Đi Qua Cửa Ngõ Thiền Định

30 Tháng Mười Một 201708:36(Xem: 4888)

ĐI QUA CỬA NGÕ THIỀN ĐỊNH

Nguyễn Xuân Chiến


 (Thiền sư Quang Phú tình cờ giải cứu tên sơn tặc Ngô Mao ra khỏi trùng vây của quan nha, triều đình hồi ấy, nhưng sau khi được tự do thì y không biết đi đâu về đâu. Thiền sư bèn đề nghị đi chung một đoạn đường, rồi sẽ tính. Ngô Mao mặc áo quần thầy tu, tạm thời giả trang thành người đệ tử của thiền sư Quang Phú, để che mắt bọn quan nha. Đây thuật lại chuyến viễn du bất đắc dĩ của một người tu hành với một tên tướng cướp)

                    * * *

THIỀN SƯ VÀ NGưỜI BẠN ĐưỜNG

          * * *

Khi tia nắng vàng hực của buổi hừng đông chiếu thẳng vào song cửa, Ngô Mao bừng mắt ngồi nhỏm dậy, chợt nhìn sang bên cạnh thấy Sư đang tĩnh tọa trên ghế, đôi mắt lim dim, lưng thẳng, và uy nghiêm như cây đại thọ trước sân chùa.

          - Không ngờ đại sư thức giấc sớm vậy!

          Sư mở mắt, cười:

          - Chào Ngô tráng sĩ, lão tăng ngủ rất ít, theo lệ thường buổi công phu thiền định bắt đầu từ canh năm. Đó là công việc trọng yếu nhất của người tu hành.

          Nhìn cái đầu trọc lóc lởm chởm ít sợi tóc mới nhú, và vầng trán bóng loáng hằn sâu bốn chữ son của Ngô Mao, sư dặn nhỏ:

          - Này Ngô tráng sĩ, đêm qua ngủ say quá đánh rơi chiếc mũ trên gối. Từ nay trở đi ngày cũng như đêm, tráng sĩ hãy đừng quên chiếc mũ trên đầu. Cẩn thận vẫn hơn.

          Ngô Mao cười ha hả, cúi xuống nhặt mũ đội lên đầu:

- Tại hạ mới tập tễnh làm “ông hòa thượng giả hiệu” chưa đầy một ngày, nên vẫn còn bỡ ngỡ. Đa tạ đại sư có lòng quan cố. À tại hạ thấy đại sư tuổi già sức yếu, nên ngủ nghỉ nhiều hơn chút ít, để có thể lực sung mãn, thực hiện một chuyến viễn hành vất vả. Vả lại, con đường từ đây lên Bạch Cốt Sơn còn xa quá.

          Sư đứng dậy, với chiếc tăng bào khoác vào người:

          - Đa tạ tráng sĩ đoái hoài đến lão nạp này. Nhưng bất cứ người xuất gia nào đều là những chiến sĩ, luôn luôn sắp sẵn ứng phó mọi trạng huống bất thường của kiếp nhân sinh. Mà đã là một chiến sĩ thì không được ngủ nhiều, phải dành thì giờ cho việc hành thiền niệm Phật...

          Ngô Mao kinh ngạc:

          - Niệm Phật và hành thiền để làm gì?

          Sư vừa thắt các dải nút, vừa đáp:

          - À, à... một chiến sĩ thì ngày đêm ngồi trên lưng ngựa, sử dụng lưỡi kiếm và phát huy nội công, tuyệt học cũng như trí tuệ của mình để chiến thắng và hàng phục địch nhân, phải vậy chăng?

          - Chính thị!

          - Như lão tăng, hoặc bất cứ người tu niệm nào, đều là những chiến sĩ vô cùng dũng mãnh. Luôn luôn cỡi con ngựa Giới Luật, cầm lưỡi kiếm Thiền Định, mặc áo giáp Nhẫn Nhục Nhu Hòa, lấy Trí Tuệ làm võ công, lấy Từ Bi làm nội lực, để hàng phục địch thủ là Ngu Dốt, Si Mê, Kiêu Mạn cho đến cuối cùng, cất khúc ca Giải Thoát dưới ánh mặt trời Giác Ngộ.

Đó, Ngô tráng sĩ thấy chưa? Lão tăng có phải là một chiến sĩ chân chính hay chăng?

          Ngô Mao cười tươi:

          - Vâng, đại sư khéo nói quá. Hiển nhiên, đại sư là một chiến sĩ chẳng khác gì bọn lục lâm tại hạ.

          Sư đeo tay nải lên vai, nói:

          - Lão tăng là chiến sĩ của đức Phật, còn Ngô tráng sĩ là chiến sĩ của giới giang hồ hào kiệt Trung Nguyên. Nhưng giữa chúng ta chẳng có gì khác biệt. Bởi đã là một chiến sĩ, thì phải luôn luôn dũng cảm, dũng cảm không ngừng...

          Ngô Mao mở cửa, nhường bước cho nhà sư ra trước, và không quên sửa lại chiếc mũ cho ngay ngắn. Sư quay lại, nói nhỏ:

          - Tối qua, lão tăng đã nhờ ông chủ quán mua hộ một con ngựa thật khỏe, lát nữa, tráng sĩ cứ an nhiên cỡi ngựa theo sau lão tăng. Dọc đường, nhớ để chiếc mũ gắn chặt trên đầu, dù trời nóng nực đến mấy, cũng không được gỡ ra.

          Hai người từ trên gác bước xuống đất, thì gã chủ quán khiến gia nhân dẫn đến một con ngựa lông trắng mướt rất đẹp.

          Gã chủ quán cười toe toét:

- Tiểu nhân vừa tìm được một con tuấn mã giá cả lại rất rẻ nữa, chỉ có hai mươi lạng bạc thôi...   

          Sư Quang Phú mỉm cười:

          - Đa tạ! Lão tăng không rành coi tướng ngựa, tiện đây, có đại đồ đệ của lão tăng, may ra hiểu biết ít nhiều.

          Ngô Mao nhanh nhảu nắm lấy dây cương ngồi xổm xuống đất, ngắm nghía con ngựa một hồi lâu, cất tiếng khen ngợi:

          - Khá lắm, đây là giống ngựa hiếm có, từ Sơn Đông đưa về, đúng loại Bạch Tuyết Câu, dai sức, ăn ít, có thể dùng để đi xa.

          Quay sang gã chủ quán, y nói:

          - Đa tạ tôn ông mua hộ.

          Gã chủ quán khúm núm:

          - Vâng, kính thỉnh lão hòa thượng cùng sư phụ vào trong dùng điểm tâm chay.

          Hai người điểm tâm xong, lên ngựa đi liền, rời Tuy An khi trời còn nắng gay gắt. Sư Quang Phú nhẫn nại ngồi trước càng xe, giục ngựa chạy vừa phải. Ngô Mao cỡi bạch tuyết câu, ung dung bám theo sau, mồ hôi vã như tắm.

Con đường đất tung bụi mịt mù, bụi đỏ bám đầy mặt khiến ai nấy đều mang khuôn mặt nhem nhuốc, áo quần ướt át dơ dáy. Lớp bụi đất này chồng chất lên lớp đất bụi khác, theo vó ngựa duỗi dài trên đường đèo vắt qua triền núi xanh thẫm.

 

MA ĐẦU TẬP TỄNH THEO VỀ PHẬT

 

Hai con ngựa lừ đừ, hí từng tiếng ngắn ngủi như rên rỉ, như hờn oán số kiếp súc sinh dưới ánh nắng hầm hập của trần gian khốc liệt. Thỉnh thoảng chúng gục gặc quay đầu cắn vào sợi dây cương, nhưng bốn vó vẫn sải đều đều trên đường lộ ngập bụi mù...

          Sư Quang Phú động tâm, nói lớn :

          - Gấp tìm chỗ nghỉ. Ngựa chạy không nổi nữa rồi !

          Ngô Mao phóng tầm mặt thật xa tìm kiếm một tàng cây hoặc một hốc núi cho ngựa nghỉ ngơi, đồng thời thả dây cương phi ngựa chậm lại. Dường như chính y cũng cảm thấy cần một bóng mát nằm ra ngủ chốc lát mới mong vượt khỏi truông đèo hiểm trở cùng cái nóng khắc nghiệt hiện giờ.

          Đột nhiên, sư Quang Phú mừng rỡ reo lớn lên :

          - Kia kìa, đằng kia có mấy gốc cây...

          Chiếc xe ngựa từ từ ngừng lại.

