Như không có gì để mất

25 Tháng Mười 201707:49(Xem: 5015)

NHƯ KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ MẤT
Sallie Tisdale | Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ

 

Sallie TisdaleSallie Tisdale là cư sĩ giảng sư tại Trung Tâm Thiền Mưa Pháp (Dharma Rain Zen Center) ở Portland, bang Oregon, Mỹ.  Quyển sách mới nhất của bà: Violation: Collected Essays (tạm dịch: Sự Xâm Phạm: Tổng Hợp Các Bài Viết), xuất bản vào mùa xuân năm 2016.

***

   Khi còn trẻ, tôi nghèo –nhưng rộng rãi.  Tôi trọ chung với nhiều người trong một căn nhà cũ, ngủ ngoài hiên, và không sở hữu thứ gì giá trị hơn chiếc xe đạp.  Mỗi tuần tôi tình nguyện làm việc nhiều giờ ở các tổ chức cộng đồng.  Có ngày, khi trong túi chỉ còn năm đô la, tôi vẫn đãi bạn ăn, rồi sau đó chúng tôi cười vui vì tôi hoàn toàn sạch túi.  Lúc đó thật dễ để cho đi những gì tôi có; vì tôi đoan chắc là cuộc đời rồi sẽ đền bù cho tôi bằng cách nào đó.

   Giờ tôi có nhà, có xe, có tiền tiết kiệm trong ngân hàng, nhưng tôi không còn quá rộng rãi như xưa.  Tôi cũng có chia sẻ -tiền bạc, thời gian, sự quan tâm- nhưng đôi khi tôi miễn cưỡng làm điều đó, với chút ít lo âu.  Đôi khi tôi mong ước có một ngôi nhà đẹp hơn, một chiếc xe đời mới hơn.  Tôi lo lắng không biết mìnhdành dụm đủ tiền.  Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho bản thân.  Đó không chỉ là vấn đề của tuổi trẻtuổi già.  Giờ tôi có nhiều thứ hơn, có nghĩa là tôi có nhiều thứ để mất hơn.

   Khi tôi không sở hữu nhiều thứ, tất cả những gì tôi có đều quan trọng đối với tôi.  Khi tôi mua được một chiếc áo ấm mà tôi thích ở tiệm Goodwill (ND: Tiệm chuyên bán đồ người ta cho từ thiện, đã được trau chuốt lại), tôi coi đó như quà sinh nhật của mình.  Không có gì hết, theo một cách nhìn nào đó, cũng có nghĩa là mọi thứ trên đời là của tôi.  Chỉ một chiếc bánh mì sandwich cũng đủ là niềm vui, khiến tôi tận hưởng nó hết mình.  Mỗi món quà là một niềm hạnh phúc, và tôi hàm ân mọi thứ tôi có.

   Hàm ân, cái cảm xúc đơn giản mà sâu sắc của lòng biết ơn, là nền tảng của tất cả mọi sự hào phóng, độ lượng.  Tôi độ lượng khi tôi tin rằng ngay bây giờ, ngay tại đây, trong hình tướng này, trong hoàn cảnh này, bản thân tôi đã được ban tặng tất cả những gì tôi cần có.  Sự hào phóng, rộng rãi đòi hỏi ta cho ra, giảm bớt cái gì đó.  Nó không thể xảy ra nếu ta không biết hài lòng, không chấp nhận những gì ta có.  Nếu không, bàn tay đưa ra sẽ nắm chặt, và không thể buông ra.

   Tính hào phóng, rộng rãi, phát khởi từ sự sung mãn, đủ đầy, là điều tự nhiênChúng ta luôn chứng kiến điều này quanh ta.  Như thiền sư Haya Akegarasu[1] yêu mến mùa xuân.  Ông viết, “Cỏ non xanh, ta không thể nén lòng –ta muốn hôn ngươi”.  Đối với ông, hoa cỏ mùa xuân là những vị thầy lớn, vì chúng đã ‘toàn lực, toàn tâm’ để đơn giản sống cuộc đời của chúng.  “Sự vươn cao, lớn mạnh của chúng như tấm lưỡi dài, rộng, che phủ cả thế gian”, ông nói.  Tôi cũng nhìn thấy sự bao dung vững chải trong hoa lá, cỏ cây, trong tiếng chim hót những buổi bình minh, trong tiếng mưa đều như trống gõ.  Nhưng khi thành niên, tôi nghĩ mình phải gìn giữ nhiều thứ, nên tôi đã quên điều đó.  Tôi hoàn toàn quên rằng từ lúc bắt đầu, tôi đã luôn luôn có đủ.  Giờ tôi đang cố gắng học lại điều đó lần nữa –hoàn toàn sung mãn, không còn tiếc nuối điều gì.

Diệu Liên Lý Thu Linh 

(Chuyển Ngữ theo As If There Is Nothing To Lose, Tạp Chí Tricycle, Xuân 2010)

 



[1] Haya Akegarasu (1877-1954); đệ tử của TS Kiyozawa Manshi.  Ông rất có ảnh hưởng đối với  Phật giáo Nhật Bản.  Ông cũng là một nhà thơ rất nổi tiếng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 3827)
10 Tháng Năm 2019(Xem: 4816)
04 Tháng Giêng 2019(Xem: 6820)
28 Tháng Mười Một 2018(Xem: 5940)
30 Tháng Mười 2018(Xem: 6222)
24 Tháng Mười 2018(Xem: 6926)
27 Tháng Tám 2018(Xem: 5397)