Phần Ii Vai Trò Của Tôn Giáo

07 Tháng Hai 201200:00(Xem: 12027)

NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CON NGƯỜI 
Tác giả: DR.K.Sri Dhammananda 
Dịch giả: Pháp Thông

PHẦN II 
Vai Trò Của Tôn Giáo

Tôn Giáo Có Thể Giải Quyết Những Vấn Đề Của Chúng Ta Như Thế Nào

Khi người ta gặp chuyện rắc rối họ nhớ đến các bậc trưởng lão hay các bậc thầy tâm linh của họ và đi tìm sự giúp đỡ nơi các vị ấy, thậm chí có khi còn thỉnh cầu các vị cầu nguyện cho họ nữa. Khi họ gặp rắc rối họ mới nhớ đến tôn giáo và cầu xin phước lành che chở cũng như hướng dẫn cho họ. Trước đó có thể họ không nghĩ rằng việc biết những gì nên làm và những gì không nên làm theo tín ngưỡng hay tôn giáo của họ là điều thực sự cần thiết đối với họ.

Cuộc hành trình hướng thượng trong đời sống tâm linh có thể được những người sơ cơ xem là khó nhưng nếu bạn thực hiện được bước đầu tiên hướng tới, dùng nghị lực và chút kiến thức bạn có, lúc đó một nửa khó khăn đã được vượt qua. Chúng ta nên nhớ rằng đỉnh Núi Everest không phải chạm tới được với một bước chân mà bằng từng bước một với sự kiên nhẫn, vượt qua muôn ngàn gian khổ. Mục đích chính của một tôn giáo là để giúp chúng ta đi theo một số nguyên tắc cao thượng nào đó nhằm tránh rất nhiều vấn đề do chính chúng ta tạo bằng cách tu tập nội tâm trước khi những vấn đề ấy chạm tới và gây đau khổ cho chúng ta. Tất nhiên những gì chúng ta đang nói đến ở đây không phải là việc hiểu các pháp thuần trên phương diện tri thức bởi vì có rất nhiều thứ trong cuộc đời này không thể nào giải thích một cách hợp lý được. Chúng ta cần phải có một sự an ủi tinh thần.

Thực ra kiến thức kinh viện không dính líu gì đến kinh nghiệm cá nhân hoặc kinh nghiệm tâm linh. Trang bị với kiến thức kinh viện một số người ca tụng khoa học nghĩ rằng họ có thể giải quyết được mọi vấn đề thế gian. Khoa học có thể giúp con người vượt qua những vấn đề liên quan đến những nhu cầu vật chất và cũng có thể tạo thêm nhiều vấn đề nhưng khoa học không thể giúp chúng ta giải quyết những vấn đề tinh thần của chúng ta. Không gì có thể thay thế cho người trí đã trải nghiệm thế gian này được.

Hãy suy nghĩ câu nói này xem, ‘khi tôi 18, tôi nghĩ cha tôi là một người dốt đặc, bây giờ 28 tuổi tôi ngạc nhiên không hiểu sao trong mười năm ông già này lại học được nhiều đến thế’. Thực ra không phải cha bạn học. Chính bạn đã học để thấy mọi sự mọi vật theo một cách chín chắn hơn với trí tuệ trong đôi mắt của cha bạn. Hơn hai mươi lăm thế kỷ trước Đức Phật, Khổng Tử (Confucius), Lão Tử (Lao Tzu) và nhiều bậc thầy tôn giáo khác đã cho chúng ta lời khuyên hết sức kỳ diệu. Lời khuyên này không bao giờ lỗi thời, vì nó được dựa trên Chân Lý. Nó sẽ mãi mãi giữ được vẻ mới mẻ như vậy. Không thể nào vượt qua những vấn đề nhân sinh của chúng ta bằng cách phớt lờ trí tuệ cổ xưa ấy được.

Tại Hội Nghị WFB tổ chức ở Malaysia vừa rồi, vị Thủ Tướng trước đây của chúng ta, Tun Dr. Mahathir Mohd. nói, ‘Khoa học có thể giải thích (nó là) cái gì và (nó) như thế nào nhưng khoa học không bao giờ giải thích được tại sao (nó như vậy).’ Chỉ có trí tuệ thu thập được qua hàng thế kỷ kinh nghiệm cá nhân, và chứa đựng trong lời dạy của tôn giáo mới có thể giúp chúng ta hiểu được tại sao các pháp (mọi sự, mọi vật) xảy ra. Trí tuệ này dẫn đến sự phát triển phẩm cách của con người, hiểu được giá trị của sự bình yên và hạnh phúc.

Có lẽ nguồn gốc chính sinh ra những khó chịu vốn làm đảo lộn quan niệm thường tình của chúng ta về hạnh phúc là những mối quan hệ của chúng ta với mọi người chung quanh. Hàng ngày cảm xúc của chúng ta được thử nghiệm theo cách chúng ta phản ứng lại với những người chúng ta thương, những người chúng ta ghét và những người chúng ta không thương không ghét.

Tất cả những vấn đề khó khăn của cuộc sống sẽ được hiểu dễ dàng hơn nếu người ta học được những lời dạy của Đức Phật. Lối tiếp cận của Đức Phật về chủ đề này là trực tiếp và khoa học ­­— vì vậy rất hiệu quả và có ảnh hưởng sâu rộng.

‘Giáo dục những người không tôn giáo bạn chỉ làm cho họ thành những con ác quỷ thông minh.’ (Duke of Wellington )

Đạo Phật Đòi Hỏi Những Gì Nơi Con Người

Đạo Phật đòi hỏi con người những gì? Một học giả Trung Hoa có lần đã hỏi một nhà sư cái gì tạo thành cốt tuỷ của Đạo Phật và vị sư trả lời:

Tránh làm điều ác

Làm các điều lành,

Thanh tịnh tâm ý

Đây lời (chư) Phật dạy.

Dĩ nhiên vị học giả này chờ đợi một câu trả lời ‘thâm sâu’ hơn thế, một điều gì đó phải thực sâu sắc và khó hiểu, thế nên ông nhận xét là chuyện đó ngay cả một đứa bé lên ba cũng có thể hiểu. Nhưng vị sư trả lời rằng trong khi một đứa bé lên ba có thể hiểu được điều đó, một ông già tám mươi chưa chắc đã thực hành nổi!

Đức Phật cũng đã cảnh báo vị thị giả của Ngài tương tự như vậy, Ananda không nên xem những lời dạy chừng như đơn giản ấy là một điều gì đó dễ thực hành.

Đây là cốt tử của Đạo Phật — Con người được đòi hỏi phải tuân theo những giới ‘đơn giản’ trên bước đường tầm cầu sự giải thoát của mình, tuy nhiên việc thực hành những giới này có thể là cực kỳ khó. Bắt đầu với:

Ta không được cố ý sát hại bất kỳ một sinh vật nào;

Ta không được lấy của không cho;

Ta phải tránh tà hạnh trong các dục (tà dâm);

Ta phải tránh nói dối và những lời nhảm nhí thô ác;

Ta không được dùng bất cứ thứ gì (thuốc và rượu) khiến cho ta mất ý thức.

Đây là những nguyên tắc quan trọng mà người Phật tử phải giữ. Những nguyên tắc này không có ý định để phô trương bề ngoài mà đơn giản là để đưa vào thực hành với sự hiểu biết. Vấn đề chính yếu của đời sống tâm linh là vấn đề áp dụng thực tiễn, năng động, chứ không phải vấn đề tri thức suông.

Mục đích tối hậu của con người trong Đạo Phật là bẻ gãy những xích xiềng cuối cùng từng trói buộc họ vào vòng tử sanh không ngừng trong luân hồi (saṃsāra). Sở dĩ con người bị tiền định phải chịu luân chuyển bất tận trong tử sanh luân hồi là vì trong sự vô minh của mình, con người đã tưởng tượng ra một thực thể vững bền gọi là ‘cái tôi’ hay ‘bản ngã’.

Mang ảo tưởng về một cái tôi cho là thực con người phát triển những tham muốn ích kỷ. Vì thế họ cứ mãi phấn đấu không ngừng để thoả mãn những khát ái của mình nhưng có bao giờ được thoả mãn. Việc làm đó chẳng khác gãi một vết thương để tìm sự nhẹ nhõm tạm thời, chỉ để khám phá ra rằng càng làm vậy thì cơn ngứa càng gia tăng bởi vì vết thương đã trầm trọng thêm.

Có Sự Khởi Đầu Của Thế Gian Không?

Một số người có khái niệm rất nông cạn về thế gian và về sự hiện hữu của con người. Thực sự họ không biết cái gì đã tạo thành thế gian này. Khi Đức Phật nói không có điểm khởi đầu cũng như chấm dứt đối với thế gian, người ta không sao hiểu được là ngài muốn nói gì. Sở dĩ họ không hiểu bởi vì họ không thể nhận ra rằng thế gian thực sự nằm bên trong chúng ta.

Nếu bạn khảo sát toàn bộ thế gian và so sánh nó với cơ thể của bạn, bạn có thể hiểu được rằng cũng những yếu tố, những năng lượng và những điều kiện như vậy đồng hiện hữu trong cái gọi là thế gian và trong cơ thể của bạn. Cái khác duy nhất là bạn có một cái tâm để suy nghĩ và thấu hiểu bản chất của hiện hữu mà thôi.

Năng lượng tinh thần phi thường mà con người kinh nghiệm này không thể tìm thấy trong các loài chúng sanh khác. Tuy nhiên, năng lượng tinh thần ấy phải được tu tập và kiểm soát. Nếu không thì tâm con người có thể trở thành nguyên nhân chính cho mọi vấn đề trong thế gian này. Khi một cái tâm được tu tập đúng đắn, sự hoà hợp, hiểu biết và bình yên sẽ thắng thế. Kiến thức kinh viện hay tri kiến thế gian nếu không có kỷ luật tinh thần hay sự tu tập còn nguy hiểm hơn cả vô minh nữa.

Kiến thức nếu không có sự phát triển tâm linh có thể bị lạm dụng cho những mục đích huỷ diệt. Mọi vật đều phải chịu quy luật phổ quát của vô thường. Vô thường là bản chất của những gì (các pháp) đang hiện hữu. Các pháp hư hao và tán hoại theo cùng một quy luật phổ quát. Sự kết hợp của các yếu tố và năng lượng cũng như sự tồn tại cùng nhau của chúng tạo ra một ảo giác về các vật thể, vốn có thể thấy và sờ mó được. Chúng ta tạo ra khái niệm về tính rắn chắc và thường hằng của chúng do ảo tưởng của chúng ta. Những nguyên nhân sanh ra sự thay đổi (vô thường) của chúng là sự cọ xát của các yếu tố và năng lượng. Khi một vật thể tan rã đó chẳng qua chỉ là sự phân huỷ của các yếu tố và năng lượng, vốn được trộn lẫn với nhau mà thôi.

Đây là một hiện tượng tự nhiên và mọi vật cấu thành hay các pháp hữu vi đều được quy định theo cách này. Không có lý do gì để chúng ta xem tình trạng này như sự sáng tạo của một đấng thiêng liêng hay xem đó như kết quả của sự trừng phạt cho một tội ác ban sơ nào đó. Người Phật tử coi đây như một hiện tượng tự nhiên, hệ quả tất yếu của sự thay đổi và vô thường.

Những bất toại nguyện về cuộc sống của chúng ta bắt đầu khi chúng ta chấp chặt vào ý niệm cho rằng sự thường hằng là khả dĩ. Nhưng những người khác thì giải thích điều này dưới dạng một Thần lực (Divine force) đang thử thách con người và gọi đó là ‘ý Chúa’ (God’s will).

Không giống như những gì khoa học dạy, tôn giáo cho rằng những năng lực vô hình có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Những năng lực vũ trụ cũng ảnh hưởng đến những yếu tố và năng lượng trong và chung quanh thể xác vật lý của chúng ta. Một vài trong số những vấn đề tâm lý và vật lý của chúng ta có mặt là do ảnh hưởng của những năng lực ấy. Một số lực chưa biết đến cũng khuấy động cuộc sống của chúng ta mà người xưa xem đó như những hiện tượng ma quỷ.

Sợ hãi, tưởng tượng, hoài nghi và những tư tưởng mê tín luôn luôn nuôi dưỡng những niềm tin như vậy để khuấy động tâm trí của họ. Khi tâm bị khuấy động, họ cũng bị những vấn đề về thể xác nữa. Tuy nhiên, nếu tâm chúng ta được khéo tu tập và phát triển với trí tuệ hiểu biết chúng ta có thể ngăn được rất nhiều trong số những vấn đề này. Đây là lý do vì sao Đức Phật lại nói tâm là kẻ đi trước các pháp thiện và ác. Các pháp là do tâm - tạo vậy.

Xung Đột Tôn Giáo

Nhiều vấn đề xã hội của chúng ta cũng được nới rộng ra đến những xung đột tôn giáo. Thực tế mà nói tôn giáo là nguyên nhân của những xung đột này. Mục đích của tôn giáo là để hướng dẫn nhân loại phát triển tình đoàn kết, sống một cuộc sống hoà hợp và trau dồi nhân phẩm. Tuy nhiên ngày nay, tôn giáo lại được người ta dùng để kỳ thị lẫn nhau, để nuôi dưỡng lòng ganh tỵ, phân rẽ và thù nghịch. Thực sự ngày nay con người không dùng tôn giáo để duy trì hoà bình mà dùng nó để tạo ra những cảm giác tự tôn hoặc tự ti. Thái độ thù nghịch và sự cạnh tranh tôn giáo không lành mạnh này thậm chí đã gây ra bao cảnh máu đổ ở nhiều nơi trên thế giới.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã có tội trong việc tán dương tín ngưỡng của mình như một phần của những phong tục và truyền thống tôn giáo có giá trị to lớn của họ, trong khi lại nhạo báng các tín ngưỡng và truyền thống của tôn giáo khác. Một số khác còn dùng tôn giáo để thủ đắc lợi lạc vật chất, quyền lực chính trị, đề cao bản thân và sức mạnh vật chất. Tôn giáo tự nó đã trở thành một vấn đề rất lớn vậy.

Thực ra những ai dùng tôn giáo để trục lợi cũng phải đương đầu với nỗi sợ hãi, lo lắng, bất an, thù nghịch và khó khăn trong việc duy trì uy quyền của họ. Điều này rõ ràng cho thấy rằng tích chứa quyền lực thế gian không phải là giải pháp để vượt qua những vấn đề của con người.

Một số người khác thì chú trọng vào của cải. Không biết rằng của cải chỉ có thể giúp họ vượt qua một vài vấn đề nhỏ. Hạnh phúc vật chất, dục lạc trần gian có thể có được nhờ của cải. Song tiền không thể diệt trừ được những vấn đề tự nhiên. Các bậc thầy tôn giáo, các triết gia, các tư tưởng gia và các nhà duy lý vĩ đại đã chỉ ra cho thấy bản chất nhu nhược của con người và làm thế nào để khắc phục những nhược điểm ấy. Tuy nhiên người bình thường xem chúng chỉ như những lý thuyết đơn thuần chứ không phải là giải pháp cho những vấn đề của họ.

Kiếp Sống Con Người Rất Giá Trị

Kiếp sống làm người vô cùng quý giá. Nó thiêng liêng và cung cấp cho chúng ta những kinh nghiệm vô song. Đức Phật nói: ‘Khó thay sanh làm người. Khó thay được sống thọ.’ (Kiccho manussapaṭilābho, kicchaṃ maccāna jīvitaṃ — Đắc sanh nhân đạo nan, Sanh đắc thọ chung nan. D.P 182.) Vì thế kiếp người phải được nâng niu và hướng đạo với sự cẩn trọng nếu không nó sẽ trở thành một tai hoạ cho toàn thế gian. Chúng ta phải đem sự bình yên đến cho mọi người bằng cách hành động với lòng từ ái, bi mẫn, và sự cẩn trọng sao để làm cho cuộc sống đáng sống. Chúng ta may mắn được sanh làm người ở một thời điểm mà tri thức được phát triển tột độ. Điều quan trọng là chúng ta phải biết sử dụng tri thức này và gõ nhẹ vào những nguồn tài nguyên sẵn có để cứu lấy sự sống, làm tôn thêm phẩm chất của kiếp nhân sinh, và đóng góp vào nền văn minh nhân loại thay vì huỷ diệt chính chúng ta và môi trường chung quanh chúng ta. Chúng ta phải biết tận dụng tiềm lực của con người sao cho phù hợp với vị trí tối cao của chúng ta trên trái đất trong kim tự tháp của cuộc sống. Cứ so sánh bản thân chúng ta với các loài chúng sanh khác xem. Chúng cũng có thể có những đóng góp đặc biệt cho thế gian mà đôi khi còn vượt xa những gì con người có thể. Một số loài vật có sức mạnh to lớn và năng lực thuộc bản năng phi thường không ai có thể sánh bằng.

Một số loài côn trùng và thú vật có khả năng biết trước những thay đổi trong điều kiện thời tiết, biết dùng khứu giác thâm hậu của chúng trong việc truyền tin, biết truyền những xung lực điện để gởi các bức thông điệp, hay thậm chí chỉ để phát hiện những trận động đất và lốc xoáy sắp sửa xảy ra. Tuy nhiên cách cư xử của chúng lại bị bản năng thống trị một cách mạnh mẽ. So với con người, trí thông minh của chúng rất giới hạn.

Tuy nhiên, bù lại những hạn chế ấy, loài vật sống cuộc sống bình thường phù hợp với bản năng của chúng, không giống như một số người lạm dụng sự thông minh của mình và làm suy đồi nhân phẩm. Tâm của những con người này đã bị bao phủ bởi những ý niệm, những tín ngưỡng, những sự tưởng tượng đa dạng lầm lạc và tự để cho mình bị dẫn dắt sai lạc đến những cứu cánh tai hại.

Không một người nào trong đời này có thể nói rằng họ hoàn toàn thoả mãn với cuộc sống của mình cả. Bất cứ lạc thú nào được kinh nghiệm hay bất cứ vật chất nào được hoạch đắc, thì cuối cùng rồi họ cũng sẽ cảm thấy bất toại nguyện hay không thoả mãn. Đây chỉ là chuyện tự nhiên. Do đó vấn đề không phải là có nên tránh hay đề kháng lại tình trạng bất toại nguyện hay không, mà là ở chỗ người ta sẽ làm gì khi sự việc trở nên không thoả nãn. Liệu họ có hành động được với sự nhẫn nại và hiểu biết không hay thay vào đó họ lại tự hại mình và hại người khác? Lực đẩy trong hành động của anh ta được liên kết với mức độ tham của anh ta vậy.

Theo Gandhi: ‘Thế gian có đủ cho nhu cầu của mọi người, nhưng lại không đủ để đáp ứng cho lòng tham của thậm chí chỉ một người.’ Người giàu muốn giàu hơn. Người có quyền chức muốn nắm nhiều quyền chức hơn nữa. Như vậy, tham muốn không bao giờ thoả mãn này trở thành căn nguyên của mọi xung đột. Bạn có thể hỏi làm thế nào chúng ta sống không tham muốn được? Vâng, tham muốn là điều không thể thiếu đối với sự sống. Tuy nhiên, bạn phải biết phân biệt giữa những cái cần thiết đòi hỏi phải có cho sự sống và sự ngấu nghiến của các giác quan để thoả mãn lạc thú. Có một sự khác nhau rất vi tế giữa ‘cần’ và ‘tham’.

Trong cuộc sống, người ta phải phấn đấu để sống còn cũng như phải làm việc để thoả mãn khát khao dục lạc của họ. Trong tiến trình ấy, như một hệ quả tất yếu của những khuynh hướng tâm lý và đạo đức, người ta có thể phạm phải nhiều lỗi lầm có khi làm hại bản thân mình cũng như xâm phạm đến sự bình yên và hạnh phúc của người khác.

Chúng ta phải thận trọng đối với sự thoả mãn lòng tham của chúng ta. Con người tự huỷ hoại mình do sự đam mê thái quá này. Nhiều người giàu sang thường kết liễu đời họ y như cách những con kiến chết chìm trong chén mật. Một khát vọng làm giàu bất chính chẳng những không đưa đến hạnh phúc mà còn trở thành cội nguồn của lo lắng và sợ hãi. Bị căng thẳng dày vò như vậy, nhiều người đã quên mất nghệ thuật thư giãn và không thể hưởng được những giấc ngủ ngon nếu không dùng đến thuốc an thần. Căng thẳng thần kinh kéo dài có thể làm suy giảm tình trạng thể lực đến mức độ đáng thương, và điều này khiến cho họ không thể chịu đựng nổi những chứng bệnh khác và có thể đưa đến cái chết phi thời.

Bản Chất Của Hiện Hữu

Điều quan trọng đối với chúng ta là phải hiểu rõ bản chất của hiện hữu để chúng ta có thể sống hoà hợp được với những quy luật phổ quát vốn thống trị mọi hiện tượng và cuộc sống. Con người thường không sống theo tiềm lực con người đầy đủ của họ. Họ hoang phí kiếp nhân sinh của mình để đi tìm những mục đích tầm thường, không giá trị. Tất nhiên sẽ không bao giờ có bình yên và hạnh phúc trong thế gian này nếu nhân loại cứ mãi hành động theo cách ấy. Loài người phải thay đổi lối sống và phát triển khả năng hướng thiện của nó.

Con người đã bị vô minh đánh lừa. Họ cố gắng để hưởng lạc vì nghĩ rằng cuộc sống là bấp bênh, họ có thể chết bất cứ lúc nào và sẽ bỏ lỡ cơ hội hưởng thụ nếu như họ không biết tận hưởng nó. Trong khi chắc chắn là không có gì sai trong việc hưởng thụ vô hại đối với một cuộc sống đời thường vui vẻ, thì bạn cũng không nên chỉ biết đắm chìm trong các dục lạc và xao lãng việc phát triển những phẩm chất cao thượng hơn. Nếu không thì bạn sẽ từ biệt cõi đời này với cảm giác không thoả mãn và thất vọng. Rất nhiều người đã rơi vào nỗi kinh hoàng lúc chết bởi vì họ có quá nhiều những mong muốn và ước ao chưa thoả mãn. Họ tin rằng có nhiều việc họ phải làm hay chưa làm, và thậm chí trong giây phút hấp hối lòng họ cũng còn đầy hối tiếc bởi vì nhiều ước muốn của họ vẫn chưa thoả mãn xong.

Đạo Phật dạy cho chúng ta biết cách làm thế nào để giữ gìn hạnh tri túc trong cuộc sống hàng ngày và vượt qua được nỗi sợ hãi này vào lúc chết. Một sự hiểu biết đúng đắn về những sự thực của cuộc đời và những điều kiện của thế gian (8 pháp thế gian) có thể giúp chúng ta kìm chế được mình không để chạy theo thị hiếu tầm thường của các giác quan và chấp giữ những tín ngưỡng mê tín dị đoan. Nó cũng cho chúng ta có được một mục đích rõ ràng trong cuộc sống, không lang thang vô định trong đời như những chiếc lá úa nổi trôi theo chiều gió. Để cho cuộc sống của chúng ta có một ý thức về viễn cảnh, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu những đặc tính và bản chất của cuộc đời. Một đặc tính của cuộc đời này là vô thường. Cho dù một cuộc sống, một hệ thống, một quan niệm hay mục đích có vẻ như hoàn hảo hay vững chắc thế nào chăng nữa, nó cũng không có gì bảo đảm hay không thoát khỏi những đổi thay. Do đó, không thể xem nó là thoả mãn hoàn toàn được. Chúng ta đương đầu với hiểm nguy của sự thay đổi trong từng khoảnh khắc của cuộc đời.

Đặc tính vô thường này được liên kết với tình trạng bất toại nguyện, đặc tính thứ hai của cuộc đời. Một trong những thay đổi mà chúng ta phải chấp nhận là Chết, phương diện được xem là một phần thiết yếu của cuộc sống. Chúng ta phải học cách làm thế nào để đương đầu với cái chết mà cuối cùng sẽ đến cho tất cả mọi người. Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống đang đem chúng ta đến gần nghĩa trang hơn. Sanh và tử thực ra chỉ là hai đầu của một sợi dây. Chúng ta không thể có sanh mà không có tử. Chúng ta cũng không thể loại trừ tử để giữ lấy cái sanh vĩnh viễn. Nếu chúng ta hiểu được rằng sanh và tử là một phần của cùng tiến trình, và sự sống vẫn tiếp tục sau khi chết, thì thực sự không có gì phải sợ hãi cả. Guru Nanak có lần nói: ‘Thế gian sợ cái chết. Đối với tôi, nó lại mang đến một niềm vui lớn.’

Sự sống không được tạo ra hay tạo sẵn. Nó không đi vào hiện hữu một cách ngẫu nhiên không có những nguyên nhân, nó cũng không có mặt trong một thoáng vinh quang duy nhất của sự sáng tạo. Sự sống là kết quả của nhiều nguyên nhân. Cuộc sống này đã xuất hiện do các nhân, và đến lượt, nó sẽ tạo ra những nhân thêm nữa để duy trì sự liên tục của tiến trình sống bao lâu tham ái chưa được dứt trừ khỏi tâm. Cho mãi đến khi Đức Phật xuất hiện chưa từng có một phương pháp đúng đắn nào để tận diệt tham ái. Cũng không ai giải thích được tại sao tiến trình sống cứ trôi chảy liên tục không ngừng trong vòng xoay của hiện hữu.

Tâm con người luôn luôn tạo ra ảo tưởng về một sự sống thường hằng. Nhưng sự sống có thể thường như thế nào khi nó bị chứa đựng trong một thể xác vật lý chứ? Thực sự, cái chúng ta cần để được sống an vui không phải là một đời sống bất tử, mà là sự gải thoát khỏi lòng khát khao bất tử ấy.

Cuộc sống ở trong một trạng thái trôi chảy không ngừng: nó chẳng bao giờ tĩnh. Có thể nói cuộc sống là những điều kiện thế gian luôn luôn thay đổi, nó cứ thổi chúng ta hết sang bên này lại sang bên kia, hết khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Một khi người ta nhận ra những trạng huống thay đổi không ngừng tiệm tàng trong mọi hình thức của hiện hữu này, họ sẽ ít bị thất vọng hơn mỗi khi mọi sự không diễn ra theo như cách họ mong đợi.

Nhiều người tin rằng có một thực thể hay bản thể bất diệt trong đời sống của con người và nó được duy trì mãi mãi. Trong giáo lý của Đức Phật, anattā hay vô ngã là đặc tính thứ ba của đời sống. Vạn vật đều nằm trong quy luật phổ quát của vô thường. Do đó đạo Phật không dung chứa niềm tin nơi một linh hồn thường hằng và bất hoại. Tin linh hồn thường hằng cũng chẳng khác như tin hạt nguyên tử (atom) ‘bất khả phân’ không thể vỡ ra được, niềm tin đã được người ta duy trì từ thời Plato cho đến mãi thế kỷ 20 khi mà hạt nguyên tử (atom) cuối cùng đã được tách ra. Cũng như khái niệm về cái gọi là nguyên tử bất khả phân, niềm tin về một linh hồn thường hằng chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng không có bất kỳ một nền tảng cụ thể nào.

Quá Trình Bí Ẩn Của Sự Sống.

Sự sống của con người thực ra chỉ là sự kết hợp của tâm và vật chất. Tâm hay danh bao gồm bốn loại năng lượng tinh thần: thọ, tưởng, hành (những khuynh hướng tâm) và thức. Vật chất hay sắc trái lại, bao gồm bốn yếu tố (tứ đại): đất (chất rắn), nước (chất lỏng), lửa (sức nóng), và gió (sự chuyển động). Do đó sự sống là một dòng trôi chảy của các hiện tượng tâm và vật lý luôn luôn sanh diệt.

Khi những năng lượng của tâm và vật chất này còn tiếp tục kết hợp và hoạt động như một hệ thống, cộng với sự hợp tác của những năng lượng vũ trụ, thời có sự sống. Song nếu tiến trình kết hợp của các thành phần duy trì sự sống ấy ngưng lại, sự sống kể như chấm dứt. Sự tan rã của những năng lượng và yếu tố (tứ đại) này là những gì chúng ta gọi là ‘chết’. Trong khi sự tái kết hợp của chúng sau sự xảy ra của cái chết là hiện tượng tái sanh hay sự khởi đầu của một hình thức sống mới.

Sự giải thích của khoa học về chúng sinh (trong đó có con người) dưới dạng các phân tử protein, axit amin, ion, và những hoạt động của tế bào không xác định rõ được sự sống là gì. Theo đạo Phật, sự sanh trong hình thức hiện hữu hiện tại này không thể nào xem như sự tiên khởi của một đời sống được. Nếu chúng ta cố gắng truy tìm mục đích của cuộc đời mà không hiểu ý nghĩa đích thực của sự hiện hữu, thì hầu như rất dễ đi đến những lối tiếp cận của khuynh hướng thiên về vật chất và khoái lạc chủ nghĩa. Đối với nhiều người, mục đích của cuộc sống là để thọ hưởng các dục lạc với hết khả năng của mình trong lúc họ hãy còn sống. Họ nói, ‘Chúng ta đừng lo nghĩ làm gì cả, vì hôm nay chúng ta sống, nhưng biết đâu ngày mai chúng ta chết rồi còn gì nữa đâu.’

Với những người tin sự sống do một đấng thượng đế tạo ra ắt sẽ tạ ơn thượng đế đã ban cho họ sự sống. Tuy nhiên, họ sẽ bị bối rối bởi những vấn đề như, ‘Tại sao chúng ta lại sanh vào trong cuộc đời để phải khổ đau như thế này? Có phải vì đấng tạo ra chúng ta đã cố ý làm điều ấy hay phải chăng ngài bất lực không biến thế gian này thành tốt hơn được? Tại sao có số người sanh ra đời khổ đau nhiều hơn những người khác? Tại sao những bất bình đẳng thể hiện rõ ràng trong cuộc đời này và những nền tảng căn bản cũng như sự biện minh cho những bất bình đẳng ấy là gì?’ Đối với một số người khác cuộc sống là một gánh nặng quá lớn. Họ tự hỏi ‘Nếu chúng ta hoàn toàn không sanh ra sẽ chẳng phải là tốt hơn sao?’ Bởi thế, thay vì khát khao một đời sống bất tử, họ sẽ khát khao sự chấm dứt của cuộc sống này?

Con người chúng ta có thể có những quan niệm khác nhau về cuộc sống cũng như mục đích của nó. Song điều quan trọng là làm sao để có được những lý tưởng xứng đáng và đầy đủ ý nghĩa như mục đích sống của chúng ta, chứ không phải những tham vọng ích kỷ. Một mục đích xứng đáng của kiếp nhân sinh là làm sao tự chuyển hoá mình để nhận ra những tiềm năng toàn mãn của chúng ta qua sự tu tập và sự thanh tịnh hoàn toàn của tâm.

Qua việc phát triển tinh thần và tu tập tâm, chúng ta có thể loại trừ mọi cấu uế của tính ích kỷ và những phiền não ra khỏi tâm chúng ta và sống hoà bình được với tất cả chúng sinh cũng như vũ trụ. Khi còn đang sống, thân người là quý nhất và là vật thể huyền bí nhất trên thế gian này. Chúng ta xem nó là mỹ miều và tốn nhiều thời gian, năng lực, cũng nhưu tiền bạc để làm cho nó xinh đẹp hơn. Chúng ta xem thân này như một phương tiện tạo ra niềm vui và gần như dùng hết cuộc đời mình để đi tìm những đối tượng khả lạc. Chúng ta cho rằng thân này một bộ phận quan trọng của chúng ta. Có lẽ sẽ hữu ích cho chúng ta để bàn về tính hợp lý của những thái độ này trên quan điểm của đạo Phật.

Thân người là cỗ máy phức tạp nhất trên thế gian. Mỗi thân người có thể xem là độc nhất không chỉ ở dáng vẻ bề ngoài mà còn trong cả cấu trúc sinh hoá, sự nhạy bén của các căn, khả năng kháng bệnh, tính mẫn cảm với bệnh, v.v... của nó nữa. Một mình những quy luật về đặc tính di truyền không đủ khả năng để đưa ra một sự giải thích thoả mãn cho tính độc nhất của mỗi cá nhân này.

Thân được phú cho các căn (giác quan) vốn luôn luôn tìm kiếm thú vui. Con mắt tìm kiếm những sắc khả ái, tai tìm những âm thanh khả ái, mũi tìm những mùi khả lạc, lưỡi tìm những vị khả lạc, và thân tìm những xúc chạm khả lạc. Hầu hết cuộc sống của chúng ta được dùng vào việc theo đuổi những lạc thú này. Song vẫn còn một sự thực là cấu tạo của thân là cấu tạo không nhằm để chịu đựng những vui thú thái quá.

Dù niềm vui có thể là đáng mong ước như thế nào, thân sẽ bệnh hoạn khi quá tải với niềm vui ấy. Chẳng hạn, món ăn có ngon miệng cách mấy, khi nó được ngốn thái quá, thân sẽ trở thành nạn nhân của những chứng bệnh giết người. Tương tự, ham thích thái quá trong tình dục gây ra những chứng bệnh xã hội, trong đó bệnh đáng sợ nhất ngày nay là AIDS (Acquired Immunity Deficiency Syndrome — Hội chứng suy giảm miễn dịch, hay bệnh sida), vì người ta vẫn chưa tìm ra cách chữa cho chứng bệnh ấy. Do đó, biết tiết chế trong sự hưởng thụ các dục lạc là cách ứng xử tốt nhất cho những ai mong muốn có được sức khoẻ và trường thọ.

Đức Phật lý luận rằng nếu thân thực sự là của chúng ta như chúng ta thừa nhận nó, nó phải cư xử theo những ước muốn của chúng ta. Nghĩa là nó phải giữ được sự trẻ trung, mạnh khoẻ, và xinh đẹp như chúng ta hằng mong ước. Nhưng thân hầu như không tuân theo những ước muốn ấy và chúng ta trở nên sầu khổ khi nó đi ngược lại những ước muốn và mong đợi của chúng ta. Đức Phật còn chỉ ra cho chúng ta thấy thân thực sự không thuộc về chúng ta, nó cũng chẳng phải là tự ngã hay một bộ phận của tự ngã của chúng ta . Do đó chúng ta nên từ bỏ lòng tham đắm đối với nó, và chấm dứt việc tự đồng nhất mình với nó. Từ bỏ lòng tham đối với thân sẽ dẫn đến hạnh phúc và bình yên nhiều hơn.

Để dứt mình ra khỏi sự đồng nhất và chủ sở hữu (của thân) đã thành thói quen này chúng ta phải ghi dấu ấn vào tâm tính chất đáng ghê tởm (bất tịnh) và xa lạ của thân với cảm giác sâu lắng nhờ vậy những thay đổi sẽ diễn ra trong thái độ của chúng ta đối với thân. Quán tính chất đáng nhờm gớm và gây tạo khổ đau của thân một cách thường xuyên là cách chắc chắn để có được cái nhìn thực tế. Đây là đạo lộ đi ra khỏi khổ đau. Tất nhiên điều này không hề dẫn đến thái độ bi quan mà là cách duy nhất để nhìn lại mình một cách khách quan và thực tế. Cuối cùng thì nó sẽ đưa đến sự an tịnh.

Những Bấp Bênh Trong Cuộc Sống

Nhờ hiểu biết tính chất vô thường, bất tọai nguyện, và vô ngã vốn biểu thị đặc tính của sự sống, chúng ta có thể hiểu bản chất thực của cuộc đời và hành xử một cách kiên quyết hơn. Nếu không thì, chúng ta sẽ luôn luôn sống trong một thế giới của ảo tưởng, lo những nỗi lo không đáng, và hoãn lại việc thực hiện những bổn phận tinh thần của chúng ta tới một ngày trong tương lai nào đó cho đến khi nó đã trở thành quá trễ. Có một truyện ngụ ngôn minh hoạ cho điểm này.

Một lần nọ có con ong đậu trên một đoá sen để hút mật. Nó say sưa trong công việc hút mật này đến nỗi không nhận ra rằng những cánh sen đang từ từ khép lại. Khi con ong khám phá ra là mình đã bị mắc bẫy, nó không lo lắng quá mức. Không do dự, nó tự nhủ, ‘Ta sẽ ngủ lại đêm ở đây và sáng hôm sau khi đoá sen nở ra lại ta sẽ được tự do.’ Nhưng ngay khi nó đang suy nghĩ như vậy thì một con voi đi đến, bứt lấy bông sen và ăn ngấu nghiến, giết chết con ong xấu số. Tựa như con ong trên, chúng ta tạo ra những giấc mơ hão huyền về tương lai của chúng ta và cố gắng làm việc để thực hiện những giấc mơ ấy. Cái chúng ta thường không nhận ra là cuộc sống vận hành trên những nguyên tắc mà vốn không do chúng ta quyết định hoàn toàn vì thế những nỗ lực để thực hiện giấc mơ của chúng ta có thể bị kết liễu. Đây là một vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm nếu chúng ta muốn hoãn lại việc tu tập tinh thần của chúng ta đến một ngày trong tương lai nào đó thay vì cố gắng ngay bây giờ.

Tất nhiên khi chúng ta tu tập để hướng tới sự giải thoát tinh thần chúng ta sẽ gặp phải những điều không chắc chắn và những chướng ngại. Một hôm, Đức Phật tình cờ thấy một khúc gỗ lớn đang trôi xuôi theo sông Hằng. Ngài quay qua 500 vị Tỳ-kheo lúc đó đang ở bên Ngài và so sánh khúc gỗ ấy với một người đang đi tìm sự giải thoát cuối cùng khỏi những khổ đau của cuộc đời. Đức Phật nói rằng không có gì bảo đảm là khúc gỗ ấy sẽ ra được tới biển. Nó có thể bị vướng vào bờ; nó có thể bị chìm xuống nước; nó có thể tắp vào một hòn đảo nào đó trên sông; nó có thể bị con người vớt lên; nó có thể bị mục nát; hoặc nó có thể chìm vào một xoáy nước.

Đức Phật nói rằng một người tầm cầu sự giải thoát cuối cùng cũng giống như khúc gỗ bồng bềnh trên đại dương. Cuộc hành trình đi đến đích của người ấy có thể bị cản trở trên nhiều phương diện: người ấy có thể bị vướng mắc vào các dục lạc (tài, sắc, danh, lợi v.v... ), bị luyến ái thân tâm, trở nên kiêu căng tự phụ, lẫn lộn với những người tà kiến đưa đến sự lầm lạc, bị tái sanh trong cõi dục, và mất ý thức kiểm soát đạo đức.

Nếu một người thực sự muốn ‘đi ra đến đại dương’, họ phải kiên quyết giữ ở ‘giữa dòng’, đó là, tuân theo những nguyên tắc của thánh hạnh, phát triển giới, định, và trí tuệ của mình. Bất cứ con người cao thượng nào cũng có thể đạt đến sự giải thoát với điều kiện là người ấy hiểu được bản chất con người của mình và biết hướng đi đến giải thoát của mình nằm ở đâu. Ấn Độ giáo cũng làm nổi bật số phận con người theo lối triết học như thế này:

‘Từ bóng tối đi đến ánh sáng

Từ phi chơn đi đến thực chơn

Từ cái chết đi đến bất tử.’

(Upanishad)

Chúng ta sống trong một thế gian không thăng bằng. Nó không tuyệt đối tươi thắm như hoa hồng, song nó cũng không hoàn toàn gai góc. Hoa hồng thì mềm mại, xinh đẹp và ngát hương; nhưng cuống của nó lại đầy cả gai. Vì hoa hồng, người ta phải chịu đựng gai góc. Tuy nhiên, bạn sẽ không vì gai mà coi rẻ hoa hồng. Đối với một người lạc quan, thế gian này tuyệt đối tươi thắm như hoa hồng; đối với một người bi quan, thế gian hoàn toàn gai góc. Nhưng đối với một người có đầu óc thực tế, thế gian này không tuyệt đối tươi thắm như hoa hồng cũng không hoàn toàn gai góc. Mà nó có cả hai, những bông hoa hồng xinh đẹp lẫn những mũi gai nhọn hoắc.

Một người hiểu biết sẽ không bị cái đẹp của hoa hồng làm cho cuồng dại, mà sẽ nhìn nó đúng như nó là. Biết rõ bản chất của gai, họ sẽ thấy gai là gai và rất thận trọng không để bị nó làm cho đau.

Tựa như quả lắc đồng hồ đung đưa qua lại mãi không ngừng, bốn pháp thế gian đáng mong muốn, và bốn pháp thế gian không đáng mong muốn cũng vậy, cứ mãi thịnh hành trong thế gian này. Mọi người không ngoại trừ ai đều phải đương đầu với những pháp thế gian ấy trong suốt cuộc đời mình. Tám pháp đó là: được và mất, danh thơm và tiếng xấu, khen và chê, hạnh phúc và khổ đau. ‘Đừng sợ sự chống đối. Hãy nhớ rằng cánh diều bay lên ngược chiều gió, chứ không xuôi theo chiều gió.’ ( Hamilton Mabie)

Được và Mất

Những doanh nhân, theo quy luật, phải chịu cả được lẫn mất (lời và lỗ). Khi được lợi người ta sung sướng là điều hoàn toàn tự nhiên. Điều này tự thân nó không có gì sai cả. Những lợi nhuận chính đáng hay không chính đáng như thế đều tạo ra một số niềm vui mà con người bình thường mong tìm. Không có những giây phút sung sướng, dù thoáng qua ấy, cuộc sống sẽ chẳng đáng sống.

Suy cho cùng, đó là những gì để phân biệt thế gian của chúng ta với địa ngục, nơi mà không có thậm chí chỉ một thoáng vui sướng. Trong cái thế gian đua tranh và hỗn loạn này, việc người ta phải hưởng được một vài loại hạnh phúc nào đó để làm sung sướng cõi lòng họ là điều chính đáng. Hạnh phúc ấy, dù là vật chất, cũng dẫn đến sự khỏe mạnh và sống lâu.

Thái độ của đạo Phật đối với sự giàu có là thái độ không bao giờ quy định một mức thu nhập nào cả. Những gì đạo Phật quy định là sự giàu sang phải có được bằng những phương tiện làm ăn chân chính và điều này cũng còn mở rộng đến cả cách cư xử chân chính nữa. Của cải kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, không làm hại, lừa đảo hay bóc lột người khác được ca ngợi rất mực. Đạo Phật luôn luôn nhấn mạnh rằng của cải chỉ có giá trị như một phương tiện mà thôi.

Của cải phải được dùng cho (a) sống một cuộc sống thoải mái và làm cho gia đình, cha mẹ, những người nương nhờ và bè bạn của mình được vui vẻ hạnh phúc, (b) bảo hiểm bản thân phòng những tai họa có thể xảy ra do hỏa hoạn, bão lụt v.v..., (c) thực hiện những bổn phận đối với thân quyến, tân khách và đất nước, cũng như đối với các hoạt động văn hóa-tôn giáo, và (d) hỗ trợ những người tu hành (người đang thực hiện những tiến bộ tâm linh). Tùy phương tiện (sinh nhai) của mình, ở mức lớn hay nhỏ, mỗi người phải cố gắng vận dụng hết khả năng của mình theo cách chân chính nhất.

Vấn đề thường phát sanh trong trường hợp mất mát hay thua lỗ, đặc biệt là đối với những người có ít hiểu biết về bản chất của sự hiện hữu. Được lợi thì vui vẻ chấp nhận, nhưng thua lỗ thì không vậy. Những mất mát luôn luôn dẫn đến tình trạng đau khổ về tinh thần và ngay cả tự tử khi những mất mát là quá lớn không thể chịu đựng nổi. Chính trong những hoàn cảnh bất lợi như vậy chúng ta nên thể hiện dũng khí đạo lý cao và giữ một trạng thái quân bình tâm lý thích hợp mới phải. Mọi người chúng ta ai cũng có những thăng trầm trong khi vật lộn với cuộc sống. Chúng ta phải chuẩn bị đón nhận cả cái tốt lẫn cái xấu. Lúc đó may ra sẽ ít thất vọng hơn.

Khi bị mất cắp một vật gì, đương nhiên người ta sẽ cảm thấy buồn. Nhưng do buồn như vậy, bạn không thể lấy lại được vật đã mất. Bạn nên chấp nhận sự mất mát ấy một cách bình thản. Bạn nên tỏ thái độ rộng lượng rằng ‘sự cần thiết của hắn lớn hơn sự cần thiết của ta’. Mong cho hắn được an vui và hạnh phúc.

Có lần, vào đầu Năm Mới của người Hoa, đứa bé lên mười nọ nhận được rất nhiều phong bao lì-xì (ang pow) nhưng đêm ấy kẻ trộm đột nhập vào nhà và lấy cắp hết tất cả. Sự mất mát đó làm cho cha mẹ nó cảm thấy buồn, nhưng đứa bé chỉ nhận xét, ‘Sao lại phải buồn nhỉ? Suy cho cùng thì tiền ấy đâu phải của chúng ta vì nó được người ta cho cơ mà, vậy thì thực sự chúng ta có mất cái gì của chúng ta đâu.’ Điều này cho thấy đứa bé mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng đã nhận thức được rằng khóc than những vật ít có ý nghĩa đối với chúng ta rõ ràng là vô ích.

Thời Đức Phật, một phụ nữ cao quý nọ cúng dường thức ăn đến các vị Tỳ Khưu. Khi đang làm phận sự, bà nhận được giấy báo cho biết rằng gia đình bà đã gặp những điều bất hạnh. Không bị xúc động, bà điềm tĩnh nhét miếng giấy vào túi và tiếp tục phục vụ các vị Tỳ-khưu như thể không có chuyện gì xảy ra vậy. Một người nữ tỳ mang bình sữa đến cúng dường các vị sư đã vô ý trượt chân làm bể. Nghĩ rằng nữ chủ đương nhiên sẽ tiếc chiếc bình đã bể, các vị Tỳ-khưu an ủi bà, nói rằng những vật mỏng manh chắc chắn phải chịu bể. Người phụ nữ trí tuệ lúc ấy mới nói, ‘Bạch các Ngài, sá gì sự mất mát tầm thường này! Con vừa nhận được giấy báo cho biết những bất hạnh đã xảy ra với gia đình con. Con nhận tin đó mà không mất thăng bằng so với một ‘chiếc bình’ này có ăn thua gì. Con vẫn phục vụ các ngài bất chấp tin buồn ấy.’ Một thái độ can đảm như thế thực là đáng ngợi khen.

Một lần nọ Đức Phật đi khất thực trong làng. Do sự can thiệp của Ác Ma (Māra) Đức Phật không được chút vật thực nào cả. Khi Māra, với vẻ khá châm biếm, hỏi Đức Phật rằng Ngài có đói hay không, Đức Phật đã giải thích một cách nghiêm trang với thái độ của người đã thoát khỏi mọi trở ngại, ngài trả lời, ‘Này Ác Ma, chúng tôi sống an vui, chúng tôi sống không có những chướng ngại. Được nuôi dưỡng bằng niềm hỷ lạc chúng tôi sống giống như các vị chư thiên của Cõi Quang Âm (cõi thứ ba của Nhị Thiền) vậy.’

