Tiễn Thầy

08 Tháng Tư 201503:51(Xem: 5727)

Tiễn Thầy

Thông Định

thich nhat chieu
Thượng tọa tân viên tịch Thích Nhật Chiếu
Thôi rồi thầy đã ra đi
Nghìn trùng xa cách đầy mi đoạn trường
Tượng về hoa lạc cố hương
Một phương cố quốc còn vương dấu hài
Nghìn sau còn một chút này
Gửi hương gió thoảng những ngày cưu mang
Con quỳ lạy khắp ba ngàn
Thầy đi còn để ngày vang bóng chiều
                (Khóc thầy – Thích Đức Thắng)

Xin mượn những dòng thơ trên để cung tiễn thầy tôi, Thượng tọa Thích Nhật Chiếu, về với cõi Phật…

Tôi có nghe loáng thoáng Ôn là một trong những dịch giả, soạn giả có nhiều đóng góp cho nền Luật học của Phật giáo Việt nam những năm về sau này. Tôi không rõ danh tiếng của Ôn có được nhiều người nghe đến hay không. Nhưng tôi chắc biết rằng đóng góp của Ôn cho Trường trung cấp Phật học Lâm Đồng, ít ra là trong khóa V của tôi, đủ lớn để cho Tăng Ni sinh chúng tôi ghi mãi trong lòng. Cũng như tên Ôn sẽ còn được truyền tiếp về sau trong những khi học trò ngồi ôn kỷ niệm.

Tôi không biết rõ về tiểu sử Ôn để nói cho mọi người biết, vì tôi chỉ là một học trò của thầy trong bốn năm (mà hình như cũng chưa đủ bốn). Tôi cũng không biết nhiều những giai thoại về Ôn để khiến mọi người có ý muốn nghe như khi nghe về một vị cao tăng. Mà có lẽ Ôn cũng không có nhiều giai thoại gây ấn tượng để cho tôi kể. Cuộc sống của Ôn giản dị và thầm lặng quá mà…

thich nhat chieu 2
HÌnh chụp thượng tọa khi còn sinh thời cùng với Tăng
Ni sinh tại chiếc thất nhỏ sau lưng chùa Linh Sơn, Đà Lạt.

Tôi không có cái phước để thân cận những vị thầy lớn (cao tăng) đương thời nên tôi không được biết, được cảm cái đức, cái hạnh của quý ngài. Nhưng khi tôi thân cận Ôn, tôi cảm giác mình nhỏ lại, lặng lẽ đi. Nên tôi nghĩ Ôn là cao tăng. Vì theo cách hiểu đơn giản của riêng tôi, cao tăng là người khiến người khác cảm thấy nhỏ bé khi đứng bên cạnh, một sự nhỏ bé bình yên.

Thuở tôi nhập học là lúc Ôn đang ở cái thất nho nhỏ, xa xa phía sau chùa Linh Sơn, Đà Lạt, lặng lẽ như nơi ở một ẩn sĩ. Thất cũ, hơi ẩm thấp, có dàn hoa leo phía trước. Bên trong thất, trừ những vật dụng cần thiết còn lại toàn là sách, và bên ngoài thì đầy cỏ mọc! Ôn cũng có trồng rau, trồng khoai này nọ cho bớt cỏ. Nhưng sức người già, người bệnh không đủ để thắng đám cỏ dại lì lợm nên rồi thì đâu vẫn hoàn đấy. Thấy vậy, khóa tôi rủ nhau xuống làm cỏ, dọn vườn, nhân tiện vệ sinh nhà cửa cho Ôn luôn. Cho nên sau này, khi đã hết học, gặp lại Ôn hay nói đùa “Mấy đứa con nghỉ học rồi không ai tới cắt cỏ nữa, cỏ mọc đầy hết.”

Chính qua những lần đó, tôi cảm được cái tình thầy trò trong đạo: không ràng buộc như bổn phận người lớn kẻ nhỏ mà thương yêu, kính trọng, quan tâm một cách tự nhiên, ân cần, nhẹ nhàng. Kể cả sau này, khi đã ra trường, mỗi khi có dịp thì huynh đệ lại rủ nhau về thăm Ôn. Người mua sữa, người mua thuốc bổ, người cúng dường tiền. Ấm áp như tình cha con. Có lần Ôn bệnh nặng, huynh đệ về thăm, nhìn thấy Ôn yếu quá, nằm chứ không ngồi dậy được, một sư cô ngồi bên giường cầm tay Ôn khóc như con trẻ…

thich nhat chieu 3
Thượng tọa trong một lần nhập viện
và các Tăng Ni sinh đến thăm

Có tuổi, hay bệnh là vậy nhưng trong việc dạy học, Ôn luôn làm tròn trách nhiệm của mình. Ôn dạy Luật, và tiết Luật thì họa hoằn mới nghỉ, và nếu nghỉ là biết Ôn bệnh nặng. Giờ giấc luôn đúng. Bài giảng đầy đủ, chi tiết.

Mà thôi!

Giờ nói về Ôn nhiều quá e không phải lúc. Hãy để Ôn yên nghỉ như một cánh hoa vừa rơi về với đất. Khi sống người đã không thích ồn ã, lẽ nào khi yên nằm mình lại dùng tiếng với lời để ca tụng, tri ân? Xin để mỗi người sống lại với những gì đã từng có với Ôn.

Riêng mình, Ôn là người đã bao dung và nâng đỡ tôi trong quãng thời gian mới lớn còn cứng đầu và bộp chộp. Có lẽ Ôn cũng không biết đã làm điều đó cho tôi đâu, nhưng tôi nhớ hoài. Khi khóa chuẩn bị ra trường, làm kỷ yếu, nên cần phải xin bài viết của các giáo thọ. Thường là đối với những vị thầy lớn, tăng sinh phải đích thân tới để thưa xin bài. Nhưng tôi lúc ấy còn ngu dại, chỉ điện thoại đến Ôn. Vậy mà Ôn vẫn viết. Mãi cho đến sau này, khi kỷ yếu đã in ra, trong buổi liên hoan cuối cùng, Ôn mới nói để tôi biết mình đã hành xử không đúng. Ôn nói rằng có hơi phật ý lúc đó nhưng nghĩ rằng có lẽ tôi còn nhỏ, không biết nên mới làm vậy, giờ Ôn nói ra để biết mà sửa chứ không phải chê trách gì.

Một lần khác, khi đó Ôn còn là chủ biên cuốn hợp tuyển thơ văn Hương Thiền, tôi, với cái cứng đầu và bồng bột của tuổi mới lớn, đã gửi một truyện ngắn tên Lối mờ, mà nội dung của nó khiến nhiều người khó chịu và nhất định phản đối việc đăng lên. Nhưng Ôn vẫn đăng, cùng một bài do Ôn viết để nhận định về bài của tôi. Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là Ôn không phớt lờ tiếng nói của một tăng sinh non trẻ. Ôn không coi đó là lời của trẻ nít, không đáng quan tâm. Ôn đối thoại, Ôn khuyên dạy, Ôn khuyến khích. Ôn viết, tôi không nhớ rõ nguyên văn: chúng ta không thể phớt lờ tiếng nói của những tăng ni trẻ này, không thể chỉ coi đó là lời của những của lớp trẻ bồng bột thiếu suy nghĩ, mà hãy đối thoại để tìm hiểu vấn đề, vì phải có vấn đề như thế nào đó thì mới có những tiếng nói này. Ôn viết cho tôi: nếu vị tăng sinh này không bằng lòng với cách giáo dục hiện nay thì thầy hãy cố gắng trở thành một nhà giáo dục để thay đổi điều đó, hơn là phẫn uất với hiện tại rồi chỉ nói ra những lời tiêu cực. Những lời đó như cái lay mình cho kẻ đang nói sảng trong mơ.

Bạch thầy!

Thầy không có ân thế độ cho con, cũng không phải là y chỉ sư, cũng không dìu dắt con trên con đường đạo, đường học theo năm dài tháng rộng mà chỉ là đôi ba năm có duyên thầy trò. Nhưng đôi ba năm đó, với cuộc sống, cách sống của mình, thầy đã dạy con, đã cho con thật nhiều. Trưa nay nghe tin thầy tịch, con vẫn chưa cảm thấy một điều gì rất lớn vừa xảy ra, một người nào đó rất quan trọng vừa đi xa mãi. Cho đến tối nay, xem lại những tấm hình của ngày xưa, con mới ý thức rõ ràng rằng thầy không còn nữa, mới biết rằng con không còn có một dịp nào khác để bên quỳ bên cạnh thầy, nắm tay thầy nữa…

Từ phương xa, người học trò năm xưa xin bái vọng về giác linh thầy và mượn đôi dòng chữ để tưởng niệm một người thầy khả kính vừa cất bước đi xa.

 

Chiangmai, Thailan

07 – 04 – 2015

Học trò của thầy
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn