Chương 12. Thần Thông

10 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 7719)
doithoai-thaythonglac

CHƯƠNG XII

THẦN THÔNG

A. TRÍCH DẪN:

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 9, TTL viết:Phật Giáo là một tôn giáo tu tập rèn luyện đạo đức nhân bản làm người không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Do đạo đức nhân bản này, nên Đạo Phật không chấp nhận thế giới siêu hình và thần thông, vì có thế giới siêu hình và thần thông là sẽ sản xuất ra nhiều điều mê tín dị đoan; những điều mê tín dị đoan là nhừng điều lừa đảo, lường gạt người, đó là những điều phi đạo đức. 

 Kẻ nào tu theo Đạo Phật mà hướng về thần thông và thế giới siêu hình là những người đi ngược lại Phật Giáo, phản bội Phật Giáo, làm ô uế Phật Giáo, làm mất thanh danh Phật Giáo, làm mất nền đạo đức nhân bản của loài người thì kẻ đó phải tự xấu hổ, phải tự cảm thấy mình đã làm một tội ác tày trời.”

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 3, TTL viết: Nói đến cõi Trời tức là nói đến hành động thiện của con người, chứ không phải nói đến thế giới siêu hình, vì thế Đức Phật nói: “Ta đến cõi Phạm Thiên như duỗi cánh tay”. Lời nói này chúng ta phải hiểu đó là một trạng thái, một từ trường thiện hay ác, dục hay vô dục.”

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 2, TTL viết: “Kinh, sử, sách này là một thứ đại vọng ngữ huyễn hóa, như nói về lịch sử của Đức Phật: Khi Đức Phật vừa sanh ra đi bảy bước, có bảy hoa sen đỡ chân, tay chỉ trời chỉ đất. Còn các Tổ tu hành thì thể hiện: Phóng hào quang, biến hóa, tàng hình, biết chuyện quá khứ, vị lai, thu thần, nhập diệt, tự tại sanh tử, v.v... , nhưng có vị Thầy Tổ nào đã làm được như vậy đâu?”

B. NHẬN XÉT:

Có lẽ TTL tự nhận rằng đã đắc Tam Minh, đắc Thánh Quả A La Hán, nhưng không có thần thông, không thấy được thế giới siêu hình nên phản đối thần thông và thế giới siêu hình phải không? Các tu sĩ Phật Giáo đều biết thần thông chỉ là phó sản của sự giác ngộ. Người tu hành không chú ý đến thần thông, không chú ý đến thế giới siêu hình. Đức Thế Tôn không cho phép Tăng Ni dùng thần thông biểu diễn với mọi người để mua vui giải trí, nhưng Đức Thế Tôn đồng ý thần thông giáo hóa, cứu giúp chúng sinh. Đức Thế Tôn thuyết pháp với thần thông.

, Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (P: Acchariyabbhutadhammasuttam) trong Tạng Kinh Nikāya dạy[1]: “Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Bồ tát khi sanh ra, này Ananda, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che lên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương lên tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: "Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời! Ta là bậc cao nhất ở trên đời! Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn…, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.”

Tuy nhiên TTL không tin Kinh, sử, sách và viết rằng: Kinh, sử, sách này là một thứ đại vọng ngữ huyễn hóa, như nói về lịch sử của Đức Phật”. Tại sao TTL viết[2]:“Còn bảo sách này dạy không đúng lời của Phật, thì quý vị hãy lấy tạng kinh Nikaya ra so sánh.”? Hay là TTL chưa đọc Kinh này trong tạng Kinh Nikāya?

Chưa nói đến các vị Tổ Sư, trong thời đại ngày nay có một vị Thầy mà NH hân hạnh được quen biết đã tu theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm, từ đỉnh đầu của vị Thầy phóng hào quang chiếu sáng như đèn pin sáng rực đến các vị đồng tu khác. Những vị đồng tu cũng thấy ánh sáng như đèn pin sáng rực từ đỉnh đầu của vị Thầy chiếu đến thân thể của họ. (Vui lòng xem thêm trong chương này, tiết mục: Phép lạ của quý Thầy mà NH hân hạnh được biết).

C. THAM KHẢO TẠNG KINH NIKĀYA:

I. Kinh Tăng Chi Bộ, tập 3, viết[3]: “(X) (30) Tôn Giả Anuruddha

1. Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Sumsumāra, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, Tôn giả Anuruddha (A-nậu-lâu-đà) sống giữa dân chúng Celī, tại Pācīnavamsadāya, Rồi Tôn giả Anuruddha, trong khi sống độc cư ... Thiền tịnh, tâm tư khởi lên như sau: "Pháp này để cho người ít dục, pháp này không phải để cho người nhiều dục; Pháp này để cho người biết đủ, pháp này không phải để cho người không biết đủ; Pháp này để cho người sống thanh vắng, pháp này không phải để cho người ưa hội chúng; Pháp này để cho người tinh cần tinh tấn, pháp này không phải để cho người biếng nhác; Pháp này để cho người trú niệm, pháp này không phải để cho người thất niệm; Pháp này để cho người Thiền định, pháp này không phải để cho người không Thiền định; Pháp này để cho người có trí tuệ, pháp này không phải để cho người ác tuệ".

2. Rồi Thế Tôn với tâm của mình rõ biết tâm tư của Tôn giả Anuruddha, ví như người lực sĩ duỗi bàn tay đang co lại; hay co lại bàn tay đang duỗi ra; cũng vậy, Thế Tôn biến mất ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Sumsumāra, rừng Bhesakalā, vườn Lộc Uyển, và hiện ra giữa dân chúng Celī, tại Pācīnavamsadāya, trước mặt Tôn giả Anuruddha. Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Anuruddha đang ngồi một bên:

3. - Lành thay, lành thay, này Anuruddha! Lành thay, này Anuruddha, Thầy đã suy nghĩ đến bảy niệm của bậc Đại nhân: " Pháp này để cho người ít dục, pháp này không phải để cho người nhiều dục; Pháp này để cho người biết đủ, pháp này không phải để cho người không biết đủ; Pháp này để cho người sống thanh vắng, pháp này không phải để cho người ưa hội chúng; Pháp này để cho người tinh cần tinh tấn, pháp này không phải để cho người biếng nhác; Pháp này để cho người trú niệm, pháp này không phải để cho người thất niệm; Pháp này để cho người Thiền định, pháp này không phải để cho người không Thiền định; Pháp này để cho người có trí tuệ, pháp này không phải để cho người ác tuệ".

Do vậy, này Anuruddha, hãy suy nghĩ đến niệm thứ tám này của bậc Đại nhân: "Pháp này để cho người không ưa hý luận, không thích hý luận, Pháp này không phải để cho người ưa hý luận, thích hý luận ".

II. Kinh Tăng Chi Bộ, tập 3, viết[4]: “(IX) (69) Các Hội Chúng

1. - Này các Tỷ-kheo, có tám hội chúng này. Thế nào là tám?

2. Hội chúng Sát-đế-lỵ, hội chúng Bà-la-môn, hội chúng gia chủ, hội chúng Sa-môn, hội chúng Bốn Thiên vương, hội chúng cõi trời Ba mươi ba, hội chúng Māra, hội chúng Phạm thiên.

3. Này các Tỷ-kheo, Ta nhớ rằng Ta đã đi đến hàng trăm hội chúng Sát-đế-lỵ. Tại đấy, Ta lúc trước có hội họp, lúc trước có nói chuyện, lúc trước có thảo luận; Tại đấy, dung sắc của họ như thế nào, dung sắc của Ta trở thành như của họ; giọng nói của họ như thế nào, giọng nói của Ta trở thành như của họ. Và Ta, với pháp thoại, thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Khi Ta nói, họ không biết Ta là ai. Họ nói: "Người nói này là ai, Thiên nhân hay loài Người? ". Sau khi thuyết giảng với pháp thoại, thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, Ta biến mất. Khi ta biến mất, họ không biết Ta là ai. Họ nói: "Người biến mất này là ai, Thiên nhân hay loài Người? "

4. Này các Tỷ-kheo, Ta nhớ rằng Ta đã đi đến hàng trăm hội họ Bà-la-môn, ... hàng trăm hội chúng Gia chủ, ... hàng trăm hội chúng Sa-môn, ... hàng trăm hội chúng Bốn Thiên vương, ... hàng trăm hội chúng cõi Trời Ba mươi ba,... hàng trăm hội chúng Māra.... hàng trăm hội chúng Phạm thiên. Tại đấy, Ta lúc trước có hội họp, lúc trước có nói chuyện, lúc trước có thảo luận; tại đấy dung sắc của họ như thế nào, dung sắc của Ta trở thành như của họ; giọng nói của họ như thế nào, giọng nói của Ta trở thành như của họ. Và Ta, với pháp thoại, thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Khi Ta nói, họ không biết Ta là ai. Họ nói: "Người nói này là ai, Thiên nhân hay loài Người? ". Sau khi thuyết giảng với pháp thoại, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, Ta biến mất. Khi ta biến mất, họ không biết Ta là ai. Họ nói: "Người biến mất này là ai, Thiên nhân hay loài Người? "

Này các Tỷ-kheo, đây là tám hội chúng”.

III. Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, viết[5]: “80.- Abhibhū

1. Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

- Con được nghe trước mặt Thế Tôn, con được nắm giữ trước mặt Thế Tôn: "Abhibhū, đệ tử Đức Phật Sikhi, đứng ở Phạm Thiên Giới, có thể làm cho ngàn thế giới nghe tiếng của mình". Nhưng bạch Thế Tôn, Thế Tôn bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác có thể làm cho nghe tiếng xa như thế nào?

- Vị ấy chỉ là một đệ tử, này Ānanda. Các Như Lai là vô lượng.

Lần thứ hai, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

- Con được nghe trước mặt Thế Tôn, ... có thể làm cho nghe tiếng xa như thế nào?

- Vị ấy chỉ là một đệ tử, này Ānanda. Các Như Lai là vô lượng...

4. - Làm sao, bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể làm cho tiếng mình nghe xa cho đến ba ngàn Đại thiên thế giới hay xa hơn nữa nếu muốn?

- Ở đây, này Ānanda, Như Lai chiếu ánh sáng cho đến ba ngàn Đại thiên thế giới, cho đến khi các chúng sanh nhận thức được ánh sáng ấy. Rồi Thế Tôn phát âm và làm cho tiếng mình được nghe. Như vậy, này Ānanda, Như Lai làm cho tiếng mình nghe xa cho đến ba ngàn Đại thiên thế giới hay xa hơn nữa nếu muốn.

5. Khi được nói như vậy, Tôn giả Ānanda nói với Tôn giả Udāyi:

- Được lợi thay cho tôi, khéo được lợi thay cho tôi, có được bậc Đạo Sư có thần lực như vậy, có uy lực như vậy!

Khi được nghe nói như vậy, Tôn giả Udāyi nói với Tôn giả Ānanda:

- Này Hiền giả Ānanda, ở đây Hiền giả nghĩ có được gì, nếu bậc Đạo sư của Hiền giả có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy?

Khi được nghe nói như vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Udāyi:

- Chớ có nói như vậy, này Udāyi; chớ nói vậy, này Udāyi. Này Udāyi, nếu Ānanda chưa có đoạn tận tham và mệnh chung, nhưng với tâm tịnh tín của mình, vị ấy có thể bảy lần ngự trị trên thế giới chư Thiên, có thể bảy lần ngự trị trên cõi Jambudīpa này. Nhưng này Udāyi, Ānanda ngay trong hiện tại sẽ được Bát-Niết-bàn”.

IV. Kinh Tăng Chi Bộ, Phẩm Điện Thờ Gotama, viết[6]: “Một thời, Thế Tôn trú ở Vesāli, tại điện thờ Gotama. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:

- Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp với thắng trí, không phải với không thắng trí. Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp với nhân duyên, không phải với không nhân duyên. Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp với thần thông, không phải với không thần thông. Này các Tỷ-kheo, do vì Ta thuyết pháp có thắng trí, không phải với không thắng trí; do vì Ta thuyết pháp có nhân duyên, không phải không có nhân duyên; do vì Ta thuyết pháp có thần thông, không phải không có thần thông, nên giáo giới cần phải làm, giảng dạy cần phải làm.

Thật là vừa đủ, này các Tỷ-kheo, để các Thầy bằng lòng. Thật là vừa đủ để các Thầy hân hoan. Thật là vừa đủ để các Thầy hoan hỷ, Chánh Đẳng Giác là Thế Tôn! Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, khéo hành trì, chúng Tăng!

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ lời Thế Tôn giảng. Trong khi lời thuyết giảng này được nói lên, một ngàn thế giới đều rung động.”

V. Kinh Trung Bộ, tập 3, Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (P: Acchariyabbhutadhammasuttam), viết[7]:

“Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc).

Rồi một số rất đông Tỷ-kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực về, đang ngồi tụ họp trong thị giả đường (upatthanasala), câu chuyện này được khởi lên giữa chúng Tăng:

"Thật hy hữu thay chư Hiền! Thật vị tằng hữu thay chư Hiền, là đại thần thông lực, đại uy lực của Như Lai! Vì Ngài biết được chư Phật quá khứ, đã nhập Niết-bàn, đã đoạn các hý luận, đã đoạn các chướng đạo, đã chấm dứt luân hồi, đã thoát ly mọi khổ: "Chư Thế Tôn ấy sanh tánh như vậy, danh tánh như vậy, tộc tánh như vậy, giới hạnh như vậy, pháp hạnh như vậy, tuệ hạnh như vậy, trú hạnh như vậy, chư Thế Tôn ấy giải thoát như vậy".

Khi được nghe nói như vậy, Tôn giả Ānanda nói với các Tỷ-kheo ấy: "Thật hy hữu thay chư Hiền, Như Lai được đầy đủ các pháp hy hữu! Thật vị tằng hữu thay chư Hiền, Như Lai được đầy đủ các pháp vị tằng hữu!"

Và câu chuyện giữa các Tỷ-kheo ấy bị gián đoạn. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến thị giả đường, sau khi đến, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo, nay các Ông ngồi nói chuyện gì? Câu chuyện gì giữa các Ông bị gián đoạn?

-- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi tụ họp tại thị giả đường, câu chuyện sau đây được khởi lên: "Hy hữu thay, chư Hiền! ... chư Thế Tôn ấy được giải thoát như vậy". Khi được nghe nói vậy, bạch Thế Tôn, Tôn giả Ananda nói với chúng con như sau: "Thật hy hữu thay... Như Lai được đầy đủ các pháp hy hữu! Thật vị tằng hữu thay... Như Lai được đầy đủ các pháp vị tằng hữu!" Câu chuyện này giữa chúng con, bạch Thế Tôn, bị gián đoạn. Rồi Thế Tôn đến.

Thế Tôn bảo Tôn giả Ānanda:

-- Do vậy, này Ananda, hãy nói lên nhiều nữa, những đặc tánh hy hữu, vị tằng hữu của Như Lai.

-- Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Chánh niệm tỉnh giác, này Ānanda, Bồ-tát sanh trong Thiên chúng (Kaya) Tusita". Vì rằng, bạch Thế Tôn, chánh niệm tỉnh giác Bồ-tát sanh trong Thiên chúng Tusita, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Chánh niệm tỉnh giác, này Ānanda, Bồ-tát an trú trong Thiên chúng Tusita". Vì rằng, bạch Thế Tôn, chánh niệm tỉnh giác, Bồ-tát an trú trong Thiên chúng Tusita, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Chánh niệm tỉnh giác, này Ānanda, Bồ-tát an trú tại Thiên chúng Tusita cho đến trọn thọ mạng". Vì rằng, bạch Thế Tôn, chánh niệm tỉnh giác, Bồ-tát an trú tại Thiên chúng Tusita cho đến trọn thọ mạng, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Chánh niệm, tỉnh giác này Ananda, Bồ-tát sau khi từ Thiên chúng Tusita mạng chung, nhập vào mẫu thai". Vì rằng, bạch Thế Tôn, chánh niệm tỉnh giác, Bồ-tát sau khi từ Thiên chúng Tusita mạng chung, nhập vào mẫu thai, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát nhập vào mẫu thai, này Ānanda, khi ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới ở trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến các thế giới ở giữa các thế giới, tối tăm, u ám không có nền tảng, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, với đại oai lực như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Và mười ngàn thế giới này chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn".

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát nhập mẫu thai, này Ānanda, bốn vị Thiên tử đến canh gác bốn phương trời và nói: "Không cho một ai, người hay không phải loài người được phiền nhiễu Bồ-tát, hay mẹ vị Bồ-tát". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn".

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát nhập mẫu thai, này Ānanda, mẹ Bồ-tát giữ giới một cách hồn nhiên, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống các thứ rượu nấu, rượu lên chất men". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu. là một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát nhập mẫu thai, này Ānanda, mẹ Bồ-tát không khởi dục tâm đối với một nam nhân nào, và mẹ Bồ-tát không bị xâm phạm bởi bất kỳ người đàn ông nào có nhiễm tâm". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát nhập mẫu thai, này Ānanda, mẹ vị Bồ-tát tận hưởng năm dục công đức đầy đủ, tận hưởng trọn năm dục công đức". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát nhập mẫu thai, này Ānanda, mẹ Bồ-tát không bị một bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với tâm khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ-tát đầy đủ mọi bộ phận và chân tay. Này Ānanda, ví như viên ngọc lưu ly, thanh tịnh, thuần nhất, có tám cạnh, khéo cắt, khéo dũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Rồi một sợi dây được xâu qua viên ngọc ấy, dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lợt. Nếu có người có mắt để viên ngọc trên bàn tay của mình, người ấy sẽ thấy rõ ràng: "Đây là viên ngọc lưu ly, thanh tịnh, thuần nhất, có tám cạnh, khéo cắt, khéo dũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Đây là sợi dây xâu qua, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lợt". Cũng vậy, này Ānanda, khi Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ Bồ-tát không bị một bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với thân khoan khoái.

Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ-tát đầy đủ bộ phận và chân tay". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Sau khi sanh Bồ-tát bảy ngày, này Ānanda, mẹ Bồ-tát mệnh chung và sanh lên cõi trời Đâu suất". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Trong khi các người đàn bà khác, này Ānanda, mang bầu thai trong bụng chín tháng hay mười tháng rồi mới sanh, mẹ Bồ-tát sanh Bồ-tát không phải như vậy. Mẹ Bồ-tát mang Bồ-tát trong bụng mười tháng rồi mới sanh". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Trong khi các người đàn bà khác, này Ananda, hoặc ngồi hoặc nằm mà sanh con, mẹ vị Bồ-tát sanh Bồ- tát không phải như vậy. Mẹ Bồ-tát đứng mà sanh Bồ-tát". Vì rằng bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, này Ānanda, chư Thiên đỡ lấy Ngài trước, sau mới đến loài người". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn là một hy hữu, một vi tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, này Ānanda, Bồ-tát không đụng đến đất. Có bốn Thiên tử đỡ lấy Ngài, đặt Ngài trước bà mẹ và thưa: "Hoàng hậu hãy hoan hỷ! Hoàng Hậu sanh một bậc vĩ nhân". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, này Ānanda, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch. Này Ānanda, ví như một viên ngọc ma-ni bảo châu đặt trên một tấm vải Ba-la-nại. Viên ngọc không làm nhiễm ô tấm vải Ba-la-nại, tấm vải Ba-la-nai cũng không làm nhiễm ô hòn ngọc. Vì sao vậy? Vì cả hai đều thanh tịnh. Cũng vậy, này Ānanda, khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ sự vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, này Ānanda, hai dòng nước từ hư không hiện ra, một dòng lạnh, một dòng nóng. Hai dòng nước ấy tắm rửa sạch sẽ cho Bồ-tát và cho bà mẹ". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Bồ-tát khi sanh ra, này Ānanda, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che lên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương lên tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: "Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời! Ta là bậc cao nhất ở trên đời! Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa". Vì rằng, bạch Thế Tôn… con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, này Ānanda, khi ấy một hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên, hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên, và thế giới ở dưới gồm các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến các cảnh giới giữa các thế giới, tối tăm, u ám, không có nền tảng, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, đại oai lực như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại các chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau mà nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Và mười ngàn thế giới này chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

-- Do vậy, này Ānanda, hãy thọ trì sự việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Như Lai. Ở đây, này Ānanda, các cảm thọ khởi lên nơi Thế Tôn được biết đến; được biết đến, chúng an trú; được biết đến, chúng đi đến biến hoại; các tưởng được biết đến; các tầm khởi lên được biết đến; được biết đến, chúng an trú; được biết đến, chúng đi đến biến hoại. Này Ānanda, hãy thọ trì việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Như Lai.

-- Vì rằng, bạch Thế Tôn, các cảm thọ khởi lên nơi Thế Tôn được biết đến; được biết đến, chúng an trú; được biết đến, chúng đi đến biến hoại; các tưởng được biết đến; các tầm khởi lên được biết đến; được biết đến, chúng an trú; được biết đến, chúng đi đến biến hoại. Bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Như Lai.

Tôn giả Ānanda, nói như vậy. Bậc Đạo Sư chấp nhận. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Ānanda nói.”

V. Kinh Tiểu Bộ, tập 3, viết[8]: “(CCXIX) Sumana (Thera. 46)

Trong thời đức Phật hiện tại, Ngài sanh trong gia đình một cư sĩ, làm vị hộ trì cho Tôn giả Anuruddha. Từ trước, con cháu của người cư sĩ này chết trẻ. Khi sắp đẻ đứa con, người cha nghĩ nếu là con trai thời sẽ cho xuất gia với vị Trưởng lão. Sau mười tháng, đẻ được đứa con trai, vị cư sĩ này cho xuất gia khi đứa trẻ lên bảy tuổi. Do căn tánh thuần phục, không bao lâu Ngài chứng được Sáu Thắng Trí[9] trong khi đang hầu hạ bậc Truởng Lão. Cầm được cái bình để xách nước, Sumana với thần thông, đi đến hồ Anotatta, một con xà vương ác độc, phồng mang ngưỡng đầu lên không cho ngài lấy nước. Rồi Sumana hóa thành con chim Garuda (Kim xí điểu) nhiếp phục con rắn và mang nước bay về vị Trưởng Lão. Rồi bậc Đạo Sư, ngồi tại vườn Jetavana, thấy Ngài bay về, liền gọi Sāriputta cùng xem, và tán thán Ngài với bốn câu kệ. Sunmana để nêu lên chánh trí của mình cộng thêm những bài kệ của mình như sau:

429. Khi người mới xuất gia,
Từ sanh, mới bảy tuổi,
Với thần thông ta điều,
Con xà vương thần lực.

430. Từ hồ nước to lớn,
Tên A-no-tat-ta
Ta đem nước hồ về,
Cho bậc giáo thọ sư,
Thấy vậy bậc Đạo Sư,
Nói về ta như sau:

431. Này Sà-ri-put-ta!
Xem đứa trẻ này đến,
Tự bưng cầm ghè nước,
Nội tâm khéo định tỉnh.
Với nhiệm vụ khả ái,
Cử chỉ rất thuần thiện.

432. Người đệ tử Sa-di,
Của Anuruddha,
Có thần thông uy lực,
Thuần thục và điêu luyện.

433. Thuần lương nhờ giáo dục,
Do vị đại thuần lương,
Thiện hạnh nhờ giáo dục,
Bởi bậc khéo thiện hạnh.
Nhờ Anuruddha,
Khéo huấn luyện điều phục,
Được học tập giảng dạy,
Làm xong việc phải làm.

434. Đạt được tịnh tối thắng,
Chứng đắc, không dao động,
Sa-di Sumana,
Muốn: 'Không ai biết ta'”.

D. ĐỌC THÊM:

I. KHOA HỌC NGÀY NAY CHƯA THỰC HIỆN ĐƯỢC:

Khoa học ngày nay cũng còn hiểu biết giới hạn. Ở thời đại hiện tại, hầu hết mọi người đều tin tưởng vào khoa học hiện đại 100%, cho khoa học ngày nay là chìa khóa vạn năng có thể mở tung mọi cánh cửa huyền bí nhất của cuộc đời, của vũ trụ, những gì khác hơn khoa học ngày nay đều bị cho là hoang đường, là mê tín, là giả tưởng, là huyền thoại. Những sự việc thấy xuyên qua vách tường, thấy xuyên qua núi, thấy ma quỷ, thấy chư Thiên, thấy hào quang, chuyển di tâm thức, v.v… là bình thường đối với một số người, nhưng đa số vẫn còn cho đó là thần thoại viễn vông. Chẳng biết khi NH kể chuyện này có bị xem là tưởng tượng, thần thoại, hoang đường, mê tín dị đoan không? Nếu quý vị nào nghi ngờ, cứ thực tập theo lời Đức Thế Tôn dạy, thường xuyên ngồi Thiền, niệm Phật, tụng Kinh… sẽ thấy có kết quả tốt đẹp.

Chưa nói đến phương diện siêu hình, về phương diện vật chất, khoa học ngày nay cũng chưa thực hiện được. Ví dụ:

1. Thanh bảo kiếm của Việt Vương Câu Tiễn:

Bài viết Nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn và Mân ngữ”, của Đỗ Thành, viết[10]: “Việt Vương Câu Tiễn kiếm.

Năm 1965 tại tỉnh Hoài Bắc, vùng Kinh Châu (Giang Lăng) ở Vọng Sơn (Trung Quốc), người ta đào từ 1 khu di tích lịch sử, lăng miếu thuộc triều đại nhà Sở, một thanh bảo kiếm cổ xưa được xác nhận là của Việt Vương Câu Tiễn: Trên kiếm có khắc 8 chữ “Việt Vương Câu Tiễn Tự Tác Dụng Kiếm”. Chữ “Câu Tiễn” thời tiền Hán và ngày nay viết có gồm chữ Tác khi xưa và bây giờ. Thanh bảo kiếm đang được trưng bày và bảo quản ở viện bảo tàng Hồ Bắc. Đây là một bảo kiếm quý hiếm tự cổ chí kim, vì với khoa học tiến bộ của ngày nay người ta vẫn chưa biết để đúc được thanh kiếm đã bị chôn vùi dưới đất hơn 2 ngàn mấy trăm năm mà không bị rỉ sét và hư hoại: Kiếm vừa đào lên khỏi mặt đất, người ta kinh ngạc bởi nó vẫn toàn vẹn mà còn lấp lánh hàn quang, thử rạch nhẹ 1 cái là xuyên đứt hơn 16 lớp giấy; để cọng tóc lên lưỡi kiếm thổi thử là đứt ngay. Đó quả là 1 bí ẩn về phương pháp đúc kiếm của người Việt thời xưa.

Quý vị có thể xem phần thử nghiệm thanh kiếm này tại trang youtube: http://www.youtube.com/watch?v=pvs5V_RXefs&feature=related; và quý vị cũng có thể xem nơi khảo cổ tìm được thanh bảo kiếm ở trang này: http://www.youtube.com/watch?v=peSFeBgb3sE”.

Chúng ta thử tưởng tượng dao cạo râu hay dao mổ được xem là bén nhất hiện nay, có thể để cọng tóc thổi thử là đứt ngay, hay rạch nhẹ một cái là xuyên đứt 16 lớp giấy được không?

2. UFO:

Theo Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia: “U F O là chữ viết tắt của unidentified flying object trong tiếng Anh (tức là "vật thể bay không xác định") chỉ đến vật thể hoặc hiện tượng thị giác bay trên trời mà không thể xác định được đó là gì thậm chí sau khi đã được nhiều người nghiên cứu rất kỹ. Nhiều UFO được miêu tả có đặc tính lạ, và đã có người suy xét rằng những UFO là tàu vũ trụ được chế tạo bởi sinh vật ngoài Trái Đất. Chưa có các chứng cứ rõ ràng theo khoa học tự nhiên rằng tàu vũ trụ như vậy tồn tại, tuy có nhiều loại chứng cứ dấu vết đang được bàn cãi trong cộng đồng. Nhiều nhà UFO học cho rằng hiện nay đã có chứng cứ rõ ràng nhưng các chính phủ đang che giấu chúng, có thể vì e ngại sự lan rộng của nỗi hoảng sợ và tình trạng chia rẽ nếu để lộ ra những thông tin như vậy”.

Theo BBC, Minh Long - VNE - Blogger chuaphuclam[11]:

Quan chức Nga, Tổng Thống Cộng Hòa Kalmykia Kirsan Ilyumzhinov "gặp người ngoài hành tinh"

 doithoai-01Tổng Thống một nước cộng hòa thuộc Nga khẳng định ông từng bị sinh vật ngoài hành tinh đưa lên phi thuyền, khiến nhiều người lo ngại ông có thể để lộ các bí mật quốc gia.

BBC cho biết, trong một buổi trả lời phỏng vấn trên truyền hình mới đây, ông Kirsan Ilyumzhinov, tổng thống của nước cộng hòa Kalmykia thuộc Liên bang Nga, nói ông từng bị sinh vật ngoài hành tinh đưa lên phi thuyền của chúng. Ilyumzhinov nói nhiều người nhìn thấy cảnh tượng đó.

Tổng Thống Cộng Hòa Kalmykia Kirsan Ilyumzhinov
Ngay sau đó, Andre Lebedev, một nghị sĩ liên bang, viết thư cho Tổng Thống Dmitry Medvedev để bày tỏ một số mối lo ngại. Trong thư Lebedev khẳng định rằng, nếu câu chuyện của ông Ilyumzhinov không phải trò đùa thì nó sẽ là một sự kiện quan trọng. Sau khi trải qua sự kiện như thế, lẽ ra Ilyumzhinov phải thông báo cho chính phủ liên bang. Nghị Sĩ Lebedev cho rằng, nếu tổng thống nước Cộng Hòa Kalmykia bị bắt, rất có thể sinh vật ngoài hành tinh có thể biết nhiều thông tin tuyệt mật của quốc gia.

Ông Ilyumzhinov đảm nhiệm chức vụ tổng thống của Kalmykia trong 17 năm qua. Kalmykia là lãnh thổ duy nhất ở châu Âu mà phần lớn dân số có nguồn gốc châu Á và theo đạo Phật. Ilyumzhinov từng là một doanh nhân triệu phú trước khi chuyển sang hoạt động chính trị.

Theo BBC, Ilyumzhinov từng thực hiện nhiều hành động khác thường. Với tư cách là chủ tịch Liên đoàn Cờ vua Thế giới, ông đã chi hàng chục triệu USD để biến nước cộng hòa Kalmykia nhỏ bé thành một thánh địa của những người chơi cờ. Thậm chí ông còn cho xây hẳn một làng để tổ chức các giải đấu quốc tế tại đây”.

Theo VOANEWS.COM: “Trong tháng Tư, 174 quốc gia trên thế giới cử hành Ngày Trái đất. Ngày này xuất hiện như một bước khởi đầu cho phong trào bảo vệ hành tinh chúng ta đang sống để duy trì một môi trường lành mạnh cho toàn thể nhân loại và cho các thế hệ mai sau. Thế nhưng mới đây câu chuyện về các vật lạ bay trong không gian, xin tạm gọi là các đĩa bay, làm cho chúng ta chợt nhớ đến niềm thắc mắc của con người đã có từ lâu: Có những giống người khác ở những hành tinh xa xôi hay không? và đến một lúc nào đó liệu loài người chúng ta sẽ có phải di cư sang một hành tinh khác vì một chuyện gì đó xảy đến cho trái đất này hay không? Mời quí vị theo dõi với Lan Phương trong 'Câu chuyện nước Mỹ' tuần này với những tình tiết của câu chuyện với cựu phi hành gia của NASA, Edgar Mitchell và ý kiến của nhà bác học vật lý Stephen Hawking.

doithoai-02Phi hành gia Edgar Mitchell từng tham gia chuyến bay của phi thuyền Apollo lên mặt trăng năm 1971.

Phi hành gia Edgar Mitchell từng tham gia chuyến bay của phi thuyền Apollo lên mặt trăng năm 1971, và là một người rất say mê câu chuyện về đĩa bay. Hôm thứ hai 20 tháng tư ông đã quả quyết rằng có đời sống ở bên ngoài địa cầu và rằng Hoa Kỳ và các chính phủ khác trên thế giới vẫn che dấu sự thực này.

Ông đã đưa ra nhận định này trong lần xuất hiện tại Câu Lạc bộ Báo chí Quốc Gia sau khi kết thúc cuộc hội thảo thường niên lần thứ năm qui tụ những nhà cổ võ cho niềm tin vào đĩa bay, và những nhà khảo cứu đang nghiên cứu xem có những hình thức đời sống nào ở bên ngoài địa cầu của chúng ta hay không.

Theo cựu phi hành gia Mitchell, từ lâu lắm rồi con người vẫn thắc mắc không biết có phải chúng ta là loài người duy nhất trong vũ trụ hay không, nhưng đến thời hiện đại thì chúng ta mới thực sự có được bằng chứng rằng: Không, chúng ta không phải là loài người duy nhất.

Ông Mitchell nói: "Theo tôi, thì định mệnh của chúng ta, và có thể chúng ta nên bắt đầu với nó, là trở thành một thành viên của cộng đồng các hành tinh. Chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng để vươn tới những nơi ngoài tinh cầu của chúng ta và ra ngoài cả thái dương hệ của chúng ta nữa để tìm hiểu điều gì đang diễn ra ở những nơi xa xôi ấy."

Nhà phi hành Edgar Mitchell ra đời tại Roswell, bang New Mexico, là nơi mà một số những người mang niềm tin vào sự hiện hữu của đĩa bay, vẫn quả quyết cho rằng nơi đây là địa điểm mà một vật lạ ngoài không gian, hay là một đĩa bay, đã đến và bị rơi vào năm 1947. Ông kể rằng thời ấy, những cư dân trong thị trấn bị các giới hữu trách quân sự rỉ tai nhỏ to đe dọa rằng chớ nói đến những gì họ chứng kiến, và họ bị cảnh cáo sẽ phải nhận chịu những hệ quả thảm khốc nếu như hé răng bàn tán về vụ này.

Nhưng nhà phi hành này cho biết những cư dân ở đó không muốn giữ câu chuyện đĩa bay rơi tại Roswell là điều sống để dạ, chết chôn theo, họ muốn thổ lộ cho ai đó có thể tin cậy được. Vậy còn ai có thể tin cậy hơn là một người đã từng sinh ra, lớn lên tại Roswell và lại là một phi hành gia từng bay lên mặt trăng? Thế là những cư dân từng trải qua kinh nghiệm dị thường đó đã chọn ông Mitchell để thuật lại đầu đuôi câu chuyện.

Theo lời của ông Mitchell thì cách nay chừng 10 năm, cuối cùng ông đã được Ngũ giác Đài hẹn cho gặp để thảo luận vềnhững gì mà ông đã được nghe thuật lại. Một vị đô đốc mà ông không nêu tên, làm việc trong ban tham mưu liên quân Hoa Kỳ đã hứa với ông sẽ tìm ra sự thực đằng sau câu chuyện dĩa bay rơi tại Roswell. Ông cho biết những câu chuyện về vụ này đã được xác nhận, nhưng vị đôc đốc đó đã bị từ chối không được tiếp cận các hồ sơ khi muốn tìm hiểu sâu hơn trong tiến trình tìm ra sự thực đó.

Và phi hành gia này nói rằng nay thì cũng chính vị đô đốc đó đã phủ nhận câu chuyện này.

Phi hành gia Mitchell nói rằng: Tôi khuyến nghị những ai còn ngờ vực về sự hiện diện của người hành tinh khác hãy tìm đọc các sách vở, truyền thuyết, bắt đầu tìm hiểu những gì thực sự vẫn đang xảy ra. Ông đoan chắc 'bởi vì người hành tinh khác vẫn đang đến thăm chúng ta'. Theo ông cái vũ trụ mà chúng ta sống trong đó kỳ diệu, lý thú, phức tạp và xa xôi hơn rất nhiều những gì mà chúng ta có thể biết vào thời điểm này.

Hôm thứ Hai, cơ quan NASA của Hoa Kỳ đã bác bỏ tin nói rằng chính phủ dấu diếm chuyện có liên hệ đến đĩa bay. Phát ngôn viên NASA, ông Michael Cabbage nói 'NASA không theo dõi các vật lạ bay trong không gian (đĩa bay), NASA không liên hệ đến bất cứ sự che dấu nào liên quan đến người hành tinh khác đến trái đất này hay bất cứ nơi nào khác. Chấm hết'.

Nhiều người tin rằng chính phủ tìm cách che dấu vụ Roswell 1947.

 

 

Và trong khi đó những bàn tán tranh luận về chuyện gì đã xảy ra tại Roswell năm 1947 vẫn cứ tiếp tục. Năm 1994, không lực Hoa Kỳ nói rằng những mảnh vụn thu hồi được tại hiện trường Roswell có phần chắc là từ một khí cầu trong một dự án mật của chính phủ.

 Ông Stephen Bassett, giám đốc tổ chức nghiên cứu Paradigm Research Group (PRG), đứng ra tổ chức cuộc hội thảo về đĩa bay tại Câu Lạc bộ Báo Chí Quốc gia, nói rằng sự thật về đời sống ngoài địa cầu đang bị ếm nhẹm vì nếu được công nhận, nó sẽ gây chấn động lớn về mặt chính trị.

Theo ông Bassett, có một vấn đề lớn thứ ba trong chính trường Hoa Kỳ hiện nay, và đó là vấn đề đĩa bay; ngoài cuộc khủng hoảng kinh tế và vấn đề qũi an sinh xã hội, chuyện vật lạ bay đến từ ngoại tầng không gian, nếu được xác nhận, sẽ có một sức chấn động khủng khiếp,mạnh gấp bội vấn đề quĩ an sinh.

Và từ 3 năm trước, nhà bác học vật lý lừng danh của thế giới, giảng sư tại đại học Cambridge, ông Stephen Hawking, đã lên tiếng trước khi nhận huân chương khoa hoc Copley rằng loài người phải dọn dến một hành tinh khác, ra ngoài thái dương hệ, để bảo vệ cho sự sinh tồn trong tương lai, bởi vì sự sống của con người có thể hoàn toàn bị hủy diệt vì một thảm họa hạt nhân hay khi một vẫn thạch đụng phải trái đất. Một khi loài người chúng ta trải rộng trong không gian và thiết lập những thuộc địa thì tương lai của chúng ta sẽ an toàn.

Theo nhà bác học này thì không có một tinh cầu nào trong thái dương hệ của chúng ta giống như trái đất, vì thế con người cần phải đi đến một thiên hà khác.

doithoai-03Người hành tinh khác có đến thăm chúng ta?

Giảng sư Hawking cho hay không một phi thuyền nào chạy bằng các loại năng lượng hiện nay có thể đưa được con người sang một thái dương hệ khác, vì nếu dùng các phương tiện hiện nay thì cuộc hành trình sẽ kéo dài khoảng 50,000 năm. Ông đề nghị sử dụng lực đẩy được tạo ra khi vật chất và phản vật chất gặp nhau và bùng nổ tạo ra bức xạ. Bức xạ đó được phóng ra sau một phi thuyền thì nó sẽ tạo thành một lực đẩy để phóng phi thuyền đi, hướng đến một hành tinh ở một thiên hà khác trong khoảng thời gian 6 năm, với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng.

 Như vậy mặc nhiên nhà bác học này tin chắc là có những hành tinh khác và có sự sống ở đó.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng từ hơn 2,500 năm trước, Đức Phật Thích Ca đã từng nói: 'Có muôn vàn thế giới trong vũ trụ này'. Vậy thì may ra, cháu chắt chúng ta sau này sẽ hiểu biết thêm nhiều về những gì đang xoay vần trong vũ trụ và biết đâu chúng lại chẳng tìm được một tinh cầu nào tốt đẹp hơn để di cư sang thuộc địa mới, bỏ lại một trái đất kiệt quệ tài nguyên và tàn tạ vì ô nhiễm nếu chúng ta không kịp thời cứu vãn hành tinh mà chúng ta hiện ðang sống?” 

 Bài viết “Có sự sống ngoài trái đất không”, Giáo Sư Minh Chi viết[12]: “Nếu chúng ta đọc kinh Hoa Nghiêm, một trong những kinh Đại thừa rất quan trọng, ở chương “Sự hình thành các thế giới”, chúng ta sẽ biết đạo Phật nói tới không phải một thế giới, mà là nói tới biển thế giới, với số thế giới nhiều vô tận. Ngay từ năm 70, rồi 167, sau đó đến giữa các năm 695 và 704 sau TL, ở Trung Quốc xuất hiện những bản Hán dịch của kinh Hoa Nghiêm rồi, lúc đầu là những bản dịch chưa hoàn chỉnh sau đó, với dịch giả Siksanada, chúng ta cuối cùng đã có được một bản Hán dịch hoàn chỉnh dưới triều đại hoàng hậu Võ Tắc Thiên. 

Trong khi đó thì mãi tới thế kỷ XV, ở Châu Âu, nhà thiên văn người Ba Lan, Copernic mới khẳng định Trái đất xoay xung quanh Mặt trời, và mãi đến nay các nhà khoa học phương Tây vẫn còn bàn cãi về vấn đề ngoài Trái đất, có sự sống hay không? 

Vì vậy mà chúng ta nói, từ hàng nghìn năm nay Phật giáo có một vũ trụ quan–đứng về mặt quan niệm mà nói, tiến bộ hơn vũ trụ quan của các nhà khoa học thiên văn hiện nay rất nhiều. Tuy rằng, Phật giáo không có những viễn vọng kính khổng lồ, nhưng phải chăng ngoài con mắt thịt, các bậc Thánh của đạo Phật còn có những con mắt khác như Thiên nhãn, Tuệ nhãn, Pháp nhãn và Phật nhãn, tức là các con mắt của loài Trời, của chính pháp, của trí tuệ và cuối cùng, hoàn thiện hơn tất cả là con mắt của chư Phật? 

Bây giờ tôi xin trả lời câu hỏi trái thường của nhà vật lý học Ý Fermi: “Nếu họ tồn tại thì tại sao họ chưa có mặt ở đây?”. Câu trả lời của tôi rất bình thường. Nếu chúng ta là những nhà du lịch vũ trụ thì chúng ta sẽ chọn hành tinh nào để đến thăm? Chúng ta có nên chọn hành tinh Trái đất, khi mà ở đây loài người tàn sát nhau không thương tiếc, đối đãi với nhau không phải bằng tình thương mà bằng hận thù, ganh tị, môi trường lại bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chúng ta nên đi thăm Trái đất hay là nên đi thăm một hành tinh khác. Câu trả lời bình thường của tôi là như vậy. Trước khi muốn người các hành tinh khác đến thăm Trái đất, chúng ta hãy chung sức chung lòng làm cho Trái đất tốt đẹp hơn”.

II. Ý KIẾN:

 NH đồng ý với Tổng Thống Cộng Hòa Kalmykia Kirsan Ilyumzhinov, Phi Hành Gia Edgar Mitchell, Giáo Sư Minh Chi và rất nhiều người nói ngoài trái đất có những sự sống khác. Khi biết được có những nền văn minh ngoài trái đất là có thật, khi nói về Phật Giáo chúng ta nên để ý đến những lời Đức Thế Tôn dạy trong Kinh, có nhiều nền văn minh khác ở các hành tinh khác nhau, không hạn cuộc chỉ có văn minh địa cầu là duy nhất trong vũ trụ này.

 Ví dụ: Kinh Phạm Võng (P: Brahmajalasutta) trong Tạng Kinh Nikāya, Đức Thế Tôn dạy: “Này các Tỷ kheo, có một thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển hoại. Trong khi thế giới chuyển hoại, các loại phần lớn sanh qua cõi Ābhassara (Quang Âm Thiên). Ở tại đây, những loại chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong quang vinh, và sống như vậy trong một thời gian rất dài”[13]. “Này các Tỷ kheo, có những hạng chư Thiên gọi là Khiddāpadosikā (bị nhiễm bởi dục lạc). Những vị này sống lâu ngày, mê say trong hỷ tiếu, dục lạc”[14]. “Này các Tỷ kheo, có những hạng chư Thiên gọi là Manopadosikā (bị nhiễm hoặc bởi tâm trí). Chúng sống lâu ngày nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau[15].

Hiện nay, một số người nói rằng khoa học là sát thủ của các tôn giáo. Tuy nhiên NH thấy họ chỉ nói đúng một phần. Khoa học đúng là sát thủ của các tôn giáo khác, ngoại trừ Phật Giáo. Những phát minh khoa học càng thành công rực rỡ bao nhiêu, thì những lời dạy của Đức Thế Tôn càng trở nên sống động, càng sáng tỏ khắp mọi hoàn cảnh, mọi sinh hoạt của nhân loại bấy nhiêu. Khoa học đã làm mọi người hiểu rõ hơn về kinh sách Phật Giáo, từ tâm lý học cho đến một phần rất nhỏ của các thần thông phép lạ. Trong thời đại ngày nay, nếu không có những viễn vọng kính, nếu không có những kính hiển vi, mấy ai tin những lời Đức Thế Tôn dạy trong vũ trụ có vô số thế giới, trong bát nước có vô số vi trùng?

Khi nói đến sự việc vô cùng lớn, cách đây hơn hai ngàn năm về trước, trong các Kinh Nikāya, Phật Thừa hay Đại Thừa… đều viết có vô số thế giới, như Trường Bộ Kinh, kinh Phạm Võng (P: Brahmajalasutta), Tăng Chi Bộ Kinh, Kinh Hoa Nghiêm v.v…Cho đến bây giờ, nhờ các viễn vọng kính không gian Huble, v.v…, nhân loại mới thấy được rất nhiều dãi thiên hà (E: galaxies), tức là có vô số thế giới.

Kinh Hoa Nghiêm viết[16]: Lúc đó Phổ Hiền Bồ Tát lại bảo đại chúng rằng: “Chư Phật tử! Thế giới hải[17] có nhiều hình tướng sai khác, hoặc tròn hoặc vuông, hoặc chẳng phải tròn vuông, hoặc hình như nước xoáy, hoặc hình như núi, hình như cây, hình như bông, hoặc hình như cung điện, như hình chúng sanh, như hình Phật, có thế giới vi trần số[18] hình sai khác như vậy”.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm (S: Śūragama Sutra), Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát thưa với Đức Thế Tôn[19]: “Trong Tam Thiên Đại Thiên thế giới này, có trăm ức mặt trời, mặt trăng.” 

Ngày nay khoa học đã chứng minh lời dạy của Bồ Tát Phổ Hiền trong Kinh Hoa Nghiêm và Bồ Tát Quán Thế Âm trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm là đúng sự thật.

Khi mở Internet, xem các sách về thiên văn ở các trường đại học…, chúng ta thấy những dãi thiên hà có rất nhiều hình ảnh đúng như lời dạy của Bồ Tát Phổ Hiền trong Kinh Hoa Nghiêm, những thiên hà hình nước xoáy, những thiên hà hình bông hoa, những thiên hà hình chúng sanh, v.v... (Vui lòng xem thêm phần phụ lục: Hình ảnh những dãi thiên hà, tinh vân và đối chiếu với Kinh Hoa Nghiêm).

Tiến Sĩ David Whitehouse, công bố tháng 7 năm 2002 về số sao của dãi Ngân Hà (E: Milky Way) có khoảng 300 tỷ ngôi sao. Quả đất chúng ta là một trong ba trăm tỷ ngôi sao đó. Dãi Ngân Hà có khoảng 300 tỷ hành tinh, là một thế giới hải. Dãi Ngân Hà này so sánh với vũ trụ, nó cũng chỉ là một đoá hoa nhỏ trong sa mạc mênh mông của ba ngàn tỷ dãi thiên hà, hay tam thiên đại thiên thế giới, hay là hơn tam thiên đại thiên thế giới, tức là nhiều hơn nữa, mà Đạo Phật thường nói.

Sách Đạo Phật qua nhận thức khoa học, viết[20]: “Hiện nay các nhà khoa học đã tìm được trên hai trăm tỷ (200.000.000.000 hay hai lũy thừa mười một) dãi thiên hà, con số càng ngày càng gia tăng. Các nhà khoa học ước lượng còn rất nhiều dãi thiên hà khác mà vì chúng ở quá xa nên chúng ta không thể biết có sự hiện hữu của chúng. Chúng ta có thể lấy ví dụ của một dãi thiên hà gần dãi Ngân Hà (E: Milky Way) chúng ta là thiên hà Andromeda. Tuy gọi là gần nhất, thiên hà Andromeda cách chúng ta hai triệu (2.000.000) năm ánh sáng. Ánh sáng bay với tốc độ 300.000 km một giây (hay 186.000 miles một giây), thì đoạn dài đó là sáu ngàn tỉ dặm (6.000.000.000.000 miles). Có nhiều dãi thiên hà xa hơn nữa”.

Như vậy vũ trụ này rộng lớn vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Sự hiểu biết và thần thông của Đức Thế Tôn tương đương với vũ trụ, rộng lớn vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.

Các bậc A La Hán có Thiên Nhãn Thông, thấy một ngàn đại thiên thế giới, tức là thấy một ngàn tỉ dãi thiên hà, các bậc Duyên Giác thấy nhiều hơn, các bậc Đại Bồ Tát thấy vô số lượng, Phật thấy tất cả toàn thể vũ trụ.

Luận Đại Trí Độ, viết[21]: “Tiểu A La Hán ít dụng tâm, thấy nhất thiên thế giới thì đại dụng tâm, thấy nhị thiên thế giới thì Đại A La Hán tiểu dụng tâm . Tương tự, thấy nhị thiên thế giới thì đại dụng tâm, thấy tam thiên đại thiên thế giới bậc Bích Chi Phật cũng như vậy. Ấy gọi là Thiên Nhãn Thông.

Khi nói đến sự việc nhỏ, Đức Thế Tôn thấy trong bát nước có vô số vi trùng, hay 84000 con vi trùng. (“Phật quán nhất bát thuỷ, bát vạn tứ thiên trùng, nhược bất trì thử chú, như thọ chúng sanh nhục”, tức là “Phật thấy trong bát nước có tám vạn bốn ngàn con vi trùng, nếu không trì chú trước khi uống, thì cũng như ăn thịt chúng sanh”). Cho đến thế kỷ 19, Pasteur mới dùng kính hiển vi và khám phá ra trong bát nước có vô số vi trùng.

Ngược lại, ngoại đạo và một số người tu tập Thiền Phật Giáo chưa nhiều thì cho rằng, kinh sách Phật Giáo viết về thần thông phép lạ, là mê tín dị đoan, là xảo trá, là lừa gạt thiên hạ chỉ với mục đích câu tín đồ ít học, mê tín dị đoan, chứ làm sao họ có được những thứ đó? Nếu có, họ cũng chỉ là những tên phù thủy với ý nghĩa xấu. Cũng may, thời trung cổ tại châu Âu, Phật Giáo chưa truyền vào. Nếu có, có thể các vị tu sĩ Phật Giáo đã phải chịu chung số phận như linh mục Bruno bị thiêu sống trên giàn lửa đỏ. Và những kẻ có quyền hành đã yêu cầu ông Galileo Galilei ở Ý Đại Lợi phải rút lại lời nói quả đất quay xung quanh mặt trời, và đòi xử tử ông. Bởi, những người này đã viết và nói ngược lại với kinh Thánh của đạo Công Giáo và Tin Lành.

Nhiều người nói sự tiến bộ của khoa học hiện đại cũng giống như đầu nhỏ của tảng núi băng, nó chỉ mới lồi lên mặt nước một chút, phần còn lại của tảng núi băng chìm trong nước rất nhiều, đó là những điều khoa học ngày nay chưa khám phá. NH đồng ý lời nói này và cho là rất chính xác. Trong tương lai khoa học tiến bộ hơn, họ sẽ thấy rõ những lời Đức Thế Tôn dạy trong Kinh, các thần thông phép lạ mà Đức Thế Tôn và các bậc Cao Tăng theo Đạo Phật đã đạt được là chính xác 100%. Khoa học sẽ có những dụng cụ chụp hình quay phim, thấy và nghe tiếng nói của các loài ma quỷ, các vị Thần, Tiên, thế giới địa ngục, các thế giới của những vị Trời sinh sống v.v… Khi đó mọi người chẳng có gì ngạc nhiên và họ sẽ không còn cho rằng những sự kiện thần thông phép lạ trong Phật Giáo là mê tín dị đoan. Chúng ta có thể nói theo khoa học cho dễ hiểu, chúng ta đang sống ở quả đất này thuộc không gian ba chiều, gồm có loài người, súc vật, tôm, cá, vi trùng, cây cối, đất đá, v.v…; các nhà khoa học cho chiều thứ tư là chiều thời gian. Chúng ta có thể nói trong thế giới hay vũ trụ này còn có vô số chiều khác nữa. Ví dụ, như chiều thứ năm là chiều của một số các loài ma quỷ, trong ma quỷ cũng có rất nhiều chiều, có loại ma quỷ dễ thấy, có loại khó thấy. Loại khó thấy, chỉ có những bậc Thánh Tăng cao siêu như Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên… mới thấy được những loài quỷ đói đặc biệt. (Vui lòng xem thêm chương 1: Thầy Thông Lạc hiểu lầm những lời dạy của Đức Thế Tôn trong Tạng Kinh Nikāya, tiết mục 5: Thầy Thông Lạc sai lầm khi viết rằng không có cõi Trời và các cõi siêu hình khác). Các loại địa ngục thuộc những chiều khác. Các loại Thần cũng thuộc những chiều khác nữa. Còn chư Thiên hay các vị Trời ở trên những cõi Thiên Đàng cũng có nhiều chiều khác nhau, nhiều tầng cấp khác nhau, dần dần từ thấp đến cao. Không phải chỉ có một cõi Thiên Đàng trong đó có nhiều Thiên Thần được chỉ huy bởi một Thượng Đế; hoặc là một cõi Trung Giới, trong đó có đủ các loại ma quỷ, Thần, Trời, Thượng Đế, v.v… như những người thế gian bình thường, ít tu tập có thể hiểu được. Chúng ta có thể nói, cõi Tứ Đại Thiên Vương thuộc chiều cõi Trời, hay cõi Thiên Đàng thứ nhất, thuộc Dục giới; cõi Trời Đao Lợi thuộc chiều cõi Trời, hay cõi Thiên Đàng thứ hai, thuộc Dục Giới, v.v… tiến dần lên cao có nhiều Thiên Đàng ở những cõi Trời Sắc Giới, rồi đến những Thiên Đàng ở cõi Trời Vô Sắc Giới. Các bậc Thánh A La Hán, Duyên Giác, Đại Bồ Tát, Phật thuộc những tầng cấp cao hơn nữa.

NH nghĩ, người thế gian phải làm việc mỗi ngày trung bình 8 giờ mới có đủ sinh hoạt cho cuộc sống và NH cũng nhớ mình đã từng thức liên tục ba ngày đêm để viết luận án tốt nghiệp Đại Học. Thế nên NH quan niệm thì giờ rất quan trọng, không nên để uổng phí và phải cố công tu tập nhiều hơn nữa. Từ đó NH hiểu biết và nhận thấy rất nhiều điều mới lạ, do tu Thiền có được, tức là tu tuệ, người bình thường không tu, không biết được. Các khoa học gia hiện nay chưa khám phá và chứng minh được. Không phải NH truyền bá mê tín dị đoan, cũng chẳng phải để khoe với mọi người. Thần thông phép lạ không mang đến ích lợi cho sự giác ngộ và giải thoát. Dính mắc vào nó sẽ trở ngại cho sự giác ngộ. Trí tuệ mới chính là quan trọng. Thực hành trí tuệ và từ bi là hình ảnh tuyệt vời của mọi người con Phật.

Tuy nhiên, nếu không viết thần thông phép lạ thì có lẽ sẽ bị nhiều người phê phán và cho rằng tại sao trong các Kinh Nikāya và Phật Thừa hay Đại Thừa đều viết quá nhiều, chẳng biết có thật không, hay chỉ là mê tín? Các bậc Tổ Sư đời xưa cũng có nhiều thần thông phép lạ. Còn các vị tu sĩ Phật Giáo hiện tại, thần thông phép lạ lặn đi đâu mất tiêu, không ai hay biết; rồi có một số người cho rằng thần thông chỉ là sản phẩm tưởng tượng của các tôn giáo mê tín, có hại cho xã hội, cần phải dẹp bỏ?

Khi NH viết về thần thông phép lạ có thể gây dị ứng cho một số người. Có người sẽ nói: “Ối Giời ơi! Khoa học tiến bộ quá xá, người ta đã lên cung trăng, sắp sửa đến sao Hỏa rồi, mà ở đó nói toàn những chuyện thần thông phép lạ mê tín dị đoan”. Giả sử có người đề nghị dẹp thần thông phép lạ đã truyền lại trong kinh điển Phật Giáo, để cho hợp với người tiến bộ thời nay, cho hợp với người ở thời đại khoa học này, quý vị sẽ nghĩ như thế nào? Thần thông phép lạ không phải là mục đích của sự tu hành, nó chỉ là phó sản của sự giác ngộ. Tuy nhiên, nó đã là phương tiện giúp đỡ rất nhiều bậc Cao Tăng trên đường cứu giúp chúng sanh đã và đang đau khổ trở về với Đạo Phật nhiệm mầu. Từ đó chúng sanh được thoát khỏi khổ đau. Người tu sĩ không chú trọng thần thông, cũng không bài xích nó. Những thứ chúng ta đang dùng hàng ngày, như xe cộ, máy bay, điện thoại, máy vi tính, v.v… cũng là thần thông của loài người trong thời đại hiện nay do sự suy nghĩ, phát minh, giúp đỡ lẫn nhau… mà có được. Thế nên nếu dẹp bỏ những thần thông phép lạ và cho là mê tín dị đoan, hoặc là dẹp những niềm tin tưởng sâu xa vào trí tuệ giác ngộ, dẹp niềm tin bất động vào Đức Thế Tôn, dẹp sự nương tựa vững chắc vào Đức Thế Tôn và những lời Đức Thế Tôn dạy, Đạo Phật sẽ từ từ giảm xuống rồi mất hẳn. Dần dần kinh sách Phật Giáo sẽ biến thành những sách Triết Học Đông Phương, Xã Hội Học Đông Phương, Tâm Lý Học Đông Phương, Đạo Đức Học Đông Phương. Chúng không còn là kinh sách áp dụng trong đời sống hàng ngày, mang lợi ích thiết thực đến cho loài người nữa. Nếu quá lắm chỉ hấp dẫn cho một số người thích nghiên cứu về triết học, xã hội học, tâm lý học, đạo đức học. Cuối cùng kinh sách Phật Giáo chỉ được cất giữ trong các thư viện, để rong rêu bụi bặm bám vào, cho đến khi mục nát. Hay là kinh sách được để trong các máy vi tính, trong các đĩa CD, DVD… nhưng chẳng mấy ai mở lên xem, chẳng mấy ai để ý đến. Khi đó đức tin vào Đạo Phật sẽ yếu dần và tương lai Phật Giáo có thể sẽ biến mất khỏi thế gian này. Nếu còn chăng, kinh sách chỉ còn lại trong các thư viện. Các cảnh chùa sẽ chỉ là vang bóng một thời, nơi để du khách tham quan cảnh đẹp mà thôi. Còn ngay trong hiện tại của thế kỷ 21 này, giới tu sĩ Phật Giáo có thể vô hình trung chia thêm thành hai phái.

Phái thứ nhất học nhiều, có bằng cấp cao. Ai cũng biết mục đích tu học là để đắc Thánh Quả A La Hán, Quả Vị Phật, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi trong ba cõi, sáu đường. Họ đã cố công tu hành được an lạc, hỷ lạc và nhiều kết quả khác… nhưng chưa có phó sản của sự tu hành là thần thông phép lạ. Có thể họ cho rằng, những thần thông phép lạ, những chuyện ma quỷ, chư Thiên, địa ngục, v.v… trong kinh sách truyền lại là mê tín dị đoan. Họ cần phải trừ bỏ để phù hợp với trào lưu tiến bộ của khoa học, của xã hội hiện nay. Và họ cho rằng những người nói có thần thông phép lạ, tin có ma quỷ, chư Thiên, v.v… là kém hiểu biết, là tưởng tượng, là lừa đảo, là chuyên khai thác mê tín dị đoan để trục lợi, cần phải phá trừ mê tín dị đoan để đem lại lợi ích cho xã hội. Nguyên nhân chỉ vì họ dành quá nhiều thời giờ cho học hành nghiên cứu, có còn nhiều thời gian đâu để thực hành Thiền Quán. Tuy nhiên trong phái này cũng có rất nhiều vị vừa học rất cao, vừa tu rất giỏi, đắc Thiền, đắc Thánh quả, có kiến thức, có trí tuệ, có những phép thần thông, v.v… Đó là chưa kể có các bậc Bồ Tát thị hiện tại cõi đời này. Các bậc Bồ Tát sinh ra với mục đích cứu giúp Chư Thiên và Nhân Loại. Đương nhiên quý Ngài này có trí tuệ rất cao siêu, có nhiều thần thông phép lạ, nhưng không cho người khác biết.

Phái thứ nhì học ít hơn, bằng cấp thấp hoặc là không bằng cấp. Họ dành rất nhiều thời giờ chăm lo tu tập Thiền Quán. Nên phái này có được thần thông phép lạ và nghĩ rằng thần thông phép lạ là có thật, trí tuệ do tu Thiền là có thật, giác ngộ, giải thoát là có thật. Họ cho rằng phái học nhiều, có bằng cấp cao là cái đãy sách, là chuyên môn đi đếm bò cho thiên hạ, chuyên môn đi đếm tiền trong ngân hàng mà thôi. Không ai chịu nghe lời ai. Phái nào cũng cho mình là đúng. Đương nhiên trong phái ít học cũng có rất nhiều bậc Bồ Tát thị hiện như trong phái học nhiều, nhưng quý Ngài không nói ra mà thôi.

Thật ra những sự thấy biết của cả hai phái đều đúng, đều là sự thật.

Khoa học là sự thật rõ ràng nhất, vì được chứng minh, đo lường kỹ lưỡng và ở ngôi thứ ba.

Còn tu sĩ, hành giả… khi phát biểu là ở ngôi thứ nhất, khó kiểm chứng. Nhưng tất cả đều là sự thật. Chỉ có điều khác nhau là đi từ sự thật thấp đến sự thật cao hơn.

Nhưng cũng có điều lạ, là theo như các sách TTL viết, TTL tu hành rất nhiều, ngồi Thiền đạt đến Tứ Thiền, tịnh chỉ được hơi thở, nhưng không có thần thông phép lạ nào. TTL cho rằng các cõi siêu hình, chư Thiên, ma quỷ, v.v… đều là tưởng tượng, là mê tín dị đoan, cần phải đập phá thì đúng là chuyện lạ, khi TTL nói rằng đã đắc Tứ Thiền, đã tịnh chỉ được hơi thở. Các sách thì TTL viết đúng sai lẫn lộn, viết rất nhiều sai lầm so với Tạng Kinh Nikāya cũng là điều NH rất ngạc nhiên.

Còn sự việc TTL tự xưng là đắc Tam Minh và Thánh Quả A La Hán, ngộ tất cả công án, nhưng NH đã chứng minh là TTL chưa đạt được. TTL chưa hiểu chữ Thiên Nhãn Minh nghĩa là gì và giải thích sai lầm về Thiên Nhãn Minh của Đức Thế Tôn; TTL cũng không hiểu Lậu Tận Minh là gì thì làm sao đắc được Tam Minh? TTL thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn về đạo đức của Nhân Thừa, Thiên Thừa, điều đó tốt; nhưng TTL chưa hiểu con đường siêu vượt Nhân Thừa, Thiên Thừa, chưa hiểu những điều kiện để đắc Tứ Quả (Tu Đà Hàm, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán) thì làm sao đắc Thánh Quả A La Hán? TTL hiểu sai lầm về công án của các bậc Tổ Sư thì làm sao ngộ được công án? (Vui lòng xem các chương trước).

TTL hiểu sai lầm Tạng Kinh Nikāya căn bản, tương tự như không biết được các phép tính căn bản, Cộng Trừ Nhân Chia, thì làm sao TTL hiểu được các phép tính Đạo Hàm, Tích Phân, v.v… tương tự như triết lý Phật Thừa hay Đại Thừa,Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Pháp Hoa Tông, Thiền Tông, v.v… thì làm sao TTL hiểu được triết lý của các Tông trên?

Từ đó chúng ta thấy trong các Kinh, Luật, Luận, Đức Thế Tôn, các bậc Thánh Tăng, Thánh Ni, Tổ Sư thể hiện nhiều loại thần thông biến đá thành vàng, bay lên hư không, ngăn dòng sông đang chảy làm nước sông dâng cao như núi, v.v… đều là chính xác. Thế nên, NH rất quý trọng các Kinh Nikāya và Phật Thừa hay Đại Thừa.

III. PHÉP LẠ CỦA QUÝ THẦY MÀ NH HÂN HẠNH ĐƯỢC BIẾT:

Sơ lược một số vị Cao Tăng, pháp hữu mà NH hân hạnh được tiếp xúc, họ đã có được thắng trí hay thần thông.

1. CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH ĐÔN HẬU NGỒI THIỀN TỰ CHỮA KHỎI UNG THƯ:

Có lần cố Hòa Thượng Thích Đôn Hậu (1905-1992), Chánh Thư Ký, Xử Lý Viện Tăng Thống và được truy tặng làm Đệ Tam Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đến thăm tu viện Quảng Hương Già Lam. Ngài tướng mạo rất phương phi, tai rất dài, đang mặc áo nhật bình màu lam. NH thấy Ngài có hào quang trắng hơi vàng bao phủ xung quanh người khoảng vài tấc tây, trông rất đẹp. Thế nên NH mạnh dạn đến hỏi. NH thưa: “Bạch Ôn, Ôn tướng mạo rất phi phàm, Ôn có những thần thông phép lạ gì, xin Ôn vui lòng kể cho chúng con được biết”. Ngài trả lời: “Con chỉ nên hỏi về tu học, Ôn sẽ trả lời, đừng nên hỏi về thần thông phép lạ. Khi chú ý thần thông phép lạ con sẽ đi sai đường lối tu học giải thoát”. NH thưa: “Bạch Ôn con biết, thần thông phép lạ chỉ là phó sản của sự tu hành, nhưng nó cũng đánh dấu một phần nào kết quả tu hành của mình, thế nên nó cũng nằm trong phương diện tu học. Ôn là bậc đi trước, chúng con là hàng hậu học theo sau, Ôn có nói cho biết, chúng con sẽ được lợi ích nhiều hơn”. Ngài trả lời: “Thần thông phép lạ của Ôn thì có nhiều vô số, nhưng chỉ có Ôn biết nên không cần thiết nói ra. Nhưng có một việc mà mọi người trong nhà thương đã biết, nên Ôn sẽ chỉ kể việc này. Khi ở Hà Nội, một hôm Ôn đau bụng, mọi người đưa Ôn đi nhà thương, nhà thương chụp hình thấy Ôn có cục ung thư lớn gần bằng cổ tay hay quả cam. Mọi người để Ôn ở nhà thương, chờ ít hôm sau sẽ mổ. Trong thời gian chờ đợi mổ, Ôn ngồi Thiền và sau đó cảm thấy hết đau bụng. Nhà thương chụp hình trở lại để chuẩn bị mổ. Họ rất ngạc nhiên, không còn thấy cục ung thư trong bụng nữa, nên khỏi mổ”.

2. CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ THỦ CÓ THIÊN NHÃN THÔNG VÀ BIẾT TRƯỚC TƯƠNG LAI.

A. Đức độ bao la của Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909 – 1984):

NH luôn luôn xem Hoà Thượng Thích Trí Thủ là vị cha lành, kính yêu.

Trước kia Hòa Thượng Thích Trí Thủ đã phát nguyện:

Một lòng kính lạy Phật Đà,

Ngàn đời con nguyện ở nhà Như Lai,

Con hằng mặc áo Như Lai,

Con ngồi pháp tọa Như Lai muôn đời”.

Hòa Thượng Thích Trí Thủ thường xuyên dạy Kinh Luật Luận cho quý Thầy tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam. Có lần sau khi dạy, Hòa Thượng hỏi quý Thầy: “Các Thầy hãy nói một câu “ly tứ cú tuyệt bách phi” cho nghe.” Nhiều Thầy tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam đã trả lời.

Sau khi Hòa Thượng Thích Trí Thủ Cao Đăng Phật Quốc, năm 1984, NH viết điếu văn, in trong báo Phật Giáo Việt Nam, tại Los Angeles, Hoa Kỳ, năm 1984, do Hòa Thượng Thích Mãn Giác làm chủ bút. NH còn nhớ bốn câu đầu trong bài điếu văn kính dâng lên cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ như sau:

Ngưỡng bạch kính dâng Ngài,

Thuyền Bát Nhã thênh thang, xuôi ngược khắp Đông Tây, cứu vớt khách trầm luân nơi khổ hải.

Trăng Lăng Già viên chiếu, sáng soi cùng Nam Bắc, dắt dìu người giác ngộ chốn Thiền Môn.

Biển Hải Đức vô cùng, hàm dung hằng sa người Trí Huệ,

Rừng Quảng Hương thơm ngát, ngạt ngào vô lượng cõi Tâm Như…”

Bốn câu trên chưa đủ diễn tả ân đức mà Ngài đã nuôi dưỡng, dạy dỗ cho hàng ngàn tu sĩ Phật Giáo Việt Nam tại các Phật Học Viện Bảo Quốc, Hải Đức, Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Chùa Ba La Mật, v.v… thuộc nhiều thế hệ, mà NH là một trong số đó.

Khi nói về Hòa Thượng Thích Trí Thủ, nhiều người nhớ Ngài có tam bất khả tri, có người còn gọi là tam bất tri. Đó là ba điều mà chính Ngài và những người khác đều không thể biết:

1. Đệ tử tu sĩ nhiều vô số, hàng ngàn vị, Ngài không tính đếm hết.

2. Đệ tử cư sĩ xin quy y nơi Ngài càng nhiều hơn nữa, nếu tính từ Quảng Trị đến Cà Mau có thể lên đến hàng triệu người. Có những vị là tỷ phú Chợ Lớn, các vị quan chức rất lớn, các vị bằng cấp cao, cho đến những người dân nghèo, ít học v.v…

3. Mỗi lần Ngài đề nghị xây chùa, lập Phật Học Viện, kiến thiết Giáo Hội là vô số Phật tử cúng dường, tiền bạc đếm không hết phải giao cho các vị có phận sự cất giữ để chi tiêu rõ ràng đâu vào đó.

NH rất ngạc nhiên, uy tín đức độ Ngài rất cao, được chứng minh trong lần Ngài và phái đoàn Viện Hóa Đạo đến thăm chùa Khải Đoan, Ban Mê Thuột, tỉnh Darlac, bây giờ gọi là Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Khi hay tin Ngài đến thăm, Phật Tử và dân chúng tỉnh Darlac, tự phát đổ xô nhau đứng hai bên đường để muốn biết mặt Ngài, từ phi trường Phụng Dực đến chùa Khải Đoan, cách xa mấy cây số. Cảnh này chẳng khác gì lúc Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Đệ Nhất Phu Nhân Hillary Clinton đến thăm Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa, khi xe chở Ngài đi đến đâu, hầu hết dân chúng đều tự nguyện quỳ xuống, họ không để ý đến áo quần dơ của đất đỏ Ban Mê Thuột và chắp tay vái chào Ngài. Thật là một cảnh tượng chưa từng có. NH xem truyền hình chưa thấy có vị nguyên thủ quốc gia nào được dân chúng nước đó kính trọng như Phật Tử và dân Ban Mê Thuột tỉnh Darlac kính trọng Hòa Thượng Thích Trí Thủ và phái đoàn.

Điều ngạc nhiên đã được giải thích khi NH ở Tu Viện Quảng Hương Già Lam và được sống gần Ngài. Mọi người từ già đến trẻ, tu sĩ hay cư sĩ đều rất quý trọng Ngài. Ngài ở đâu là tâm từ bi tỏa ra ở đó. Theo ý kiến riêng của NH, Ngài quả thật là một bậc Bồ Tát tái sinh tại thế gian này để hóa độ chúng sinh. Ngoài ra NH cũng được hân hạnh săn sóc Ngài, mỗi khi Ngài bị bệnh nhẹ. Còn bệnh nặng đã có các vị như Thầy Toàn Thiện là Dược Sĩ; Bác Sĩ Nguyên Hiển Trần Tiễn Huyến, nay ở Hoa Kỳ; Bác Sĩ Nguyên Minh Phạm Hữu Diệu, nay ở Canada, săn sóc rất kỹ lưỡng. Thị giả hầu Ngài đã có Hòa Thượng Thích Đức Hải, Thượng Tọa Thích Đạt Đạo. Một lần Ngài bị cảm nhẹ, NH cởi áo Ngài lên và thấy trên lưng có rất nhiều nốt ruồi son. NH đếm có đến hơn một trăm nốt ruồi son. Trên hai tay Ngài cũng có nhiều nốt ruồi son. Lúc đó NH thưa với Ngài: “Bạch Ôn (Ôn tức là Hòa Thượng, người Huế gọi là Ôn) Ôn có nốt ruồi son nhiều hơn gấp đôi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ có khoảng 43 nốt ruồi son trên lưng mà thôi. Nếu Ôn ở đời, chắc đã làm Tổng Thống từ lâu rồi”. Ngài chỉ cười và không nói gì. NH giải thích với Ngài, vị Thầy mà NH rất kính trọng, có người Phật Tử thuần thành, rất tôn kính Tam Bảo, thường xuyên đến Tu Viện Quảng Hương Già Lam và Hòa Thượng đã biết chị đó. Chị là cháu của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Lúc chị còn bé và khi chú Thiệu đi lính về nhà, chị thường mở áo của chú ra đếm nốt ruồi son, có khoảng 43 nốt. Còn những người khác trong nhà, chị không thấy có nốt ruồi son.

NH cũng được biết Hòa Thượng Trí Thủ khi còn nhỏ đến bất kỳ chùa nào, việc đầu tiên là Ngài vào chánh điện lạy Phật. Lúc Ngài ở chùa, trước khi được tấn phong làm Hòa Thượng, chùa nở hoa sen rất lớn bên trong có hai nụ, người ta gọi là hoa “tịnh đế”, báo hiệu điềm lành. Ở Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Ngài luôn luôn thức lúc 4 giờ sáng để lạy Phật, tụng Kinh, ngồi Thiền, niệm Phật cho đến 6 giờ sáng. Ngài lạy Phật rất nhiều. Việc lạy Phật này cũng giống như Tổ Sùng Sơn (Seung Sahn) thuộc trường phái Thiền Lâm Tế ở Hàn Quốc. Tổ Sùng Sơn lạy Phật rất nhiều. Các Phật tử học theo Ngài dù tu sĩ hay cư sĩ, khi an cư kiết hạ, mỗi sáng đều phải lạy 108 lạy trước khi ngồi Thiền. Tổ Sùng Sơn đã xây dựng mấy chục ngôi chùa ở khắp thế giới. Có một điều rất cao quý và dễ thương của những Phật Tử Hàn Quốc, là khi thấy các tu sĩ ở đâu, quen hay lạ, dù ngoài đường hay trong chùa, việc đầu tiên là họ chắp tay chào một cách rất cung kính và tu sĩ cũng chào họ lại như vậy.

B. Hòa Thượng Thích Trí Thủ có Thiên Nhãn Thông và biết trước tương lai:

Có lần vào mùa hè nóng nực, NH quạt cho Hòa Thượng Trí Thủ và hỏi Ngài: “Bạch Ôn, tại sao Ôn thường xuyên mặc áo tràng dài, không cởi ra cho mát, kể cả lúc đi ngủ cũng vậy?” Ngài trả lời: “Cuộc đời sống chết trong hơi thở, Ôn sẽ chết bất kỳ lúc nào. Sau khi tắt thở mọi người cũng sẽ nhìn thấy Ôn luôn luôn mặc áo tràng đàng hoàng kỹ lưỡng”. Việc này cho thấy Ngài đã biết trước tương lai việc Ngài bất tỉnh và đi luôn trong lúc nói chuyện, với áo tràng trên người, không kịp nói lời chào từ biệt.

NH hỏi tiếp: “Bạch Ôn, nghe nói Ôn trước kia có thiên nhãn thông, có thể thấy rất xa, thấy xuyên qua vách tường, chuyện đó có thật không?” Ngài trả lời: “Chuyện đó có thật, nhưng xảy ra lúc còn trẻ”. NH hỏi: “Bạch Ôn, sự việc xảy ra thế nào?” Ngài trả lời: “Một hôm tại Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, ở trong phòng đóng cửa nhưng Ôn nhìn thấy tất cả xung quanh, ngoài trời, trong các phòng khác Tăng chúng làm việc, đọc sách, tụng Kinh, ngồi Thiền, v.v… giống như thấy mọi người đang làm việc, nghỉ ngơi hay ăn uống trước mặt, không có gì ngăn ngại. Có lần làm việc trong phòng, Ôn thấy mấy chú Sa Di nhỏ, trèo lên cây ổi ở sườn núi che khuất bên sau các phòng và dãy núi ở đồi Trại Thủy Nha Trang, cách đó khoảng hơn một cây số. Ôn sợ các chú Sa Di này té xuống núi, có thể chết hay bị thương. Ôn muốn đi đến đó để nói các chú đừng leo trèo coi chừng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu Ôn đi thì bỏ dỡ công việc đang làm trong phòng, nên mới bảo các Thầy gần đó chạy đi khuyên các chú Sa Di nhỏ giùm. Các Thầy rất ngạc nhiên, không thấy các chú Sa Di ở đâu cả. Ôn nói, các chú đang ở khuất bên kia núi, qua khỏi các dãy Tăng phòng, mới thấy được các chú Sa Di đó. Các Thầy không tin, nhưng nghe lời Ôn, nên phải đi. Quả nhiên các chú Sa Di nhỏ đang trèo lên cây ổi ở lưng chừng núi trông rất nguy hiểm. Sau đó các Thầy biết, không những Ôn thấy các chú Sa Di bên kia sườn núi, Ôn còn thấy biết tất cả các Thầy đang làm việc, đọc sách, tụng Kinh, ngồi Thiền, hay đang ngủ, v.v… trong các phòng ở Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang dù xa hay gần”. NH hỏi tiếp: “Bạch Ôn, sau đó thì thế nào?” Ngài đáp: “Sự việc thấy như vậy cũng khiến cho Ôn bận rộn chỉ dạy Tăng chúng, từng người nhiều hơn, khó hoàn tất những việc của Giáo Hội nhanh chóng như ý muốn. Sau này Ôn chú tâm Pháp Môn Tịnh Độ, lo làm việc Giáo Hội và từ từ không còn Thiên Nhãn Thông nữa.”

C. Hòa Thượng Thích Trí Thủ dạy NH: “Con cần nương tựa và thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn”:

1. Chuyển di tâm thức của NH:

Lúc còn ở Việt Nam, khi Thiền đến mức độ cao, NH có những hiện tượng lạ hay thắng trí, như chuyển di tâm thức bay lên không gian, (nói theo kiểu bình dân là xuất hồn), bay dạo khắp nơi, v.v... Khi tu tập có những hiện tượng lạ hay thắng trí, NH thường trình lên Ngài để nhờ chỉ dạy, có lần NH thưa với Hòa Thượng: “Bạch Ôn, con ngồi Thiền có thể chuyển di tâm thức bay đi chỗ này chỗ nọ. Dùng tâm thức để dạo chơi, có khi bay xuống biển, thấy rất nhiều cá bơi lội. Có khi bay lên trên các dãy núi, qua các thành phố. Có khi bay vào vũ trụ thấy vô số hành tinh, lớn có nhỏ có, sáng có mờ có. Một lần dùng tâm thức xuống địa ngục, thấy tự nhiên mặt đất không còn dày kín như hiện tại nữa, mà thấy mặt đất gần giống như mặt nước, nhưng xuống không thấy lạnh, chưa thấy lửa hay hàn băng, chỉ mới thấy vô số máy móc ở dưới địa ngục ép cơ thể con lại, khiến không thở được. Con muốn lên nhưng bị mắc kẹt dưới địa ngục không lên được, lại bị nghẹt thở, rán hết sức cũng không lên được; may thay, con nhớ và chí thành niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, cầu xin Ngài cứu giúp mới bay thoát lên được. Từ đó con sợ, không còn dám có ý nghĩ xuống địa ngục dạo chơi cho biết nữa và con rất tin tưởng Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát”.

Từ đó NH biết được, địa ngục không ở đâu xa, ngay ở dưới đất này. Khoa học hiện tại chỉ ở không gian ba chiều nên đào xuống đất chỉ thấy các lớp đất, đá, khoáng sản, nước, dầu hoả, v.v… Nếu các nhà khoa học khám phá thêm nhiều chiều khác nữa, sẽ biết hay thấy được chúng sanh các loài khác, v.v…

2. Địa ngục có thật:

Sự chuyển di tâm thức tức là xuất hồn, trong đó chuyện đi xuống địa ngục dạo chơi cho biết, NH nghĩ địa ngục là có thật. Nó không phải là ảo tưởng, ảo giác hay tưởng tượng. Có một cuốn sách Phật Giáo nào đó, viết hoả ngục chứ không viết địa ngục. NH nghĩ chữ hỏa ngục chưa chính xác. Hỏa ngục chỉ là một phần của địa ngục. Vì có những địa ngục không có lửa, như địa ngục hàn băng, hoặc là địa ngục máy móc do chính NH đã thấy. Tại sao NH tin địa ngục có thật? Bởi, khi đến Hoa Kỳ, NH được một vị Thầy mà NH rất kính trọng, nay là Hòa Thượng, vị đó trước kia có học Thiên Văn và tốt nghiệp Đại Học trường Đại Học Long Beach, California, đã dẫn NH đến Griffin Observatory tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Vị Thầy đó chỉ cho NH xem vũ trụ do kính thiên văn chiếu. NH thấy giống y hệt những gì NH đã thấy khi chuyển di tâm thức trong lúc ngồi Thiền tại Tu viện Quảng Hương Già Lam ở Việt Nam trước kia. Nhưng ở tại Griffin Observatory họ chiếu vũ trụ với ánh sáng mạnh quá, không giống như NH thấy ánh sáng vừa phải trong lúc ngồi Thiền; còn tất cả các hình ảnh vũ trụ, các hành tinh, đều giống như NH đã dùng tâm thức bay lên và thấy. Thế nên NH nghĩ địa ngục cũng có thật, như cái bàn, cái ghế, v.v… Chỉ có điều khoa học hiện tại chưa có dụng cụ khám phá được địa ngục. Khoa học hiện tại chỉ mới ở không gian ba chiều và chiều thứ tư là thời gian mà thôi.

Ngược lại, nếu người nào đó nghĩ rằng địa ngục do tâm tạo ra, không có thật, thì khi đó cái bàn, cái ghế, cỏ cây, sông núi, v.v… cũng không có thật, chỉ do tâm tạo ra, như Ngài Từ Đạo Hạnh đã dạy:

“Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Nhìn xem bóng nguyệt dòng sông

Ai hay không có có không là gì”.

3. Thiên Khải hay Mặc Khải:

Khi NH trình bày về chuyển di tâm thức, Hòa Thượng Thích Trí Thủ dạy NH: “Mức độ Thiền của con chỉ mới là Dục Giới Định bậc thấp, chưa đạt đến Sơ Thiền. Khi ở Dục Giới Định bậc cao, con sẽ nghe được nhiều lời chỉ dạy của các vị Thần Tiên, còn gọi là “Thiên Khải[22]”. Khi nghe những lời Thiên Khải đó, con nên nghĩ nhớ đến những lời dạy trong Kinh Phật, lấy Kinh Phật làm chính và nương tựa nơi Kinh Phật. Kinh Di Giáo dạy:  “Thị cố A-Nan đương tự xí nhiên, xí nhiên ư pháp vật tha xi nhiên, đương tự quy y, quy y ư pháp vật tha quy y”. (Dịch: “Này A Nan, hãy tự thắp đuốc lên mà đi, dùng lời dạy của Như Lai làm đuốc, đừng dùng vật gì khác; nương tựa và lời dạy của Như Lai, đừng nương tựa vào bất kỳ những gì khác”). Những vị Thần Tiên nào dạy những điều giống như trong Kinh Phật tức là họ đã quy y Tam Bảo, Phật Pháp Tăng. Còn những vị Thần Tiên nào dạy khác lời Phật dạy, con đừng đi theo họ để khỏi phải chịu sai lầm sau này”. Khi đó NH nghĩ “Thiên Khải” rất là ghê gớm. Làm sao một người bình thường như NH, sẽ có được “Thiên Khải”? NH làm sao đủ phước đức để có thể nghe được các vị Thần Tiên giảng đạo? “Thiên Khải”, ở thời đại hiện nay có người tin, có người không tin. Họ cho “Thiên Khải” chỉ là sự tưởng tượng. Không ngờ khi tu Thiền đến Dục Giới Định bậc cao, NH đã nghe những lời dạy của các vị Thần Tiên, có vị tự xưng Thượng Đế, và NH còn thấy họ giảng đạo cho NH nữa. Họ muốn NH phổ biến giáo lý của họ cho mọi người. Đúng là chuyện khó tin, nhưng có thật. Họ cũng dạy những điều hay lẽ phải, tu hành tốt đẹp để được về thế giới an lành của họ trên Thiên Giới, Thiên Đàng, sống an vui hạnh phúc lâu dài hơn cõi người rất nhiều. Nhưng NH nhớ lời Ôn, cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ, dạy bảo nên nương tựa vào Kinh Điển của Đức Thế Tôn dạy, để tu tiến cao hơn và NH đã vâng lời. Nhờ thế NH đã vượt qua khỏi Dục Giới Định, lên đến Sơ Thiền và các tầng cấp Thiền cao hơn. Như vậy, Hòa Thượng Thích Trí Thủ đã biết căn cơ trình độ của các môn đồ, đã biết trước tương lai, để hướng dẫn chư Tăng đệ tử đi đúng đường. Có lẽ Ngài đã được “Thiên Khải” hay “Mặc Khải”, nhưng Ngài xem đó rất thua kém so với giáo lý Đức Thế Tôn dạy, nên Ngài không nói ra mà thôi. Sau khi đạt Sơ Thiền trở lên, NH biết các tôn giáo khác, có đề cập sự việc xuất hồn, các vị Đạo Sư, Giáo Chủ đó có tiếp xúc có tiếp xúc với Thượng Đế, Chúa, có khi là Phật, Thánh, v.v… đều là những vị ngồi Thiền đạt Dục Giới Định chưa lên đến Sơ Thiền.

4. Hòa Thượng Thích Trí Thủ có hào quang ngũ sắc rất đẹp:

Lần khác NH lên thưa với Hòa Thượng Thích Trí Thủ: “Bạch Ôn, con thấy hào quang, tức là ánh sáng nhiều màu rất đẹp bao phủ khắp người Ôn. Ôn có hào quang màu ngũ sắc, có nhiều màu xanh đỏ vàng trắng tím trông rất đẹp bao phủ khắp người Ôn và Ôn có mùi thơm của trầm hương. Con không những thấy hào quang của Ôn, mà con còn thấy hào quang của mọi người. Hào quang tỏa khắp thân người, người nào cũng có, nhưng trên đầu có phần mạnh và sáng hơn. Chẳng hạn, Thầy A có hào quang màu vàng lợt trông rất đẹp, thầy B có hào quang màu trắng trong trông cũng rất đẹp, thầy C tức là Thầy hôm qua Ôn khiển trách không chịu tu hành, cứ luôn luôn cầm trên tay quyển sách để đọc, mà không lo tu Thiền, niệm Phật, vị đó có hào quang hơi tối, v.v…. Và mỗi người đều có mùi riêng biệt. Như Ôn có mùi thơm trầm hương, những người khác có mùi hoa anh trảo (lan công chúa) trồng ở chùa, hay là có mùi hoa sen, v.v…, người nào cũng có mùi thơm hoặc hôi khác nhau. Một lần con đạp xe đạp đi phố, con cảm thấy sau lưng con có mùi xác người chết, rất hôi thối. Đã năm phút trôi qua con vẫn cảm thấy có mùi xác chết đó, nên quay lại phía sau để nhìn, thì ra có người đạp xe đạp đi theo sau con, cách xa khoảng mười mét. Hào quang ở đầu và xung quanh người của họ rất xám tối, mặc dù gương mặt họ cũng bình thường như những người khác, không bị sẹo, cũng không xấu xí. Nhưng, tự nhiên con nghĩ, người này đáng sợ quá, mặc dù còn rất trẻ, khoảng gần ba mươi tuổi, nhưng con nghĩ, sau khi chết, họ có thể sẽ phải bị đọa địa ngục, nếu họ không làm việc thiện để giải trừ bớt cái ác mà họ đã có và đang mang theo trên người. Thế nên con lái xe qua đường khác để đi, và tránh họ. Khi đó không còn mùi hôi của xác chết xông lên nữa. Ngoài ra con còn cảm nhận được Tu Viện Quảng Hương Già Lam có từ quang tốt đẹp bao phủ rất nhiều. Con đường Ôn thường đi từ ngoài tu viện lên lầu đến phòng Ôn có từ quang tốt đẹp bao phủ nhiều hơn ở các nơi khác trong chùa”. Hòa Thượng khen là tốt, rán tu hành thêm nữa. Ngoài ra ở Việt Nam, các chùa khác như Chùa Ấn Quang, Chùa Huệ Nghiêm, v.v… cũng có từ quang bao phủ. Khi ở Hoa Kỳ, NH thấy rất nhiều chùa có từ quang bao phủ.

Người nào cũng có hào quang bao bọc xung quanh, ít nhất nửa tấc tây, trung bình một vài ba bốn năm tấc tây, không nhất định, trên đầu mạnh và sáng hơn; cũng có những bậc Cao Tăng hào quang sáng rất xa đến vô cùng vô tận. Có nhiều người hào quang màu sẫm tối, u ám; ngược lại có những bậc Cao Tăng dù mặc áo các màu khác nhau, như màu lam, màu nâu, màu vàng, nhưng hào quang vẫn rực rỡ như được bao phủ lên những bậc đó một lớp vàng, một lớp kim cương kỳ diệu, trông rất đẹp, đẹp hơn kim cương, đẹp hơn vàng đang bán ngoài thị trường, v.v... Hào quang của mọi người có những màu xanh, vàng, trắng, tím, v.v…, cộng thêm những mùi hương khác nhau. Sự thấy hào quang của NH từ năm 1979 liên tục đến năm 1998. Khi muốn thấy hào quang người nào, NH chỉ cần tập trung tư tưởng một chút thì thấy, còn khi không để ý hào quang của họ và nhìn bình thường như mọi người thì không thấy. Trong thời gian thấy hào quang, NH thấy hào quang của NH có màu trắng, nhưng chưa được trắng trong sáng rực như một số các vị pháp hữu, các bậc Cao Tăng khác. Tuy nhiên khi NH chí thành niệm nho nhỏ, “Nam mô A Di Đà Phật” thì thấy trước trán có hào quang màu trắng sáng rực như đèn bin chiếu ra ngoài. (Đây là riêng NH thấy, chứ những người chưa thấy hào quang, có lẽ không thấy được). Thế nên NH thường xuyên chí thành niệm thầm “Nam mô A Di Đà Phật” và tin chắc chắn 100% thật có Đức Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc.

Trở lại, nhờ thấy hào quang của NH chưa được trắng trong như một số các vị pháp hữu, các bậc Cao Tăng khác, nên NH luôn luôn cố gắng tu tập để hy vọng mỗi ngày một tiến bộ hơn. Sau này nhờ thường xuyên cố gắng tu hành, NH thấy hào quang càng ngày sáng càng đẹp hơn, tuy nhiên vẫn chưa bằng một số các vị pháp hữu, các bậc Cao Tăng khác. Đến năm 1998, khi NH đeo kính viễn thị thì việc thấy hào quang yếu dần và mất hẳn, bây giờ không còn thấy hào quang nữa. Đúng ra là sự thấy hào quang thuộc một phần của thiên nhãn không tùy thuộc nhục nhãn, nhưng trường hợp của NH có thể do lớn tuổi, mắt kém nên sự thấy hào quang cũng kém luôn và mất hẳn.

Khi mới đến Hoa Kỳ, NH hỏi về sự việc thấy hào quang, quý Thầy giỏi tiếng Anh kể, ở Tây Tạng có người thấy hào quang, sách được viết bằng tiếng Anh. NH kém tiếng Anh, vì ở Việt Nam sinh ngữ chính là tiếng Pháp. Tại Hoa Kỳ, NH cũng không rảnh rỗi để tìm kiếm sách viết về hào quang để xem họ nói gì trong đó.

Đến năm 1999, có người giới thiệu NH xem máy chụp hình hào quang và chụp thử, máy chụp hình hào quang Aura Camera 6000 do Guy Coggins phát minh. Sau khi xem các hình, NH thấy hào quang trong các hình được máy chụp còn đơn giản, chưa sống động bằng NH đã thấy hào quang trước kia. Có lẽ trong tương lai, khi khoa học phát minh ra máy quay phim hào quang, NH sẽ đến xem để so sánh có những chi tiết khi chiếu phim có giống như NH đã thấy hay không?

Cũng trong năm 1999 NH đọc sách “Câu Chuyện Rampa”, Trần Viết Anh Thi phóng tác theo sách “The Rampa Story” của Lạt Ma Tiến sĩ Lobsang Rampa. Sách viết Lạt Ma Tiến sĩ Lobsang Rampa đã thấy hào quang và chuyển di tâm thức. Lạt Ma Tiến sĩ Rampa lúc tám tuổi qua một cuộc giải phẫu để mở “Con Mắt Thứ Ba” (The Third Eye), NH thì không giải phẫu, chỉ tu tập Thiền Quán và thấy được hào quang mà thôi. Khi so sánh về sự thấy hào quang của NH và của Lạt Ma Tiến sĩ Rampa có nhiều tương tự.

Ấn Độ Giáo cũng có viết về “Con Mắt Thứ Ba”, để mở bức màn chia cách giữa con người và Thượng Đế. Có lẽ nhờ vậy họ thấy, nghe được các bậc Thần Tiên giảng đạo, như NH đã được thấy nghe trước kia. Tuy nhiên nếu họ tu tập theo lời Đức Thế Tôn dạy, họ sẽ không dừng tại đó và sẽ vượt tiến xa hơn nữa.

3. VỊ THẦY THẤY MA QUỶ RÕ RÀNG, RẤT THÔNG MINH VÀ THUỘC LÒNG CUỐN TỪ ĐIỂN. 

Ma hay ma quỷ là tiếng bình dân của người Việt Nam gọi cho loài quỷ đói (ngạ quỷ), một trong sáu loài chúng sinh (Trời, người, A Tu La, súc sanh, ngạ quỷ [ma, ma quỷ, quỷ đói] và địa ngục). Ngạ quỷ, ma hay ma quỷ có nhiều loại khác nhau. Hạng có phước thì ở núi, đình, miễu… nhiều người cúng, ăn uống đầy đủ, hạng ít phước thì khi đói, khi no, hạng vô phước thì đói khát, không có ăn, ăn vào không được, v.v… Ma quỷ thì có rất nhiều người thấy, kể cả những người không tu theo Phật Giáo cũng có thể thấy được. Tại các nước Âu Mỹ có nhiều sách báo viết về ma quỷ hiện ra và họ nói chính mắt họ thấy bằng mắt thường (nhục nhãn), nhiều người thấy, không phải chỉ một người; cũng không phải do tưởng tượng và viết thành tiểu thuyết, chuyện ngắn rùng rợn. Còn có các loại ma quỷ, mắt thường nhìn không thấy, chỉ các bậc tu hành cao mới thấy được. Ở Tu Viện Quảng Hương Già Lam, có một vị Thầy mà NH rất kính trọng, Thầy rất thông minh, thuộc lòng cuốn từ điển. Thầy thấy ma quỷ rất chính xác. Trước kia, hồi còn nhỏ, một hôm có vị khách đến thăm chùa, khi người đó mới bước vào chùa, Thầy nói với NH: “Nguyên Hải thấy không, người này giết người nhiều quá, có đến mấy chục con ma[23] đi theo. Mấy lần trước chỉ thấy những người có một, hai, ba hay bốn con ma đi theo mà thôi.” NH hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đếm xem có tất cả bao nhiêu con ma đi theo?” Ngón tay trỏ của Thầy chỉ vào những con ma đó và Thầy đứng đếm 1, 2, 3, 4, 5… , rồi Thầy trả lời: “Có tất cả bốn mươi sáu (46) con ma đi theo”. NH nhìn kỹ người khách đó, thấy ông ta mặc áo trắng quần xanh, đẹp trai, trắng trẻo, trông giống như một thầy giáo hay một sinh viên Đại Học và không thấy ma đâu cả. NH nghĩ đúng là: “Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Chỉ có những bậc Cao Tăng như vị Thầy đó mới thấy được ma quỷ mà thôi.

Như vậy Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư đã viết, Ngài bị ma theo mười đời là rất chính xác. Chúng ta có thể kể trường hợp Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư.

Kinh Thủy Sám, viết[24]:

“Xưa kia, đời Đường, triều vua Ý Tông, có Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư, pháp danh Tri Huyền. Khi chưa là quốc sư, tại kinh đô, tình cờ ngài gặp một tăng nhân, nhưng quên hỏi chỗ ở của vị này. Vị này bị bịnh ca ma la[25].

Ai cũng gớm, chỉ ngài Tri Huyền gần gũi, luôn luôn thăm hỏi săn sóc, chưa bao giờ có một vẻ ghê chán. Vì vậy, khi chia tay, vị ấy cảm cái nghĩa và tác phong của ngài, dặn rằng, sau này Ngài sẽ bị nạn, lúc đó hãy tìm nhau tại núi Trà Lũng[26]ở Bành Thành, thuộc Tây Thục, chỗ có hai cây tùng làm dấu.

 Sau đó, Ngài Ngộ Đạt đến chùa An Quốc, đạo đức rực rỡ. Ý Tông thân hành đến pháp tịch của Ngài, ban pháp tọa bằng gỗ trầm hương và cung phụng rất hậu. Nhưng cũng từ đó, đầu gối của ngài tự nhiên mọc cái mụt "mặt người", mắt mày răng miệng đủ cả, thỉnh thoảng đút cho đồ ăn thức uống thì cũng há miệng nuốt như người vậy. Danh Y mời đủ cả mà ai cũng bó tay.

Ngài nhớ lại lời dặn của vị tăng nhân ở chung ngày trước, nên vào núi tìm. Nhằm lúc trời đã chiều tối, ngài bàng hoàng nhìn khắp bốn phía, thấy hai cây tùng ở trong chỗ mây khói. Tin lời ước hẹn là đúng, ngài bước ngay đến chỗ ấy. Thì là lầu cao, điện lớn, ánh sáng vàng và ngọc giao xen với nhau. Vị Tăng nhân đã đứng đầu cửa, đón tiếp niềm nở, và mời Ngài ngủ lại. Ngài đem cái khổ của mình nói với Tăng nhân thì vị này bảo không hại gì, dưới núi này có một con suối, sáng ngày xuống rửa là khỏi.

Sáng sớm, đạo đồng dẫn Ngài xuống suối, mới vốc nước, mụt ghẻ mặt người đã kêu lớn lên, khoan rửa đã, Ngài là kẻ biết nhiều, hiểu rộng, đọc hết cổ kim, vậy mà Ngài đã đọc cái chuyện Viên Án với Triệu Thố trong Tây Hán thư chưa? Đọc rồi, Ngài Ngộ Đạt trả lời. Cái mụt lại bảo, đọc rồi mà ngài không biết Viên Án đã giết Triệu Thố sao? Ngài là Viên Án, còn Triệu Thố là tôi đây. Triệu Thố bị chém ngang lưng ở chợ phía đông, oan khốc đến mức nào. Nên bao đời tôi đã tìm cách báo Ngài. Nhưng Ngài mười đời đều làm Cao Tăng, giới luật nghiêm tịnh, sự báo oán của tôi không có cơ hội. Nay Ngài hưởng sự đãi ngộ của vua chúa quá xa xỉ, lòng danh lợi mống lên, cái đức có phần thương tổn, tôi mới hại Ngài được. Ngày nay, mong ơn tôn giả Ca Nặc rửa cho tôi bằng nước "Từ Bi Tam Muội", từ nay sắp đi, tôi không còn là kẻ oan gia của Ngài nữa.

Ngộ Đạt Quốc Sư nghe mà cơ hồ hồn phách thoát khỏi cơ thể, luôn tay vốc nước mà rửa, đau thấu xương tủy, ngất đi hồi lâu mới tỉnh. Coi lại thì mụt ghẻ mặt người đã không còn nữa. Ngộ Đạt Quốc Sư mới biết các vị Hiền Thánh xen lẫn dấu vết trong dân gian là điều mà người phàm khó lường biết nổi. Muốn trở lại chiêm bái, nhưng ngoái nhìn thì tự viện đã không còn. Vì vậy, Ngộ Đạt Quốc Sư mới dựng thảo am ngay nơi chỗ ấy, và sau này thành một tự viện. Tống triều ta đây, niên hiệu Chí Đạo, sắc tứ là Chí Đức Thiền Tự, có vị Cao Tăng tên Tín, húy Cổ, viết bài ký sự ghi lại việc này rất rõ.

 Ngộ Đạt Quốc Sư, lúc ấy, cảm kích sự kỳ lạ của Ca Nặc Tôn Giả, thấm thía rằng oan trái nhiều kiếp phi gặp Thánh Nhân không làm sao cởi mở cho được. Nhân đó mà thuật lời Thánh Giáo, viết ra sám văn này, để hôm sớm lễ bái trì tụng, và sau đó đã phổ biến khắp cả nhân gian. Sám Văn gồm có ba cuốn ngày nay là Sám Văn ấy. Đem nước Từ Bi Tam Muội rửa sạch oan nghiệp nhiều kiếp, lấy ý nghĩa đó để mệnh danh Thủy Sám, là Ngộ Đạt Quốc Sư cảm sự kỳ lạ của Ca Nặc Tôn Giả, nên chính xác cái tên và nêu lên cái nghĩa như thế để báo đáp ơn Ngài. Nay kể rõ sự thật từ ngày xưa, nêu cao cống hiến của người trước, là mong những kẻ sau này, hoặc lễ bái hoặc trì tụng, hễ dở Sám Văn ra là đã biết sự tích người xưa vốn có lý do, và nhân quả nhiều đời vẫn không khuất mờ.”

4. VỊ THẦY THẤY ĐƯỢC HÌNH ẢNH NGƯỜI Ở XA.

Vị Thầy mà NH rất kính trọng là dược sĩ tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam, nhưng cũng là bậc Cao Tăng. Ngoài việc dạy tu hành, có những lần Phật Tử đến chùa nhờ Thầy hướng dẫn những sự việc khác. Ví dụ, như muốn đi vượt biên đi bán chính thức chẳng hạn. Phật Tử A hỏi họ có nên đi trong chuyến sắp tới hay không? Thầy nói, có phải ông chủ tàu đó có gương mặt hình vuông, nước da trắng hồng? Phật Tử A ngạc nhiên hỏi, bộ Thầy quen người đó sao? Thầy cười đáp, không quen, và kết luận có nên đi hay không. Phật Tử B cũng hỏi chuyện tương tự, có nên đi hay không? Thầy đáp, có phải ông chủ tàu đó có gương mặt hình tròn, nước da bánh mật? Phật Tử B cũng hỏi, bộ Thầy quen người đó sao? Thầy đáp, không quen và kết luận có nên đi hay không. Lần khác trước năm 1975, Phật Tử V.U.V., giáo sư trường Đại Học Quốc Gia Hành Chánh bị tai biến mạch máu não, hôn mê, đưa vào bệnh viện Grall. Các bác sĩ Việt và Mỹ tại bệnh viện không thể chữa được. Họ nói rằng vị giáo sư này sắp chết. Không còn cách nào hơn, người nhà đành phải nhờ Thầy giúp đỡ, được tới đâu hay tới đó. Thầy tụng Kinh Dược Sư và phóng sanh, y cứ theo trong kinh Dược Sư chỉ dạy. Đúng là phép lạ, giáo sư đó tỉnh lại, khỏi bệnh, không bị thương tật gì cả và sống lâu đến già. Như vậy Kinh Dược Sư rất có linh nghiệm trong việc cầu an, cầu hết bệnh, cầu trường thọ, cầu tai qua nạn khỏi.

5. VỊ THẦY THẤY TRƯỚC SỰ VIỆC XẢY RA:

Một vị Thầy mà NH rất kính trọng, Thầy kể lúc còn trẻ đã có một thời gian thấy trước sự việc xảy ra trong khoảng mấy tháng, bây giờ Thầy không còn thấy nữa. Ví dụ, Thầy thấy được ngày mai đạo hữu Phật Tử nào sẽ đến chùa, tháng tới sẽ có Phật Tử nào đến, Thầy thấy hình ảnh sẽ xảy ra cho nhiều sự việc, v.v… NH hỏi Thầy tu pháp môn nào, Thầy nói Thầy chỉ thường xuyên chí thành niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.

1. VỊ THẦY PHÓNG HÀO QUANG, THẤY MA QUỶ VÀ CÓ ĐÀN CHỈ THẦN CÔNG .

Có vị Thầy mà NH rất kính trọng, lúc Thầy còn trẻ, đã dùng đỉnh đầu phát ra hào quang, ánh sáng, chiếu sáng trên vai, trên tay các vị đồng tu khác như có đèn bin thật mạnh để chiếu vào. Những vị đồng tu khác cũng nhận được ánh sáng của Thầy chiếu vào vai, vào ngực của họ, v.v... Các bạn đồng tu hỏi Thầy đã tu pháp môn gì? Thầy nói: “Đã tu theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm”. Thầy cũng đã nói với NH: “Tôi thấy tại Hoa Kỳ có rất nhiều ma[27]. Nhiều ma hơn ở Việt Nam. Những con ma này mặt mày rất buồn bã, không một nụ cười, đi hàng đoàn, đã sống từ nhiều trăm năm nhưng họ không muốn đi đầu thai đến các cõi khác; nên hàng ngày phải tụng Kinh Thí Thực để cầu siêu cho những ma trên”. NH hỏi: “Tại sao ma ở lâu như vậy chưa muốn đầu thai?” Thầy nói: “Bởi các ma đó lúc trước là người. Nhưng họ đang chờ đến tận thế sẽ được phán xét để lên Thiên Đàng hoặc xuống Địa Ngục, nên họ không muốn đầu thai, tái sanh đi nơi khác”.

Trước kia có thời gian Thầy tu học ở Hàn Quốc, trong chùa dành riêng cho các tu sĩ ngoại quốc đến học đạo. Chùa có tu sĩ ngoại quốc đến học đạo, chính quyền địa phương thường cử người tới chùa canh gác với lý do giữ an ninh? Có lần người canh gác bảo vệ đi qua đi lại thường xuyên, dùng giày đinh dậm chân xuống sàn nhà kêu vang rất ồn ào, làm cho các tu sĩ không thể ngồi Thiền trong chùa được. Vị Hòa Thượng chỉ huy khóa tu cho người ra khuyên đừng làm ồn ào, nhưng người bảo vệ này vẫn tiếp tục làm ồn ào. Vì người bảo vệ làm ồn ào quá nhiều lần, khuyên nhủ không được, Thầy ở trong chỗ ngồi Thiền, dùng ngón tay phóng thần lực ra giống như “đàn chỉ thần công”, khiến cho người bảo vệ sợ hãi, chạy một mạch về sở chỉ huy. Sở chỉ huy dẫn một đoàn mười mấy người, thân thể to lớn, có lẽ toàn là những nhân vật đai đen Thái Cực Đạo đến để đe dọa và làm ồn ào. Chùa và những người này hòa giải không ðýợc, Thầy phải dùng “ðàn chỉ thần công” ở xa búng cho mỗi ngýời một thần công. Những ngýời ðó sợ hãi, bỏ chạy về sở chỉ huy. Ngày hôm sau, chính quyền địa phương đến tiếp xúc chùa, và họ rất kính trọng quý Thầy, họ không biết vị Thầy nào dùng “đàn chỉ thần công” để đánh họ. Từ đó trở đi chính quyền địa phương không cử người đến chùa canh gác với lý do giữ an ninh nữa. Phật Tử thấy chính quyền địa phương kính trọng quý Thầy nên họ càng kính trọng quý Thầy hơn nữa, các Phật Tử gặp quý Thầy ngoài đường họ đều chắp tay chào quý Thầy rất tôn kính và các tu sĩ cũng chào họ như vậy.

IV. KINH SÁCH VIẾT VỀ CÁC PHÉP THẦN THÔNG

Sau đây là sơ lược về sáu phép thần thông, và mười phép thần thông. Còn thần thông của Phật không thể nghĩ bàn, nói vắn tắt thì có mười lực, bốn vô sở uý, mười tám pháp bất cộng, v.v… Khi nói về thần thông có thể nhiều vị không tin, cho đó là thần thoại hoang đường, mê tín, dị đoan. Tuy nhiên, nếu cố gắng tu tập, sẽ thấy rằng những sự việc này là thực tế, không có gì là hoang đường, thần thoại cả, khoa học hiện đại chưa nắm bắt kịp các loại thần thông này.

Trong Đạo Phật, các bậc tu hành xuất gia đắc quả A La Hán, được giải thoát, dứt phiền não, thì được sáu phép thần thông, còn gọi là lục thông, còn các bậc Đại Bồ Tát có mười phép thần thông, hay được gọi là thập thông:

A. SÁU PHÉP THẦN THÔNG (LỤC THÔNG):

1. Thiên Nhãn Thông (S: Diviya-cakṣur-jñāna-sāksātkriyābhijñā):

Năng lực thần thông dùng Thiên Nhãn tức Mắt Trời chiếu soi rõ sắc xứ của các cõi Dục giới, Sắc Giới. Đây là một trong 5 thứ thần thông của phàm phu, một trong 6 thứ thần thông của các bậc Thánh A La Hán. Theo Luận Đại Trí Độ, quyển 5 hay Luận Đại Tỳ Bà Sa, quyển 141, dùng Tứ Thiền căn bản làm chỗ nương mà chứng được nhãn căn tịnh sắc do 4 đại chủng của cõi Sắc tạo ra, gọi là Thiên Nhãn. Nhãn căn này có năng lực soi thấy các vật xa gần, thô tế xung quanh, khắp nơi nên gọi là Thiên Nhãn Thông, tính nó vô ký, thuộc thế tục hữu lậu. Người có Thiên Nhãn Thông thấy rõ mọi vật trong vũ trụ, từ rất nhỏ như vi trùng cho đến những vật rất xa xăm như các dãi thiên hà, v.v… Các bậc A La Hán thấy một ngàn đại thiên thế giới, tức là thấy một ngàn tỉ dãi thiên hà trở lên, các bậc Duyên Giác thấy nhiều hơn, các bậc Đại Bồ Tát thấy vô số lượng, Phật thấy tất cả toàn thể vũ trụ.

Luận Đại Trí Độ, viết[28]: “Thiên Nhãn Thông, với con mắt được sắc giới, tứ đại tạo sắc thanh tịnh nên gọi là thiên nhãn. Thiên nhãn coi thấy chúng sinh và các vật từ đất cho đến dưới đất trong sáu nẻo hoặc gần hoặc xa, hoặc thô hoặc tế, hễ có sắc, không chỗ nào không thấy… Tiểu A La Hán ít dụng tâm, thấy nhất thiên thế giới thì đại dụng tâm, thấy nhị thiên thế giới thì Đại A La Hán tiểu dụng tâm . Tương tự, thấy nhị thiên thế giới thì đại dụng tâm, thấy tam thiên đại thiên thế giới bậc Bích Chi Phật cũng như vậy. Ấy gọi là Thiên Nhãn Thông.

2. Thiên Nhĩ Thông (S: divya-śrotra-jñānasākṣātkriyābhijñā):

Năng lực thần thông nghe hiểu được tiếng khắp nơi, tất cả mọi loại tiếng người, tiếng của phi nhân, tiếng ở ba đường ác, v.v...

3. Túc Mạng Thông (S: Purvanivasanusmrti):

Năng lực thần thông biết chuyện đời trước của mình và của người. Các bậc Thánh Thanh Văn nhớ được nhiều vạn kiếp. Các bậc Đại Thanh Văn nhớ được tám vạn đại kiếp. Các bậc Đại Duyên Giác nhớ được nhiều hơn nữa. Các bậc Đại Bồ Tát nhớ được vô số. Phật nhớ được tất cả. Phật nhập tam muội hay không nhập tam muội vẫn nhớ được. Những vị khác phải nhập tam muội mới nhớ được túc mạng.

Luận Đại Trí Độ, viết[29]: “Thế nào là biết Túc Mệnh Thông?

Vốn việc thường ức niệm: ngày tháng năm cho đến trong bào thai, cả đến trong đời quá khứ, một đời, mười đời, trăm đời, ngàn vạn ức đời. Đại A La Hán, Bích Chi Phật biết được đến tám vạn đại kiếp; chư Đại Bồ Tát và Phật biết vô lượng kiếp”.

4. Tha Tâm Thông (S: Para-cetaḥ-paryāya-jñāna-sākṣātkriyābhijñā):

Tha Tâm Thông gọi đủ là Tha Tâm Chứng Trí Thông, là năng lực thần thông biết tâm ý người khác đang nghĩ những gì. Các bậc Thánh Thanh Văn biết được tâm chúng sanh trong một ngàn dãi thiên hà, các bậc Duyên Giác biết nhiều hơn, các bậc Đại Bồ Tát biết vô số, Phật biết được tất cả.

Luận Đại Trí Độ, viết[30]: “Biết cảnh giới tha tâm thông ít, chỉ biết dục giới, sắc giới, tâm, pháp tâm số của chúng sinh ở hiện tại, không biết quá khứ, vị lai và tâm, pháp tâm số của chúng sinh ở cõi vô sắc. Thông của phàm phu ở trên đất của Tứ Thiền, theo chỗ được thông trở xuống, biết tâm, pháp tâm số của chúng sinh khắp bốn thiên hạ. Thông của Thanh Văn ở trên đất Tứ Thiền, theo chỗ được thông trở xuống, biết tâm, pháp tâm số của chúng sinh khắp ngàn thế giới[31]. Thông của Bích Chi Phật ở trên đất Tứ Thiền, tuỳ theo chỗ được thông trở xuống, biết tâm, pháp tâm số cuả chúng sinh khắp trăm ngàn thế giới[32].

Hạng căn độn ở bậc thượng cũng không thể biết tâm, pháp tâm số của hạng lợi căn bậc hạ.

Phàm phu không thể biết tâm, pháp tâm số của bậc Thanh Văn. Tương tự, Thanh Văn không thể biết Bích Chi Phật; Bích Chi Phật không thể biết Phật. Vì thế nên nói muốn biết tâm, chỗ thú hướng của tất cả chúng sinh nên học Bát Nhã Ba La Mật”.

5. Thần Túc Thông: (S: Rddhipada, Rddhi-saksatkriya)

Năng lực thần thông bay đi khắp nơi, bay lên trời, xuyên qua mặt đất bằng nguyên cả người, chứ không phải bằng phép xuất hồn chuyển di tâm thức, dùng thân người đi xuyên qua đá, qua tường v.v…bay vào vũ trụ trong nháy mắt, biến hóa ra người hay mọi vật thế nào tùy ý.

Ví dụ: Tôn Giả Châu Lợi Bàn Đà Già (P: Cullapanthaka) dùng thần thông biến thành một ngàn vị Tôn Giả. Hay là Tạng Kinh Nikāya viết, Tôn Giả Gavampati ngăn nước sông đang chảy, làm nước sống dựng đứng như ngọn núi.

Kinh Tiểu Bộ,tập 3, Kinh Gavampati viết[33]:

(XXXVIII) Gavampati (Thera. 6)

Ngài được sanh trong thời đức Phật hiện tại, ngài là một trong bốn người bạn của Yasa (Da-xá). Khi họ nghe Yasa xuất gia, tất cả đều xuất gia và chứng quả A-la-hán. Rồi ngài sống ở rừng Anjana tại Sākela, và hưởng lạc giải thoát. Khi bấy giờ, Thế Tôn đến với một số đông Tỷ-kheo tại Anjana. Chỗ ngủ không đầy đủ và một số Tỷ-kheo ngủ xung quanh tinh xá, trên bãi cát sông Sarabhā. Nửa đêm, nước sông dâng lên và các Tỷ-kheo trẻ la lớn. Thế Tôn nghe vậy, bảo Gavampati can thiệp, ngăn sông không cho dâng cao, khiến các Tỷ-kheo yên tâm. Vị Trưởng lão với thần túc thông của mình, làm theo lời Phật dạy, dừng dòng sông lại từ xa, khiến dòng sông dựng đứng lại như ngọn núi, do vậy ngài được mọi người biết là có thần thông. Một ngày kia, Thế Tôn đang thuyết pháp giữa một số đông người, thấy Gavampati vì lòng từ bi nghĩ đến đời, đức Phật tán thán các hạnh của Gavampati với bài kệ:

38. Ai với thần túc thông,
Dựng đứng Sarabhu,
Chính Gavampati,
Không ỷ lại, không động,
Vượt qua mọi trói buộc,
Chư Thiên đều đảnh lễ,
Bậc Đại sĩ Mâu-ni
Đã vượt qua sanh hữu.”

Sách Thanh Tịnh Đạo (P: Visuddhimagga, E: The Path of Purification), Tôn Giả Bhadantacariya Buddhaghosa, kể[34]: “Đại Đức Maha-Nāga đang ngồi Thiền nhập định, nhà bốc cháy vì một lý do gì đó, nhưng Ngài vẫn tiếp tục nhập định. Các vị Tỷ-kheo khác mang tọa cụ chạy. Dân làng đến rất đông để tìm cách chữa lửa, khi trông thấy vị Tỷ-kheo vẫn tiếp tục ngồi Thiền nhập định trong lửa đỏ, không bỏ chạy, họ la lên: “Ôi, ông thầy tu làm biếng, ông thầy tu làm biếng!”. Ngọn lửa bốc cháy bao quanh Ngài. Người ta mang nước dập tắt lửa. Họ dời tro tàn ra, sửa căn nhà và rải hoa cúng dường, vì họ tưởng rằng vị Tỷ-kheo đã chết. Sau đó Ngài xuất định, trông thấy người rất đông và nhà cháy, Ngài tự nhủ: “Chúng thấy ta mất rồi”. Và Ngài bay lên không trung, bay đến đảo Piyangu”. Và còn rất nhiều truyện kể về Thần Túc Thông của Đức Thế Tôn, của chư Thánh Tăng, Thánh Ni, chư Tổ, v.v… được viết trong các Kinh Luật Luận.

6. Lậu Tận Thông: (S: Āsrava-kṣaya-jñāna-sākṣātkriyābhijñā):

Thần thông dứt trừ tất cả phiền não hoặc nghiệp, vĩnh viễn xa lìa sanh tử luân hồi, đoạn diệt hết thảy phiền não hữu lậu, an trụ trong Thiền Định mà hiển hiện đầy đủ uy đức, cũng gọi là Lậu Tận Trí. Là phép thần thông trong sạch hoàn toàn, dứt hết tất cả các tham dục, khát ái; nóng giận; si mê; khinh chê kẻ khác, tự cho mình là hơn hết, không khiêm cung, không kính trên nhường dưới; nghi ngờ những lời Đức Thế Tôn dạy; thân kiến, ảo tưởng về một cái “tôi” có thật; biên kiến; kiến thủ; giới cấm thủ; tà kiến trong ba cõi. Lậu Tận Thông được chứng đắc bởi Tuệ.

Chưa chứng Thánh Quả A La Hán, vị tu hành có thể đắc ngũ thông tức là chưa đắc Lậu Tận Thông. Cho nên năm phép trên gọi là ngũ thông hay hữu lậu thông. Tức là phép thần thông của vị tu hành chưa thoát ra khỏi Tam Giới: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, còn luân chuyển trong luân hồi Lục Đạo: Trời, người, A Tu La, bàng sanh, quỷ đói, địa ngục.

Còn phép thứ sáu, Lậu Tận Thông, hay Vô Lậu Thông, hay Lậu Tận Trí là phép thần thông của các bậc tu hành đoạn trừ hết tất cả các phiền não, dứt luân hồi, nhập Niết Bàn. Đó là phép thần thông của các bậc A La Hán, Duyên Giác, Phật.

B. MƯỜI PHÉP THẦN THÔNG (THẬP THÔNG):

Theo Kinh Hoa Nghiêm, Đại Bồ Tát có mười phép thần thông là:

1. Tha Tâm Trí Thông: Biết tâm vô số chúng sinh trong một đại thiên thế giới. Tức là biết tâm của vô số chúng sanh trong một tỉ dãi thiên hà.

2. Vô ngại thanh tịnh thiên nhãn Trí Thông: Thấy vô số chúng sanh trong vô số thế giới chết đây sanh kia, loài lành loài dữ, tướng phước tướng tội, hoặc dơ, hoặc sạch.

3. Túc trụ trì niệm Trí Thông: biết lịch sử quá khứ của mình và của người khác trong vô số kiếp, vô số thế giới.

4. Kiếp Trí Thông: Biết về tương lai của vô số chúng sanh trong vô số thế giới.

5. Thiên nhĩ thanh tịnh vô ngại Trí Thông: Nghe và nhớ tiếng nói của vô số chư Phật, vô số chúng sanh ở vô số thế giới.

6. Vô thể tính Trí Thông: Không động tác mà du hành tất cả Phật quốc độ ở vô số thế giới trong vũ trụ. Muốn được Vô thể tính Trí Thông, Đại Bồ Tát trụ vào các thần thông khác như: Vô Thể tánh thần thông, Vô Tác thần thông, Bình đẳng thần thông, Quảng đại thần thông, Vô lượng thần thông, Vô y thần thông, Tùy niệm thần thông, Khởi thần thông, Bất khởi thần thông, Bất thoái thần thông, Bất đoạn thần thông, Bất hoại thần thông, Tăng trưởng thần thông, Tùy nghệ thần thông.

7. Thiện phân biệt ngôn ngữ Trí Thông: Khéo thông đạt, hiểu biết mọi ngôn ngữ của tất cả chúng sanh trong vô số thế giới.

8. Sắc thân Trí Thông: Thần thông xuất hiện thân trong vô số sắc tướng.

9. Nhứt thiết pháp Trí Thông: Biết được thực tính của tất cả các pháp.

10. Nhất thiết pháp diệt định tam muội Trí Thông: Biết nhập định trong sự diệt tận tất cả pháp.

C. THẦN THÔNG CỦA ĐỨC THẾ TÔN:

Đức Thế Tôn có vô số thần thông không thể nghĩ bàn, theo các kinh Đức Thế Tôn có mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, v.v…

1. Mười Lực:

Mười Lực hay Thập Lực (S: Daśa balāni) là Mười Trí Lực của Như Lai (Đức Thế Tôn).

1. Xứ phi xứ trí lực: Xứ nghĩa là đạo lý. Như Lai biết rõ đúng như thực đối với tất cả nhân duyên quả báo, nếu người làm việc thiện thì nhất định được quả báo sung sướng, hạnh phúc. Phi xứ nghĩa là không có đạo lý, ví dụ làm ác mà có được quả báo sung sướng, hạnh phúc là không có đạo lý, gọi là tri phi xứ.

2. Nghiệp dị thục trí lực: Như Lai biết rõ nghiệp duyên, quả báo nơi sinh trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai của tất cả chúng sinh đúng như thực.

3. Tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí trí lực: Như Lai được tự tại vô ngại đối với tất cả các Thiền định và biết rõ đúng như thực thứ tự cạn, sâu của tất cả Thiền định.

4. Căn thượng hạ trí lực: Như Lai biết rõ căn tính hơn, kém, chứng quả lớn, nhỏ của các chúng sinh đúng như thực.

5. Chủng chủng thắng giải trí lực: Như Lai biết rõ đúng như thực các dục lạc, thiện ác khác nhau của tất cả chúng sinh.

6. Chủng chủng giới trí lực: Như Lai biết khắp và đúng như thực tế về các giới phần khác nhau của tất cả chúng sinh ở thế gian.

7. Biến thú hạnh trí lực: Như Lai biết rõ đúng như thực nơi đến của hạnh hữu lậu của tất cả chúng sanh trong sáu đường (Trời, Người, A Tu La, bàng sinh, quỷ đói, địa ngục) và nơi đến của hạnh vô lậu là Niết Bàn.

8. Túc trụ tùy niệm trí lực: Như Lai biết khắp và đúng như thực tế về túc mệnh (đời trước), từ một đời cho đến hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỉ đời…, từ một kiếp, nghìn kiếp, triệu kiếp, hàng tỉ kiếp… chết đây sinh kia, chết kia sinh đây, tên họ, ăn uống, khổ vui, sống lâu, chết sớm của tất cả chúng sanh trong vũ trụ.

9. Tử sinh trí lực: Như Lai dùng thiên nhãn thấy biết rõ ràng như thật thời gian sống chết của tất cả chúng sinh và các cõi thiện ác mà chúng sinh sẽ sinh tới trong vị lai, cho đến các nghiệp duyên tốt xấu, giàu nghèo, sang hèn, v.v…

10. Lậu tận trí lực: Như Lai biết rõ đúng như thật đối với tập khí tàn dư của tất cả phiền não đã vĩnh viễn được đoạn trừ không còn sinh khởi nữa.

2. Bốn Vô Sở Uý:

Bốn Vô Sở Úy (S: Catvāri vaiśāradyāni, P: Cattāri vesārajjāni) là tứ Vô Sở Úy hay Tứ Vô Úy. Tức là Đức Thế Tôn và Bồ Tát có bốn điều tự tin, không sợ hãi, mạnh dạn và bình thản trong lúc thuyết pháp.

a. Bốn Vô Sở Uý của Đức Thế Tôn:

1. Chư pháp hiện đẳng giác vô úy: Sự tự tin đối với tất cả các pháp đều đã giác ngộ, trụ nơi chính kiến không gì khuất phục được, cũng không có gì để sợ hãi.

2. Nhất thiết lậu tận trí vô úy: Dứt hết tất cả phiền não và không còn sợ hãi các nạn từ bên ngoài.

3. Chướng pháp bất hư quyết định thụ ký vô uý: Nói rõ pháp làm chướng ngại việc tu hành, đồng thời đối với bất cứ sự bắt bẻ, gạn hỏi nào đều không sợ hãi.

4. Vị chứng nhất thiết cụ túc xuất đạo như tính vô úy: Tuyên thuyết đạo xuất ly mà không sợ hãi điều gì.

b. Bốn Vô Sở Úy của Bồ Tát:

1. Văn đà la ni thụ trì diễn thuyết kỳ nghĩa đắc vô sở úy: Bồ Tát có khả năng nhớ nghĩ giáo pháp, giữ gìn không quên, cho nên tự tin không sợ hãi đối với nghĩa mình giảng diễn khi nói giữa đại chúng.

2. Do chứng vô ngã não loạn tha tướng hiện hành câu sinh bất thông đạt uy nghi lộ tam nghiệp thanh tịnh đại thủ hộ thành tựu vô úy: Bồ Tát biết rõ căn tính lanh lợi hay chậm chạp của chúng sinh mà phương tiện nói pháp cho thích hợp, do đó có lòng tự tin, không sợ hãi.

3. Thường trì niệm pháp nhi bất vong thất tất cánh thông đạt tuệ phương tiện cứu độ hữu tình kiến hoan hỷ tịnh chư chướng nạn vô úy: Bồ Tát có khả năng trả lời thỏa đáng đúng như pháp tất cả điều người khác gạn hỏi nên không sợ hãi.

4. Bất vong thất nhất thiết trí tâm bất ư dư thừa nhi cầu xuất ly năng đắc viên mãn tự tại nhất thiết chủng lợi ích hữu tình vô uý: Bồ Tát lắng nghe và tiếp nhận những vấn nạn của chúng sanh, có khả năng phân biệt giải thích đúng như pháp cho các hữu tình chúng sinh để giải tỏa tâm chúng sinh và dứt trừ lưới nghi ngờ mà nói pháp không hề có mảy may sợ hãi.

3. Mười Tám Pháp Bất Cộng của Đức Thế Tôn.

Mười Tám Pháp Bất Cộng hay Thập Bát Bất Cộng Pháp gọi đủ là Thập Bát Bất Cộng Phật Pháp. Chỉ cho 18 công đức mà chỉ riêng Đức Thế Tôn mới có, chứ không chung cho các hàng Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác.

1. Thân vô thất: Thân không có lỗi. Phật từ vô lượng kiếp đến nay, giữ giới thanh tịnh, vì công đức này đầy đủ, tất cả phiền não đều sạch nên thân không có lỗi.

2. Khẩu vô thất: Miệng không có lỗi. Phật có vô lượng biện tài, pháp Phật nói ra tùy theo đúng thời, đúng lúc, đúng căn cơ khiến cho họ đều chứng ngộ.

3. Niệm vô thất: Ý nghĩ không có lỗi. Phật tu các Thiền định rất sâu xa, tâm không tán loạn, đối với các pháp tâm không dính mắc, được sự an ổn đệ nhất.

4. Vô dị tưởng: Không có ý tưởng khác. Phật đối với tất cả chúng sinh bình đẳng hóa độ, không có tâm phân biệt lựa chọn.

5. Vô bất định tâm: Tâm thường ở trong định. Phật đi đứng nằm ngồi thường không lìa thắng định sâu xa, thường nhiếp tâm trụ trong thiện pháp, đối với thực tướng của các pháp không thoái thất.

6. Vô bất tri kỷ xả tâm: Thường ý thức xả tâm của mình. Đối với tất cả các cảm thọ khổ, vui… Phật biết rõ các tướng sinh trụ dị diệt của chúng trong từng niệm và an trú trong vắng lặng bình đẳng, tức thường ở trạng thái tâm không khổ không vui (xả tâm).

7. Dục vô giảm: Ý muốn không giảm. Phật đầy đủ tất cả các thiện pháp, luôn luôn muốn hóa độ chúng sinh, tâm không chán bỏ.

8. Tinh tiến vô giảm: Cố gắng không giảm. Thân tâm của Phật đều siêng năng cố gắng, vì hóa độ chúng sinh nên thường thực hành các phương tiện, không dừng nghỉ.

9. Niệm vô giảm: Tâm niệm không giảm. Phật và tất cả trí tuệ của chư Phật trong ba đời tương ứng đầy đủ, không thoái chuyển.

10. Tuệ vô giảm: Tuệ không giảm. Phật có đầy đủ tất cả trí, vả lại, còn trí tuệ của ba đời không bị chướng ngại, nên tuệ không khuyết giảm.

11. Giải thoát vô giảm: Giải thoát không giảm. Phật xa lìa tất cả chấp trước, có đầy đủ hai loại giải thoát hữu vi, vô vi, tất cả phiền não tập khí đều tiêu sạch, cho nên giải thoát không khuyết giảm.

12. Giải thoát tri kiến vô giảm: Giải thoát tri kiến không giảm. Phật thấy biết các tướng giải thoát, rõ suốt không bị ngăn ngại.

13. Nhất thiết thân nghiệp tùy trí tuệ hành: Tất cả hành động của thân đều được trí tuệ soi sáng, chỉ dẫn.

14. Nhất thiết khẩu nghiệp tùy trí tuệ hành: Tất cả lời nói từ miệng Phật phát ra đều theo trí tuệ.

15. Nhất thiết ý nghiệp tùy trí tuệ hành: Tất cả ý nghĩ đều được trí tuệ hướng dẫn.

Ba pháp trên đây là khi Phật khởi động ba nghiệp thân, khẩu, ý trước hết xem xét, cân nhắc đúng sai, lợi hại rồi sau mới thực hành theo trí tuệ, cho nên không sai lầm, đều mang lại lợi ích cho tất cả chúng sanh.

16. Trí tuệ tri kiến quá khứ thế vô ngại vô chướng: Trí tuệ thấy biết đời quá khứ không bị ngăn ngại.

17. Trí tuệ tri kiến vị lai thế vô ngại vô chướng: Trí tuệ thấy biết đời vị lai không bị ngăn ngại.

18. Trí tuệ tri kiến hiện tại thế vô ngại vô chướng: Trí tuệ thấy biết đời hiện tại không bị ngăn ngại.



[1] Kinh Trung Bộ, tập 3, Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (P: Acchariyabbhutadhamma suttam), Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2536 – 1992, trang 326.

[2] Thích Thông Lạc, Đường Về Xứ Phật, tập 1, Tu Viện Chơn Như xuất bản Phật Lịch 2549 – 2005, trang 10.

[3] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 3, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2540 – 1996, trang 594~596.

[4] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 3, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2540 – 1996, trang 695~697.

[5] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2540 – 1996, trang 410~414.

[6] Kinh Tăng Chi Bộ, Phẩm Điện Thờ Gotama, tập 1, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2540 – 1996, trang 502~503.

[7] Kinh Trung Bộ, tập 3, Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (P: Acchariyabbhutadhamma suttam), Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2536 – 1992, trang 317~328.

[8] Kinh Tiểu Bộ, tập 3, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2544 – 2000, trang 273~275.

[9] Sáu Thắng Trí là sáu phép thần thông, vui lòng xem thêm sáu phép thần thông, trong chương này.

[10] Đỗ Thành, Nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn và Mân ngữ, báo Người Việt, thứ Tư, số 8712, ngày 14 tháng 10 năm 2009, xuất bản tại California, Hoa kỳ, trang 4.

[11] Nguồn: BBC, Minh Long - VNE - Blogger

[12] Nguồn: http://www.thuvienhoasen.org

[13] Kinh Phạm Võng, Kinh Trường Bộ, tập 1, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật lịch 2535 – 1991, trang 35~36.

[14] Như trên, trang 39.

[15] Như trên, trang 41.

[16] Kinh Hoa Nghiêm, tập 1, Phẩm Thế Giới Thành Tựu, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản tại Hoa kỳ, Phật lịch 2527 – 1983, trang 354.

[17] Thế giới hải: Biển thế giới, tức là dãi thiên hà (E: Galaxy).

[18] Vi trần số: Số nhiều như cát bụi, không thể tính đếm hết. Tức là trong vũ trụ có vô số thiên hà, nhiều như cát bụi có các hình khác nhau, không tính đếm hết.

[19] Kinh Thủ Lăng Nghiêm (S: Śūraṃgama Sutra), tập 2, dịch giả: Tâm Minh, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản tại Hoa Kỳ, Phật Lịch 2525 – 1981, trang 589.

[20] Thượng Tọa Thích Phụng Sơn, Đạo Phật qua nhận thức khoa học, Trung tâm Văn hóa chùa Việt Nam, Texas, Hoa Kỳ xuất bản năm 1994, trang 12.

[21] Bồ Tát Long Thọ, Luận Đại Trí Độ, tập 1, Hòa Thượng Thích Trung Quán dịch, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, Phật Lịch 2534 – 1990, trang 205~206.

[22] Đào Duy Anh, Hán Việt Từ Điển, Trường Thi xuất bản tại Sài Gòn, Việt Nam, trang 407 viết: “Thiên khải (Tôn). Khi thình lình, trong một dịp nào, hình như có thiên thần hiển hiện mà bày tỏ những điều mật nhiệm cho mình như thế nhà tôn giáo gọi là thiên-khải (révélation)”.

[23] Ma hay ma quỷ, một loài ngạ quỷ hay quỷ đói.

[24] Ngộ Đạt Quốc Sư, Kinh Thủy Sám. Hòa Thượng Thích Trí Quang dịch, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, Phật lịch 2526 – 1982, trang 13~17.

[25] Có chỗ giải thích là phung hủi.

[26] Cũng gọi là núi Cửu Long hay Cữu Lũng.

[27] Ma hay ma quỷ, một loài quỷ đói (ngạ quỷ).

[28] Bồ Tát Long Thọ, Luận Đại Trí Độ, tập 1, Hòa Thượng Thích Trung Quán dịch, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, Phật Lịch 2534 – 1990, trang 204~205.

[29] Như trên, trang 206.

[30] Bồ Tát Long Thọ, Luận Đại Trí Độ, tập 3, dịch giả Hoà Thượng Thích Trung Quán, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản tại Hoa Kỳ Phật Lịch 2534 – 1990, trang 331.

[31] Theo đạo Phật, mỗi thế giới là một thiên hà, khắp ngàn thế giới tức khắp ngàn dãi thiên hà – 1000 galaxies. Mỗi thiên hà (E: Galaxy) có hàng tỉ hành tinh.

[32] Trăm ngàn thế giới tức trăm ngàn thiên hà, trăm ngàn galaxies. 

[33] Kinh Tiểu Bộ, tập 3, Kinh Gavampati, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2544 – 2000, trang 47~48.

[34] Tôn Giả Bhadantacariya Buddhaghosa, Visuddhimagga, the Path of Purification, Thanh Tịnh Đạo, Bhikkhu Nanamoli, dịch từ Pāli sang Anh ngữ, Ni Sư Thích Nữ Trí Hải dịch ra Việt, Nhà xuất bản Tôn Giáo, xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2545 – 2001, trang 1172.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 2015(Xem: 6502)
Tôi rất tiếc được biết đến Ngài Thích Thông Lạc hơn hai năm sau khi Ngài tịch diệt ... Vì khi nghe lại những bài giãng của Ngài thì có sanh ra vô vàn câu hỏi !!! Xin cám ơn quý vị đã cho nêu lên vài câu hỏi ở đây.