4 - Con Không Bao Giờ Có Thể Thực Hiện Được Ước Mơ Của Con

21 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 8167)

SỐNG CHẾT CỦA KRISHNAMURTI
MỘT TIỂU SỬ VIẾT BỞI MARY LUTYENS
THE LIFE AND DEATH OF KRISHNAMURTI

A BIOGRAPHY BY MARY LUTYENS
Lời dịch : Ông Không – Tháng 7-2009

 

4

 

Con không bao giờ có thể

thực hiện được ước mơ của con

 

Thoạt đầu Krishna sống ở Paris cùng hai người huyền bí học và hội viên của Vì Sao, Madame Blech và chị của bà, và vì nhớ Lady Emily, anh buồn bã ghê lắm và vỡ mộng với vai trò của anh. Anh viết cho Lady Emily vào ngày 1 tháng hai: ‘Con không bao giờ có thể thực hiện được ước mơ của con, nó càng tuyệt vời bao nhiêu nó càng gây buồn thảm và không thể thành tựu bấy nhiêu. Mẹ biết ước mơ của con, thưa mẹ, là ở cùng mẹ mãi mãi. Nhưng con là một lusus naturae (một kỳ dị của thiên nhiên) và thiên nhiên ưa thích kỳ dị của nó trong khi kỳ dị lại đau khổ. Và mười ngày sau: ‘Ôi! Mẹ ơi, con còn trẻ, con phải lớn lên cùng đau khổ như người đồng hành vĩnh viễn của con hay sao? Mẹ đã có tuổi thanh niên và hạnh phúc của mẹ và mẹ đã có điều đó mà có thể được trao tặng bởi con người và Thượng đế, một tổ ấm!’

 Một trong những người đầu tiên Krishna gặp ở Paris là Fabrizio Ruspoli. Ruspoli đã gia nhập lại hải quân khi chiến tranh bùng nổ và lúc này ở Paris như người đứng đầu của đoàn đại biểu Hải quân Ý dự Hội nghị Hòa bình. Trong một lá thư ngày 11 tháng hai, Krishna kể cho Lady Emily:

 

Ruspoli và con ăn trưa tại một nhà hàng nhỏ. Ông và con nói chuyện lâu lắm. Ông cũng rất bực dọc giống như con . . . Người bạn cũ Ruspoli tội nghiệp. Ông lúc này 42 tuổi, cảm thấy không cửa không nhà, không tin tưởng bất kỳ điều gì C.W. L (Lead beater) hay Mrs Besant đã nói . . . Ông không biết phải làm gì, ông không có tham vọng. Thật ra cả ông và con đều ở chung con thuyền bất hạnh . . . Ông suy nghĩ và cảm thấy tất cả mọi điều mà con cảm thấy, nhưng khi ông nói Sẽ phải làm gì? Cả hai đều cảm thấy đau khổ.

 

Nhưng chẳng mấy chốc sống của Krishna sẽ được vui vẻ bởi một gia đình được gọi là de Manziarly sống gần gia đình Blechz. Madame de Manziarly, một phụ nữ Nga kết hôn với một người Pháp, là một phụ nữ nhỏ nhắn, xinh đẹp và rất mạnh mẽ, có ba con gái và một cậu trai, tất cả những người con bà đã cho gia nhập thành hội viên của Star khi họ còn bé thơ. Chỉ hai cô gái nhỏ, Marcelle và Yolande (được gọi là Mar và Yo), có tuổi mười chín và mười lăm, ở Paris vào thời gian đó. Mar, một nhạc sĩ dương cầm giỏi và một người sáng tác, trở thành người bạn đặc biệt của Krishna. Madame dạy tiếng Pháp cho anh, đưa anh đến những cuộc triển lãm, đến Comedie – Francaise và đến Russian Ballet, nhưng việc anh thích nhiều hơn là dự những buổi picnic với hai cô gái có một sự pha trộn của đùa giỡn lẫn tôn trọng. Dẫu vậy, anh bị bối rối khi nhận thấy rằng gia đình này và bạn bè của họ cảm thấy được truyền ‘hưng phấn’ bởi anh, rằng anh là ‘một ngọn lửa sống’ đối với họ. Như anh kể cho Lady Emily, họ muốn thấy những ‘Bậc Thầy’ trái lại ‘con, như mẹ biết, chẳng thèm màng đến’. Tuy nhiên anh đã có một trải nghiệm huyền bí mà anh kể cho Lady Emily:

 

Bỗng nhiên trong khi bà (Madame de Manziarly) đang nói, con trở nên không ý thức được bà và căn phòng và tất cả mọi thứ. Có vẻ như thể là con ngất xỉu được một giây và con quên điều gì con đang nói và con yêu cầu bà lặp lại điều gì con đang nói. Tuyệt đối không thể diễn tả được, mẹ à. Con cảm thấy như thể đầu óc và tinh thần của con được mang đi khỏi trong một giây và con cảm thấy kỳ lạ nhất, con bảo đảm với mẹ. Mme de M. luôn luôn đang nhìn con và con nói rằng con cảm thấy rất kỳ lạ và con nói ‘Ôi! Căn phòng rất nóng, phải không?’ Bởi vì con không muốn bà ấy nghĩ con được ‘truyền hưng phấn’ hay bất kỳ cái gì thuộc loại đó nhưng giống hệt nhau con ‘cảm thấy’ thực sự được truyền hưng phấn và rất kỳ lạ . . . Con phải nhổm dậy và đứng một chốc lát và tập hợp lại những ý tưởng của con. Con bảo đảm với mẹ, thưa mẹ, nó là sự kiện kỳ lạ nhất, kỳ lạ nhất. Trong chính chúng ta tuyệt đối, trong ngôn ngữ của Theosophy, có người nào đó hiện diện ở đó nhưng con đã không bảo cho bà ấy.

 

Tháng hai 1920 Nitya thăm Krishna ở Paris, và em lẫn Madame de Manziarly đều trở nên rất ưa thích nhau. Nitya cảm thấy rằng rốt cuộc em đã có người nào đó để lo lắng cho em như chính em chứ không phải như người em của Krishna. Chồng của Madame de Manziarly chết vào tháng hai, sau đó bà có thể hết lòng giúp đỡ Krishna lúc này đang sống một mình trong một căn gác mái nhỏ xíu. Tháng bảy Krishna đi cùng gia đình Manziarly trong hai tháng đến Amphion trên Geneva Lake, nơi họ có một ngôi nhà. Trong thời gian anh ở đó, anh đọc cho những cô gái nghe quyển The Buddha’s Way of Virtue Con đường Đạo đức của Phật mà khơi dậy trong anh một vài niềm tin cũ của anh. Đoạn văn tác động vào anh nhiều nhất là: ‘Tôi là tất cả chinh phục và tất cả hiểu biết, không bị lệ thuộc, không bị ô uế, không bị giới hạn, hoàn toàn được tự do khỏi sự hủy hoại của ham muốn. Tôi sẽ gọi ai là người thầy? Chính tôi đã tìm được con đường.’

 Thời gian này tại Amphion có thể là kỳ nghỉ bình thường hạnh phúc nhất mà Krishna đã trải qua. Anh buồn bã vì Lady Emily không thể có mặt ở đó. Anh viết ‘Mẹ sẽ tận hưởng mọi hân hoan và trẻ thơ đến chừng nào.’ Đặc biệt anh muốn Lady hiện diện cùng anh trên một chuyến đi đến Chamonix. ‘Những hòn núi đó trông thật uy nghi và bình lặng . . . con ao ước mẹ trông thấy chúng mà đối với con là hiện thân của chính Thượng đế.’ Đây là sự tỉnh thức đầu tiên của anh về những hòn núi, mà anh không bao giờ mất đi tình yêu và sự kính trọng của anh đối với chúng.

 Thời gian này Krishna nghe rằng Raja lại ở Anh, đem theo cùng ông, để đi đến Cambridge, một môn đồ cũ của Leadbeater. Rajagopalacharya (Rajagopal), một thanh niên trẻ hai mươi tuổi, nói đã là St Bernard trong một đời trước và sẽ có một tương lai tuyệt vời. Như anh nói với Lady Emily, anh nghĩ rằng lúc này Raja ở đó, tất cả những cuộc đời quá khứ và những bậc huyền bí trên Con đường sẽ bắt đầu lại. Anh đã được kể lại, Raja muốn bắt đầu một loại nghi thức nào đó trong Theosophical Society. ‘Con sẽ viết cho Raja và nói với ông ấy rằng nếu ông ấy còn sử dụng nghi thức sai trái đó trong Star, đối với con tất cả đều giống hệt … Con nghĩ rằng ông ấy tin điều gì Lady D (De La Warr) nói về chúng con và nợ nần của chúng con . . . Nếu ông ấy đã nói với con rằng họ đã tiêu tốn nhiều tiền trong ‘giáo dục’ (?) con và rằng con phải bồi hoàn nó bằng ‘sự phục vụ’ cho The T. S. (The Theosophical Society), vậy thì con sẽ nói với ông ấy rằng con không bao giờ yêu cầu ông ấy đưa con rời khỏi Ấn độ và vân vân. Dẫu sao chăng nữa, tất cả điều đó đều vớ vẩn và con chán ngấy nó.’

