã. Bảo ông Lưu Di Dân làm bài văn phát nguyện khắc vào bia đá. Người dự hội đều tinh tấn hành đạo, ngày đêm sáu thời không trễ, lần lượt đều chứng tam muội, đều được vãng sanh. Lúc lâm chung đều có thoại ứng cả.

Ngài từng có lời phát huy ý nghĩa tam muội:

- Gọi tam muội đó là chi? Tức là “chuyên tư tịch tưởng” vậy.

Chuyên tư” thời tâm trụ nơi nhứt. “Tưởng tịch” thời khí rỗng thần sáng – Khí rỗng thời tri ngộ nơi lý. Thần sáng thời không chỗ kín nào mà chẳng thấu.

Lại các môn tam muội rất nhiều, nhưng dễ được mà công lại cao, thời duy có niệm Phật tam muội là hơn hết. Vì cùng nơi huyền, tột nơi tịch mà tôn hiệu “Như Lai”. “Thể hiệp” “Thần biến” không chi sánh bằng. Vì thế nên người nhập tam muội này tâm thần vắng bặt vong sở tri. Chính nơi cảnh sở duyên đó mà thành Trí huệ. Trí huệ sáng thời chiếu suốt nơi trong mà vạn tượng hiện bày rõ ràng vậy. Chỗ tai mắt không đến được mà vẫn thấy vẫn nghe. Vẫn thấy vẫn nghe mà tâm thần vẫn vắng bặt, vắng bặt mà tự nhiên trong sáng. Do trong sáng nên tham cứu bổn tâm, tình trệ liền dung lãng…

Ngài thấy ở Giang Đông kinh tạng thiếu nhiều, nên sai các đệ tử băng núi vượt rừng, đến Tây Thiên thỉnh kinh. Các Kinh Luật lưu hành từ Lô Sơn gần đến trăm thứ.

Ngài có trứ tác bộ “Pháp Tánh Luận” pháp minh chỉ thú Niết Bàn thường trụ. Bộ luận này truyền đến Quang Trung. Pháp Sư Cưu Ma La Thập được xem liền khen rằng: “Ông Viễn ở Biên phương chưa đọc “Đại Niết Bàn kinh”, mà lời luận lại hiệp với lý”.

Ngài trụ Lô Sơn hơn 30 năm, mà trọn không bước xuống chân núi lần nào. Ngày như đêm, Ngài chuyên để tâm nơi Tịnh Độ, lặng lòng quán tưởng.

Đã ba phen thấy Phật và Thánh Chúng hiện thân, mà Ngài trầm hậu không nói ra.

Năm Nghĩa Hy thứ 12, đêm 30 tháng bảy, Ngài ngồi nhập định ở Bát Nhã đài. Lúc vừa xuất định mở mắt ra, thấy Đức A Di Đà Phật hiện thân nơi hư không với vô lượng Thánh chúng. Trong viên quang có vô số Hóa Phật. Quan Thế Âm Bồ Tát hầu bên tả, Đại Thế Chí Bồ Tát hầu bên hữu. Phật và Bồ Tát đều ngự trên tòa sen báu đẹp sáng. Mười bốn tia sáng quanh lộn lên xuống như vòi nước, vang ra tiếng diễn nói những pháp: Khổ, Không, Vô thường, Vô Ngã, các môn Ba La Mật…”

Đức Phật bảo Ngài rằng: “Vì bổn nguyện lực nên nay ta đến an ủi ông, sau bảy ngày ông sẽ sanh về nước của ta”.

Ngài lại thấy những hội hữu trong Liên Xã đã tịch trước, như các ông: Phật Đà Gia Xá, Huệ Trì, Huệ Vĩnh, Lưu Di Dân v.v… đều đứng phía sau Phật. Các ông ấy bước đến trước chắp tay chào Ngài mà nói với Ngài rằng: “Đại Sư sớm phát tâm về Tịnh Độ, sao lại muộn đến ngày nay?”

Hôm sau, Ngài thuật lại với các đệ tử: Pháp Tịnh, Huệ Bửu v.v… và bảo rằng: “Ta ở Lô Sơn này, trong 11 năm đầu, ba lần thấy Phật và Thánh Chúng hiện thân. Nay lại thấy Phật thọ ký. Chắc chắn ta sẽ được sanh về Tịnh Độ”.

Rồi Ngài tự soạn quy chế để cho đại chúng y theo mà cùng ở cùng tu.

Đến ngày mùng 6 tháng tám, Ngày cáo biệt đại chúng, rồi đoan tọa mà viên tịch. Thọ 83 tuổi.

Trích ở các bộ “Đông Lâm truyện” “Lô Sơn tập””

c. Để ý dữ kiện:

Qua bài dịch trên, chúng ta thấy có ba dữ kiện cần để ý:

1. Đạo An Pháp Sư.

2. Pháp Sư Cưu Ma La Thập xem bộ Pháp Tánh Luận của Ngài Huệ Viễn và khen Ngài Huệ Viễn. Như vậy Pháp Sư Cưu Ma La Thập phải là người cùng thời hay sau thời Thiền Sư Huệ Viễn.

3. Nhà Tấn.

1. Đạo An Pháp Sư: Tức Ngài Thích Đạo An, đệ tử Ngài Phật Đồ Trừng, sồng vào thời Tiền Tần Vương Phù Kiên (351 – 385). Phù Kiên đánh quân Tấn năm 383. Ngài Đạo An tịch khoảng 385 dương lịch. Thiền Sư Huệ Viễn là đệ tử của Đạo An Pháp Sư.

2. Pháp Sư Cưu Ma La Thập (S: Kumarajiva): Sách Thiền Luận, viết[15]:

“Pháp sư Cưu Ma La Thập*. Trúc Thiên chú thích: * Pháp sư Ấn Độ, dịch giả nhiều bộ kinh bất hủ, tịch năm 413 đời Đông Tấn”.

Pháp sư Cưu Ma La Thập, tịch 413 đời Đông Tấn và đã đọc Pháp Tánh Luận do Thiền Sư Huệ Viễn viết. Như vậy, Thiền sư Huệ Viễn cũng phải sống khoảng thời gian đó hoặc là trước đó, chứ không thể sau Pháp Sư Cưu Ma La Thập được.

3. Nhà Tấn: Sách Sử Trung Quốc, viết[16]:

 “Nhà Tấn 265 – 420”.

 Cũng sách Sử Trung Quốc, trang 236 viết:

 “1. Ngô (thời Tam Quốc và Tây Tấn):

 220 – 265 - 316

 2. Đông Tấn: 317 - 419”.

 Theo ba dữ kiện trên, như vậy Thiền Sư Huệ Viễn lập Pháp Môn Tịnh Độ sống vào thời nhà Tấn tức khoảng năm 265 đến 420.

Qua những dẫn chứng trên chúng ta thấy:

1. Ngài Trí Khải (531 – 597) hay còn gọi là Quốc Sư Trí Giả, sống vào thời giai đoạn đầu thiền (520 hay là 521 – 662).

2. Thiền Sư Huệ Viễn lập pháp môn Tịnh Độ, sống vào thời nhà Tấn (265 – 420), tức là trước giai đoạn đầu Thiền.

III. KẾT LUẬN:

Như vậy, đoạn trích dẫn trên của TTL, (Bác sĩ Trí & Đức Tâm ghi theo băng giảng của TTL):

a. Giai đoạn đầu Thiền:

TTL nói giai đoạn đầu Thiền (520 hay là 521 - 662) có các Thiền Sư Mã Tổ và Dược Sơn.

Thực tế, các Ngài Mã Tổ (709 – 788) và Dược Sơn (751 – 834), tính theo niên đại lịch sử ở giai đoạn giữa Thiền, gần đến giai đoạn cuối Thiền.

Hai vị Thiền Sư này đều ở giai đoạn giữa Thiền, nhưng theo ý TTL thì hai Ngài thuộc giai đoạn đầu Thiền là sai lầm.

b. Giai đoạn giữa Thiền:

TTL nói về giai đoạn giữa Thiền (676 – 867) có Ngài Trí Khải và Thiền Sư Huệ Viễn.

Thực tế Ngài Trí Khải (531 – 597) và Thiền Sư Huệ Viễn (sống thời nhà Tấn 265 - 420) thuộc giai đoạn đầu Thiền . Riêng Thiền Sư Huệ Viễn sống vào thời nhà Tấn (265 – 420) trước khi Ngài Bồ Đề Đạt Ma qua Trung Hoa hơn 100 năm.

Theo ý TTL thì hai Ngài này đều ở giai đoạn giữa Thiền là hoàn toàn sai lầm với lịch sử Phật Giáo Trung Hoa.

c. TTL suy luận sai lầm:

Thực tế Bồ Tát Thế Thân (khoảng 400 – 480 sau Tây Lịch) ở Ấn Độ, viết Câu Xá Luận, lập Lục Diệu Pháp Môn khoảng 100 năm trước khi Ngài Bồ Đề Đạt Ma qua Trung Hoa, năm 520 Tây Lịch, Ngài Trí Khải (531 – 597) chỉ lược nói lại.

Còn Thiền Sư Huệ Viễn lập cũng Pháp Môn Tịnh Độ trước khi Ngài Bồ Đề Đạt Ma qua Trung Hoa hơn 100 năm.

Ngược lại, TTL nói ở giai đoạn giữa Thiền có Ngài Trí Khải lập Lục Diệu Pháp Môn và Thiền Sư Huệ Viễn lập pháp môn Tịnh Độ, rồi TTL suy luận Khi con đường thiền Đông Độ tu không có kết quả người ta mới sinh ra nhiều pháp môn như vậy”.

Đây là những suy luận sai lầm của TTL.



[1] Thích Thông Lạc, Đường Về Xứ Phật, tập 1, Tu Viện Chơn Như xuất bản, Phật Lịch 2549 – 2005, trang 201.

[2] Giáo án tu tập cho người cư sĩ vì chánh Phật pháp, tập 1, phần Sự tu tập của Đạo Phật hiện giờ (Bác sĩ Trí & Đức Tâm ghi chép theo băng giảng, tại Tu Viện Chơn Như). Nguồn: http://www.nguyenthuychonnhu.net

[3] Hòa Thượng Thích Thanh Từ soạn, Tổ Thiền Tông, Tổ Thiền Tông, Tịnh Xá Minh Đăng Quang xuất bản tại Hoa Kỳ, Phật lịch 2533 – 1989, trang 160.

[4] Hòa Thượng Thích Thanh Từ soạn, Tổ Thiền Tông, Tịnh xá Minh Đăng Quang xuất bản tại Hoa Kỳ, Phật lịch 2533 – 1989, trang 215.

[5] Hòa Thượng Thích Trí Quang, Ngài Huệ Năng, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản tại Hoa Kỳ, Phật lịch 2528 – 1985, trang 34.

[6] Hòa Thượng Thích Thanh Từ soạn, Trung Hoa chư Thiền Đức Hành Trạng, tập 2, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức tái bản, Phật lịch 2530 – 1986, trang 71.

[7] Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng, tập 1, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức tái bản, Phật lịch 2530 – 1986, trang 89.

[8] Hòa Thượng Thích Thanh Từ chú giải: Vì người đời sau quá kính trọng Sư nên nhơn Sư họ Mã gọi là Mã Tổ: Ông Tổ họ Mã.

[9] Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng, tập 1, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức tái bản, Phật lịch 2530 – 1986, trang 107.

[10] Giáo sư Takakusu người Nhật soạn, Các Tông Phái của Đạo Phật, Hòa Thượng Tuệ Sĩ dịch, Phật học viện Quốc tế xuất bản tại Hoa Kỳ, Phật lịch 2531 – 1987, trang 245.

[11] Học giả Đoàn Trung Còn, Phật Học Từ Điển, tập 3, chùa Khánh Anh xuất bản tại Pháp, trang 1352.

[12] Hòa Thượng Thanh Từ dịch, Thiền Căn Bản, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản tại Hoa Kỳ, Phật lịch 2525 – 1981, trang 159.

[13]Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Đường Về Cực Lạc, tập 1, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản Phật lịch 2541 – 1997, từ trang 130.

[14] Vì nơi ấy không có mạch nước Ngài cầm tích trượng dộng xuống đất, bỗng có rắn vàng nhỏ từ chỗ dộng trồi lên, nước ngọt từ đất theo dấu rắn mà vọt ra, bèn thành suối tốt. Vì nhơn duyên ấy nên đặt tịnh xá là “Long Tuyền” (suối rồng). (Hòa Thượng Trí Tịnh giải thích).

[15] Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận, tập 1, Trúc Thiên dịch, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản Phật lịch 2533 – 1989, trang 176.

[16] Nguyễn Hiến Lê soạn, Sử Trung Quốc, Văn Nghệ xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2003, trang 841.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 2015(Xem: 6458)
Tôi rất tiếc được biết đến Ngài Thích Thông Lạc hơn hai năm sau khi Ngài tịch diệt ... Vì khi nghe lại những bài giãng của Ngài thì có sanh ra vô vàn câu hỏi !!! Xin cám ơn quý vị đã cho nêu lên vài câu hỏi ở đây.