          Đó là một tàng cây rậm rạp, do ba cây cổ thụ kết hợp tạo nên, nằm lưng chừng ngọn đồi nhỏ. Ngô Mao nhanh nhẹn rời yên ngựa mà mình đang cưỡi, lật đật tháo con ngựa ở nơi càng xe của sư Quang Phú, rồi thả cả hai con nằm nghỉ trong bóng râm. Y nói:

          - Chúng ta dùng bữa trưa luôn thể, và nghỉ một chốc rồi hẳn hay...

          Sư đảo mắt nhìn xung quanh, rồi đưa tay chỉ dòng suối vắt ngang thung lũng, nói:

          - Bên kia có con suối nhỏ, lão tăng cần xuống đó rửa mặt.

          Ngô Mao ăn no, ngã lăn tựa vào gốc cây, nói:

          - Đại sư tùy tiện. Tại hạ nằm nghỉ một chốc, vừa trông coi hành lý và hai con ngựa luôn thể.

          Thiền sư Quang Phú tay vịn mấy bậc đá, thòng chân lần mò từng bước một, leo xuống thung lũng. Sau những kè đá nhọn hoắt, là một ngọn suối róc rách giữa triền núi rợp bóng cây. Hơi lạnh từ lòng suối tỏa lên thật dễ chịu. Sư lấy chiếc khăn, giặt sạch và lau mặt chậm rãi... Lau mặt xong, sư ngồi bệt lên bậc đá, vốc nước kỳ cọ hai bàn chân.

Trong lúc đó, Ngô Mao gối đầu lên mấy khúc rễ cây, ngáp mấy cái, ngủ quên khi nào không hay. Chiếc mũ rơi lăn lóc xuống nền đất sỏi, vương vãi vài cọng lá khô.

          Từ đằng xa, một bọn chừng tám chín kẻ lạ mặt cưỡi ngựa đi tới, dường như họ đang tìm một bóng râm để trốn nắng.

Thiền sư Quang Phú vắt chiếc khăn ướt lên vai, và ra khỏi thung lũng. Đến đường lộ, sư nhìn thấy chiếc xe và hai con ngựa vẫn còn đó, nhưng quanh gốc cây cổ thụ ven đường, một bọn người hầu hết mặc võ phục xám, cầm binh khí đứng lố nhố bao vây gốc cây.

          Sư bước đến vài bước nữa, ngưng thần nhìn kỹ bọn người lạ.  Sư lẩm nhẩm đếm: cả thảy gồm mười bảy tên hán tử, với một đạo sĩ tóc bạc, tay lăm lăm trường kiếm, chĩa thẳng vào phía Ngô Mao đang chập chờn trong mộng mị. Bên cạnh, một đại hán mặt sắt đen sì, tay cầm lưỡi cương đao màu đen.

Bọn hán tử kia đều tuốt trường kiếm, chờ hiệu lệnh.

          Dù nghe rõ tiếng lạo xạo do bước chân của thiền sư Quang Phú giẫm lên lớp cát sỏi ven đường nhưng cả bọn dường như không mấy quan tâm, đều tập trung nhãn tuyến chăm chú nhìn thẳng Ngô Mao đang vận bộ tăng bào màu vàng, nằm ngửa dưới tàng cây, đầu thì gối lên sợi rễ cây, hai chân sõng soài trên nền cỏ, chiếc mũ thầy tu rơi xuống mặt đất đầy bụi, phô ra cái đầu trọc lóc với bốn chữ son đỏ chói trên trán.

          Thiền sư Quang Phú dừng chân lắng nghe, nhưng chậm quá rồi chẳng còn cách nào để đánh thứcthảo khấu này được. Và sư cũng chẳng biết làm thế nào để cứu người bạn đồng hành của mình, khi mình chẳng có chút võ nghệ nào!

          Bỗng nhiên, sư nghe một tiếng hú khủng khiếp vang lên và ngân dài. Ngô Mao chợt nẩy thân hình, nhanh như chớp, tung mình đá thốc vào mặt gã đại hán, khiến hắn lộn nhào, ngã lăn xuống đất, cây cương đao bay vút lên không, rớt mạnh cắm trên bãi cỏ.

          Đại hán mặt sắt, giật mình hoảng hốt không kịp hoàn hồn, thần sắc bay bổng lên mây. Gã không thể nào ngờ rằng, Ngô Mao phóng ra một đòn thần tốc. Trong cơn nguy cấp, gã không tránh được ngọn cước đá vào cằm, thanh cương đao tuột khỏi bàn tay. Gã lăn quay mấy vòng ra xa mới tránh được ngọn cước thứ hai mà Ngô Mao tung liên tiếp trong khi đang còn lơ lửng giữa không trung.

          Bọn sư đệ đứng bao vây chung quanh, thấy vậy, đều lè lưỡi khiếp hãi. Lão đạo sĩ bèn gầm lên một tiếng, vút trường kiếm lao vào:

          - Tấn công! Các sư đệ nhất tề xông vào, băm nát tên ác tặc, báo thù cho ân sư!

          Sau khi tung ngọn liên hoàn cước thứ hai bị gã đại hán mặt sắt tránh được, thì nhanh như cắt, hai chân chưa chấm đất và thân hình còn lơ lửng trên cao, Ngô Mao đã vung tay đấm ngã mấy tên, giật được một thanh trường kiếm cầm tay, cả bọn đều dạt ra xa, nắm trường kiếm thủ thế, nhưng bàn tay ai nấy đều run run không ngớt.

`        - Ha ha, bọn nhãi nhép chúng bây, chắc là môn đồ của phái Thái Sơn?

          Bỗng mười bảy tên hán tử nhất tề động thủ, mười bảy tia kiếm quang đồng loạt chụp lên đầu Ngô Mao như tấm lưới thép sắc bén bủa xuống con mồi. Cứ thế, chân đấm tay đá, cùng một lúc luồng kiếm phong rì rào. Một lát sau, mười bảy thanh trường kiếm và lưỡi cương đao bay tứ tán khắp không gian, rồi rơi rụng la liệt trên nền đất bụi.

          Bọn hán tử mười bảy tên, kẻ bị điểm huyệt, kẻ bị trúng quyền, kẻ bị chém trọng thương, tất cả nằm ngả nghiêng quanh gốc cây.

Ngô Mao chĩa mũi kiếm vào ngực tên đầu sỏ, quát lớn:

          - Tên đạo sĩ khốn khiếp, nay mi đã hiểu bản lãnh của mi cao thâm đến mức nào rồi chứ?

          Suốt thời gian qua, thiền sư Quang Phú chỉ biết đứng bên ngoài vừa niệm Phật vừa quan sát trận đấu. Sư không ngờ trong một lúc ngắn ngủi, Ngô Mao đã đánh bại bọn đệ tử Thái Sơn một cách chớp nhoáng. Khi thấy chàng chĩa mũi kiếm vô ngực lão đạo sĩ kia, sư vội vã chạy vào:

          - A Di Đà Phật, Ngô tráng sĩ đã hứa với lão tăng là không sát hại một ai. Xin hãy buông kiếm xuống! Chớ giết!

Chàng nhếch môi cười hềnh hệch, cúi xuống đưa tay trái nhặt chiếc mũ thầy tăng đội trên đầu ngay ngắn, đưa mắt nhìn nhà sư già đầy lòng nhân ái, nói:

          - Đại sư yên tâm. Vãn bốn vâng mệnh đại sư, sẽ tha chođạo sĩ này. Nhưng phải buộc hắn không được tiết lộ hành tung vãn bối.

          Chàng nhìn thẳng vào đôi mắt lờ dờ đục ngầu gân máu của y, gằn giọng:

          - Tên đạo sĩ ươn hèn kia, nếu muốn được Ngô lão gia tha chết, mi phải thề rằng, từ nay trở đi, không bao giờ tiết lộ cho bất cứ ai về hành tung của lão gia. Nếu không, lão huơ một nhát thôi, hồn mi sẽ tới quỷ môn quan ngay tức thời.

          Tên đạo sĩ nhếch mép cười gằn:

          - Hừm. Đến nước này thì Lý Trọng Cường này chẳng thiết sống nữa. Chớ hòng bức bách ta thề điều này, hứa điều nọ...

          Nói xong, hắn nhắm mắt chờ chết.

          Trước sự ngang ngạnh của Lý đạo sĩ, Sư Quang Phú bước nhẹ đến bên gốc cây ngồi bên cạnh gã đạo sĩ, mỉm cười hòa dịu cung kính nói:

          - Thưa Lý đạo trưởng, quả thật lão tăng không hề bức bách đạo trưởng đâu. Chỉ khẩn cầu rằng, sau khi rời khỏi chỗ này, chớ nên tiết lộ cho kẻ khác biết hành tung của Ngô tráng sĩ, xin đạo trưởng cảm thônglượng thứ...

          Lý Trọng Cường vô cùng cảm kích, sắc mặt trở nên hòa hoãn:

          - Tại hạ xin vâng mệnh đại sư. Dẫu cam chịu làm một bại tướng dưới tay Ngô Mao nhưng tại hạ không thể bán rẻ chí khí trượng phu của mình.

          Giơ bàn tay lên cao, đạo sĩ nói tiếp:

          - Lý Trọng Cường này thề rằng, tự hậu sẽ giữ kín tung tích của nhị vị, buổi ác đấu hôm nay xem như chưa hề có. Nếu sai lời, thiên tru địa diệt.

          Mười chín người quần áo xốc xếch dính bụi đỏ, bẽn lẽn cúi gầm mặt, vội nhặt nhạnh khí giới, lặng lẽ lên ngựa, ruỗi nhanh về phía Bắc.

         

          CÁCH HỘ THÂN CHẮC CHẮN NHẤT 

 

Ngô Mao cột thanh trường kiếm nơi yên ngựa, rồi ngồi xổm trên bãi cỏ nghỉ mệt. Vầng trán vốn đã nhăn nhúm ưu tư, giờ này lại hằn thêm chút sợ hãi về những ngày tháng bất trắc sắp tới, mà không thể dự liệu được.

Thiền sư Quang Phú đột ngột xuất hiện sau lưng, giọng dịu dàng:

          - A Di Đà Phật! Ngô tráng sĩ còn đeo thêm lưỡi gươm bên mình để làm gì?

          Chàng xoay mặt lại, đáp:

          - Thưa đại sư, vãn bối cần vũ khí để hộ thân, bởi lẽ khó tìm được chút yên ổn trên chuyến viễn hành gian nguy này...

          - Ngô tráng sĩ ăn vận theo lối nhà chùa, thoạt nhìn qua, ai cũng cho rằng đây là một vị tỳ kheo chân chính. Mà đã là một vị tỳ kheo thì không được sử dụng khí giới, bởi đó là Giới Luật!                        Ngô Mao cười nhạt:

          - Thế thì nhà sư Lỗ Trí Thâm của Lương Sơn Bạc ngày xưa, cũng sử dụng cây thiết trượng nặng sáu mươi cân, thì đã sao?

          Sư lắc đầu:

          - A Di Đà Phật! Lão tăng thiết nghĩ, Lỗ Trí Thâm là một tên cường đạo đội lốt thầy chùa. Còn chúng ta là người con Phật mặc áo ăn cơm của Tam Bảo, làm việc phụng sự tất cả chúng sinh. Khác xa nhau lắm chứ!

          Lại nữa, Lỗ Trí Thâm sẵn sàng cướp đoạt tài vật của bá tánh và quan nha, gây thống khổ cho nhiều người. Cho nên Lỗ Trí Thâm cần đến vũ khí để thực hiện tham vọng điên rồ của hắn, dưới chiêu bài "Thế Thiên Hành Đạo" Còn chúng ta thì sẵn sàng cải biến bản thân, thể hiện pháp lạc khiến hết thảy chúng sinh đều được an vui giải thoát. Vũ khí của chúng ta là sự tỉnh thức và lòng thương yêu vô hạn đối với muôn loài.

          Này tráng sĩ ạ, cách hộ thân bền bỉ nhất, chắc chắn nhất, là khơi dậy niềm yêu thương tận đáy lòng mình và thắp một ngọn lửa tỉnh thức trong từng hành vi của mình. Cần chi phải đeo theo lưỡi kiếm vô tri vô giác kia? Lão tăng từng lê gót vân du khắp nơi, nào Giang Nam, Tứ Xuyên, Quan Ngoại, Liêu Đông, mà chẳng hề mang theo một thứ vũ khí nào, ngoài sáu chữ mà đức Bổnban cho, đó là danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Nhờ kiên trì xưng niệm danh hiệu ấy, mà lão tăng được an lạc, sáng suốt, và tràn đầy thương yêu. Do vậy, nào có ai tìm đến lão tăng để gây sự hoặc chém giết, mà phải đeo theo binh khí?

          Ngô Mao gượng gạo cười:

          - Vâng, đại sư nói rất lọt tai. Vãn bối không thể không phụng mệnh đại sư được.

          Nói xong, chàng ném thanh trường kiếm xuống vực sâu với dáng điệu tiếc rẻ. Một tiếng « coong » từ đáy vực dội lên, nghe rõ ràng, sắc nét rồi im bặt.

          Ngô Mao sửa soạn yên cương, nói:

          - Mời đại sư lên xe, có lẽ đêm nay phải ngủ lại dọc đường thôi.

          - Chúng ta không kịp đến thị trấn Dương Bình, vì từ đây đến đó ít nhất ba trăm dặm, mà hai con ngựa này chịu không nổi!

          - Hơn nữa, hành tung của vãn bối bại lộ rồi, chuyến đi này thập phần nguy hiểm.

Sư rũ chiếc tăng bào dính đầy bụi đỏ, và phủi những hạt cát bám trên gò má, thong thả bước lên xe.

          - Trước đây chắc tráng sĩ chuốc oán gây thù nhiều lắm?

          - Vâng. Vãn bối bôn tẩu giang hồ, tranh danh đoạt lợi, bành trướng uy quyền, tất nhiên đụng độ các anh hùng hào kiệt võ lâm, hễ không giết họ, tức thì bị họ giết, thế thôi. Do đó vãn bối có khá nhiều kẻ thù.

          - Nếu không báo oán rửa hờn, thì chúng nó tầm nã tráng sĩ để làm gì chứ?

          - Đại sư là người tu hành, gác thân ngoài vòng thế sự, nên cứ ngỡ nhân gian toàn là những việc bình thường. Nói cho đúng, các môn phái, bang hội, phe nhóm hắc đạo, đều hậm hực vây bắt vãn bối... chỉ vì... chỉ vì vãn bối hiện nắm giữ một vài bí mật trọng yếu, mà ai ai cũng mong độc chiếm bí mật ấy cho kỳ được.

          - A Di Đà Phật. Lão tăng không để tâm đến những công việc riêng tư của tráng sĩ. Từ nay, có lão tăng kề cận bên mình, tráng sĩ không còn đơn cô, tịch mịch nữa. Nhưng lão tăng yêu cầu tráng sĩ chớ nên nhúng tay vào máu nữa, nhất là mình đang khoác trang phục của một vị tỳ kheo. Không được sát sinh, dù chỉ một lần...

          Ngô Mao đưa tay sửa lại chiếc mũ ở trên đầu cho ngay ngắn, luống cuống chắp tay:

          - Đa tạ lời chỉ giáo chân thành của đại sư. Vãn bối xin hứa, kể từ nay, quyết tâm không làm tổn hại cho bất cứ ai. Vãn bối là người võ lâm, xem lời hứa nặng hơn non Thái. Đại sư hài lòng chứ?

          Thiền sư mỉm cười hoan hỉ, nói:

          - A Di Đà Phật!

          Chiếc xe ngựa chầm chậm tiến tới. Ngô Mao phi ngựa bám theo sau.

          Trời đã về chiều.

 

KHÓ HƠN BẮT GẤU TRĂM NGÀN LẦN

 

          Màn đêm đổ sập xuống đã lâu, nhưng hai con tuấn mã vẫn nhẫn nại ruỗi vó trên con đường lởm chởm đá cuội. Trời mát. Bờm ngựa phất phơ. Gió tứ phía thổi về lồng lộng từng cơn, làm mồ hôi đóng quánh một lớp cứng mỏng trên bộ tăng bào lấm láp bụi đường dài.

          Ngô Mao chọn một bãi đất trống, cạnh lạch nước nhỏ, cho ngựa dừng lại.

          - Đại sư, chúng ta nghỉ qua đêm nơi bãi cỏ rộng rãi này.

          Thiền sư xuống xe, tháo dây cương cho ngựa mặc tình gặm cỏ non, bảo:

          - Quả là một chốn khá thích hợp cho kẻ lỡ độ đường, lại kề mương nước nữa, tha hồ cho ngựa ăn cỏ uống nước.

          Sư moi trong tay nải một gói nhỏ, trao cho Ngô Mao:

          - Cư sĩ hãy dùng tạm mấy miếng bánh khô, trưa mai ghé Dương Bình ắt phải thưởng thức cơm chay đặc sản của dân bản địa.

          Ngô Mao ngượng ngùng chìa tay ra:

          - Đại sư không đói bụng à? Sao lại nhường khẩu phần cho vãn bối?

          - Lão tăng già rồi, chẳng cần ăn uống chi nhiều. Hôm nay cư sĩ xuất lực, cần phải bồi bổ chút lương khô để chóng hồi phục.

          Ngô Mao dằn bụng xong, ra mương nước tắm rửa, giặt quần áo rồi máng trên nóc xe ngựa. Chàng ngồi xếp bằng trên bãi cỏ, vận khí điều tức.

          Trăng hạ tuần vừa nhô lên cao, với ánh sáng lưỡi liềm mờ nhạt, thì chàng đã chấm dứt vận khí, khoan khoái nằm ngả lưng trên nệm cỏ. Nhìn sang bên cạnh thấy thiền sư Quang Phú vẫn còn tĩnh tọa, với tư thế ngồi thật vững chãi, đầu và lưng rất thẳng, như cây cột trụ chống đỡ bầu trời khuya lặng. Chàng lắng nghe hơi thở nhè nhẹ, dài sâu, như sợi chỉ tơ, thầm thán phục công phu tu luyện của sư.

          Chờ thiền sư xuất định, chàng hỏi:

          - Đại sư có lẽ cũng hay tĩnh tọa, vận khí điều tức chẳng khác chi bọn võ lâm vãn bối, tại sao đại sư không có chút nội công nào?

          - A Di Đà Phật. Cư sĩ lầm rồi. Lão tăng chẳng hề rèn luyện nội công như cư sĩ. Thật ra lão tăng chỉ chuyên tâm tu tập thiền định!

          Chàng ngạc nhiên:

          - Nhưng... nhưng vãn bối thấy đại sư ngồi tư thế kiết già, cũng điều khiển hơi thở, cũng vận khí bắt đầu từ đơn điềnchấm dứt ở chót mũi. Vậy nếu không phải rèn luyện nội công, thì đại sư làm chuyện gì trong lúc tĩnh tọa?

          Sư có vẻ lúng túng:

          - À .. à, trong khi tĩnh tọa, lão tăng cũng sử dụng những hình thức như những người võ lâm. Nhưng lão tăng đang thực hành thiền định bằng những phương pháp của Đại Thừa. Nghĩa là... lão tăng và cư sĩ đều giống nhau ở hình thức tĩnh tọa, nhưng khác xa nhau ở chỗ phương phápmục tiêu.

          Ngô Mao vẫn thắc mắc, chưa hiểu, hỏi:

          - Xin đại sư vui lòng nói cho vãn bối thấu triệt sự dị biệt ấy?

          Thiền sư lặng im. Phân vân. Cố gắng vận dụng tâm trí, tìm cho ra một thứ ngôn ngữ nào đó thật dung dị, giản đơn, cụ thể, để trình bày cho một tên chẳng hề có một chút tri thức, đạo lý nào, suốt đời chỉ biết chém giết, giành giật quyền lực? Hơn nữa, làm sao giảng giải giáo lý cho một người trọn đời chẳng cần biết tâm linh là gì, như Ngô Mao?

Thiền sư chú mục nhìn vầng trán đầy nếp nhăn u uất của chàng hiện lờ mờ dưới ánh trăng, cười dịu dàng:

          - Như cư sĩ đã biết, phần đông các vị cao thủ võ lâm cũng thường ngồi tĩnh tọa, vận khí điều tức, để tích tập khí lực, một sức mạnh vô hình tiềm tàng trong cơ thể, và rèn luyện nội công, nghĩa là phát huy năng lực vô hình ấy. Phương pháp sử dụng có thể là những phương pháp của Tiên Gia, Đạo Gia, hoặc Du Già bên Tây Vực. Mục tiêu là tạo nên thần thông, sở hữu những năng lực siêu phàm để khắc chế địch thủ, gia tăng những hiệu quả chiêu thức võ công, hoặc để kiện khang trường thọ, cốt thỏa mãn tham vọng của mình, củng cố và bành trướng Ngã Chấp.

