Gặp lại đức Phật lần đầu tiên

11 Tháng Ba 201711:50(Xem: 4800)

Bài Viết Tham Dự 2016 & 2017

GẶP LẠI ĐỨC PHẬT LẦN ĐẦU TIÊN
Thích Tâm Tiến
“Bài viết tham dự Ananda Viet Awards”.

 

“Gặp lại” nhưng sao lại là “lần đầu tiên”? Kinh Kim Cang dạy rằng “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” có nghĩa những gì có tướng trạng đều có chung đặc điểm đó là không thật, là huyễn, là vọng. Vậy thì gặp Phật là gặp tướng hay gặp tánh, là gặp cái vọng hay gặp cái chân? Thực sự ta đã gặp Phật chăng? Bài viết này không phải là sự cố gắng để giải thích rằng tác giả đã “gặp Phật” hay chưa. Nó cũng không nhằm thuyết phục người đọc rằng tu là phải thấy Phật thì mới “công thành quả mãn”. Nhưng, để “gặp Phật” quả thực là một điều tuyệt vờithiết nghĩ ai cũng nên một lần “gặp lại”!

Là một người đệ tử Phật, chúng ta đã có đôi lần tự hỏi mục đích của việc tu học Phật pháp là gì! Câu trả lời đơn giản nhưng đầy giá trị chuyển hoá đó chính là “tu để giải thoát, tu để thành Phật”. Nếu nhìn sâu hơn một chút nữa thì chúng ta sẽ thấy hình ảnh trang nghiêm thanh tịnh của một vị tu chứng, ngồi thanh thảnh dưới cội cây Bồ-đề biểu hiện cho sự thảnh thơi an lạc. Chúng ta cũng có ý niệm rằng giải thoát tức là không ràng buộc, không vướng mắc, không ô nhiễm trước những phiền nãolậu hoặc của thế gian. Đây là những ý niệm lý tưởng nhưng cũng rất thiết thực cho những người thực sự hướng đến con đường giác ngộđức Phật đã trải qua.

Chúng ta cũng có thể hỏi thêm rằng thành Phật là thành ai, thành cái gì, trong khi mình là một phàm phu nghiệp chướng sâu nặng, mình có thể thành bậc giác ngộ như đức Phật Thích Ca được hay không? Chắc hẳn đa số chúng ta đều quen thuộc với câu nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” như một khẳng định giá trị cao quý trong mỗi người. Hiển nhiên, chúng ta tin tưởng vào điều đó nhưng có thể con đường đi đến Phật quả không đơn giản như việc nói ra câu đó. “Phật là người tỉnh thức, người giác ngộ, người vượt qua được bờ sinh tử”, có thể là những gì chúng ta được biết về định nghĩa của một vị Phật. Cái định nghĩa ấy nghe có vẻ phức tạp đối với những hạng “phàm phu tục tử” như chúng ta quá nhỉ! Riêng bản thân tôi, tôi thích cách đức Phật định nghĩa về một người giác ngộ mà Ngài dạy trong kinh Brahmaya thuộc kinh Trung Bộ tập 2. Khi đức Phật được hỏi thế nào là một vị Phật, là một vị giác ngộ thì Ngài trả lời rằng:

“Những gì cần biết rõ, Ta đã biết rõ;
Những gì cần từ bỏ, Ta đã từ bỏ;
Những gì cần tu tập, Ta đã tu tập;
Do vậy, này bà-la-môn, Ta là Phật”

Ai đã biết rõ điều cần biết, ai đã từ bỏ điều cần từ bỏ, ai đã tu tập những điều cần tu! Đức Phật, chính Ngài đã thực hành đầy đủ những điều đó, cho nên Ngài được xưng tán với danh hiệu “giác hạnh viên mãn”. Bản thân người tu học Phật pháp đôi khi cũng biết những gì cần biết, bỏ được một ít gì đó cần từ bỏ và tu được một chút gì cần tu. Nhưng chúng ta có thể chưa thực sự thực hành sâu sắc những điều mình cho là “mục đích” của người tu. Chúng ta còn quá nhiều mục đích trong cuộc sống của mình mà vốn dĩ những điều đó đôi khi làm chúng ta đi lạc hướng.

Có người tìm kiếm cho mình những giá trịbản thân nghĩ rằng nếu không có nó thì sẽ không sống một cuộc đời ý nghĩa. Tuy nhiên, mỗi người có một cách nhìn khác nhau về những gì mà họ tìm kiếm. Có người tìm kiếm những điều kiện hạnh phúc thiên về vật chất, có người mỏi mòn với những giá trị cảm xúc để xoa dịu những cơn thiếu thốn trong tâm hồn. Đức Phật cũng là người đi tìm. Ngài tìm con đường giải thoát cho bản thân và cho nhân loại. Ngài dạy về hai loại tìm kiếm trong thế gian mà mỗi chúng ta đều đang hướng đến. Ngài dạy trong kinh Thánh Cầu thuộc Trung Bộ kinh rằng có hai loại tìm cầu trong thế gian, đó là phi thánh cầu thánh cầu. Phi thánh cầu là đi tìm những thứ thuộc về thế gian và nó dẫn đến sinh, già, bệnh, chết, sầu ưu bi khổ não,… Những thứ thuộc về phi thánh cầunguyên nhân dẫn đến con đường sinh tử chỉ bởi ta không hiểu rõ được bản chất của chúng. Và với sự dẫn dắt bởi sự tìm cầu này, chúng ta ngày càng đi xa Phật, càng không gặp được Phật. Mặt khác, thánh cầu là sự tìm cầu như bậc thánh. Nếu nói “tìm cầu” nghe có vẻ phàm phu quá! Nếu đã là bậc thánh thì họ không còn ý niệm gì về “tìm” hay “cầu” điều gì cả. Chúng ta đang nói đến những chúng sinh đang trên con đường đi đến chân lý. Nếu mình nhận thấy rằng bản thân từ bóng tối hướng ra ánh sáng thì chính mình là những người đang đi trên con đường của bậc thánh. Tìm cầu ở đây cũng có ý nghĩa rằng lấy tấm gương của đức Phật soi rọi vào con đường chúng ta đang đi. Liệu mình có đang hướng về thánh đạo hay mình vẫn đang vân du đâu đó trong những lạc thú phàm tục?

Đối với bản thân một người xuất sĩ như tôi, sự lạc lối đôi khi dẫn dắt và tiềm ẩn đâu đó trong tâm trí chưa vững vàng. Một người từ bỏ gia đình sống không gia đình, từ bỏ thế tục để sống một cuộc đời xuất thế nhưng đôi khi vẫn bị sự tham muốn, sân giận và si mê chi phối. Tôi thường cho mình những lý do rằng dù mình là người xuất gia nhưng vẫn còn là phàm tăng nên phiền não nhiễm ô vẫn không tránh khỏi. Điều đó có phần nào đúng. Nhưng tại sao đôi khi mình lại trốn tránh, không dám nhìn thẳng vào những nhiễm ô tồn đọng từ vô thỉ kiếp đó. Phật đã chỉ cho mình con đường để đi vậy mà mình cứ lưu lạc mãi trên những nẽo dặm trường. Mình có cả một gia tài pháp bảo vô giá như vậy mà không chịu thừa tự lại còn đi chấp nhận những thứ sỏi đá vô ích. Chính đức Phật cũng đã khuyên rất chân thành rằng hãy là người thừa tự pháp của Ngài, đừng là người thừa tự tài vật. Lời khuyên còn văng vẳng đâu đó mà lòng người sao chóng quên.

Đã vậy, khi ở trong Phật pháp rồi vẫn còn nhiều ràng buộc. Cách hiểu và cách thực hành đôi khi lại mâu thuẫn. Tôi từng nghĩ rằng đã là pháp của đức Như Lai thì luôn tuyệt vời và mình muốn áp dụng như thế nào, cho bất cứ ai đều mang lại kết quả tốt đẹp cho họ. Và cũng chính vì thế tôi dần dần “xa Phật”, dẫn dắt những người cùng đi với mình như một người mù dẫn những người mù đi vào vực thẳm. Cũng bởi bản thân chưa hiểu rõ giáo pháp và chưa “nắm giữ” giáo pháp một cách thiện xảo. Kinh Người Bắt Rắn dạy chúng ta nên nắm bắt giáo pháp một cách khéo léo. Đừng để những tri giác sai lầm của bản thân cột chúng ta vào những giá trị trái ngược với lời Phật dạy. Như một người bắt rắn không đúng cách sẽ bị rắn quay ngược lại cắn dẫn đến những hiểm hoạ không mong đợi. Cũng vậy, giáo pháp hướng chúng ta đến sự xả ly, ly dục, ly tham và ly phiền não. Giáo pháp chính là con đường, là phương tiện đưa ta đến với bờ giải thoát. Khi đã vượt sông mê, đến bờ giác rồi thì ta nên buông bỏ những chấp thủ, những hiểu biết, đừng như người đàn ông tội nghiệp dùng bè để qua sông nhưng khi qua sông rồi thì lại không chịu bỏ chiếc bè.

Nói dong dài như vậy có người sẽ hỏi “Thế gặp Phật ở đâu, thấy Phật như thế nào?” Câu trả lời có vẻ đơn giản quá! Xin mượn tạm một câu nói của Phật để làm minh chứng cho sự thấy Phật của bản thân vậy! Đó là “Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Phật”. Bạn đã từng thấy Phật chưa nhỉ!

Trong một buổi chiều lạnh và bận rộn của thành phố Boulder - Colorado, trên con đường đi học về, tuyết đang rơi và đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy tuyết. Tuyết chạm mặt tôi, tôi đưa tay nâng những hạt tuyết nhỏ. Tuyết lạnh thật! Giây phút đó thật nhiệm mầu làm sao! Một câu hỏi khá buồn cười thoáng qua trong tôi, tại sao không phải là mưa mà là tuyết, tại sao cũng từ nước nhưng nó lại biểu hiện ở những trạng thái khác nhau? Tôi không chìm sâu vào tâm thức để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi ngớ ngẩn đó nhưng điều tôi biết chắc rằng dù mưa hay tuyết thì sau một thời gian những giọt nước hay hạt tuyết đó sẽ trở về với đất để tiếp tục biểu hiện và chuyển hoá thành cuộc sống mới. Một ngày nào đó, có thể chính những giọt này lại nằm trong ly trà mỗi sáng của tôi cũng nên! Và trong khoảnh khắc đó, tôi đã “gặp lại đức Phật lần đầu tiên”. Ôi! Đức Phật mà tôi gặp sao khác xa những gì tôi đã từng tưởng tượng, khác xa những gì mà chúng ta mô tả hoặc thờ tự ở chùa, khác xa tất cả mọi ý niệm của chính tôi. Tôi nghĩ mình đã gặp Phật nhiều lần rồi, nhưng hình như những lần đó mơ hồ lắm! Lần này, tôi đã tận mắt “thấy Phật” rõ ràng và nhiệm mầu biết làm sao! Tôi cố “mời” đức Phật về nhà, ngồi uống một ly trà cùng nhau nhưng chính trong lúc đó Phật dạy tôi rằng đừng bị vướng mắc vào bất cứ pháp nào cả, kể cả đó là Phật pháp hay chính đức Phật. Phật dạy rằng dù có gặp Phật cững đừng chấp vào sự gặp đó để cho rằng mình tu tốt hơn người khác. Sự tương phùng của tôi với Phật nhẹ nhàng, nhanh chóng và cũng rất sâu sắc.

Tôi dám tin chắc rằng mỗi chúng ta đều đã từng có lần “gặp Phật”. Có thể những lần đối diện đó mơ hồ và tản mác nhưng được tái ngộ với Ngài thực sự là một điều diệu kì. Ta thấy Phật trong cơn mưa rào mùa hạ, cũng có thể diện kiến Ngài trong ly trà mỗi sáng mai, hoặc vô tình bước qua những chiếc lá vàng nằm vương vãi trên mặt đất một chiều cuối thu gió nhẹ, hoặc như tôi, một lần đi trong tuyết lạnh nhưng ấm áp tâm hồn! Thấy được Phật là điều tuyệt vời, tuy vậy chính lần thấy đó chúng ta không nên giữ đức Phật lại, đức Phật không muốn bị ràng buộc bởi ý niệm và tình cảm của ta. Ngài là người tự do và điều đó xuất phát từ chính thông điệp mà Ngài đã chỉ dạy. Ngài dạy ta sống thảnh thơi, đừng bị vướng mắc, chấp chặt vào bất cứ điều gì kể cả đó là chính Ngài. Thế nên, sự hội ngộ với Phật luôn luôn là sự gặp lại và sự gặp lại đó luôn luôn là lần đầu tiên!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 3825)
10 Tháng Năm 2019(Xem: 4811)
04 Tháng Giêng 2019(Xem: 6815)
28 Tháng Mười Một 2018(Xem: 5935)
30 Tháng Mười 2018(Xem: 6216)
24 Tháng Mười 2018(Xem: 6924)
27 Tháng Tám 2018(Xem: 5393)