Chương 9. Thầy Thông Lạc Sai Lầm Khi So Sánh Các Loại Thiền

09 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 6717)
doithoai-thaythonglac

CHƯƠNG IX:

THẦY THÔNG LẠC SAI LẦM KHI SO SÁNH CÁC LOẠI THIỀN

ITRÍCH DẪN:

 Giáo án tu tập cho người cư sĩ vì chánh Phật pháp, tập 1, phần Sự tu tập của Đạo Phật hiện giờ (Bác sĩ Trí & Đức Tâm ghi chép theo băng giảng, tại Tu Viện Chơn Như) TTL giảng: “Kinh Đại Thừa không có cách thức xuất nhập định, nên chỉ dừng hết vọng tưởng là thành Phật. Ở trạng thái này kinh Đại Thừa gọi là thường định, đại định, định không xuất nhập. Thiền Đông Độ cũng vậy không có định xuất nhập. Còn Thập Mục Ngưu Đồ thì vào định vong thân người trâu đều quên. Theo kinh nghiệm bản thân của tôi, nhìn cách thức buông vọng dừng vọng thì biết cách thức nhập định của họ.

 Bây giờ tôi so sánh hai thứ Thiền định của Phật và thiền định của Tổ để quý vị suy gẫm

TTL giảng tiếp: Đem so sánh thì thấy hai loại thiền có vẻ tương đương với nhau nhưng Kinh Nguyên Thủy gọi là ly dục sanh hỷ lạc nhập Sơ Thiền, kinh Đại Thừa gọi là thành Phật, thiền Đông Độ gọi là bản lai diện mục”.

Bài giảng Khi tu xong, còn tham, sân, si nữa không? TTL viết: Trí tuệ hiểu biết những tưởng pháp như hiểu biết trong kinh sách Đại Thừa và các công án của Thiền Đông Độ là tưởng tuệ. Sự hiểu biết đó không ích lợi cho mình cho người. Sự hiểu biết đó chỉ là một hý luận. Từ xưa đến giờ các thiền sư dựng lên trò hý luận công án nói Đông trả lời Tây, nói Nam trả lời Bắc và còn hơn thế nữa là la, hét, chỉ, trỏ, v.v...”

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 5, TTL viết: Gần chín năm miệt mài tu hành, tôi ngộ tất cả công án thiền tông, ngồi thiền thì không còn vọng tưởng, (chẳng niệm thiện niệm ác) trạng thái tâm hồn yên lặng như hoà mình trong vũ trụ”.  

II. NHẬN XÉT:

TTL so sánh sai lầm khi cho rằng: Kinh Nguyên Thủy gọi là ly dục sanh hỷ lạc nhập Sơ Thiền, kinh Đại Thừa gọi là thành Phật, thiền Đông Độ gọi là bản lai diện mục”. Tại sao?

1. Sơ Thiền thuộc phàm phu Thiền, làm sao TTL có thể nói rằng: kinh Đại Thừa gọi là thành Phật? TTL vui lòng trích dẫn Kinh Đại Thừa nào viết câu này và chứng minh cho người đọc xem thử?

Tạng Kinh Đại Thừa cũng viết có Sơ Thiền, có Tứ Thiền, có Cửu Thứ Đệ Định, TTL chưa đọc nên chưa biết.

(Vui lòng xem tham khảo Tạng Kinh Đại Thừa hay Phật Thừa, trong chương này).

2. TTL cho rằng: nhập Sơ Thiền, Thiền Đông Độ gọi là bản lai diện mục, đây cũng là sự tưởng tượng sai lầm của TTL.

TTL viết thế này là TTL không ngộ công án nào cả. Và TTL rất sai lầm khi viết: Trí tuệ hiểu biết những tưởng pháp như hiểu biết trong kinh sách Đại Thừa và các công án của Thiền Đông Độ là tưởng tuệ. Sự hiểu biết đó không ích lợi cho mình cho người. Sự hiểu biết đó chỉ là một hý luận. Từ xưa đến giờ các thiền sư dựng lên trò hý luận công án nói Đông trả lời Tây, nói Nam trả lời Bắc và còn hơn thế nữa là la, hét, chỉ, trỏ, v.v...”

Hành giả nhập Sơ Thiền, cảnh giới Thiền này có 5 nhánh: tầm, tứ, hỉ, lạc và nhất tâm.

Có tầm tứ là tâm ý có dao động.

Tầm (S: Vitarka, P: Vitakka), xưa dịch là Giác, tầm nghĩa là tìm cầu, suy tính. Đây là tên của một Tâm sở, Tâm sở này có ở hành giả tu tập Dục Giới Định và Sơ Thiền. (Trước khi nhập Sơ Thiền có Định tên là Dục Giới Định). Khi nhập Nhị Thiền trở lên thì không còn tầm, tứ.

Tứ (S, P: Vicāra), xưa dịch là Quán, còn gọi là Sát, tứ nghĩa là chú tâm quan sát, dò xét. Đây cũng là tên của một Tâm sở; tứ có ở hành giả tu tập Dục Giới Định và Sơ Thiền. Khi nhập Nhị Thiền trở lên thì không còn tầm, tứ.

Khi có tầm có tứ, tức là có dao động, có suy nghĩ. Có dao động, có suy nghĩ thì các vị có Tha Tâm Thông, chư Thiên, Thần, Thổ Địa, ma quỷ, v.v… biết được rõ ràng.

Thiền của các bậc Tổ Sư đắc đạo, thuộc Tổ Sư Thiền hay Thiền Tông Đông Độ, thoát ly khỏi sanh tử luân hồi, là Na Già Định (S: Nāga-samādhi) của các bậc Thánh đã đắc Lậu Tận Trí Thông. Thế nên các vị có Tha Tâm Thông, chư Thiên, Thần, Thổ Địa, ma quỷ, v.v… đều không biết được tâm của các bậc đó. Như Quốc Sư Huệ Trung, các Thiền Sư Nam Tuyền Phổ Nguyện, Vân Cư Đạo Ưng, Động Sơn, v.v…, dù đi đứng nằm ngồi, chư Thiên, Thần, Ma, các vị có Tha Tâm Thông, v.v… cũng không biết được tâm của qúy Ngài. (Vui lòng xem phần đọc thêm trong chương này).

Descartes nói: Tôi suy nghĩ là tôi hiện hữu.” Đây là chỉ cho pháp thế gian, có suy nghĩ là có hiện hữu, có tồn tại. Tuy nhiên pháp xuất thế gian thì khác, Lục Tổ Huệ Năng là bậc Thánh trí tuệ rất tuyệt vời, rất siêu đẳng, được chứng minh qua câu Ngài nói với Thượng Tọa Huệ Minh: Chẳng nghĩ thiện chẳng nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh?” Muốn thấy bản lai diện mục, bộ mặt thật xưa nay, cần phải dừng suy nghĩ. Chẳng những không nghĩ thiện, không nghĩ ác, mà còn không suy nghĩ vô ký, tức là không suy nghĩ những điều không thiện không ác, như suy nghĩ để làm toán, làm bài tập, làm luận án, làm công việc, v.v… Có suy nghĩ là ở pháp thế gian. Không suy nghĩ mới bước vào con đường xuất thế gian. Không suy nghĩ nhưng phải tu Chỉ Quán mới tìm thấy hạt châu trong chéo áo. Có suy nghĩ, có tìm kiếm, không thể thấy được hạt châu.

Hành giả cần phải khi đi biết đi, khi đứng biết đứng, khi ngồi biết ngồi, khi nằm biết nằm, không có “tôi”, “ta”, “của tôi” trong tất cả những sự sinh hoạt. Có “tôi”, “ta”, “của tôi” là có vọng tưởng, không “tôi”, “ta”, “của tôi” là không vọng tưởng.

Kinh Giới Phân Biệt (P: Dhātuvibhanga sutta) viết[1]: “Vị ấy không tác thành, không suy tưởng đến hữu hay phi hữu. Do không tác thành, không suy tưởng đến hữu hay phi hữu, vị ấy không chấp thủ một sự vật gì ở đời.”

Kinh Giới Phân Biệt (P: Dhātuvibhanga sutta) viết tiếp[2]: Này Tỷ-kheo, "Tôi là", như vậy là vọng tưởng. "Tôi là cái này", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ là", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ không là", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ có sắc", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ không có sắc" như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ có tưởng", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ không có tưởng", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ không có tưởng, không không có tưởng", như vậy là vọng tưởng. Vọng tưởng, này Tỷ-kheo, là bệnh, vọng tưởng là cục bướu, vọng tưởng là mũi tên. Này Tỷ-kheo, khi vượt khỏi mọi vọng tưởng, vị ẩn sĩ được gọi là tịch tịnh. Nhưng này Tỷ-kheo, vị ẩn sĩ tịch tịnh không sanh, không già, không có dao động, không có hy cầu. Vì không có cái gì do đó có thể sanh, này Tỷ-kheo, không sanh làm sao già được? Không già, làm sao chết được? Không chết làm sao dao động được? Không dao động, làm sao hy cầu?

Khi được nói đến "Khi được an trú, vọng tưởng không có chuyển động; khi vọng tưởng không chuyển động, vị ấy được gọi là một ẩn sĩ tịch tịnh do chính duyên này được nói đến như vậy". Này Tỷ-kheo, hãy thọ trì sự phân biệt tóm tắt của Ta về sáu giới”.

III. THAM KHẢO TẠNG KINH NIKĀYA:

1. Kinh Trung Bộ, tập 2, Kinh Ví Dụ Con Chim Cáy, viết[3]: “Ở đây, này Udayi, Tỷ kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất[4], một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ…Thiền này, này Udayi, Ta nói rằng ở trong tình trạng dao động. Và ở đây, cái gì dao động? Ở đây, chính là tầm tứ chưa đoạn diệt, chính tầm tứ này ở tình trạng dao động”.

2. Kinh Trung Bộ, tập 3, viết[5]: “140. Kinh Giới Phân Biệt (P: Dhātuvibhanga sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn du hành ở xứ Magadha (Ma- kiệt-đà), đi đến Rajagaha (Vương xá), đến nhà thợ gốm Bhaggava; sau khi đến nói với thợ gốm Bhaggava:

-- Này Bhaggava, nếu không gì phiền phức cho Ông, Ta muốn ở tại chỗ này một đêm.

Bạch Thế Tôn không có gì phiền phức cho con. Ở đây đã có một vị xuất gia đến ở từ trước rồi. Nếu vị ấy thỏa thuận, bạch Thế Tôn, hãy ở lại tùy theo sở thích.

Lúc bấy giờ, Thiện gia nam tử Pukkusati, do lòng tin, y cứ Thế Tôn đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy đã đến ở trước tại trú xứ của thợ gốm. Rồi Thế Tôn đi đến Tôn giả Pukkusati; sau khi đến nói với Pukkusati:

-- Này Tỷ-kheo, nếu không gì phiền phức cho Ông, Ta muốn ở lại trú xứ này một đêm.

-- Rộng rãi, thưa Hiền Giả, là trú xứ của thợ gốm. Tôn Giả có thể ở, tùy theo sở thích.

Rồi Thế Tôn sau khi bước vào trú xứ của thợ gốm, trải thảm cỏ vào một bên, ngồi kiết-già, lưng thẳng và an trú niệm trước mặt. Và Thế Tôn trải qua phần lớn đêm ấy, ngồi (như vậy). Tôn Giả Pukkusati trải qua phần lớn đêm ấy cũng ngồi (như vậy). Rồi Thế Tôn suy nghĩ: "Cử chỉ Thiện gia nam tử này có vẻ tín thành, Ta hãy hỏi vị ấy". Rồi Thế Tôn nói với Tôn Giả Pukkusati:

-- Này Tỷ-kheo, Ông xuất gia, y cứ vào ai? Ai là Đạo Sư của Ông? Ông chấp nhận pháp của ai?

-- Thưa Hiền giả, có Sa môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích Ca. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Thế Tôn Gotama ấy: "Ngài là bậc Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn". Tôi đã xuất gia, y cứ bậc Thế Tôn ấy. Ngài là bậc Đạo Sư của tôi. Và tôi chấp thuận pháp của bậc Thế Tôn ấy.

-- Này Tỷ-kheo, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy ở đâu?

-- Thưa Hiền giả, có một thành phố tên là Savatthi giữa các quốc độ phía Bắc. Tại đấy, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác hiện này đang ở.

-- Này Tỷ-kheo, trước đây Ông đã thấy bậc Thế Tôn ấy chưa? Và nếu thấy, Ông có nhận ra được không?

-- Thưa Hiền giả, trước đây tôi chưa từng thấy bậc Thế Tôn ấy. Và nếu thấy, tôi không nhận ra được.

Rồi Thế Tôn suy nghĩ: "Thiện gia nam tử này xuất gia y cứ nơi Ta. Vậy Ta hãy thuyết pháp cho (Thiện gia nam tử) ấy". Rồi Thế Tôn nói với Tôn Giả Pukkusati:

-- Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

-- Thưa Hiền Giả vâng.

Tôn giả Pukkusati vâng đáp Thế Tôn.

Thế Tôn nói như sau:

-- Này Tỷ-kheo, người này có sáu giới, sáu xúc xứ, mười tám ý hành, bốn thắng xứ, khi được an trú, vọng tưởng không có chuyển động. Khi vọng tưởng không chuyển động, vị ấy được gọi là một ẩn sĩ tịch tịnh. Chớ có buông lung trí tuệ, hãy độ trì chân đế, hãy tăng trưởng huệ thí (caga), hãy tu học tịch tịnh. Đây là tổng thuyết sáu giới phân biệt.

Này Tỷ-kheo, khi được nói đến "Người này có sáu giới", do duyên gì được nói đến như vậy? Địa giới, (thủy giới), hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. Này Tỷ-kheo, khi được nói đến "Người này có sáu giới", chính do duyên này được nói đến như vậy.

Này các Tỷ-kheo, khi được nói đến "Người này có sáu xúc xứ", do duyên gì được nói đến như vậy? Nhãn xúc xứ, nhĩ xúc xứ, tỷ xúc xứ, thiệt xúc xứ, thân xúc xứ, ý xúc xứ. Khi được nói đến "Người này có sáu xúc xứ ", chính do duyên này được nói đến như vậy.

Này Tỷ-kheo, khi được nói đến "Người này có mười tám ý hành", do duyên gì được nói đến như vậy? Khi con mắt thấy sắc, người ấy chạy theo sắc, chỗ trú xứ của hỷ, chạy theo sắc chỗ trú xứ của ưu, chạy theo sắc chỗ trú xứ của xả, khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức pháp, người ấy chạy theo pháp, chỗ trú xứ của hỷ, người ấy chạy theo pháp, chỗ trú xứ của ưu, người ấy chạy theo pháp, chỗ trú xứ của xả. Như vậy có sáu hỷ[6] hành, sáu ưu[7] hành, sáu xả[8] hành. Khi được nói đến "Người này có mười tám ý hành" chính do duyên này được nói đến như vậy.

Này Tỷ-kheo, khi được nói đến "Người này có bốn thắng xứ ", do duyên gì được nói đến như vậy? Tuệ thắng xứ, đế thắng xứ, huệ thí thắng xứ, tịch tịnh thắng xứ. Khi được nói đến "Người này có bốn thắng xứ", chính do duyên này được nói đến như vậy.

Khi được nói đến "Chớ có buông lung trí tuệ, hãy hộ trì chân đế, hãy tăng trưởng huệ thí, hãy tu học tịch tịnh", do duyên gì được nói đến như vậy?

Thế nào là không buông lung trí tuệ? Có sáu giới này: địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới.

Này Tỷ-kheo, thế nào là địa giới? Có nội địa giới và có ngoại địa giới. Và này Tỷ-kheo, thế nào là nội địa giới? Cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, kiên cứng, thô phù, bị chấp thủ, như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân và bất cứ vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, kiên cứng, thô phù, bị chấp thủ. Như vậy, này Tỷ-kheo, được gọi là nội địa giới. Những gì thuộc nội địa giới và những gì thuộc ngoại địa giới đều thuộc về địa giới. Địa giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Sau khi như thật quán sát địa giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yếm ly đối với địa giới, tâm từ bỏ địa giới.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thủy giới? Có nội thủy giới, có ngoại thủy giới. Và này Tỷ-kheo, thế nào là nội thủy giới? Cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị chấp thủ, như mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu, và bất cứ vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc chất lòng, bị chấp thủ. Như vậy, này Tỷ-kheo, được gọi là thủy giới. Những gì thuộc nội thủy giới và những gì thuộc ngoại thủy giới đều thuộc về thủy giới. Thủy giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Sau khi như thật quán sát thủy giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yếm ly đối với thủy giới, tâm từ bỏ thủy giới.

Và này Tỷ-kheo, thế nào là hỏa giới? Có nội hỏa giới, ngoại hỏa giới. Và này Tỷ-kheo, thế nào là nội hỏa giới? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc về cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ. Như cái gì khiến cho hâm nóng, khiến cho hủy hoại, khiến cho thiêu cháy, cái gì khiến cho những vật được ăn, uống, nhai, nếm, có thể khéo tiêu hóa, hay tất cả những vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ. Này Tỷ-kheo, như vậy được gọi là nội hỏa giới. Những gì thuộc nội hỏa giới và những gì thuộc ngoại hỏa giới đều thuộc về hỏa giới. Hỏa giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Sau khi như thật quán sát hỏa giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yếm ly đối với hỏa giới, tâm từ bỏ hỏa giới.

Và này Tỷ-kheo, thế nào là phong giới? Có nội phong giới, có ngoại phong giới. Và này Tỷ-kheo, thế nào là nội phong giới? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc tánh động, bị chấp thủ, như gió thổi lên, gió thổi xuống, gió trong ruột, gió trong bụng dưới, gió thổi ngang các đốt, các khớp, hơi thở vô, hơi thở ra, và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc tánh động, bị chấp thủ. Này Tỷ-kheo, như vậy được gọi là nội phong giới. Những gì thuộc nội phong giới và những gì thuộc ngoại phong giới đều thuộc về phong giới. Phong giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Sau khi như thật quán sát phong giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yếm ly đối với phong giới, tâm tư từ bỏ phong giới.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hư không giới? Có nội hư không giới, có ngoại hư không giới. Và này Tỷ-kheo, thế nào là nội hư không giới? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc cá nhân, thuộc hư không, thuộc hư không tánh, bị chấp thủ, như lỗ tai, lỗ mũi, cửa miệng, do cái gì người ta nuốt, những gì được nhai, được uống, được ăn, được nếm, và tại chỗ mà những gì được nhai, được uống, được ăn, được nếm, được giữ lại, và ngang qua chỗ mà những gì được nhai, được uống, được ăn, được nếm và được tống xuất xuống phần dưới để ra ngoài, và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc hư không, thuộc hư không tánh, bị chấp thủ. Này Tỷ-kheo, như vậy được gọi là nội hư không giới. Những gì thuộc nội hư không giới và ngoại hư không giới đều thuộc về hư không giới. Hư không ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Sau khi như thật quán sát hư không giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yếm ly đối với hư không giới, tâm từ bỏ hư không giới.

Lại nữa, khi thức còn lại được trong sạch, trong trắng, vị ấy biết được một số sự việc nhờ thức ấy. Vị ấy thức tri được lạc, thức tri được khổ, thức tri được bất khổ bất lạc. Này Tỷ-kheo, duyên lạc xúc, lạc thọ khởi lên. Vị ấy khi đang cảm giác lạc thọ, tuệ tri rằng: "Tôi cảm giác lạc thọ". Do lạc xúc diệt đi, lạc thọ do lạc xúc được khởi lên được cảm giác, vị ấy biết: "Lạc thọ ấy được diệt đi, được chấm dứt". Này Tỷ-kheo, duyên khổ xúc, khổ thọ khởi lên. Vị ấy khi đang cảm giác khổ thọ, tuệ tri rằng: "Tôi cảm giác khổ thọ". Do khổ xúc ấy diệt đi, khổ thọ do khổ xúc được khởi lên, được cảm giác, vị ấy biết: "Khổ thọ ấy được diệt đi, được chấm dứt". Này Tỷ-kheo, duyên bất khổ bất lạc xúc, bất khổ bất lạc thọ khởi lên. Vị ấy khi đang cảm giác bất khổ lạc thọ, tuệ tri rằng: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ". Do bất khổ bất lạc thọ xúc ấy diệt đi, bất khổ bất lạc thọ do bất khổ bất lạc xúc được khởi lên, được cảm giác, vị ấy tuệ tri: "Bất khổ bất lạc thọ ấy được diệt đi, được chấm dứt".

Này Tỷ-kheo, ví như do hai cây que xúc chạm cọ xát, hơi nóng được sanh, ngọn lửa được hiện khởi. Khi hai que ấy được rời nhau, được phân ly, sức nóng được sanh khởi ấy, sức nóng ấy được diệt đi, được chấm dứt. Cũng vậy, này Tỷ-kheo, duyên lạc xúc, lạc thọ khởi lên. Vị ấy khi đang cảm giác lạc thọ tuệ tri rằng: "Tôi đang cảm giác lạc thọ". Do lạc xúc ấy diệt đi, lạc thọ do lạc xúc được khởi lên, được cảm giác vị ấy tuệ tri: "Lạc thọ ấy được diệt đi, được chấm dứt". Này Tỷ-kheo, duyên khổ xúc khổ thọ khởi lên. Vị ấy khi đang cảm giác khổ thọ tuệ tri rằng: "Tôi đang cảm giác khổ thọ". Do khổ xúc ấy diệt đi, khổ thọ do khổ xúc được khởi lên, được cảm giác, vị ấy biết: "Khổ thọ ấy được diệt đi, được chấm dứt". Này Tỷ-kheo, duyên bất khổ bất lạc xúc, bất khổ bất lạc thọ khởi lên. Vị ấy khi đang cảm giác bất khổ lạc thọ, tuệ tri rằng: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ". Do bất khổ bất lạc thọ xúc ấy diệt đi, bất khổ bất lạc thọ do bất khổ bất lạc xúc được khởi lên, được cảm giác, vị ấy tuệ tri: "Bất khổ bất lạc thọ ấy được diệt đi, được chấm dứt".

Lại nữa, xả còn lại được trong sạch, trong trắng, nhu nhuyến, dễ uốn nắn, chói sáng. Ví như, này Tỷ-kheo, một người thợ vàng thiện xảo hay người đệ tử sửa soạn lò đúc; sau khi sửa soạn lò đúc xong, người ấy đốt lửa miệng lò đúc; sau khi đốt lửa miệng lò đúc, người ấy dùng kềm kẹp lấy vàng và đặt vàng vào trong miệng lò; rồi thỉnh thoảng người ấy thổi trên ấy, thỉnh thoảng người ấy rưới nước trên ấy, thỉnh thoảng người ấy quán sát thật kỹ... vàng ấy đã trở thành sáng sủa, thanh tịnh, gột sạch, các uế tạp được đoạn trừ, các tỳ vết được trừ sạch, nhu nhuyến, dễ uốn nắn và chói sáng... và nếu người ấy muốn làm đồ trang sức nào, hoặc vòng nhẫn, hoặc bông tai, hoặc vòng cổ, hoặc vòng hoa vàng, thời vàng ấy có thể dùng vào mục đích ấy. Cũng vậy, này Tỷ-kheo, lại nữa xả còn lại được trong sạch, trong trắng, nhu nhuyến, dễ uốn nắn, chói sáng.

Người ấy tuệ tri như sau: "Nếu ta tập trung xả này thanh tịnh như vậy, trong trắng như vậy vào Hư không vô biên xứ, và tu tập tâm ta tùy theo pháp ấy, thời xả này y cứ vào đấy, chấp thủ tại đấy được an trú nơi ta trong một thời gian dài. Nếu ta tập trung xả này thanh tịnh như vậy, trong trắng như vậy vào Thức vô biên xứ và tu tập tâm của ta tùy theo pháp ấy, thời xả này y cứ vào đấy, chấp thủ tại đấy được an trú nơi ta trong một thời gian dài. Nếu ta tập trung xả này thanh tịnh như vậy, trong trắng như vậy vào Vô sở hữu xứ, và tu tập tâm ta tùy theo pháp ấy, thời xả này y cứ vào đấy, chấp thủ tại đấy, được an trú nơi ta trong một thời gian dài. Nếu ta tập trung xả này thanh tịnh như vậy, trong trắng như vậy vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, và tu tập tâm của ta tùy theo pháp ấy, thời xả này y cứ vào đấy, chấp thủ tại đấy, được an trú nơi ta trong một thời gian dài".

Người ấy tuệ tri như sau: "Nếu ta tập trung xả này thanh tịnh như vậy, trong trắng như vậy vào Hư không vô biên xứ... Thức vô biên xứ... Vô sở hữu xứ... Phi tưởng phi phi tưởng xứ, và tu tập tâm của ta tùy theo pháp ấy, thời (xả) ấy trở thành pháp hữu vi". Vị ấy không tác thành, không suy tưởng đến hữu hay phi hữu. Do không tác thành, không suy tưởng đến hữu hay phi hữu, vị ấy không chấp thủ một sự vật gì ở đời; chấp thủ không quấy rối vị ấy; do chấp thủ không quấy rối vị ấy, vị ấy tự chứng Niết-bàn, và vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những điều nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái như thế này nữa".

Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, vị ấy tuệ tri: "Thọ ấy là vô thường"; vị ấy tuệ tri: "Không nên đắm trước"; vị ấy tuệ tri: "Không phải là đối tượng để hoan hỷ". Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, vi ấy tuệ tri: "Thọ ấy là vô thường"; vị ấy tuệ tri: "Không nên đắm trước"; vị ấy tuệ tri: "Không phải là đối tượng để hoan hỷ". Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy tuệ tri: "Thọ ấy là vô thường"; vị ấy tuệ tri: "Không nên đắm trước"; vị ấy tuệ tri: "Không phải là đối tượng để hoan hỷ". Nếu cảm giác lạc thọ, không có hệ phược, vị ấy cảm giác thọ ấy. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, không có hệ phược, vị ấy cảm giác thọ ấy. Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, không có hệ phược, vị ấy cảm giác thọ ấy. Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ với thân là tối hậu, vị ấy tuệ tri: "Ta cảm giác một cảm thọ với thân là tối hậu. Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ với sinh mạng là tối hậu, vị ấy tuệ tri: "Ta cảm giác một cảm thọ với sinh mạng là tối hậu "; vị ấy tuệ tri: "Sau khi thân hoại mạng chung, mọi cảm thọ hoan hỷ ở nơi đây trở thành thanh lương".

Ví như, này Tỷ-kheo, như ngọn đèn dầu được cháy đỏ nhờ dầu và tim. Khi dầu và tim diệt tận, và không có vật liệu khác được đem đến, ngọn đèn dầu ấy bị diệt tắt... Cũng vậy, này Tỷ-kheo, khi cảm giác một cảm thọ lấy thân làm tối hậu, vị ấy tuệ tri: "Tôi cảm giác một cảm thọ lấy thân làm tối hậu". Khi cảm giác một cảm thọ lấy sinh mạng làm tối hậu, vị ấy tuệ tri: "Tôi cảm giác một cảm thọ lấy sinh mạng làm tối hậu"; vị ấy tuệ tri: "Sau khi thân hoại mạng chung, mọi cảm thọ hoan hỷ ở nơi đây trở thành thanh lương".

Do vậy, Tỷ-kheo thành tựu như vậy là thành tựu với tối thắng tuệ thắng xứ này. Vì rằng, này Tỷ-kheo, như vậy là tối thắng Thánh tuệ, nghĩa là trí, biết sự đoạn tận mọi đau khổ.

Sự giải thoát ấy của vị này, an trú vào chân đế, không bị dao động. Này Tỷ-kheo, cái gì có thể đưa đến hư vọng, thời thuộc về hư vọng. Cái gì không thể đưa đến hư vọng, thời thuộc về chân đế, Niết-bàn. Do vậy, vị Tỷ-kheo thành tựu như vậy là thành tựu với tối thắng đế thắng xứ này. Vì rằng, này Tỷ-kheo, như vậy là tối thắng Thánh đế, tức là Niết-bàn, không có thể đưa đến hư vọng.

Và những sanh y vô trí thức trước của nó đã được đầy đủ, đã được thành tựu. Chúng được đoạn tận, chặt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala, không thể hiện hữu nữa trong tương lai, không có khả năng sanh khởi nữa. Do vậy, một Tỷ-kheo thành tựu như vậy là thành tựu với tối thắng huệ thí thắng xứ này. Vì rằng này Tỷ-kheo, như vậy là tối thắng Thánh huệ thí, tức là sự xả ly tất cả sanh y.

Và tham ái vô trí thức trước của nó, thuộc tham dục, tham nhiễm; pháp ấy được đoạn tận, chặt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala, không thể hiện hữu nữa trong tương lai, không có khả năng sanh khởi nữa. Và sự phẫn nộ vô trí thức trước của nó, thuộc sân hận, thuộc tội quá; pháp ấy được đoạn tận, cắt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala, không thể hiện hữu nữa trong tương lai, không có khả năng sanh khởi nữa. Và vô minh vô trí thức trước của nó, thuộc si mê, thuộc tội quá; pháp ấy được đoạn tận cắt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala, không thể hiện hữu trong tương lai, không có khả năng sanh khởi nữa. Do vậy, Tỷ-kheo thành tựu như vậy là thành tựu tối thắng tịch tịnh thắng xứ. Này Tỷ-kheo, như vậy là tối thắng Thánh tịch tịnh, tức là sự tịch tịnh tham sân si.

Khi được nói đến "Chớ có buông lung trí tuệ, hãy hộ trì chân đế, hãy làm cho sung mãn huệ thí, hãy tu học tịch tịnh", chính do duyên này được nói đến như vậy.

Khi được nói đến "Khi được an trú, vọng tưởng không có chuyển động. Khi vọng tưởng không chuyển động, vị ấy được gọi là một ẩn sĩ tịch tịnh", do duyên gì được nói đến như vậy?

Này Tỷ-kheo, "Tôi là", như vậy là vọng tưởng. "Tôi là cái này", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ là", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ không là", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ có sắc", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ không có sắc" như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ có tưởng", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ không có tưởng", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ không có tưởng, không không có tưởng", như vậy là vọng tưởng. Vọng tưởng, này Tỷ-kheo, là bệnh, vọng tưởng là cục bướu, vọng tưởng là mũi tên. Này Tỷ-kheo, khi vượt khỏi mọi vọng tưởng, vị ẩn sĩ được gọi là tịch tịnh. Nhưng này Tỷ-kheo, vị ẩn sĩ tịch tịnh không sanh, không già, không có dao động, không có hy cầu. Vì không có cái gì do đó có thể sanh, này Tỷ-kheo, không sanh làm sao già được? Không già, làm sao chết được? Không chết làm sao dao động được? Không dao động, làm sao hy cầu?

Khi được nói đến "Khi được an trú, vọng tưởng không có chuyển động; khi vọng tưởng không chuyển động, vị ấy được gọi là một ẩn sĩ tịch tịnh do chính duyên này được nói đến như vậy". Này Tỷ-kheo, hãy thọ trì sự phân biệt tóm tắt của Ta về sáu giới.

Rồi Tôn giả Pukkusati nghĩ như sau: "Thật sự bậc Đạo sư đã đến với ta! Thật sự bậc Thiện Thệ đã đến với ta! Thật sự bậc Chánh Đẳng Giác đã đến với ta!" Rồi Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:

-- Con đã rơi vào một lỗi lầm, bạch Thế Tôn, vì rằng, ngu đần, si mê và không khéo léo như con, đã nghĩ rằng con có thể xưng hô với Thế Tôn với danh từ Hiền giả. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho con lỗi lầm ấy là một lỗi lầm để con có thể ngăn ngừa trong tương lai.

-- Này Tỷ-kheo, thật vậy, Ông đã rơi vào một lỗi lầm, vì rằng ngu đần, si mê và không khéo léo vì Ông đã nghĩ rằng Ông có thể xưng hô với Ta với danh từ Hiền giả. Nhưng này Tỷ-kheo, nếu Ông thấy một lỗi lầm là một lỗi lầm, và như Pháp phát lộ, thời chúng ta chấp nhận (lỗi lầm) ấy cho Ông. Vì rằng này Tỷ-kheo, đây là sự tăng ích trong giới luật của bậc Thánh, khi nào một ai thấy lỗi lầm là một lỗi lầm, như pháp phát lộ, để ngăn ngừa trong tương lai…”

IV. THAM KHẢO TẠNG KINH ĐẠI THỪA HAY PHẬT THỪA:

1. Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, tập 1, Phẩm Phú Lâu Na, viết[9]:

 “Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Thế nào là đại Bồ Tát phát xu Đại Thừa”?

 Ngài Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử nói: “Lúc thật hành sáu ba la mật, đại Bồ Tát xa lìa ái dục cùng những pháp ác bất thiện, ly sanh hỉ lạc hữu giác hữu quán nhập sơ thiền, nhẫn đến xả niệm thanh tịnh nhập tứ thiền, dùng tâm từ bi hỷ xả quảng đại vô nhị vô lượng khắp cùng một phương nhẫn đến mười phương tất cả thế gian. Lúc nhập thiền xuất thiền, Bồ Tát này đem các Thiền, các vô lượng tâm cùng chung với tất cả chúng sanh hướng đến nhứt thiết trí. Đây gọi là đại Bồ Tát thiền na ba la mật phát xu Đại thừa”.

2. Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa, tập 15, Phẩm Hỏi nhiều chẳng hai, viết[10]:

 “Bồ Tát Ma Ha Tát này từ phát tâm trở đi, không có bốn tĩnh lự[11] nào mà chẳng tinh siêng tu tập; không có bốn vô lượng, bốn vô sắc định nào mà chẳng viên mãn tinh siêng tu tập.

 Bồ Tát Ma Ha Tát này từ phát tâm trở đi, không có tám giải thoát nào mà chẳng viên mãn tinh siêng tu tập; không có tám thắng xứ, chín thứ đệ định[12], mười biến xứ nào mà chẳng viên mãn tinh siêng tu tập.”

 3. Cũng Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa, tập 17, Phẩm Hoan hỷ, viết[13]:

 “Lại nữa, Xá Lợi Tử! Nếu Bồ Tát Ma ha tát tu hành Bát Nhã Ba la mật đa năng như thật biết bố thí như thế được đại quả báo, nghĩa là như thật biết bố thí như thế được sanh đại tộc Sát đế lợi, hoặc sanh đại tộc Bà la môn, hoặc sanh đại tộc Trưởng giả, hoặc sanh đại tộc Cư sĩ. Bố thí như thế được sanh Bốn đại vương chúng, hoặc sanh trời Ba mươi ba, hoặc sanh trời Dạ ma, hoặc sanh trời Đổ sử đa, hoặc sanh trời Lạc biến hóa, hoặc sanh trời Tha hóa tự tại.

 Nương bố thí đây được sơ tĩnh lự[14], hoặc đệ nhị tĩnh lự, hoặc đệ tam tĩnh lự, hoặc đệ tứ tĩnh lự[15]. Nương bố thí đây được định Không vô biên xứ, hoặc định Thức vô biên xứ, hoặc định Vô sở hữu xứ, hoặc định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

 Nương bố thí đây khởi niệm bốn trụ[16] cho đến tám thánh đạo chi; được quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bát hoàn, quả A la hán, hoặc Độc giác Bồ Đề, hoặc được Vô thượng Chánh đẳng Bồ Đề.” 

V. ĐỌC THÊM:

1: Sách Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng[17], viết:

“Sư[18] cất thảo am nơi Tam Phong, trải qua tuần nhật không xuống trai đường. Động Sơn[19] thấy lạ hỏi:

- Mấy ngày nay sao ngươi không đến thọ trai?

Sư thưa:

- Mỗi ngày có Thiên Thần cúng dường.

Động Sơn bảo:

- Ta bảo ngươi là kẻ vẫn còn có kiến giải. Ngươi rảnh chiều lại

Chiều, Sư đến, Động Sơn gọi:

- Ưng am chủ!

Sư ứng thinh: - Dạ!

Động Sơn bảo:

- Chẳng nghĩ thiện chẳng nghĩ ác là cái gì?

Sư trở về am ngồi yên lặng lẽ, Thiên Thần tìm mãi không thấy, trải ba ngày như thế mới thôi cúng dường.”

2:  Sách Đạt Ma Tổ Sư Luận[20], viết:

“Nam Tuyền một hôm tới thăm Trang sở. Khi vừa tới đó thì thấy ông Trang Chủ đang lo sắp đặt đón tiếp đàng hoàng, Ngài nói:

- Lão Tăng thường đi đâu không có báo trước cho ai, sao ông biết mà đón tiếp?

Ông Trang Chủ nói:

- Đêm rồi Thổ Địa báo hôm nay Hòa Thượng tới.

Ngài liền nói:

- Lão Tăng tu hành vô lực còn bị quỷ thần nhìn thấy.

Ông thị giả đi theo Ngài mới hỏi:

- Hòa Thượng đã là thiện tri thức, vì sao còn bị quỷ thần xem thấy?

Ngài nói:

- Trước Thổ Địa để phần cơm.

 Nhiều người nghe vậy mới giải thích, Ngài Nam Tuyền tu hành còn dở, còn bị Thổ Địa thấy tâm. Nhưng chính đó là chỗ dở của mình mà không hay. Mình thấy theo cái thấy phàm phu của mình. Bởi vì chính Ngài nói như vậy là để đánh thức mình, nhưng mình lại bị kẹt trong ngôn ngữ của Ngài. Ngài nói: “Lão Tăng tu hành vô lực bị quỷ thần xem thấy” đó là muốn nhắc mình tu mà còn để quỷ thần xem thấy là chưa đắc lực, chưa phải là chỗ chân thật, mà phải “thấy chỗ quỷ thần không thấy được”, đó mới là chỗ chân thật. Mình thấy được như vậy mới thấy Ngài Nam Tuyền, còn thấy theo chỗ Thổ Địa là thấy cái bóng của Ngài Nam Tuyền thôi, đâu phải là Ngài.

 Thực sự mình đối với Ngài còn xa lắc xa lơ. Ngài đi tới có Thổ Địa đón tiếp, mình thì ai đón? Bởi vậy nhiều khi mình suy theo cái thấy của mình thành ra cạn cợt.

 Cũng như câu chuyện Ngài Động Sơn.

 Một hôm Ngài xuống nhà bếp thấy Tăng chúng làm bếp hơi sơ sót nên cơm gạo rơi vãi ra dưới đất, Ngài mới khởi niệm nhắc. Thổ Địa liền hiện lên đảnh lễ Ngài, thưa:

- Con là Thổ Địa. Con tìm Ngài đã hai mươi năm rồi để đảnh lễ mà không được. Hôm nay mới thấy Ngài.

 Tức là Ngài khởi niệm nhắc nhở đó nên Thổ Địa mới thấy, thấy mới hiện lên đảnh lễ, còn hai mươi năm nay tìm mà tìm không thấy được.

 Nhiều người cũng nói là Ngài Động Sơn tu dở còn bị Thổ Địa xem thấy, nhưng quên rằng hai mươi năm Thổ Địa không thấy. Đáng lẽ mình thấy là thấy chỗ đó, tức là chỗ hai mươi năm mà Thổ Địa không thấy. Vậy thì hai mươi năm đó Ngài ở đâu mà Thổ Địa không thấy? Thấy là phải thấy tột chỗ đó, mới gọi là “chân kiến”.”

3: Sách Vườn Thiền Rừng Ngọc (Thiền Uyển Đạo Lâm)[21] viết:

 (Tắc) “444. Đại Nhĩ tha tâm thông.

 Vua Đường Túc Tông ban chiếu cho Quốc Sư Nam Dương Huệ Trung thử nghiệm tha tâm thông của Đại Nhĩ Tam Tạng người Ấn Độ. Khi Sư đến, Tam Tạng làm lễ rồi đứng sang một bên.

Sư hỏi:

- Ngài được tha tâm thông chăng?

- Chẳng dám!

- Ngài hãy nói Lão tăng bây giờ ở đâu?

- Hòa thượng là thầy một nước mà lại đến Tây Xuyên xem đua thuyền.

Sư lại hỏi:

- Ngài hãy nói bây giờ, Lão tăng ở đâu?

- Trên cầu Thiên Tân xem hát xiệc.

Lại hỏi:

- Ngay bây giờ, Ngài hãy nói đi!

Tam Tạng mờ mịt. Sư quát:

- Dã hồ tinh, tha tâm thông ở chỗ nào?

(Theo: Hội Nguyên, quyển 2)”.

4: Cũng sách Vườn Thiền Rừng Ngọc (Thiền Uyển Đạo Lâm)[22], viết:

(Tắc) “288. Mất Tăng bị đòi mạng.

 Trong hội Diêm Quan có một vị Tăng làm chủ sự. Đến lúc vị Tăng ấy sắp chết, quỷ sứ đến bắt. Vị Tăng ấy bảo:

- Tôi mắc làm chủ sự, chưa rảnh để tu hành, xin dung mạng tôi đến bảy hôm nữa được chăng?

- Đợi tôi về thưa lại, nếu vua Diêm-La bằng lòng, bảy ngày sau tôi sẽ đến bắt ông.

Quỷ sứ biến đi trong khoảnh khắc trở lại, đáp rằng vua Diêm-La chấp thuận. Đến bảy hôm sau, quỷ sứ trở lại tìm vị Tăng ấy chẳng thấy.

Về sau, có người thuật lại chuyện ấy với một vị Tăng, rồi hỏi:

- Nếu lúc đó mình tính chống lại nó thì sẽ ra sao?

Động Sơn đáp thay:

- Bị nó tìm được vậy!

(Theo: Liên Đăng, quyển 5).



[1] Kinh Trung Bộ, tập 3, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2536 – 1992, trang 552.

[2] Như trên, trang 555~556.

[3] Kinh Trung Bộ, tập 2, Kinh Ví Dụ Con Chim Cáy, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật lịch 2536 – 1992, trang 249.

[4] Thiền Thứ Nhất là Sơ Thiền.

[5] Kinh Trung Bộ, tập 3, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2536 – 1992, trang 541~557.

[6] Hỷ: Vui

[7] Ưu: Buồn

[8] Xả: Xả bỏ, không vui, buồn, vui lòng xem thêm trong Kinh này.

[9] Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, tập 1, phẩm Phú Lâu Na, Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Viện Phật học Phổ Hiền xuất bản tại Hoa Kỳ, Phật Lịch 2530-1986, trang 212.

[10] Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa, tập 15, Phẩm Hỏi nhiều chẳng hai, Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm, xuất bản tại Việt Nam, năm 1999, trang 11.

[11] Bốn Tĩnh Lự là Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền.

[12] Chín Thứ Đệ Định là Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, Không Vô Biên Xứ Định, Thức Vô Biên Xứ Định, Vô Sở Hữu Xứ Định, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định và Diệt Thọ Tưởng Định.

[13] Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa, tập 15, Phẩm Hỏi nhiều chẳng hai, Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm, xuất bản tại Việt Nam, năm 1999, trang 55.

[14] Sơ Tĩnh Lự là Sơ Thiền.

[15] Đệ Tứ Tĩnh Lự là Đệ Tứ Thiền.

[16] Bốn Trụ là Quán Tứ Niệm Xứ, Quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp.

[17] Hòa Thượng Thanh Từ soạn dịch, Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng, tập 2, Trung Tâm Văn Hóa Phật giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức tái bản, Phật lịch 2530 – 1986, trang 171.

[18] Thiền Sư Đạo Ưng ở Vân Cư (? – 902).

[19] Thiền Sư Động Sơn Lương Giới, Khai Tổ Tông Tào Động (807 – 869).

[20] Thượng Tọa Thích Thông Phong, Đạt Ma Tổ Sư Luận, Hội Thiền Học Việt Nam xuất bản tại Hoa Kỳ Phật lịch 2549 – 2005, trang 207.

[21] Thiền Sư Chí Minh & Tuyết Đường, Vườn Thiền Rừng Ngọc (Thiền Uyển Đạo Lâm), Thông Thiền dịch, xuất bản tại Việt Nam năm 2001, trang 318.

[22] Như trên, trang 210.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 2015(Xem: 6458)
Tôi rất tiếc được biết đến Ngài Thích Thông Lạc hơn hai năm sau khi Ngài tịch diệt ... Vì khi nghe lại những bài giãng của Ngài thì có sanh ra vô vàn câu hỏi !!! Xin cám ơn quý vị đã cho nêu lên vài câu hỏi ở đây.