Lời Giới Thiệu

07 Tháng Hai 201200:00(Xem: 9867)

NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CON NGƯỜI 
Tác giả: DR.K.Sri Dhammananda 
Dịch giả: Pháp Thông

Kính dâng:

Hòa Thượng Hộ Tông
Hòa Thượng Hộ Nhẫn

Tri ân:

Thầy Viên Minh
Thượng Tọa Hộ Pháp
Thượng Tọa Giác Chánh

Lời Giới Thiệu

"Những vấn đề của con người" ngàn đời vẫn thế. Bề ngoài có khoác thêm những chiếc áo thời thượng, đa dạng hơn, tinh vi hơn, nhưng bên trong chẳng có gì thay đổi, vẫn phiền não, vẫn khổ đau, vẫn vô minh, vẫn ái dục,... Nói như Sigmund Freud thì muôn đời những vấn đề của con người vẫn phát xuất từ bản chất libido - tính dục.

Muốn cải thiện hay chuyển hóa tận gốc những vấn đề đó không đơn giản chỉ lo thay đổi, vá víu bên ngoài, mà phải thấu triệt được bản chất tồn tại ẩn kín bên trong. Thực ra, bên cạnh những mặt xấu, con người vẫn có những ưu việt diệu kỳ. Điều bất hạnh của con người là không tự thấy ra chính mình. Đã không thấy mà vẫn muốn giải quyết cho êm xuôi, muốn đắc kỳ sở nguyện thì quả là chuyện dã tràng xe cát.

Người nọ được tặng cho một cung điện nguy nga tráng lệ nhưng lại bị bịt kín đôi mắt. Anh ta loay hoay, quờ quạng trong bóng tối, chẳng thấy được gì, nên chỉ cần đi một vài bước là va chạm hay vấp ngã. Để tránh tiếp tục bị u đầu, sứt trán, anh ta quyết định ngồi yên một chỗ. Quả thật được an toàn vô sự. Tưởng đã yên, nhưng chẳng bao lâu những nhu cầu bên trong như đói, khát, vệ sinh, v.v... buộc anh phải đứng lên, đi lại, mà đã đi lại thì không khỏi va chạm, vấp ngã. Lần này anh nghĩ ra được một giải pháp, dẹp bỏ bất cứ vật gì cản trở bước chân. Thế là mọi thứ trong cung điện đều bị dẹp qua một bên nên lưu thông không còn vướng víu nữa. Mục đích của anh là đi tìm cơm ăn, nước uống, chỗ tắm, chỗ nằm,... nhưng tệ hại thay, anh đã dẹp bỏ hết rồi bây giờ chẳng còn gì nữa! Anh nghĩ rằng chung quy chỉ tại ở trong tòa cung điện này mà khổ, vậy tốt hơn phải thoát ra ngoài. Lần mò mãi, anh cũng ra khỏi ngôi nhà. Mới vừa thở phào giải thoát, anh lại đụng phải một gốc cây đau điếng. Vội tránh qua bên phải, anh vấp vào một tảng đá suýt nữa gãy chân. Bò qua bên trái, anh lại rơi vào ao nước, may mà không sâu lắm nên khỏi bị chìm. Thì ra cuộc đời này đâu đâu cũng chỉ là khổ đau bất hạnh! Thôi, chết đi là hết! Vừa thở dài, anh vừa suy nghĩ. Vớ được một cục đá, anh toan đập đầu tự tử! May có người đi qua trông thấy, ngăn lại và hỏi han cớ sự. Anh thuật lại đầu đuôi nỗi khổ của mình.. Khách ngạc nhiên hỏi: "Ủa, sao anh không chịu mở tấm khăn bịt mắt ra?!"

Thực vậy, cuộc đời chẳng có vấn đề gì cả, chỉ tại không thấy biết trung thực mà con người tự gây nên những vấn đề cho mình và cuộc đời. Đừng nói cuộc đời là biển khổ, mà chính chúng ta đã tạo ra biển khổ cuộc đời.

Xin giới thiệu cuốn sách "Những Vấn Đề Của Con Người" do đại đức Pháp Thông dịch để xem Ngài tác giả Dhammananda muốn nhắn nhủ chúng ta điều gì về cuộc sống đầy khổ đau mà cũng đầy ý nghĩa này.

Bửu Long, ngày 08/05/2008
Hòa thượng Viên Minh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười 2013(Xem: 37397)
01 Tháng Bảy 2013(Xem: 6873)
Tôi thực sự bắt đầu viết quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học vào năm 1960 (thực sự khởi từ năm 1959), nghĩa là lúc tôi được mười tám và mười chín tuổi. Bây giờ tôi gần 30 tuổi. Bao nhiêu nước chảy trôi phăng qua cầu trong mười năm trời. Bây giờ nhìn lại chặng đường xưa, tôi không ngờ lúc 18 – 19 tuổi tôi lại thông minh dễ thương như vậy, rồi nhớ lại lúc 13-14 tuổi cho đến lúc 16 tuổi, tôi đã xuất bản một quyển, sách về ngôn ngữ học và đã viết trên 20 quyển sách về văn học quốc tế và ngôn ngữ học (trong đó có một quyển mà Nguyễn Hiến Lê đề tựa giới thiệu và ngạc nhiên không ngờ tôi mới 16 tuổi), sau này khi tôi được 18 tuổi thì tôi đốt sạch hết tất 20 quyển ấy!