Chương 05

12 Tháng Ba 201300:00(Xem: 2663)

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG
Vĩnh Hảo
Nhà Xuất Bản Chiêu Hà

CHƯƠNG NĂM

Thầy tôi là một vị tăng cao đức, có uy tín tại Nha Trang cũng như đối với giáo hội. Thầy sinh trưởng tại quận Diên Khánh. Xuất gia lúc bé thơ ở chùa Khánh Long, cũng ở Diên Khánh, một quận lỵ cách Nha Trang chín, mười cây số về phía nam. Thuở còn thanh niên, thầy ra Huế học tại Phật học đường Báo Quốc, rồi vào Sài Gòn, học tại Phật học đường Nam Việt. Sau khi tốt nghiệp đại học Phật giáo, thầy trở về nguyên quán đảm trách công việc do giáo hội giao phó tại Phật học viện Hải Đức này. Một phần do tính khí, một phần do ảnh hưởng tập quán địa phương, thầy trở nên một vị tăng có đời sống đơn giản, hồn hậu và bình dị. Tuy vậy, đối với vấn đề giới luật, thầy tuân thủ nghiêm minh nên đã có thời thầy là vị thầy nghiêm khắc, cương nghị, phạt đòn thẳng tay, làm cho học tăng trong viện phải sợ thầy một phép. Bây giờ, công việc càng lúc càng nhiêu khê khiến thầy bận bịu, không còn thì giờ để đi sát với sinh hoạt kỷ luật của học tăng nữa. Chuyện gì quá đáng đến tai thầy, thầy mới đem ra phân xử, còn ngoài ra đều do ban giám thị của Phật học viện giải quyết.

Quần chúng ngưỡng mộ quy kính thầy mỗi lúc một đông, nhưng đệ tử xuất gia của thầy thì hiếm lắm, vì thầy không có ý thu nhận nhiều. Trong một cuốn sổ ghi danh các đệ tử quy y và thọ pháp thầy, tôi thấy giới xuất gia chỉ có sáu người. Theo thứ tự thời gian thì đầu tiên là chú Hiền (dân Nha Trang), rồi đến chú Phượng, chú Quyết, chú Hải, chú Sung (dân Diên Khánh) và cuối cùng là tôi. Chú Hiền pháp danh Tâm Hạnh, học ở Phật viện Liễu Quan Phan Rang. Chú Phượng pháp danh Tâm Chơn và chú Quyết pháp danh Tâm Chí, đang tu học ở chùa Diên Thọ (cũng do thầy tôi chủ trì, tại Diên Khánh). Chú Hải, pháp danh Tâm Hương, học tại Phật học viện Bảo Tịnh, Phú Yên. Các chú ấy đã lớn và đã thọ giới Sa-di (giữ mười giới cấm), cạo chỏm đi rồi. Chú Sung, pháp danh Tâm Dung, và tôi, thì vẫn chưa thọ năm giới. Nhưng chú Sung đã có cái chỏm trên đầu, lại mặc đồ tu nữa, nên đã ra vẻ “người xuất gia” lắm, còn tôi, vẫn chỉ là một đứa trẻ thế tục trên hình thức.

Thầy không cho mặc đồ đẹp, tôi đành mặc lại mấy bộ đồ tây, chờ đợi mẹ may đồ khác. Hai hôm sau mẹ tôi mới mang hai bộ áo quần tu mới cho tôi. Mẹ phải nhờ sư cô Yến mua giúp cho loại vải nào đừng sang trọng quá nhưng cũng đừng quá tệ mà tội nghiệp tôi. Màu vải lam hơi sẫm trông cũng đẹp lắm. Mẹ tôi đem trình thầy xem trước. Thầy nói được. Vậy là tôi mặc vào. Lần này thì chắc chắn là không bị lột áo nữa rồi. Bộ đồ tu thực ra từ tiền vải đến tiền công so với bộ đồ tây của người đời thì hãy còn quá rẻ, có đáng giá gì. Nhưng giá trị của nó không nằm nơi sự chiết tính bằng con số và thị hiếu của thế gian. Tôi sung sướng mặc bộ đồ vạt hò mới và cảm thấy rằng mình đã thực sự tham gia vào thế giới những người xuất gia này. Cảm giác của tôi lúc đó thật lạ: giống như một người công chức hay một anh lính quèn mới được lên chức. Nhưng trên thực tế, các thầy ở Phật học viện vẫn gọi đùa tôi là “ông cư sĩ”, tức vẫn còn là một người thế tục (có tâm tu), vì tôi hãy còn tóc trên đầu. Ban đầu tôi chưa hiểu chữ cư sĩ có nghĩa là gì, nên chỉ cười cười. Sau đó, biết được rồi, tôi hơi buồn và thấy trong lòng nôn nao muốn được trở thành chú tiểu như chú Dũng, chú Sung–tức là phải cạo tóc chửa chỏm–để không còn lạc lõng giữa hàng trăm người đầu tròn áo vuông nơi đây nữa.

Dù sao, trong thời gian làm thị giả cho thầy, tôi cũng được nhiều thầy trẻ cũng như các chú tiểu thương mến và thích lắm. Nguyên do là như vầy: thầy tôi không dùng được bất kỳ loại thức ăn, thức uống nào có chất hóa học, tức những sản phẩm kỹ nghệ. Thầy tôi cũng không hút thuốc, không uống trà, cà phê; không dùng thức ăn có dầu, bơ hoặc nêm bằng bột ngọt hay đường cát. Tóm lại là mọi thứ thầy dùng đều là sản phẩm kiểu cây nhà lá vườn từ nhà quê đem lên. Cho nên, bao nhiêu vật dụng, thực phẩm mà phật-tử đem dâng cúng riêng cho thầy, thầy đều chất đống lên chiếc giường gỗ, bảo tôi đem phân phát cho các thầy các chú nào cần. Có khi tôi phải nhờ một chú khác cùng vào phòng thầy khiêng cả một thúng đồ ra ngoài. Phật tử cúng dường thầy thì thường cúng “sỉ” chứ không cúng lẻ tẻ. Chẳng hạn cúng sữa hộp thì cúng nguyên thùng. Cúng thuốc hút thì cúng nguyên cây (hình như ông phật-từ nào đó nghĩ rằng mình thích cái gì thì cúng thầy cái đó nên mới đem món này lên dâng). Trái cây, đường, cà phê, trà… đủ thứ, đủ loại, không thứ nào thầy tôi đụng đến. Tôi mang tất cả đem chia. Các thầy trẻ thì thích cà phê, thuốc lá; các chú tiểu thì thích mì gói và sữa hộp. Họ thích tôi vì tôi không bao giờ mang đồ của thầy xuống mà dùng một mình. Tôi đã học được điều đó từ ngày thầy chia giỏ đồ của tôi cho tất cả các chú tiểu trong chùa. Tôi biết niềm vui sẽ to lớn khi nào cõi lòng và đôi tay được mở rộng chứ không phải là lúc chúng khép lại.

Phật học viện Hải Đức là một Phật học viện có nguồn tài trợ rất lớn và chính yếu từ xưởng nước tương của giáo hội tỉnh, cũng như sự hỗ trợ tận tình của rất đông phật-tử Nha Trang, nên vấn đề thực phẩm, thuốc men và vật dụng rất đầy đủ, không sợ thiếu thốn. Một số học tăng cũng như các chú tiểu nhỏ (trừ những vị ở tỉnh xa đến) lại thường có gia đình tiếp tế thêm tiền bạc hoặc món này món nọ để có sức mà tu học. Chính vì vậy mà chuyện ăn uống lặt vặt ngoài ba bữa cơm của viện không phải là chuyện thúc bách, hăm hở gì. Có điều, đó là dịp để chung vui. Chúng tôi là những đứa bé trai xa gia đình, rất cần những phút vui với nhau. Mà có cái vui nào cho trẻ em bằng cái vui được ăn uống đâu!

Vui nhất là uống sữa đá với nhau vào giấc trưa trời nắng gắt. Sau bữa cơm trưa là giờ chỉ tịnh (tức giờ ngủ), quý thầy ai vào phòng nấy, đóng cửa nghỉ trưa. Bọn tiểu chúng tôi rủ nhau uống sữa đá. Một chú xuống xóm mua đá lạnh. Đá đập nhỏ bỏ vào thau lớn. Sữa hộp hai ba lon khui ra trút hết vào thau, không pha nước sôi hay nước lạnh gì. Sữa đặc quánh trong thau phải quậy một lúc lâu mới có thể lấy vá múc vào chén mà uống được. Ngọt lịm! Sau có chú bày vắt chanh vào sữa thành món sữa đá chanh, càng ngon tuyệt. Cứ hai ba bữa chúng tôi lại rủ nhau “làm” một thau như vậy. Mà muốn có những tiệc vui nhỏ đó, ắt là phải tùy thuộc vào tôi. Tôi cũng mang sữa, đường, cà phê, và trà cho quý thầy trẻ cần thức khuya để học nữa. Tối tối mà thấy tôi xách một giỏ mon men lên các dãy phòng tăng là các thầy biết ngay có tiếp tế. Thỉnh thoảng mới có một cây thuốc lá Mỹ, tôi phải thật thận trọng để đem dúi cho các thầy ghiền thuốc, mỗi thầy một gói. Viện có lệnh cấm hút thuốc hay không thì tôi không biết. Chỉ thấy các thầy lấy thuốc mà có vẻ lén lén lút lút rất tội nghiệp. Thực ra khi đưa cây thuốc lá cho tôi, thầy tôi cũng đã có dặn là đem cho mấy thầy tên này tên kia. Điều đó chứng tỏ thầy biết có người hút thuốc chứ chẳng phải không. Nhưng cái bệnh ghiền thuốc là cái bệnh vừa khó thương mà cũng vừa tội nghiệp. Nó có hai mặt của nó. Kỷ luật cũng vậy, có khi phải xiết mà có khi cũng phải nới ra một chút. Thầy nói: “Thầy đó hút thuốc dữ lắm, hứa bỏ hoài mà bỏ không được. Đưa gói thuốc này nói ổng hút xong rồi cai luôn đi nghen!”

Tôi mang thuốc đi mà nghe như trong giọng thầy có cái vẻ trách yêu độ lượng của một người cha hiền đối với đứa con hoang đàng nghịch ngợm.

Đó là chuyện chia sẻ và chung vui. Nhưng ít ra cũng có lúc và có chút riêng tư nào đó dành cho mình. Nếu không có sự chung vui thì sẽ không bao giờ có được cái vui riêng một cách hể hả sung sướng. Vào hôm mà giỏ đồ mẹ tôi đem lên cho tôi bị chia hết cho các chú tiểu chung vui, mẹ tôi đã xuống nhà bếp dặn dò rồi dúi gì đó vào tay dì Lệ, một trong những dì vải thường trực tại nhà bếp của viện. (Khu nhà bếp của viện lớn lắm. Các dì vải lúc đó có khoảng bốn, năm dì, mỗi dì lo mỗi việc, vậy mà cũng phải cần nhiều phật-tử đến giúp làm công quả thêm hàng ngày mới đủ sức và kịp thì giờ để lo nấu nướng cho hơn hai trăm miệng ăn của viện). Mẹ tôi chỉ nói chuyện riêng với dì Lệ. Ngày hôm sau, tôi xuống bưng cơm dọn cho thầy thì dì Lệ kêu tôi ra sau hiên bếp, đưa tôi một bịch chè và một trái chuối già hương. Dì nói:

“Của mẹ chú gởi tôi mua đó. Ăn đi nghen. Mẹ nói chú ốm xanh quá, phải ăn thêm thứ này thứ nọ mỗi ngày cho có chất bổ.”

Tôi cầm bịch chè mà thầm cảm nhận tình thương của mẹ gói ghém gởi đến. Từ ngày tôi vào chùa, mẹ tôi đã không ôm hôn và biểu lộ tình cảm mẹ con đối với tôi như thuở trước nữa. Bà chỉ còn cách gởi đến tôi những món ăn, thức uống nho nhỏ như vầy. Ngày nào cũng vậy, dì Lệ dặn tôi là cứ vào giớ quý thầy ngủ trưa thì xuống bếp để dì đưa chè và chuối mẹ gởi. Có khi mẹ vắng nhiều ngày không lên chùa, những ngày ấy, tôi vẫn cảm nhận được bàn tay chăm sóc của mẹ qua cái bịch chè nhỏ đó. Tôi tìm một chỗ vắng–cả cái viện to lớn rộng rãi như vầy thi thiếu gì chỗ vắng–ngồi xuống hăm hở soạn cái bịch nhỏ mà tôi biết trước là có bịch chè và trái chuối già hương trong đó, chỉ khác là lúc thì chè khoai, lúc thì chè đậu mà thôi. Tôi không ăn vội. Tôi đâu có đói thiếu gì. Tôi ngồi một lúc để nhớ đến mẹ, rồi dốc ngược cái bịch chè xuống, bóp bóp một chút cho nước dừa được trộn đều; sau đó mới cắn một phát rồi rứt một góc đít của bịch ni-lông ra. Mút. Ôi, chè sao mà ngon mà ngọt đến thế!

 

a

 

 

Buổi sáng hôm đó, nhằm ngày mười bốn tháng năm, tức là lúc tôi vào chùa chỉ mới được mười bốn ngày, thầy gọi tôi ra hiên phòng thầy và cạo tóc chừa chỏm cho tôi. Tôi sung sướng vô cùng. Từ nay thì không ai chối cãi được rằng tôi đã thành một chú tiểu thực sự. Cái chỏm của tôi kéo dài từ giữa đỉnh đầu đến chân mày. Thầy tôi không cho để dài hơn. Thầy dặn hễ thấy dài hơn lông mày là phải cắt, tỉa bớt chứ để dài thì trông giống các tiểu ni lắm. Đầu mới cạo tóc trông xanh như có nhuộm mực. Bấy giờ tôi mới nghĩ rằng chữ đầu xanh  phải áp dụng cho mấy chú tiểu mới cạo tóc chứ không thể dành cho những người có tóc đen thui được. Tôi hân hoan xuống bếp để khoe với dì Lệ, nhờ dì nhắn với mẹ tôi là tôi đã trở thành chú tiểu. Dì Lệ và các dì vải khác dưới bếp, ai cũng vui và khen tôi có cái chỏm rất đẹp. Mấy thầy trẻ đi ngang cũng cười vui, xoa đầu tôi. Chưa bao giờ, kể từ ngày vào chùa, tôi thấy mình vui mừng đến độ không kiểm soát được xúc cảm của mình như vậy. Dì Lệ chưa có dịp thông báo cho mẹ tôi thì ngay trưa đó, mẹ tôi đã có mặt. Mẹ tôi chỉ thấy nhớ tôi, muốn thăm tôi mà lên viện chứ chẳng biết gì. Thấy tôi cạo tóc rồi, mẹ cũng sung sướng, kêu tôi ra trước sân chánh điện, chụp nguyên một cuộn phim để lưu niệm.

Ngày đầu được cạo tóc, tôi tưởng như vậy đã là thành tựu lớn cho ý nguyện xuất gia của mình rồi. Nhưng buổi tối, trước khi ngủ, thầy tôi dạy rằng, tôi chỉ mới bắt đầu bước thứ nhất cho hành trình vạn dặm tiến đến mục tiêu tối hậu của người xuất gia. Không kiên cường dõng mãnh thì không sao đi trọn được con đường chông gai đó. Dù nghe thầy nói trước sự gian nan khổ nhọc của người xuất gia như vậy, tôi vẫn thấy tự tin trong lòng. Tôi cứ đưa tay sờ lên cái đầu láng bóng của mình. Thấy ngồ ngộ mà thích thú làm sao. Từ nay tôi đã biến dạng rồi, đã thành một con người khác rồi. Tôi mỉm cười nằm xuống ngủ. Trước khi vào giấc ngủ, tôi nghĩ, có lẽ cuối con đường vạn dặm mà thầy nói đó, là phương trời cao rộng mà tôi hằng mơ ước.

 

a

 

Hôm nay lại có một chú mới vào xin xuất gia nữa. Chú ấy tên là Sáng cũng quê ở Diên Khánh. Ba chú Sáng là một thầy tu hoàn tục. Có lẽ do ảnh hưởng của cha mà chú ấy đòi đi tu sớm (chú ấy nhỏ hơn tôi hai tuổi). Chú Sáng có khuôn mặt lanh lợi, khôi ngô với đôi mắt to và sáng. Phải cái là da chú quá đen mà lại mốc sần nên cũng giảm bớt đi phần nào nét dễ thương của chú. Ba chú Sáng có quen biết với thầy tôi từ trước nên chuyện xin thầy cho chú xuất gia cũng đơn giản. Chú chẳng bị thử thách gì như tôi. Nhưng vì gia đình chú có tổ chức tụng kinh hằng ngày như ở chùa, nên chú cũng thuộc khá nhiều những bài kinh sám ngắn. Sáng thông minh, học thuộc lòng rất giỏi nên chỉ thời gian ngắn là vượt qua các chú Dũng, Sung và Kính. Ba chú Sáng cũng chuẩn bị cho chú đầy đủ nên vào chùa chừng một ngày sau là chú đã có áo quần tu để mặc rồi. Vải may cũng là loại trung bình, không sang mà cũng chẳng tệ lắm, nên chú cũng không bị thầy tôi bắt đem cho hay đổi với ai. Vậy là kể từ hôm nay, tôi không còn là đệ tử út của thầy nữa. Tôi đã được lên chức sư huynh rồi đó.

Chú Sáng cũng không có chỗ ngủ nên tối nào cũng cùng với chú Kính giăng mùng tại Tổ đường mà ngủ. Tôi vẫn ngủ trong phòng thầy, nhưng lúc này tôi không ngủ trên ghế xếp nữa vì thấy mất công, lại thêm phiền là mỗi lúc cựa quậy thì chiếc ghế lại kêu lên cót két vài tiếng, có thể làm mất giấc ngủ của thầy. Tôi thưa thầy là tôi ngủ ở khoảng trống ở giữa bàn viết và tủ thờ Phật trong phòng thầy (tức là chỗ ngủ của tôi và thầy cách nhau một cái tủ đứng lớn). Thầy đồng ý. Từ đó, mỗi tối tôi lau quét rồi ngủ dưới nền xi-măng cho mát và thoải mái.

Chú Sáng siêng năng học kinh luật, suốt ngày ngồi một chỗ mà học, chẳng biết đi chơi đâu. Khi nào buồn ngủ, chú ngồi xếp bằng trên ghế hoặc ngồi dựa vách mà ngủ. Đôi lúc chú ngồi nhắm mắt lim dim như một ông Phật con. Dũng, Kính và Sung có chọc ghẹo hay đụng tới thì Sáng chắp tay nói “mô Phật” khiến ba chú kia càng ghét thêm, cho rằng Sáng đạo đức giả. Buổi tối, Sáng ngủ ở Tổ đường cứ bị chú Kính chọc ghẹo, nào là thắt giây móc vào ngón chân cái rồi đem cột vào chân bàn chân ghế, nào là chờ Sáng ngủ say rồi hè nhau khiêng đi chỗ khác–có khi còn muốn tụt quần chú Sáng để đem giấu nữa. Nhưng Sáng đúng là chú tiểu hiền lành dễ thương, bị chọc hoài mà không đem lòng hờn oán ai, cũng không đem chuyện đó lên thưa thầy hoặc mét thầy quản chúng.

Vài hôm sau, thầy gọi Sáng vào phòng, bảo Sáng cùng tôi lau quét dưới đất mà ngủ. Công việc hầu hạ thầy từ đó có thêm Sáng phụ giúp nên tôi cũng vui và đỡ bận.

Mỗi tối trước giờ niệm Phật, hai đứa chúng tôi được thầy dạy cho pháp Tỳ ni. Phương pháp này, trích từ kinh Hoa Nghiêm, là một trong những pháp tu mà Thiện Tài đồng tử học được trên đường tham vấn năm mươi ba vị Phật và Bồ tát. Phương pháp rất đơn giản mà lúc đó chúng tôi chỉ học cách thực hành chứ không cần tìm hiểu nghĩa lý. Phương pháp này cũng được trích dẫn một số câu thông dụng để tạo thành cuốn Tỳ Ni Nhật Dụng, một trong bốn cuốn luật mà tôi đang học phần âm Hán–Việt. Bây giờ, thầy dạy chúng tôi áp dụng bằng cách học phần nghĩa. Phương pháp rất dễ áp dụng. Chỉ cần học thuộc lòng một số bài thơ kệ (thường có kèm theo một câu thần chú) để đọc trong những sinh hoạt hằng ngày. Chẳng hạn khi rửa tay thì đọc:

“Lấy nước rửa tay,

Cầu cho chúng sanh,

Được tay trong sạch,

Giữ gìn Phật pháp.

Án, phạ tất ba ra ma ni sa ha.”

Phương pháp này phù hợp với Chánh niệm trong Bát Chánh Đạo. Đó là cách để tập cho mình ý thức được mình đang làm gì, giữ cho tâm hồn luôn chú mục vào giây phút hiện tại để từ đó định lực phát sinh, định lực phát sinh thì trí tuệ mới tỏa chiếu. Thầy giảng cho chúng tôi nghe sơ qua như vậy. Mấy ngày đầu chúng tôi chưa quen, thầy cố tình đọc lớn tiếng để nhắc chúng tôi đọc theo. Thầy trò chúng tôi thường đọc chung các bài kệ chú áp dụng trong khoảng thời gian trước khi ngồi niệm Phật hay tham thiền tại chỗ nằm ngủ và nhất là khoảng ba giờ rưỡi khuya, lúc mới nghe tiếng báo chúng và đại hồng chung ngân vang để đánh thức cả viện thức dậy. Giấc khuya này có nhiều câu kệ để đọc lắm. Trước nhất là bài Tảo ngộ (thức dậy buổi sớm), thầy đọc trước câu đầu, chúng tôi giật mình, dụi mắt, cùng đọc theo các câu kế:

 “Ngủ mới thức dậy,

Cầu cho chúng sanh,

Được trí siêu việt,

Thấy khắp mười phương.”

Rồi đến bài Văn chung (nghe chuông):

“Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ

Trí tuệ lớn, bồ đề sanh

Lìa địa ngục, xa hầm lửa

Nguyện thành Phật, cứu chúng sanh.

Án, dà ra đế da sa ha.”  

Xong bài Văn chung, ngồi niệm Phật nửa giờ mới bước xuống đất. Nhưng trước khi đặt chân xuống đất thì phải đọc bài Hạ đơn (xuống giường) – lúc đọc bài này, tôi thấy tức cười mà chẳng dám nói ra điều mình suy nghĩ với thầy, nhưng không ngờ lúc vui, thầy nói: “Hai đứa con nằm ngủ dưới đất thì đâu có cần phải đọc bài Xuống giường, phải không? Nhưng kệ, cứ đọc cho quen. Đâu phải nằm dưới đất hoài!”

Xỏ hai chân vào giép để bắt đầu cất bước chân thứ nhất có bài Hành bộ bất thương trùng (bước đi không tổn hại đến sinh vật dưới đất) – bài này tôi thấy tức cười cho trường hợp chúng tôi, vì phòng thầy lúc nào cũng lau sạch, giép đều để ở phía ngoài, có giép đâu mà xỏ và đọc bài kệ cho bước chân thứ nhất! Bước ra khỏi nhà hay phòng lớn có bài Xuất hộ (rời nhà); vào nhà tiêu có bài Đăng xí; rửa tay có bài Tẩy thủ; rửa mặt có bài Tẩy diện; súc miệng có bài Thấu khẩu; tắm rửa, thay quần áo, mắc áo tràng v.v… nhất nhất mọi cử động, mọi hành vi đều có những bài thơ kệ, hoặc thần chú thích hợp để đọc lên, nguyện cầu cho chúng sanh và cũng để tự lắng tâm mình. Tôi và Sáng tập áp dụng phương pháp này không mấy khó. Có thầy nhắc nhở luôn như vậy nên chúng tôi ít quên. Ban ngày ra ngoài không ở trong phòng thầy, chúng tôi cũng tự nhớ những bài kệ chú khác để áp dụng cho các sinh hoạt khác. Nhưng ở ngoài, chúng tôi đọc thầm chứ không đọc to như lúc ở trong phòng thầy. Mà thầy cũng chỉ đọc lớn tiếng để nhắc nhở chúng tôi trong thời gian đầu thôi. Đâu được vài tuần lễ, biết chúng tôi đã thuần thục, thầy không đọc lớn tiếng nữa. Bài học thầy dạy, phương pháp thầy nhắc, đơn giản chỉ có thế. Nhưng tôi nhớ mãi và đem áp dụng lâu dài về sau để trở thành một trong những công phu tu tập thường xuyên của đời mình.

Trong tháng đó, viện có tăng thêm nhân số vế phía bọn tiểu chúng tôi. Một chú tên Sướng, một chú tên Minh và một chú tên Thông. Sướng thì ở Cam Ranh ra, Minh thì ở xóm Bóng vào, Thông thì ở Diên Khánh lên. Chú Sướng và Thông thì xin làm đệ tử thầy quản chúng. Minh thì xin làm đệ tử thầy tôi. Vậy là tôi lại có thêm một sư đệ. Chú Minh này là chú nhỏ nhất trong đám tiểu chúng tôi. Không những nhỏ tuổi mà còn nhỏ xác nữa. Bé tí xíu mà lại ốm tong teo như con nai con mới lọt lòng mẹ. Ví chú ấy như con nai con là chính xác nhất ví chú còn có đôi mắt to, đen láy, hiền như mắt nai vậy. Hình như nhà chú ấy khá giả, may cho chú đồ sang lắm, may luôn một lúc bốn, năm bộ với loại vải đắt tiền. Chẳng hiểu sao thầy tôi không la rầy, cấm đoán chi chuyện đó. Đôi khi tôi tự hỏi không biết thầy có phải chỉ đặc biệt cấm đoán mình tôi thôi? Phải chăng đối với một đứa đệ tử nhạy cảm và dễ say đắm, thầy sẽ ngăn ngừa nó từ những bước đầu?

Chiều, người thân của các chú mới xuất gia ra về. Chẳng thấy chú nào bịn rịn quyến luyến gì. Buổi tối, tất cả các chú tiểu phải tập trung tại Tổ đường để học và ôn lại kinh trước khi đi trả kinh (dò kinh) nơi phòng thầy quản chúng. Mạnh ai nấy đọc lớn bài học của mình. Người thì học kinh, kẻ thì học luật, làm rộn cả Tổ đường. Nhưng chúng tôi đang đọc lớn như vậy bỗng nghe chen vào tiếng khóc rất thảm. Cả bọn chúng tôi kẻ trước người sau, từ từ ngưng đọc kinh, hướng về chỗ phát ra tiếng khóc. Tiếng đọc kinh nhỏ dần nhỏ dần rồi im, trong khi tiếng khóc càng lúc càng lớn, nghe thống thiết lắm. Té ra người khóc là chú Minh, con nai con của chúng điệu. Thấy bên ngoài im tiếng đọc kinh mà lại có tiếng khóc rất lớn, thầy tôi từ trong phòng bước ra, hỏi:

“ Cái gì vậy? Đứa nào đánh?”

Chú Kính nhanh miệng đáp liền:

“ Dạ con không có đánh nó.”

“Vậy thì ai?” thầy hỏi tiếp rồi hướng về chú Minh, “ai đánh con mà khóc dữ vậy? Chú nào ăn hiếp thì thưa với thầy.”

Minh không trả lời thầy mà càng khóc to hơn. Thầy vừa tức cười vừa bực mình, quay qua hỏi tôi:

“Ai làm gì chú ấy vậy?”

Thực tình tôi cũng không biết nguyên do nào nên chỉ đáp:

“Bạch thầy con không biết. Hình như chú ấy tự khóc chứ chẳng ai đánh đập gì.”

Vậy là thầy đoán được nguyên do. Thầy hỏi chú Minh:

“Nhớ nhà phải không?”

Câu hỏi của thầy làm tăng thêm nỗi nhớ của chú, chú khóc rống lên, nghe còn thảm thiết hơn. Bảo chú im không được, thầy đưa địa chỉ, sai chú Đông (người làm công quả cho chùa) đến nhà chú Minh thông báo cho cha mẹ chú lên viện đón chú về. Chú Đông lo việc đó sao không biết mà đến sáu giờ sáng mới thấy cha mẹ của chú Minh đến. Suốt đêm đó chú Minh cứ khóc thút thít. Thầy bảo cha mẹ chú Minh đem chú về. Thầy không nhận chú xuất gia ở viện nữa, dù chú vẫn cứ là đệ tử của thầy. Tháng sau tôi gặp chú Minh ở Phật học viện Linh Sơn, một Phật học viện Sơ đẳng nổi tiếng trong nước dành cho các chú tiểu. Được biết, khi thầy tôi bảo gia đình chú Minh đem chú về không cho tu với thầy nữa, chú đã đòi đi tu trở lại vài ngày sau đó. Gia đình chiều lòng, bèn đem chú lên Phật học viện Linh Sơn để tiếp tục ý nguyện xuất gia của chú.

Tôi ở viện được nửa tháng thì mọi sinh hoạt trong ngày đã trở thành quen thuộc. Nếp sống thiền môn với kỷ luật chặt chẽ, với nội quy khe khắt và bao nhiêu là điều cấm kỵ phải tránh né, không làm tôi khổ sở, lúng túng nữa. Tôi đã có thể ngủ và thức, học, làm việc và tu, theo thời khóa của viện mà không thấy trở ngại gì. Tôi biết tôi có thể chịu đựng nổi. Có điều là càng lúc tôi càng ốm và xanh. Chuyện ăn uống thì nơi đây chẳng thiếu thốn gì, nhưng tuổi thơ như tôi mà ngủ một ngày có năm, sáu giờ đồng hồ thì phải công nhận là chưa đủ. Các chú tiểu ngồi đâu gục đó. Tôi và Sáng vì ở trong phòng thầy nên khi kẻng đánh báo thức là cùng dậy. Có thầy một bên đâu dám ngủ nướng. Nhưng các chú tiểu khác ngủ ngoài Tổ đường hay trong phòng điệu thì có khi cũng muốn nằm ráng được chút nào hay chút nấy, hoặc có khi ngủ mê không biết đã đến giờ phải thức. Thức dậy sớm cho quen, chứ thực ra bọn tiểu chúng tôi có làm việc gì vào giấc khuya ba giờ rưỡi, bốn giờ đâu. Để cho có chuyện làm mà tránh buồn ngủ, thầy bảo chúng tôi lấy kinh luật ra học, nói rằng dậy sớm như vậy học rất mau thuộc. Thầy cũng nói với chúng tôi rằng, bây giờ còn nhỏ không tập dậy sớm, sau này trở thành thầy tăng lười biếng, ham ngủ nghỉ. Mặc dù thầy khuyên nhắc và đưa ra bao nhiêu lợi ích của sự dậy sớm, chúng tôi cũng phải thật khổ nhọc để thắng được những cơn buồn ngủ. Nhiều chú gục trên bàn kinh mà ngủ. Có chú giả đò để kinh trên bàn, xin phép đi đại tiện hay tiểu tiện. Vậy rồi đi luôn chẳng thấy trở lại. Chắc là kiếm chỗ nào khuất để nằm lăn ra mà ngủ, hay ngồi đại xuống ở góc tường nào gần cầu tiêu mà ngủ đỡ. Giờ báo thức, có chú không hay biết gì. Thầy tôi hoặc thầy quản chúng phải thường nhắc nhở, kêu dậy. Thầy tôi có khúc cây ngắn nhỏ, chú nào ngủ mê thì lấy khúc cây đó gõ vào mắt cá mấy cái. Thầy quản chúng thì có cái roi mây, ai ngủ quên là bị thầy quất cho chạy mà tỉnh ngủ luôn. Cho nên tôi thường lợi dụng lúc đi lấy nước sôi cho thầy, chạy xuống phòng điệu để đánh thức các chú trước. Bây giờ có thêm chú Sáng, tôi và chú thay nhau, đứa đi lấy nước sôi, đứa đi đánh thức các chú dậy để các chú khỏi bị đòn tội nghiệp. Thực ra tôi và Sáng có hơn gì các chú kia đâu. Chúng tôi cũng buồn ngủ, thèm ngủ lắm, nhưng không dám và cũng không có cơ hội nào để ngủ thêm một chút. Chúng tôi phải dùng đủ mọi phương pháp để vượt qua cơn buồn ngủ. Có nhiều phương pháp lắm, nào ngắt véo vào đùi, nào búng tai búng mũi, nào đứng dậy đi vài vòng hay chạy ra ngoài rửa mặt, nào nhíu mạnh hậu môn vài giây mỗi lúc… đó là các phương pháp thông dụng mà các chú tiểu bày nhau. Còn tôi thì áp dụng phương pháp tự kỷ ám thị mà thầy dạy từ những ngày đầu tiên. Tuy vậy, có lúc con ma buồn ngủ cũng đã quyến rũ và chinh phục tôi. Những lúc như vậy, tôi tìm được chỗ ngủ rất an toàn mà các chú tiểu khác không nghĩ ra. Trước hết, tôi không ngủ vào giấc khuya khi cả bọn tiểu chúng tôi phải tập trung tại Tổ đường để học kinh, có thầy kiểm soát, mà lựa khoảng thời gian nào rảnh nhất trong ngày như lúc đi tắm giặt, lúc các thầy đều đi cúng quá đường trong mùa an cư (cúng dường, thọ trai và tụng kinh, kéo dài gần hai giờ đồng hồ), hay vào giờ phóng tham. Chẳng qua tôi cũng bắt chước chú Sung thôi, nhưng cải tiến cách của chú ấy một chút để được an toàn hơn. Chú Sung thường lên chánh điện, chui xuống bàn thờ Quan Âm mà ngủ. Nhưng dưới bàn thờ trống trải, ai đi ngang cũng có thể nhìn thấy chú nằm chèo queo dưới bàn. Ban đầu buồn ngủ quá mà không biết ngủ tạm ở đâu, tôi chợt nhớ đến chỗ của chú Sung; nhưng khi nhìn lại thấy dưới bàn thờ trống quá dễ bị phát giác, tôi bèn chui vào tủ thờ Phật Thích Ca. Tủ thờ của viện lớn lắm, hai ba chú tiểu chui vào cũng được chứ mình tôi thì thấm gì. Cửa tủ thờ nằm ở phía sau, tức từ tượng Phật nhìn ra mới thấy. Tôi kéo cánh cửa ra thấy bên trong chia làm hai ngăn: ngăn trên chứa một số hương đèn và một cái khay đựng chén cơm cúng Phật. Ngăn dưới là chổi quét bàn thờ và vài thứ linh tinh khác. Tôi chọn ngăn trên, lùa hương đèn về phía trong cho gọn, rồi chui vào, kéo cánh cửa tủ lại, vậy là có một giấc ngon.

Cũng nhờ ngủ lén ở đây mà tôi được thầy hương đăng (phụ trách chưng hoa quả và lau quét chánh điện) chiếu cố. Làm chú tiểu ở viện mà được thầy hương đăng chiếu cố thì sướng lắm. Có điều, tôi đã không dám hưởng sự chiếu cố đó lâu dài. Trong ba tháng hè, viện họp và cử một thầy rảnh rỗi (nghĩa là không nắm chức vụ trong ban lãnh đạo và cũng không phải là học tăng của viện) để đảm trách chức hương đăng. Mùa hè này, thầy hương đăng được chọn là thầy Thiện Ngộ, vị trụ trì của chùa Kỳ Viên, một ngôi chùa nhỏ trên ngọn núi nhỏ ở gần nhà tôi. Mỗi năm thầy chỉ lên viện ba tháng hè để an cư tụ tập theo chúng tăng tụ tập đông đảo tại đây. Buổi trưa sắp đến giờ cúng quá đường, thầy có trách nhiệm lấy một chén cơm trắng để dâng cúng Phật. Chén cơm là một cái tiềm có nắp đậy, bằng gỗ, sơn mài rất đẹp, đặt trên một cái khay nhỏ cũng sơn mài. Sau khi cúng xong, khay cơm cúng Phật được thầy rửa rồi đem cất vào tủ thờ này. Khi thầy mở ra, thấy tôi nằm bên trong thì giật mình. Nhưng rồi thầy cũng nhanh ý, hiểu ngay được chuyện gì xảy ra. Các thầy đã từng là trụ trì thì thường bén nhạy trước những mánh khóe và sự nghịch ngợm của các chú tiểu lắm. Tôi thấy cửa tủ mở ra thì cũng hết hồn, hết vía mà chẳng biết phải làm sao, đành nằm im giả đò nhắm mắt ngủ để thầy ấy muốn sao thì muốn. Vậy mà thầy không bẹo tai xách cổ tôi ra ngoài để la hay đưa tôi ra trước Tổ đường cho thầy tôi trừng trị. Từ bóng tối trong tủ nhìn ra, tôi thấy thầy cố gắng nín cười, hai vai thầy rung lên từng hồi, rồi thầy lấy khay cơm cúng ra để trên bàn, một tay nhè nhẹ kéo cánh cửa lại, ý chừng thầy sợ làm động sẽ phá giấc ngủ ngon lành của tôi. Nếu thầy tôi hay thầy quản chúng biết được, chắc sẽ trách thầy hương đăng dung dưỡng những thói hư tật xấu của tôi. Nhưng củ chỉ tế nhị dễ thương của thầy hương đăng, tôi nhớ suốt đời. Không phải sự dễ duôi, rộng rãi lúc nào cũng đem lại hậu quả xấu. Và không phải ai cũng có thể nhảy ra ngoài vòng rào của khuôn thước kỷ luật một cách tài tình và tinh diệu như thầy Thiện Ngộ. Sự phá rào luôn luôn để lại những dấu ấu cho tâm hồn con người bằng nhiều cách. Có khi là mặc cảm tội lỗi. Có khi là thái độ tự mãn đáng ghét. Cho nên, chỉ có ông trụ trì nhà quê, lặng lẽ sống một mình trên núi cao như thầy hương đăng mới có thể khép nhẹ cánh cửa tủ một cách từ bi thượng thừa như vậy mà thôi.

Tôi không lạm dụng sự dễ dãi của thầy hương đăng đề rồi mỗi ngày chui vào tủ thờ mà ngủ. Hơn nữa, lâu lâu mới có cơ hội ngủ lén chứ không phải ngày nào cũng có. Và lâu lâu tôi mới bị con ma ngủ xúi bậy. Đâu phải lúc nào tôi cũng bó tay qui hàng. Sau này, có một lần tôi lại chui vào tủ để ngủ như vậy nữa. Lúc thức dậy, tôi thấy trên tay tôi có một túi ni-lông hơi nặng. Trên miệng túi có một mẫu giấy nhỏ ghi mấy chữ “Cho con đó,” ở dưới lại đề hai chữ “Phật Tổ”. Trong túi ni-lông là một trái xoài tượng và trái bơ. Tôi chui ra vái đức Phật một cái rồi xách túi quà về phòng, cất vào va-li. Tôi biết là thầy hương đăng cho tôi. Trái cây trên chánh điện rất nhiều. Phật tử đem cúng hàng ngày, không đủ chỗ để chưng. Tuy nhiên, sau khi cúng, trái cây đem xuống đều tập trung tại bếp để dọn cho chúng tăng, không ai được ăn riêng, ngay cả thầy hương đăng. Khi nào số trái cây không đủ để chia cho đại chúng hai trăm người thì thầy hương đăng đem dọn cho quý hòa thượng, thượng tọa lớn tuổi, hoặc phân phát cho các chú tiểu. Cho nên, có được một trái xoài lớn, một trái bơ lớn cho riêng mình thì cũng là điều may mắn lắm thay. Trong lòng, tôi vừa thích thú mà cũng vừa thấy buồn buồn làm sao. Tôi sợ tôi trở thành một chú tiểu hư. Tôi đi tìm thầy hương. Thấy tôi, thầy hương đăng làm mặt tỉnh như không, như thể thầy không hề hay biết gì chuyện tôi ngủ lén trong tủ thờ vậy. Nhưng tôi phải đến nói chuyện với thầy. Tôi đứng bên cạnh thầy trong khi thầy đang cắm hai bình hoa mới để cúng Phật. Tôi hỏi:

“Thầy cho con trái cây phải không thầy? Con cám ơn thầy nha.”

Thầy cười cười, chối:

“Trái cây gì? Đâu có. Thầy không biết à nha.”

“Con biết thầy cho con. Con cám ơn thầy nhiều lắm.”

Rồi tôi quay đi. Nhưng tôi cứ thấy buồn buồn trong lòng sao ấy. Từ đó tôi không ngủ trong tủ thờ nữa. Tôi cố gắng thắng lướt những cơn buồn ngủ kinh khiếp tấn công từng giờ từng ngày. Nghe nói trước đây đã có chú tiểu phải bỏ chùa về nhà cũng vì không chịu nổi chuyện thiếu ngủ. Tôi tự dặn lòng rằng không thể lùi bước trước những trở ngại nhỏ xíu như vậy. Không còn dịp nào đề thầy hương đăng thay mặt Phật Tổ dúi cho tôi trái xoài hay trái bơ nữa.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Bảy 2015(Xem: 4396)
Hãy nói về những kẻ không nhà, đứng nơi đầu đường, ngủ nơi góc phố. Lo toan không? khổ đau không? – Khó ai biết; chỉ thấy khi ngửa tay xin ăn thì gương mặt phải lộ ra vẻ thảm thương, tội nghiệp; và khi ngồi co ro nơi ghế đá công viên, hay dưới gầm cầu, thì cả thân người, cả thân phận, như bị gánh nặng của trời cao phủ xuống, nén xuống, tưởng chừng không bao giờ có thể vươn mình lên được.
30 Tháng Sáu 2015(Xem: 3935)
Thời tiết mùa hè năm nay bất thường. Đã có những ngày quá oi bức, và cũng có những ngày lù mù, không mưa không nắng, gió se lạnh. Khí hậu đôi khi cũng tác động vào lòng người, khiến họ dễ bẳn gắt, khó chịu. Những người đã nuôi dưỡng từ lâu sự kỳ thị, thành kiến, hay tỵ hiềm nào đó, có thể bị thời tiết nóng bức châm ngòi cho sân hận và sự bạo động.
13 Tháng Tư 2015(Xem: 3807)
Những ngày tàn xuân năm ấy, gió bấc thổi không mang theo giá lạnh mà lại thốc vào cả một luồng bão lửa nóng bức, kinh hoàng. Không ai mong đợi một cơn bão lửa như thế. Bão lửa, từ bắc vào nam, từ cao nguyên xuống đồng bằng, từ rừng sâu ra hải đảo, từ thôn quê vào thị thành… thiêu rụi bao cội rễ của rừng già nghìn năm, đốt cháy bao cành nhánh của cây xanh vườn tược.
06 Tháng Ba 2015(Xem: 5828)
Mai năm nay nở sớm trước Tết. Qua Tết thì những cánh hoa vàng đã rụng đầy cội, và trên cây, lá xanh ươm lộc mới. Quanh vườn, các nhánh phong lan tiếp tục khoe sắc rực rỡ giữa trời xuân giá buốt. Đêm đến, trời trong mây tịnh, vườn sau đón ngập ánh trăng, tạo một không gian huyền ảo lung linh.
18 Tháng Hai 2015(Xem: 9950)
Vào dịp cuối năm, đầu năm, dương lịch hay âm lịch, có lẽ không có nhóm từ nào được mọi người dùng đến nhiều như là mấy chữ "Chúc mừng năm mới." Ngôn ngữ nước nào rồi cũng chỉ ngần ấy chữ, ngần ấy ý. Chúc vui, chúc mừng đến với bạn và gia đình trong năm mới...
02 Tháng Hai 2015(Xem: 8526)
Ước vọng của con người luôn là những gì tốt đẹp, sung túc và dài lâu, cần phải đạt được trong một tương lai gần nhất. Nói cách thực tế theo quán tính của người bình phàm, thì đó là hạnh phúc (phước), thịnh vượng (lộc), sống lâu (thọ). Với các chính trị gia, và những nhà đấu tranh cho dân tộc, cho đất nước, thì đó là tự do, dân chủ, nhân quyền. Với đạo gia thì đó là giải thoát, giác ngộ, và niết-bàn.
24 Tháng Giêng 2015(Xem: 4234)
Mỗi sáng sớm khi sương còn mù mịt trên sông, chiếc thuyền con của lão già đã là đà rẽ nước, hướng về bờ – lúc thì bờ đông, lúc thì bờ tây, nơi những ngôi nhà tranh và những chiếc ghe nhỏ tụ tập. Mái chèo khua nhè nhẹ như thể sợ động giấc ngủ của thế nhân.
27 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5521)
Mùa thu dường như chưa qua mà gió đông đã về tới. Mặt trời mọc sớm nhưng ánh nắng vẫn không xuyên qua nổi những tầng mây xám trên cao và sương mù nặng trĩu trên những con đường nườm nượp xe cộ của thành phố. Thời tiết bắt đầu lạnh, hơn cả tuần nay. Người không nhà đứng co ro nơi hiên của một ngân hàng ở góc đường, chờ đợi kẻ từ tâm.
25 Tháng Mười 2014(Xem: 3959)
Gió mùa thu năm nay, trở nên khô khốc, ảnh hưởng bởi nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua ở xứ này. Nhưng đâu đó trên hành tinh, mưa thu lất phất bay, và gió thu se sắt gợi buồn; cũng có nơi mưa ngập cả các con lộ chính của thành phố lớn để người và xe cộ phải lội bì bõm trong giòng nước ngầu đục. Và chỗ nọ, chỗ kia, làn gió dân chủ, hòa bình, khơi niềm hứng cảm cho sự vươn dậy của ý thức tự do, khai phóng.