Chương 8

05 Tháng Giêng 201200:00(Xem: 3410)

NÚI XANH MÂY HỒNG
truyện vừa của Vĩnh Hảo
Khởi viết tại Sài Gòn 1980, hoàn tất tại Long Thành 1982
Alpha xuất bản 1991 tại Virginia, Hoa Kỳ

CHƯƠNG 8

 

Đôi khi đời sống diễn ra trong một trình tự nào đó, gần như là một định mệnh, mà cũng gần như một ngẫu nhiên. Người ta không hiểu nổi. Người ta chỉ cảm nghe rằng mình đi trong dòng đời như một chiếc lá, vàng hoặc xanh, trôi theo con nước biền biệt xa nguồn.

Luật tắc thế gian cơ hồ bất định, khiến người ta một lúc nào đó, trở nên hoang mang, muốn xét lại mọi giá trị. Có lẽ mọi người, có lẽ tôi, đang đi tìm những giá trị. Nhưng cái giá trị đích thực của đời sống hình như người ta chỉ cảm nhận được khi họ dừng chân hẳn trên một mốc thời-không tâm lý, khi mà tâm hồn họ như tâm hồn một đứa trẻ thơ, như một mảng mây thưa trôi qua vô tư trên nền trời vô tận. Chỉ lúc đó, chỉ trong khoảnh khắc tuyệt vời đó, giá trị là thiên thu.

 

Thư hồi âm của Đức cho tôi hay rằng chú sẽ rời Nha Trang trong vòng vài ngày tới. Vì như lời Đức nói ngày trước, chú không thể sống cô đơn trong một thành phố đầy kỷ niệm. Đời người tu sĩ, đã xa vắng tình cảm gia đình, và vì chưa thực sự thoát ly thế gian, nên tình bạn của họ là một thứ tình tình thiêng liêng, keo sơn và khắng khít như là chất liệu cần thiết để quân bình đời sống tâm lý. Đó là bệnh chung. Tôi xếp thư Đức bỏ vào túi và cùng lúc, tôi cũng nhận ra rằng tôi cũng có những nhu cầu tình cảm tương tợ như chú ấy.

Tôi đi qua đi lại trong căn phòng vuông nhỏ. Đứa cháu gái tôi ngồi dưới đất bày biện những đồ chơi của nó bỗng ngước nhìn tôi bằng con mắt ngạc nhiên. Nó không hiểu vì sao tôi lại đi quanh mãi trong một khoảnh không gian chật hẹp, bằng những lối bước cố định trên những khuôn gạch bông. Tôi yêu nét ngạc nhiên thiên thần của bé quá. Và tôi bỗng bật cười.

Chúng ta sinh ra và bước quen trên những lề thói, những khuôn thước sắp sẵn của cuộc đời. Đó là những bước quanh quẩn, đổi dời mà lại cố định; bước tới mãi mà vẫn quay lại lối cũ; vùng vẫy và phấn đấu vươn lên mãi mà vẫn như dậm chân trên một khoảnh đất ngục tù. Đó là điều khôi hài của chúng ta trong cuộc sống. Tôi quỳ xuống bên cạnh đứa bé và hỏi rằng có phải nó thấy tôi điên khùng chăng. Nhưng đứa bé lại khóc ré lên làm tôi lúng túng chẳng biết phải dỗ nó bằng cách nào.

 

Do sự đề nghị của Huân và Thiện, đã là những Đông y sĩ có tiếng tăm, kết hợp với ý hướng phục vụ bệnh nhân được hàm dưỡng trong tôi vào những ngày nằm bệnh không thuốc chữa mà việc học châm cứu của tôi được hình thành.

Mỗi sáng tôi mượn xe đạp của anh tôi để đến chùa học châm cứu. Đây là khóa học đặc biệt về lý thuyết. Lớp học chỉ có năm người mà bốn người kia đều đã biết châm cứu và đang phục vụ bệnh nhân nơi các phòng mạch miễn phí tại nhiều chùa ở Sài Gòn. Tôi đi học đều đặn mỗi ngày và cảm thấy phấn khích trong sự thâu thập những kiến thức mới lạ và bao la của ngành y học Đông phương.

Tuy nhiên, đôi lúc trên đường đi học hay trên đường về nhà, tôi vẫn có cảm giác như đang mang đôi dép trái vậy. Cũng có khi khó chịu hơn, tôi nghe chừng như cái đầu mình bị vặn ngược ra phía sau một cách khôi hài; và tôi bật cười một mình trong cảm giác ngược ngạo ấy. Có lẽ trong tôi, tình thương tràn đầy đối với cuộc đời, nhưng nó không muốn thể hiện bằng công việc của một y sĩ. Hình như tôi sinh ra không phải để làm một y sĩ. Tôi phải tự khẳng nhận điều này, dù rằng đối với tôi, y nghiệp là một nghề cao quý. Tôi nghĩ đến Đức. Có lẽ mẫu người như Đức thích hợp với nghề này hơn tôi. Tôi ước có chú ấy vào để cùng đi học hoặc có thể chú sẽ thay chỗ của tôi để tôi nghỉ hẳn và tìm môn học khác cho tôi. Bởi tôi đã dần dần cảm thấy rằng tôi chẳng thiết tha gì lắm trong việc học châm cứu này dù cho hai ông thầy Đông y của tôi có khen tôi thông minh, chóng hiểu, và gợi cho tôi những viễn ảnh đầy hứa hẹn trong tương lai. Tôi nghĩ, không biết chừng tôi học vẽ, học nhạc mà hợp với sở thích và năng khiếu của tôi hơn. Nhưng nhạc và họa đã bị cấm kị từ lâu đời trong chốn thiền môn; chúng thường gây những ấn tượng không đẹp cho những tu sĩ chuyên trì giới luật. Ngay trong qui luật nền tảng của chùa đã có cấm đoán hẳn hoi việc uổng phí thời giờ cho những ngành chuyên môn này. Trong hoàn cảnh của tôi bây giờ, sự câu thúc của những qui luật có cơ hội để được nới lỏng; nhưng đúng hơn, hiện trạng đau thương cùng nhu cầu thiết thực của bao nhiêu người khổ nạn trên đất nước đã không cho phép tôi dành nhiều thời giờ cho nhạc họa.

Thế thì tôi nên học cái gì đây? Tôi tự hỏi mình mãi mà vẫn không sao tìm được một môn học thích hợp. Tôi như chàng trai ngu ngốc không tìm được cho mình một công việc, một lối đi, dù rằng tiêu đích đã có thể nhìn thấy. Tôi chỉ cảm nhận được điều tôi khát khao mà không thấy được con đường nào chính xác nhất cho tôi để đạt tới nó. Biết được mình muốn gì là có thể tìm được lối đi cho mình. Đàng này, tôi chưa tìm được cái gì rõ rệt cả. Không phải người ta lúc nào cũng có thể tự tìm được lối thoát.

 

Nỗi thao thức và sự khắc khoải của con người trước cuộc sống thường thường là một cái gì bí ẩn, không thể nói được, cũng không thể hiểu được. Nó sẽ như con nước dâng tràn, còn những lối chảy của nó chỉ là phụ thuộc. Động cơ của nó là một, nhưng động lực mở cửa cho nó thì muôn vẻ. Tuy thế, khi người ta nhìn thấy nó rồi thì lối đi lại trở thành vấn đề chính yếu. Nó thôi thúc người ta phải đi tìm một cửa ngõ thích hợp. Và khi chưa tìm được cửa ngõ đó, nó khiến người ta trở thành nạn nhân của những băn khoăn, hoang mang và dằn vặt điên cuồng. Có lẽ tôi đang là nạn nhân của nó, ít nhất là trong lúc này.

 

Sáng nay, vẫn trong thong thả, tôi đạp xe đi học. Tôi biết sự thong thả đó rất cần thiết cho một con người sống giữa sự quay cuồng náo động chung quanh. Xe cộ ồn ào qua lại. Những bộ mặt hớt hãi tránh xe. Tiếng thắng rít ở các ngã tư đường. Những đèn xanh đỏ ban vui chuốc khổ. Tất cả những âm thanh, những bóng động, quyện lấy nhau trong sứ mệnh làm điên đầu nhân loại. Người ta khó lòng đi chậm và thư thới khi tất cả sinh động vật cùng những tiện nghi cơ khí của chúng chung quanh luôn luôn như đua nhau trong một tốc độ kinh hoàng. Người ta đi cướp không gian và thời gian. Người ta rút ngắn con đường bằng tốc độ; rút ngắn thời gian bằng tốc độ. Người ta luôn luôn sợ bị chậm trễ. Cho nên, sự thong thả quả thật cần thiết. Nó kìm hãm một cái gì như muốn vùng dậy trong tôi. Tốc độ và sự huyên náo của âm thanh kích thích sự bạo động và đập phá. Tôi giữ cho mình một nụ cười điềm tĩnh và đôi chân đạp thật nhẹ, thật chậm giữa phố thị xoay mòng. Trong tâm trạng đó, tôi mới nhìn rõ chính mình hơn.

Và cũng chính điều này khiến tôi bỏ học sáng nay để đạp xe đi suốt hai giờ đồng hồ hết từ đường này sang đường khác để nhìn vào lòng mình, tìm hiểu chính mình. Tôi thấy tôi phải trả tự do cho chính tôi. Khi chưa đạt đến tự do tuyệt đối, ít nhất tôi cũng không nên tự ràng buộc mình bằng những yếu tố phương hại đến quyền tự do tương đối của tôi. Nghĩa là, tôi phải chọn một công việc thích hợp cho con người của tôi, hoặc là không chọn gì hết. Không thể chạy theo những điều kiện bất xứng ý. Công việc của tôi không phải là công việc làm thuốc trị bệnh.

Tôi trở về nhà nằm, suy nghĩ rất nhiều về việc học thuốc và châm cứu. Chiều đó, Thiện, người dạy châm cứu cho tôi, đến thăm tôi tại nhà. Thiện tưởng tôi bệnh hoặc gặp bất trắc gì mà nghỉ học. Khi biết tôi nghỉ học vì một lý do rất mơ hồ, không chính đáng, Thiện tỏ vẻ buồn. Im lặng hồi lâu, Thiện khuyên tôi gắng học, vì theo anh, muốn có tiền dư dả để sống thì phải học một nghề cho thật xuất sắc và phải học cho đến nơi đến chốn như anh vậy, nghĩa là phải thành một Đông y sĩ đàng hoàng. Thế thì phải nỗ lực học ngày học đêm, nghiên cứu thật nhiều tài liệu và phải chết sống với nghề nghiệp, không thể học một cách tài tử lơ mơ như tôi được. Nghe Thiện nói thế, tôi hơi sững người và buồn khôn tả. Phải học thành tài để kiếm sống! Tôi thấy thất vọng ê chề. Tôi và Thiện ngồi im lặng cho đến khi chia tay.

Thiện lo lắng cho tôi thực tình. Anh muốn tôi có một sự nghiệp hẳn hoi. Sự nghiệp ở đây là một cái nghề tạo ra được đồng tiền căn bản để nuôi thân. Sống ở Sài Gòn trong hoàn cảnh tự lập thì phải thế. Có một nghề thì tạm ổn định cuộc sống.

Hoàn cảnh không làm thay đổi con người mà chỉ tác động phần nào vào đời sống con người thôi. Có thay đổi chăng là do con người chưa vạch được cho chính mình một hướng đi, hoặc đã có hướng đi mà lòng người không kiên định. Lý tưởng cần được nuôi dưỡng cũng như cây vườn cần được chăm bón: bỏ quên nó, nó sẽ khô héo, èo uột. Thường khi, người ta chỉ vạch ra lý tưởng và thực hiện nó trong thời gian đầu để rồi sau đó chỉ còn là những tác động của thói quen, gần như vô thức. Nghề thuốc là một nghề lý tưởng, cao đẹp và biểu hiện tình thương vời vợi đối với kiếp người đầy khổ bệnh. Nhưng nếu người thầy thuốc không thường vun quén, tô bồi cho lý tưởng phục vụ của mình bằng chất liệu tình thương thì dần dà, công việc của họ nghiễm nhiên trở thành một lối mưu sinh. Oái ăm hơn nữa, là mưu sinh một cách tàn nhãn, vô tình, trên vết thương trầm thống của những con người khổ bệnh, nghèo đói trên đời.

Hành động không bắt nguồn từ tình thương là hành động phi nhân; lý tưởng không tình thương là lý tưởng phi lý. Bởi vì, cuộc sống như miếng vải được dệt nên bởi những sợi chỉ tình thương. Người ta hòa hợp và tương quan trong tình thương và kình chống nhau cũng bởi thiếu tình thương. Xã hội được kết thành trong tình thương và trách nhiệm cũng được phát sinh từ tình thương. Trách nhiệm của một cá nhân đối với cộng đồng xã hội là trách nhiệm được khởi phát từ tình thương, thiếu tình thương thì trách nhiệm đó chỉ là một sự bó buộc, một sự cưỡng ép bị kềm thúc bởi ý thức hệ, bởi chủ nghĩa, hay bởi quyền lực. Và trách nhiệm như thế, nghĩa là trách nhiệm được dẫn dắt bởi một quyền lực hay bị lôi kéo bởi quyền lợi, thì chẳng phải là trách nhiệm gì cả. Trách nhiệm phải là một sự tự phát. Sự bắt buộc giết chết trách nhiệm và nghĩa vụ. Thiếu tình thương, trách nhiệm không bền bĩ: nó sẽ chết theo thời gian, chết theo sự sụp đổ của quyền lực hay chết bởi sự phán đoán và thay đổi bất tận của ý thức con người. Lý tưởng như ngọn đèn sáng được thắp bằng chất dầu của tình thương. Người ta phải luôn châm dầu để giữ cho ngọn đèn bất diệt.

 

Khi Thiện khuyên tôi phải gắng học tới nơi tới chốn để được vững vàng cho vấn đề cơm gạo, thì đối với tôi, đó quả thật là một bài học đáng giá, minh họa về thực tế của đời sống. Tôi không thể sống mơ mộng, lang bang mãi được. Tôi cảm ơn Thiện đã dạy cho tôi điều đó. Và đồng thời, bài học thực tế kia cũng làm tôi đau khổ. Nó dí gót chân tàn bạo của nó lên trên mảnh đất tràn trề lý tưởng và tin yêu của tôi.

Nghề thuốc đối với Thiện là một nghề lý tưởng. Anh đeo đuổi nó, ham thích nó từ lúc còn ở Hội An. Tôi nhớ có dạo tôi với anh đi vào một xóm nghèo, trông thấy một đứa bé bụng ỏng, đầu đầy ghẻ chóc, anh lấy tay xoa nhẹ lên những mụt ghẻ của đứa bé, làm phép trên đó rồi mới tiếp tục đi. Anh nói đùa với tôi rằng bàn tay anh là bàn tay của Dược Vương (ông vua ngành thuốc – tên một vị Bồ Tát trong kinh Phật), xoa đến đâu, bệnh tiêu đến đó. Tôi không tin anh làm được điều ấy ngay lúc đó, nhưng tôi rất cảm phục nghĩa cử và tâm hồn vị tha của anh.

Ước mơ của anh nay đã thành. Vừa vào Sài Gòn, năm 1976, anh lập tức đi tìm học một vị Đông y sĩ nổi danh, và chỉ trong vòng một năm nỗ lực, anh đã trở thành một Đông y sĩ đáng nể trong giới Đông y Sài Sòn. Anh thành công là phải, vì anh sống chết với hoài bão của anh. Nghề thuốc là nghề lý tưởng của anh, là sự nghiệp của anh. Còn phần tôi, anh ấy bảo tôi gắng học để kiếm sống. Sao mà phũ phàng thế!

Tôi không dám nghĩ rằng anh ấy cũng đang kiếm sống với nghề thuốc, vì rõ ràng nó là lý tưởng của anh, phù hợp với cá tính và sở thích của anh, là cái mà anh đã ấp ủ từ thuở bé. Nhưng qua lời khuyên của anh ấy, tôi nhận ra một sự thực rằng trong xã hội này, giới tu sĩ chúng tôi phải trực tiếp đối diện với vấn đề sinh kế để mua được chút tự do nào đó; nhưng cũng chính vì sinh kế, chúng tôi phải đánh mất chúng tôi trên một khía cạnh nào đó.

Riêng tôi, tôi phải trả tự do lại cho tôi. Tôi không thể buộc mình phải làm việc bằng tay trái. Tôi không thể cưỡng ép mình làm một y sĩ.

Bổn phận của mỗi người là tự tìm ra chính mình sẽ đóng góp cho cuộc đời những gì và bằng cách nào. Và như vậy, trước tiên hắn phải tìm cho ra hắn. Tôi phải tìm thấy tôi, và tôi phải là tôi. Tôi phải tiếp tục đi tìm ngõ thoát cho nỗi khắc khoải trong lòng.

 

Tôi nghỉ học Đông y từ đó.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Tư 2017(Xem: 3914)
27 Tháng Tư 2016(Xem: 3965)
Dòng sông đen ngòm chảy quanh thành phố; lặng lờ trôi bên những lầu đài và những căn nhà tồi tàn xiêu vẹo; luồn dưới những cây cầu nhỏ bắc qua hai bờ rác rến. Ai người thức/ngủ bên sông. Đêm ngày lao xao tiếng nói, giọng cười, và đôi khi là tiếng gầm thét của bão giông, sấm chớp. Lang thang đầu ghềnh, cuối bãi. Vời vợi mắt nhìn trời xanh. Ngồi một chỗ lắng nghe sông dài chuyển động. Quyện theo gió vẫn là hương thơm quen thuộc từ đồng nội kéo về. Ôi, nhớ nụ cười của Cha.
21 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 4050)
Năm cũ của nhân loại được khép lại với nhiều xáo trộn, bất ổn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội… của mỗi quốc gia, và cộng đồng quốc tế, của mỗi dân tộc và từng cá thể.
21 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7901)
Có những giọt mưa rơi trên công viên. Chiều. Vắng người. Mưa rơi, rửa sạch những tàn lá cao. Mưa rơi, ướt những bãi cỏ xanh. Mưa rơi, đọng từng vũng nhỏ trên đường đất. Kẻ không nhà co ro dưới tấm nhựa trải bàn màu xanh dương có hình những hoa tuyết trải đều đặn, thứ lớp như những người lính xếp hàng.
31 Tháng Mười 2015(Xem: 8386)
25 Tháng Mười 2015(Xem: 4641)
Thực ra, con bướm vẫy cánh xập xòe giữa đồng hoa xuân, hay khép cánh lặng lẽ trên ngọn cỏ đầu thu, đều có tác động nào đó trong đời sống vô hạn nầy. Hoa thơm, cỏ biếc, người vui hơn, có khi không phải vì hôm nay nhà có khách phương xa đến viếng, mà có thể vì tiếng nô đùa của trẻ thơ đâu đó, phương tây hay phương đông, hồn nhiên cất lên từ những khung trời đổ nát.
27 Tháng Chín 2015(Xem: 4781)
Cây bạch đàn là cây cao và có cành lá xum xuê nhất khu vực này. Tiếng chim kêu hót vang lừng mỗi sáng là từ trên những cành cao của cây này. Xa hơn, ở đầu đường, có hai cây cau dừa (cây cọ — palm tree), cao hơn cây bạch đàn nhiều, nhưng chim không làm tổ trên ấy ...
02 Tháng Chín 2015(Xem: 8015)
Thời tiết thật oi bức suốt một tuần lễ qua. Đâu đó trên đường, có những cảnh báo về hạn hán, kêu gọi mọi người tiết kiệm, hạn chế việc dùng nước. Nạn hạn hán đã kéo dài ở xứ này liên tục bốn năm qua. Nhiều cây kiểng và những bãi cỏ xanh của các công xưởng, công viên, gia cư tại đô thị đã lần lượt biến mất.
20 Tháng Tám 2015(Xem: 9587)
Thời tiết thật oi bức suốt một tuần lễ qua. Đâu đó trên đường, có những cảnh báo về hạn hán, kêu gọi mọi người tiết kiệm, hạn chế việc dùng nước. Nạn hạn hán đã kéo dài ở xứ này liên tục bốn năm qua. Nhiều cây kiểng và những bãi cỏ xanh của các công xưởng, công viên, gia cư tại đô thị đã lần lượt biến mất. Mọi người, mọi nhà đều phải tự ý thức trách nhiệm của mình đối với thiên tai này.
02 Tháng Tám 2015(Xem: 6213)
Ngọn đồi không cao nhưng diện tích khá rộng. Nếu đi bộ một vòng quanh chân đồi, cũng mất gần một ngày. Cây cối trên đồi đã được đốn hạ trụi lủi từ năm năm trước để tiến hành công trình xây dựng ngôi chùa, đạt kỷ lục là có chánh điện rộng lớn nhất nước; bên cạnh đó, lại thêm một kỷ lục là có tượng Phật tọa thiền vĩ đại nhất châu lục.