Một dịp khác, Đức Phật và các vị đệ tử của ngài an cư mùa mưa trong một ngôi làng nọ theo lời mời của một vị Bà-la-môn. Song người này đã quên khuấy mất bổn phận của mình là chăm sóc những nhu cầu của Đức Phật và Tăng chúng. Suốt ba tháng an cư ấy, mặc dù Tôn giả Mục-kiền-liên (Moggallana) đã tự nguyện xin được lấy thực phẩm bằng năng lực thần thông của mình, Đức Phật vẫn hài lòng với món thức ăn dành cho ngựa do một người buôn ngựa dâng cúng mà không hề phàn nàn. Do đó chúng ta phải cố gắng chịu đựng những mất mát một cách vui vẻ với sức mạnh của đấng trượng phu. Không ai ngờ được, những mất mát thường xuất hiện liên tiếp chứ không chỉ một lần (hoạ vô đơn chí). Vì thế chúng ta phải tập đương đầu với những mất mát ấy bằng thái độ bình thản (upekkha – xả) và xem nó như một cơ hội giúp chúng ta trau dồi những đức tính cao quý.

Danh Thơm và Tiếng Xấu

Danh thơm và tiếng xấu là cặp pháp thế gian không thể tránh được khác mà chúng ta phải đối đầu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Danh thơm chúng ta tiếp đón; tiếng xấu chúng ta không ưa. Danh thơm làm chúng ta mát ruột; tiếng xấu làm chúng ta nản lòng. Chúng ta ao ước được nổi danh. Chúng ta mong mỏi được thấy hình ảnh của chúng ta trên báo chí. Chúng ta vô cùng sung sướng khi những hoạt động của chúng ta, dù chẳng có ý nghĩa gì, được đưa ra cho mọi người biết đến. Đôi khi chúng ta còn tìm cách quảng cáo quá mức nữa là khác.

Nhiều người khao khát được thấy hình ảnh của họ trên một tạp chí nào đó dù có tốn kém bao nhiêu cũng được. Đôi khi để có được một vinh dự, vài người phải dâng hiến sự thoả mãn hay quà cáp rất lớn cho những người chức quyền. Vì muốn được nổi tiếng, một số người phô trương sự hào phóng của mình (bằng những đóng góp to lớn) nhưng lại có thể hoàn toàn dửng dưng trước nỗi khổ đau của người nghèo khó và cơ nhỡ ở cận kề bên mình. Đây là những khuyết điểm của con người. Hầu hết mọi người đều có những động cơ kín đáo. Những con người vị tha hành động một cách vô tư, không vụ lợi xem ra hiếm thấy trong cuộc đời này. Đa số người bình thường đều có một điều bí mật nào đó của họ. Vâng, có ai là người hoàn toàn tốt? Có bao người được xem là hoàn toàn trong sạch trong những động cơ của họ? Bao nhiêu người là tuyệt đối vị tha?

Chúng ta không cần phải chạy theo danh vọng. Nếu chúng ta đáng có danh, nó sẽ đến với chúng ta không phải đi tìm. Con ong bị hấp dẫn đến bông hoa, nặng trĩu với mật. Hoa không cần phải mời ong. Quả thực như vậy, chúng ta cảm thấy sung sướng một cách tự nhiên, và còn cực kỳ sung sướng khi tiếng tăm của chúng ta được truyền đi khắp mọi nơi. Song chúng ta phải nhận ra rằng tiếng tăm, danh dự và vinh quang chỉ là những giai đoạn thoáng qua và chẳng bao lâu sẽ biến mất. ‘Nếu bạn muốn sống bình yên, hãy tránh nổi tiếng.’ (Abraham Lincoln)

Còn về tiếng xấu thì sao? Nó không dễ chịu tý nào đối với lỗ tai hay với tâm. Chắc chắn là chúng ta sẽ lo sợ khi những lời tai tiếng ác độc chọc vào tai chúng ta. Nỗi đau trong tâm còn lớn hơn rất nhiều khi cái gọi là lời buộc tội ấy là bất công và hoàn toàn giả dối.

Bình thường người ta phải mất hàng năm để dựng lên một toà nhà nguy nga tráng lệ. Thế nhưng trong nháy mắt, với những vũ khí tàn phá hiện đại, nó có thể bị huỷ diệt một cách dễ dàng. Cũng thế, đôi khi chúng ta phải mất nhiều năm hay mất cả một đời người mới xây dựng được một thanh danh tốt đẹp. Song, chỉ trong chớp nhoáng cái tiếng tốt khó-kiếm ấy có thể bị sụp đổ tan tành. Chẳng người nào tránh khỏi sự nhận xét sốc choáng bắt đầu với chữ ‘nhưng’ ố danh đó. Vâng, anh ta rất tốt; anh ta đã làm được điều này điều nọ, nhưng toàn bộ thành tích tốt đẹp của anh ta đã bị bôi đen bởi cái gọi là chữ ‘nhưng’ ấy. Bạn có thể sống một cuộc sống của một vị Phật nhưng bạn sẽ không thoát khỏi những lời chỉ trích, những sự công kích và xúc phạm.

Đức Phật là người nổi tiếng nhất, ấy vậy mà cũng vẫn mang tiếng là bậc đạo sư xấu nhất vào thời của Ngài. Các bậc vĩ nhân thường được mọi người biết đến; song đôi khi cũng bị người ta biết sai. Một số những đối thủ của Đức Phật đã tung tin đồn rằng một phụ nữ đêm nào cũng ngủ lại trong Tịnh-xá của Ngài. Sau khi thất bại không thuyết phục được công chúng trong cố gắng hèn hạ này, họ lại loan tin thất thiệt là Đức Phật và các đệ tử của Ngài đã sát hại người phụ nữ đó và vùi xác cô ta dưới đống rác hoa héo trong tịnh-xá. Tuy nhiên, sự việc sau đó đã được sáng tỏ, những người âm mưu đã thừa nhận họ là thủ phạm.

Khi sứ mạng hoằng pháp có tính lịch sử của Ngài đạt được thành công và khi nhiều người tìm đến xin xuất gia với ngài, những kẻ thù lại tìm cách vu khống, họ nói rằng ngài là người đã ăn trộm con của các bà mẹ, cướp đoạt vợ của những ông chồng, và ngài đang cản trở sự tiến bộ của đất nước. Thất bại trong mọi âm mưu làm sụp đổ thanh danh của Đức Phật, Đề-bà-đạt-đa (Devadatta), anh bà con và cũng là một người đệ tử có lòng ganh tỵ với ngài, đã cố gắng giết ngài bằng cách lăn một tảng đá từ trên cao xuống, nhưng cũng vẫn không thành công. Nếu những chướng ngại ấy là số phận đáng buồn của Đức Phật, một nhân cách toàn bích và vô lỗi, thì liệu số phận của những con người bình thường, chưa hoàn hảo như chúng ta sẽ như thế nào?

Bạn trèo càng cao lên đồi, bạn càng trở nên dễ thấy hơn và sẽ xuất hiện rõ hơn trong mắt của những người khác. Trong khi lưng bạn để lộ ra, mặt trước của bạn lại bị che khuất đi. Thế gian ưa bới móc này thích phô bày những khuyết điểm của bạn và e sợ nhưng phớt lờ những đức tính dễ nhận ra của bạn. Chiếc quạt lúa thổi đi những vỏ trấu nhưng giữ lại gạo; cái lọc trái cây, trái lại, giữ những chất cặn bã lại nhưng để cho nước ép ngọt ngào chảy qua. Người có văn hoá giữ cái thanh tao và loại bỏ cái thô tục. Người không có văn hoá giữ cái thô tục, và bỏ cái thanh tao.

Khi bạn bị xuyên tạc, dù là cố ý hay vô ý, hãy nhớ lời khuyên của Epictetus: cứ nghĩ hay tự nhủ thầm như vầy, ‘Ồ, may là hắn chỉ quen sơ sơ với ta và hiểu biết còn mơ hồ về ta, nên ta chỉ bị chỉ trích nhẹ thôi đấy. Chứ nếu hắn biết ta rõ hơn, ắt hẳn là những lời kết tội ta còn trầm trọng hơn và nhiều hơn rất nhiều.’

Thực ra không cần thiết phải phí thời giờ để thanh minh những lời đồn đãi sai sự thực trừ phi những tình huống đòi hỏi cần phải có sự sáng tỏ. Kẻ thù sẽ lấy làm thoả mãn khi hắn thấy rằng bạn bị đau khổ. Đó là những gì hắn thực sự mong đợi.

Nếu như bạn không quan tâm, những lời xuyên tạc ấy sẽ bị phớt lờ đi. Khi nghe những lời chỉ trích bất công của người khác, chúng ta nên cư xử giống như một người điếc. Khi muốn nói xấu những người khác, chúng ta nên làm như một người câm. Không ai có thể chấm dứt những lời xuyên tạc, kết tội và đồn đại sai sự thật được.

Thế gian đầy những gai góc và sỏi đá. Nhưng, cho dù những chướng ngại ấy nếu chúng ta phải bước đi, thay vì cố gắng dẹp bỏ chúng, một điều bất khả, hãy mang vào chân đôi dép để khỏi bị đau, đó là điều đáng làm. Hãy can đảm như sư tử không run sợ trước những âm thanh. Hãy sống giống như gió không dính mắc vào những mắt lưới. Hay như một đoá sen, mọc lên từ bùn mà không bị bùn làm ô nhiễm. Hãy độc hành như tê giác. Sống như chúa sơn lâm, những con sư tử không hề sợ hãi.

Về bản chất, những con vật được tôn là chúa tể sơn lâm này không bị tiếng rống của các loài thú khác làm cho sợ hãi. Trong cuộc đời này cũng vậy, chúng ta có thể nghe những lời đồn đãi ngược ngạo, những cáo trạng giả dối, những lời bình phẩm có tính cách hạ nhục của những cái lưỡi không kiềm chế. Giống như sư tử, chúng ta thậm chí chẳng thèm nghe chúng. Giống như vũ khí bu-mơ-rang (Boomerang, vũ khi của thổ dân Úc, ném đến đích rồi quay trở lại đúngg chỗ người ném), bắt đầu ở đâu chúng sẽ chấm dứt ở đấy (nghĩa bóng: gậy ông rồi lại đập lưng ông). Chó sủa (mặc chó), đoàn lữ hành cứ tiếp tục đi một cách bình yên. ‘Ai không phạm sai lầm thì chẳng làm được trò trống gì cả. Sai lầm luôn luôn là những người thầy tốt nhất.’

Chúng ta đang sống trong một thế gian đầy bùn nhơ. Vô số những bông hoa sen vẫn vươn lên từ đó mà không bị bùn làm cho ô uế, những bông hoa ấy đã trang điểm cho cuộc đời này. Chúng ta cũng nên cố gắng sống một cuộc đời vô lỗi, cao thượng giống như những bông hoa sen ấy đừng để ý đến bùn nhơ mà người ta có thể ném vào chúng ta. Thay vì những bông hoa hồng, chúng ta hãy mong họ ném bùn nhơ vào mình. Như thế sẽ không bao giờ gặp phải những nỗi thất vọng.

Dù khó, chúng ta cũng nên cố gắng giảm dần sự dính mắc. Chúng ta đến (thế gian này) một mình, và ra đi một mình. Không-dính mắc giúp cho tâm chúng ta an tịnh. Một điều khá mỉa mai là các bậc vĩ nhân thường hay bị vu cáo, gièm pha, đầu độc, đóng đinh hay bắn chết. Nhà hiền triết vĩ đại Socrates bị đầu độc, Chúa Jesus bị đóng đinh vào thập tự giá một cách dã man. Mahatma Gandhi, người nổi tiếng thế giới về lòng mộ đạo và những chứng đắc tâm linh của ông, bị bắn chết, nhà viết kịch Bernard Shaw nhận xét, ‘Dường như rằng quá tốt là (một điều) nguy hiểm.’ Nếu các bậc vĩ nhân có thể chết cho những gì họ tin, chúng ta là ai mà phàn nàn khi cái tốt của chúng ta được trả lại bằng thái độ vô ơn? Lạ thật, có phải quá tốt là nguy hiểm không? Đúng vậy, trong suốt cuộc đời họ các bậc vĩ nhân đã bị chỉ trích, bị tấn công và giết chết. Sau khi chết họ được người ta thánh hoá và kính trọng. Các bậc vĩ nhân dửng dưng với danh và ô-danh. Họ không bị đảo lộn khi bị người ta chỉ trích hay phỉ báng vì họ làm việc không phải mong tiếng tăm hay danh vọng. Dù người khác có nhận ra những sự phục vụ của họ hay không, họ không hề quan tâm.

Khen và Chê

Khen và chê là hai pháp thế gian nữa ảnh hưởng đến con người chúng ta. Khi được khen thì vui và khi bị chê thì buồn là điều tự nhiên. Giữa những tiếng khen chê, Đức Phật nói, bậc trí không tỏ ra vui cũng chẳng lấy làm buồn. Họ giữ tâm dửng dưng như tảng đá kiên cố không bị gió làm cho lay động. Khen nếu đáng khen, thì cũng sướng tai. Nếu không đáng, như trường hợp người ta tâng bốc nhau, dù vui đấy, song chỉ là lừa dối. Tuy nhiên, khen và chê, tất cả chỉ là những âm thanh mà nếu không đến tai chúng ta sẽ không tạo ra được ảnh hưởng.

Từ quan điểm thế tục, một tiếng khen kể như đã đi được một đoạn đường dài. Nhờ khen một chút, người ta có thể dễ dàng có được một đặc ân. Một lời khen xứng đáng đủ để thu hút thính giả trước khi người ta nói. Nếu, lúc bắt đầu diễn thuyết, người thuyết trình chỉ cần khen thính giả một tiếng, họ sẽ được lắng nghe. Ngược lại nếu họ chỉ trích thính giả ngay lúc bắt đầu, sự phản ứng sẽ là không thoả mãn. Người có văn hoá không cần dùng đến sự tâng bốc; họ cũng chẳng muốn bị đánh giá sai. Điều đáng khen họ khen không đố kỵ. Điều đáng chê trách, vì lòng bi mẫn, họ sẽ phê bình thẳng thắn với mục đích sữa đổi sai sót cho người ấy. ‘Nếu bạn không có những người chỉ trích rất có thể bạn sẽ không có những sự thành công.’ (Malcolm Forbes).

Nhiều người biết Đức Phật đã tán dương những ân đức của Ngài theo cách riêng của họ. Có người xưng tán Đức Phật bằng cách ứng khẩu kể ra một trăm ân đức của Ngài. Ân đức Phật là một đề tài thiền cho những căn cơ đức tin. Những ân đức xứng đáng này muôn đời vẫn là một nguồn cảm hứng to lớn cho các hàng đệ tử của ngài. Còn về chê thì sao?

Đức Phật nói: ‘Người nói nhiều bị chê. Người nói ít bị chê. Người im lặng cũng bị chê! Trong thế gian này không có ai là không bị chê!’ Chê dường như là di sản chung của nhân loại. Ngài nhận xét, hầu hết con người trong thế gian này là như vậy, không tu-tập. Tuy nhiên, cũng như một thớt voi trên chiến trường phải chịu đựng hàng trăm mũi tên bắn vào như thế nào, Đức Phật cũng phải hứng chịu mọi lời mắng chửi, xúc phạm như vậy.

Người mê muội và độc ác có khuynh hướng chỉ thích tìm cái xấu nơi những người khác chứ không tìm cái tốt và cái đẹp. Chẳng có ai, ngoại trừ độc nhất Đức Phật, là hoàn toàn tốt. Cũng không có người nào là hoàn toàn xấu. Trong cái tốt nhất của chúng ta vẫn có cái xấu.Và trong cái xấu nhất của chúng ta cũng có cái tốt. Một người có thể làm việc với những động cơ trong sạch. Song thế gian bên ngoài có thể hiểu sai những hành động của anh ta và kết tội những động cơ ấy là vô nhân đạo. Bạn có thể dang tay ra giúp người khác bằng cách gánh nợ cho họ hay bán cả tài sản để cứu bạn trong cơn hoạn nạn; nhưng sau đó, người nhận ơn mê muội ấy có thể bới lông tìm vết bạn, tống tiền bạn, bôi nhọ thanh danh của bạn và sẽ sung sướng trong sự suy sụp của bạn.