 Krishna còn bực bội hơn nữa khi Raja gửi cho anh một ấn bản đưa trước của tờ Disciple Môn đồ, một tập san được phát hành bởi The Esoteric Section of The Theosophical Society. Anh viết cho Lady Emily:

 

Tóc của con dựng đứng . . . như mẹ biết con thực sự có tin tưởng những Bậc Thầy và vân vân nhưng con không muốn điều đó được biến thành lố bịch . . . tờ Disciple là tờ báo quá tầm thường và đen tối . . . Con đang ở trong tâm trạng nổi loạn nhất như mẹ có thể tưởng tượng được và theo cá nhân con không muốn lệ thuộc vào bất kỳ thứ gì mà con xấu hổ . . . nếu (gạch dưới bốn lần) con phải giữ một vị trí chính trong T. S. nó sẽ là bởi vì con không là (điều gì) những người khác suy nghĩ về con hay đã tạo ra một vị trí cho con.

 

Nhưng anh không biểu lộ sự nổi loạn này cho Mrs Besant biết – chỉ có sự thành tâm mà anh luôn luôn cảm thông với bà. Viết cho Mrs Besant vào sinh nhật lần thứ bảy mươi ba của bà vào tháng chín, anh bày tỏ điều này bằng tất cả tấm lòng của anh. Anh cũng kể cho bà rằng bây giờ anh có thể đọc và hiểu tiếng Pháp dễ dàng và anh dự tính đến Sorbonne để theo môn triết học.

 Cuối tháng chín, Krishna ở cùng Nitya được một tuần trong một căn hộ khác ở Adelphi. Anh thấy Raja nhiều lần và gặp Rajagopal mà anh nhận xét là ‘một cậu trai rất dễ mến’. Trong suốt những ngày ở London đó trước khi quay lại Paris vào tháng chín, sự quan tâm The Order of The Star được đánh thức lại, chắc chắc do ảnh hưởng của Raja, và anh đảm nhận viết những bài biên tập hàng tháng cho tờ Herald mà Lady Emily vẫn còn đang làm chủ bút. Những bài này gây áp lực nhiều cho anh, và sự sợ hãi của anh mỗi lúc một nhiều hơn, nhưng nó tạo ra sự khác biệt lớn cho việc phát hành tờ tạp chí đang gặp khó khăn về tài chánh. Chính Krishna đã viết để yêu cầu những giúp đỡ và tiền bạc gửi đến đủ để tiếp tục công việc. Khi người con trai Robert của Lady Emily, lúc này là phóng viên chuyên nghiệp, trở thành người chủ bút của nó, tờ tạp chí kiếm được nhiều lãi.

 Trở lại Paris, Krishna theo học tại trường Sorbone và cũng, theo lời khuyên của Lady Emily, dự những lớp học diễn thuyết trước công chúng, và vào cuối tháng tình nguyện diễn thuyết tại một cuộc họp mặt của Theosophy. Anh kể lại rằng anh ‘run rẩy vì lo lắng’ trước đó nhưng ngay khi ở trên bục giảng anh lại ‘bình thản như một diễn giả kinh nghiệm . . . người ta vỗ tay và cười toe toét . . . lúc này con đang nói vì con thích nó và con sẽ rất vui mừng vì con phải làm nó vào ngày nào đó’. Đây là một bước quan trọng trong sự phát triển của anh.

 Krishna viết cho Mrs Besant vào tháng giêng năm 1921 rằng tiếng Pháp của anh đang ‘tấn tới’ và anh học tiếng Phạn mà ‘sẽ hữu dụng ở Ấn độ’, thêm vào ‘ao ước duy nhất của con trong sống là làm việc cho Mẹ và Theosophy. Con sẽ thành công. Con muốn ra ngoài đến Ấn độ khi Raja báo cho mẹ và nhận nhiệm vụ của con trong công việc.’ Tuy nhiên, anh không bao giờ học tiếng Phạn, và anh hầu như không bao giờ học tại trường Sorbone. Vào đầu tháng hai anh bị bệnh viêm cuống phổi rất nặng và Madame de Manziarly chuyển anh từ một khách sạn nhỏ rẻ tiền nơi bây giờ anh đang ở đến căn hộ riêng của bà ở Rue Marbeuf để bà và các con gái chăm sóc anh. Cùng lúc, Nitya ở London bị một dạng vi rút bệnh thủy đậu. Khi hai anh em khỏe hơn, họ cùng nhau đến Antibes một mình trong ba tháng để hồi phục sức khỏe. Ở đó Krishna có thời gian để nhìn lại anh nghiêm túc như anh kể cho Lady Emily vào tháng ba:

 

Con đã suy nghĩ nhiều về The Order và The T. S. (Theosophical Society) Nhưng trên tất cả mọi thứ là con – chính con. Con phải tìm được chính con và vậy là chỉ đến lúc đó con mới có thể giúp đỡ những người khác. Thật ra, con phải đưa The Old Gentlement (diễn tả của Ruspoli về cái ngã hay cái tôi cao hơn) xuống và nhận trách nhiệm nào đó. Thân thể và cái trí không đủ mức độ tinh thần và bây giờ con phải đánh thức chúng cho nơi cư trú ‘của ngài’. Nếu con muốn giúp đỡ, con phải có sự đồng cảm và sự hiểu rõ trọn vẹn lẫn tình yêu vô hạn cho tất cả. Con đang sử dụng cụm từ cũ kỹ nhưng đối với con chúng là mới mẻ.

 

 Vì Krishna vẫn còn yếu ớt lắm khi anh quay lại Paris, Madame de Manziarly đưa anh đến gặp một người bạn của bà theo ‘thuyết tự nhiên’, Dr Paul Carton, buộc anh thực hiện một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt và anh tuân theo chu đáo. Mặc dù Krishna luôn luôn là người ăn chay và không bao giờ sờ đến rượu, trà hay cà phê, anh tiếp tục thử những món ăn mới suốt đời nhưng không bám vào chúng quá lâu. Vào tuổi già, anh hầu như là một cửa hàng bán thuốc đầy vitamin và những thực phẩm lẫn thuốc men bổ dưỡng khác.

 Một thay đổi quan trọng xảy đến cho cuộc đời của cả hai anh em. Tháng năm người ta phát hiện rằng Nitya bị vết nám trong phổi. Ngay khi Krishna nghe điều này, anh gọi Nitya đến Paris để được điều trị bởi Dr Carton mà khẳng định rằng cách duy nhất để chữa khỏi em là điều trị em như thể tại những giai đoạn cuối cùng của bệnh lao; vì vậy Madame de Manziarly đưa em đến Boissy - St - Leger gần Paris để hoàn toàn nghỉ ngơi, nơi một ngôi nhà được giao cho họ toàn quyền sử dụng. Đó là sự kết thúc mọi mơ tưởng trở thành một luật sư của em.

 Mrs Besant ở Paris vào tháng bảy cho một Hội nghị quốc tế của Huyền bí học, được tiếp theo bởi Đại hội đầu tiên của The Order of The Star in The East, mà Nitya được cho phép tham dự. Lúc này Order có 30.000 hội viên, trong số đó 2.000 người tham dự Đại hội. Mrs Besant và Krishna cùng nhau khai mạc Hội nghị ở Pháp, sau đó Krishna đảm trách mọi công việc. Cả Mrs Besant lẫn Nitya đều kinh ngạc và hài lòng bởi phương cách Bậc Thầy mà anh điều khiển. Mrs Besant viết trong ấn bản tháng chín của tờ Theosophist rằng ‘anh gây kinh ngạc tất cả mọi người hiện diện vì nắm bắt những câu hỏi rất kỹ càng, và sự vững chắc khi điều khiển những cuộc thảo luận . . . nhưng điều Vĩ đại nhất về anh là niềm tin mãnh liệt về Sự thật và Quyền năng vô hạn của Thượng đế được Giấu giếm trong mọi con người, và, đối với anh, về những kết quả không tránh khỏi khi có sự hiện diện của Thượng đế.’

 Hai anh em trải qua tháng tám cùng Madame de Manziarly, Mar và Jo tại Boissy-St – Leger, nơi Lady Emily, chị Betty của tôi và tôi, bây giờ đã mười lăm và mười ba tuổi, tham gia cùng họ trong một ngôi nhà khác. Rajagopal cũng thuộc nhóm người, ở cùng chúng tôi, cũng như John Cordes người đã trông nom sự tập luyện thân thể của Krishna tại Adyar. Nitya, đang lên cơn sốt, sống một cuộc sống vô giá trị trong khi số còn lại của chúng tôi chơi rounders mỗi buổi chiều và những trò chơi trẻ em trong vườn của chúng tôi vào buổi tối, như là bịt mắt bắt dê, trốn tìm, chen lẫn những tiếng cười ngặt nghẽo. Krishna trao toàn tâm trí vào những trò chơi này như thể anh chẳng thèm quan tâm đến bất kỳ điều gì khác nữa. Bởi vì đã bị tước đoạt tất cả những vui nhộn như thế trong tuổi niên thiếu, có vẻ anh không thể sống bù lại hết vào lúc này.

 Trước khi Mrs Besant trở lại Ấn độ, bà đã quyết định rằng Krishna và Nitya phải ở đó cùng bà vào mùa đông năm đó để Krishna bắt đầu sứ mệnh của anh. Nhưng trước tháng chín Nitya lại còn bệnh nặng thêm, vì vậy, được tháp tùng bởi Cordes, Krishna đưa em đến Villars ở The Swiss Alps. Vào giữa tháng, để Nitya ở với Cordes tại Villars, Krishna đến ở cùng Baron van Pallandt người muốn trao tặng Krishna ngôi nhà đẹp của tổ tiên từ đầu thế kỷ thứ mười tám của ông, Castle Eerde, gần Deventer ở Holland, kèm theo 5.000 mẫu đất rừng. Trên đường đi, Krishna ngừng tại Amsterdam nơi anh gặp một thiếu nữ mười bảy tuổi người Mỹ xinh đẹp, Helen Knothe, đang ở cùng bà cô người Holland theo Theosophy và đang học vĩ cầm. Lần đầu tiên anh biết yêu.

 Ngay sau khi Krishna trở lại Villars, do bởi sức khỏe của Nitya cho phép, mọi người sắp xếp hai anh em sẽ đến Marseilles và từ đó đi Bombay vào ngày 19 tháng mười một. Sức khỏe của Nitya đã cải thiện rõ ràng, và gần cuối tháng mười Madame de Manziarly đưa cậu đến Leysin để xin ý kiến một chuyên gia về bệnh phổi nổi tiếng, Dr Rollier, mà, bất hạnh thay, tuyên bố anh ấy đủ sức khỏe để đi đến Ấn độ. Trong thời gian đó Krishna, sau mười lăm ngày ở London để từ giã mọi người, đi đến Holland một tuần lễ cho một Hội nghị của Theosophy và Star. Ở đó Krishna gặp lại Helen và bị say đắm trong tình yêu sâu đậm thêm. Ở Paris, vào ngày trước khi khởi hành đi Marseilles anh viết cho Lady Emily:

 

Con rất đau khổ vì con sắp sửa phải xa mẹ và Helen trong một thời gian dài. Con đang yêu ghê lắm và đó là một hy sinh quá to tát về phía con nhưng không thể làm được điều gì cả. Con cảm thấy như thể con có một vết thương đau đớn vô cùng bên trong con . . . Con nghĩ, con biết, cô ấy cũng cảm thấy như thế, nhưng liệu có thể làm được gì đây . . . Mẹ không biết được con đang cảm thấy như thế nào đâu. Con đã chưa bao giờ nhận ra tất cả điều này trước kia và nó có nghĩa gì . . . ‘Dư thừa những mong ước vẩn vơ. Nó đã tiêu tốn thời gian đến chừng nào.’ Người ta bị đau khổ đến chừng nào!! Thượng đế ban phước cho mẹ.

 

Hai anh em nhận được sự đón tiếp như vua chúa khi họ đến Bombay và Adyar. Tại Adyar, Mrs Besant đã xây sẵn cho họ căn phòng riêng với một hàng hiên, trên tầng cao của một ngôi nhà được nối với tòa nhà Bộ Chỉ huy nơi chính bà sống, và có tầm nhìn khắp Adyar trải dài hướng con sông cho đến nơi nó nhập vào biển cả. Cả hai nghĩ Adyar là nơi đẹp nhất mà họ đã từng thấy. Krishna đặc biệt tận hưởng vẻ đẹp khi dạo bộ về hướng biển lúc hoàng hôn qua cánh rừng dừa. Họ đã thay đổi thành y phục Ấn độ ngay khi họ đến Bombay. (Krishna luôn luôn mặc quần áo Ấn độ khi anh ở Ấn độ và âu phục khi ở phương Tây, càng khó nhận diện hơn càng tốt. Nhưng thỉnh thoảng, vào những buổi tối, ở Châu âu anh thường mặc quần áo Ấn độ.)

 Ngay sau khi hai anh em đến Adyar họ đi đến thăm người cha sống ở Madras, phủ phục xuống và chạm chân người cha bằng trán của họ giống như những cậu con ngoan ở Ấn độ. Người cha già vui mừng khi thấy hai anh em đến độ trào nước mắt không thốt lên lời.[1]

 Hai anh em chỉ ở lại Ấn độ ba tháng rưỡi, trong suốt thời gian này họ đi cùng Mrs Besant đến nhiều vùng của quốc gia, và Krishna có một trong những giảng thuyết Hội nghị ở Benares. (Từ trước, cũng như tại bất kỳ thời gian nào trong sống của anh, anh không sử dụng bất kỳ ghi chép nào cho những nói chuyện của anh. Ở Benares anh gặp lại George Arundale, vừa kết hôn với một cô gái đẹp mười sáu tuổi theo đạo Bà la môn, Rukmini Devi – một cuộc hôn nhân tạo ra một khuấy động nhiều. Krishna cũng có một nói chuyện tại Adyar về ‘Người Thầy sắp đến’ mà tiên đoán chính xác tương lai: ‘Anh sẽ không giảng điều gì chúng ta muốn, cũng không cho chúng ta bất kỳ điều gì để xoa dịu những cảm giác của chúng ta mà tất cả chúng ta đều ưa thích, nhưng trái lại Anh sẽ đánh thức tất cả chúng ta tỉnh dậy dù chúng ta ưa thích nó hay không.)15

 Krishna không gặp Mrs Besant nhiều tại Adyar, vì bà dành mọi ngày trong văn phòng của tờ New India, tờ báo hàng ngày bà đã chủ biên từ năm 1915 ở Madras. Buồn và nhớ Helen, anh bị u uất bởi quá nhiều những nứt rạn vì ganh tị tại Adyar. Anh tổ chức những tiệc trà trong phòng của anh với một nỗ lực mang con người hòa hợp cùng nhau và ‘đập tan những phe phái của họ’. ‘Mọi người rất nóng lòng gặp con và nói chuyện với con và nhận lời khuyên từ con,’ anh kể cho Lady Emily, ‘Chỉ Thượng đế biết tại sao. Con không biết. Không, mẹ ơi, đừng lo ngại, con sẽ không có tánh tự cao.’

 Hầu như ngay khi hai anh em đặt chân đến Ấn độ, họ đã sắp xếp hai anh em sẽ tiếp tục đến Sydney, nơi Leadbeater vẫn đang sống như người đứng đầu của một cộng đồng, để tham dự một Hội nghị Theosophy vào tháng tư năm 1922. Sức nóng ẩm ướt của Colombo, từ nơi này họ đi tàu cùng Raja vào tháng ba, dẫn đến bệnh ho của Nitya một lần nữa, và anh hầu như không khỏe suốt chuyến hành trình. Tại Freemantle, Krishna nhận được một điện báo từ Perth nói rằng: ‘Huynh đệ của Vì Sao chào mừng bạn.’ Anh kể cho Lady Emily; ‘Con bị rùng mình thật lạnh ngay dưới lưng của con, ở đây người ta đang chờ đợi để nghênh đón con, mẹ có khi nào đã nghe một việc như thế – nghênh đón con – và con đang ước rằng con ở bất kỳ nơi nào khác ngoại trừ nơi này . . . nó sẽ như thế này suốt cuộc đời con. Ồ Thượng đế, con đã làm gì . . . Ô! Con ghét tất cả điều này như thế nào.’ Tuy nhiên trong bài viết của anh cho tờ Herald tháng bảy anh diễn tả rất mê mẩn vẻ đẹp của chuyến đi xe hơi từ Adelaide đến Berth, và sự hứng khởi khi ở trong một đất nước xa lạ, đến độ không ai có thể nhận thấy một mảy may nào về những cảm giác thực sự của anh.

 Tại Perth, Krishna phải trải qua sự ‘tra tấn’ của nói hai lần. Con chưa bao giờ muốn nói và tất cả mọi người đều hài lòng và cám ơn con về những điều con nói. Con ghê tởm mọi sự việc, tất cả mọi người đến gặp gỡ chúng con, những họp mặt và những chuyện vớ vẩn về sùng đạo. Tất cả đều trái ngược bản tính của con và con không thích hợp cho công việc. ‘Những con người của T. S.’ không hấp dẫn anh, anh viết; anh không cảm thấy anh phụ thuộc vào nhóm người của họ, tuy nhiên bên ngoài nó anh là một người kỳ dị thuộc một mức độ tột đỉnh.

 Leadbeater đón họ tại bến tàu ở Sydney và dường như hài lòng khi gặp họ cũng như họ hài lòng khi gặp ông sau mười năm. Nitya viết cho Ruspoli ‘Ông là một cụ già tuyệt vời. Ông không thay đổi gì cả, ngoại trừ rằng ông đã hòa nhã hơn . . . giống như tại Adyar ông luôn luôn tin tưởng mọi chuyện xảy ra, không bao giờ nêu ra một vấn đề để nghi ngờ, không bao giờ nêu ra một vấn đề mà bất kỳ ai có thể nghi ngờ.’ Dẫu vậy, một thay đổi quan trọng là bây giờ ông là một giám mục trong Giáo hội Thiên chúa giáo tự do, một khai trừ của Giáo hội Thiên chúa giáo cổ, hay Jasenist, mà khẳng định sự chuyển giao quyền lực. Ông mặc một áo thầy tu màu đỏ, dài, một thánh giá trang sức to trước ngực và đeo một chiếc nhẫn của giám mục, và dành hầu hết thời gian tiến hành những buổi lễ tôn giáo mà Krishna chê trách. Krishna tham dự một buổi lễ vì lịch sự và gần như bị ngất xỉu vì nhàm chán.

 Nitya đi khám bệnh tại một bác sĩ ở Sydney mà phát hiện, bằng X - quang, rằng không chỉ phổi bên trái của anh bị bệnh nhưng phổi bên phải của anh lúc này cũng bị ảnh hưởng; anh được khuyên quay lại Thụy sĩ ngay lập tức để điều trị. Nếu đi theo đường Ấn độ sẽ gặp thời tiết quá nóng, vì vậy hai anh em quyết định đi theo đường San Francisco và ngắt ngang ở Ojai (được phát âm là O – high) Valley. Mr A. P. Warrington, tổng thư ký của Theosophy ở Mỹ, cũng ở Sydney cho Hội nghị, sẽ đi cùng họ. Ông có một người bạn huyền bí học, mà sẵn lòng cho họ mượn một ngôi nhà nhỏ trong ba hay bốn tháng. Thung lũng, gần Santa Barbara, cao 1.500 feet, được người ta nói có một khí hậu rất phù hợp cho những người bị bệnh ho lao. Trước khi rời Sydney, Krishna nhận một thông điệp chuyển qua Leadbeater từ Bậc Thầy Kuthumi mà anh chép lại và gửi cho Lady Emily:

 

Cũng vậy, về phần con, các Thầy có những hy vọng cao nhất. Hãy bền bỉ và tự khai triển và cố gắng từng giây phút đem cái trí và bộ não phục vụ cho cái Ngã thực sự bên trong nhiều hơn. Hãy khoan dung với những bất đồng quan điểm và phương pháp, bởi vì mỗi cái thường có một mảnh của sự thật được che giấu nơi nào đó bên trong nó, mặc dù trong nhiều trường hợp nó bị biến dạng đến độ không thể nhận ra được nữa. Hãy tìm kiếm tia sáng le lói nhất trong màn đêm mê muội của những cái trí dốt nát, bởi vì nhờ sự công nhận và thúc đẩy nó con có lẽ giúp đỡ một người em nhỏ bé.

 

Krishna bình phẩm: ‘Đó chính xác là điều gì con mong muốn vì con có khuynh hướng không khoan nhượng và không mong đợi người em!’

 Cả Krishna và Nitya đều bị mê hoặc bởi California. Sau khi được đưa đi thăm khắp Berkeley University, Krishna viết cho Lady Emily:

 

Sự hung hăng đó của giai cấp và màu da không tìm thấy được ở đây . . . Con quá xúc động đến độ con muốn đem vẻ đẹp vật chất của nơi này đến Ấn độ để cho chính những người Ấn độ biết làm thế nào tạo ra bầu không khí học tập thích hợp. Ở đây bầu không khí này đang thiếu sót, họ không được tôn vinh như chúng ta những người Ấn độ . . . ôi! để cho một trường đại học như thế được đưa qua Ấn độ, với những giáo sư của chúng ta mà tôn giáo quan trọng bằng, nếu không muốn nói rằng quan trọng hơn, (đúng nguyên văn) giáo dục.

 

Hai anh em ở một mình tại căn nhà bằng gỗ thông đẹp, nơi họ đến vào ngày 6 tháng bảy. Nó nằm xa hơn về cuối phía đông của thung lũng được vây quanh bởi những cánh rừng trồng lê và cam. Một phụ nữ đến phụ nấu bữa sáng và trưa cho họ nhưng họ đã thành thạo nấu món tối riêng của họ bằng trứng trộn và khoai tây chiên lát mỏng, mặc dù Heinz ‘đến nhà giúp rất hữu ích’. Mr Warrington ở trong một căn nhà khác gần bên. Mọi việc tiến triển tốt đẹp trong vài tuần đầu – họ đi xe trong những vùng núi và tắm trong con suối chảy xuống từ khe núi, hoàn toàn tận hưởng sự tự do khỏi mọi kềm hãm mà họ chưa bao giờ có trước kia. Sau đó Nitya bắt đầu sốt cao và ho dữ dội. Krishna lo lắng khi ở một mình cùng người em, đặc biệt lúc Nitya trở nên rất bực bội nếu anh cố gắng giúp em dịu cơn ho. Dường như quá may mắn khi một người bạn sống cùng người chủ nhà của họ, Mrs Gray, xuất hiện trong cuộc đời của họ. Đây là Rosalind Williams, một cô gái mười chín tuổi có mái tóc vàng dễ thương, dường như là một ý tá bẩm sinh. Cả hai cần đến cô ấy ngay tức khắc. ‘Em ấy rất vui vẻ, sẵn lòng và giúp Nitya giữ được tâm trạng dí dỏm mà rất cần thiết,’ Krishna kể cho Lady Emily. ‘Chị của em ấy là một người huyền bí học và vì vậy em ấy biết mọi điều và ngoài ra em ấy còn rất tử tế.’ Cô ấy được mẹ cho phép ở với Mrs Gray để chăm sóc Nitya. Từ đầu ta có thể hiểu được rằng cô ấy là bạn của Nitya hơn là bạn của Krishna. Krishna vẫn còn đang viết những thư tình cho Helen Klothe.

 Nhiều người thúc giục Nitya điều trị từ một cái máy được phát minh bởi một Dr Albert Abrams mà, Abrams khẳng định, có thể phân tích và chữa trị, từ vài giọt máu, nhiều căn bệnh, kể cả bệnh lao. Hai anh em quyết định thử phương pháp này, và những giọt máu của Nitya được gửi trên một miếng giấy thấm đến một học trò của Dr Abrams ở Los Angeles mà không có bất kỳ thông tin nào ngoại trừ cái tên. Hai ngày sau một báo cáo nhận được: TB trong phổi trái, hai quả thận và lá lách. Mr Warrington thu xếp thuê một trong những cái máy hiếm hoi này (một cái hộp đen được gọi là một Oscilloclast máy dao động biểu đồ) và Nitya ngồi nhiều tiếng đồng hồ một ngày với những cái đĩa dẹt nối với dây điện áp vào những vùng bị bệnh trong khi Krishna đọc O Henry và Kinh Cựu ước cho em. Những chứa đựng trong cái hộp này được giữ bí mật. Cái máy kêu lách cách giống như một cái đồng hồ lớn tiếng và không tạo cảm giác gì cả. 



[1] Narianiah chết vào tháng hai năm 1924. Cậu con cả, Sivaram, đã trở thành một bác sĩ và chết năm 1952, để lại bốn người con trai và bốn người con gái. Cậu em út của Krishna, Sadanand, sống với Sivaram cho đến khi cậu chết năm 1948. Với tuổi tác tinh thần của một đứa trẻ, cậu rất nô đùa, thích chơi những trò chơi, và được yêu quý nhiều bởi cháu trai lẫn cháu gái của cậu. (Thông tin từ cậu con cả của Sivaram, Giddu Narayan.)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn