Bài 04

01 Tháng Mười Hai 201200:00(Xem: 5874)

PHẢN BIỆN 
HIỆN TƯỢNG THÍCH THÔNG LẠC
Toàn Không

04

VIII). HT. TTL: Đọc suốt bộ kinh Kim Cang ta không thấy có một pháp hành nào cả, chỉ toàn là hý luận lý thuyết suông. Cho nên nói được nhưng chưa có ai làm được như trong kinh này, Kinh này từ xưa đến nay đã cho chúng ta ăn toàn thứ bánh vẽ....(ĐVXP-Tập 8)

VIII). Phản biện:

1). HT TTL viết rằng: “Đọc suốt bộ kinh Kim Cang ta không thấy một pháp hành nào cả, chỉ toàn là hý luận lý thuyết suông” là không tìm hiểu kỹ càng, vì các kinh Bắc truyền phần nhiều đều là Kinh liễu nghĩa, người đọc kinh Kim cang mà hiểu được ý nghĩa trọn vẹn thì rất dễ để theo đó áp dụng hành trì; nếu người đọc không nắm vững được ý Kinh thì làm sao biết áp dụng hành theo, nên tưởng rằng chỉ có lý thuyết suông.

 Thật ra Kinh Kim Cang (hay Kim Cương), tên đầy đủ là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa (Vajracchedika-prajñaparamita), từ tiếng Phạn: Vajracchedika là Kim Cang, nó có khả năng cắt chém cứng như kim cang. Trong bối cảnh của bài Kinh, chúng ta có thể hình dung ra một chiếc gươm bén chắc chặt đứt các màn hình tướng để lộ ra sự thật, cũng có thể hiểu là kinh có một sức mạnh sấm sét, một sức công phá khủng khiếp, nhằm phá tan mọi kiến chấp.

 Kinh nói, Bồ-tát hành đạo, để đạt đến cứu cánh cần phải loại trừ ý niệm về tự ngã; nhưng tự ngã ấy bị bọc trong lớp vỏ vô minh, muốn diệt trừ vô minh phải có định lực và trí tuệ như kim cang mới loại trừ được nó.

 Chúng ta từ vô thủy đến nay bị vô minh bao phủ bằng vọng tưởng thành thân của ta, bằng sự khổ vui, bằng tài sản của cải, cho đến gia đình xã hội, núi sông đất nước của ta đều cho là hiện thực; vì vậy cho nên khi không còn được như ý muốn, khi tán gia bại sản, khi núi sông đất nước sụp đổ, thì cái vọng tưởng cũng sụp đổ gây nên tức giận buồn khổ đến tự tử bằng cách có kẻ trầm mình xuống sông, hoặc treo cổ trên cành cây v.v...

 Vì thế, khi nghe nói cái ta này là ảo ảnh, là không thực; người nghe có thể kinh hoàng, như nghe sét đánh ngang tai; tiếng sét đó là từ Kim cang bát-nhã. Nếu chúng ta đọc kinh Kim Cang với sự suy gẫm cao độ thì kinh Kim cang sẽ chỉ đường để đối diện với ảo ảnh của cái ta, và chỉ cách vận dụng kim cang trí đập vỡ vỏ trứng vô minh bao bọc tự ngã.

 Tiếng sấm sét đầu tiên trong Kinh Kim Cang là khi Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi Phật: "Bạch Thế Tôn, Ngài thật hiếm có trên đời, Ngài khéo hộ niệm cho các Bồ Tát, khéo phó chúc cho các Bồ Tát. Bạch Thế Tôn, thiện nam tín nữ đã phát tâm nguyện vô thượng Bồ đề, thì phải an trụ tâm thế nào, hàng phục tâm thế nào?"

 Phật bảoTu Bồ Đề rằng: "Các Bồ Tát nên hàng phục cái tâm như thế này: Tất cả chúng sanh các loài, dù sanh bằng trứng bằng thai, dù sanh bằng ẩm thấp bằng hóa sanh, dù có hình sắc hay không hình sắc, dù có tư tưởng hay không tư tưởng, ta phải làm sao giúp chúng đều được diệt độ vào Niết Bàn. Diệt độ cho vô lượng vô số vô biên chúng sanh như vậy mà thật ra không có chúng sanh nào được độ cả, tại sao vậy? Tu Bồ Đề! Vì nếu Bồ Tát vẫn còn phân biệt tướng ngã, tướng nhân, tướng thọ giả, thì không phải là Bồ Tát vậy"

 Ở đây Phật dạy chúng ta bỏ phân biệt chấp trước cái ta là thật (ngã), xa lià chấp người, vật là thật (nhân, chúng sinh), diệt trừ chấp mạng sống tiếp nối là thật (thọ giả), vì ý thức thường lưu động theo vọng tâm vọng cảnh (gọi là người có thọ giả tướng). Chúng ta có thể diễn giải theo tinh thần Thiền tông là không nên chấp trước, không nên dính mắc vào hình tướng, sắc thanh hương vị xúc pháp trong việc hàng phục tâm. Phần chính của Kinh Kim Cang đều đồng loạt một đường lối thường được dùng là:

"Cái này có (khẳng định), thực ra nó không có (phủ định), vì vậy người ta gọi nó là (khẳng định)".

Như: Như Lai nói Thế giới, thực ra không phải là Thế giới, ấy mới gọi là Thế giới

Hoặc: Bồ Tát có trang nghiêm cõi Phật, tức không phải là trang nghiêm; chỉ tạm gọi là trang nghiêm thôi.

Hoặc: Thân người to lớn như núi Tu Di thật là to lớn, nhưng không phải là thân to lớn, đó mới thực là thân to lớn.

Suốt phần Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi Phật của Kinh Kim Cang đều chẳng ngoài ý nghĩa ba câu như nêu trên:

Câu thứ nhất: Chấp thật

Câu thứ hai: Phủ định, phá, chống lại câu 1, lọt vào chấp không.

Câu thứ ba: Giả danh, tạm gọi thôi.

Câu thứ ba phá cả ba câu 1, 2, 3, vì cả ba đều là giả danh, nghĩa là bác bỏ chấp thật của câu 1, bác bỏ chấp không của câu 2, bác bỏ chấp điên đảo tưởng của câu 3, thế nào là điên đảo tưởng? Nghĩa là: khi chúng ta gọi cành hoa chẳng hạn, Bồ Tát cũng gọi cành hoa như chúng ta, nhưng chúng ta lại có tư tưởng đẹp xấu, dính mắc yêu ghét, đây là điên đảo tưởng; còn Bồ Tát tuy cũng gọi là cành hoa nhưng không dính mắc ý tưởng yêu ghét, thì gọi là lưu bố tưởng thôi, nên Bồ Tát không có điên đảo tưởng. Chúng ta muốn được như Bồ Tát thì phải tu hành sao cho không còn điên đảo tưởng, như vậy thì làm sao có thể nói rằng: “Đọc suốt bộ kinh Kim Cang ta không thấy có một pháp hành nào cả, chỉ toàn là hý luận lý thuyết suông”; ở đây ví như người ngủ mê nên đã nói mơ vậy đó. 

2). HT TTL viết rằng: “Cho nên nói được nhưng chưa có ai làm được như trong kinh này. Kinh này từ xưa đến nay đã cho chúng ta ăn toàn thứ bánh vẽ......(ĐVXP-Tập 8)

 Câu nói trên chứng tỏ là tác giả không nắm được Kinh Kim Cang của Bắc truyền, không biết về lịch sử Thiền Tông, chúng ta cùng theo dõi tiếp về Kinh Kim Cang do tác giả Trịnh Nguyên Phước phân tích như sau:

“Trong chương 10, để có tâm thanh tịnh, đức Phật khuyên: “không nên trụ vào sắc mà sanh tâm, không nên trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm, không nên trụ vào chỗ nào mà sanh tâm." (Hán văn: Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.)

