Tạ ơn và tạ lỗi hay là sự thật và huyền thoại

25 Tháng Mười Một 201415:13(Xem: 6394)
TẠ ƠN và TẠ LỖI hay là 
SỰ THẬT và HUYỀN THOẠI
Đào Viên

1. Ngày lễ lớn tại Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ có hai ngày lễ chính thức trong năm được phần lớn mọi người coi là quan trọng nhất: đó là Ngày Lễ Giáng Sinh, được gọi là Christmas hay Noel và ngày Lễ Tạ Ơn hay là Thanksgiving. Nhiều người còn gọi ngày lễ này là ngày Lễ Gà Tây, vì Gà Tây là món ăn độc đáo của ngày lễ này.

Người Hoa Kỳ tuyệt đại đa số theo đạo Thiên Chúa: hoặc là Tin Lành (Protestant) – cũng còn được gọi là Phản Thệ giáo – với rất nhiều tông phái (Baptist, Presbyterian, Lutheran, Anglican, Episcopal, Pentacostal,…) hoặc Ca Tô La Mã, cho nên lễ Giáng Sinh, một ngày lễ có tính cách tôn giáo, được coi là trọng thì chẳng có gì là lạ.

Ngày Lễ Tạ Ơn thì khác, không có tính cách tôn giáo, mà lại liên quan rất nhiều đến lịch sử nước Hoa Kỳ, ở một thời đại rất xa xưa, trước khi Hoa Kỳ trở thành một nước độc lập, tự chủ, trước khi nước này được gọi là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hay là the United States of America.

Lịch sử, nhất lại là lịch sử xa xưa, phần lớn là một sự pha trộn của nhiều chuyện có thật và không có thật, của những sự Thật (Truths) và những Huyền thoại (Myths). Ngày Lễ Tạ Ơn cũng không phải là một ngoại lệ,

Khi mới sang Hoa Kỳ ở cái tuổi quá nửa đời người, tôi tất nhiên chẳng biết ngày Lễ Tạ Ơn là ngày gì và tại sao lại có ngày này. Chẳng bao lâu gia đình chúng tôi đã được những người bạn thân Hoa kỳ mời đến nhà tham dự Lễ Gà Tây, chúng tôi mới biết đại khái về ngày lễ này. Các con tôi đi học ở trường cũng được các thầy cô giảng dậy rất kỹ về Ngày Lễ Tạ Ơn, đặc biệt về Ngày Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên. Về nhà, các cháu cũng nói chuyện lại. do đó bổ túc thêm rất nhiều những điều chúng tôi được biết khi dự Lễ Gà Tây ở nhà người bạn.

2. Ngày Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên truyền thống

ta on co truyen
Lễ Tạ Ơn cổ truyền tại Hoa Kỳ (ảnh minh họa)

Học trò ở trường được các thầy cô kể chuyện về Ngày Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên như sau:

Một thời lâu lắm rồi có những người Anh gọi là “Puritans”, dịch là những Thanh giáo đồ, là những người bị bắt buộc theo giáo phái của nhà Vua, gọi là King’s Church, nhưng họ lại chỉ muốn được tự do cầu nguyện theo truyền thống thờ phượng riêng của họ mà thôi.

Những người Thanh giáo đồ này đã tìm cách rời nước Anh, và họ tìm đến một quốc gia nhỏ đầu tiên là Hòa Lan gần nước Anh. Họ đã tìm cách hòa nhập vào sinh hoạt tôn giáo cuả người Hòa Lan địa phương, nhưng không được, vì ngôn ngữ bất đồng và tín ngưỡng có khác. Thế là một lần nữa, những người theo Thanh Giáo lại lên đường tìm về miền đất mới, đó là Châu Mỹ xa xôi. Họ được gọi là những người “Pilgrims”, hay là những người Di Dân Hành Hương.

Tại xứ sở này, họ có được sự tự do tôn giáo, con cháu họ được nói tiếng Anh. Năm 1620, năm đánh dấu 102 người Di Dân Hành Hương đầu tiên đi tìm đất mới rời Hòa Lan và tàu cuả họ đã cập bến Mayflower tại Massachussets, thời tiết khắc nghiệt với những cơn mưa và khí hậu lạnh lẽo, nhiều người đã nhiễm bệnh nên con tàu không thể tiếp tục lênh đênh trên biển.

MayFlower là một hải cảng nhỏ cuả tiểu bang Massachussets, nơi dừng chân cuả những người Di Dân Hành Hương kiệt lực vì sóng gió và khí hậu khắc nghiệt, họ bắt đầu cuộc đời mới tại một thành phồ nhỏ mang tên là Plymouth. Nhưng mùa đông năm đó, khí hậu nơi này cũng vô cùng khắc nghiệt, nhiều người đã chết, họ sống lây lất bằng ít lương thực thật nhỏ nhoi, cầm cự mãi nếu không có sự giúp đỡ cuả những người địa phương, đó là những người Da Đỏ, mà hồi đó người thám hiểm Âu châu cứ nghĩ đó là những người Ấn Độ cho nên gọi họ là Indians.

Những người dân địa phương tốt bụng này đã hướng dẫn cho họ hòa nhập vào đời sống mới, dạy cho họ cách trồng trọt và bắt cá để làm thức ăn , chỉ cho họ cách trồng bắp, một loại ngũ cốc dễ ăn và dễ cất giữ để làm lương thực trong đời sống hằng ngày. Bắt đầu từ đấy, người di dân xây được nhà thờ cuả họ, xây dựng nhà cửa, và họ đã rất hạnh phúc khi có một đời sống no ấm trong một xứ sở tự do.

Tháng 11 năm 1620 là ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên được hình thành cho cộng đồng người da đỏ bản xứ và người di dân đến từ nước Anh. Họ tổ chức một buổi tiệc Tạ Ơn để người Di Dân Hành Hương có dịp bày tỏ lòng tri ơn cuả h , cảm ơn Thượng Đế đã cho họ được gặp những người địa phương đầy lòng từ tâm, đã giúp họ một cuộc sống mới nơi mà họ đã phải đánh đổi bao nhiêu gian nan để tìm kiếm”.

Đó là câu chuyện phần lớn người Hoa Kỳ được biết về Ngày Lễ Tạ Ơn, vì ngay từ nhỏ họ đã được giảng dậy như vậy.

3. Ngày Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên thực sự

Tuy nhiên có một số người Hoa Kỳ không nghĩ là câu chuyện xẩy ra đã lại giản dị và hoàn toàn tốt đẹp như vậy. Họ là hậu duệ của những người Da Đỏ.

Một trong những người này là ông Chuck Larsen. Ông là con cháu người Da Đỏ khi xưa. Trong huyết quản của ông, một người lai căng, có có giòng máu Pháp Quebequois, giòng máu thổ dân Da Đỏ Ojibwa, và thổ dân Iroquois. Ông cũng là một nhà giáo dậy Tiểu học. Ông cũng đã từng nghiên cứu Sử học, viết sách về lịch sử nước Hoa Kỳ và người thổ dân Da Đỏ cũng như về người Hoa Kỳ gốc Da Đỏ. Đối với ông, mỗi lần đến Mùa Tạ Ơn, ông bị rất nhiều khó khăn, không biết phải làm thế nào. Năm 1986, ông viết:

“Là một người Da Đỏ, mà cũng là một giáo viên đã dậy học 12 năm, Mùa Lễ Tạ Ơn không bao giờ là một ngày lễ dễ xử cho tôi khi phải dậy các em. Đôi khi tôi cảm thấy tôi đã biết quá nhiều về người “Anh Di Dân Hành Hương, (Pilgrims) và người Da Đỏ”. Cứ mỗi năm tôi lại phải đối diện với sự mâu thuẫn: một bên là lương tâm nghề nghiệp, một bên là lòng chân thành đạo đức. Tôi làm thế nào dể có thể vừa là một người lương thiện thẳng thắn vừa là một nhà giáo cho biết thông tin đầy đủ cho các em học trò lớp tôi dậy, nhân ngày Lễ Tạ Ơn, mà không bị vướng vào những sự bóp méo lịch sử và cách diễn tả con người rập theo một mẫu sẵn.”

Theo cô Susan Bates, cũng là hậu duệ của người Da Đỏ thì chuyện Ngày Lễ Tạ Ơn trong đó những người Di Dân Hành Hương Pilgrims và người Da Đỏ vui vẻ cùng nhau ngồi ăn chung một bữa tiệc lớn là một chuyện có xẩy ra thật, nhưng chỉ xẩy ra có một lần. Chuyện Lễ Tạ Ơn đã thực sự xẩy ra rắc rối và bi thảm hơn nhiều.

Cô viết trong trang The Real Story of Thanksgiving (Chuyện Lễ Tạ Ơn đích thực) như sau:

“Chuyện này bắt đầu xẩy ra năm 1614 khi một nhóm những người thám hiểm người Anh đi thuyền về Anh chở theo rất đông người Da Đỏ bộ tộc Patuxet mang về để làm nô lệ. Bọn họ ra về nhưng để lại bệnh đậu mùa, một căn bệnh hầu như đã giết chết hết những người Da Đỏ đã chạy thoát. Khi người Di Dân Hành Hương Pilgrims đến eo biển Massachusetts, họ chỉ còn thấy một người Da Đỏ bộ tộc Patuxet còn sống.Người này tên là Squanto, từng thoát khỏi bị làm nô lệ bên Anh, mà cũng biết tiếng Anh. Squanto dậy cho người Di Dân Hành Hương (Pilgrms) cách trồng ngô, cách đánh cá. Anh ta còn điều đình được một cuộc hòa giải giữa người Di Dân Hành Hương (Pilgrims) với bộ tộc Da Đỏ Wampanoag. Một năm sau, (năm 1620), những người Di Dân Hành Hương bèn tổ chức ra một bữa tiệc lớn để vinh danh Squanto và bộ tộc Da Đỏ Wampanoag. Đó là lễ Tạ Ơn Đầu Tiên vậy.

Khi người Anh tại chính quốc biết tin là đồng bào họ đã tìm thấy thiên đàng trên vùng đất mới, một số người Anh ngoan đạo và rất sùng tín cực đoan, bọn Thanh giáo đồ (Puritans), bèn kéo nhau sang thật đông. Đến nơi khi họ thấy không nơi nào có rào dậu, họ bèn coi đó là đất hoang cho tất cả mọi người, Cùng với những người Anh đến trước, họ chiếm lấy đất đai, lùng bắt những thanh niên Da Đỏ để làm nô lệ và giết hết những dân Da Đỏ còn lại. Thế nhưng bộ tộc Pequot đã không đồng ý với hiệp ước hòa giải mà Squanto đã điều đình được. Họ chống đối lại người Anh. Cuộc chiến tranh Pequot đã là một cuộc chiến tranh tàn khốc nhất của người Da Đỏ từng làm.

Năm 1637, ở gần một nơi bây giờ là Groton, tiểu bang Connecticut, lối trên 700 người Da Đỏ, đàn ông, đàn bà, trẻ con thuộc bộ tộc Pequot đến hội họp để làm lễ Hội Trồng Ngô Xanh (Green Corn Festival) hằng năm, cũng là lễ Tạ Ơn của chúng ta. Trời chưa bừng sáng, dân Da Đỏ còn đang mơ màng giấc điệp thì bọn lính đánh thuê người Anh và người Hòa Lan tiến vào bắt họ phải ra ngoài. Người Da Đỏ nào đi ra thì bị bắn chết hay đập chết, trong khi những đàn bà trẻ con Do Đỏ chạy trốn trong lều thì bị thiêu sống. Ngày hôm sau, ông Thống đốc thuộc địa eo biển Massachusetts tuyên bố ngày hôm đó là Ngày Tạ Ơn, vì 700 người Da Đỏ không khí giới, đàn ông, đàn bà, trẻ con đã bị tàn sát.

Say men “chiến thắng”, những người Anh đi kiếm thuộc địa và những người Da Đỏ về hùa theo họ đã tấn công các làng Da Đỏ, làng này sang làng khác. Đàn bà và trẻ con trên 14 tuổi được bắt đem đi bán làm nô lệ, trong khi tất cả những người còn lại thì bị giết chết. Từng chuyến thuyền chở tới 500 nô lệ Da Đỏ đều đều rời hải cảng vùng New England. Người ta còn trả tiền cho những da đầu lột từ người Da Đỏ, hầu khuyến khích việc tàn sát.

Sau khi cuộc tàn sát những người Da Đỏ bộ lạc Pequot thành công ở vùng đất bây giờ là Stamford, Connecticut, nhà thờ (Thiên Chúa giáo) đã tổ chức một ngày Tạ Ơn thứ hai để ăn mừng chiến thắng chống bọn Da Đỏ mà người ta gọi là “bọn mọi dã man” (savages). Trong bữa tiệc, người ta đã chặt đầu dân Da Đỏ đem ra đá như đá bóng vậy. Cả người Da Đỏ bộ lạc Wampanoag trước vẫn tỏ ra thân thiện với người Anh cũng chịu chung số phận. Tù trưởng Wampanoag(1) cũng bị chặt đầu và cái đầu được cắm vào một cái cột ở Plymouth, Massachusetts, suốt trong 24 năm cho mọi người xem.

Thế là cứ mỗi khi tàn sát song người Da Đỏ, người Di Dân Anh lại tổ chức một bữa tiệc Tạ Ơn ăn mừng.

Sau cùng (năm 1789), Tổng thống George Washington đề nghị mỗi năm chỉ để ra một ngày (ngày thứ Năm 26 tháng 11) dể làm Lễ Tạ Ơn thôi, thay vì làm lễ Tạ Ơn mỗi khi thành công trong chuyện tàn sát người Da Đỏ. Về sau ( năm 1863), Tổng thống Abraham Lincoln ký sắc lệnh tuyên bố ngày Lễ Tạ Ơn là ngày nghỉ lễ cho toàn dân, ngay cả khi trong nước đang có nội loạn. Cũng chính ngày hôm ấy, Abraham Lincoln đã ra lệnh cho quân đội tấn công bộ lạc Da Đỏ Sioux đang đói rét tại Minnesota.

4. Số phận người Da Đỏ

Đó là số mạng của dân Da Đỏ khi Hoa Kỳ mới lập quốc. Sau đó thì sao? Người ta chỉ có thể nghĩ đến những cụm từ không lấy gì làm tốt đẹp như: tận diệt, diệt chủng, dồng hoá, cưỡng bách, cải đạo v.v…

Nhân vật chánh trị có gương mặt gần cận nhất cũng như là có trách nhiệm cao nhất ảnh hưởng đến số phận của dân Da Đỏ là tướng Andrew Jackson (1767–1845).

Andrew Jackson là tướng chỉ huy quân đội Hoa Kỳ từ năm 1815. Sau đó làm Thống đốc quân sự ở Florida (1821). Ông đã làm Tổng thống thứ Bẩy của Hoa Kỳ từ năm 1829 đến năm 1837. Ông là người chủ chương duy trì “chế độ nô lệ” và nhất là chính sách “Bứng mọi Da Đỏ” (Indian Removal). Ông nổi tiếng là rất cương quyết cho nên có hỗn danh là “Old Hickory(2)”. Có thể tạm dịch: ông Jackson là “Thiết đầu kim cương’ hay “Kim Cương bất hoại”. Ngay trước khi làm Tổng Thống, ông đã thương thuyết với nhiều bộ lạc Da Đỏ để tìm cách đưa họ đi về miền Tây là nơi mà người Anh da trắng chưa đến chiếm ngụ.

Các bộ lạc Da Đỏ đã không thống nhất trong đường lối đối xử với người Âu châu, trước hiểm họa bị cướp đất, bị tận diệt. Có bộ lạc chủ trương phải chống lại, có bộ lạc thấy cuộc chiến vô vọng vì ưu thế khí giới của người Âu Châu, và sau nhiều lần thất bại. Bởi vậy, người Hoa Kỳ, nhất là Tổng Thống Jackson, nhìn thấy nhược điểm của người Da Đỏ, đã nhất quyết đẩy mạnh chính sách “Bứng dân Da Đỏ” đến cùng.

Năm 1830, ông Jackson đưa ra quốc hội Hoa Kỳ duyệt y đạo luật mệnh danh là “Removal Act”. Trong khi quốc hội Hoa kỳ tranh tranh luận về dự luật “Removal Act” thì chính quyền tiểu bang Georgia xát nhập đất đai của bộ tộc Da Đỏ Cherokee vào tiểu bang, trái với những thỏa ước chính phủ trung ương Hoa Kỳ đã có trước đây với bộ tộc này. Tổng Thống Jackson tỏ ra đồng tình đồng thuận với tiểu bang Georgia. Vấn đề được đua lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Đến khi chủ tịch Tối

Cao Pháp Viện Hoa kỳ, ông John Marshall, phán quyết r ằng tiểu bang Georgia đã có hành động vi hiến, và đất của người Da Đỏ phải trả lại cho họ, thì Tổng thống Jackson cũng không coi Tối Cao Pháp viện ra gì và không chịu thi hành án lệnh của viện này. Nếu ở một thời điểm khác thì cách hành xử của Jackson có thể bị coi là lạm dụng quyền hành pháp và có thể bị truất phế. Nhưng ông vẫn tại vị.

Người Da Đỏ phân vân không biết làm sao. Nội bộ bèn chia ra làm hai phe. Một phe nhất định không chịu nhượng đất. Phe kia, lãnh đạo bởi lãnh tụ Da Đỏ Major Ridge, chịu nhượng bộ mà chịu ký một thỏa thuận nhượng đất lấy 5 triệu đô la. Chính phủ của ông Jackson biết rõ thủ lãnh Major Ridge chỉ đại diện cho một số nhỏ bộ lạc Cherokee, nhưng coi việc đó đó như là song. Chính phủ Hoa Kỳ từ nay có quyền lấy đất và tiến hành việc “bứng” dân Đa Đỏ về miền Tây.

Nhiều bộ tộc Da Đỏ lần lượt bị “Bứng” trước bộ tộc Cherokee. Bộ tộc Choctaws bị càn quét và bứng vào năm 1831. Sau đó là bộ tộc Seminoles vào năm 1932. Bộ tộc Creeks vào năm 1632. Bộ tộc Chickasaws vào năm 1837 và sau cùng là bộ tộc Cherokees vào năm 1838.

Vì chính sách “bứng” người Da Đỏ được thi hành lần đầu tiên với bộ tộc Choctows, và khi đó chính phủ Hoa Kỳ tổ chức rất luộm thuộm, không lưu tâm gì đến tình trạng an sinh của người Da Đỏ, cho nên người Da Đỏ đã bị đẩy đi trong một tình trạng rất thảm thương, gây chết chóc cho rất đông người Choctows.

Thế nhưng so với công cuộc càn quét dồn ép bộ tộc Cherokees mấy năm sau để bứng họ về Oklahoma thì không thấm tháp gì.

người Da Đỏ
Bắt đầu công cuộc Bứng người Da Đỏ

Ngày 17 tháng 5, 1838, tướng Winfield Scott tới New Echota với 7000 quân, dủ mọi thành phần: binh sĩ, tự nguyện, nhà thầu tư nhân… thi hành lệnh của Tổng Thống Jackson, tập trung 13,000 người Da Đỏ Cherokees tại Cleveland, Tennessee, để khởi sự cưỡng ép họ đi đến miền Tây, bây giờ là Oklahoma.

Ngay trước khi ra đi, 3,000 dân Da Đỏ đả chết vì bệnh tật, đói kém và rét lạnh trong trại tập trung. Nhà cửa đã bị đốt cháy, hoa mầu đã bị tàn phá, trang trại đã bị Di Dân người Anh dến chia nhau bằng cách rút thăm. Dân Da Đỏ đã hết lối về, bắt buộc phải để người Hoa Kỳ dẫn đi.

Khi mùa Đông năm 1838 bắt đầu, tướng Scott khởi sự di chuyển những người Da Đỏ về miền Tây, trong một cuộc hành trình dài cả ngàn cây số. Đây là một cuộc hành trình vô tiền khoáng hậu của 13,000 dân Da Đỏ thuộc

Trail_of_Tears_Dawn
Hành trình cả ngàn cây số trong sương tuyết

Cherokee và với một số bộ tộc khác còn lại, đã bi cưỡng ép đi bộ từ miền Tenessee đến Oklahoma, giòng dã cả năm trời vào mùa Đông trong sương tuyết. Bốn ngàn dân Da Đỏ, phần lớn là đàn bà và trẻ con đã bỏ mạng trong khi đi đường vì đói ăn, thiếu mặc, không giầy dép, bệnh hoạn không thuốc thang chua kể đến những đốc thúc đánh đập trong khi đi đường, trong số này có Quatie, là vợ ông tù trưởng Cherokees John Ross.

Một binh sĩ tên là John Burnett đã ghi lại trong nhật ký của ông: “Tôi đã tham dự nhiều trận chiến khi các Tiểu bang đánh nhau trước đây. Tôi đã thấy rất nhiều người bị bắn chết. Nhưng cuộc bứng dân Da Đỏ Cherokee là một điều dã man nhất tôi chưa từng thấy…. Thế hệ tương lai sẽ đọc (giòng chữ này) và tôi hy vọng là họ hiểu cho rằng những binh nhì như tôi hay như 4 người Cherokees đã bị tướng Scott bắt phải bắn chết người tù trưởng Da Đỏ và đàn con của ông ta. Chúng tôi đã phải thi hành lệnh của thượng cấp mà thôi. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác”.

Trail_of_Tears_Dawn 2
Môt gia đình Da Đỏ Cherokee kiệt lực

Hành trình này sau được mệnh danh là “Trail of Tears” (hành trình trong nước mắt), dịch từ tiếng của người Cherokees: “Nunna daul Tsuny“.

Về miền Tây, họ được đưa đi đâu? Đây lại là một số phận thảm thương khác của người Da Đỏ được người Hoa Kỳ dành cho họ. Họ đã bị đưa vào một loại trại tập trung khác gọi là “Reservations”. Nói đến“Reservations” người ta chỉ nghĩ đến những cụm từ khác cũng chẳng mấy tốt đẹp: thất nghiệp trường kỳ, ngồi ăn trợ cấp, cờ bạc qua ngày, uống rược giải sầu, đánh vợ đuổi con, bất lực và thất vọng…

Khi người Anh chưa tới, dân số dân Da Đỏ ước khoảng 12 triệu người. Ngày nay số này đã chỉ còn khoảng 1.5 triệu

***

5. Tuyên Ngôn Độc Lập và Dân Quyền

Dưới thời Tổng Thống Andrew Jackson Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, mới thành lập khoảng 50 năm trước thôi, trên căn bản của bản Tuyên Ngôn Độc Lập, tuyên bố ngày 4 tháng 7 năm 1776, nói rằng:

Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc(3)

Người Hoa Kỳ đã quên đi bản Tuyên Ngôn cao quý và tốt đẹp đó, mà thản nhiên khép lại trang sử cuôi cùng của một dân tộc ngây thơ, khờ dại, muốn giúp đỡ kẻ khốn cùng, mà chẳng may đã phải đối diện chung sống với một dân tộc khác, từ xa đến, dũng mãnh hơn, khôn ngoan hơn, giỏi dang hơn, nhưng nhiều kỳ thị, nhiều hiếu chiến và nhất là rất tham lam, trên một mảnh đất rộng mênh mông bao la. Mảnh đất này đáng lẽ có thể cho biết bao con người thoả chí vẫy vùng, nhưng khốn thay, dân tộc mới đến chỉ muốn chiếm dụng lấy một mình, đẩy dân tộc địa phương đến chỗ đường cùng

***

Tạ Ơn là một việc làm rất hay, cần có trong việc đối xử giữa con người. Hằng năm người Hoa Kỳ đều tưng bừng làm Lễ Tạ Ơn, mời mọc mọi người đến chia sẻ với mình của ngon vật lạ. Đó là một truyền thống rất đẹp của họ.

Họ tạ ơn ai? Từ Tổng Thống George Washington đến Tổng Thống Lincoln xuống đến bàn dân thiên hạ, người Hoa Kỳ ngày ấy đã Tạ Ơn Trời Đất, gọi là “the Almighty God”, tạ ơn Đức Chúa Trời, đã cho họ thêm nhiều của cải và phước lành.

Chẳng mấy ai còn nghĩ đến phải Tạ Ơn những người Da Đỏ tốt bụng khi xưa nữa.

Những người này, phải nói là rất nhiều người này, đã chết, dù có chết vì tay những người Anh Di Dân hay những người công dân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đi nữa. Chết là hết, hết chuyện. Bởi vì người Anh, người công dân Hoa Kỳ, nói chung là người Tây phương, theo Thiên Chúa giáo, đều nghĩ là nếu mình là người ngoan đạo, tin tưởng ở Đức Chúa Trời, ở con Ngài là Đúc Chúa Giê Su, thi sau khi chết đi sẽ được Chúa đón về Thiên Đàng, về hưởng nhan thánh Chúa. Nếu không, tỷ như bọn Mọi Da Đỏ Dã Man (savages) kia, chết đi chỉ còn con đường là phải xuống Địa Ngục. Chết như vậy là hết chuyện.

Những người Đông phương không nghĩ vậy. Họ không tin là có một vị Thần Linh tối cao nào có thể ban phúc giáng họa cho con người. Họ tin ở quy luật tự nhiên, bất di bất dịch của vũ trụ, dó là luật Nhân Quả. Mìmh làm ác thì mình sẽ phải chịu quả ác. Họ tin ở thuyết Luân Hồi. Họ không tin là chết là hết, hết chuyện. Quả ác sẽ thể hiện ở đời này hay đời sau.

(http://old.dieungu.org)

BÀI ĐỌC THÊM:
Quan điểm của thổ dân mỹ: một ngày “không tạ ơn”
Mừng Lễ Tạ Ơn



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 3823)
10 Tháng Năm 2019(Xem: 4811)
04 Tháng Giêng 2019(Xem: 6815)
28 Tháng Mười Một 2018(Xem: 5935)
30 Tháng Mười 2018(Xem: 6215)
24 Tháng Mười 2018(Xem: 6923)
27 Tháng Tám 2018(Xem: 5392)