Trong những câu chuyện tiền thân (Đức Phật), có câu chuyện kể rằng Guttila một người nhạc công đã dạy hết mọi điều ông biết cho người học trò của mình không dấu giếm điều gì, nhưng người học trò vô ơn đã cố gắng đua tài với thầy để làm hại ông nhưng không thành công. Một dịp nọ, Đức Phật được một người Bà-la-môn mời đến nhà đặt bát. Theo lời mời, Đức Phật đến nhà ông. Thay vì tiếp đãi Đức Phật, ông ta đã xỉ vả Ngài bằng một tràng chửi rủa thô tục nhất.

Đức Phật nhã nhặn hỏi,

‘Này ông Bà-la-môn, ông có thường mời khách tới nhà không?

‘Có chứ,’ ông trả lời.

‘Khi khách tới ông làm gì?’

‘À, chúng tôi sửa soạn một bữa tiệc thịnh soạn.’

‘Nếu như họ không đến?’

‘Thì chúng tôi sẽ vui vẻ ăn bữa tiệc ấy.’

‘Vậy, này Bà-la-môn, ông mời ta đến đặt bát và ông đã tiếp đãi ta bằng những lời xỉ vả. Ta không nhận gì cả, hãy hoan hỷ lấy lại nó.’

Đức Phật không trả thù, ‘Không trả thù’ là những điều Đức Phật khuyên. ‘Hận thù không diệt được hận thù mà chỉ có tình thương mới mới diệt được hận thù,’ là lời dạy cao quý của Đức Phật. Không có bậc đạo sư nào từng được khen ngợi rất mực như Đức Phật và cũng không có bậc đạo sư nào bị chỉ trích và buộc tội gay gắt như Ngài. Số phận của các bậc đại nhân như Đức Phật là thế.

Lăng mạ, sỉ nhục là số phận chung của nhân loại. Bạn càng làm việc nhiều và càng trở nên vĩ đại, thì bạn càng phải chịu đựng sự sỉ vả và chỉ trích nhiều hơn. ‘Lăng mạ là vũ khí của hàng phàm phu’.

Socrates bị chính người vợ của ông sỉ vả. Hễ khi nào ông đi ra ngoài để giúp đỡ người khác, người vợ láo xược này thường mắng nhiếc ông thậm tệ. Một hôm vì bà khó ở trong mình nên không thực hiện được công việc ngược ngạo hàng ngày của bà. Socrates ngày hôm ấy rời nhà với bộ mặt buồn bã. Bạn bè ông hỏi thăm vì sao ông buồn. Ông trả lời rằng vợ ông hôm nay không mắng nhiếc ông như mọi khi. ‘Quái lạ, lẽ ra anh phải vui mừng vì không bị những lời mắng nhiếc khó chịu ấy chứ,’ những người bạn của ông nhận định. ‘Ồ không, không! Khi bà ấy la mắng tôi, tôi có được cơ hội để thực hành đức tính nhẫn nại. Hôm nay kể như tôi đã lỡ mất cơ hội ấy. Đó là lý do vì sao tôi buồn,’ nhà hiền triết trả lời. Có lẽ đây là những bài học đáng nhớ đối với tất cả chúng ta. Khi bị lăng nhục, chúng ta nên nghĩ rằng chúng ta đã được cho một cơ hội để thực hành đức tính nhẫn nại, thay vì bị chạm tự ái.

Hạnh Phúc và Khổ Đau

Hạnh phúc và khổ đau là cặp đối nghịch cuối cùng trong tám pháp thế gian. Có thể xem chúng là những yếu tố mạnh nhất ảnh hưởng đến con người. Cái gì có thể chịu đựng được một cách dễ dàng là hạnh phúc hay lạc (sukha); còn cái gì khó chịu đựng là khổ (dukkha). Hạnh phúc bình thường là sự thoả mãn những ước muốn. Tuy nhiên ngay khi vừa đạt được một ước muốn thì chúng ta liền ao ước một cái gì khác liền. Vì thế những ước muốn ích kỷ của chúng ta là không thể thoả mãn. Đối với một người bình thường sự thoả mãn các dục lạc là hạnh phúc cao tột và duy nhất của họ.

Chắc chắn là có một loại hạnh phúc nhất thời trong sự hy vọng, thoả mãn và sự hồi tưởng lại những thú vui vật chất. Loại hạnh phúc này được những người theo chủ nghĩa nhục dục đánh giá cao, nhưng nó chỉ là ảo tưởng và thoáng qua. Liệu những sở hữu vật chất có cho người ta hạnh phúc thực sự không? Nếu có, có lẽ các nhà đại phú đã không cảm thấy thất vọng với cuộc đời này. Trong một vài quốc gia tiên tiến, những nước được xem là đã đạt đến tột đỉnh của tiến bộ vật chất, nhiều người vẫn sống không có hạnh phúc. Nếu một mình những sở hữu vật chất có thể tạo ra hạnh phúc tại sao người ta lại như thế?

Liệu sự thống trị toàn cõi thế gian này có thể tạo ra hạnh phúc thực sự hay không? Alexander Đại Đế, người từng diễu hành một cách đắc thắng đến Ấn-độ, chinh phục hết các vùng đất trên đường ông đi qua, đã phải thở dài vì không còn đất đâu nữa để chinh phục.

Nếu đọc những trang sử hiện đại chúng ta sẽ lấy làm kinh hoàng bởi những cú giáng rùng rợn do những con quái vật như Pôn-pốt, Idi Amin, Hitler làm. Những con người độc tài này đã thảm sát hàng bao nhiêu triệu con người vô tội vì tin rằng họ có thể tạo ra một thế giới mới bằng cách tiêu diệt hết những người được xem là khác với họ. Nhưng thử hỏi họ đã được gì? Cả thế giới này kết tội và căm ghét họ.

Thường thì cuộc sống của những chính khách nắm giữ quyền lực rất không an toàn. Những trường hợp đáng thương của Mahatma Gandhi và John Kennedy là những ví dụ để minh chứng. Hạnh phúc chơn thực được tìm ở bên trong, và không bao giờ được quy định dưới hình thức giàu sang, quyền lực, danh giá, hay những cuộc chinh phục. Nếu những sở hữu vật chất có được bằng cách cưỡng bức và bất công, hay nếu chúng không được dùng đúng chỗ, hoặc thậm chí được nhìn với sự dính mắc, chấp thủ, những sở hữu ấy sẽ là cội nguồn của khổ đau cho những người sở hữu nó.

Cái được xem là hạnh phúc đối với người này có thể không phải là hạnh phúc đối với người khác. Cái được xem là thịt và rượu đối với người này có thể là thuốc độc đối với người kia. Đức Phật có đề cập đến bốn loại hạnh phúc dành cho người cư sĩ còn sống một cuộc sống vật chất. Đó là, hạnh phúc của sự sở hữu (atthi sukha – lạc sở hữu) - sở hữu ở đây là có được sức khoẻ, của cải vật chất, tuổi thọ, dung sắc, vui vẻ, sức mạnh, tài sản, con cái, v.v... Nguồn hạnh phúc thứ hai là hạnh phúc xuất phát từ sự hưởng thụ những sở hữu ấy (bhoga sukha­ – lạc hưởng thụ).

Người nam và nữ bình thường ai mà không thích sự hưởng thụ. Đức Phật không khuyên tất cả mọi người phải từ bỏ những thú vui trần thế và rút vào ẩn cư hết. Tuy nhiên cần phải hiểu sự hưởng thụ của cải không chỉ nằm nơi việc sử dụng nó cho bản thân thôi mà cũng còn biết cho ra (bố thí) vì lợi ích của người khác. Những gì chúng ta ăn chỉ nhất thời (ăn rồi là hết). Những gì chúng ta giữ gìn thì khi chết chúng ta để lại (cho người khác xài). Những gì chúng ta cho ra chúng ta sẽ đem theo với chúng ta. Nhờ những việc thiện chúng ta đã làm với những sở hữu vật chất kiếm được đúng pháp, chúng ta mãi mãi được mọi người nhớ đến.

Nhà Tiên-tri Mohammad nói rằng điều duy nhất chúng ta có thể tuyên bố một cách chính đáng là của chúng ta là những gì chúng ta đã dùng, những gì chúng ta đã bố thí để làm từ thiện và đã đóng góp cho tôn giáo. Ngoài ra chẳng có gì là của chúng ta cả.

Không mắc nợ (Anaṇasukha – lạc không mắc nợ) là một nguồn hạnh phúc khác. Nếu chúng ta biết hài lòng với những gì chúng ta có và nếu chúng ta biết tiết kiệm, chúng ta không cần phải vay nợ. Người mắc nợ luôn sống trong tâm trạng buồn rầu và phải mang ơn người chủ nợ. Dù nghèo, nhưng không mang nợ, chúng ta cũng cảm thấy nhẹ nhõm và vui vẻ tâm hồn. Sống một cuộc đời vô lỗi (anavajja sukha — lạc vô tội) là một trong những nguồn hạnh phúc lớn nhất đối với người cư sĩ.

Người không làm điều gì lầm lỗi được xem là một phước lành đối với chính bản thân họ và đối với mọi người. Anh ta được mọi người kính phục và sẽ cảm thấy vui tươi hơn, nhờ nhận được những rung động bình yên của người chung quanh ảnh hưởng. Tuy nhiên, phải nói rằng thật khó mà kiếm được một người tốt như vậy. Những con người có tâm hồn cao quý chỉ quan tâm đến việc sống một cuộc đời không lầm lỗi và dửng dưng đối với tiếng khen bên ngoài.

Phần lớn con người trong thế gian này đều thích hưởng thụ các dục lạc trong khi một số người khác lại tìm nguồn vui trong sự khước từ (xuất ly hay xuất gia). Không dính mắc hay siêu việt những thú vui vật chất là hạnh phúc đối với những người có khuynh hướng về đời sống tâm linh. Hạnh phúc bình thường chúng ta tiếp đón, trong khi đối nghịch của nó – khổ đau vốn là cái khó chịu đựng, chúng ta không thích. Sầu muộn hay khổ đau đến với chúng ta bằng những lớp vỏ khác nhau. Chúng ta đau khổ khi bị già là điều tự nhiên. Chúng ta phải chịu đựng những nỗi khổ của tuổi già với thái độ bình thản. Đau hơn những nỗi khổ do tuổi già là cái khổ gây ra bởi bệnh hoạn. Ngay cả chứng đau răng hay đau đầu nhỏ nhặt đôi khi cũng khó có thể chịu đựng nổi huống chi một vấn đề lớn hơn tấn công đột ngột.

Khi chúng ta bị bệnh, chúng ta nên học cách kham nhẫn chịu đựng nó. Vâng, chúng ta phải tự an ủi mình rằng chúng ta đã từng thoát khỏi một chứng bệnh còn nghiêm trọng hơn thế rồi. Đã bao lần chúng ta phải chia ly với những người chúng ta thương mến. Những cuộc chia ly như vậy gây ra bao nỗi khổ đau về tinh thần. Chúng ta nên hiểu rằng mọi cuộc sum vầy đều phải chấm dứt với chia ly. Đây là một cơ hội tốt để chúng ta thực hành tâm bình thản (xả ly). Chúng ta cũng rất thường hay phải chịu đựng những điều khó ưa mà vốn chúng ta ghét cay ghét đắng. Những trường hợp như vậy chúng ta cũng phải can đảm chịu đựng chúng.

Có lẽ, chúng ta đang gặt những hậu quả của Nghiệp xấu chúng ta đã làm trong kiếp sống quá khứ hay ở một thời gian nào đó trong hiện tại. Chúng ta nên cố gắng để thích nghi với tình huống mới hay cố gắng để khắc phục những chướng ngại bằng một phương cách khác nào đó.

‘Cười đi, thế gian sẽ cười với bạn;

Còn khóc, bạn sẽ khóc một mình.’ (Ella Wheeler Wilcox)

Ngay cả Đức Phật, một con người hoàn hảo, đã tiêu diệt hết mọi phiền não, cũng phải chịu cái khổ về thân do bệnh tật và tai nạn gây ra. Đức Phật thường hay bị đau đầu. Chứng bệnh này khiến cho Ngài đau đớn rất nhiều. Do hậu qủa của việc lăn đá muốn giết ngài của Đề-bà-đạt-đa, bàn chân ngài đã bị một mảnh đá làm cho bị thương cần phải mổ.

Vào những lần khác ngài đã bị buộc phải nhịn đói. Do sự không vâng lời của những người đệ tử của Ngài, Ngài đã buộc phải rút vào trong rừng ở suốt ba tháng an cư. Ở trong rừng ngủ trên một chiếc giường lá cây trải trên đám đất gồ ghề, chịu đựng gió lạnh, ngài vẫn giữ tâm bình thản hoàn toàn. Giữa khổ đau và hạnh phúc, ngài sống với một cái tâm quân bình.

Chết là nỗi khổ lớn nhất mà chúng ta phải đương đầu trong cuộc lang thang vô định trong vòng luân hồi này. Đôi khi, sự mất mát quá nhiều khiến chúng ta không thể chịu đựng nổi. Pātācarā - một vị Trưởng lão ni thời Đức Phật. Trước khi xuất gia bà đã có chồng và hai người con. Trong một dịp về thăm cha mẹ, chồng và hai con đều bị tai nạn chết. Về đến nhà thì mới hay đêm trước cả cha mẹ và người anh bà cũng đã chết. Bà trở nên điên loan, nhưng nhờ túc duyên đưa đẩy bà gặp Đức Phật và xuất gia. Đức Phật đã an ủi và giúp bà học được cách đối diện khổ đau với trí tuệ. Về sau bà đắc Alahan và được Đức Phật tuyên dương là đệ nhất về tinh thông giới luật.

Kisa Gotami mất đứa con độc nhất của mình và đau buồn đi tìm cách để hồi sinh cho nó. Bà mang xác con đi khắp nơi và cuối cùng đến Đức Phật để xin ngài một cách chữa. ‘Được rồi, này bà chị, chị có thể mang về đây một vài hạt cải được không?’ ‘Tất nhiên được, bạch Ngài!’ ‘Nhưng, này bà chị, những hạt cải ấy phải từ nhà nào không có người chết đấy nhá.’

Hạt cải bà tìm ra, nhưng không phải ở nơi thần chết không viếng thăm. Bà liền hiểu bản chất của cuộc đời. Một trường hợp khác, khi một người mẹ được hỏi tại sao bà không khóc cái chết của người con duy nhất của mình, bà trả lời, ‘Không mời, nó đến. Không thông báo, nó ra đi. Đến như thế nào nó ra đi như vậy. Sao chúng ta lại phải khóc?’

Như những trái cây rụng — có trái còn tơ, có trái đã chín hay già — chúng ta cũng vậy, có thể chết lúc tuổi còn thơ, chết lúc tuổi thanh xuân, hay lúc đã về già. Mặt trời mọc ở phương Đông chỉ để lặn ở phương Tây. Những bông hoa nở vào ban mai để tàn vào buổi chiều. Chắc chắn cái chết sẽ đến đối với tất cả không ngoại trừ ai; chúng ta phải đương đầu với nó bằng thái độ bình thản.

‘Ví như mặt đất này

Cái gì được ném lên

 ngọt ngào hay hôi thối,

cũng dửng dưng như nhau,

Không sân cũng chẳng oán,

Ta cũng phải như vậy

Đối với tốt hay xấu

Luôn luôn giữ thăng bằng.’

Đức Phật nói, ‘khi xúc chạm với các pháp thế gian, tâm của một bậc (thánh) Alahán không bao giờ dao động.’ Giữa được và mất, danh và ô danh, khen và chê, hạnh phúc và khổ đau, chúng ta hãy cố gắng duy trì một cái tâm thăng bằng. Đức Phật đã minh hoạ một cách hoa mỹ sự tranh giành của sáu giác quan bằng một ẩn dụ hùng hồn.

Theo ẩn dụ này, có sáu con vật với những thói quen khác nhau và những lĩnh vực hoạt động khác nhau bị cột chung lại với nhau bằng một sợi dây rất chắc. Trong sáu con vật đó: con cá sấu cố gắng chạy xuống nước, con chim cố gắng bay lên trời, con chó cố gắng chạy vào làng, con cáo cố gắng chạy vào rừng, con khỉ cố gắng leo lên cây, và con rắn cố gắng bò vào hang. Sáu con vật này luôn luôn phấn đấu để tiến đến môi trường sống của chúng và kéo những con khác theo, nhưng chẳng con nào đi được đến đâu cả. Tương tự, sáu giác quan hay sáu căn không ngừng đi tìm sự thoả mãn trong các lĩnh vực riêng của chúng, và người không kiểm soát được các giác quan của mình sẽ trở nên cực kỳ rối loạn và bị gắn chặt vào khổ đau.

Giá Trị của Con Người

Mục đích của cuộc sống là gì? Đây là một câu hỏi rất thường được người ta hỏi. Đưa ra được một câu trả lời thoả mãn cho câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng rõ ràng là rất phức tạp này không phải là dễ. Mặc dù một số người đã đưa ra những câu trả lời theo cách nghĩ của họ, nhưng dường như chúng cũng không phải là những câu trả lời thoả đáng lắm đối với những người trí thức. Lý do là họ đã không học cách nhìn cuộc đời một cách khách quan và đúng trong triển vọng thích hợp của nó. Họ đã tạo ra những tưởng tượng trong tâm trí của họ về cuộc đời theo khả năng hiểu biết của họ. Đồng thời chúng ta cũng biết rằng nhiều bậc thầy tôn giáo, các triết gia lớn, các nhà thơ tên tuổi và các nhà tư tưởng vĩ đại đều không lấy làm thoả mãn về cuộc sống.

Tất cả những người trong họ đều hỏi ‘Tại sao chúng ta lại sanh ra trong thế gian đầy những khổ đau này?’ Nếu chúng ta đọc qua những quan niệm của họ về cuộc đời, chúng ta sẽ thấy rằng dường như họ cũng không thể đưa ra một bức tranh rõ ràng về cuộc đời. Một số nói rằng chúng ta là những nạn nhân của một đấng thượng đế thích làm cho chúng ta khổ đau để trắc nghiệm lòng trung thành của chúng ta với ngài. Số khác thì nói rằng cuộc đời đầy những khổ đau; bấp bênh và bất toại nguyện. Trong khi số khác nữa lại nói: ‘Nếu chúng ta đừng sanh ra thì tốt biết bao.’

Chúng ta có thể hiểu rằng họ đã thấy cuộc đời theo những quan niệm riêng của họ. Dĩ nhiên là những người bình thường họ chỉ thấy cuộc đời trên bề mặt nông cạn chứ không sâu xa. Một số người nói rằng chẳng có một mục đích đặc biệt nào trong cuộc đời này và rằng nó có thể được dùng cho bất kỳ mục đích nào cũng được.

Đối với một lý thuyết như vậy, chúng ta cần suy xét một cách sáng suốt. Chúng ta phải cố gắng tận dụng cuộc sống cho những mục đích cao cả, vì lợi ích cho bản thân chúng ta cũng như lợi ích của những người khác thay vì hoang phí nó vào những việc không cần thiết. Theo cách này, mục đích của cuộc sống có thể được xác định bởi chính chúng ta.

Nếu chúng ta sử dụng sai mục đích của cuộc sống bằng cách xâm phạm những phẩm chất tốt đẹp của con người, làm ô nhục nhân phẩm và phạm vào những tà hạnh, hoặc nhượng bộ những nhược điểm con người của chúng ta, thì chúng ta khó có thể thành tựu được một điều gì xứng đáng trong cuộc sống.

Ngược lại, nếu chúng ta hành động một cách sáng suốt nhờ tuân giữ những nguyên tắc luân thường đạo lý đã được mọi người chấp nhận, chẳng hạn như đức nhẫn nại, khoan dung, cảm thông, khiêm cung và lễ độ, cũng như phục vụ tha nhân và tu tập tâm để không thành kiến, thiên vị, lúc ấy chúng ta mới có thể thành tựu một điều gì đó cao quý và lợi ích cho mọi người. Những ai trau dồi được những đức tính này sẽ kinh nghiệm sự bình yên, hạnh phúc, tịnh lạc, và thoả mãn. Lúc ấy cuộc sống chắc chắn sẽ đáng sống! Nó sẽ có ý nghĩa hơn và lợi ích hơn cho mọi người. Tình thương chơn thực là tình thương không phân biệt, không dính mắc, và vô điều kiện. Chúng ta nên san sẻ tình thương này với tất cả chúng sinh. Đây gọi là lòng từ bi.

Ở đây chúng ta sẽ cố gắng xác định cho đến mức độ nào thì chúng ta có thể luận bàn về chân giá trị của con người từ quan điểm của đạo Phật. Những phẩm chất nào làm nảy sanh chân giá trị và những đức tính cao quý? Đấy là những chuẩn mực về đạo đức, luân lý, tri thức và tâm linh được chúng ta giữ gìn và trân trọng trong những mối quan hệ hàng ngày của chúng ta với nhau. Là con người chúng ta có tâm thức, cái khi được phát triển có thể phân biệt đúng sai, phải trái, những gì chúng ta nên hãnh diện về và những gì chúng ta nên hổ thẹn. Đây là những phẩm chất mà chúng ta, là những con người, ấp ủ. Chính trong sự ấp ủ những giá trị ấy mà chúng ta phân biệt mình với loài vật.

Chữ ‘manussa’, như trong kinh điển của chúng ta thường dùng, mô tả con người như ‘một chúng sinh có thể phát triển tâm của mình.’ Một cái tâm đã phát triển có nghĩa là một cái tâm có thể phân biệt được đâu là luân lý và phi luân lý, đâu là đạo đức và vô đạo đức, đâu là tốt và xấu, và đâu là phải và trái. Đây là những thuộc tính của con người chứ không phải của loài vật. Loài vật hành động theo bản năng. Chỉ có con người mới có thể phát triển được tâm trí của họ hay phát triển được năng lực tư duy của họ đến những mức rất cao — ngay cả có khả năng thành Phật.

Trước khi các tôn giáo trên thế giới ra đời, con người từ thời nguyên thuỷ được hướng dẫn bởi hai yếu tố rất giá trị nhằm giữ gìn nhân phẩm. Hai yếu tố đó là ‘Hiri’ và ‘Ottappa’ gốc từ Pāḷi được dịch là ‘tàm’ và ‘qúy’ hay ‘Hổ-thẹn’ và ‘Ghê-sợ tội lỗi’.

Hai yếu tố Hổ-thẹn và Ghê-sợ tội lỗi này chi phối một cách bất biến mọi hành động của con người, nhờ vậy phân biệt được đâu là hành động của con người và đâu là hành động của loài cầm thú. Tuy nhiên, khi con người không giữ gìn hai yếu tố quan trọng — Hổ-thẹn và Ghê-sợ tội lỗi— này, tức là khi họ ngã quỵ trước những tác động ác hại của các loại thuốc gây say (ma tuý), rượu bia, dục vọng, sân hận, tham lam, ganh tỵ. ích kỷ và thù oán, họ mất thăng bằng tâm trí và cũng mất luôn nhân phẩm của họ. Không biết Hổ-thẹn và Ghê-sợ tội lỗi, con người còn tệ hơn cả loài cầm thú.

Quả thực con người đã tiến rất xa trên nấc thang tiến hoá. Họ đã đạt được những thành công đáng chú ý trong các lĩnh vực khoa học, tâm lý học và phát triển vật chất. Ngày nay chúng ta còn có vô số pháp hành của các tôn giáo khác nhau, các phong tục, truyền thống, lễ nghi, giới điều, các hình thức cúng dường và cầu nguyện. Trong khi chúng ta tự hào là những con người văn minh, thì vẫn có một xố người trong chúng ta mà hành vi cư xử và thái độ còn tệ hơn loài vật.

Một con người đáng kính là người có những thuộc tính Hổ-thẹn và Ghê-sợ tội lỗi, là người có lòng nhân ái, bi mẫn và cảm thông, người biết sợ làm tổn hại đến người khác nhưng lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi cần đến. Đây là những giá trị nhân bản bình thường mà tất cả mọi người chúng ta phải nâng niu, gìn giữ. Chúng ta phải phát triển những nhân phẩm ấy chứ đừng xâm phạm chúng. Nhờ phục vụ tha nhân, chúng ta huân tập được những đức tính lớn như sự hiểu biết, lòng nhân ái, bi mẫn, trung thực, giản dị, nhã nhặn, khiêm tốn và tri túc. Chúng ta sẽ cảm thấy tự hào vì có được những giá trị nhân bản xứng đáng như vậy. ‘Một vị sư nọ có hai người đệ tử, một người rất thông minh và tích cực, còn người kia lại rất lười biếng và không biết điều gì nên làm điều gì không nên. Một hôm người đệ tử siêng năng đến bên thầy và nói, thưa thầy người này thật vô dụng, hắn không làm gì cả chỉ biết ăn không ngồi rồi. Sao thầy không đuổi hắn đi cho khuất mắt, nếu thầy không đuổi hắn thì con sẽ bỏ đi. Lúc ấy người thầy nói nếu anh bỏ đi ta không có lý do gì phải lo lắng bởi vì anh có đi đâu người ta cũng sẵn sàng đón tiếp anh và anh biết cách làm thế nào để làm việc được với họ. Còn nếu ta yêu cầu cái con người ngây thơ ấy ra đi anh ta sẽ gặp rắc rối bởi vì chẳng ai nhận anh ta và anh ta cũng chẳng biết việc gì để làm. Và vì thế ta phải có lòng thương xót hắn. Bởi vậy hãy để anh ta ở lại. Đây là thái độ của một vị thầy đích thực.

Có một vài đặc tính của bản chất con người chúng ta cần phải bảo vệ và nuôi dưỡng thận trọng để chúng trở thành những giá trị nhân bản hữu ích. Đại khái, những đặc tính này được chia thành ba phương diện: bản chất thú vật, bản chất con người, và bản chất thánh thiện của chúng ta. Ba đặc tính này ảnh hưởng đến hành vi cư xử của chúng ta ở những mức độ khác nhau. Nếu chúng ta nhượng bộ cho bản chất thú vật không chịu kiềm chế, chúng ta sẽ trở thành một gánh nặng cho xã hội.

Tôn giáo là một công cụ quan trọng giúp chúng ta kiểm soát bản chất thú vật ấy. Tôn giáo, với những lời dạy cao quý của các bậc đạo sư nổi tiếng, sẽ được dùng như một người hướng đạo cho cách cư xử thích hợp của con người.

Tôn giáo cũng là một công cụ để trau dồi, nuôi dưỡng và nâng cao những phương diện khác của bản chất con người còn ẩn tàng bên trong chúng ta. Bằng cách duy trì sự trau dồi liên tục bản chất ấy, cuối cùng chúng ta sẽ thành tựu được mục đích thiêng liêng của mình, — bản chất thánh thiện của chúng ta. Nhờ thành tựu bản chất thánh thiện, những cảm xúc thấp hèn của tham lam, dục vọng, nóng nảy, sân hận, ghen ghét, đố kỵ và những thuộc tính không hay khác sẽ bị diệt trừ, lúc đó con người chúng ta trở nên cao quý hơn và xứng đáng với sự cung kính hơn.

Bản chất thánh thiện tuỳ thuộc vào sự phát triển của tâm từ, biết quan tâm đến sự an vui hạnh phúc của người khác, lòng bi mẫn hay nhân ái, hoan hỷ với tiến bộ của người khác và vô tư (xả) đối với được mất và khen chê trong đời. Đây cũng còn được gọi là những trạng thái tâm cao thượng (Bốn Phạm Trú).

Mỉa mai thay nhiều người sùng bái tôn giáo vẫn hiểu lầm rằng người ta có thể thành tựu mục đích thiêng liêng của mình đơn giản bằng hành động cầu nguyện, cúng bái và thực hiện một số lễ nghi nào đó. Thực tế để có thể sống như những con người đích thực và đường hoàng chúng ta có những nghĩa vụ và bổn phận phải hoàn thành.

Chúng ta phải trau dồi và phát triển bản chất con người để thành tựu những thuộc tính thánh thiện của chúng ta. Chúng ta phải thực hành mọi giá trị nhân bản vì sự tốt đẹp và lợi ích của nhân loại. Chúng ta phải làm mọi điều thiện mà chúng ta có thể làm được và dứt trừ mọi điều ác.

Các tôn giáo của thế giới đã được phát triển để hướng dẫn và chỉ cho chúng ta biết con đường đúng đắn để sống trong bình yên và hòa hợp. Tất cả các tôn giáo phải cung cấp cho những tín đồ của họ những hướng dẫn quan trọng và thích hợp để mọi người có khả năng sống, ăn uống và làm việc cùng nhau với lòng tôn trọng hỗ tương, sự hiểu biết và chân giá trị. Là những người cùng sùng bái tôn giáo tất cả chúng ta có thể sống với nhau không nuôi dưỡng trong lòng sự sân hận, ghen tị, thù hằn hay những cảm giác tự tôn, trịch thượng. Đạo Phật đưa ra cho chúng ta những hướng dẫn như vậy.

Trong các triết lý cổ có đề cập minh bạch rằng mục đích của cuộc sống không phải để duy trì một thái độ ích kỷ mà là hành động cao quý biết phục vụ tha nhân — phục vụ nhân loại. Những con người vĩ đại và thông thái của thế gian nhờ biết phục vụ tha nhân mà đạt được sự giải thoát và trở thành vĩ đại. Qua việc phục vụ người khác, chúng ta được lợi ích nhờ phát triển những đức tính vốn có của chúng ta. Khi chúng ta phục vụ người khác, chúng ta phục vụ chính bản thân chúng ta . Khi chúng ta làm vơi nhẹ những nỗi khổ đau của người khác, chúng ta phát triển được niềm an vui và tịnh lạc của tâm chúng ta.

Bản Chất Của Sự Sống

Một học giả nọ nói ‘Sự sống tự nó cứ trôi qua trong khi chúng ta còn đang chuẩn bị để sống.’ ‘Chúng ta phải trả giá cho việc tạo ra những tham muốn ích kỷ bằng sự sợ hãi và lo lắng,’ một người khác nói. ‘Sự ra đời (sanh) của một người là sự ra đời của khổ đau. Càng dính mắc một cách tuyệt vọng vào sự sống lâu chừng nào, anh ta càng trở nên ngu dại chừng ấy. Khát vọng sống của anh ta trong tương lai khiến anh không thể sống trong hiện tại,’ một triết gia Trung Hoa khác nói. ‘Chúng ta là kết quả của những gì chúng ta đã làm và sẽ là kết quả của những gì chúng ta đang làm,’ Đức Phật nói. Khi chúng ta suy xét những quan niệm sống ở trên, chúng ta có thể tìm ra mấu chốt để hiểu bản chất thực sự của sự sống và mục đích của nó.

Nếu mục đích của chúng ta trong cuộc sống chỉ là để thoả mãn các giác quan của chúng ta, thì, chúng ta phải sửa soạn để đương đầu với các vấn đề khác phát sinh từ việc thoả mãn đó. Mặc dù các nhà khoa học đã khám phá ra những điều kỳ diệu phục vụ cho tiện ích của con người. Song họ vẫn không thể hiểu rõ được mục đích của sự sống. Do đó mà một nhà khoa học nổi tiếng khác đã nói:

‘Có chăng một mục đích trong cuộc sống?

Mục đích của cuộc sống là gì?

Thế nào, ở đâu, hay khi nào?

Có phải:

Từ hư không vũ trụ đến,

mặt trời đến, quả đất đến, sự sống đến,

Con người đến, và còn nhiều thứ nữa phải đến,

Nhưng còn mục đích: của ai hay từ đâu đến?

Tại sao, không người nào.’

Dường như rằng con người không cư xử như một ‘con người’ đích thực. Theo Đạo Phật, con người không phải là một thực thể có thật mà là một cách biểu lộ, theo nghĩa đen, chỉ hiện hữu từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác trên căn bản năng lượng. Sự sống của con người chẳng phải tự xuất hiện cũng không phải được tạo ra như một con vật thí nghiệm của bất kỳ đấng siêu nhiên nào. Sự sống có tính đồng nhất riêng của nó.

Sở dĩ chúng ta không thể hiểu được bản chất thực của sự sống là do bị vô minh và tham ái mạnh mẽ của chúng ta chi phối. Đó cũng là lí do vì sao chúng ta vẫn khát khao hiện hữu cho dù có phải chịu đựng khổ đau trong đời này. Vì không có sự hiểu biết đúng đắn nên đối với chúng ta việc khám phá xem có một mục đích sống nào đó trong thế gian này hay không là điều bất khả.

Đời sống được mô tả như một sự kết hợp của tâm và vật chất (danh và sắc). Do kết quả của sự kết hợp này một con người đi vào hiện hữu và nó cứ tiếp tục thay đổi cho đến khi sự tan rã xảy ra. Tuy nhiên, năng lực tâm và các phân tử phân tán ấy một lần nữa lại hình thành các yếu tố hay vật chất (tứ đại) và tái xuất hiện trong những hình thể khác và trong những cảnh giới khác gọi là sự sống và sự sống này phù hợp với cách cư xử trong đời trước của một người. Tính tương tục của dòng - sống cứ tiếp diễn bất tận bao lâu nghiệp lực (Kamma) và tham ái đối với sự hiện hữu (hữu ái) vẫn còn.

Sự Đam Mê Khoái Lạc và Môi Trường

Hình thể vật chất (sắc) của một sự sống được xem như đống bọt nước, trong đó thọ giống như bong bóng, tưởng được mô tả như một trò ảo thuật, hành như thân cây chuối và thức chỉ là một ảo ảnh. Với sự phân tích về sự sống như vậy, thật khó để xác định tính hiện thực hay mục đích của sự sống.

Những phân tích này đặt ra một thách thức cho nhiều tín ngưỡng tôn giáo cùng một lúc bởi vì theo Đức Phật không có gì được xem là sự sống vĩnh hằng hay thực thể thường hằng hiện hữu mà không thay đổi hay tan hoại như vậy.

Thân chỉ là cách khái quát hoá trừu tượng cho một sự kết hợp không ngừng thay đổi của những thành phần hoá học hay các yếu tố (tứ đại). Sự sống cũng vậy, chỉ là một điểm trong dòng sông luôn luôn trôi chảy và góp phần của nó vào cái dòng sống vĩ đại mà thôi. Trong vũ trụ có năm định luật hay năm sức mạnh tự nhiên, đó là utuniyama (định luật mùa tiết), bijaniyama (định luật chủng tử), cittaniyama (năng lực tâm hay tâm lực), kammaniyama (nghiệp lực), và dhammaniyama (định luật phổ quát — hay Pháp).

Việc con người biết dùng những sức mạnh của sự suy luận, trí thông minh và khả năng sáng tạo vốn có của mình để thay đổi hoàn cảnh sao cho có lợi cho họ không có gì là bí ẩn cả. Song con người không nhận ra rằng chính sức mạnh đạo đức (nghiệp) mà bản thân họ tạo ra mới đem lại những thay đổi tương ứng trong hoàn cảnh của họ, hạnh phúc hay bất hạnh, dù họ có thích nó hay không thích.

Những phân tích khoa học về vũ trụ chỉ ra cho thấy thế gian không là gì cả ngoài sự tương tục không gián đoạn của một chuỗi những chuyển động. Einstein nói: ‘Mọi vật chất đều được tạo thành từ các sóng và chúng ta sống trong một thế giới của các sóng.’

‘Chúng ta là một phần của cùng các sóng,

Nếu một người có thể nhận biết:

những trạng thái của thân,

các cảm giác và những trạng thái tâm của anh ta,

 cùng với các đối tượng tâm (pháp trần),

một cái biết như vậy sẽ dẫn anh ta đến chỗ khám phá ra

là có một mục đích nào trong cuộc sống hay không.’

Cứ suy xét xem một số người đã trở nên quá luyến ái cái đẹp bề ngoài của thể xác, một sự hấp dẫn vốn đang được người ta khai thác triệt để trên các chương trình truyền hình và Xi-nê ngày nay, như thế nào. Những ngôi sao điện ảnh trẻ trung và xinh đẹp hầu như lúc nào cũng phô trương bức thông điệp này: hễ còn trẻ đẹp, ta còn hạnh phúc. Rõ ràng đây là một triết lý của chủ nghĩa khoái lạc dành cho giới trẻ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi thời gian đuổi kịp những ngôi sao màn bạc ấy? Chỉ một ít trong họ là sẵn sàng đón nhận cái thời ‘đẹp lão’ đó mà thôi.

Số đông còn lại cố gắng dùng đủ phương tiện để kháng lại tuổi già, và có thể đoán trước được là, rất ít thành công. Do chấp trước vào danh vọng và cái đẹp của một thời đã qua của mình, một số người còn trở nên rối loạn thần kinh, thay vì sống trong hiện tại, bèn lui về để sống trong dĩ vãng và với cái thế giới ảo tưởng của họ. Một cảnh ngộ bi đát đáng thương cho những người sinh ra với nhan sắc và đã bị ám ảnh bởi chính cái sắc đẹp của họ. Đạo Phật không khuyến khích chúng ta đắm trước vào thân xác này của chúng ta như vậy.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên bỏ mặc nó, mà cần phải chăm sóc thân với sự chu đáo và sạch sẽ cá nhân. Đạo Phật dạy cho chúng ta biết rằng ngoài việc chăm sóc thân ra còn có nhu cầu tịnh hóa tâm và phát triển phẩm cách của con người nữa. Suy cho cùng thì, một cái thân khéo chăm sóc sẽ là một công cụ tốt qua đó chúng ta có thể duy trì được một cái tâm lành mạnh.

Những Gía Trị Tinh Thần

Julian Huxley nói: ‘Cuộc sống phải hướng đến việc thực hiện muôn vàn những khả năng — của thân, của tâm, của tinh thần và v. v… nói chung những gì con người có khả năng làm. Và con người thì có khả năng làm những điều to lớn và cao thượng hơn.’

Bạn được sanh ra trong thế gian này để làm một điều gì đó tốt đẹp chứ không phải để phí thời giờ vào việc ăn không ngồi rồi. Nếu như bạn lười nhác, bạn đã là một gánh nặng cho thế gian. Bạn phải luôn luôn nghĩ đến việc làm sao để thăng hoa hơn nữa trong cái thiện và trong trí tuệ. Nếu bạn không tự tỏ ra xứng đáng với phước báu đã mang bạn đến cõi người này bạn sẽ bị xem như đang lạm dụng những đặc ân của việc được làm người. Hoang phí cuộc đời vào việc hối tiếc dĩ vãng, ăn không ngồi rồi và sống dễ duôi cẩu thả là đã chứng tỏ sự không thích hợp của bạn đối với thế gian này vậy.

Cội cây văn minh ăn rễ sâu xa trong những giá trị tinh thần, điều mà hầu hết chúng ta đã không nhận ra. Không có những cái rễ này cành lá ắt sẽ khô héo và cây chỉ còn là một khúc gỗ vô tri.

Đức Phật khuyên chúng ta không nên lười biếng, mà phải học hỏi để làm một công việc nào đó và cố gắng để có được thu nhập và bảo vệ những gì chúng ta đã kiếm được không xao lãng hay hoang phí nó. Đức Phật nhìn cuộc sống thế gian trong viễn cảnh thích hợp của nó không chút thái độ ích kỷ hay vị ngã. Ngược lại, Đức Phật nói với chúng ta rằng nếu chúng ta buông xuôi cho kiếp người này trôi theo vòng tử sanh luân hồi, trong khi khổ đau cả về thân xác lẫn tâm hồn, kể như chúng ta không có mục đích thực sự nào trong cuộc sống. Mà chúng ta hãy cố gắng tận dụng kiếp người cho một mục đích cao quý hơn bằng cách phục vụ tha nhân, bằng cách trau dồi giới hạnh, bằng cách tu tập tâm và sống trong bình yên và hoà hợp với phần còn lại của thế gian như một con người có văn hoá. Theo Đức Phật, con người không phải là những con rối vô trách nhiệm. Con người được xem như thành quả cao nhất của cây tiến hoá.

Bất Toại Nguyện

Mọi người chúng ta ai cũng từng trải qua những bất toại nguyện trong cuộc sống. Trong một ngày chúng ta trải nghiệm điều này bao nhiêu lần có biết không? Có thể chúng ta chưa bao giờ thoả mãn với những gì mình có bởi vì ngay khi vừa có được nó chúng ta đã muốn một cái gì khác. Sở dĩ chúng ta muốn từ bỏ một vật ngay khi chúng ta vừa được nó là vì nó đã mất tính hấp dẫn của nó rồi vậy. Chúng ta gọi điều này là Vô thường.

Vì thế mà suốt cuộc đời mình chúng ta không ngừng phấn đấu để chộp bắt mọi vật, và chúng ta luôn luôn có cảm giác không mãn nguyện bởi vì bản thân chúng ta và những vật chúng ta nắm bắt cứ mãi thay đổi không ngừng. Để được hạnh phúc thực sự chúng ta phải khắc phục những nhược điểm của con người này. Cuộc đấu tranh để nhận ra lý do tại sao chúng ta lại không hạnh phúc hay tại sao chúng ta lại khổ đau, phải là mục đích trong cuộc đời của chúng ta. Mọi người chúng ta ai cũng muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, mãn nguyện và bình yên nhưng thử hỏi có bao nhiêu người trong chúng ta thực sự cảm nghiệm được hạnh phúc như vậy? Chúng ta ước muốn làm bất cứ điều gì và bằng bất cứ cách nào để có được sự thoả mãn nhưng rất khó mà cảm nghiệm được sự thoả mãn đích thực. Khổ đau trong đời này xuất phát từ ba nguyên nhân chính:

1. Xung đột với thiên nhiên;

2. Xung đột với những người khác; và

3. Xung đột với chính bản thân.

Phần lớn khổ đau chúng ta nếm trải là do tính vô nhân đạo giữa người với người tạo ra. Tính vô nhân đạo này có thể tự biểu hiện như những trò hề của những tay hề khéo léo, núp dưới lớp áo vui đùa lương thiện khá lành nghề, làm cho cuộc sống của bạn bè và gia đình họ phải khổ đau. Hay chúng ta có thể tìm thấy nó trong những con người cáu kỉnh thường giáng những bất hạnh của họ lên người khác.

Ở thái cực khác là con người xung đột với những con người mà họ chưa bao giờ biết hay chưa bao giờ gặp, trút cái chết và sự huỷ diệt như mưa xuống nhân loại trên quy mô toàn thế giới. Bản chất của mọi vật là vậy! Bởi thế mà cuộc chiến tranh giữa con người với nhau này đã liên tục diễn ra trong hàng ngàn năm và thậm chí có cả đối tác của nó trong thế giới loài vật nữa.

Giải pháp nói chung không nằm ở chỗ sửa đổi thế gian, mà ở chỗ sửa đổi chính bản thân chúng ta. Pháp (Dhamma) sẽ đặt chúng ta trong một tương quan tốt hơn với mọi vật đúng như chúng hiện hữu và sẽ hướng dẫn chúng ta bước đi trên đạo lộ (giải thoát) cho đến khi khổ đau diệt tận. Đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng mặc dù chúng ta có thể giúp mọi người tìm ra đạo lộ (giải thoát), song chúng ta không đem cho họ sự giải thoát được. Trước khi chúng ta muốn giúp người khác, chúng ta phải cố gắng giúp chính bản thân mình, bằng cách nỗ lực để đạt đến sự hoàn thiện tâm linh.

Sự Bất Tử Sau Khi Chết

Mọi câu hỏi con người đặt ra về cuộc đời đều liên quan đến hiện thực của cái chết; có vẻ như rằng con người khác với tất cả các sinh vật khác ở chỗ nhận thức được cái chết của mình và ở chỗ không bao giờ cam chịu chia sẻ cái số phận tự nhiên như muôn loài hữu tình khác.

Giá như con người hiểu được rằng đời sống thực là ngắn ngủi và cái chết là điều chắc chắn sẽ xảy ra, hẳn họ có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống. Trong sự đề kháng của họ với tử thần, con người đã sử dụng khoa học để đạt được một sự kéo dài nào đó về sự sống, mà điều này có thể sánh với một đứa bé đang đùa chơi trên bãi biển, cố gắng một cách vô vọng để xây dựng lâu đài bằng cát của nó trước khi con sóng kế ập vào xoá tan đi.

Con người luôn luôn lấy cái chết làm trung tâm điểm của các mục đích tôn giáo để cầu xin những ân phước cõi trời nhằm có được một cuộc sống vĩnh hằng.

Cái chết xảy ra đối với tất cả mọi chúng sinh, song chỉ một mình con người, do sự sợ hãi và đe doạ thường xuyên của cái chết, đã tạo ra ước muốn được tồn tại lâu dài. Và do mong muốn được tồn tại liên tục trong những hình thức có thể quan niệm được của họ ấy, con người đã tạo ra tôn giáo, rồi đến lượt nó, tôn giáo lại toan đưa ra một cứu cánh có ý nghĩa hơn cho cuộc sống.

Mặc dù một vài tôn giáo tin có sự hiện hữu của các cõi trời nơi đây cuộc sống sẽ cho người ta thọ hưởng hạnh phúc trường cửu, thế nhưng chúng ta chưa bao giờ nghe nói rằng những tín đồ mộ đạo của bất kỳ một tôn giáo nào đã rất hăng hái từ bỏ cuộc sống trần gian của họ để được sống với đấng Toàn Năng trên cõi trời cả!

Tương tự, ngay cả những người Phật tử cũng vẫn thích bám vào kiếp sống trần gian quý giá của họ hơn mặc dù họ hoàn toàn nhận thức được rằng sống trong đời này chỉ có khổ, và rằng cực lạc là sự giải thoát khỏi khổ ấy.

Vấn đề lớn nhất mà nhiều quốc gia ngày nay phải đương đầu là vấn đề bùng nổ dân số. Mọi cách thức và phương tiện phải được tìm ra để kìm chế tình trạng gia tăng liên tục của dòng sống này. Hàng triệu con người đang cần thực phẩm, chỗ ở, niềm an ủi và sự an toàn. Đối với những người này câu hỏi đặt ra không phải ‘mục đích của cuộc sống là gì’ mà ‘phải làm gì với cuộc sống đây.’

Câu trả lời đơn giản là người ta phải sử dụng cuộc sống với những tài nguyên của nó một cách có ích nhất và tìm ra bất cứ niềm hạnh phúc nào mà con người có thể nắm bắt được theo cách thực tiễn và chân chánh thay vì lo lắng quá mức vào chuyện siêu hình — mục đích bí ẩn của cuộc sống là gì.

Tuy nhiên, tôn giáo bước vào cuộc để an ủi con người, hay nói đúng hơn để đánh thức nơi họ sự thực rằng cuộc sống không đến nỗi ảm đạm thê lương và tuyệt vọng, như người ta thường quan niệm trên căn bản một mình phương diện vật chất thôi. Mà còn có một hy vọng cho một đời sống tốt đẹp hơn.

Có thể nói mọi tiến bộ do con người tạo ra trên thế gian này là nhờ họ nhận thức được rằng họ phải chết chứ không bất tử và rằng họ muốn lưu lại dấu tích của mình sau khi ra đi. Nếu như con người đạt được bất tử và thời gian của họ trên trần gian là vô tận, họ sẽ có khuynh hướng nghỉ ngơi thoải mái và mất đi mọi sự khích lệ hay óc sáng tạo để vươn lên; tất nhiên họ cũng sẽ không còn ước muốn để biến thế gian thành một nơi tốt đẹp hơn khi có thể.

Nếu không có chết, cuộc sống sẽ trở nên trì trệ, đơn điệu, nặng nề và buồn chán không thể tả xiết được. Nếu con người được ban cho trí tuệ để nhận biết chính xác ngày giờ chết của họ, nhất định họ sẽ hành động một cánh khác hơn và quyết tâm hơn những gì họ đang làm hiện nay.

‘Thân người rồi hóa thành tro bụi, nhưng tên tuổi hay ảnh hưởng của họ sẽ tiếp tục tồn tại.’ (Buddha)

Mặc dù tổ tiên của chúng ta đã chết và đã ra đi, song chúng ta vẫn cho rằng họ còn tồn tại đâu đó giữa chúng ta, không phải bằng thân xác, mà bằng những ảnh hưởng họ tạo ra trong quá khứ và được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, như vậy ảnh hưởng của họ mãi mãi tồn tại với thời gian.

Khi dùng từ ‘tổ tiên’ chúng ta không chỉ muốn nói tới ông bà cha mẹ của chúng ta thôi mà còn ám chỉ tất cả những người đã đóng góp cho sự an vui và hạnh phúc của người khác. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng các bậc anh hùng, các bậc hiền nhân, các triết gia và thi sĩ của những ngày đã qua vẫn còn tồn tại giữa chúng ta — bằng ảnh hưởng của họ.

Khi chúng ta liên kết bản thân chúng ta với các bậc anh hùng nghĩa tử và những nhà tư tưởng ấy chúng ta cũng được chia sẻ những tư tưởng thông tuệ nhất, những lý tưởng cao thượng nhất của họ và ngay cả những khúc nhạc quyến rũ mà họ đã sáng tác qua hàng bao thế kỷ! Sự đòi hỏi phải có một mục đích của con người đã nói lên nhận thức còn lờ mờ của họ về bản chất của cuộc sống. Khi một người hiểu được bản chất thiêng liêng hay cao quý trong chính họ, họ không còn đòi hỏi phải có một mục đích trong cuộc sống nữa, vì họ nhận ra rằng họ là chính mục đích ấy. Người biết suy nghĩ hiểu rằng dòng lịch sử của nhân loại không được quyết định bởi những gì xảy ra trên trời, mà bằng những gì xảy ra trong trái tim của con người.

Đức Phật nói rằng không có chúng sinh siêu nhiên nào khác cao hơn con người hoàn thiện. Con người có thể và chắc chắn sẽ nâng mình lên trên những giới hạn của cá tính, nhưng họ không thể vượt lên trên những quy luật và những đặc tính chính của chủng loại của anh ta.

 

Tại Sao Lại Sợ Giã Từ Cuộc Đời Này?

Đối với hầu hết mọi người, cái chết là một sự kiện trái ý. Với bao nhiêu khao khát còn cần được thoả mãn, với chuyện sống chưa hoàn toàn chấm dứt dù có gặp muôn vàn khổ đau. Con người vẫn cảm thấy dễ chịu với ảo tưởng về hạnh phúc hơn là với hiện thực của cái chết. Nếu họ có phải nghĩ chút nào về nó, thì việc đó cũng chỉ có một chỗ (nhỏ) trong giờ thứ mười một mà thôi.

Những chấp đắm vào cuộc sống trần tục như vậy tạo ra một tâm lý sợ hãi không lành mạnh về cái chết. Nhưng sự thực thì mọi kiếp sống chỉ là khổ đau. Chết là một hiện tượng tự nhiên và không thể tránh khỏi. Nó không đáng sợ bằng phân nửa ý nghĩ về chính cái chết. Tâm có một khả năng của riêng nó để tạo ra và vẽ vời thêm thắt những hình ảnh sai lầm về cái chết.

Lý do là, một cái tâm không tu tập để thấy cuộc sống với tất cả những tính chất vô thường và bất toại nguyện của nó, có thể chấp trước vào những ảo tưởng cũng như người chết đuối ngay cả một cọng rơm mong manh cũng sẽ bám vào vậy. Nó tạo ra một nỗi lo lắng băn khoăn, thậm chí đối với cả những người nhiệt thành cầu nguyện một đấng siêu nhiên tưởng tượng nào đó, để được tha thứ và ban cho một nơi trên cõi trời khi cuộc sống dường như vô vọng. Tất nhiên tâm lý sợ chết chỉ là sự thể hiện của bản năng tự bảo tồn. Nhưng vẫn có một cách để khắc phục tâm lý ấy. Bạn hãy làm một công việc phục vụ vị tha nào đó để có được niềm hy vọng và sự tự tin vào lúc chết. Lòng vị tha có khả năng thanh lọc những luyến ái ích kỷ.

Thanh tịnh tâm, không chấp trước vào các pháp thế gian, sẽ bảo đảm một cuộc từ biệt cõi đời này trong an vui hạnh phúc. Chính việc thường xuyên quán niệm sự chết để hiểu được tính chất vô thường của cuộc sống, và có trí tuệ để sửa lại cách sống lầm lạc, sẽ loại tâm lý sợ hãi ra khỏi cái chết. Củng cố tâm để đương đầu với những sự kiện và hiện thực của cuộc sống. Tránh những tham vọng hư ảo và không thể thực hiện được. Phát triển lòng tự tin. Lúc đó bạn sẽ thấy thoải mái hơn khi tìm cách giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. ‘Khi bạn sinh ra, bạn khóc còn thế gian thì vui sướng. Hãy sống cuộc đời bạn như thế nào để khi bạn chết, thế gian sẽ khóc, còn bạn thì được giải thoát khỏi khổ đau.’

Mặt khác, chúng ta phải hiểu rằng sự sống không chấm dứt hay chết. Khi thân xác vật lý này không còn thích hợp để giữ lại nữa sự sống giã biệt thân. Hiện tượng đó gọi là chết. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chấm dứt của sự sống. Sự sống đã ra đi ấy lại bắt đầu xây dựng một căn nhà hay thân xác khác để trú ngụ hợp theo Nghiệp (kamma) tốt hay xấu trong quá khứ của nó.

Những Nguyên Tắc Tôn Giáo Là Quan Trọng

Là con người, chúng ta có trách nhiệm giữ gìn một vài nguyên tắc tốt đẹp vì lợi ích của bản thân chúng ta cũng như vì lợi ích của mọi người. Điều này dễ hiểu bởi vì khi chúng ta giữ giới (những nguyên tắc đạo đức), chúng ta cũng bảo vệ cho người khác. Bao lâu chúng ta chưa hoàn hảo, nếu chúng ta muốn có những người láng giềng tốt, chúng ta phải bảo đảm rằng chúng ta có một hàng rào vững chắc, nếu không nó sẽ dẫn đến những cuộc cãi vả, rầy rà và hiểu lầm.

Khi chúng ta dựng lên một hàng rào hay một bức tường vững chắc, chúng ta không chỉ bảo vệ căn nhà của chúng ta và gia đình của chúng ta thôi, mà đồng thời chúng ta cũng còn bảo vệ cho nhà cửa của những người lân cận nữa. Việc giữ giới của chúng ta cũng giống y như vậy. Khi chúng ta quyết định không sát sanh hay làm hại người khác, chúng ta đã cho phép mọi người sống một cách bình yên không sợ hãi.

Đó là sự đóng góp cao nhất chúng ta có thể làm cho những người khác. Chúng ta cũng sẽ chấm dứt việc dối trá hay lừa đảo người khác để họ có thể sống bình yên không sợ hãi và nghi ngại. Nếu chúng ta biết cách làm thế nào để chu toàn những bổn phận và trách nhiệm của chúng ta, chúng ta đã giữ gìn được nhân phẩm và sự hiểu biết của mình. Lẽ đương nhiên, khi làm như vậy, chúng ta giữ gìn được sự bình yên, hoà hợp và an tịnh trong cuộc sống của chúng ta nữa.

Thế nhưng, như trong bài thơ ‘Bức Tường Đang Sửa’ thật dễ thương của mình, Robert Frost có nói, nếu bản chất của chúng ta tốt, và bản chất của những người láng giềng của chúng ta cũng tốt, thì hàng rào kia sẽ trở thành thừa thãi. Một vài xã hội gọi là nguyên thủy ngày xưa thực sự đã sống những cuộc sống lý tưởng như vậy. Nói gì thì nói về phần chúng ta, đặc biệt trong những xã hội thị thành, những hàng rào tôn giáo để bảo vệ bản thân chúng ta và những người khác vẫn là điều cần thiết.

Để làm được điều này chúng ta phải giữ những quy tắc của tôn giáo hay giữ giới (sīla). Sīla có nghĩa là kỷ luật để rèn luyện tâm. Chúng ta rèn luyện bản thân bằng việc giữ một vài nguyên tắc tôn giáo, biết rõ những nguy hiểm của việc vi phạm chúng. Có một sự khác nhau giữa những giới luật của đạo Phật và những điều răn hay giáo luật của các tín ngưỡng khác. Nhiều người tuân thủ những nghĩa vụ tôn giáo của họ là do sợ sự trừng phạt. Có lẽ nếu không có sự đe doạ của hoả-ngục rất có thể nhiều người sẽ không tuân giữ những giáo luật của họ một cách nghiêm túc đâu.

Tuy nhiên người Phật tử tuân theo những nguyên tắc tôn giáo của mình bằng cách tránh xa những việc làm ác vì biết những việc làm ấy là sai. Dĩ nhiên chúng ta cũng cần phải thêm vào chữ thận trọng ở đây. Bởi vì khi một người tự gọi mình là Phật tử không có nghĩa là họ tự động được xem là trong sạch! Một người Phật tử chân chính là người thực lòng hành theo Lời Dạy của Đức Phật để làm cho mình trở thành một con người Cao Quý. Điều này đòi hỏi phải có nhiều sự trung thực và nỗ lực cố gắng.

Các bậc thầy tôn giáo luôn luôn chủ trương rằng hạnh phúc của con người không phụ thuộc vào sự thoả mãn những thèm khát và dục vọng của thể xác, hay vào sự thu thập của cải vật chất. Sự thực này có lẽ cũng được thấy rõ qua kinh nghiệm thực tiễn của con người. Cho dù chúng ta có được tất cả những lạc thú trần gian đi nữa, chúng ta vẫn không thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên nếu tâm chúng ta bị ám ảnh không ngừng với lo lắng và sân hận, phát sinh từ cái nhìn vô minh về bản chất của hiện hữu.

Hạnh phúc thực sự không thể được định nghĩa dưới hình thức giàu sang, quyền lực, con cái, danh vọng hay những phát minh. Những thứ này tất nhiên có thể dẫn đến một sự thoải mái tạm thời nào đó về thể xác song không thể đưa đến hạnh phúc theo nghĩa tối hậu (hạnh phúc trường cửu). Điều này đặc biệt đúng khi những sở hữu ấy có được một cách bất chính hay do biển thủ, thụt két. Chúng trở thành cội nguồn của khổ đau, tội lỗi và sầu muộn cho người sở hữu nó hơn là hạnh phúc.

Những cảnh sắc hấp dẫn, những khúc nhạc say mê, những mùi thơm, vị ngon và những xúc chạm thân thể quyến rũ đã đánh lừa và làm cho chúng ta lầm lạc để rồi cuối cùng trở thành những kẻ nô lệ cho những lạc thú thế gian ấy. Dĩ nhiên sẽ không ai phủ nhận rằng có hạnh phúc nhất thời trong sự chờ đợi, hy vọng cũng như trong sự thoả mãn các giác quan, song những thú vui ấy chỉ tồn tại một thời gian ngắn mà thôi. Khi nhìn lại quá khứ, người ta có thể hiểu ra bản chất phù du và bất toại nguyện của những lạc thú đó, và chính cái nhìn ấy sẽ lót đường cho một sự hiểu biết tốt hơn về hiện thực này.

Nếu những sở hữu vật chất là điều kiện tiên quyết của hạnh phúc, thì giàu sang và hạnh phúc sẽ là đồng nghĩa.

Giàu sang không thể dập tắt được cơn khát cháy bỏng của tham ái. Có thể chúng ta không bao giờ cảm nhận được hạnh phúc nếu chúng ta chỉ biết tìm cách để thoả mãn những ước muốn thú vật thô thiển của chúng ta, hay tìm cách để thoả mãn nhu cầu của chúng ta đối với những thú vui ăn uống và tình dục. Nếu hạnh phúc là vậy, thời với những tiến bộ to lớn mà con người thành tựu trong mọi lĩnh vực, thế gian hẳn có thể vững bước trên con đường đi đến hạnh phúc hoàn toàn về mọi mặt rồi. Nhưng điều này rõ ràng không phải vậy.

Những khát khao vật chất có thể không bao giờ được thoả mãn một cách tuyệt đối bởi vì ngay lúc chúng ta có được điều chúng ta mong muốn, chúng ta sẽ cảm thấy không thoả mãn với nó và liền ao ước một cái gì khác. Khi những đổi thay và biến hoại xảy ra trong rất nhiều cái mà chúng ta đắm trước, chúng ta cũng cảm thấy không hạnh phúc.

Rõ ràng sự hưởng thụ các dục lạc không phải là hạnh phúc đích thực. Chân hạnh phúc chỉ có thể phát sinh từ sự giải thoát hoàn toàn của tâm. Cội nguồn của hạnh phúc không ở thân xác: nó phải được tìm thấy trong một cái tâm không còn những xáo trộn tâm lý. Châu báu thế gian là vô thường nhưng châu báu siêu thế như tín (đức tin), giới, lòng quảng đại, chân thật, và trí tuệ là bất diệt. Gắn bó tình cảm, sân hận và ghen tỵ làm mất phẩm giá con người; nhưng từ ái, hoan hỷ, và một thái độ không định kiến, thiên vị sẽ làm cho họ trở nên cao thượng, thậm chí thánh nhân ngay trong kiếp sống này.

Chỉ có xoay những tư duy vào bên trong thay vì hướng ra ngoài con người mới có thể phát triển và duy trì sự bình yên tâm hồn của mình. Hãy nhận biết rõ những nguy hiểm và cạm bẫy của tham, sân, si — những năng lực huỷ diệt. Học cách trau dồi và giữ vững những năng lực nhân từ của thương yêu và hoà hợp. Bãi chiến trường nằm ở bên trong chúng ta, và chính ở đây chúng ta phải đánh trận đánh quyết liệt và phải chiến thắng. Trận đánh không đánh bằng vũ khí, mà bằng sự nhận biết của tâm về tất cả những năng lực tiêu cực và tích cực bên trong chúng ta. Sự nhận biết hay chánh niệm này là chiếc chìa khoá để mở cánh cửa từ đó những tư duy xung đột và tranh chấp cũng như những tư duy thiện ngoi lên.

Tâm là cội nguồn tối hậu của mọi hạnh phúc và khổ đau. Để có hạnh phúc trên thế gian, tâm của mỗi cá nhân trước hết phải có sự bình yên và hạnh phúc đã. Hạnh phúc cá nhân dẫn đến hạnh phúc của xã hội, trong khi hạnh phúc của xã hội có nghĩa là hạnh phúc của quốc gia. Và hạnh phúc của thế giới được xây dựng trên chính hạnh phúc của các quốc gia này.

Từ những bài học của cuộc sống, một điều rõ ràng là chiến thắng đích thực không phải do tranh giành mà có được. Thành công chưa từng thành tựu bằng sự xung đột. Hạnh phúc không bao giờ cảm nhận bằng sự oán giận. Bình yên không đạt được bằng tích chứa của cải hay quyền lực thế gian. Bình yên có được nhờ biết buông bỏ tính ích kỷ và giúp thế gian với những hành động của từ ái và yêu thương của chúng ta. Chính sự bình yên trong tâm hồn này sẽ chiến thắng mọi thế lực đối nghịch. Nó cũng giúp chúng ta duy trì một cái tâm lành mạnh và sống một cuộc sống phong phú, mãn nguyện của hạnh phúc và tri túc.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn