Truyện 4: Tách Trà Sen

29 Tháng Năm 201815:05(Xem: 2113)

Thích Trung Hữu
CHÚ TIỂU
Tập Truyện Ngắn 

Nhà Xuất Bản Phương Đông

  

Truyện 4
TÁCH TRÀ SEN


- Thời ơi, hoa sen thơm ngát vầy mà bịt mũi.

      Viên nhăn răng cười Nguyên không biết thưởng thức, rồi chú hít một hơi thật sâu để cho bao nhiêu là mùi hương của hoa sen theo làn gió sớm len lỏi vào lồng ngực mình.

Còn Nguyên đi một đoạn thật xa mới lấy tay ra thở hổn hển vì nín thở quá lâu. Chú đứng đó chờ cho Viên đi tới liền lên giọng trách móc: “Đệ phạm giới rồi đó nhe”, làm Viên chưng hửng, xoe tròn mắt không hiểu, Nguyên giải thích: “Vậy chứ đệ không nhớ chuyện Nội kể à? Có một vị Sa môn đi kinh hành quanh hồ sen, ngửi mùi thơm hoa sen mà bị thần giữ hồ sen quở là ăn trộm hương đó”.

- Ấy chết đệ rồi. - Nguyên như chợt nhớ lại - Vậy bây giờ phải làm sao hả huynh? - chú bối rối ra mặt.

- Để huynh suy nghĩ coi - Nguyên đặt ngón tay trỏ lên thái dương ra chiều suy nghĩ lung lắm, rồi nói: “Bây giờ đệ phải làm lại từ đầu. Có nghĩa là đệ đi trở lại đầu hồ sen mé bên kia kìa, rồi đi lại đây giống như hồi nảy vậy đó. Nhưng thay vì hít thở thì đệ phải bắt chước huynh bịt mũi lại”. - Nguyên cố nói rõ to hai chữ “bắt chước huynh” - Nhớ là bắt chước y như huynh hồi nảy vậy đó nghe hôn.

- Nhưng đường xa như vậy sao đệ nín thở cho nổi? - Viên nhìn cái hồ sen rộng mênh mông lo lắng.

- Vậy đệ coi trọng Giới pháp hay coi trọng sinh mệnh nào?

- Coi trọng Giới pháp. Viên nói lí nhí trong miệng.

- Vậy thì đi đi.

- Dạ!

Mấy hôm nay Viên không dám đi ngang qua ao sen nữa. Chú cứ đứng nhìn từ xa, ra chiều nuối tiếc lắm. Viên nghe người ta nói rằng, nếu lấy nước sương đọng trên lá sen vào buổi sáng sớm để pha trà thì trà sẽ có hương vị hảo hạng. Viên muốn pha cho ông nội một bình trà như thế. Nhưng ngặt nỗi là… không được phép ngửi hương, dù thực chất Viên cũng rất thích cái mùi thơm dìu dịu, thân quen đó, như mùi vị đặc trưng của làng quê. Cuối cùng thì chú cũng nghĩ ra được một cách lưỡng toàn. Chú lấy bông gòn bịt kín hai lổ mũi lại. Cứ mỗi một lần hứng xong sương trên một lá sen là chú lại chạy trở ra xa để mà thở. Cứ như thế, chạy tới chạy lui vài chục bận thì chú có đủ lượng nước tinh khiết cho một bình trà.

Tối hôm đó, trong khi Thầy của Viên đang đánh máy chữ trên bàn làm việc thì nội nằm lim dim lần chuỗi trên ghế bố. Xung quanh là đám chóp vừa bóp chân, vừa há hóc mồm nghe Nội giảng đạo. Phải nói rằng bọn tiểu trong chùa “ghiền” Nội như là đàn ông người ta ghiền truyện Kim Dung, phụ nữ ghiền truyện của Quỳnh Dao và trẻ con ghiền truyện Đô-rê-mon vậy. Trong suy nghĩ của chúng tôi, Nội chính là một pho truyện sống khổng lồ.

- Ủa, hôm nay huynh Viên bưng gì cho chúng mình kìa mấy huynh ơi! - cả đám chóp nhao nhao lên khi thấy Viên đi tới.

- Dạ con xin cúng dường Nội ạ! - Viên quỳ xuống hai tay dâng tách trà lên mà không thèm để ý tới mấy huynh kia.

- Thời ơi, tối mà uống trà thì làm sao Nội ngủ được chứ - có đứa phàn nàn.

Nội cũng cười, nhưng vì hiểu được tấm lòng của đứa cháu ngoan nên Nội cũng đón lấy tách trà uống cạn, trong khi Viên vui sướng nhìn Nội uống như thể chính chú đang nuốt từng ngụm trà trong trẻo thanh lương vậy.

Viên nhớ lần đầu tiên chú đi chùa. Đó là một đêm trăng rằm mẹ chú đi cắt lúa công quả, đã dẫn chú theo. Rồi chú có cảm tình với chùa, ở chùa thì gần như là nhiều hơn ở nhà. Làng của chú chỉ có một ngôi chùa đó thôi. Rằm lớn là cả làng đều đi lễ chùa. Và chú cảm thấy hãnh diện vô cùng khi được quý thầy trong chùa cho mặc cái áo tràng lam đã bèo nhèo bảo ngồi đóng đại hồng chung, trong khi mấy đứa bạn hàng xóm của chú ngồi xung quanh nhìn chú đầy ngưỡng mộ.

- Mày có muốn đóng thử một cái không? - Viên hỏi cu Tèo đang ngồi bên cạnh.

- Bộ… Viên quen với chùa hả? - có đứa hỏi, chúng không dám gọi Viên là “mày” như lúc khác nữa.

- Ừ, có sao không?

- Khì khì, giới thiệu cho tụi mình làm quen với, được không?

- Để coi đã.

- Phải rồi, ngày mai nhà thím Sáu (má Viên) cắt lúa. Viên đi chùa hay ở nhà để bắt cua với tụi mình?

- Đi chùa chớ. Vì mình là… Phật tử mờ!

Nhưng sáng hôm sau khi thấy Viên lon ton xách cái giỏ tre xuống ruộng thì chúng vây quanh hỏi: Ủa, bộ hôm nay “Phật tử” không đi chùa hả?

- Không đi, ở nhà bắt cua với tụi bây, được không?

- Được chứ, càng vui chứ sao. Nói thiệt, không có “Phật tử” tụi mình buồn muốn chết vậy đó.

Nhưng nếu như trước đây Viên vừa bắt vừa chơi thì bữa nay nó cố gắng hết sức. Ngay cả những em nhỏ mà trước đây nó hay nhường, bây giờ Viên cũng không nhường, làm cho mấy đứa bắt cua chung đó vừa lấy làm lạ, vừa… sốt ruột. Nhìn thấy cái giỏ đầy nhóc cua của mình, Viên cảm thấy hết sức hài lòng. Chú đặt cái giỏ cua gần lu nước phía sau nhà, lâu lâu lại chạy ra tưới.

- Út ơi, cho anh Hai con cua nướng ăn chơi nhe cưng?

- Không được, anh Hai không được lấy cua của em đó.

- Chứ để làm gì?

- Kệ em.

- Định để sáng mai đem ra chợ bán lấy tiền mua đậu hủ hả? - anh Hai của bé chế giễu.

- Kệ người ta. - Viên đáp cộc lốc.

Đêm đó Viên không sao ngủ được (hay là không chịu ngủ). Cứ chạy ra cái giỏ coi cua còn tươi không, rồi lại tưới nước cho cua uống. Trời mới tờ mờ sáng người ta đã thấy Viên xách cái giỏ cua lên chùa rồi, để nhờ quý Thầy trên chùa làm lễ… phóng sanh. Nhìn những anh cua, chị cua, cua ông, cua cháu lỉnh nghỉnh bò ra khỏi giỏ rồi bò xuống mé sông, lòng Viên rộn ràng vui sướng không sao tả được. Chú đứng đó một hồi lâu, cho tới khi không còn nhìn thấy tăm hơi nào nữa của lũ cua mới chịu quay về. Không hiểu sao từ lúc biết đi chùa, Viên thấy thương yêu các loài vật lạ! Từ con chim đậu trên nhánh bưởi trước sân nhà, cho tới con cá lững lờ dưới nước… Ngay cả những côn trùng nhỏ nhít như kiến, gián…, chú cũng thấy chúng thật dễ thương, như những người bạn thân thương của gia đình vậy, và tránh không bao giờ cố sát. Chú cũng thường để dành những hạt cơm đổ cho “những người bạn” ấy như để cơm trước ổ kiến chẳng hạn. “Bộ mày định nuôi kiến trong nhà hả?”. Có lần má Viên giận rầy con. Nhưng Viên chẳng những không sợ mà còn lầm bầm: “Đúng là người ta nói không sai mà” trong khi chú dí dí hạt cơm vào đám kiến cao cẳng đang bò qua bò lại trước thềm ba.

- Người ta nói sao hở? - má Viên hỏi vặn.

- Khó nhất là tu tại gia… - Viên trả lời mà vẫn không thèm nhìn lại. Làm cho má chú dù đang giận mà cũng phải bật cười.

Nhớ một năm trước khi đi xuất gia, tự nhiên Viên chỉ thích ăn chay. Viên nhớ má đã nổi cáu la chú khi chú cứ chê đồ ăn dở rằng “Cái gì mày cũng chê hết trọi là sao? Kén ăn vừa vừa thôi chứ”. Vì bà đi làm về đã mệt mà còn phải nấu nướng cho cả gia đình nữa, nên chê là bị la là phải rồi. Nhưng cũng đâu trách được Viên, vì không ngon thì nói là không ngon chứ! Từ đó Viên ăn chay luôn cho đến khi vô ở hẳn trong chùa. Sau này nhớ lại (không biết có mê tín hay không), Viên nghĩ rằng có lẽ căn duyên mình tới đó khiến mình phải ăn chay, nên thấy thịt cá là ngán ngược ngán xuôi. Tội nghiệp con Út Nhí nhà bên, không biết nó nghe ai nói mà thấy Viên ăn chay nó liền hỏi:

- Bộ mày tính đi tu hả?

- Ừ, có sao không?

- Mày đi tu rồi ai chở tao đi học?

- Thì tao cho mày chiếc xe đạp của tao luôn.

- Nhưng tao đâu có biết đạp xe.

- Kệ mày chứ.

Con Út nghe nói “kệ mày chứ” tự nhiên òa khóc như thể bị ai đánh vào đít nó vậy, làm Viên lúng ta lúng túng không biết phải làm sao, liền ù chạy như ma đuổi về nhà không dám ngoái đầu nhìn lại. Bỏ mặc con nhỏ đứng khóc giữa đường cho tới chiều tối mới mò về nhà, má nó nói vậy.

Câu chuyện Viên đi tu sau này cứ được sư Nhàn nhắc đi nhắc lại hoài mỗi lần muốn trêu Viên. Số là sáng hôm đó, sư Nhàn ra mở cổng chùa đã thấy Viên ngồi trước cổng từ khi nào.

- Ủa, con đi đâu mà sớm quá vậy? - Sư ngạc nhiên hỏi.

- Dạ, con đi xuất gia ạ! - Viên trả lời một cách tự nhiên, làm sư Nhàn cười ngất như không tin đó là sự thật. Sư lục trong cái bị bàng Viên đang ôm khư khư trước bụng, trong đó có một cái mền và một cái mùng. Lúc đó Sư mới tin và đưa Viên vào chùa.

Khi Viên sinh ra thì cả ông bà nội và ông bà ngoại đều đã mất. Nó vẫn thường thấy bé Diễm, cu Tèo… được ông nội chúng dắt tay hoặc cõng trên lưng đi chơi quanh xóm. Trong mắt nó ông bà nội là những người gần gũi và thương yêu con cháu, hơn cả ba má mình nữa. Chính vì thế mà khi xuất gia nó cũng nhìn ông Nội trong chùa bằng đôi mắt ấy. Và thật may mắn cho nó, ông Nội đúng là… ông nội. Tức là giống như cách nhìn nhận của nó, gần gũi, yêu thương con cháu rất mực. Thuở ấy thầy Viên làm việc ở Tỉnh hội nên ít khi ở chùa, chỉ có Nội là thường xuyên ở chùa, do đó mà lại càng thêm gần gũi. Viên có một quãng đời làm Điệu thật đẹp, thật đáng nhớ, trong đó nhớ nhất là hình bóng của người nội. Trong mắt lũ chóp, Nội như một ông tiên, hay như một lão La hán già có đủ phép thần thông biến hóa vậy. Nhất là tài kể chuyện thật khéo, thật hay.

-   Trà ngon, trà ngon.

Nội chép chép miệng khen lấy khen để, làm Viên càng thêm vui sướng. Và như để tán thưởng đứa cháu ngoan, Nội ôn tồn nói: “Hôm nay, Nội sẽ kể cho các con nghe một mẩu chuyện thiền có liên quan đến tách trà. Đó là chuyện của một vị thiền sư Nhật Bản, Thiền sư Nam Ẩn Toàn Ngu…”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Bảy 2015(Xem: 4168)
Chàng họa sĩ giang hồ trở lại ngôi biệt thự ấy vào đầu mùa xuân. Ngôi biệt thự nằm trên một khu đất hình vuông, diện tích áng chừng hai mẫu Tây, bốn mặt tường dựng đứng cách biệt với thế giới bên ngoài. Chàng còn nhớ rõ như in, mặt tiền ngôi biệt thự ngăn bởi một con đường tráng nhựa rộng rãi, là bãi biển với hàng dừa xanh tắp
03 Tháng Sáu 2015(Xem: 7026)
Dòng đời xuôi ngược ngược xuôi, vô vàn các mối tương tác đan xen, thoạt nhìn tưởng như bình lặng nhưng sự thực, chúng đang dệt nên bầu không khí sinh hoạt của xã hội: sôi động, muôn hình nghìn tía lại cũng gai góc hiểm lụy. Hình ảnh chợ đời_cách nói của nhân gian_ sao đắc ý đến vậy!
02 Tháng Sáu 2015(Xem: 9045)
Sinh ra lớn lên tại khu ghetto nghèo đầy tội phạm thường thấy tại các thành phố lớn, John không có cha, mẹ nghiện ngập suốt ngày. Bao nhiêu tiền chính phủ trợ cấp hàng tháng cho gia đình nghèo, mẹ anh dùng mua rượu, thuốc.
28 Tháng Năm 2015(Xem: 3557)
Năm học lớp sáu, lần đầu tiên tôi được đến chùa. Chiếc xích-lô bỏ mẹ con tôi phía trước con đường nhỏ, nhìn vào bên trong thấy sâu hun hút. Đi bộ một quãng, bước qua cổng tam quan đồ sộ là chiếc sân rộng với nhiều gốc cây cổ thụ. Sân vắng người.
26 Tháng Năm 2015(Xem: 3897)
Sáng nay, thức dậy lúc sao mai chếch xế nóc nhà, ông giáo già lụi cụi nấu nước sôi, chế trà rồi độc ẩm, thưởng trà cùng với sương sớm. Ông ngồi xếp bằng thế hoa sen, thẳng lưng, bưng chung trà cả hai tay, xoay xoay rồi nhắp từng ngụm nhỏ. Chậm rãi, cẩn trọng... ông uống trà, đồng thời, ông uống luôn cái vị, cái khí, cái không gian thanh bình, tĩnh lặng của miền quê cố đô yên ả...
23 Tháng Năm 2015(Xem: 3509)
Khách là một đại hán vạm vỡ, vận chiếc trường bào màu xám tro, nước da đen sạm; ngựa là một loại thiên lý câu sắc hung sẫm, bờm cao, bụng thon, lưng dài. Cả hai hình như đã vượt qua hằng ngàn dặm đường nên khi đến địa phận Trấn ma lâm, vó gõ trên mặt dốc sỏi không còn ngon trớn nữa mà chậm dần, chậm lại dần..
19 Tháng Năm 2015(Xem: 5092)
Câu chuyện được kể lại từ thời Phật giáo Thiền tông hưng thịnh, tức là thời đại Kiếm Thương (Kamukara), trong khoảng thế kỷ XII và XIII ở Nhật Bản. Khi Ô-chu từ giã tông phái Nhật Liên của Nhật Liên thượng nhân (Nichiren Shonin), thì mái tóc đã điểm hoa râm, chàng quay lưng ngọn núi Phú Sĩ bạc đầu, xuyên qua mấy rừng hoa anh đào để đi vào miền xuôi.
05 Tháng Năm 2015(Xem: 4525)
Họ là đôi bạn thân kể từ thời còn học ở đại học Sorbonne, sau đó, cùng chọn chuyên ngành khảo cổ học. Jabindu, người Népal; Robinson, người Mỹ. Thời trẻ, cả hai đều say mê công việc khô khan và vất vả của mình. Dấu chân của đôi bạn đã dẵm khắp những di tích lịch sử ở hai bờ sông Nile, sông Hằng, Trung Á, Con-đường-tơ-lụa và cả Nam Mỹ...
05 Tháng Năm 2015(Xem: 3207)