PHỤNG SỰ ĐỂ DẪN ĐẦU VÀ
LÃNH ĐẠO BẰNG TRÍ ÓC, TRÁI TIM VÀ KHÍ PHÁCH
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng
“Phụng sự để dẫn đầu” và “Lãnh đạo bằng trí óc, trái tim và khí phách” là 2 cuốn sách rất đáng đọc trong năm Đinh Dậu 2017.
Bạn nghĩ rằng 2 cuốn sách này dành riêng cho lãnh đạo các cấp, các nhà quản lý các tập đoàn, các doanh nghiệp. Bạn đã nghĩ đúng nhưng chưa đủ. Đúng bởi ngay tít phụ của 2 cuốn sách này đều có dòng chữ “Tư duy lãnh đạo thế kỷ XXI”. Chưa đủ bởi, không chỉ các nhà lãnh đạo mà bất cứ ai, nhất là các Phật tử chúng ta, rất nên và cần đọc 2 cuốn sách này.
Bởi chúng ta thật nhỏ bé trong thế giới này, trong vũ trụ này. Chúng ta ai cũng khao khát và mong muốn tạo ra sự thay đổi nào đó. Chúng ta muốn thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng dường như tất cả chỉ như muối bỏ bể. Chúng ta đặt ra những câu hỏi không lời đáp: Tại sao phải dừng đèn đỏ khi mà ai cũng vượt? Tại sao phải tiết kiệm điện khi mà ai cũng phung phí? Và thế là chúng ta từ bỏ. Chúng ta đầu hàng trước sự thoải mái và buông mình cho các thú vui vật chất, không cần biết thế giới ra sao, với lý do rằng một mình mình thì chẳng thể làm nên được gì.
Hãy cùng suy ngẫm 1 cách kỹ lưỡng nhé. Sự thực không hề như thế. Mỗi chúng ta đều là một cá thể độc nhất trên thế giới này. Khi sinh ra, mỗi chúng ta đều được trao cho một sứ mệnh mà chỉ riêng chúng ta mới có thể hoàn thành. Cả thế giới chẳng khác gì một bức tranh ghép hình lớn, và mỗi chúng ta là mỗi miếng ghép, không ai có thể thay thế cho ai, và không ai quan trọng hơn hay kém người khác. Tất cả chúng ta đều có thể thay đổi thế giới, cũng như một miếng ghép hình thay đổi là có thể thay đổi toàn bộ bức tranh. Điều duy nhất chúng ta cần làm là nhận ra điều đó. Chúng ta cần phụng sự.
Khi một miếng ghép thay đổi, nó sẽ thay đổi bốn miếng ghép xung quanh, và bốn miếng ghép này lại tiếp tục thay đổi các miếng ghép xung quanh nữa. Cứ như vậy như vậy, hiệu ứng lan ra toàn bộ bức tranh. Tương tự, chỉ một hành động nhỏ hàng ngày của chúng ta thôi, như một nụ cười thôi, cũng sẽ khiến một số ít người xung quanh chúng ta vui vẻ, một số ít người này lại tiếp tục mang nụ cười đến những người khác, và chẳng mấy chốc, cả thế giới sẽ tràn ngập nụ cười mà xuất phát điểm ban đầu chỉ là một nụ cười chúng ta cười với mẹ buổi sáng, hoặc với người hàng xóm cạnh nhà. Chúng ta cần phụng sự.
Đừng nghĩ mình nhỏ nhoi vì bạn rất vĩ đại. Bạn chỉ cần có tinh thần phụng sự là trở nên vĩ đại. Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, thì cuốn sách “Phụng sự để dẫn đầu” là một xuất phát điểm tuyệt vời. Sách giải thích và hướng dẫn tất cả mọi điều. sách đưa ra rất nhiều câu chuyện minh họa và trình bày một kế hoạch hành động cụ thể để bạn có thể bắt tay vào thay đổi chính mình và những người xung quanh bạn rồi cả thế giới. Chỉ cần phụng sự là bạn có ngay an lạc và tự động dẫn đầu.
Chúng ta có thể cùng nhau ngẫm những câu nói sau đây nhé:
“Ai cũng có thể là vĩ nhân, vì ai cũng có thể phụng sự. Không cần phải có bằng đại học mới có thể phụng sự được. Cũng không cần phải biết chia động từ mới phụng sự được. Bạn chỉ cần một trái tim tinh tế, nhạy cảm, một tâm hồn giàu tình yêu thương” – Martin Luther King
“Bất kỳ ai muốn trở nên vĩ đại bên cạnh bạn cũng phải trở thành đầy tớ của bạn và người nào muốn trở thành người đứng đầu thì phải làm nô lệ cho tất cả mọi người” – Mark
“Các tổ chức tồn tại là để phụng sự. Chấm hết. Người lãnh đạo sống là để phụng sự. Chấm hết” – Tom Peters
“Phụng sự là biểu hiện của tình yêu ở mức độ chuyển hóa cao nhất” – Richard Maraj
Để phụng sự tốt nhất, bạn hãy tự mình trả lời câu hỏi sau: Bạn đang phục vụ ai? Hay bạn có được niềm cảm hứng để phục vụ ai đó, mục đích hay lý tưởng nào đó không? Và hãy nhớ rằng sự phụng sự tốt nhất là lúc bạn làm hết sức mình.
Hãy ngẫm nghĩ về quan hệ phụng sự của bạn. Bạn đã nỗ lực hết sức, đã cam kết hết mình chưa? Trong cuộc sống, bạn có cho đi điều tốt đẹp nhất của mình chưa? Nếu chưa thì tại sao? Sự đóng góp của bạn có phải độc nhất không? Bạn có đang phục vụ tốt hơn bất cứ người nào khác không?
Rõ ràng trong cuộc sống xã hội, nếu ai ai cũng có tinh thần phụng sự thì mọi công việc, mọi hoạt động tập thể đều được hoàn thiện một cách nhanh chóng và đạt được hiệu quả cao nhất có thể. Và bạn hãy nhớ đến câu nói của Antonie de Saint-Exupery rằng “Tình yêu đích thực bắt đầu khi người ta không trông chờ cái gì đáp lại.” Nếu chúng ta phụng sự hết mình mà không mong đền đáp thì kết quả thật là vi diệu.
Nhưng chúng ta phụng sự bằng gì, nếu không bằng trí óc, trái tim và khí phách. Một người có tinh thần phụng sự thì không có sự ganh ghét, đố kỵ hay tự cầu an cho bản thân. Người phụng sự không lựa chọn việc nhẹ nhàng cho mình mà tránh né việc cực khổ khó khăn để dành cho người khác. Chúng ta gọi những người phụng sự là phụng sự viên và bạn là 1 phụng sự viên đấy nhé.
Tinh thần phụng sự là một yếu tố quan trọng cho cuộc sống hạnh phúc gia đình, nó cũng như tạo nên sự gắn kết giữa người với người trong một xã hội. Mọi người nếu biết sống vì nhau, nương tựa nhau sẽ tạo thành một sự đoàn kết mạnh mẽ, không có thế lực nào có thể phá vỡ được.
Các nhà lãnh đạo cũng như mỗi chúng ta đôi khi chỉ dựa hoàn toàn vào chỉ một phẩm chất: trí óc hoặc trái tim hoặc khí phách. Tiếc rằng khi làm vậy, chúng ta phớt lờ những khía cạnh khác của thứ cần có để thành công. Nếu điều mà tất cả các nhà lãnh đạo và mỗi chúng ta đang cố gắng để làm là thể hiện tính phân tích cứng nhắc thì có thể họ sẽ để lại ấn tượng là người lạnh lùng, vô tình. Thậm chí, nghiêm trọng hơn, họ sẽ thiếu đi khả năng phản ứng hiệu quả với một loạt những tình huống nhất định bên ngoài.
Vậy nên, nếu bạn đang muốn tạo ra một văn hóa yêu thương, bạn lại có thể bỏ lỡ những cơ hội quý giá. Đó là lãnh đạo bằng cả trí óc, trái tim lẫn khí phách. Nếu bạn chỉ dựa vào dũng khí có được nhờ sự cứng rắn và lý lẽ của bản thân thì có thể khiến bạn đánh giá không đúng về những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra cho nhân viên.
Chúng ta cần có một quan niệm mới mẻ về lãnh đạo và một cách tiếp cận mới đối với việc phát triển các nhà lãnh đạo. Đó là lãnh đạo bằng cả trí óc, trái tim lẫn khí phách. Nếu không, các tổ chức sẽ tiếp tục lặp lại đường lối lãnh đạo từng tồn tại, tiếp tục sản sinh ra hàng loạt những nhà lãnh đạo chỉ có các kĩ năng có được nhờ tri thức nhưng được trang bị kém cỏi để giải quyết những vấn đề ngày càng trở nên phức tạp và rối bời hiện nay.
Cuốn sách “Lãnh đạo bằng cả trí óc, trái tim và khí phách” nêu ra ba năng lực quan trọng nhất mà các nhà lãnh đạo ngày nay phải có: lập chiến lược, thông cảm với người khác và biết chấp nhận rủi ro – và cùng lúc phải có cả ba năng lực này. Trong sách, các chuyên gia về kĩ năng lãnh đạo David Dotlich, Peter Cairo và Stephen Rhinesmith lập luận rằng để thành công trong một thế giới phức tạp, nhiều đan xen và chuyển động nhanh chóng, những nhà lãnh đạo toàn diện phải biết lập chiến lược, xây dựng những mối quan hệ tin cậy lẫn nhau với người khác và kiên định hành động theo đường lối đúng đắn dựa trên các giá trị cá nhân. Những nhà lãnh đạo “đơn diện” thường là sản phẩm của các chương trình đào tạo quản lí truyền thống, có thể thành công trong ngắn hạn, nhưng doanh nghiệp của họ qua thời gian sẽ thất bại.
Ngày hôm qua, ngay sau khi khai trương Tết Sách tại phố Lê Thạch, ngay dưới chân tượng đài vua Lý Thái Tổ tại Thủ đô Hà Nội, chính tôi đã “lỳ xì” cho Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung 2 cuốn sách quý là “Phụng sự để dẫn đầu” và “Lãnh đạo bằng trí óc, trái tim và khí phách” với tinh thần rằng tính cách của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đúng như tên và nội dung 2 cuốn sách này. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói ông sẽ đọc sớm nhất để ứng dụng vào công việc và cuộc sống.
Để kết thúc bài viết này tôi muốn nhắc đến 2 câu nói của 2 con người vĩ đại. Đó là Theodore Roosevelt. Ông đã nói rằng: “Về lâu về dài, con người chỉ thực sự có được hạnh phúc khi anh ta biết phụng sự/phục vụ. Hạnh phúc bắt nguồn từ điều gì khác sẽ vỡ vụn trong tay bạn, chẳng có giá trị gì”. Còn Thucydiles thì quả quyết rằng “Bí mật của hạnh phúc là tự do. Bí mật của tự do là dũng khí. Ý nghĩa của dũng khí là phụng sự người khác với tình yêu vô điều kiện.” Xin chúc bạn đã bắt đầu phụng sự bằng trí óc, trái tim và khí phách cùng tôi.
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng