MỘT CÕI TÀ DƯƠNG

08 Tháng Mười Hai 201620:48(Xem: 6191)

MỘT CÕI TÀ DƯƠNG
Toại Khanh

 

anh ta duongChút nắng tàn le lói trên con đường bụi dẫn về học viện Nalanda. Thầy Devaguru lại trông thấy cái bóng người gầy gò ấy đang ngược chiều với mình. Nghe trông lòng một chút thương cảm, ông gấp lại cuốn sách đang đọc dở dang và chuẩn bị một nụ cười thiệt ấm. Thầy Subhuti đang trên đường về lại khu rừng sau học viện. Thầy không học ở đây, nhưng sáng nào cũng về phố khất thực qua con đường này. Thỉnh thoảng ghé vào một khu vườn quen để nghỉ trưa và chiều lại về rừng. Có lẽ hôm nay cũng vậy. Bởi các vị bên ấy hiếm khi lang thang trên đường vào giờ này. Cứ gặp nhau hoài thành quen biết. Nhưng nhiều lắm cũng chỉ là vài câu han hỏi, không nhiều hơn. Biết nói gì đây.

Họ chào nhau bằng lễ Sa-môn. Thấy trời còn sáng, thầy Devaguru bỗng nhiên muốn rủ thầy Subhuti ngồi xuống một lát. Ông muốn hỏi thăm cho biết vài chuyện. Ông hỏi với giọng ái ngại:

– Một bữa ăn mà mất nhiều thời gian vầy có mệt lắm không thầy, hình như thầy ngày nào cũng rời rừng từ sáng?

Thầy Subhuti nheo mắt cười hiền lành:

– Thiệt ra không chỉ là một bữa ăn đâu thầy, còn nhiều thứ khác nữa chứ. Thầy xem, vận động cơ thể, tập nghe đời chửi, gieo duyên cho cả những người nghèo nhất và xê dịch cái hình ảnh y vàng trên đường cũng là một cách hoằng đạo tích cực.

Thầy Devaguru nhìn xuống đất một lát, ông muốn biết thêm chuyện khác về những người bạn tu gặp hoài vẫn lạ này. Lâu nay ông chỉ biết về họ qua mấy cuốn luận thư từ thời Phật giáo bộ phái.

– Suy cho cùng mình là anh em, nhưng sao cứ có cái gì ngăn ngại kỳ cục quá. Nhiều lúc tôi muốn ôm chầm lấy thầy…

Thầy Subhuti bật cười, hai bàn tay vẫn đặt trên bình bát khất thực:

Cũng anh em cả thôi, nhưng kẻ đi buôn làm giàu thì sao có dịp ngồi ăn cơm với những người anh em ngồi giữ đất hương hỏa. Thầy xem, có người nói tụi này không biết gì về bên đó. Sao lại xa lạ nhau quá vậy chứ? Một chữ Ekayano ám chỉ Bốn Niệm Xứ, thực ra chứa trọn Phật đạo rồi còn gì. Sống theo đó thì tự nhiên có bi với trí, nôm na là hiểu và thương. Tầng cao nhất của hai món đó chính là Phật quả. Tuỳ theo căn cơ mà người ta dừng lại ở tầng nào. Vậy mà người ta sửa lại thành Ekayano là Nhất Thừa gì đó để diễn dịch lý tưởng Bồ-tát, rồi thì anh em xa nhau. Thầy xem có đau không. Thầy tu nói chữ “buồn” nghe kỳ quá, nhưng ngẫm lại cũng ngậm ngùi thầy ơi.

Thầy Devaguru giật mình:

– Cứ cho Pháp Hoa đã đi quá xa, nhưng còn những Trung Luận, Hoa Nghiêm…hình như bên thầy không mấy mặn mà?

– Hôm nào rảnh, thầy ngó lại xem anh em hiểu nhau như vậy nên không? Hai bài Tiểu Không, Đại Không trong Trung Bộ và Đại Duyên trong Trường Bộ của thời nguyên thủy, đã nói hết mọi sự về Giáo Lý Duyên Khởi và khái niệm Không Tánh gì đó từ lâu. Tán rộng quá dễ hiểu lầm. Phật không dở hơn chúng ta đâu. Kẻ hữu duyên nghe ít cũng đủ, người vô căn nói sao cũng mịt. Thà để họ mịt mù còn hơn là gây ngộ nhận tội nghiệp người ta. Cả Trí Kim Cang (Vajiranana) gì đó từ nguyên thủy cũng đã dùng để gọi Thánh Trí La Hán, quán chiếu vạn pháp vô ngã. Vậy mà có người đành đoạn gọi anh em là Tiểu Thừa, có tu đến La Hán cũng còn chấp Pháp. Không biết họ đọc ở đâu cái đó. Họ có lẽ đến chết vẫn không ngờ đựơc rằng anh em chúng tôi vẫn xem Phật Trí Vô Thượng của Thế Tôn là do duyên tạo và cũng không nằm ngoài Tứ Tướng. Xin hỏi chấp pháp là sao?

Thầy Devaguru quên trời đang tối, ông xuất hạn và nghe lạnh cả người:

– Thế thầy nghĩ sao về bộ Bát Nhã sang sông của bên này?

– Tôi có trộm đọc bộ sách đó một lần, mà cứ có cảm giác đó là bản sao chép sai lạc của vài bộ Sớ Giải của kinh điển nguyên thủy. Đặc biệt là khái niệm Ba-la-mật mà trong bộ sách đó cố tình tô đậm, thực ra gần như không có trong giáo lý nguyên thủy. Chữ Parami hiểu theo khái niệm Lục Độ, Thập Độ, theo tôi biết thì rất xa lạ trong kinh điển truyền thống. Về tên gọi Sang sông hay Đáo Bỉ Ngạn gì đó thì trong kinh điển truyền thống của chúng tôi cũng có, nhưng ngắn gọn hơn nhiều. Trong đó không gọi là Paramita mà là Parayana. Chỉ mươi trang thôi, nhưng xét kỹ nội dung cũng là trọn vẹn hành trang sang sông thầy ạ. Trước mắt, tôi thấy người ta còn có vẻ muốn dùng chữ Jhana, ám chỉ bốn tầng thiền chứng của thời nguyên thủy, để gọi chung cho tất cả những gì có liên quan đến việc xếp bằng, hay suy tưởng, hoặc tưởng tượng về Phật pháp theo cách riêng.

Vầng trăng đầu tháng đã treo trên hàng cọ bên đường. Hai thầy chia tay nhau. Kẻ về học viện, người đi lên rừng. Đêm đó thầy Devaguru thức trắng.

Mấy năm sau, thầy Devaguru rời khỏi Nalanda với mấy gùi kinh tượng. Thầy đi về Đông Độ để chép cho xong mấy dòng giáo sử, như chứng tích của một giai đoạn chánh pháp đang đi vào bóng đêm của biển dâu.

Ra khỏi biên giới xứ Ấn, thầy dùng lại tên thật của mình là Huyền Trang!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn