Chương 04. Thầy Thông Lạc Đắc Đệ Tứ Thiền.

07 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 10292)
doithoai-thaythonglac

CHƯƠNG IV

THẦY THÔNG LẠC ĐẮC ĐỆ TỨ THIỀN.

TTL tự nhận đã đắc Đệ Tứ Thiền. NH đồng ý TTL đắc Đệ Tứ Thiền trong sự nghi ngờ. Tức là NH chưa đồng ý 100% việc đắc Tứ Thiền của TTL. Bởi, TTL viết sai lầm về Thiền Phật Giáo, nên NH cũng nghi ngờ về Đệ Tứ Thiền mà TTL đã đắc.

I. TẠI SAO NH ĐỒNG Ý TTL ĐẮC ĐỆ TỨ THIỀN?

TTL viết rằng khi ngồi thiền đã tịnh chỉ hơi thở rất lâu. Điều này NH đồng ý và khen ngợi. Người ngồi Thiền đến bậc Thiền Thứ Tư (Xả Niệm Thanh Tịnh) đều tịnh chỉ hơi thở. Không phải cố gắng ngưng hơi thở thì vào Đệ Tứ Thiền, mà là khi nhập vào Đệ Tứ Thiền, hành giả tự động ngưng hơi thở. Khi vào Đệ Tứ Thiền, hành giả tự động ngưng hơi thở nhưng không chết. Hành giả ngưng hơi thở càng lâu thì nhập Đệ Tứ Thiền càng cao.

Tạng Kinh Nikāya, Kinh Phúng Tụng, Tôn Giả Sāriputta dạy[1]: “Thành tựu Đệ Tứ Thiền, hơi thở vào hơi thở ra bị đoạn diệt.”

II. TẠI SAO TTL KHIẾN NGƯỜI ĐỌC NGHI NGỜ NGHI NGỜ KHÔNG THỰC SỰ ĐẮC ĐỆ TỨ THIỀN?

* Nghi ngờ TTL không hiểu Tạng Kinh Nikāya:

1. TRÍCH DẪN:

Trang 170 TCB 1, TTL viết[2]: Một người toạ thiền thân không động, miệng không nói và ý không tư duy thì giống như cây đá, đó là thiền của Đại Thừa và Thiền Đông Độ, ngược lại thiền định của Đạo Phật thân không hành ác, nhưng thân hành thiện, miệng không nói lời ác, nhưng miệng nói lời thiện, ý không suy nghĩ điều ác, nhưng ý suy nghĩ điều thiện. Cho nên nên Đạo Phật không chấp nhận hành không, không chấp nhận hành ác, chỉ chấp nhận hành thiện.  Vì vậy tu theo đạo Phật không trở thành cây đá, mà trở thành một con người hữu ích cho mình cho người, có nghĩa là không làm khổ mình khổ người, tạo cảnh sống thế gian thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng.....”

2. NHẬN XÉT:

TTL viết ngược lại với Kinh Đại Không, Kinh Tương Ưng Thí Dụ Cái Chốt Trống, và Kinh Dhammadinna, mà Đức Thế Tôn đã dạy trong Tạng Kinh Nikāya. Đạo Phật chưa bao giờ nói không chấp nhận hành không”. Đây là TTL dùng quan điểm riêng của TTL, rồi đem vào giáo lý Phật Giáo để người đọc hiểu lầm về Đạo Phật.

Mọi người đều biết, những điều tốt đẹp người Phật Giáo phải luôn luôn thực hành là thân hành thiện, miệng không nói lời ác, nhưng miệng nói lời thiện, ý không suy nghĩ điều ác, nhưng ý suy nghĩ điều thiện. Cho nên nên ... Đạo Phật không chấp nhận hành ác, chỉ chấp nhận hành thiện”

Tuy nhiên, một người toạ thiền thân không động, miệng không nói và ý không tư duy không có nghĩa là giống như cây đá, thọ mạng người đó không đoạn tận.

