Thầy và trò

15 Tháng Hai 201708:05(Xem: 4900)

Bài Viết Tham Dự 2016 & 2017


THẦY VÀ TRÒ
Nhất Tâm Nguyễn Xuân Chiến

 

Nếu xuất gia là chỉ để học thuộc lòng bài học kiên nhẫnchịu khó, thì chú sa-di Nguyên Cường đã hoàn thành sự nghiệp chân chính của mình, sau hơn mười năm ở chùa để hành điệu.    

Nhưng, qua lắm lần trố mắt nhìn các bậc đàn anh hiện đang tu tập ở chùa khác luận bàn về kiến giải thiền-học, hoặc nghe họ hăng say nói thao thao bất tuyệt về những đề tài lạ hoắc, trích dẫn từ cuốn kinh này, cuốn luận nọ, Nguyên Cường không khỏi tủi thân, khi biết mình từ lâu bị lạc loài trong thế giới kinh điểntri thức, bởi sự sút kém vốn liếng học vấn của mình, và bỗng nhiên thầm khát khao một cái gọi  là hiểu biết về  đạo lý.   

Hôm nọ, nhân thấy Thầy vui vẻ khác thường, trông y hệt cung cách của chư vị thiền sư hoát nhiên đại ngộ, chú tiểu Nguyên Cường đánh bạo thưa:  

- Bạch Thầy, con lên núi đã hơn mười năm rồi, mặc dù nghe Thầy hứa nhiều lần nhưng chưa hề giảng cho con nghe thế nào là yếu quyết đạo lý nhà Phật cả…

Thầy sửng sốt:

       - Thật thế ư? Ồ, hơn mười năm hầu hạ phục dịch lắm chuyện, vậy mà chưa học được gì ư? Bậy quá! Thôi, ngày mai ta sẽ dạy đạo lý tối thượng siêu việt cho con…

Ngẫm nghĩ một lát, Thầy bảo:

- Không được. Ngày mai chẩn tế tại nhà bà Đốc Lý. Chà, còn ngày mốt thì cắt lúa ở thung lũng Dốc Mít. Thầy có chút thì giờ rãnh rỗi nào đâu, còn con thì cũng mắc quá nhiều công chuyện. Nhưng, nếu con bận học thì lấy ai sai khiến các sư đệ làm tốt việc ruộng nương? Gay go quá. Hay là…

       Thầy bóp trán, nhíu mày. Cuối cùng, bảo:

- Hay là... ta dạy cho con ngay bây giờ, được chứ?

Nguyên Cường mừng rỡ đến độ híp mắt:

       - Bạch Thầy, được thế thì còn gì hơn nữa ?

Sau khi choàng y hậu, thắp nhang lên điện Phật, và tổ sư Bồ-đề Đạt-ma, Nguyên Cường vội pha bình trà nóng, ngồi ngay ngắn như cậu bé khúm núm trước ông đồ làng buổi khai tâm.

Thầy lên giọng:

       - Phật pháp rất vi diệu, uyên áothâm thúy vô cùng. Kho tàng Phật-học gồm hơn mấy ngàn bộ kinh, mấy ngàn bộ luận. Do đó, đạo Phật muôn màu muôn vẻ, cho nên nếu không nắm được những nguyên lý Phật-học thì dù lặn lội ba tạng giáo điển, hoặc thuộc lòng hàng nghìn bộ kinh, bộ luận cũng không thể nào thông hiểuthâm nhập. Hôm nay, ta sẽ dạy cho con những yếu quyết căn bản mà là quan trọng nhất.     

Với những yếu quyết này, con sẽ dùng cả đời không hết. Nghĩa là… thiên biến vạn hóa. Cái Một dung nhiếp Cái Nhiều. Tất Cả là Một. Một mà là Tất Cả. Cụ Cố ngày xưa từng… truyền trao cho ta như thế. Con phải học thật thấu đáo để lưu lại cho đời sau. Đây… yếu quyết của chân lý Phật-học là…

Lúc ấy, Nguyên Cường chợt nhìn ra cửa sổ, thấy một buồng chuối trĩu sây toàn là những trái hườm hườm lớn bằng cánh tay trẻ con, Nguyên Cường kinh ngạc thốt:

- Ui chu choa, buồng chuối to dễ nể, mà bữa ni con mới bắt gặp. Chà, to quá cỡ, Thầy hén…

       Thầy chiêu một ngụm trà, cười:    

       - Nhằm nhò chi? Chùa mình còn nhiều cây chuối cho những buồng lớn gấp bội. Hồi xưa, dạo ta theo thầy ta là Cụ Cố khai phá khu rừng này để dựng chùa, lập am, chao ơi khổ ơi là khổ. Gạo không đủ ăn. Muối chẳng lúc nào đầy hũ. Công việc thì bề bộn làm không xuể. Làm bao nhiêu cũng chẳng hết việc. May có bà Tám Tàng làm rẫy ở bên đồi kia, ngày nào cũng mang sang một buồng chuối, nói là cúng Phật. Nhờ đó mà cầm cự nổi cơn thiếu thốn. con còn nhớ bà Tám Tàng chứ?  

- Dạ nhớ ạ!  

Nguyên Cường trả lời chiếu lệ, bởi lúc này Thầy cao hứng tột độ, hăng say kể lể cái quá khứ oanh liệt gian khổ đáng ghi nhớ của mình, mà chẳng cần quan tâm đệ tử đang nói gì.                   

Như người bị điểm huyệt gây tê đúng chỗ, Thầy nói liên hồi đến nỗi sủi bọt mép suốt cả hai ba giờ đồng hồ. Khi Thầy ngưng lại để… thở rốc, thì trời đã quá trưa. Nguyên Cường đứng dậy thưa:

- Xin phép Thầy, đã đến giờ thổi cơm rồi ạ!

       Thầy tiếc rẻ:

          - Chậc, gần Ngọ rồi ư?

 

* * *

 

Và dòng đời tuôn chảy. Sự đời liên miên ùa tới như nước lũ, như bão xoáy, khiến ai nấy đều quên mục tiêu chính yếu của cuộc sống. Chùa phát triển mau lẹ, trở thành ngôi đại tự đồ sộ. Chánh điện, nhà ngang, nhà khách, nhà vãng sanh mọc lên cò bay thẳng cánh. Và cỏ dại trong tâm hồn của Nguyên Cường cũng cò bay thẳng cánh. Có lúc nào thư thả để hỏi chuyện đạo? Mà có thời gian nào Thầy rảnh rang để dạy bảo cái yếu quyết chi chi đó?

Cho tới buổi sáng hôm ấy, soi gương nhìn mình đầu tóc lú nhú lốm đốm muối tiêu, vầng trán nhăn nhúm tuổi đời chùng nặng. Nguyên Cường giật mình. Hơn bốn chục tuổi rồi, mà vốn liếng đạo lý đã có gì đâu? Bèn thưa cùng Thầy.

Thầy ra vẻ lạ lùng :

- Không phải Thầy đã từng dạy cho con những yếu quyết siêu việt, tối thượng rồi ư?     

- Dạ, chưa ạ. Công chuyện nhà chùa có bao giờ ngừng đâu. Cả Thầy và con đều rối tung cả lên, nào có chút thì giờ cho đạo lý?

Ân hận vì quá trễ, Thầy nói:

- Được. Ta sẽ dạy cho con ngay lập tức. Ngay tại đây, khỏi cần nghi thức lâu lắc.

Thầy gãi đầu như cố gắng gợi nhớ bài học năm xưa:

- Phật pháp rất vi diệu, uyên áothâm thúy vô cùng. Lại muôn màu muôn vẻ, do đó nếu không được minh sư chỉ dạy tận tình, thì lạc đường như không. Dù học thuộc lòng hàng vạn bộ kinh, hàng triệu bộ luận, con cũng khó tìm ra một con đường. Nhưng với những yếu quyết thượng thặng, cốt tủy, siêu đẳng của ta do Cụ Cố truyền lại, thì con sử dụng cả mấy đời cũng không hết. Nghĩa là… những…

Nguyên Cường tai thì nghe, nhưng mắt nhìn sang bên kia núi, thấy một cái miễu lớn nhưng chưa có dịp thuận tiện để hỏi Thầy, bèn buột miệng:

- Cái miễu bên kia thờ ông tướng nào vậy Thầy?

- Cái miễu ấy ư? Của ông Quan Công chứ ai? Quan Công tức là Quan Vân trường mà con cũng không biết à? Chà chà, ông tường này số dách, nói cả tháng cũng khó hết chuyện của ổng. Nào Quan Công phò nhị tẩu. Quan Công đại chiến Lữ Bố. Quan Công quá ngũ quan trảm lục tướng…

Nhìn người đệ tử yêu dấu đang ngẩn người hí hửng, Thầy cao hứng giảng giải rành rọt về lý lịch và hành trạng của Quan Vân Trường. Dĩ nhiên, không thể nào bỏ qua Lưu Bị, Trương Phi, Triệu tử Long, Mã Siêu...

Nguyên Cường há hốc mồm lắng nghe thích thú, và quên bẵng những yếu quyết thượng thặng, siêu việt của đạo lý. Ngay cả vị thầy khả kính cũng thế. Mà xưa nay, đạo lý vẫn là thứ dễ dàng bị bỏ quên nhất!

 

* * *

 

Hơn bốn chục năm kể từ ngày hành điệu, chú Nguyên Cường ngày xưa đã trở thành đại sư trụ trì Pháp Vũ Tự, và vị thầy bổn sư của ngài cũng thành vị đại lão hòa thượng, quen gọi là Cụ Cố.          

Từ lâu, Cụ Cố già lụn lắm rồi, giao mọi chuyện nhà chùa cho đại sư trụ trì, chỉ còn đi tới đi lui, loanh quanh dưới mái hiên cùng vườn cây kiểng.

Sáng nay, đại sư trụ trì tiễn một phái đoàn khách ngoại quốc ra khỏi tam quan, một mình ngài đứng bâng quơ nhìn đám mây trắng lửng lơ trên đỉnh non xa. Bất giác, ngài thở dài cảm thán nỗi vô thường của kiếp sống, rồi lẩm bẩm tính sổ cuộc đời.

Hơn bốn chục năm, ngày nào cũng làm việc quần quật, hoặc tiếp khách hầu chuyện các vị tôn túc tiền bối, hoặc làm hài lòng các ông các bà bổn đạo thí chủ, hoặc đãi đằng quý chị em ở chợ Đông Ba lên lễ bái, dâng hương, thăm chùa, - hoặc chẩn tế bạt độ và cầu siêu, cầu an, cúng kỵ không ngơi nghỉ.             

Rồi xây cất nhà Tổ, trùng tu chánh điện, dựng nhà vãng sanh, sửa sang vườn cây kiểng, trồng thêm cây lưu niên, quở mắng các thầy trẻ, la lối các chú điệu, lo lắng cơm áo gạo tiền. Chao ôi, té ra đời xuất gia tính tính đi tính lại rốt cuộc chỉ có bấy nhiêu ư? Té ra sự nghiệp giải thoát của mình chỉ được gói gọn trong ngần ấy sinh hoạt phù phiếm như vậy sao? Té ra công phu tu tập với mục tiêu giác ngộ của mình, cuối cùng lại tuột dốc thảm hại như vậy ư?

Ngài sực nhớ tới những yếu quyết đạo lý trót bị bỏ quên đến mốc meo trong xó xỉnh của tâm thức. Điếng người, ngài đổ mồ hôi trán từng giọt, từng giọt. Xương sống lạnh ngắt. Đôi chân bủn rủn. Ngài luống cuống trở bước, quay lại hậu liêu.

…Băng ngang qua vườn cây kiểng, vẫn một rừng hoa lá đang ngả ngớn với vô số chồi nụ tươi xinh, thản nhiên như bằng lòng hiện hữu bên lề cuộc sống. Kìa, chậu Túy Tiên Lan he hé vài ba đóa hồng thắm dễ đắm say lòng người, nhưng ngài vẫn tỉnh bơ như không. Nhác thấy chú điệu nhỏ lảng vảng gần đấy, ngài hỏi dồn:

- Có thấy Cụ Cố đâu không?

Chú điệu chắp tay:

- Bẩm, Cố mệt từ chiều qua. Hiện đang nghỉ tại hậu liêu.

Rất nhanh, ngài bước từng sãi dài hướng về hậu liêu.

Cụ Cố nằm xuội trên giường thất bảo, thở khò khè và thân hình co giật từng hồi. Ba bốn vị sa-di đứng hầu.

- Cố thế nào? Sao hồi hôm chẳng thấy đứa nào báo tin cả?

Không ai dám hó hé trả lời. Ngài khom mình sát khuôn mặt tiều tụy của Thầy:

- Cố ơi, ráng uống thuốc vài hôm, khỏe ngay thôi mà!

Vị đại lão hòa thượng phều phào:

- Ta mệt lắm. Có lẽ… không qua khỏi…

Ngài trụ trì lắc đầu:

- Cố khoan đi đã. Cố còn phải dạy con mấy yếu quyết thượng thặng siêu việt của Phật học mà. Gắng dăm ba bữa nữa, nghe Cố?

Nhưng vị đại lão hòa thượng lặng thinh. Ngài bỗng rùng mình. Khặc. Khặc. Có lẽ mấy cục đàm bất trị đang bò lên thấu yết hầu. Cụ Cố chẳng còn trối trăng điều gì nữa cả.

 

***

Đại sư trụ trì biết giờ cuối cùng của Thầy đang tới. Ngài vội vã chắp tay, nước mắt trào ra đầy mặt. Đại chúng sửa soạn buổi lễ siêu độ, và chuông trống bắt đầu gióng lên.

Tiếng kinh cầu dường như không át nổi tiếng chiêm chiếp của con chim lạc loài, đang nỉ non thê thiết dưới mái hiên chùa.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Hai 2018(Xem: 4008)
07 Tháng Chín 2016(Xem: 4642)
09 Tháng Tám 2016(Xem: 4824)
NỘI DUNG Toàn quyển Báo Ứng Nhân Quả Lục gồm 25 tiết, mỗi đầu tiết, như ở tiểu thuyết chương hồi của Trung Hoa, ý chánh đều được ghi lại bằng hai câu thơ 7 chữ, ở đây được ghi bằng hai câu 6 chữ. Đọc những câu nầy từ đầu đến cuối sách ta có thể có khái niệm về câu chuyện cũng như về tư tưởng chánh của tác giả.
11 Tháng Tám 2015(Xem: 5198)
Vào đời vua Trần Nhân Tôn, dưới chân núi Thiên Thai có một nhà ẩn sĩ họ Khưu, tánh tình lập dị, không màng danh lợi mà quanh năm chỉ say mê hoa kiểng.
22 Tháng Bảy 2015(Xem: 5980)
Nội dung câu chuyện Sợi tơ nhện tuy chỉ gói ghém một lời răn rất đơn giản về tính ích kỷ, nhưng cấu kết câu chuyện được xây dựng trên cơ sở triết lý Nhân Quả của Phật giáo, những gì đang diễn ra trước mắt vừa là quả của nghiệp chướng trước đó, vừa là nhân của những gì sẽ xảy ra trong tương lai, hay cực đoan hơn, sắp xảy ra ngay sau đó.
18 Tháng Bảy 2015(Xem: 4437)
Chàng họa sĩ giang hồ trở lại ngôi biệt thự ấy vào đầu mùa xuân. Ngôi biệt thự nằm trên một khu đất hình vuông, diện tích áng chừng hai mẫu Tây, bốn mặt tường dựng đứng cách biệt với thế giới bên ngoài. Chàng còn nhớ rõ như in, mặt tiền ngôi biệt thự ngăn bởi một con đường tráng nhựa rộng rãi, là bãi biển với hàng dừa xanh tắp
03 Tháng Sáu 2015(Xem: 7487)
Dòng đời xuôi ngược ngược xuôi, vô vàn các mối tương tác đan xen, thoạt nhìn tưởng như bình lặng nhưng sự thực, chúng đang dệt nên bầu không khí sinh hoạt của xã hội: sôi động, muôn hình nghìn tía lại cũng gai góc hiểm lụy. Hình ảnh chợ đời_cách nói của nhân gian_ sao đắc ý đến vậy!