 Thoạt nghe câu trên không có vẻ gì đặc biệt, nhưng thật ra chứa đựng thông điệp thâm sâu sắc bén; chính trong khi nghe thầy mình, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đọc lại câu này, mà Lục tổ Huệ Năng hoát nhiên đại ngộ và kêu lên: "Đâu ngờ tự tánh xưa nay vốn thanh tịnh! Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt! Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ! Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động! Đâu ngờ tự tánh sanh ra muôn pháp!",vua Trần Thái Tông cũng đạt được đại ngộ khi đọc đến câu này.

 Như vậy, câu Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm hẳn phải có một sức mạnh đặc biệt lắm mới có thể gây chấn động và tuệ giác nơi hai vị Thiền sư xuất chúng này. Đó có thể là 8 chữ nói đến bởi Trúc Lâm Sơ Tổ Trần Nhân Tông khi trả lời một vị tăng hỏi ngài 'cứu cánh là gì?': "Bát tự đả khai phân phó liễu, Cánh vô dư sự khả trình quân".(Tám chữ mở thông đà trao hết, còn gì đâu nữa để trình ông).(Trong bài kệ "Hữu cú vô cú").

 Nếu phải thu gọn Kinh Kim Cương vào một câu, chỉ một câu thôi, thì có lẽ chính là câu này. Làm thế nào để an trụ, hàng phục tâm? Đức Phật đã trả lời một cách ngắn gọn câu hỏi của trưởng lão Tu Bồ Đề: "Đừng để tâm trụ vào một nơi nào hết". Bởi vì khi tâm bắt đầu trụ (hay dính mắc) vào sắc, thanh, hương, vị, xúc hay pháp, thì tức khắc tâm dấy lên, tâm bị dao động vì vọng tưởng, cho nên không còn cái thanh tịnh trong sáng ban đầu. Trong Kinh còn nói, trong chương 14, "Nếu tâm còn chỗ trụ, tức không phải là trụ" (Hán văn: Nhược tâm hữu trụ, tức vi phi trụ)”. Như vậy, có thể nói rằng: muốn tâm an trụ thì đừng để cho tâm trụ. Tâm không trụ thì mới an trụ”.

 Thế mà tác giả Thông Lạc nói rằng: “Cho nên nói được nhưng chưa có ai làm được như trong kinh này, kinh này từ xưa đến nay đã cho chúng ta ăn toàn thứ bánh vẽ”; đọc đoạn trên rồi thì thấy rõ nói như vậy là không đúng sự thật.

IX). HT. TTL: Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới không phải là chánh pháp của Phật mà là của Bà La Môn có thâm ý muốn diệt Phật giáo nên mới chế ra Bồ Tát Giới; mục đích của Bồ Tát Giới là bộ sách có hình thức tổ chức người cư sĩ thành một tổ chức để phục vụ cho Phật Giáo Đại Thừa. Phần thứ nhất là khuyến dụ người cư sĩ thọ Bồ Tát Giới để góp công góp của xây dựng đạo pháp của Bà La Môn, nhưng sự thật là phục vụ cho quý Thầy Đại thừa: Bồ Tát Giới là một bộ sách khuyến dụ Phật tử để lừa công sức và lừa của cải, tiền bạc của họ; Bồ Tát Giới là một loại kinh sách với thâm ý diệt Phật Giáo, quý vị đọc cho kỹ lại bộ sách thì mới thấy rõ âm mưu thâm độc của Phật Giáo phát triển Đại Thừa. ...(ĐVXP-Tập 8)

IX). Phản Biện:

1). Trình bày sơ lược Kinh Phạm Võng

 Kinh Phạm Võng nói về Giới luật cho những người tu hành Bồ Tát đạo, muốn lãnh thọ Bồ Tát Giới, thì bất cứ ai, dù là Quốc Vương, Vương tử, Tể tướng, Bách quan, Tỷ khưu, Tỷ khưu ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Phạm thiên, chư thiên trong mười tám tầng trời Cõi Sắc, chư thiên trong sáu tầng Cõi Dục, những kẻ dâm nam, dâm nữ, nô bộc, tỳ thiếp, tám bộ quỷ thần, súc sanh cho đến những loài do biến hóa, miễn rằng tất cả họ hiểu được lời của vị pháp sư trao giới, thì hết thảy họ đều được thọ giới và có thể trở thành bậc thanh tịnh.

 Thời đức Phật còn tại thế, cứ mỗi nửa tháng tất cả các đệ tử của Phật đều phải tụng Giới, Giới tiếng phạn là Pratimoksaśìla phiên âm là Ba La Đề Mộc Xoa; Trung Hoa dịch là Bảo giải thoát, nghĩa là bảo trì cho người thực hành thoát ly sanh tử đến đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. Do đó, giới là chiếc xe báu, là bậc thầy dẫn đường đi đến Niết Bàn.

 Bởi vậy, giới là cơ bản của vạn đức của người tu, là nền tảng của mọi sự trang nghiêm; nhưng giới pháp có ba loại: Một là giới pháp xuất gia gồm có: mười giới, hai trăm năm mươi giới. Hai là giới pháp tại gia gồm có: năm giới, tám giới. Ba là giới pháp cho hàng Bồ Tát xuất gia và tại gia, đó là Bồ Tát tam tụ tịnh giới gồm:

- Nhiếp luật nghi giới: Đó là không phạm vào một Giới Trọng và Giới Khinh nào, nghĩa là quyết giữ không làm các việc ác, đình chỉ làm điều ác là trì giới, nếu làm điều ác là phạm giới.

- Nhiếp thiện pháp giới: Người thọ trì Bồ Tát giới quyết làm tất cả các việc lành, chính là phụng hành các điều thiện; như vậy làm điều Thiện là trì giới, không làm điều thiện là phạm giới.

- Nhiêu ích hữu tình giới: Người thọ trì Bồ Tát giới quyết tu hạnh từ bi hỉ xả, làm tất cả các điều lợi ích cho tất cả chúng sanh, không một loài nào mà không hóa độ; như vậy thực hành sự hóa độ là trì giới, không thực hành sự hóa độ là phạm giới.

Riêng về Bồ Tát Giới chúng ta nên biết có 2 loại Bồ Tát Giới:

1. Hàng Bồ Tát Giới xuất gia có 2 loại Giới:

- 10 Giới Trọng:

Giới thứ 1: Sát sanh
Giới thứ 2: Trộm cướp
Giới thử 3: Dâm dục
Giới thứ 4: Vọng ngữ (nói dối)
Giới thứ 5: Bán rượu
Giới thứ 6: Rao nói lỗi của bốn chúng
Giới thứ 7: Tự khen mình chê người
Giới thứ 8: Bỏn sẻn thêm mắng đuổi
Giới thứ 9: Giận hờn không chịu sám hối
Giới thứ 10: Hủy báng Tam bảo
- 48 Giới Khinh:
Giới thứ 1: Không kính Thầy, bạn
Giới thứ 2: Uống rượu
Giới thứ 3: Ăn thịt
Giới thứ 4: Ăn ngũ vị tân
Giới thứ 5: Không dạy người có tội sám hối
Giới thứ 6: Không cung cấp, thỉnh pháp (khi Pháp Sư tới)
Giới thứ 7: Giải đãi không nghe pháp
Giới thứ 8: Tâm trái bỏ với Đại thừa.
Giới thứ 9: Không chăm sóc người bệnh
Giới thứ 10: Chứa khí cụ sát sanh
Giới thứ 11: Đi sứ (cho sự thù nghịch)
Giới thứ 12: Buôn bán phi pháp (buôn bán người và súc vật)
Giới thứ 13: Hủy báng (các bậc danh đức, cha mẹ v.v…)
Giới thứ 14: Phóng hỏa thiêu đốt (núi rừng, nhà cửa v.v…)
Giới thứ 15: Dạy giáo lý ngoài Đại thừa
Giới thứ 16: Vì lợi nói pháp lộn xộn
Giới thứ 17: Cậy thế lực khuyên góp
Giới thứ 18: Không hiểu mà làm thầy truyền giới
Giới thứ 19: Nói lưỡi hai chiều
Giới thứ 20: Không phóng sanh cứu vật
Giới thứ 21: Sân hận báo thù sân hận, đem đánh trả đánh
Giới thứ 22: Tâm kiêu mạn không thỉnh pháp
Giới thứ 23: Khinh ngạo không tận tâm dạy
Giới thứ 24: Không tu học Đại thừa
Giới thứ 25: Tri chúng vụng về (Phải có lòng từ-bi, biết đủ)
Giới thứ 26: Riêng thọ lợi dưỡng (phải trọng đãi khách Tăng)
Giới thứ 27: Thọ biệt thỉnh (không dành riêng của cúngdàng)
Giới thứ 28: Biệt thỉnh Tăng (theo thứ tự không thiên vị ai)
Giới thứ 29: Tà mạng (như xem tướng, bùa chú, pháp thuật)
Giới thứ 30: Làm quản lý cho bạch y (Bất kính ngày trai giới)
Giới thứ 31: Không mua chuộc (Tượng, cha mẹ, người tu bị bán)
Giới thứ 32: Tổn hại chúng sanh (bán những thứ có hại cho người và những thứ để giết người)
Giới thứ 33: Tà mạng giác quán (coi đánh giết, cả với ca kịch)
Giới thứ 34: Tạm bỏ Bồ đề tâm
Giới thứ 35: Không phát nguyện (Kính thuận cha mẹ, Sưtrưởng)
Giới thứ 36: Không phát thệ (giữ Giới của Phật)
Giới thứ 37: Không được du hành nơi mạo hiểm, có nạn
Giới thứ 38: Trái thứ lớp tôn ti
Giới thứ 39: Không tu phước huệ
Giới thứ 40: Không bình đẳng truyền giới (18 loại được thọ)
Giới thứ 41: Vì lợi làm thầy
Giới thứ 42: Giảng thuyết giới cho kẻ ác
Giới thứ 43: Khởi tâm phạm giới không tâm hổ thẹn,
Giới thứ 44: Không cúngdường kinhđiển (đọctụng, biênchép)
Giới thứ 45: Không giáo hóa chúng sanh
Giới thứ 46: Thuyết pháp không đúng như pháp.
Giới thứ 47: Cấm chế không đúng pháp (đặt luật phi pháp)
Giới thứ 48: Phá pháp (nói Giới của Phật để Vua kìm chế tu sĩ)

2. Hàng Bồ Tát Giới tại gia:

- 6 Giới Trọng:

Giới thứ 1: Sát sanh
Giới thứ 2: Trộm cướp
Giới thử 3: Tà dâm 
Giới thứ 4: Vọng ngữ (nói dối)
Giới thứ 5: Bán rượu
Giới thứ 6: Rao nói lỗi của bốn chúng

- 28 Giới Khinh:

(1) Giới không cúng dường cha mẹ, sư trưởng (tội sơ ý).

(2) Giới uống rượu 
(3) Giới không chăm sóc người bệnh 
(4) Giới không bố thí người đến xin 
(5) Giới không chào hỏi lễ lạy các bậc tôn trưởng 
(6) Giới khinh mạn người phá giới: (Tăng ni cư sĩ phạm Giới) (7) Giới không thọ sáu ngày bát quan trai giới mỗi tháng 
(8) Giới không đi nghe pháp 
(9) Giới thọ đồ dùng của chư Tăng (ngọa cụ, giường, ghế,...

(10) Giới uống nước có trùng: (nước có trùng vẫn cố ý uống)

(11) Giới đi một mình trong chổ nguy hiểm 
(12) Giới một mình ngủ đêm tại chùa ni (nam)chùa tăng (nữ) 
(13) Giới vì của đánh người (vì tiền của đánh chửi rủa người)

(14) Giới bố thí thức ăn thừa cho bốn chúng. 
(15) Giới nuôi mèo, chồn
(16) Giới nuôi súc vật: (nuôi voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà …)

(17) Giới không chứa ba y, bình bát, tích trượng (để cúng dường chúng tăng)

(18) Giới không lựa chỗ nước sạch, đất cao để trồng trọt 
(19) Giới buôn bán không chân chánh: (lật lọng, gian lận) (20) Giới hành dâm không đúng thời, không đúng chỗ 
(21) Giới gian lận thuế: (không nộp, khai thuế gian lận)

(22) Giới vi phạm luật pháp quốc gia: 
(23) Giới có thực phẩm mới mà không cúng Tam bảo trước 
(24) Giới Tăng già không cho thuyết pháp mà tự cứ làm. (25) Giới đi trước năm chúng xuất gia (khi đi cùng đoàn) 
(26) Giới phân phối thức ăn cho chư Tăng không bình đẳng 
(27) Giới nuôi tằm: (nuôi tằm lấy tơ)

(28) Giới đi đường gặp người bệnh không chăm sóc

 Bồ Tát không phạm Giới Trọng từ thân miệng đến ý; nếu tự mình làm, hoặc bảo người làm, hoặc khen tặng sự làm, hoặc thấy người làm mà vui theo, đều là phạm Trọng Giới bị tội Ba La Di (ví như bị tử hình: Nam được tái thọ tất cả 7 lần, nữ chỉ một lần thôi). Nếu sau khi thọ giới mà Bồ tát vi phạm một trong các Giới Khinh thì phạm vào tội sơ ý, nếu không khởi tâm sám hối sẽ bị đọa lạc vì do nhiễm ô tạo nghiệp sinh tử luân hồi.

 Nếu người thọ giới Bồ-Tát mà không tụng điều giới nầy, thời người ấy không phải Bồ-Tát, không phải Phật-Tử. Bởi vậy Bồ-Tát cần nên học và hết lòng kính-trọng phụng-trì, nếu có người nào phạm Giới thời hiện đời người ấy không thể phát tâm Bồ-Đề, tất cả diệu quả Phật-Tánh đều bị chôn vùi và bị đọa trong ba ác-đạo.

2). Phân tích và nhận xét:

 Trong 6 Giới Trọng của Hàng Bồ Tát tại gia đều nằm trong 10 Giới Trọng của hàng Bồ Tát xuất gia, không có gì sai biệt để nói.

Trong 28 Giới Khinh của hàng Bồ Tát tại gia, có 18 điều đều là các Giới thông thường mà người tu hành xuất gia cũng phải giữ nên không thể cho rằng: “Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới là của Bà La Môn khuyến dụ người cư sĩ thọ Bồ Tát Giới để góp công góp của xây dựng đạo pháp của Bà La Môn và có thâm ý tiêu diệt Phật Giáo”. Chỉ có 10 điều Giới của hàng Bồ Tát tại gia liên quan đến hàng xuất gia, có lẽ cái mà tác giả Thông Lạc gọi là “Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới có mục đích khuyến dụ đánh lừa người cư sĩ thành một tổ chức để phục vụ cho quý Thầy Đại thừa”, đó là các điều sau đây, chúng ta cùng phân tích:

Giới (1) không cúng dường cha mẹ, sư trưởng: Điều này thuộc về đạo đức mà mọi người Phật tử phải có chứ không riêng gì người thọ Giới Bồ Tát.

Giới (5) không chào hỏi lễ lạy các bậc tôn trưởng: Điều năm này cũng tương tự như điều một ở trên.

Giới (6) khinh mạn người phá giới: Đây là điều để ngăn tâm kiêu mạn vì cho rằng mình hơn người tu phá giới.

Giới (9) thọ dụng đồ dùng của chư Tăng: Đây là để giữ cho sự tự trọng của mỗi con người chứ không riêng gì với chư Tăng vậy.

Giới (14) bố thí thức ăn thừa cho bốn chúng: Đây là để giữ không cho tâm khinh người tác hại.

Giới (17) không chứa ba y, bình bát, tích trượng: Nếu chúng Tăng tới nhà thì đó là có phước, nên việc cúng dường cũng như qùa biếu đâu có gì là qúa tốn kém, vả lại cúng dường bố thí Tăng Ni sẽ mang lại nhiều phước hơn là bố thí cho người thường.

Giới (23) có thực phẩm mới mà không cúng Tam bảo trước: Đây cũng giống như khi chúng ta có trái cây đầu mùa, hái những qủa đầu mùa đem cúng Phật và Tổ tiên Ông bà, đó là lòng hiếu thảo kính trọng vậy.

Giới (24) Tăng già không cho thuyết pháp mà tự cứ làm: Vấn đề này phải biết tự trọng, vì nếu mình giỏi thì tự nhiên sẽ được mời thuyết pháp không nên tự cao tự đại. 

Giới (25) đi trước năm chúng xuất gia: Vì hàng xuất gia là đại diện cho Tăng bảo luôn luôn được sự kính trọng là lẽ thường.

Giới (26) phân phối thức ăn cho chư Tăng không bình đẳng: Vì trong giáo điều của Phật có điều bình đẳng, nên phải tôn trong không vị tình riêng mà bất công trong việc bố thí cúng dàng. 

 Xem như vậy, 10 điều mà hang Bồ Tát tại gia phải tuân theo đối với hàng tu sĩ xuất gia không có điều nào là qúa đáng. Lại nữa, Giới của Bồ Tát xuất gia cả về Giới Trọng (10 điều) và Giới Khinh (48 điều) đều nhiều hơn Giới của hàng Bồ Tát tại gia chỉ có 6 điều Giới Trọng và 28 điều Giới Khinh; như vậy sự giữ Giới của hàng Bồ Tát xuất gia khó hơn là của hàng Bồ Tát tại gia.

 Mặc dầu vậy, Tu sĩ xuất gia trì giới Bồ Tát xuất gia là điều không mấy khó, nhưng người tại gia trì giới Bồ tát tại gia là điều rất khó; bởi vì Bồ tát tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc nên rất khó hành trì. Do đó Bồ Tát tại gia nào có thể chí tâm thọ trì giới pháp đã thọ một cách hoàn hảo, người ấy là hương thơm vi diệu, là hoa sen trong sạch, là trân báu chân thực và là bậc đại trượng phu trong hàng Bồ tát tại gia.

 Do đó cho rằng: “Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới là của Bà La Môn khuyến dụ người cư sĩ thọ Bồ Tát Giới để góp công góp của xây dựng đạo pháp của Bà La Môn và có thâm ý tiêu diệt Phật Giáo. Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới có mục đích khuyến dụ đánh lừa người cư sĩ thành một tổ chức để phục vụ cho quý Thầy Đại thừa, Bồ Tát Giới là một loại kinh sách với thâm ý diệt Phật Giáo, đó là âm mưu thâm độc của Phật Giáo phát triển Đại Thừa” là nói sai lạc sự thật đã được phơi bày rõ ràng ở trên rồi chứ chẳng phải là nói suông đâu.

 Phật tử tại gia phát tâm tu hạnh Bồ Tát giới là để rộng bề làm Phật sự và hóa độ chúng sinh; mặt khác, Phật tử tại gia có toàn quyền chọn lựa muốn thọ giới Bồ Tát hay không là tùy tâm người Phật tử, không ai có quyền bắt ép hay dụ dỗ người Phật tử thọ Bồ Tát giới; nếu người Phật tử cảm thấy không thể thi hành theo Bồ Tát Giới thì không nên thọ giới này, mà người đó vẫn là Phật tử quy y và thực hành ngũ giới và có thể tu hành bất cứ pháp môn nào thích hợp để đạt mục đích thoát khỏi sinh tử luân hồi.

X). HT TTL: Kinh Duy Ma Cật là kinh phát triển của Đại Thừa. Kinh giáo Đại Thừa là kinh sách chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau và những phong tục tập quán của con người trên hành tinh này mà thành lập ra giáo lý của mình; nó không có gì đặc biệt riêng của nó, chỉ khéo dùng những danh từ thật kêu và cũng giống như vẽ rắn thêm chân, thêm râu, khiến cho mọi người dễ bị lường gạt tưởng là rồng thật. Giáo lý Đại Thừa và Thiền Đông Độ cũng lường gạt tín đồ như vậy, tưởng là một chân lý siêu việt của Đạo Phật, nào ngờ là một giáo lý chắp vá, như chiếc áo may nhiều loại vải thô xấu....(ĐVXP-Tập 8)

X). Phản Biện:

Kinh Duy Ma Cật là kinh của Bắc Truyền; nếu nói “Kinh giáo Đại Thừa là kinh sách chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau và những phong tục tập quán của con người trên hành tinh này mà thành lập ra giáo lý của mình” thì không hoàn toàn đúng, vì nếu có đi nữa cũng chỉ như thêm màu sắc cho hợp với từng địa phương, nhưng cốt lõi của các Kinh vẫn giữ đúng những gì đức Phật đã nói và đó là lý do tại sao Bắc Truyền ngày nay đã lan rộng không những chỉ ở Á châu mà ra khắp Âu Mỹ Úc Phi của thế giới. Tại sao như thế, vì Phật giáo Bắc Truyền đi đúng với những tinh hoa mà đức Phật đã dạy, nó thích hợp với khoa học và nhu cầu tâm linh của con người tiến bộ trong giai đoạn hiện tại. 

 Muốn biết Kinh Duy Ma Cất có gì đặc biệt, chúng ta phải lược sơ qua nội dung của Kinh, chỉ đề cập tới những gì chúng ta cần phải học phải nhớ và thực hành thì mới biết được sự thật như thế nào:

- Thứ nhất vPhẩm Phật Quốc Tịnh Độ: Đức Phật giảng về thế nào là sự thanh tịnh của Phật độ, sự thanh tịnh tâm của một vị Bồ Tát; nếu người tâm tịnh bèn thấy cõi tịnh công đức trang nghiêm, còn ngươi tâm uế thì thấy cõi đầy nhơ nhớp xấu xa bất tịnh. Tỉ dụ như Tỳ Kheo tu theo Nam Truyền được qủa dự lưu Tu Đà Hoàn, vì chưa hết cấu uế nên chưa được thanh tịnh, nên vẫn phải tái sinh lại cõi người (7 lần); nếu đã đạt qủa A La Hán thì đạt Niết Bàn thanh tịnh mà không còn tái sinh lại cõi người vậy.

- Thứ hai: Phẩm phương tiện: Đại Bồ Tát Duy Ma Cật hiện thân cư sĩ giàu có và bị bệnh trong thành Tỳ Da Ly, Cư sĩ hay đến gặp mọi người, tùy duyên giúp đỡ giáo hóa; vì vậy tất cả nhân dân từ vua quan đến hàng cùng đinh đều đến thăm ngài. Nhân dịp này cư sĩ Duy Ma Cật trình bày cho họ những khuyết điểm không thể tránh của thân thể, đặc điểm của thân Phật, và do đó mọi người nên gắng sức tu tập để đạt được thân Phật. Đây là biểu hiện phương tiện của Chư Phật và Chư Đại Bồ Tát trong việc hóa độ chúng sanh

- Thứ ba: Phẩm chấp thật lời nói và văn tự: Phật biết ý Cư sĩ Duy Ma Cật muốn được Phật đoái tưởng nên Ngài lần lượt bảo 10 đại đệ tử và sau là 4 vị Bồ Tát đại diện Phật đi thăm Cư sĩ, nhưng hết thảy đều hổ thẹn từ chối không dám đại điện đi vì họ đã gặp và tự biết không đủ khả năng đối đầu tài biện luận của vị Cư sĩ. Đây là tài biện luận của Cư sĩ Duy Ma Cật, vì Ngài đã chứng nhập thật tướng, thấu nhập bí tạng Chư Phật, nên khó bì đối đáp. Vì thế: trong phẩm này, các lời nói của Ngài Duy Ma Cật có nhiều điều để học hỏi.

 Chúng ta hãy trích một đoạn Kinh Phật bảo Tôn giả Tu Bồ Đề đến thăm bệnh để xem cách phá chấp thật của Bồ Tát Duy Ma Cật về lời nói văn tự. Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Thế Tôn! Con chẳng xứng đáng đến thăm bệnh Duy Ma Cật. Tại sao? Con nhớ lại khi xưa vào nhà Ngài khất thực. Ngài lấy bát con đựng đầy cơm, bảo rằng: Này Tu Bồ Đề! Đối với sự ăn bình đẳng thì các pháp cũng bình đẳng, các pháp bình đẳng thì sự ăn cũng bình đẳng, khất thực như thế mới được lấy ăn.

 Vậy nếu Tu Bồ Đề chẳng đoạn dứt tham sân si, cũng chẳng cùng với tham sân si, chẳng hoại nơi thân mà tùy nhất tướng (Nhất tướng vô tướng), chẳng diệt si ái mà được giải thoát, dùng tướng ngũ nghịch mà được giải thoát, chẳng trói cũng chẳng mở, chẳng thấy Tứ Đế, phi chẳng thấy Tứ Đế, phi đắc quả, phi bất đắc quả, phi phàm phu, phi lìa phàm phu, phi bậc thánh, phi chẳng bậc thánh, dù thành tựu tất cả pháp mà lìa các pháp tướng, mới được lấy ăn. Nếu Tu Bồ Đề chẳng thấy Phật, chẳng nghe pháp, bọn lục sư (sáu phái) ngoại đạo là thầy của ông, vì họ xuất gia bị đọa, ông cũng đọa theo, mới được lấy ăn.

LƯỢC GIẢI CỦA HÒA THƯỢNG DUY LỰC:

 Bọn lục sư ngoại đạo là thầy của ông, vì họ xuất gia bị đọa, ông cũng đọa theo:

1. Thầy có nhiều loại. Thầy Bổn Sư, thầy dạy đạo, thầy y chỉ nuôi cho ăn học, thầy dạy chữ nghĩa thế gian, v.v...,chẳng phải chỉ có thầy Bổn Sư mới được gọi là thầy.

2. Theo Trí Giả Đại Sư có ba loại ngoại đạo.

- Thứ nhất là ngoại đạo chính thức, tu hành thành tựu, được sinh cõi Trời chẳng bị đọa.

- Thứ hai là ở nơi Phật pháp xuất gia mà hành theo pháp ngoại đạo thì phải bị đọa.

- Thứ ba là học Phật pháp thành ngoại đạo, vì hiểu lầm ý Phật, cho ý mình hiểu là đúng chính pháp mà dùng để dạy người, củng bị đọa như ngoại đạo thứ hai vậy.

 Theo sự thật, trong Phật pháp có một số người bổn sư bị đọa mà đệ tử được kiến tánh; chẳng phải bổn sư bị đọa thì đệ tử phải đọa theo. Nguyên nhân bị đọa là bởi vì hành tà pháp mà cho là chính pháp, làm cho chúng sanh hiểu lầm nên mới phải bị đọa; đây là lược giải theo có nghĩa lý. Nhưng đoạn này Ngài Duy Ma Cật cố ý nói ra những lời vô nghĩa lý, ấy chỉ là phương tiện dùng để phá những kẻ chấp thật văn tự lời nói của chư Phật chư Tổ mà thôi.(Lược giải hết)

 Nếu Tu Bồ Đề tâm nhập tà kiến, chẳng đến bờ bên kia, trụ nơi tám nạn (Là tám nơi không lợi cho việc đạt giác ngộ: 1- Địa ngục, 2- Súc sinh, 3- Ngạ Quỷ, 4- Trời trường thọ, 5- Biên giới hẻo lánh, 6- Căn khuyết (mù câm), 7- Tà kiến (thấy sai), 8- Thời không có Phật, không Phật pháp), chẳng ra khỏi nạn, lìa pháp thanh tịnh mà đắc vô tranh tam muội, tất cả chúng sanh cũng đắc tam muội ấy, kẻ bố thí ông chẳng gọi là phước điền, kè cúng dường ông phải đọa tam ác đạo (Địa ngục, Ngạ qủy, Súc sinh). Ông cùng ma chúng bắt tay nhau làm bè bạn, ông cùng ma chúng với những trần lao đồng nhau chẳng khác, nơi tất cả chúng sinh có tâm oán ghét, báng Phật hủy pháp, chẳng nhập tăng chúng, cuối cùng chẳng thể diệt độ, ông nếu như thế mới được lấy ăn.

 Bạch Thế Tôn! Khi nghe lời dạy này, con cảm thấy ngơ ngác, chẳng hiểu Ngài nói gì, chẳng biết trả lời thế nào, liền để bát lại muốn ra khỏi nhà; lúc ấy Ngài Duy Ma Cật bảo: Này Tu Bồ Đề! Cứ lấy bát đi đừng sợ, ý ông thế nào nếu đem việc này hỏi người huyễn hóa của Như Lai làm ra, người ấy có sợ chăng?" Con đáp: Không ạ! Ngài Duy Ma Cật nói: Tất cả các pháp, tướng như huyễn hóa, nay ông cũng chẳng nên sợ, tại sao? Tất cả ngôn thuyết đều chẳng lìa tướng huyễn hóa, cho nên người trí chẳng dính mắc văn tự, nên chẳng có sợ; vì tánh của văn tự tự lìa văn tự, chẳng chấp văn tự ấy mới là giải thoát, tướng giải thoát đó tức là các pháp vậy; khi ngài Duy Ma Cật thuyết pháp này, hai trăm thiên tử đắc pháp nhãn tịnh, vì thế nên con không xứng đáng đại diện Thế Tôn đến thăm bệnh Ngài.

L ƯỢC GIẢI CỦA HÒA THƯỢNG DUY LỰC:

 Kinh Kim Cang nói: Nếu có ai nói Như Lai có thuyết pháp là phỉ báng Phật, vì pháp lìa văn tự. Nhưng chúng sanh học Phật đều đuổi theo văn tự để tìm hiểu chân lý, Phật rất sợ chúng sanh nhận lầm như thế, kẹt vào lý chướng nên vừa thuyết xong liền phá. Đoạn Tu Bồ Đề thăm bệnh này là chuyên dùng những lời vô nghĩa để phá những người chấp thật vào văn tự lời nói trong kinh điển; Tu Bồ Đề chẳng phải không biết mà sợ, vì hợp tác với Duy Ma Cật nên thị hiện sợ, để cho Duy Ma Cật giảng rõ văn tự và lời nói là tướng huyễn hóa; chẳng chấp văn tự ấy là giải thoát, tướng giải thoát đó tức là các pháp vậy. (Lược giải hết)

 Đây là bài học qúy giá cho tất cả những người tu theo Phật pháp không phân biệt Nam Tông hay Bắc Tông, không phân biệt tu pháp môn này hay pháp môn kia, không kể nam nữ, già trẻ v.v…, tất cả đều nên học và hành theo những lời dạy này.

- Thứ tư: Phẩm Tánh Không: Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi vâng lời yêu cầu của Phật đi thăm Bồ Tát bệnh. Khung cảnh là một căn phòng nhà của cư sĩ Duy-ma-cật, nhỏ bé nhưng có thể dung nạp vô số Bồ Tát, thiên, nhân và vô số chúng sinh khác đến nghe cuộc đàm thoại qúy hiếm giữa hai vị được tán thán là trí huệ đệ nhất. Cuộc đàm thoại giữa Văn-thù-sư-lợi và Duy-ma-cật về nhiều đề tài với sự phân tích sâu sắc về bệnh tình của Duy-ma-cật và lĩnh vực hoạt động (sa. gocara) của một Bồ Tát, và bắt đầu là nói về tính không (sa. śūnyatā); chúng ta trích một đoạn Kinh rất hấp dẫn này như sau:

“Lúc ấy, tám nghìn Bồ-Tát, Thanh-Văn, trăm nghìn Trời Người đều muốn đi theo; do đó Văn-Thù cùng với vô số Bồ-Tát, Trời Người như thế cùng nhau cung kính vào thành Tỳ-Da-Ly. 

 Cư-sĩ Duy-Ma-Cật biết Văn-Thù Bồ-Tát cùng đại chúng đến, bèn dùng thần-lực đem đi tất cả đồ đạc và người hầu, trong phòng trống rỗng chỉ còn có một giường nằm bệnh; Văn-Thù đi đầu vừa bước vào, Cư-Sĩ liền nói:

- Khéo đến Văn-Thù, Tướng (hình dạng) chẳng đến mà đến, tướng chẳng thấy mà thấy (không mà là có).

 Bồ-Tát Văn-Thù đáp:

- Đúng thế Cư-Sĩ! Nếu đến rồi thì chẳng đến nữa, nếu đi rồi thì chẳng đi nữa; vì nói đến thì chẳng từ đâu đến, nói đi thì chẳng đi về đâu (ý nói Phật tánh cùng khắp chỗ nào cũng có, lúc nào cũng hiện diện), chỗ được thấy chẳng còn thấy nữa (có mà là không); hãy bỏ qua việc này, nay bệnh của Cư-Sĩ có bớt mà chẳng thêm không? Thế-Tôn gửi lời ân cần vô lượng để hỏi thăm Cư-Sĩ. Bệnh do đâu mà khởi, làm thế nào mới khỏi được?

 Cư-sĩ Duy-Ma-Cật đáp:

- Từ “Si” có “Ái” thì bệnh “Ngã” sinh, vì tất cả chúng-sanh bệnh nên tôi bệnh, tất cả chúng-sanh không bệnh thì tôi khỏi bệnh, tại sao? Bồ-Tát vì độ chúng-sanh nên vào sinh tử, có sinh tử thì có bệnh; nếu chúng-sanh lià được sinh tử thì Bồ-Tát chẳng còn bệnh, nói bệnh này do đâu khởi, bệnh của Bồ-Tát do đại Bi khởi…”

 Ở đoạn này hai vị Đại Bồ Tát mở màn đã đi ngay vào “tánh không”, nói thân mà dùng tâm, Phật tánh để hiển bày trong câu chuyện, nếu hiểu ra thì rõ ràng là câu chuyện tuyệt diệu có một không hai; như thế mà tác giả Thông Lạc nói rằng: “Kinh này không có gì đặc biệt riêng của nó, chỉ khéo dùng những danh từ thật kêu và cũng giống như vẽ rắn thêm chân, thêm râu, khiến cho mọi người dễ bị lường gạt tưởng là rồng thật” thì cũng lạ cho lời nói bừa bãi thiếu nghiên cứu quán sát của một người học Phật. 

- Thứ năm: Phẩm Bất Khả tư nghị: Nhân việc Tôn giả Xá-lợi-phất suy nghĩ đến chỗ ngồi trong căn phòng nhỏ, Duy-ma-cật biết ý nên nói việc đến là để phát tâm cầu pháp và Ngài giảng ý nghĩa của việc cầu pháp (đây là một bài học qúy giá). Cũng vì vấn đề chỗ ngồi mà Cư sĩ thị hiện cõi Tu-di tướng (san. merudhvāja) để mọi người thấy và được Như Lai Tu-di Đăng Vương (san. merupradīparāja) đưa đến 32 nghìn toà ngồi sư tử to lớn; nhân việc này, Cư sĩ Duy-ma-cật giảng sự giải thoát bất khả tư nghị (những việc không thể nghĩ tới và không thể bàn luận) (sa. acintyavimoka) của Chư Phật và đại Bồ Tát (đây cũng là một bài học qúy giá).

- Thứ sáu: Phẩm Quán Chúng Sanh: Cuộc luận đàm giữa Văn-thù-sư-lợi và Duy-ma-cật được tiếp nối, bây giờ những điểm quan trọng của một Bồ Tát được đề cập đến. Như Duy-ma-cật giảng một trường hợp nghịch lí là Bồ Tát một mặt xem chúng sinh không thật hiện hữu, nhưng mặt khác vẫn phát triển lòng từ bi hỉ xả dành cho chúng sanh; còn đối với sinh tử đáng sợ, Bồ Tát nên y nơi lấy vô trụ làm gốc và từ gốc vô trụ lập tất cả các pháp. (Ở đây có những đều đáng để học và hành, đó là quán chúng sanh không thật mà chỉ là gỉa tạm có thôi, là mở lòng Từ Bi Hỉ Xả với tất cả chúng sanh, và vô sở trụ đối với tất cả các pháp).

 Phần sau đề cập đến một Bồ Tát thị hiện là một Thiên nữ rải hoa, biến hóa nữ thành nam và nam thành nữ, và đối đáp với Tôn giả Xá Lợi Phất để phá chấp ngã chấp pháp, (Ở đây cũng là một bài học hữu ích).

- Thứ bảy: Phẩm Phật Đạo: Cư sĩ Duy Ma Cật nói rằng: Nếu Bồ Tát hành nơi phi đạo gọi là thông đạt Phật đạo; thế nào là hành nơi phi đạo gọi là thông đạt Phật đạo? Cư sĩ Duy Ma Cật giải thích rằng: Nếu Bồ Tát gây tội ngũ nghịch mà chẳng có buồn giận, đến nơi địa ngục mà chẳng có tội cấu, đến nơi súc sanh mà chẳng có vô minh kiêu mạn, đến nơi ngạ quỷ mà đầy đủ công đức, đến cõi sắc giới và vô sắc giới mà chẳng cho là thù thắng, thị hiện tham dục mà lìa các nhiễm đắm, thị hiện sân hận mà đối với chúng sanh chẳng có quái ngại, thị hiện ngu si mà dùng trí huệ điều phục tâm mình, thị hiện tham lam bỏn xẻn mà bỏ tất cả của cải, chẳng tiếc thân mạng. Đó là lời giảng của Cư sĩ Duy Ma Cật về hành nơi phi đạo gọi là thông đạt Phật đạo.

Còn hỏi thế nào là hạt giống Như Lai?

 Cư sĩ trả lời: Có thân là hạt giống Như Lai. Vô minh có ái là giống, tham sân si là giống, tứ điên đảo là giống (Bốn điên đảo: 1. Vô thường chấp thường; 2. Khổ cho là vui; 3. Vô ngã chấp là ngã (ta); 4. Bất tịnh cho là tốt đẹp), ngũ cái là giống (Gồm: Tham ái, sân hận, hôn trầm - thùy miên, trạo hối - phóng dật, nghi ngờ), lục nhập là giống (Sắc với mắt, thanh với tai, hương với mũi, vị với lưỡi, tiếp xúc với thân, pháp với ý), thất thức xứ (5 thức đối với 5 giác quan, ý thức và Mạt Na thức) là giống, bát tà pháp là giống (tám tà là: tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà mệnh, tà nghiệp, tà tinh tấn, tà niệm, tà định), cửu não là giống {Buồn (não), khổ (khổ), đắng cay (tắng), hao tổn (nhuế hại), sợ hãi (kỵ ), ganh ghét (tật), mất mát (suy), nhục nhã (cơ), chê bai (hủy)}, thập bất thiện đạo là giống (10 điều ác). Nói tóm lại, sáu mươi hai kiến chấp và tất cả phiền não đều là hạt giống Phật.
Nếu kẻ thấy vô vi vào chánh vị thì chẳng thể còn phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề nữa. Ví như chỗ gò cao chẳng thể sanh hoa sen, mà nơi bùn lầy ẩm thấp mới sanh hoa sen. Cũng thế, kẻ thấy pháp vô vi vào chánh vị thì chẳng còn có thể sanh khởi Phật pháp, trong bùn lầy phiền não mới có chúng sanh sanh khởi Phật pháp thôi. Như gieo giống nơi hư không thì chẳng thể sanh khởi, ở đất phân bùn mới tốt tươi được; cũng thế, kẻ vào vô vi chánh vị chẳng sanh khởi Phật pháp, kẻ có ngã kiến như núi Tu Di còn có thể phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, sanh khởi Phật pháp. Nên biết: tất cả phiền não là hạt giống Như Lai, ví như chẳng xuống biển cả thì chẳng được bảo châu vô giá; cũng thế, chẳng vào biển phiền não thì chẳng thể đắc ngọc báu Nhất Thiết Trí vậy.

 Lúc ấy Đại Ca Diếp tán thán rằng:

-Lành thay! Lành thay! Lời này rất đúng; thật như lời ông nói, bọn trần lao mới là hạt giống của Như Lai, nay chúng tôi chẳng còn có thể phát tâm Vô Thượng Bồ Đề. Người mang tội ngũ vô gián còn có thể phát tâm sanh nơi Phật pháp, mà chúng tôi đây trọn chẳng thể phát, ví như những người ngũ căn đã hư, đối với ngũ dục chẳng còn cảm xúc. Cũng thế, hàng Thanh Văn đã dứt phiền não trói buộc, xem Phật pháp chẳng còn ích lợi gì nên chẳng phát nguyện nữa; Cho nên, Phàm phu ở nơi Phật pháp có biến chuyển mà Thanh Văn thì không, tại sao? Phàm phu nghe Phật pháp dược sanh khởi đạo tâm vô thượng, chẳng dứt hạt giống Tam Bảo; dẫu cho Thanh Văn suốt đời nghe Phật pháp và được sức vô úy v.v... chung qui chẳng thể phát đạo tâm vô thượng.

 Chính Phẩm này nói lên một vấn đề mà nhiều người theo Nam Truyền buồn lòng vì không để ý câu chuyện của Kinh Duy Ma Cật có trước khá lâu. Thời nói Kinh Duy Ma Cật, Đức Phật chưa giảng cho hàng Thanh Văn về Đại thừa, nhưng về sau Ngài mới giảng và sau khi đó thì Ngài thọ ký cho các đệ tử Thanh Văn sẽ thành Phật. Vì vậy cho nên những người không nhận chân vấn đề thì thường hay báng bổ nhau , nếu hiểu rồi thì từ nay trở đi nên bỏ qua mọi chuyện “sĩ diện không phải chỗ” thì đâu còn việc bài bác nhau làm cho tâm vẩn đục khiến không thể tu hành được.

 Một bên thì bảo Nam Truyền là Tiểu thừa (cỗ xe nhỏ) như hạt giống bị cháy không thể thành Phật được là dựa vào phẩm này, mà không để ý rằng về sau chính Đức Phật đã thọ ký cho hàng Thanh Văn thành Phật thì tiêu nha ở chỗ nào? Còn những người theo Nam Truyền cũng không hiểu rằng kinh Duy Ma Cật đã nói từ trước, mà cho rằng những lời của Ngài Duy Ma Cật là phỉ báng hàng Thanh Văn, do đó đã có những lời rằng “Kinh giáo Đại Thừa là kinh sách chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau và những phong tục tập quán của con người trên hành tinh này mà thành lập ra giáo lý của mình” là không hiểu và bóp méo sự thật. 

- Thứ tám: Phẩm Pháp Môn Không Hai (Bất Nhị): Cuộc sống của con người có nhiều đau khổ và mãi quẩn quanh trong luân hồi sinh tử là do chấp trước hai thái cực đối nhau; ví dụ như chấp cái ta nên sinh ra chấp cái của ta. Nếu không còn chấp trước thì không còn dính mắc, không dính mắc thì không còn đau khổ; do đó nhập Pháp Môn không hai là để giải quyết việc vướng mắc của sự đối đãi. Nếu mọi sự đều hết dính mắc ràng buộc như Tám thứ Gió (Bát Phong): Được (Lợi), Mất (Suy), Chê (Hủy), Khen (Dự), Vinh (Xưng), Nhục (Cơ), Buồn (Khổ), Vui (Lạc); tám thứ gió này từng cặp đối đãi nhau, chúng làm cho con người thành điên đảo, nếu hết vướng mắc thì Phật tánh mới có thể hiển lộ.

 Trong phẩm này ba mươi mốt vị Bồ Tát trình bày quan điểm của mình về pháp môn bất nhị, phần Bồ Tát Văn Thù nói: “Nơi tất cả pháp vô ngôn vô thuyết, vô thị vô thức, lìa nơi vấn đáp”; còn Cư sĩ Duy Ma Cật im lặng không nói để thể hiện nhập pháp môn bất nhị, vì chẳng có văn tự lời nói mới là chân nhập pháp môn không hai (Đây là một bài học qúy giá mà đã có lần Lục Tổ Huệ Năng trả lời câu của Pháp sư Ấn Tông hỏi “Tại sao Ngũ Tổ không truyền thọ chi cả, chỉ luận môn kiến tánh thành Phật mà không luận pháp thiền định và pháp giải thoát” là vì Phật tánh chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường nên là Pháp chẳng hai).

 Phải nói thẳng ra rằng: chẳng có Tôn giáo nào trên thế giới loài người này có được lý thuyết Không Hai này, mà thuyết Bất Nhị là đặc thù của Phật pháp, nên nói rằng “Kinh Duy Ma Cật bị ảnh hưởng của nhiều Tôn giáo khác nhau và những phong tục tập quán của con người trên hành tinh này mà thành lập ra giáo lý của mình” là cố nói cho có nói mà không hiểu ý nghĩa của Kinh. Phẩm Bất Nhị này mọi người tu hành nên học và hành, không kể Nam truyền hay Bắc truyền, không kể tu pháp môn nào, nếu hiểu biết rõ ràng và hành trì miên mật sẽ rất mau thấy đạo vậy.

- Thứ chín: Phẩm Phật Hương Tich: Nhân tứ chúng sắp tới giờ ăn nên Tôn giả Xá Lợi Phất tự hiện nghĩ đến việc ăn để Cư sĩ có dịp dùng thần thông trong việc thị hiện cõi Chúng Hương và việc thị hiện Bồ Tát huyển đi thỉnh một bát cơm hương đặc biệt của Phật Hương Tích, có vô số Bồ Tát cõi ấy cùng đi theo, mang về cho đại chúng ăn no đủ. Sau đó Cư sĩ trao đổi với các Bồ Tát cõi Chúng Hương về cách dạy của Phật Hương Tích chẳng dùng lời nói văn tự, chỉ dùng mùi diệu Hương khiến các Trời Người được vào luật hạnh; còn cõi Ta Bà này chúng sanh cang cường khó dạy, nào là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, là chỗ tai nạn, là nơi sanh của kẻ ngu. Hễ thân khẩu ý hành việc tà, thì bị quả báo dữ, nên Phật Thích-ca thuyết pháp những lời cang cường để điều phục họ như Lục độ, Tứ nhiếp pháp…

- Thứ mười: Phẩm Hạnh của Bồ tát: Phẩm này trình bày về việc Cư sĩ Duy Ma Cật đưa các Bồ Tát cõi Chúng Hương và đại chúng tới tham kiến Phật Thích Ca. Nhân việc này Tôn giả A Nan khi ngửi thấy mùi hương thơm đặc biệt và được Cư sĩ giảng ý nghĩa của Cơm cõi Chúng Hương. Tôn giả cũng được Đức Phật giảng dạy về trí huệ biện tài bất khả tư nghị của Chư Phật và các sự giáo hóa khác nhau của các cõi Phật đều tùy duyên mà làm Phật sự để dẫn dắt chúng sinh.

 Và cũng nhân dịp này, Đức Thích Ca giảng cho các Bồ Tát cõi Chúng Hương về pháp môn Hữu tận Vô tận giải thoát bằng cách không tận Hữu vi mà cũng không trụ Vô vi. Không tận Hữu vi là chẳng bỏ đại Từ đại Bi… Không trụ Vô vi là Quán pháp vô thường mà chẳng chán pháp thiện, quán thế gian khổ mà chẳng ghét sanh tử, quán pháp vô ngã mà dạy người chẳng thôi nghỉ…; ở đây cũng là bài học hữu ích cần thiết cho mọi Phật tử chúng ta học và hành chứ không riêng gì các vị Bồ Tát cõi Chúng Hương đâu.

- Thứ mười một: Phẩm Bất Động Như Lai: Phẩm này Đức Phật hỏi Cư sĩ: Ông muốn gặp Như Lai, mà lấy gì để quán Như Lai?
Duy Ma Cật thưa: “Như quán thật tướng tự thân, quán Phật cũng vậy. Con quán Như Lai, việc trước chẳng đến, việc sau chẳng đi, nay cũng chẳng trụ (lúc nào cũng như như). Chẳng quán sắc, chẳng quán sắc như (như tự tánh), chẳng quán sắc tánh; cho đến thọ tưởng hành thức cũng chẳng quán theo như thế (nghĩa là các thứ đó không còn dính mắc nên không phải quán nữa). Tứ đại (đất nước gió lửa) chẳng khởi đồng như hư không, Lục nhập vô tụ (sáu trần đối với sáu căn không nhóm họp chứa chất) siêu việt lục căn; chẳng ở tam giới (Trời, Thần, Người), tam cấu đã lìa (tham sân si), tùy thuận ba cửa giải thoát…”; tóm lại, tức là quán thân Như Lai như thể không hiện hữu. Do đó, nếu người nào thích hợp với Pháp Môn quán này thì nên tu theo thực hành kiên cố nhuần nhiễn cách quán Như Lai mà Cư sĩ trình với đức Phật, thì người đó sẽ thấy Như Lai của chính mình vậy; đây là bài học qúy giá vô cùng.

 Cũng vì việc Tôn giả Xá Lợi Phất thắc mắc về nguồn gốc của Cư sĩ mà Đức Phật cho biết cõi Diệu Hỉ có Đức Phật Bất Động và do đó bốn chúng ước ao thấy cõi ấy, nên Đức Phật yêu cầu Cư sĩ cho đại chúng được thấy. Vâng lời Phật Thích Ca, Cư sĩ thị hiện Thần lực đưa cả cõi Diệu Hỉ có Phật Bất Đông và vô số Bồ Tát, Thanh Văn đến gần, mọi người đều thấy rõ ràng.

 Ở đây, chúng ta thấy Thần lực của Chư Phật và Chư đại Bồ Tát làm các việc bất khả tư nghị như trên cũng ví như ngày nay khoa học tiến bộ có thể chụp hình từ rất xa nhưng chẳng phải xa đâu như sao Hỏa chẳng hạn rồi truyền về trái đất cho mọi người đều thấy vậy thôi, không có gì nghi ngờ cả. Còn các Đại Thánh thì có thể tạm gọi là chụp hình ở cách xa vô lượng giải Ngân hà, xa hàng tỷ năm của tốc độ ánh sáng, rồi đem về cho mọi người thấy chỉ trong giây phút thôi, rõ ràng không thể suy nghĩ bàn luận gì được các việc làm của Phật và Đại Bồ Tát.

Kết luận: Kinh Duy Ma Cật với những đặc biệt về tâm tịnh thì sinh đến nơi tịnh, tâm uế thì sinh nơi uế, về phá chấp thật lời nói và văn tự; về tánh không để phá ngã chấp và pháp chấp. Ngoài ra Kinh còn dạy Pháp Môn Không Hai để trị đối đãi điên đảo của thế gian, và nhiều vấn đề đã nêu ở trên chứng tỏ những lý thuyết cao siêu của Đạo Phật; như vậy nếu nói “Kinh này, Giáo lý Đại Thừa và Thiền Đông Độ không có gì đặc biệt riêng, mà chỉ khéo dùng những danh từ thật kêu giống như vẽ rắn thêm chân thêm râu, khiến cho mọi người bị lường gạt tưởng là rồng thật, tưởng là một chân lý siêu việt của Đạo Phật, nào ngờ là một giáo lý chắp vá, như chiếc áo may nhiều loại vải thô xấu....” thì thật là bất công vì chẳng hiểu Kinh Duy Ma Cật một chút nào nên tuyên bố bừa bãi như thế.

 Xin lược trích thêm phần Cư Sĩ Duy Ma Cật tại Ấn Độ thời Phật do Hòa Thượng Thích Trí Quang viết trong phần Tổng Quan kinh Duy Ma Cật như sau:

 “Ngài Thái Hư ghi: Đời Đường có Vương Huyền Sách từng đến Ấn độ, bấy giờ nhà của ngài Duy ma vẫn còn. Ông vốn ngờ kinh này nói nhà này nhỏ mà chứa được 900 vạn trời người và 32000 tòa sư tử cao lớn, tòa sư tử thì xác định lớn, mà nhà không biết nhỏ đến đâu. Ông lấy hốt mà đo nhà thì 4 phía đều được 10 hốt, mỗi hốt 1 thước, tức 1 trượng, do vậy mà tán thán thần lực của ngài Duy Ma. Ngài Huyền Trang cũng đến Ấn độ, từng đến nhà ngài Duy ma, nhìn cái nhà nhỏ, bụng nghi kinh nói không thật, muốn viết lên vách nhà để tỏ ý mình. Nào ngờ chấm bút muốn viết thì vách với người cách nhau mãi mà không gần được, sờ cũng không được, gần cả buổi mà không viết được chữ nào; Ngài gác bút mà tán thán di tích còn thế, huống chi thần lực xưa kia (Thái hư toàn thư, 866).

 Tham chiếu các kinh khác, như kinh Nguyệt Thượng Nữ chép: ngài Duy Ma họ Lôi, vợ là Kim Cơ, con trai là Thiện Tư, con gái là Nguyệt Thượng. Vậy ngài Duy Ma là người thật đời Phật (Thái hư toàn thư 903).

 Vài ghi chép trên đây chứng tỏ ngài Duy ma không những là người thật thời Phật, mà còn là vị đại Cư sĩ, đại bồ tát đến có thể gọi là bồ tát bất khả tư nghị. Tuy nhiên, tại sao sách vở của Phật giáo nguyên thỉ ghi về đệ tử tại gia danh tiếng của Phật không thấy ghi về ngài, tất phải có một sự húy kỵ nào đó (xin thưa: húy kỵ vì đời sau hiểu lầm Ngài hạ thấp hàng Thanh Văn nên vứt bỏ Ngài khỏi kinh tạng Nam Truyền cho rảnh mắt (!) vậy thôi, có biết đâu rằng ngài Duy Ma Cật là người quyét dọn dẹp đường xá cho quang đãng sạch sẽ để Phật đi được dễ dàng, vì kinh Duy Ma Cật có trước khi Phật giảng cho hàng Thanh Văn lên một tầng cao hơn và sau đó Phật thọ ký cho hàng Thanh Văn sẽ thành Phật vậy)”.

 (Còn tiếp)

Toàn Không

 

 TRÍCH DẪN THAM KHẢO

- Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật do HT Thích Duy Lực dịch giải.
- Đọc và hiểu Kinh Kim Cương Bát Nhã của Trịnh Nguyên Phước.
- Kinh Phạm Võng của HT Thích Duy Lực giảng lược.
- Kinh Phạm Võng Bồ Tát Tâm Địa Phẩm của HT Thích Trí Tịnh dịch.
- Phật nói Kinh Phạm Võng Bồ Tát Tâm Địa Phẩm lược sớ do Tỳ Kheo Ni Thích Trí Hải dịch.
- Tại gia Bồ Tát giảng nghĩa của Thích Pháp Chánh dịch.
- Kinh Duy Ma Cật do HT Thích Duy Lực dịch giảng.
- Kinh Duy Ma Cật do Hòa Thượng Thích Trí Quang dịch.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 2015(Xem: 6754)
Tôi rất tiếc được biết đến Ngài Thích Thông Lạc hơn hai năm sau khi Ngài tịch diệt ... Vì khi nghe lại những bài giãng của Ngài thì có sanh ra vô vàn câu hỏi !!! Xin cám ơn quý vị đã cho nêu lên vài câu hỏi ở đây.