Trong lúc đang tọa Thiền nhập định từ Sơ Thiền đến Đệ Tứ Thiền mà vẫn còn thân hành thiện, miệng không nói lời ác, nhưng miệng nói lời thiện, ý không suy nghĩ điều ác, nhưng ý suy nghĩ điều thiện thì không thể được. Tại sao? Khi hành giả nhập định Sơ Thiền, đình chỉ ngôn ngữ, miệng của hành giả không thể nói. Khi nhập Đệ Nhị, Đệ Tam Thiền trở lên, không còn tầm tứ, thì làm sao thân hành thiện, miệng không nói lời ác, nhưng miệng nói lời thiện, ý không suy nghĩ điều ác, nhưng ý suy nghĩ điều thiện

Thế nên mặc dù NH đồng ý là TTL thực sự đắc Tứ Thiền, nhưng cách viết của TTL cũng có thể khiến cho người đọc nghi ngờ là TTL chưa thực sự đắc Tứ Thiền.

Và TTL viết: Một người toạ thiền thân không động, miệng không nói và ý không tư duy thì giống như cây đá, đó là thiền của Đại Thừa và Thiền Đông Độ là TTL chưa hiểu về Diệt Tận Định hay Diệt Thọ Tưởng Định mà Đức Thế Tôn thường dạy. Kinh Kāmabhū trong Tạng Kinh Nikāya viết về Diệt Thọ Tưởng Định, hy vọng TTL và người đọc tìm hiểu thêm.

3. THAM KHẢO TẠNG KINH NIKĀYA:

a. Không:

1. Kinh Đại Không (P: Mahasunnatasuttam), Đức Thế Tôn dạy[3]: “Vị ấy tác ý nội không. Trong khi vị ấy tác ý nội không, tâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến nội không. Sự kiện là như vậy, này Ānanda, Tỷ-kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý nội không, tâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến nội không". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

Vị ấy tác ý ngoại không. Vị ấy tác ý nội ngoại không. Vị ấy tác ý bất động. Trong khi vị ấy tác ý bất động thời tâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến bất động". Sự kiện là như vậy, này Ānanda, Tỷ-kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý bất động, tâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến bất động". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

Này Ānanda, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú, an tọa, chuyên nhất, và an định nội tâm trên định tướng (samadhinimitte) đã đề cập về trước ấy. Vị ấy tác ý nội không. Trong khi vị ấy tác ý nội không, tâm thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến nội không. Sự kiện là như vậy, này Ānanda, Tỷ-kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý nội không, tâm thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến nội không". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

Vị ấy tác ý ngoại không. Vị ấy tác ý nội ngoại không. Vị ấy tác ý bất động. Trong khi vị ấy tác ý bất động, tâm thích thú, tịnh tín, an trú hướng đến bất động. Sự kiện là như vậy, này Ānanda, vị Tỷ-kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý bất động, tâm thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến bất động". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.”

2. Kinh Tương Ưng Thí Dụ Cái Chốt Trống, Đức Thế Tôn dạy[4]:

“1) Trú ở Sāvatthi.

2)-- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, dân chúng Dasārahā có một cái trống tên là Anaka.

3) Khi cái trống Anaka bắt đầu nứt ra, dân chúng Dasārahā đóng vào một cái chốt khác. Cho đến một thời gian, này các Tỷ-kheo, cả cái thùng ván của trống Anaka biến mất và chỉ còn lại những cái chốt tụ tập lại.

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo sẽ thành trong tương lai.

5) Những bài kinh nào do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không, họ sẽ không nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ không lóng tai; họ sẽ không an trú chánh tri tâm, và họ sẽ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo.

6) Còn những bài kinh nào do các thi sĩ làm, những bài thơ với những danh từ hoa mỹ, với những câu văn hoa mỹ, thuộc ngoại điển, do các đệ tử thuyết giảng, họ sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ lóng tai; họ sẽ an trú chánh tri tâm và họ sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các kinh do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không sẽ đi đến tiêu diệt.

7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: "Những bài kinh nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo".

Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.”

3. Kinh Tương Ưng Bộ, tập 5, viết[5]: “53. III. Dhammadinna (S.v,406)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Bārānasi, tại Isipatana, ở vườn nai.

2) Rồi cư sĩ Dhammadinna với năm trăm cư sĩ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, cư sĩ Dhammadinna bạch Thế Tôn:

3) -- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giảng dạy cho chúng con. Thế Tôn hãy giáo giới cho chúng con! Nhờ vậy chúng con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

-- Nếu vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập như sau: Các kinh điển nào do Như Lai thuyết giảng thâm sâu, nghĩa lý thâm sâu, siêu thế, liên hệ đến nghĩa không, cần phải thường thường được tìm đến và an trú (học hỏi). Như vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập.

4) -- Bạch Thế Tôn, thật không dễ gì cho chúng con, phải sống trong những ngôi nhà đầy những trẻ con, sử dụng hương chiên-đàn từ Kāsi, đeo các vòng hoa, hương và phấn sáp, thọ dụng vàng và bạc, đối với các kinh điển do Thế Tôn thuyết giảng thâm sâu, với ý nghĩa thâm sâu, siêu thế, liên hệ đến nghĩa không, có thể thường thường tìm đến những kinh điển ấy và học hỏi. Bạch Thế Tôn, chúng con là những người an trú trên năm học pháp, Thế Tôn hãy giảng cho chúng con các pháp khác!

5) -- Do vậy, này Dhammadinna, các Ông hãy học tập như sau: "Chúng ta sẽ thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: 'Đây là Như Lai, bậc A-la-hán... Phật, Thế Tôn... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định'". Như vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập.

-- Bạch Thế Tôn, bốn Dự lưu phần này được Thế Tôn thuyết giảng, các pháp ấy có mặt ở nơi chúng con. Chúng con thực hiện các pháp ấy.

6) Bạch Thế Tôn, chúng con thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Đây là Như Lai... Phật, Thế Tôn... đối với Pháp.... đối với chúng Tăng... chúng con thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định".

7) -- Lợi đắc thay cho Ông, này Dhammadinna! Thật khéo lợi đắc thay cho Ông, này Dhammadinna! Này Dhammadinna, Ông đã tuyên bố về Dự lưu quả”.

b. Diệt Tận Định hay Diệt Thọ Tưởng Định.

Kinh Kāmabhū, viết[6]:

“1) Một thời Tôn Giả Kāmabhū trú tại Macchikāsanda, tại rừng Ambātaka.

2) Rồi gia chủ Citta đi đến Tôn Giả Kāmabhā; sau khi đến, đảnh lễ Tôn Giả Kāmabhū, rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, gia chủ Citta thưa Tôn Giả Kāmabhū:

-- Bạch Thượng Tọa, có bao nhiêu hành tất cả?

-- Này Gia chủ có ba hành: thân hành, khẩu hành và ý hành.

-- Lành thay, bạch Thượng Tọa.

Gia chủ Citta hoan hỷ, tín thọ lời Tôn Giả Kāmabhū nói, rồi hỏi thêm Tôn Giả Kāmabhū một câu nữa:

-- Bạch Thượng Tọa, thế nào là thân hành? Thế nào là khẩu hành? Thế nào là ý hành?

-- Hơi thở vô, hơi thở ra, này Gia chủ, là thân hành. Tầm và tứ là khẩu hành. Tưởng và thọ là ý hành.

-- Lành thay, bạch Thượng Tọa.

Gia chủ Citta hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Kāmabhū nói... hỏi thêm câu hỏi nữa:

5) -- Vì sao, bạch Thượng Tọa, thở vô thở ra là thân hành? Vì sao tầm và tứ là khẩu hành? Vì sao tưởng và thọ là ý hành?

-- Thở vô thở ra, này Giả chủ, thuộc về thân. Các pháp này liên hệ đến thân; do vậy, thở vô thở ra là thân hành. Trước phải tầm cầu, tư sát, này Gia chủ, sau mới phát lời nói; do vậy, tầm và tứ là khẩu hành. Tưởng và thọ thuộc về ý. Những pháp này liên hệ đến tâm; do vậy, tưởng và thọ là ý hành.

-- Lành thay, bạch Thượng Tọa.

... hỏi thêm câu hỏi nữa:

6) -- Như thế nào, bạch Thượng Tọa, là chứng Diệt thọ tưởng định?

-- Này Gia chủ, Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định không có nghĩ rằng: "Tôi sẽ chứng đạt Diệt thọ tưởng định", hay: "Tôi đang chứng đạt Diệt thọ tưởng định", hay: "Tôi đã chứng đạt Diệt thọ tưởng định". Do tâm vị ấy trước đã được tu tập như vậy, nên đưa đến thành tựu như thật như vậy.

-- Lành thay...

... hỏi thêm câu nữa:

7) -- Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng Tọa, những pháp nào được đoạn diệt trước, thân hành, hay khẩu hành, hay ý hành?

-- Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, này Gia chủ, khẩu hành được diệt trước, thứ đến thân hành, rồi đến ý hành.

-- Lành thay...

... hỏi thêm câu hỏi nữa:

8) -- Bạch Thượng Tọa, người đã chết, đã mệnh chung, và Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, giữa những người này có những sai khác gì?

-- Đối với người đã chết, đã mệnh chung, này Gia chủ, thân hành người ấy được đoạn diệt, được khinh an; khẩu hành được đoạn diệt, được khinh an; ý hành được đoạn diệt, được khinh an, thọ mạng được đoạn tận; sức nóng được tịnh chỉ; các căn bị hủy hoại. Còn Tỷ-kheo đã chứng đạt Diệt thọ tưởng định, này Gia chủ, thân hành được đoạn diệt, khinh an; khẩu hành được đoạn diệt, khinh an; ý hành được đoạn diệt, khinh an; thọ mạng không bị đoạn tận; sức nóng không bị tịnh chỉ; các căn được trong sáng. Này Gia chủ, người đã chết, đã mệnh chung và Tỷ-kheo chứng đạt Diệt thọ tưởng định, giữa những người này có những sai khác như vậy.

-- Lành thay...

... hỏi thêm câu hỏi nữa.

9) -- Như thế nào, bạch Thượng Tọa, là ra khỏi Diệt thọ tưởng định?

-- Này Gia chủ, Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định không có suy nghĩ: "Tôi sẽ ra khỏi Diệt thọ tưởng định", hay: "Tôi đang ra khỏi Diệt thọ tưởng định", hay: "Tôi đã ra khỏi Diệt thọ tưởng định". Do tâm vị ấy trước đã được tu tập như vậy, nên đưa đến thành tựu như thật như vậy.

-- Lành thay, bạch Thượng Tọa...

... hỏi thêm câu hỏi nữa:

10) -- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng Tọa, pháp nào khởi lên trước, thân hành, khẩu hành, hay ý hành?

-- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, này Gia chủ, ý hành khởi lên trước, rồi đến thân hành, rồi đến khẩu hành.

-- Lành thay, bạch Thượng Tọa...

...hỏi thêm câu hỏi nữa:

11) -- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng Tọa, cảm giác được bao nhiêu xúc?

-- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định cảm thọ được ba xúc: không xúc, vô tướng xúc, vô nguyện xúc.

-- Lành thay, bạch Thượng tọa.

Gia chủ Citta hoan hỷ, tín thọ... và hỏi thêm câu hỏi nữa:

12) -- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, bạch Thượng Tọa, tâm thiên về đâu, hướng về đâu, nghiêng về đâu?

-- Tỷ-kheo ra khỏi Diệt thọ tưởng định, này Gia chủ, tâm vị ấy thiên về viễn ly, hướng về viễn ly, nghiêng về viễn ly.

-- Lành thay, bạch Thượng Tọa.

Gia chủ Citta hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Kāmabhū nói rồi hỏi thêm câu hỏi nữa:

13) -- Bạch Thượng tọa, có bao nhiêu pháp giúp đỡ nhiều cho sự chứng đắc Diệt thọ tưởng định?

-- Thật sự, này Gia chủ, điều Gia chủ cần phải hỏi trước, Gia chủ lại hỏi sau. Tuy vậy, ta sẽ trả lời cho Gia chủ. Này Gia chủ, có hai pháp giúp đỡ rất nhiều cho Diệt thọ tưởng định được chứng đắc. Đó là Chỉ và Quán.”

III. TỨ THIỀN CỦA THẦY THÔNG LẠC LÀ LOẠI THIỀN NÀO?

Tứ Thiền của TTL không có gì lạ cả. Đó là Tứ Thiền của phàm phu thuộc loại Thiền Chỉ (S: Śamatha, P: Samatha) hay còn gọi là Nội Tâm Chỉ. Dù TTL viết danh từ thật “oai” là Tứ Thánh Định hay Bốn Thánh Định, nhưng phương pháp tu tập của TTL dù NH chưa gặp mặt nói chuyện cũng biết đó là Thiền Chỉ của phàm phu Thiền. (Vui lòng xem thêm chương 8: Thầy Thông Lạc sai lầm khi chê Nam Tông, Bắc Tông và chương 9: Thầy Thông Lạc sai lầm khi so sánh các loại Thiền).

VI. DÙ TỊNH CHỈ HƠI THỞ ĐỂ CHẾT, CŨNG CHƯA PHẢI LÀ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC SANH TỬ LUÂN HỒI

Dù tịnh chỉ hơi thở để chết cũng chưa phải là giải quyết được sanh tử luân hồi. Đó chỉ là việc của những hành giả đắc Tứ Thiền trở lên làm được. Nhưng sau khi chết sẽ tái sanh làm chúng sinh ở cõi Trời hoặc trở lại làm người, nếu người đó làm ác vẫn bị đọa trong tam đồ ác đạo. Chỉ có các bậc đắc Lậu Tận Minh, Lậu Tận Thông hay Lậu Tận Trí Thông mới thoát ly khỏi sanh tử luân hồi.

* Trường hợp tái sanh trở lại làm người.

Giới Diễn Thiền Sư tu hành rất cao, nhưng khi Ngài có vọng tưởng vi tế, nghĩ đến tình yêu nam nữ bị Thiền Sư Quang Huệ biết được và Ngài Giới Diễn Thiền Sư đã quy tức và viên tịch. Đời sau tái sanh làm Tô Đông Pha.

Sách Niệm Phật Thập Yếu viết[7]: “Nhân tiện xin nhắc lại một câu chuyện về vọng tưởng vi tế, cho các bạn đồng tu thêm phần nhận thức: Quang Huệ và Giới Diễn là hai vị Thiền Sư đều ngộ đạo. Một hôm trong khi đồng ngồi Thiền, nơi tiềm thức của Ngài Giới Diễn thoạt nổi lên một niệm sắc ái. Ngài liền diệt trừ; song bên kia Quang Huệ Thiền sư đã hay biết. Sau khi xuất định, Ngài Quang Huệ có làm bài kệ có ý trêu cợt Ngài Giới Diễn. Giới Diễn Thiền Sư buồn thẹn, liền thâu thần nhập diệt. Ngài Quang Huệ hối hận, gọi đệ tử đến phó chúc rằng: “Bạn ta trong khi Thiền Định có một niệm sắc ái, sau tất lụy về sắc; vì phiền ta mà thị tịch, sau sẽ phá hoại Tăng Bảo. Lỗi ấy một phần do ở nơi ta, nếu ta không theo hóa độ tất sẽ mang lấy hậu quả”. Dặn dò xong, Ngài cũng viên tịch theo luôn. Sau Quang Huệ chuyển thân làm Thiền Sư Phật Ấn; Giới Diễn chuyển kiếp làm Tô Đông Pha. Đông Pha do kiếp trước có tu nên làm quan, thông minh trí huệ mà cũng đa tình. Ông có đến bảy người thiếp, và thường đem sự thông minh bác lãm của mình mà vấn nạn các vị Thiền Sư. Về sau bị Ngài Phật Ấn chiết phục, ông mới quay lại đường lối tu Phật. Cho nên vọng tưởng vi tế, người tu lâu cũng phải e ngại là thế. Tiên đức có câu:

Công phu không thiếu cũng không dư.

Muôn kiếp tham si chữa dễ trừ!

V. ĐỌC THÊM:

Mọi người đều biết Đề Bà Đạt Đa đã đắc Đệ Tứ Thiền nhưng tâm kiêu mạn quá lớn, muốn lãnh đạo giáo hội Phật Giáo, thay thế Đức Thế Tôn. Nhưng Đức Thế Tôn không đồng ý, thế là ông tìm cách hại Đức Thế Tôn, làm thân Phật chảy máu, nên bị đọa Địa Ngục.

Luận Đại Trí Độ, Bồ Tát Long Thọ viết[8]: “Trong đệ tử Phật cũng có trường hợp một vị Tỷ Khưu được Tứ Thiền, sinh tâm tăng thượng mạn nói là đã được bốn đạo (A La Hán). Mới được Sơ Thiền nói là được quả Tu Đà Hoàn; lúc được Nhị Thiền, nói là được quả Tư Đà Hàm; khi được Tam Thiền nói là được quả A Na Hàm; khi được Tứ Thiền nói là được quả A La Hán (được Thiền chưa phải là đắc đạo quả!). Cậy thế rồi thôi, không cầu tiến nữa, đến khi mạng hết thấy có Thân Trung Ấm Tứ Thiền lại (thấy Thân Trung Ấm là còn sinh tử, được Niết Bàn mới ra khỏi sinh tử), rồi sinh tà kiến nói là không Niết Bàn, Phật dối ta! Vì sinh lời ác tà nên mất Trung Ấm Tứ Thiền, liền thấy tướng Trung Ấm ngục A Tỳ Nê Lê lại đón. Sau khi chết, liền sinh vào Địa Ngục A Tỳ.

Các Tỷ khưu hỏi Phật: Tỷ khưu đó ở A Lan Nhã mạng chung sinh ở chỗ nào?

Phật nói: Người này sinh vào trong Địa Ngục A Tỳ Nê Lê!

Các Tỷ khưu kinh lạ: Người này trì giới tọa thiền vì lý do gì mà đọa Địa Ngục?

Phật nói: Người này tăng thượng mạn, được Tứ Thiền mà nói là được Bốn Đạo; tới khi mạng chung thấy tướng Tứ Thiền Trung Ấm, liền sinh tà kiến, nói là: “Không có Niết Bàn, ta là A La Hán, Phật dối ta”, tức thời thấy tướng Trung Ấm A Tỳ Nê Lê, tức là chết sinh vào Địa Ngục Vô Gián. Lúc đó Phật nói kệ rằng:

Học nhiều, trì giới Thiền,
Chưa được pháp vô lậu,
Tuy có công đức ấy,
Việc đó không thể tin!


[1] Kinh Phúng Tụng, Kinh Trường Bộ, tập 2, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2535 – 1991, trang 644.

[2] Nguồn http://www.thuvienhoasen.org

[3] Kinh Đại Không (P: Mahasunnatasuttam), Kinh Trung Bộ, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2536 – 1992, trang 305~306.

[4] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, Tương Ưng Thí Dụ Cái Chốt Trống, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2544 – 2000, trang 466~467.

[5] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 5, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2537 – 1993, trang 591~593.

[6] Kinh Kāmabhū, Kinh Tương Ưng Bộ, tập 4, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2537 – 1993, trang 458 trở đi.

[7] Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Niệm Phật Thập Yếu, Tịnh Liên Thư Đồ Quán và Bồ Đề Đạo Tràng xuất bản tại Hoa kỳ, Phật lịch 2543 – 1999, trang 177~178.

[8] Bồ Tát Long Thọ, Luận Đại Trí Độ, tập 2, Hòa Thượng Thích Trung Quán dịch, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản tại Hoa Kỳ, Phật Lịch 2534 – 1990, trang 363~364.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 2015(Xem: 6511)
Tôi rất tiếc được biết đến Ngài Thích Thông Lạc hơn hai năm sau khi Ngài tịch diệt ... Vì khi nghe lại những bài giãng của Ngài thì có sanh ra vô vàn câu hỏi !!! Xin cám ơn quý vị đã cho nêu lên vài câu hỏi ở đây.