Tiết 17 đến tiết 26

09 Tháng Tám 201614:45(Xem: 2093)

NHÂN QUẢ BÁO ỨNG
Tiểu thuyết Nôm viết bằng văn xuôi 1926
Nguyễn Văn Sâm
phiên âm và giới thiệu

TIẾT 17 ĐẾN TIẾT 26

Tiết 17[1]: (43b)

 

Mười vua Ngài đã hoàn cung, Tiên nữ còn ở lại đó, Địa phủ sai một đồng tử, cầm cờ dẫn hồn mà thôi, mẹ con Lưu Kinh tùy theo, Tiên nữ đi trước tiễn tống. Đường đi qua tòa Thất điện, thấy có cửa ngục Xác ma[2], cối đồng chày sắt ngổn ngang, còn vũng máu người ở đó, Lưu Kinh trông thấy mà khiếp, run chưn chẳng dám bước mau, Tiên nữ bảo rằng cứ đi, chằng có việc chi mà sợ[3].

(44b) Lại qua đến tòa Bát điện, giữa đường có sở Xứng Bạc 鉑), Tạo hóa đặt ra quả cân, thiện ác trèo lên là biết, như người ác nhân nhiều tội, trèo lên nặng đến ngàn cân, như người thiện nhân bình thường, trèo lên nặng chỉ bốn lượng. Tiên nữ trèo lên xem thử, thênh thênh chẳng nặng thí[4] nào. Lưu Kinh cũng thử trèo lên, nặng xuống đến hơn mười vạn.

45 a. b)

46a  hình Thập Điện Chuyển Luân Vương.

(46b) Trải qua một khoảng đường trường, mới đến âm dương giáp giới, mới thấy có tòa lầu gác, là Đức Vu Bà tôn thần, tôn thần chuyên giữ việc âm, chẳng cho trần gian lộ liễu, giữa đường đặt ra quán xá, như hàng bán nước trần gian.

Hễ phàm[5] các hồn đầu sanh, đến đó ai cũng phải nghỉ, khát nước ai cũng phải uống, uống rồi thời mới cho đi. Hồn nào chẳng uống mà đi, quân canh cố bắt cho uống. Mẹ con Lưu Kinh vừa đến, khát trông thấy nước đương thèm, quân canh lại rót đưa cho, Tiên nữ vội vàng ngăn lại.

Tôn thần thưa với Tiên nữ: ‘Thiên đình bớt tội nữa sao?’

Tiên nữ thưa lại Tôn thần: ‘Xin chẳng phải lo việc ấy, Phật chỉ cho tôi xuống độ, đưa hai hồn ấy đầu sanh, giữ cho nguyên tánh tỉnh táo, chẳng phải uống chi trà ấy.’

Bấy giờ: Tiên nữ đứng lên giục giã, mẹ con Lưu Kinh lại đi. Đi đến đầu xe chuyển luân, Tiên nữ ân cần dặn bảo: ‘Ấy nơi Địa phủ là thế, xin đừng có (47a) lúc nào quên, giữ sao cho được tính lành, chớ có thị thường tái phạm.’

Lưu Kinh nhân mới hỏi lại, rằng: ‘Khi khát muốn uống trà, sao mà ngăn lại chẳng cho, xin dẫn sự tình cho biết.’

Tiên nữ vừa than vừa nói: ‘Nước ấy là nước mê hồn, uống vào hồn phải mê đi, quên cả tiền sanh kiếp trước, quên cả việc dưới âm phủ. Ấy là Tạo hóa huyền cơ, thiếp tôi mà phải ngăn đi, để cho chàng nhớ lấy tội, nhớ được thời không dám ác, mới hay tu tánh tu tâm, xin chàng ghi in vào lòng, phải giữ thiện căn cho vững. Cố chịu bốn mươi năm khổ, để cho nghiệp chướng tiêu đi. Thiếp xin chờ đợi đến ngày, siêu độ chàng lên Thiên phủ.’

Khi ấy: Mẹ con Lưu Kinh cáo biệt, vào xe luân chuyển đầu thai. Tiên nữ lại lên Thiên đường, chờ đợi đủ năm xuống độ.

(47b)

Tiết thứ 18: (48a)

Lưu Kinh đầu thai hai lần,

Kiếp sau là Trần Khổ Lý.

 

 Nói chuyện Lưu Kinh đầu thai, mà cũng nực cười cho nhé! Từ lúc được về dương thế, thiện tâm lòng những dặn lòng. Vì không uống nước mê hồn, tiền kiếp kim sanh biết cả, chỉ muốn làm thiện cho chóng, lại lo không gạo không tiền, linh hồn bãng lãng đi tìm, các cửa nhà giàu đến khắp.

Khi ấy có nhà Hoàng thị, phu nhân đương lúc lâm bồn, chậm thai đã đến vài ngày, Hoàng ông lấy làm lo sợ. Lưu Kinh đến cửa vừa kịp, hồn đi vào đấy đầu thai. Hoàng bà mới sanh lọt lòng, Lưu Kinh vội vàng báo hiếu, thằng bé mới té hạ phúc, đứng lên đã chạy lâm xâm, kêu bảo bà tắm, chị hầu, nâng giấc mẫu thân cho khéo.

Bấy giờ ai cũng run sợ, chạy ra mách với Hoàng ông, rằng: Bà sanh ra giống chi, ông vào mà xem cái quái.’

Hoàng Ông nghe nói cũng sợ liền vào xem sự làm sao. Hài nhi chạy lại thưa cha, bốn lạy bốn quỳ tử tế, Hoàng ông (48b) ngạc nhiên thất sắc, nghĩ rằng là giống yêu tinh, thằng nầy nó ăn thịt người, chẳng giết ắt sau làm hại. Lén lén tay cầm thanh củi, cố hơi đánh giữa đỉnh đầu. Lưu Kinh lại phải chết đi, cái hồn mang thêm những máu. Nghĩ lại thân không đáng số, cượng cầu lại khổ vào thân.

Bấy giờ: Tiên nữ đã lên trên Trời, còn đứng đầu mây trông thử, thấy sự Lưu Kinh làm vậy, biết vì không uống nước mê, cho nên tầm lấy nơi giàu, mới sanh đã nói đã chạy, trần gian nghĩ là yêu quái, nhẻ nào nó chẳng giết đi. Âu là ta phải phí công, lo liệu vẹn toàn mới được.

Khi ấy: Tiên nữ đòi thần Thổ địa, giao cho giữ lấy Lưu Kinh, đem chàng ấy đi đầu thai, vào chốn bần cùng hạ tiện, nhủ cho chàng ấy nhớ lấy, an phận chớ oán hờn chi, phải theo phong tục trần gian, sanh ra chớ nói chớ chạy, bao giờ nên nói nên chạy, phải theo như các hài nhi, việc ấy giao Thổ địa thần, đưa đi đầu thai cho chóng.

Thổ thần vừa thưa vừa lạy: ‘Việc ấy chúng tôi không quen, (49a) đã có thập nhị Hóa bà[6], xin Ngài sai kẻ quen việc.’

Tiên nữ quở rằng: ‘Chẳng được! Ta sai phải cứ lời ta, nhược bằng từ chối chậm đi, ta ắt làm tội cho đó!’

Khi ấy: Thổ thần phải vâng lãnh mệnh, trở về nơi miếu vội vàng, lòng lo nét mặt chẳng tươi, gọi bà Thổ địa mà hỏi:

‘Có vị Thần tiên sai mỗ, tống sinh[7] cho chàng Lưu Kinh, việc tống sinh ra thế nào, bà có biết không bảo mỗ!’

Thưa rằng: ‘Khó chi việc ấy, ông để già nầy đỡ cho!’

Thổ thần mới vui mới cười: ‘Nhờ bà làm hộ việc ấy!’

Bấy giờ: Lưu Kinh hồn đi vơ vẩn, đến đâu đàn chó sủa vang, Thổ bà gọi lại bảo cho, để ta tống sanh mới được, chớ có chạy càn chạy rỡ, làm cho chó cắn điếc tai.’

Lưu Kinh quì xuống kêu ca: ‘Xin bà tống sanh làm phước!’

Thổ bà mới cho nước rửa, bao nhiêu ngấn máu sạch đi, Thổ bà hiện phép âm linh, đứng trước hà hơi vào mặt, một khắc Lưu Kinh biến mất, hóa ra một quả mận xanh, Thổ bà cầm bỏ vào tay, ra chốn Trường an[8] (49b) tầm khắp, thấy có một nhà bần tiện, vợ chồng bán củi bán than, ở một bên xó rừng cây, tên gọi là Trần Tịnh Khiết, đã bốn mươi tuổi còn hiếm[9], Thổ bà liền ứng mộng cho, vợ Trần Tịnh Khiết đêm nằm (N.sai: nom) mộng thấy người cho quả mận, ăn vào trong miệng đắng lắm, cau mày liền tỉnh giấc ra, từ ấy bụng mới mang thai, mãn nguyệt sanh ra nam tử, đặt tên là Trần Khổ Lý, lấy vì quả mận chiêm bao[10].

 

Tiết thứ 19: (49b)

Khổ Lý có điều đại hiếu,

Cát thần cứu cho thiện nhân.

 

Khổ Lý từ thuở sanh ra, chẳng có áo quần một mảnh, nằm trong đống rơm đống cỏ, chịu đói chịu khát một bề. Tịnh Khiết từ khi có con, vận hạn càng ngày càng kém, ngày xưa gánh củi đi bán, còn có kẻ hỏi kẻ mua, bây giờ gánh nặng bán rao, chẳng có người nào mua đến, bán rẽ kiếm được nắm gạo, chồng ăn vợ nhịn biết sao, nấu cháo vợ chồng cầm hơi, còn có sữa đâu con bú. Khổ Lý vừa đói vừa khát,

nằm im chẳng khóc chẳng đòi, cũng vì là hồn Lưu Kinh, trong bụng nhớ cả tiền kiếp, cho nên bấm bụng chịu cực, chẳng dám oán THAN điều chi, chẳng dám nói chẳng dám kêu, chẳng dám đứng lên mà chạy, chỉ mong cho được chóng lớn, nuôi cha nuôi mẹ đền ơn, vạn khổ lấy hiếu làm đầu, tu tỉnh cho tiêu nghiệp chướng.

Đến năm tuổi đã nên chín, bấy giờ học nói líu lo, dần dần mới nói rõ ràng, tập bò tập đứng tập chạy, cha mẹ cho ăn cá thịt, lắc đầu cố chẳng chịu ăn, nhặt những củi tốt củi dài, chất đầy để cha đi bán, thờ mẹ thờ cha rất hiếu, trình thưa vâng dạ siêng năng, mùa Hè lấy lá lấy mo, hầu quạt để cho mát mẻ, mùa Đông tìm rơm tìm cỏ, làm ấm để cho ngủ yên, thức khuya dậy sớm thăm nom, nhịn niệng nhường cơm nhường cháo.

Khen cho con nhà bần tiện, mà biết hiếu đạo làm vầy, cha mẹ lòng những vui lòng, chỉ (50b) cực kiếm ăn chẳng đủ.

Chẳng hay vận đen lại rắp[11] (H.sắp), vợ chồng Tịnh Khiết đều đau, bệnh sao bệnh chóng hao mòn, Khổ Lý vừa thương vừa khóc, cùng khổ thuốc thang chẳng có, thành tâm kêu khấn quỷ thần, cầm dao xin cắt thịt mình, bổ dưỡng đền ơn cha mẹ.

Khấn rồi cắn hàm răng lại, cắt thịt trái vế bên Đoài, rằng xin miếng nầy cứu cha, máu chảy chan hòa chẳng ngủ. Lại cắt trái vế bên tả, rằng xin cứu mẹ miếng nầy, đau lắm mà cố nhịn đi, cắt rồi hôn mê chết ngất.

Ghê thay hiếu tử như thế, nhẽ nào chẳng động quỷ thần. Hiếu là vạn thiện đầu tiên, cảm động quỷ thần thiệt chóng.

Khi ấy: Có thần hư không quá vãng, là Đức Củ soát thiên quân, thấy người chí hiếu làm vậy, hỏa tốc xuống ngay cứu khổ, rưới cho thuốc tiên hai giọt, hai bên trái vế đều lành, lại thêm hai hạt kim đan, rưới vào hai miếng thịt ấy, để phần cho hai người lão, ăn vào khỏe mạnh bình an.

Thoắt thôi Ngài ngự (51a) lên mây, ngươi ấy tự nhiên tỉnh dậy. Khổ Lý từ khi tỉnh dậy, bình thường chẳng có đau chi, vội mừng đem thịt rửa đi, cắt nhỏ bằng như sợi bún, điểm vào hẹ sống tương ngọt, cùng với hồ tiêu sa nhân, lửa than nấu chín làm canh, thơm tho vừa được hai bát, một bát dâng mời thân phụ, một bát dâng mời mẫu thân, ăn vào bách bệnh tiêu trừ, lại khỏe hơn ngày chưa bệnh, phụ mẫu đều khang kiện cả, tinh thần như thuở thiếu niên, thiệt là diệu dược hồi sinh, thiệt là hiếu tâm cảm cách! (Hết Tiết 19)

 

 Tiết thứ 20 (51a)

Thượng thiên chứng dạ hiếu (?)  *,

Khổ Lý được tiêu tội cũ.

 

Khổ là người đại hiếu, Thiên quân đã xét lòng thành, Ngài lên chầu chực thiên đình, tâu đức Ngọc hoàng ban thưởng. Rằng: ‘Ở Trường an hạ giới, có tên khổ Lý cùng nghèo, bé thơ đã có từ tâm, kiêng miệng (51b) chẳng ăn loài vật, chín tuổi lại có chí hiếu, báo ân chẳng tiếc thân hình, thiện tâm vả lại chí thành, chúng tôi vội mừng lên tấu.’

Khi ấy: Thượng đế nghe tâu vui vẻ, khen rằng hiếu tử nhân nhân, Hiếu là vạn thiện chi nguyên, nhân là ngũ tính chi thủ, trần cảnh mấy người được thế, nên cho phước lộc thêm nhiều, liền ban tra sổ Nam tào, chước lượng gia ân đại thưởng.

Bấy giờ: Các vị Tinh quân tra sổ, thấy Trần Tịnh Khiết phu thê, cơ cùng bần tiện một đời, tuổi đến năm mươi là mãn.

Đức Thượng đế ban rằng: ‘Nhà nó sanh được con hiếu, cũng là người có thiện căn, nên cho y thực bình thường, số thọ tăng thêm một kỷ.’

Lại tra số Trần Khổ Lý, vốn là hồn ngươi Lưu Kinh, kiếp xưa thập ác tội nhiều, phải chịu kiếp nầy quả báo, đói rách đến hai mươi tuổi, lại còn câm điếc mù què, đến bốn mươi tuổi chết khô, tiền định đã chú làm vậy.

Đức Thượng đế mới ban ngọc chỉ, rằng: ‘Kiếp (52a) nầy nó biết tự tu, hiếu nhân biết giữ tánh lành, làm được những điều đại thiện, cho sổ Tam tào đổi cả, bao nhiêu ác bạc câu tiêu[12], lại truyền Trương thị nữ Tiên, cho xuống phàm trần mà thử, [nó] quả thực lòng thành chí quyết, tửu sắc tài khí sạch không, thời cho truyền đạo Tiên thiên, để nó biết đường tu luyện, chờ nó báo ân phụ mẫu, bao giờ hiếu đạo hoàn xong, thời cho rước lên Thiên cung, hưởng phước thanh nhàn cực lạc. (Hết Tiết 20)

 

Tiết thứ 21 (52a):

Tiên nữ xuống thử nhân gian,

Độ cho ông tổ Khổ Lý.

 

Tiên nữ vâng lời ngọc chỉ, độ cho Khổ Lý tu hành, xuống gần đến quảng rừng xanh, thấy có thần sơn Thổ địa, Thổ thần áo mão ra lạy, hỏi: ‘Bà xuống có việc chi?’

Tiên nữ tường trước sau: Rằng: (52b) ‘Xuống độ cho Khổ Lý, tửu khí tài sắc bốn chữ, thử xem tâm tánh mê không, sạch được thời truyền đạo cho, tiếp dẫn làm Tiên thượng giới.’

Thổ địa bẩm rằng:  ‘Xin bà trở lại Tiên phủ, đừng đi thử nữa tốn công, tửu khí tài sắc bốn điều, tiểu thần còn chưa sạch được, huống chi phàm gian tục tử, mà bà đi thử được đâu!’

Tiên nữ hỏi rằng: ‘Bốn điều là vật ngoại thân, cớ sao chẳng trừ sạch được?’

Thổ thần bẩm rằng: ‘Phàm gian thời tôi chưa biết, hãy kể một tiểu thần tôi, dân gian khi có lễ cầu, thường thường cũng rượu cũng thịt, thường thường hóa vàng hóa bạc[13], chúng tôi cũng chứng giám cho, như nó khấn [vái] được rồi, mà nó quên ơn chẳng báo, chúng tôi cũng không khỏi giận[14], làm cho nó biết uy linh. Ấy tửu tài khí ba điều, chúng tôi cũng không sạch hết, đến như việc bên chữ sắc (52a) vợ chồng chúng tôi làm Thần, tuy chẳng dâm như trần gian, song cũng ngồi chung làm bạn, suy ra chúng tôi còn vậy, trách chi được kẻ phàm gian!’

Tiên nữ bảo rằng: ‘Thổ thần chưa biết đường tu, ta kể việc tu cho biết, Thần tiên vốn có bốn bực, Thiên tiên Địa tiên nhứt nhị, Nhân tiên Quỷ tiên ba tư, Thổ thần là Quỷ tiên đó.

  1. Nơi người tu  (53a) Thiên tiên ấy, gặp thầy truyền phép luyện đan[15], giữ gìn ngũ giới tam quy, thêm tích thiện công hoàn mãn, bao giờ thiên đình đón rước, được lên ở chốn Thiên cung,  thanh nhàn cực lạc vạn phần, kim thân chẳng bao giờ nát.
  2. Nơi người tu Địa tiên ấy, cũng gặp được phép luyện đan, nhưng mà ít ỏi thiện công, túc nghiệp chưa hay tiêu tận, được năm trăm năm hưởng phước, các tòa động phủ núi non, sau ra hưởng phước mãn rồi, còn phải giáng sinh nhân thế.
  3. Nơi người tu Nhân tiên ấy, nhứt sanh chỉ ở hiền lành, bắc cầu làm quán sửa đường, làm chùa làm miếu, cúng dường, bố thí, làm duyên làm phước, in kinh tống sách khuyên đời, đến gần chuyển thế đầu sanh, được làm vương công khanh tướng, báo lại vinh hoa phú quý, bao giờ hưởng hết là thôi, có sanh có tử theo thường, vẫn ở luân hồi kiếp số.
  4. Nơi người tu Quỷ tiên ấy, một đời chính trực công bình, chẳng gian chẳng dối một điều, thiệt kể là người trung trực, đến lúc thọ chung chuyển kiếp, Thiên đình phong cho làm thần, thần Xã tắc, thần Sơn xuyên, (53b) cùng chức Thàn hoàng thổ địa, được chịu nhân gian kính bái, ba năm cho đến năm năm, như hay phù thế hộ dân, thương lấy cho loài sinh vật, đến lúc chuyển về nhân thế, được vào những cửa giàu sang, nhược bằng tâm địa như trần, lại phải vào nơi bần tiện.’

Bấy giờ: Thổ thần nghe lời dạy bảo, dường như giấc mộng tỉnh ra, vội quỳ xuống đất lạy thưa, xin học Thiên tiên đại đạo, mới kể nguồn cơn lai lịch: ‘Chúng tôi kiếp trước ở đời, quê hương vốn cũng chốn này, tên tôi là Trần Thượng Trí,  Tịnh Khiết là con tôi đó, Khổ Lý nó là cháu tôi, ngày xưa tôi ở cõi trần, chẳng dám làm điều chi ác, chỉ biết thiệt thà thẳng thắn, chẳng dung những kẻ gian khi, đến sau được sắc Thiên đình, ban xuống làm thần Thổ địa, ở đây năm năm mãn chức, rồi phải chuyển kiếp nhân gian, may sao lại gặp được Ngài, xin dạy cho đường tu luyện, họa được tiến lên Thiên phủ, khỏi lui về cõi phàm gian!’

Tiên nữ cười rằng: ‘Ta vốn phụng mệnh thiên đình, xuống độ cho Trần Khổ Lý,

(54a) ai hay chưa độ người cháu, mà đã độ được người ông, cũng là nhà có thiện căn, gốc tốt thời cành lá tốt!’

Bấy giờ: Tiên nữ phán tầm trai lễ, phẩm quả với sơn đàn hương, Đàn hương gọi là tín hương, khí thơm thấu lên mây được. Thổ thần vâng lời biện cúng,  hồi đầu dốc chí thành tâm. Tiên nữ hóa phép thần thông,  hiện đủ điện đài lầu gác, bày án dâng hương phát nguyện. Ông bà Thổ địa quì nghe, trước truyền ngũ giới tinh nghiêm, kiêng giữ đến điều lỗi nhỏ:

giới sát chẳng thèm mùi thịt, từ tâm càng phải tịnh tâm,

giới đạo chẳng chút chi tham, của người đỉnh đinh cũng mặc,

giới dâm tuyệt hẵn tình dục, mình thanh bụng lại càng thanh,

giới tửu chẳng còn hơi thèm,

giới vọng chẳng chút nào dối.

Sau kể tam qui chính chỉ, chớ nhầm như các tục tăng.

Qui Phật là giữ nguyên thần, luyện đến hư vô linh diệu.

Qui Pháp là giữ nguyên khí, luyện vào tĩnh tịch khinh thanh.

Qui Tăng là giữ nguyên tinh, luyện được quýnh vô trần cấu.

Chín chuyển (54b) bốn chừa một khắp, Hậu thiên đem lại Tiên thiên, đêm ngày giữ Thái cực khuyên, lâu ắt minh tâm kiến tánh, luyện được thấy Tiên thấy Phật, ấy là vạn kiếp Chân thân, viên thành thăng ư Thiên cung, chẳng phải luân hồi chi nữa!’

Tiên nữ giảng truyền đạo lớn, ông bà Thổ địa mừng sao! Cúi đầu lạy tạ minh sư, lại khấn cho con cháu được! (Hết Tiết 21)

 

Tiết thứ 22: (54b) Tịnh Khiết gặp vận hanh thông, Khổ Lý thỏa lòng phụng dưỡng.

 

Nói chuyện vợ chồng Tịnh Khiết, từ khi đổi số Nam Tào, khí lực mỗi ngày mỗi hơn, vận hạn mỗi ngày mỗi khá. Than củi thường thường đi bán, kẻ mua người hỏi xúm vào, kiếm ăn chẳng thiếu chẳng thừa, vợ chồng đủ ăn đủ mặc, chiu chắt từng đồng từng chữ, mua được quần áo cho con.

Khổ Lý từ ngày sanh ra, đến nay đã mười tám tuổi, mới được mảnh quần tấm áo, vào rừng ra chợ làm ăn, thấy cha tuổi tác cù lao, có ý xin thay đỡ việc (55a), đi thời bán than bán củi, về thời hầu cơm hầu canh, siêng năng khuya sớm một mình, cha mẹ càng vui càng khoẻ. Gặp vận làm ăn cũng dễ, có tiền có gạo thừa dư. Đông qua Xuân lại xoay vần, tuổi đã đến hai mươi mốt, hiếu dưỡng chẳng từ nhọc sức, một mình hái củi rừng xa. (Hết Tiết 22). 

 

 Tiết thứ 23: Tiên nữ thử ngươi Khổ Lý, Đường tu truyền đạo Phật Tiên.

Tiên Nữ từ khi giáng trần, chờ đợi độ cho Khổ Lý. Tính xem cha mẹ ngươi ấy, số thọ cõi đến gần nơi, bấy giờ mới dặn Thổ thần, thử khảo xem lòng ngươi ấy, hễ thấy vào rừng hái cũi, dẫn sao cho được vào đây. Khảo xem giữ khí giữ tài, không giận không tham là được. Liền khảo giữ tửu giữ sắc, không say không đắm là nên. Khảo bốn điều ấy quả kiên[16], mới dám đem truyền đạo lớn. Tiên nữ dặn dò tường tất, Thổ thần vâng cứ chẳng sai. Bấy giờ (55b) Khổ Lý hái củi trong rừng, trông thấy trước ngàn nhiều củi, liền (?) bước dần dần đi hái, hái xong toan trở về nhà, bỗng đâu nghe tiếng bào hao, nhác thấy giữa đường có hổ, Khổ Lý vừa kinh vừa chạy, trông sau chỉ thấy theo sau. Lâm râm trong miệng khấn rằng: ‘Tiền kiếp ở nhiều điều dại, như phải cựu thù quả báo, xin vâng chẳng dám phàn nàn, chỉn thương cha mẹ khó nghèo, tuổi tác biết làm sao được, xin cho vẹn đường báo hiếu, bấy giờ sao đó cũng cam.’

Vừa chạy vừa khấn lâm râm, chỉ thấy chạy sau lẻo đẻo. Giữa rừng biết đâu mà tránh. Nhác trông thấy có tòa nhà, xâm xâm đè cửa len vào, trông thấy lão ông đứng cửa, quì xuống vội vàng thưa gởi, xin ông mách bảo đường về. Lão ông đã chẳng bảo cho, lại còn nhiều điều lục vấn, vớ vẫn những câu vô lý, như khêu lửa giận đầy gan. Khổ Lý cũng cứ nhu hòa, chẳng có chút nào giận dỗi[17].

(56b) Khi ấy: Quá Ngọ sang Mùi gần tối, Khổ Lý sợ cha mẹ mong, cáo từ lại chạy ra về. Đi phỏng được vài mươi trượng, lại thấy hổ còn ngồi đó, phải lui lại với lão ông. Lão ông đóng cửa vội vàng, gọi chàng vào nhà tĩnh tọa. Thong thả dẫn đi xem khắp. Nhà tiền nhà gạo huyên thiên, bạc vàng gấm vóc từng kho, báu ngọc trân châu vô số.

Lão ông hở lời khẩn khoản: ‘Ta đây của cải làm vầy, nhà có ả bé xuân xanh, chỉ muốn kén người phúc đức. Ngươi tuy dạng người bần tiện, gẫm xem là bậc hiền nhân, âu là sự cũng duyên trời, tiền của ta giao cho cả.

Khổ Lý thoạt nghe mà sợ, kêu rằng: ‘Xin ông tha cho, vốn sanh số phận bần cùng, đâu dám tưởng càn đến thế. Ngày trước đầu thai Hoàng thị, một lần đã phải mang tai. Bây giờ an phận mà thôi, chẳng dám cượng cầu thêm khổ.’

Lão ông dường như thất trực[18], đứng lên vào nghỉ nhà trong, bỗng đâu lại thấy tiểu kiều, yểu điệu thiệt là nhan sắc, trông chàng mĩm cười nói sẻ, chào rằng ‘Kính thỉnh (56b) lang quân, thần nhân báo mộng đêm qua, quả thực duyên lành gặp gỡ. Lang quân là người phúc hậu, mối tình còn có đâu hơn!’

Khổ Lý vội vàng chấp tay, thưa rằng: ‘Xin cô lời ấy, cô là thiên hương quốc sắc, nhẽ đâu lấy thằng bán than.’

Tiểu kiều rén rén trình thưa: ‘Lang quân dạy thế sao phải, chẳng qua thiên duyên tiền định, kể chi giàu khó sang hèn. Trọng người trọng đức mà thôi, có trọng làm chi tiền của, Thần đã báo cho mộng hiện, dám xin đừng có nề chi.’

Khổ Lý vừa nghĩ vừa lo, ắt hẵn oán thù kiếp trước, liền nói: ‘Chẳng dám! Chẳng dám! Tiểu thư chẳng thiếu chi nơi!’

Thoắt chốc thấy đốt đèn lên, ba bốn năm người hầu gái, trước mặt bày mâm đồ rượu, tưng bừng mời cậu mời cô: ‘Đêm nay xin uống cho say, sang năm sanh được quý tử.’

Khổ Lý cúi đầu ngồi lặng. Hai hàng nước mắt như tuôn. Con hầu thưa với tiểu thư rằng: ‘Xin tiểu thư cầm chén, chủ uống thì khách mới uống, kẻo mà lang quân thẹn thùa.’

Tiểu thư cầm lấy mỉm cười, khen rằng: ‘Hầu nói có nhẽ, xin kính (57a) lang quân trước đã.’ Hai tay rén rén nâng mời: ‘Rượu nầy hòa huyết khỏe người, lang quân đưa cay một chút, lang quân dầu chẳng thích rượu, gọi là một chút thích tình, thiếp tôi nào phải trăng hoa, ra sự cố nài cố ép, chỉ nghĩ chung thân nhờ cậy, dám xin cầm chén nầy cho.’

Khổ Lý đứng lên thưa rằng: ‘Xin cô bỏ chén rượu xuống, chúng tôi xin kể lai lịch, tiểu thư mới biết thương cho. Kiếp xưa làm ác tội nhiều, vã lại phá trai phá giới, phải chịu mấy phen địa ngục. nhẽ ra đày kiếp súc sinh, may nhờ Trương thị hiền thê, khó nhọc kêu cầu đức Phật, mới được tha ra khỏi ngục, chuyển sanh chịu số bần cùng, hiền thê dặn lại dám quên, giữ lấy tu hành trai giới. Tửu sắc chúng tôi sợ lắm, dầu chết cũng chẳng dám màng. Cô thương thời giả ơn cô, tha cho chúng tôi làm phước.’

Tiểu thư dường như thất ý[19], nói rằng: ‘Trò chuyện viễn vông. Kiêng rượu kiêng thịt cũng thôi, việc kia thời chẳng thôi được.

Bấy giờ cơm (58a) canh đủ trọn, quân hầu gọi cậu gọi cô, chẳng nghe thời cũng chẳng nghe. Ai bảo vào đây mà chối?’  Khổ Lý cúi đầu lẵng lặng, tiểu thư đứng dậy vào phòng, bỗng đâu bốn đứa gia nô, chạy ra nó dắt Khổ Lý, nó mở ba từng trướng gấm, bỏ chàng vào với tiểu thư. Khổ Lý ngồi dậy cúi đầu, tiểu thư dỗ dành thân thỉ[20]  rằng tình rằng duyên rằng nợ, xin chàng vui vẻ cùng nhau, miệng hoa vừa nói vừa cười, cầm lấy ngón tay Khổ Lý. Khổ Lý hất tay kéo lại, khóc lên, nước mắt chan hòa: ‘Từ thuở cha mẹ sanh ra, đến nay hai mươi mốt tuổi, thân thể vốn là thanh tịnh, bây giờ  làm bẩn tay đi, bên mình nếu có con dao, chẳng tiếc cái tay nầy nữa. Tiểu thư tác sắc[21] nói lại: ‘Sao mà ăn nói làm vầy, xem đây chẳng đáng nửa đồng, có đâu rẻ người đến thế. Này này con dao có đó, làm chi dao ấy thời làm.’ Khổ Lý liền cầm lấy dao, tuyệt tình chặt mất một ngón. Ấy thiệt là vô ngã tướng. Tiểu thư bụng những khen thầm[22].  (59a)

Bấy giờ:  Tiểu thư vận phép thần thông, lại biến ra hình Trương thị, nói rằng: ‘Xin chàng tỉnh lại, nhìn xem có biết là ai.’

Khổ Lý trông mặt kỹ càng, quả thực hiền thê Trương thị, Trương thị kể tường nguyên ủy: ‘Từ khi đưa chàng đầu thai, sau ra gặp đức Thiên quân, tâu việc cứu thân đại hiếu. Thượng Đế vui mừng ban thưởng, cho tôi xuống độ phu quân, tửu sắc tài khí thử xem, giữ được thời truyền đại đạo. Như nay phu quân giữ được, quả nhiên chí quyết tâm kiên, thiếp xin dẫn đạo Tiên Thiên, tu luyện cùng lên Tiên Phật.’

Khi ấy: Khổ Lý muôn phần tươi tỉnh, khóc than rồi lại vui mừng.

Trương thị mới dẫn phép tu, vẽ bảo huyền quan hỏa hầu, Khổ Lý gia công ngồi luyện, chóng thay học một hay mười. Lạ chi thành ý đã lâu, tâm định thời thần khí định, vả được Tiên nương ám trợ, nhất chu cửu chuyển là nên, khinh thanh hiện được chân thân, kim sắc hào quang lộ lộ, trông lại thấy phàm xác đó, mới hay đã thoát phàm thân, vội mừng quì xuống khấu đầu: ‘Muôn tạ (59b) minh sư ân nặng.’ Trương thị thưa rằng: ‘Chẳng dám! Có đâu gọi vợ là thầy, phu quân dạy thế sao nên, e nữa thiếp tôi lỗi đạo.’

Khổ Lý chấp tay thưa lại: ‘Không thầy ai dạy bảo cho, phỏng[23] lên chầu chực Thiên cung. chư tôn như có ban hỏi: ‘Ai bảo cho mi biết đạo, chúng tôi tâu đối làm sao. Vả lại kiếp trước Lưu Kinh, kiếp nầy sang thân Khổ Lý, hình thể tánh danh đã khác, gọi là thầy tớ ngại chi?’

Trương thị nghĩ ngợi nói rằng: ‘Như thế cũng là chân thực, đại đạo chẳng tơ hào dối, quảng trường thiệt tướng mới nên….[24]’ (Hết Tiết 23)

 

Tiết 24: (59b) vợ chồng Tịnh Khiết nhớ con, Thiện thần báo cho hỷ tín.

 

Nói chuyện vợ chồng Tịnh Khiết, từ ngày Khổ Lý đi xa, trông mong lâu chẳng thấy về, những tưởng rằng là sự dữ, một hôm vợ chồng thương khóc, ngất đi bạt cả tinh hồn.

Khi ấy: có Đức Củ soát Linh quan, xuống khám trần gian (60a) thiện ác, trông thấy vợ chồng Tịnh Khiết, gọi hai hồn lại bảo cho, rằng tên Khổ Lý con mày, gặp đấng thần tiên trên núi, dạy phép trường sinh bất tử, còn đương nấu thuốc kim đan, vợ chồng chẳng phải trông mong, mai một nó về với đó, siêu độ cùng lên Tiên cả, đừng lo đừng ngại việc chi.

Ngài lại dẫn cho hai hồn[25], vợ chồn Tịnh Khiết tỉnh lại, nói chuyện cũng in như một, cùng nhau lễ tạ ngoài sân.

Khấn rằng quả được thế thời, thực đội ân Ngài vạn kiếp, bỗng lại thấy có tờ giấy, trên mây bay xuống rõ ràng, trong tờ có bốn câu thơ, cũng báo tin mừng như thế. Tịnh Khiết đuợc an trong bụng, vợ chồng cứ việc làm ăn, lần lần Đông hết Xuân sang, kể đã đầy một năm chẵn. (Hết Tiết 24)

 

Tiết thứ 25: (60a) Khổ Lý về độ phụ mẫu, Tịnh Khiết được lên Tiên sơn.

 

Nói chuyện: Khổ Lý ở núi Tiên sơn, bỗng thấy Tiên nữ gọi bảo, rằng ngươi vào đây tu đạo, tính ra đã chẵn một năm, phải về thăm cha mẹ ngươi, báo đức đền ơn sanh dục.’

Khổ Lý ngạc nhiên thưa lại: ‘chúng tôi từ lúc vào đây, mới có một đêm một ngày, sao nói rằng một năm chẵn?’

Tiên nữ cười rằng: Ấy thế, cõi trần cõi tục khác nhau, Tiên sơn mới một ngày dài, đã được một năm cõi tục.’

Khổ Lý thoát nghe thoạt nghĩ, mới đi mà đã năm tròn, song thân chẳng biết dường nào, cúi đầu tuôn sa giọt lệ. Tiên nữ thấy tình Khổ Lý, bảo rằng: ‘Ngươi chớ lo chi,  song thân nhà ngươi hãy còn, duy có việc nầy phải bảo, cung phụ mẫu ngươi ngày trước, nguyên số đều đến năm mươi, vì ngươi hiếu cảm lòng trời, lại được đều thêm một kỷ. Nay đã sáu mươi hai cả, thọ nguyên đến cõi gần gần, ngươi về siêu độ báo ân, là được vẹn toàn hiếu lớn.’

Khổ Lý vội quì xuống đất, rằng mừng minh sư dạy cho, chúng tôi mới học đạo huyền, chả biết sao là siêu độ.’

Tiên nữ bảo rằng: ‘Siêu là ra ngoài Tam giới, khỏi vào sanh tử (61a) luân hồi, độ là lên chín từng trời, hưởng lấy trường sinh cực lạc. Ngươi về siêu độ phụ mẫu, ta cho bát bửu hộ thân.

ấn là một, kiếm là hai,

thước là ba, gương là bốn,

gậy là năm, bình là sáu,

với lại bát nước cành dương[26],

ấy điều là phép hóa ra, Quỷ thần trông thấy kính sợ, trừ hết nhứt thiết yêu quái, sanh ra muôn trượng hào quang,

Bấy giờ: Khổ Lý lạy tạ ra về, lại hiện thân hình như cũ, vào nhà lạy mừng phụ mẫu, vợ chồng Tịnh Khiết vui thay, Khổ Lý kể chuyện tiên cho, Tịnh Khiết kể chuyện thần mách.

Trò chuyện đoàn viên thong thả, vợ chồng khỏe mạnh hơn xưa, vừa khi tháng tốt ngày lành, bỗng thấy trong mình ngầy ngật, chẳng là hồn đã xuất sắc[27], trông ra có quỷ đến đòi, Khổ Lý liền hiện kim thân, vặc vặc hào quang sáng khắp, quỷ sứ nó đều chạy tan, hai hồn càng thấy càng vui, Khổ Lý mời mẹ mời cha, rằng xin nghỉ ngơi thanh thỏa, lại hiện thân hình như cũ, kính đem trần xác vùi đi, phong phần xây đất đã rồi (61b), lại hiện kim thân mời rước, hai hồn vợ chồng Tịnh Khiết, đều cùng lên núi Tiên sơn.

Bấy giờ: Ông bà Thổ địa đều ra, Tịnh Khiết nhận được cha mẹ, mới hay Sơn thần  Thổ địa, vốn là phụ mẫu tiên linh, Khổ Lý nhận được ông bà, quỳ xuống vội vàng lạy tạ, rằng lúc vào rừng chạy hổ, thấy ông chỉ tưởng người ta!’

Đoàn viên sum hợp một nhà, đua kể biết bao trò chuyện, năm người cùng nhau hoan hỷ, đều lên lạy tạ minh sư.

Tiên nữ rằng: Dám đương!’

Mọi lễ đều đáp lại cả.  (Hết tiết 25)

 

Tiết thứ 26: (61a) Một nhà đều được lên Tiên, Muôn kiếp trường sanh cực lạc.

 

Tiên nữ từ khi lãnh mệnh, độ cho Khổ Lý một mình, nào hay độ được cả nhà, thiệt cũng có lòng hoan hỷ, khi ấy công trình viên mãn, mở mây tiếp dẫn năm người, đều lên ban áo mão Tiên, trăm vẽ kim thân lồ lộ, lạy Đức Diêu trì thánh mẫu, tạ ân Phật tồ Như lai, vào chầu Thượng đế tôn nghiêm, ra yết thánh chân chư vị (61b).

(62b) Đức mẫu Diêu trì phán hạ: ‘Rằng khen tiên nữ có công, độ người được thiện công nhiều, sắc chỉ gia ban chức tước, Khổ Lý lấy thân báo hiếu, phong làm Khổ Hạnh chân nhân, Thổ địa Tịnh Khiết bốn người, đều cho ở tòa Tiên phủ, hưởng thụ thiên cung phước lộc, an nhàn vui vẻ thảnh thơi, cho theo chư Phật chư Tiên, thường xuống nhân gian phổ độ, chờ có lập công báo đức, lại ban cho vị cao dần.’ Sáu người lãnh chỉ tạ ân, từ ấy tiêu diêu Cực lạc, muôn kiếp trường sanh bất tử, xiết bao hưởng phước thiên đường.

Bấy giờ lại gọi Thổ thần, tiên nữ đinh ninh phán lại: ‘Trần thế mấy người biết nhẽ, đạo Trời mờ mịt đêm đêm, tham mê lợi dục đắm thân, vẫn tưởng là sung là sướng, thẩm thoát ngựa hồ cửa sổ, trăm năm được mấy gang tay, giàu sang quyền thế anh hùng, hai chữ vô thường khôn tránh, chớp mắt đều là việc trước, hồi đầu nghĩ lại biết sao, mông mênh bể nghiệt nổi chìm, thế biết cõi trần là khổ, (63a) tập nhiễm làm điều ác nghiệt, nào ai trỏ dứt sông mê, âu là Thổ thần nghe ta, đem tích truyền cho hạ giới, chép làm Nhân Quả Thực Lục, để cho trần thế biết tin, có công khuyên hóa ở đời, vả lại được thăng chức đó!’

Bấy giờ: Thổ thần nghe lời tiên nữ, hiển linh xuống chép phân minh, truyện này xem cả trước sau, biết rõ đạo Trời minh bạch, người nào biết mà in khắc, kể là công đức bao nhiêu, ai mà bài bác chẳng tin, đã có Ma vương xét đó, cứ trong truyện cũ ghi lại, diễn Nôm gọp chữ quốc âm, để người ít chữ dễ nghe, sau nữa đàn bà biết khắp[28], nhân quả là cơ cảm ứng, luân hồi là nhẽ tuần hoàn, Lưu Kinh kiếp trước chẳng hay, làm ác thời xuống Địa ngục, kiếp sau làm thân Khổ Lý, tu thiện thời lên Thiên đường. Vậy nên làm kiếp ở đời, phải biết đạo trời mới được.

Tu hành có điều chi lạ, chẳng qua tích thiện mà thôi, điều thiện kể (63b) có muôn điều, nhân hiếu kính thành làm trước:

Hiếu là thương cha thương mẹ, lập thân để báo đền ân,

Nhân là cứu vật cứu người, chứa đức để gây dựng phước,

Thành[29] thời thiện mới có tên, quỷ thần chỉ xét trong lòng,

Kính thời ác chẳng dám làm, Thần thánh thường soi trước mặt, giữ lấy thủy chung như thế, ắt hay khỏi nạn khỏi tai, đạo Trời vốn chẳng riêng ai, tích thiện thời là phùng thiện, tích ác thời phải gặp ác, tu đạo thành đạo Phật Tiên, cứ hai đường ấy mà tu, có tu ắt là có được. (Hết Tiết 26, hết sách)

 

 

Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu.

samnguyen20002002@yahoo.com

Toàn quyển Nhân Quả Báo Ứng đã in và sẽ kính chuyển đến những vị nào có nhu cầu.

Xin gởi chút ít chi phí bưu điện về:

Ngoc Anh Tran  12960 High Vista, Victorville, CA 92395

 

 

 

 

 

 



[1] Tiêu đề của tiết này bị đục mất trong nguyên bản. Tiếc thay!

[2] Xác ma 磪磨: mài giủa. N.s, đúng là chữ trác

[3]  Trang 44a hình điện thứ bảy.

[4] Thí: tiếng xưa có nghĩa là ít, tí.

[5]  Hễ phàm : Cách dùng như vầy ít thấy, thuờng người ta viết hễ hay phàm là đủ.

[6] Hóa bà: Bà mụ, người giúp thế nhân hóa từ kiếp trước sang kiếp hiện tại. Tương truyền để làm việc nầy cần đến 12 Hóa bà, nên ở Việt Nam thưòng có lời vái van: ‘Ưng ai mười hai Mụ bà mười ba Đức Thầy giúp cho đứa trẻ mau ăn, chóng lớn…’

[7] Tống sinh 送生: Đưa đến một kiếp sống mới. Giúp cho hồn sanh ra kiếp hiện tại.

[8] Trường an 長安: nơi đô hội, chỗ kinh đô.

[9] Hiếm 險: Thiếu, không có. Còn hiếm tức còn hiếm muộn, chưa có con cái gì.

[10] Khổ Lý 苦李: Quả mận đắng.

[12] Bao nhiêu bạc ác câu tiêu: Tất cả những lỗi bạc ác trước kia đều được xóa sạch.

[13] Đốt giấy tiền vàng bạc. Tôi, NVS, chỉ phiên âm những gì có trong nguyên bản Nôm, chuyện hóa vàng hóa bạc nầy tôi hoàn toàn chống.

[14] Bản nôm viết khỏi  giận 𢠣.

[15] Gặp thầy truyền phép luyện đan chỉ là cách nói tượng trưng. Ta hiểu ngoài thầy dạy bảo bình thường còn có những trường hợp khác, có thể là một câu nói của ai đó, một cuốn sách, vài câu trong sách, một bài thơ… làm cho người tu được giác ngộ.

[16] Kiên 堅: Kiên định, giữ lòng.

[17] Trang 56a, tranh Khổ Lý gánh củi gặp hổ.

[18]Thất trực失直: Không vừa ý.

[19] Thất ý 失意: Giận, không bằng lòng.

[20] Thân thỉ 呻矢: Than thở.

[21] Tác sắc 作色: Nổi giận.

[22]  Trang 58b hình: Sắc dục thử Khổ Lý.

[23] Phỏng 倣: Nếu mà. Còn nói ví phỏng: Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai!

[24] Thiệt tướng 寔相: Một trong 32 tướng tốt của Phật, có tính nói thật, nói được người tin.

[25] Dẫn hồn về dương gian nhập xác, không thì lẩn quẩn cõi âm.

[26] Bát nước tiên là bảy, nhành dương liễu là tám.

[27] Hồn đã xuất khỏi xác phàm,

[28] Biết khắp 别 泣: biết được đầy đủ.

[29]  Không thấy nói về tín như đã nêu trước đó! Dầu sao cũng chẳng quan trọng lắm!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Hai 2018(Xem: 3660)
07 Tháng Chín 2016(Xem: 4336)
09 Tháng Tám 2016(Xem: 4531)
NỘI DUNG Toàn quyển Báo Ứng Nhân Quả Lục gồm 25 tiết, mỗi đầu tiết, như ở tiểu thuyết chương hồi của Trung Hoa, ý chánh đều được ghi lại bằng hai câu thơ 7 chữ, ở đây được ghi bằng hai câu 6 chữ. Đọc những câu nầy từ đầu đến cuối sách ta có thể có khái niệm về câu chuyện cũng như về tư tưởng chánh của tác giả.
11 Tháng Tám 2015(Xem: 4900)
Vào đời vua Trần Nhân Tôn, dưới chân núi Thiên Thai có một nhà ẩn sĩ họ Khưu, tánh tình lập dị, không màng danh lợi mà quanh năm chỉ say mê hoa kiểng.
22 Tháng Bảy 2015(Xem: 5566)
Nội dung câu chuyện Sợi tơ nhện tuy chỉ gói ghém một lời răn rất đơn giản về tính ích kỷ, nhưng cấu kết câu chuyện được xây dựng trên cơ sở triết lý Nhân Quả của Phật giáo, những gì đang diễn ra trước mắt vừa là quả của nghiệp chướng trước đó, vừa là nhân của những gì sẽ xảy ra trong tương lai, hay cực đoan hơn, sắp xảy ra ngay sau đó.