Vài Câu Chuyện Ở An Phú Đông

05 Tháng Tư 201503:11(Xem: 6676)

VÀI CÂU CHUYỆN Ở AN PHÚ ĐÔNG

Thị Giới

vai-cau-chuyen-an-phu-dongChiếc phà máy nhỏ đưa chúng tôi qua con sông đục và nhiều lục bình. Bên đó là phường An Phú Đông của quận 12. Chạy xe trên con đường nhỏ, tôi có cảm giác như đi vào một thế giới khác, với nhiều cây xanh, quê mùa và yên tĩnh. Nghe nói bến phà này trong tương lai sẽ được thay thế bằng một chiếc cầu. Tôi chạnh nghĩ đến thành phố Victortia, thủ phủ của tỉnh British Columbia nước Canada. Tuy là thủ phủ của tỉnh nhưng Victoria với tòa nhà Quốc hội tỉnh bang và nhiều cơ quan đầu não của tỉnh lại nằm trên một hòn đảo, từ đất liền muốn đến phải mất gần hai tiếng đồng hồ đi phà và qua lại đều phải mua vé. Vậy mà khi chính phủ trưng cầu ý kiến về việc làm một chiếc cầu nối liền hai bên thì dân chúng Victoria phản đối, sợ làm mất tính cách của thành phố thủ phủ.

Thường quyết định của người Tây phương rất thực tiễn. Do được rèn luyện trong một nền giáo dục tự do suy nghĩ và phát biểu từ nhỏ, người Tây phương rất bén nhạy với suy nghĩ và cảm nhận của mình. “How do you feel, what do you need” là một trong những bài học của họ. Họ biết nhu cầu thực sự của mình, hướng về tương lai nhưng không cắt đứt quá khứ, nhìn ra ngoài nhưng không quên con tim, xông xáo nhưng luôn nhớ về một góc yên tĩnh, nhu cầu thực sự ngàn đời của con người, Đông phương cũng như Tây phương.

Và hình như càng văn minh, phát triển thì con người lại càng nghĩ đến một “cõi riêng”, cách biệt, yên tĩnh. Ở Bắc Mỹ luôn luôn khu nhà ở cách biệt với khu mua sắm, nhà máy, nơi làm việc. Và trong những cuộc nghỉ hè xả hơi hằng năm, đi đến những nơi có hồ, biển, núi, rừng là những yêu thích đặc trưng của họ.

Dĩ nhiên đất nước cần một Sài Gòn hiện đại và vươn lớn. Và tôi thì càng cần một nơi như An Phú Đông. Nhưng tương lai sẽ ra sao còn tùy thuộc vào cái tâm, cái nhìn và cách sống của quần chúng để tạo nên một cộng nghiệp. Với tính chất đa diện và nhanh chóng của xã hội ngày nay, “con người mới”phải tự quyết định và có trách nhiệm với bản thân và xã hội nhiều hơn nhiều so với những thế hệ cha ông ngày trước. “Con người mới” cần  một cái đầu quán xuyến và con tim bén nhạy để hiểu rõ mình và hiểu rõ hoàn cảnh, sự việc. Có lẽ vì vậy mà Thiền được ưa chuộng và phổ biến trong những xã hội Tây phương ngày nay.

Xa hơn việc làm cho đầu óc tươi tắn, bén nhạy, và làm cho con tim trở nên bình an và đập đúng nhịp là mục tiêu trước mắt của người Tây phương, Thiền còn có thể giúp người thực hành đặt được bước chân vào chỗ nền tảng của đời sống. Từ nền tảng đó, con người sẽ có một đời sống trọn vẹn hơn, có nghĩa là hạnh phúc cho bản thân và thành tựu cho xã hội. Sống với nền tảng đó, con người sẽ bớt dần sự mê mờ thiên lệch trong hành động, bớt dần sự mê mờ thiên lệch trong việc quán sát những sự việc xảy ra trong đời sống, bớt dần sự mê mờ thiên lệch trong sự phân biệt tốt xấu, hơn thua đưa đến ganh ghét hận thù, và cuối cùng là luôn sống được trong thế giới rộng mở của trí và của tâm. Nền tảng đó người xưa chỉ bày bằng cách dạy nghe cái nghe, thấy cái thấy, nghe bằng mắt, thấy bằng tai v.v. hoặc bằng nhiều phương tiện khác. Phật giáo Tây Tạng thực hành Từ Bi hay Từ để đi vào nền tảng đó là cái thấy bình đẳng. Và ngày nay tôi nghĩ chúng ta cũng có thể đặt chân vào chỗ đó bằng những phương tiện mới khác. Đạo Phật không tách rời đời sống nên luôn khám phá và mở ra những con đường mới.

Có thể nói Thiền là thực hành lý tưởng cho“con người hiện đại” để biết sống hiện đại và xây dựng xã hội hiện đại. Khi đến phi trường Thượng Hải, tôi hiểu rõ hơn về từ “hiện đại”. Hiện đại không có nghĩa là hoành tráng, lớn lao, nhưng theo tôi thì hiện đại có nghĩa đáp ứng được nhu cầu lớn của xã hội hiện tại về cả hai mặt kỹ thuật và nhân văn, cả về lượng cũng như phẩm (phẩm chất sống). Là bộ mặt để thế giới nhìn vào, phi trường Thượng Hải quả thật hoành tráng. Nhưng có lẽ ban thiết kế nghĩ nhiều về hình thức mà ít nghĩ đến con người. Và chúng ta sẽ nghĩ gì về một Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng đang mở rộng của chúng ta?

Một tính chất đáng lưu ý của các nước văn minh Tây phương là sự cố gắng dung hòa giữa mới và cũ, cấp tiến với bảo thủ, hiện đại với truyền thống. Ở Anh, hai khuynh hướng cấp tiến và bảo thủ đều rất mạnh đã xây dựng một nước Anh phát triển mạnh và vững chãi về cả kỹ thuật và văn hóa qua nhiều thế kỷ. Canada, một trong vài nước có kỹ thuật không gian hàng đầu thế giới, nhất là trong lãnh vực khai thác mặt trăng, còn giữ hình ảnh Nữ hoàng để kết nối với quá khứ và lịch sử, giữ truyền thống trên con đường hướng về tương lai với nền kỹ thuật cao cấp đứng hàng nhất, nhì thế giới. Hai đảng lớn của Mỹ luôn luôn đối đầu nhau nhưng chấp nhận nhau và luôn luôn hợp tác để xây dựng đất nước. Và qua các cuộc bầu cử, chúng ta thấy đa số người Mỹ rất bén nhạy và sắc sảo với tình hình đất nước, và bản lĩnh trong quyết định. Những người này là những người biết dung hòa, không kỳ thị, không phân biệt, và nhất là biết mình đang cần gì. Đó cũng là lý do Phật giáo dễ xâm nhập vào đời sống của họ, nhiều người coi Phật giáo một triết lý sống. Và ngược lại, tôi cũng nghĩ rằng Phật giáo có thể giúp cho con người và xã hội biết mình đang cần gì và thực hiện điều đang cần đó một cách không nghiêng lệch.

an phu dongTrở lại với An Phú Đông. Đường từ bến phà về ngôi chùa thân quen của tôi ở An Phú Đông cũng đã được tráng nhựa nhưng một cách không hoàn chỉnh. Hình như An Phú Đông chỉ có chừng đó nhu cầu. Với tôi, về đến An Phú Đông, mọi nhu cầu trở thành đơn giản. Đơn giản và trọn vẹn với buổi sáng, buổi trưa và buối tối. Mọi sự dừng lại. Đời sống trở thành quán trọ. Nghĩ về gia đình và công việc như sự dính líu thoảng qua. Người bạn đời trở thành một người tình xa xôi. Cảm ơn người  bạn đời đã tạo những trợ duyên cho tôi có được những phút giây riêng tư an lạc trong cuộc sống bề bộn này.

Khung cảnh ở đây như hiện diện một cái gì vĩnh hằng, thanh tịnh qua sự đứng sững lặng yên của cây lá trong vườn, dù khi có gió thổi và chim kêu, qua một thứ ánh sáng nhìn thấy trong màn đêm. Đặc biệt trong vườn chùa trồng nhiều cau. Những cây cau này không phải được trồng để ăn trầu hay bán trái vì tôi thấy trái già rụng trong vườn. Có lẽ những cây cau này được trồng vì hình ảnh vươn thẳng lên không trung, và những ngày và đêm trời thanh, tàng của chúng in lên nền trời rất tuyệt. Nhất là ban đêm, nhìn những cây cối trong vườn như bóng như thật cho tôi sự liên tưởng đến câu thơ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh thời Lý “Ai hay không có, có không là gì?”.

Vị thầy trụ trì ngôi chùa này sau bữa ăn tối, khoảng bảy giờ, thì vào ngồi thiền khoảng một tiếng trước khi ngủ. Không người nói chuyện, khách ngồi nhìn và chìm vào khu vườn đêm yên bình. Nơi xưa kia là chiến trường chết chóc, giờ trở thành một nơi chốn thanh bình hơn nơi chốn nào khác. Đúng là đời sống vô thường và đạo Phật đã đem niềm thanh bình và sự sống vào vùng đất ảm đạm ngày xưa này. Có cảm giác như chư thiên, thiện thần cũng về ngụ nơi đây.

Rồi vào phòng đọc sách và ngủ sớm để ba giờ sáng được nghe tiếng chuông đều đặn và như có hơi ấm vang xa trong đêm khuya tĩnh mịch. Thầy trụ trì thường thức dậy lúc nửa đêm ngồi thiền trước khi lễ Phật và thỉnh chuông. Tiếng chuông đều đặn, từ hòa như chuyên chở tình thương và hơi ấm xuyên qua màn đêm đến tận những địa ngục u ám xa xôi…

Tại ngôi chùa ở An Phú Đông này, tôi cũng đã có duyên gặp gỡ những cư sĩ đồng điệu, một số người tôi mới chỉ gặp lần đầu tiên. Đồng điệu ở đây có nghĩa là đều ở trên cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đời sống để sống an lạc và phong phú hơn. Một số chúng tôi cũng là những người muốn trải lòng mình qua việc viết lách.

Vào một ngày cuối năm 2012, trong một dịp tình cờ mà tôi gặp được cùng một lúc nhiều người đồng điệu. Qua lời giới thiệu đơn sơ của thầy trụ trì, chúng tôi nhanh chóng hòa nhập vào một cuộc trò chuyện thân mật. Hóa ra trong số những người có mặt lại có cả những người có đóng góp bài vở cho tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, và tất cả đều là độc giả thường xuyên của tờ tạp chí này. Hôm đó chúng tôi nói nhiều chuyện. Chuyện sách vở, chuyện viết lách, chuyện trần gian, chuyện niết-bàn, chuyện cực lạc, chuyện trái mít, chuyện hành hương, chuyện dịch sách, chuyện từ Hán Việt, chuyện đạo, chuyện đời… trong không khí cởi mở, đạo tình và tự nhiên. Thấy câu chuyện sôi nổi, thầy trụ trì đề nghị chúng tôi ở lại dùng bữa trưa thanh đạm với nhà chùa. Thì ra, thầy đã kín đáo chuẩn bị một bữa ăn nhẹ nhàng nhưng đầy đủ. Chúng tôi ăn gỏi mít và nói về trái mít. Có lẽ trái mít đã từ Ấn Độ theo những chiếc tàu buôn đến Việt Nam cùng các thương gia và tu sĩ, đi vào đời sống của người Việt trong những cuộc giao lưu kinh tế, văn hóa và tôn giáo. Hầu như ở vùng quê Việt Nam nhà nào cũng có trồng cây mít. Và cũng có thể ngoài mít còn có những thứ khác nữa, cũng theo con đường đó đi vào đời sống của người Việt; vật chất và tinh thần thường đi đôi hỗ trợ cho nhau. Tên Ấn Độ của mít là paramita, đến Việt Nam được nói gọn là “mít”. Một vị cư sĩ trong nhóm giải thích và phân tích cho chúng tôi từ paramita và ba-la-mật.

Trong không khí chan hòa vị đạo an lành và thoải mái, chúng tôi nói về cây, về lá, về ánh nắng trong vườn, về tiếng chim kêu… của An Phú Đông.

Nhớ lại lời Thầy ngày xưa: “Người thấy Tánh thì nhìn một chiếc lá rơi cũng thấy vui tràn bờ”. Thật ra đó chỉ là cách nói của Thầy với đám đệ tử ngu ngơ chúng tôi. Đối với chư Tổ cũng như với Thầy, lá rụng hay không rụng, hoa tươi hay hoa héo, được mùa hay mất mùa đều vui. Toàn thân Thầy lúc nào cũng rạng rỡ và hân hoan. Lúc ngồi một mình, lúc trên con đường từ chùa đến rẫy hay từ rẫy trở về, lúc kêu riêng từng đệ tử bước theo Thầy lững thững trong vườn, trên đồi chùa. Có người bạn nhận xét rằng mỗi người đến một tuổi nào đó đều hình thành một khuôn mẫu, một định hình cho mình, nhưng Thầy thì không. Và dưới bóng mát những tàng cây của ngôi chùa nhỏ ở An Phú Đông này, chúng tôi đã được sống trong một đạo Phật không hình thức.

Tôi có đọc một bài báo nói rằng đạo Phật Nhật Bản coi như bị mai một. Tôi thì nghĩ ngược lại. Dưới mắt tôi, đạo Phật của Nhật rất gần gũi với “chất Phật”. Không nói đến những sơn môn Tào Động và Lâm Tế hiện nay rất vắng bóng ở những nơi thị thành nhưng đã sản sinh những vị Thầy kỳ đặc cho đạo Phật phương Tây cho cả đến bây giờ, đạo Phật đại chúng của người Nhật ngày nay là Nhật Liên tông. Đạo Phật này không thờ hình tượng, chỉ tôn thờ kinh Pháp Hoađược cho là gói trọn giáo pháp của Đức Phật. Những Phật tử này thực hành và sống trên nền tảng Phật tánh của kinhPháp Hoa, một Phật tánh không hình tướng nhưng chứa đủ mọi đức và hạnh của một con người toàn diện, một vị Bồ-tát. Và qua những thiên tai, nguy biến mà người Nhật trải qua, chúng ta thấy được tinh thần Đại thừa nguyên chất của họ.

Trong những lần trao đổi Phật pháp, vị thầy trụ trì thường nói với tôi là hãy đứng trong“nền tảng”để tu tập cũng như để sống. Người Phật tử Nhật Bản sống và thờ Phật trên nền tảng Phật tánh. Và “nền tảng” phải chăng là khi nghe tiếng chim bỗng khởi lên niềm vui, nhìn ánh nắng lung linh qua lá bỗng phát hiện một không gian rạng rỡ, và từ cái ngọn vô thường đó quay ngược tìm về với cái gốc thường còn. Và phải chăng lúc đó sẽ tràn đầy vô úy và niềm vui!?

Nghĩ đến việc đem đạo đức và niềm vui Phật giáo vào đời sống, chúng tôi cũng có lúc đề cập đến báo Văn Hóa Phật Giáo. Chúng tôi đều có nhận xét rằng nội dung tờ báo ngày càng phong phú và có thêm nhiều người cộng tác. Thế nhưng có một vị thông thạo tình hình của báo cho biết sức bán lại giảm đi. Có lẽ do tình hình kinh tế chung và cũng do bài vở trên mạng ngày càng nhiều. Con đường Việt Nam còn dài, con đường Phật giáo Việt Nam còn dài, nếu Tạp chíVăn Hóa Phật Giáo chết giữa chừng trên con đường dài đó sẽ là một mất mát lớn lao. Có lẽ còn một con đường đểVăn Hóa Phật Giáo hoàn thành sứ mạng của mình là những ai quan tâm đến văn hóa đạo Phật cũng như văn hóa và xã hội Việt Nam hãy cố gắng hỗ trợ, tinh thần cũng như vật chất.

Nói đến “niềm vui Phật giáo” tôi lại nghĩ đến cụm từ “niềm vui chuông mõ” mà một người bạn nêu ra trong một cuộc tọa đàm Phật pháp ở ngôi chùa tại An Phú Đông này. Tôi cũng đã có cơ hội được tham dự hai buổi tọa đàm Phật pháp hằng tháng ở đây. Những buổi tọa đàm này được bắt đầu sau một bữa trưa ngon và một khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn. Chúng tôi ngồi theo vòng tròn trên nền nhà khách, người hướng dẫn chương trình được thay phiên và đưa ra một vấn đề để mỗi người trình bày cái biết, cái thấy của mình về chủ đề đó. Thường chủ đề xoay quanh việc nhận ra và làm sáng tỏ hơn, vững chãi hơn cái “nền tảng” sống và tu tập. Nói chính xác hơn thì đó là những buổi tu tập, soi rọi bản thân, thay vì là những buổi thảo luận suông.

Tôi nhớ những cuộc tọa đàm này đã được thực hiện khoảng 30 năm về trước và được Thầy cho phép. Khi đó tôi còn ở trong nước. Mỗi lần họp, chúng tôi đưa ra một đề tài rồi đến kỳ họp sau mỗi người đọc lên hoặc nói ra kinh nghiệm sống, suy nghĩ và hiểu biết của mình. Những bài đó được gom lại thành những tập Tin Phật. Nghe nói những cuộc tọa đàm sau đó tập trung vào bộ Kinh Lăng Nghiêm Tông Thông do Sư ông dịch và các đệ tử đời thứ ba viết lại theo thể văn hiện đại.

Lật lại những tập Tin Phật, tôi thấy có những đề tài thú vị như: Bốn Tướng; Tổ Sư Thiền và Bồ Tát Hạnh; Tu Để Làm, Làm Để Tu; Tại Sao Tôi Tu Theo Đạo Phật; Phước Đức và Công Đức; Tin Nhân Quả; Sống Chân Thường; Đạo Phật có đóng góp thiết thực vào đời sống của chúng ta hay không?; Tu có chuyển nghiệp không?; Suy nghĩ về cuộc đời của chính mình và Bi Trí Dũng của Đạo Phật; Công phu là gì? Tại sao ta phải công phu?; Thọ trì là gì? Tại sao phải thọ trì? v.v.

Trên đây là một vài câu chuyện về An Phú Đông.

Và giờ đây, ngồi bên Đức Phật, lắng nghe hơi thở, lắng nghe sự lặng yên an tĩnh của đời sống, một sự mâu thuẫn nào đó dường như khởi lên trong tâm. Nguyện những người đọc bài này quên đi những điều đã đọc. Nguyện những người đến ngôi chùa nhỏ ở An Phú Đông tìm thấy được “nền tảng” cho cuộc hành trình trăm năm cũng như cuộc hành trình vĩnh cửu của mình. Rồi một ngày kia, có thể An Phú Đông sẽ không còn như An Phú Đông ngày nay, nhưng nguyện rằng ngày đó An Phú Đông đã ở trong tâm của mỗi người. ■ (TC. Văn Hóa Phật Giáo)

Ý kiến bạn đọc
23 Tháng Mười Một 202310:50
Khách
17 In another study, depression rates of post disclosure were measured and also found that the distress of male subjects was highly correlated with the status of their siblings test results or lack thereof <a href=https://dapoxetin.sbs>priligy dosage</a> much softer and more cuddly than other Vice shows
29 Tháng Sáu 202221:29
Khách
Bjgzkj cheap effective viagra https://newfasttadalafil.com/ - online cialis Buy Propecia Hong Kong <a href=https://newfasttadalafil.com/>tadalafil generic vs cialis</a> You want to try to switch tasks or find a distraction. https://newfasttadalafil.com/ - buy cialis online in usa Inderalici 40 Ggsnpw
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn