Chương 5. Thầy Thông Lạc Không Đắc Tam Minh.

08 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 8667)
doithoai-thaythonglac

CHƯƠNG V:

THẦY THÔNG LẠC KHÔNG ĐẮC TAM MINH

  1. I. TRÍCH DẪN:
  1. 1. Túc Mạng Minh:

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 3, TTL viết: “Khi Đức Phật tu tập xong và cảm nhận bộ máy thân ngũ uẩn thật là vi diệu và tuyệt vời, Ngài đã điều khiển nó bắt gặp các tần số âm thanh, sắc tướng của tất cả những hành động của những sự việc đã qua của những người chết còn lưu lại trong không gian. Bất kỳ thời gian quá khứ nào Ngài cũng bắt gặp lại được dễ dàng, những danh từ trong thời Ngài được gọi, đó là Túc Mạng Minh.” 

  1. 2. Thiên Nhãn Minh:

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 3, TTL viết: Những hình ảnh, âm thanh và những hành động đã qua của con người còn giữ lại trong không gian này bất kỳ nơi đâu, một khi điều khiển được thân ngũ uẩn, nó đều bắt gặp các từng số hình ảnh và âm thanh đó một cách dễ dàng. Danh từ dùng trong thời Đức Phật gọi đó là Thiên Nhãn Minh.”

  1. 3. Lậu Tận Minh:

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 3, TTL viết: “Khi Đức Phật tu xong, Ngài truy tìm con người từ đâu sanh ra? Với chiếc máy thân ngũ uẩn, Ngài đã điều khiển và tìm thấy được nguyên nhân sanh ra con người đó là nghiệp lực nhân quả mà danh từ trong thời Đức Phật gọi là Lậu Tận Minh.”

  1. 4. Tam Minh: 

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 1, trang 164, TTL viết[1]:Có ly tham đoạn ác pháp thì quý vị mới nhập được Thiền định và Tam Minh.” Trang 183, TTL viết tiếp: Trước khi muốn nhập bốn Thiền và Tam Minh thì phải tu tập tâm Thánh, tức là tâm phải ly dục ly ác pháp, còn nếu chưa ly dục ly ác pháp thì đừng mong nhập bốn Thiền và Tam Minh.” Và trang 248, TTL viết tiếp: “Và nội lực thanh tịnh của tâm con tức là lực ly dục ly ác pháp sẽ giúp con thành tựu Thiền định và Tam Minh một cách dễ dàng không mấy khó khăn.” 

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 1, TTL viết[2]: Trong sách này dạy rằng “không có thế giới siêu hình” nếu quý vị bảo rằng: “có thế giới siêu hình thì quý vị hãy tu tập có trí tuệ tam minh, rồi quan sát vũ trụ tìm xem linh hồn người chết, Thần, Thánh, quỷ ma ở đâu, có hay không có?”

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 2, TTL viết[3]: Người sống như vậy thì sự tu hành không bao lâu sẽ thành đạt, nghĩa là người ấy sẽ đạt được Thiền Định và Tam Minh một cách dễ dàng không mấy khó khăn và mệt nhọc.” Trang 271, TTL viết tiếp:Người nhập xong Tứ Thiền, chứng Tam Minh là bậc A La Hán như trong thời Đức Phật còn tại thế.”

Bài giảng Bồ Tát Bịnh Vì Chúng Sanh Bịnh, TTL viết:Kết quả tôi hướng tâm đến Tam Minh chỉ trong vòng sáu tháng với một nhiệt tâm nồng cháy, với một nghị lực dũng mãnh, với một ý chí sắt đá kiên cường; tôi thành tựu, làm chủ sự sống chết, tâm chẳng hề dao động trước bất cứ một đối tượng nào.”

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 10, TTL viết: Nếu đem giới luật ra so sánh thì tôi giữ gìn giới luật nghiêm túc, tâm ly dục, ly ác pháp, nhập Tứ Thiền, tịnh chỉ được hơi thở và thực hiện được trí tuệ Tam Minh.”

  1. II. THAM KHẢO TẠNG KINH NIKĀYA

A. Kinh Phúng Tụng, Tôn Giả Sāriputta dạy[4]: “Ba minh: Túc mạng trí minh, Hữu tình trí minh, Lậu tận trí minh.”

B. Kinh Phúng Tụng, Tôn Giả Sāriputta dạy[5]: “Bốn pháp cần phải chứng ngộ: Túc mạng cần phải chứng ngộ bởi niệm. Sanh tử cần phải chứng ngộ bởi nhãn. Tám giải thoát cần phải chứng ngộ bởi thân. Lậu tận cần phải chứng ngộ bởi tuệ.”

C. Kinh Tiểu Bộ, tập 1, Kinh Phật Thuyết Như Vậy, viết[6]:

(XCIX) (Tik. V,10) (It. 98)

Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng: "Một Bà-la-môn có được ba minh, một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì người này bập bẹ nói lên". Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Ta tuyên bố rằng một Bà-la-môn có được ba minh một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì người này bập bẹ nói lên?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nhớ đến người đời quá khứ, ví như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp, nhiều thành hoại kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy, Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Đây là minh thứ nhất, vị ấy chứng đạt; vô minh diệt, minh sanh; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Các vị chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, về lời, về ý, phỉ báng các bậc Thánh theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục. Còn những vị chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, về lời, về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Đây là minh thứ hai vị ấy chứng đạt; vô minh diệt, minh sanh; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do diệt tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Đây là minh thứ ba, vị ấy chứng đạt, vô minh diệt, minh sanh; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng một Bà-la-môn có được ba minh một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì người này bập bẹ nói lên.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Ai biết được đời trước,
Với Thiên giới đọa xứ,
Người ấy, Ta tuyên bố,
Là vị Bà-la-môn,
Chớ không phải ai khác,
Chỉ mở miệng bập bẹ.
Ai biết được đời trước,
Thấy Thiên giới, đọa xứ,
Vị ấy đạt sanh diệt,
Thật là bậc ẩn sĩ,
Đã thành tựu thắng trí.
Ba minh này thành tựu,
Là Phạm chí ba minh,
Ta gọi vị như vậy,
Chính là bậc Ba minh,
Chớ không phải ai khác,
Do nói lời bập bẹ
.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.”

D. Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, Kinh Tikanna, viết[7]:

“1-6

1. Rồi Bà-la-môn Tikanna đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn... ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Tikanna, trước mặt Thế Tôn, tán thán các bậc Bà-la-môn có đầy đủ ba minh.

- Phải, này Bà-la-môn, họ là bậc có ba minh. Phải, các Bà-la-môn có ba minh. Cho đến như thế nào, này Bà-la-môn, các Bà-la-môn diễn tả ba minh của các Bà-la-môn?

- Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, vị Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào, không bị một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh, nhà phúng tụng, nhà trì chú, thông hiểu ba tập Veda với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và các cổ truyện là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về thuận thế (tự nhiên học) và tướng của vị đại nhân. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các vị Bà-la-môn diễn tả ba minh của các vị Bà-la-môn.

- Thật là khác, này Bà-la-môn, các Bà-la-môn diễn tả ba minh của các Bà-la-môn. Thật là khác ba minh trong Luật của bậc Thánh.

- Như thế nào, thưa Tôn giả Gotama, là ba minh trong giới Luật của bậc Thánh? Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho chúng tôi về ba minh trong Luật của bậc Thánh.

- Vậy Bà-la-môn hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

2. Thưa vâng, Tôn giả.

Bà-la-môn Tikanna vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

- Ở đây, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo ly dục, ly các pháp ác, bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, vị ấy chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh, nhất tâm. Ly hỷ, trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, vị ấy chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, vị ấy chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

3. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai muơi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết, tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây.” Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Đây là minh thứ nhất đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

4. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy, với Thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.

Các chúng sanh làm những ác hạnh về thân, ngữ, ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, ngữ, ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này. Như vậy, vị ấy với thiên nhãn, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Đây là minh thứ hai đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

5. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: “Đây là Khổ”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của Khổ”, biết như thật: “Đây là khổ diệt”, biết như thật: “Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt”, biết như thật: “Đây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là ngưyên nhân các lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa”. Đây là minh thứ ba đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

6. Giới hạnh không cao thấp,
Khôn khéo và Thiền tịnh,
Với tâm được chinh phục,
Nhứt tâm, khéo định tĩnh,
Bậc trí đoạn mê ám,
Ba minh, diệt tử thần,
Vị ấy được tôn xưng,
Đại hạnh cho Trời, Người,
Bạc “Đoạn tận tất cả”,
Đầy đủ cả ba minh,
An trú không mê vọng,
Đức Phật, bậc Giác Ngộ,
Bậc chứng thân tối hậu.
Chúng lễ Gotama.
Thấy Thiên giới, đọa giới,
Vị ấy là đạo sĩ,
Đoạn sanh, đạt thắng trí
Vị Bà-la-môn nào,
Chứng được ba minh này,
Ta gọi là ba minh”.

E. Kinh Tiểu Bộ, tập 3, viết[8]: “(CCLVI) Anuruddha (Thera. 83)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Kapilavatthu, trong nhà dòng họ Sakya Amitodana và được đặt tên là Anuruddha. Anh của Ngài là Thích-ca Mahānāma, con người cậu của đức Phật. Ngài được nuôi dưỡng rất tế nhị, mỗi mùa ở mỗi nhà khác nhau, có các vũ nữ vũ sư đoanh vây, thọ hưởng sự giàu sang thần tiên. Khi được gọi làm người bảo vệ cho bậc Đạo Sư, ngài đi đến Đức Phật, trong rừng xoài ở Anupiyā, thọ giới xuất gia, và trong mùa an cư mùa mưa, Ngài chứng Thiên Nhãn. Nhận được đề tài thiền quán từ Ngài Xá-lợi-phất. Ngài đi đến rừng trúc ở phương Đông, hành thiền quán, và chứng được bảy tư duy của một vị Đại Nhân, nhưng chưa chứng được tư duy thứ tám. Bậc Đạo Sư nhận thấy vậy liền dạy cho ngài quá trình tu chứng của bậc Thánh. Nhớ lại lời dạy này, Anuruddha phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán cùng với thắng trí và vô ngại giải thù thắng. Ngài được Thế Tôn xác nhận là bậc Thiên Nhãn Đệ Nhất. Và Ngài sống trong an lạc giải thoát. Một hôm ôn lại quá trình tu chứng của mình, ngài hoan hỷ phấn khởi, và nói lên bài kệ sau đây:

892. Bỏ cha mẹ, bà con,
Bỏ anh em, chị em,
Bỏ năm dục trưởng dưỡng,
A-na-luật tu thiền.

893. Sống hệ lụy múa, ca,
Dạy với tiếng xập xỏa,
Sống vậy không đạt được,
Cảnh giới đạo thanh tịnh,
Vì rằng ta ưa thích,
Trong giới vực của Ma.

894. Và ta vượt tất cả,
Vui thích lời Phật dạy,
Vượt mọi loại bộc lưu,
A-na-luật tu thiền.

895. Sắc, thanh, vị, hương, xúc,
Hấp dẫn, rất thích ý,
Vượt qua tất cả chúng,
A-na-luật tu thiền.

896. Đi khất thực trở về,
Đơn độc, vị ẩn sĩ,
Tìm vải từ đống rác,
A-na-luật đạt được,
Không còn các lậu hoặc.

897. ẩn sĩ thâu, lượm lấy,
Giặt, nhuộm, và đắp mặc,
Các vải từ đống rác,
Sáng suốt, A-na-luật,
Không còn các lậu hoặc.

898. Nhiều dục, không biết đủ,
Ưa giao du, tháo động,
Những pháp này có mặt,
Thuộc tà ác, uế nhiễm,

899. Chánh niệm và ít dục,
Biết đủ, không não loạn,
Thích viễn ly, hân hoan,
Thường tinh cần tinh tấn.

900. Những pháp này có mặt,
Thuần thiện Bồ đề phần,
Vị ấy không lậu hoặc,
Bậc Đại tiên nói vậy.

901. Biết tâm tư ta vậy,
Thế gian Vô Thượng Sư,
Với thân do ý tạo,
Thần thông đến với ta.

902. Tùy theo ta nghĩ gì,
Ngài thuyết rõ tất cả,
Phật không ưa hý luận,
Ngài thuyết không hý luận.

903. Ngộ pháp ta hoan hỷ,
Trú trong giáo pháp Ngài,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.

904. Suốt năm mươi lăm năm,
Ta không bao giờ nằm,
Trong hai mươi lăm năm,
Đoạn dứt được ngủ nghỉ.

905. Không thở vô thở ra,
Bậc như vậy trú tâm,
Không tham dục, tịch tịnh,
Bậc có mắt Niết-bàn.

906. Với tâm không dao động,
Sống cảm thọ cuối cùng,
Như ngọn lửa diệt tắt,
Tâm Ngài được giải thoát.

907. Nay chính những pháp này,
Là những pháp cuối cùng,
Những cảm xúc thứ năm,
Của bậc Đại Mâu-ni,
Sẽ không còn pháp khác,
Bậc Chánh giác Niết-bàn.

Rồi một Thiên nhân, trước kia là người hầu cận ngài, thấy ngài già và ốm, vì lòng thương ngài, yêu cầu Ngài tái sanh ở chư Thiên. Ngài trả lời như sau:

908. Nay không còn tái sanh
Trong thế giới chư Thiên,
Này kẻ gieo cạm bẫy.
Dòng sanh tử, đoạn tận,
Nay không còn tái sanh
.

Rồi vị Tỷ-kheo khác, không thấy vị Thiên Nhân, không hiểu bậc Trưởng lão nói với ai. Để nói lên thần thông của mình, Ngài nói câu kệ:

909. Ai trong thời gian ngắn
Biết thế giới ngàn cõi,
Vị ấy thật xứng đáng,
Được sống giới Phạm Thiên,
Nhưng nay Tỷ-kheo ấy,
Đầy đủ thần thông lực,
Thấy được thời gian nào,
Chư Thiên chết và sanh.

Rồi Ngài nói lên nghiệp trước của ngài:

910. Đời trước ta đã sống,
Tên Annabhara,
Bần cùng, phải làm lụng,
Lo nuôi sống tự thân,
Rồi ta đến cúng dường,
Bậc Sa-môn danh tiếng,
Sa-môn với xưng danh,
Ngài Uparittha.

911. Rồi ta được sanh trưởng,
Trong dòng họ Thích-ca,
Ta được biết với tên,
Là Anuruddha,
Sống hệ lụy múa ca,
Dạy với tiếng xập xỏa.

912. Ta thấy bậc Chánh Giác,
Bậc Đạo Sư vô úy,
Tín tâm khởi nơi Ngài,
Ta xuất gia không nhà.

913. Ta biết các đời trước,
Trước ta sống chỗ nào,
Giữa cõi Ba Mươi Ba,
Ta sanh làm Đế Thích.

914. Bảy lần làm Nhân Chủ,
Ta trị vì quốc độ,
Ta chinh phục bốn phương,
Làm chúa châu Diêm Phù,
Không dùng gậy dùng gươm,
Trị vì với Chánh Pháp.

915. Từ đây bảy bảy lần,
Mười bốn lần luân hồi,
Ta biết được đời sống,
Khi ta trú thiên giới.

916. Trong thiền định năm chi,
Tâm an tịnh nhất tâm,
Tâm ta được khinh an,
Thiên Nhãn ta thanh tịnh.

917. Ta biết sanh và chết,
Chỗ đến đi hữu tình,
Đời này và đời khác,
Ta trú thiền năm chi.

918. Ta hầu hạ Đạo Sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.

919. Tại làng Vê-lu-va,
Giữa dân tộc Vajji,
Ta đi đến đoạn diệt,
Chấm dứt dòng sanh tử,
Dưới bóng của khóm trúc,
Ta sẽ nhập Niết-bàn,
Không còn có lậu hoặc”.

  1. III. ĐỊNH NGHĨA TAM MINH:
  1. 1. Túc Mạng Minh:

(S: Pūrvanivāsānusmrti-jñāna-sāksat-kriyā, H: 宿 命 明).

Cũng gọi là Túc mạng trí chứng minh, Túc trụ tuỳ niệm trí tác chứng minh, Túc trụ trí chứng minh, Túc trụ trí minh, Túc mạng minh, Túc mạng trí: Trí huệ biết rõ tướng trạng của mình và của chúng sinh từ một đời về trước cho đến trăm ngàn vạn ức đời trước, kiếp trước.

 

  1. 2. Thiên Nhãn Minh:

(S: Cyuty-upapāda-jñāna-sākṣātkriya-vidya, H: 天 眼 明).

Cũng gọi là Sinh tử trí minh, Sinh tử trí chứng minh, Tử sinh trí minh, Thiên nhãn trí. Tức là trí biết về sinh tử của các loài hữu tình. Chỉ cho trí tuệ sáng suốt, biết rõ tướng trạng sống chết trong tương lai của các loài hữu tình. Tức là đối với lúc còn sống hoặc lúc đã chết, thiện sắc, ác sắc, thượng sắc, hạ sắc của tất cả chúng sinh đều rõ biết. Đồng thời biết rõ chúng sinh do ba nghiệp thân, miệng, ý mà làm điều thiện, điều ác, do nhân duyên chính pháp hoặc tà pháp mà sau khi chết sẽ sanh và đường lành hạnh phúc hoặc đường ác khổ đau.

  1. 3. Lậu Tận Minh:

(S: Āsrava-ksaya-jñāna-sāksāt-kriya-vidyā, H: 漏 盡 明)

Cũng gọi là Lậu tận trí chứng minh, Lậu tận trí minh, Lậu tận trí: Cần phải được chứng ngộ bởi tuệ, dùng trí huệ biết rõ như thật và chứng đắc lý Tứ Đế, giải thoát tâm hữu lậu, diệt trừ tất cả phiền não.

  1. IV. NHẬN XÉT

NH chưa tìm thấy câu văn nào trong các sách Đường Về Xứ Phật, v.v… TTL viết về đời trước của chính mình, hay là đời trước của người này, người nọ để chứng tỏ rằng TTL đã đắc Túc Mạng Minh hay Túc Mạng Thông. NH cũng chưa tìm thấy câu văn nào TTL viết rằng đời sau người này sẽ như thế này, người nọ sẽ như thế khác, để chứng tỏ rằng TTL đã đắc Thiên Nhãn Minh hay Sanh Tử Trí Minh. Nhưng trong sách Đường Về Xứ Phật, tập 10, TTL tự nhận đã đắc Tam Minh. Thế nên NH cứ giả sử là TTL đã đắc Tam Minh. NH tạm dùng cách giải thích Tam Minh của TTL đã nói về Đức Thế Tôn để nhận xét về trường hợp của TTL:

  1. 1. Túc Mạng Minh:

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 3, TTL viết: “Khi Đức Phật tu tập xong và cảm nhận bộ máy thân ngũ uẩn thật là vi diệu và tuyệt vời, Ngài đã điều khiển nó bắt gặp các tần số âm thanh, sắc tướng của tất cả những hành động của những sự việc đã qua của những người chết còn lưu lại trong không gian. Bất kỳ thời gian quá khứ nào Ngài cũng bắt gặp lại được dễ dàng, những danh từ trong thời Ngài được gọi, đó là Túc Mạng Minh.” 

TTL dựa theo khoa học để giải thích Túc Mạng Minh. Nhưng TTL viết: “cảm nhận bộ máy thân ngũ uẩn thật là vi diệu và tuyệt vời” là ngược lại với những lời dạy của Đức Thế Tôn về Vô Ngã.

  1. 2. Thiên Nhãn Minh:

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 3, TTL viết: Những hình ảnh, âm thanh và những hành động đã qua của con người còn giữ lại trong không gian này bất kỳ nơi đâu, một khi điều khiển được thân ngũ uẩn, nó đều bắt gặp các từng số hình ảnh và âm thanh đó một cách dễ dàng. Danh từ dùng trong thời Đức Phật gọi đó là Thiên Nhãn Minh.” TTL viết như vậy là sai lầm. Đây cũng chỉ là Thiên Nhãn Thông, chứ không phải là Thiên Nhãn Minh. Vui lòng xem Thiên Nhãn Minh ở phần so sánh Tạng Kinh Nikāya và phần định nghĩa ở trên. Nhưng TTL viết câu này chưa rõ ràng, nó có vẻ hơi tương tự như Túc Mạng Thông. Và, một người không có Túc Mạng Thông, không có Thiên Nhãn Thông, nhưng đã thấy qua cảnh vật nơi nào đó, do tận mắt thấy, do xem truyền hình, v.v… sau này đến nơi đó, họ nhớ “những hình ảnh, âm thanh và những hành động đã qua của con người”, thì không lẽ người đó cũng được Thiên Nhãn Minh, như cách giải thích của TTL trong câu trên hay sao?

Tóm lại, TTL chưa hiểu về Thiên Nhãn Minh, đã giải thích sai lầm về Thiên Nhãn Minh, nên chắc chắn TTL không đắc Thiên Nhãn Minh.

  1. 3. Lậu Tận Minh:

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 3, TTL viết: Khi Đức Phật tu xong, Ngài truy tìm con người từ đâu sanh ra? Với chiếc máy thân ngũ uẩn, Ngài đã điều khiển và tìm thấy được nguyên nhân sanh ra con người đó là nghiệp lực nhân quả mà danh từ trong thời Đức Phật gọi là Lậu Tận Minh.”

Khi giải thích Lậu Tận Minh, TTL chấpchiếc máy thân ngũ uẩn là ngược lại với những lời dạy của Đức Thế Tôn về Vô Ngã. Thực tế, bậc đắc Lậu Tận Minh là bậc cần phải được chứng ngộ bởi tuệ, dùng trí tuệ biết rõ như thật và chứng đắc lý Tứ Đế, giải thoát tâm hữu lậu, diệt trừ tất cả phiền não.

TTL chưa dứt những kiết sử, những phiền não căn bản, nghi ngờ Đức Thế Tôn, v.v... (Vui lòng xem thêm chương 6: Thầy Thông Lạc không đắc Thánh Quả A La Hán, cũng không đắc quả vị nào trong Tứ Quả). Thế nên TTL không đắc Lậu Tận Minh.

Lại nữa, TTL hiểu lầm những lời dạy của Đức Thế Tôn trong Tạng Kinh Nikāya, như:

1) Phản đối lý luận: “Ngũ Uẩn giai không” của Phật Giáo.

2) Không hiểu Kinh Pháp Môn Căn bản.

3) Việc tụng giới nửa tháng một lần bị hiểu sai, TTL cho đó là các Tổ bày đặt chứ không phải do Đức Thế Tôn dạy.

4) Không tin có cõi Trời, các cõi siêu hình khác và cho rằng cúng thí thực là vô ích.

5) Giải thích sai Thiên Nhãn Minh của Đức Thế Tôn. Chứng tỏ TTL không hiểu chữ: “Thiên Nhãn Minh”, thì đương nhiên không thể chứng đắc Thiên Nhãn Minh.

6) Viết mâu thuẫn đoạn trước với đoạn sau, v.v...

Tóm lại, TTL không đắc Tam Minh.



[1] Thích Thông Lạc, Đường Về Xứ Phật, tập 1, Tu viện Chơn Như xuất bản Phật Lịch 2549 – 2005, trang 164.

[2] Thích Thông Lạc, Đường Về Xứ Phật, tập 1, Tu viện Chơn Như xuất bản Phật Lịch 2549 – 2005, trang 10.

[3] Thích Thông Lạc, Đường Về Xứ Phật, tập 2, Tu viện Chơn Như xuất bản Phật Lịch 2549 – 2005, trang 249.

[4] Kinh Phúng Tụng, Kinh Trường Bộ, tập 2, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2535 – 1991, trang 583.

[5] Như trên, trang 595.

[6] Kinh Tiểu Bộ, tập 1, Kinh Phật Thuyết Như Vậy, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật lịch 2543 – 1999, trang 431~434.

[7] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật lịch 2540 – 1996, kinh thứ 58, Tikanna, trang 291~297.

[8] Kinh Tiểu Bộ, tập 3, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2544 – 2000, trang 422~429.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 2015(Xem: 6458)
Tôi rất tiếc được biết đến Ngài Thích Thông Lạc hơn hai năm sau khi Ngài tịch diệt ... Vì khi nghe lại những bài giãng của Ngài thì có sanh ra vô vàn câu hỏi !!! Xin cám ơn quý vị đã cho nêu lên vài câu hỏi ở đây.