          Còn những người hành thiền như lão tăng chẳng hạn, cũng tĩnh tọa, vận khí điều tức, để khai phát vô số năng lực nhiệm mầu ở bên trong, để hàng phục cái Tâm của mình. Phương pháp được sử dụngThiền Định Đại Thừa. Mục tiêu chính là Thành Phật.

Nói cách khác cụ thể hơn, dễ hiểu hơn là: Thiền Định để giác  ngộ tâm linh, giải thoát rốt ráo, phát triển trí tuệtừ bi.

Tuy vậy, mục tiêu gần gũi nhất của Thiền Định là: giúp chúng ta điều khiển tinh thần của mình, tranh thủ phần chủ động trong mọi cảnh trạng của nhân sinh, của nếp sống thường nhật.

          Ngô Mao nhíu mày:

          - Thưa đại sư, có nhân vật nào mà không làm chủ được nhân sinh của mình? Ai nấy đều có đời sống riêng tư và tất cả mọi người đều chủ động các sinh hoạt, các hành vi của mình chứ?

          Thiền sư lắc đầu:

          - Cư sĩ cứ tưởng như thế thôi. Và tất cả chúng sinh đều lầm lẫn như vậy. Ngoại trừ các bậc Thánh, còn phần đông hết thảy chúng sinh luôn luôn bị bản năng chi phối, luôn luôn bị cuộc sống bên ngoài lôi cuốn liên miên bất tận, mà mình không hề hay biết.

          Nói cho đúng, cư sĩ ạ, cái Tâm của chúng sinh luôn luôn bị vật dục dẫn dắt, bị nếp sống ngoại cảnh cuốn lôi và khống chế không ngừng. Trước mọi cảnh trạng của nhân sinh, chúng ta thường phản ứng bằng thái độ si mê, cố chấp hoặc tham lam chiếm đoạt, hoặc giận dữ kích bác. Sau đó tiếp nối bằng những hành vi bạo lực, hoặc tranh đấu, hận thùái luyến, oán đối, ghét bỏ, hoặc lo lắng sầu muộn. Vì sao vậy?           

          Bởi vì năng lực tinh thần của chúng ta còn non yếu, tâm hồn chúng ta còn kém cỏi ươn hèn - không hơn lũ súc vật bao nhiêu. Càng sống, năng lực tự chủ của chúng ta bị tản mát, rã rời theo sự bành trướng của tham dục, não phiền. Dường như có rất ít người đủ uy lực để chế ngự tham dục, phiền não, tiến tới sự làm chủ cái Tâm của mình.

          Ngô Mao gật nhẹ:

          - Vãn bối hiểu ra rồi, té ra đại sư tu tập Thiền Định cốt tạo nên một uy lực siêu việt, để điều khiển thể xác lẫn tâm trí của mình, vận dụng năng lực bên trong để buộc nó phải làm việc theo ý hướng tốt đẹp, bắt nó tập trung năng lực theo ý chí của mình, phải vậy chứ?

          - A Di Đà Phật, quả có như vậy.

          - Nếu như vậy, thì công phu tĩnh tọa của đại sư xem ra chẳng khác sự rèn luyện bản lãnh nội công của vãn bối, hoặc của bọn hảo hán võ lâm gì hết...

          Sư lắc đầu:

          - Lão tăng đã trình bày rồi, hai thứ công phu ấy quả thật khác xa nhau một trời một vực, không thể lập lờ, nhầm lẫn với nhau.

          Ngô Mao mím môi trầm tư một chốc, rồi xuống giọng thành khẩn:

          - Vãn bối vẫn còn hoang mang, xin thỉnh giáo đại sư.

- Lão tăng xin lặp lại dông dài một lần nữa nhé, mong cư sĩ lóng tai nghe kỹ và ghi nhớ.

          Những người rèn luyện nội công và những người tu tập thiền định, trên hình thức có vẻ giống nhau. Thoạt tiên, nếu chỉ căn cứ vào cái lốt vỏ  sơ lược ở bên ngoài thì... chẳng khác chi kẻ mù lòa mà xem diễn tuồng. Bây giờ, Ngô cư sĩ cùng lão tăng thử phân tích phương phápmục tiêu của các loại công phu trên, để tiến tới một quan điểm nhất quán, minh bạch.

          Đương nhiên, các bậc cao thủ võ lâm hoặc các hành giả Du Già (Yoga) cũng tĩnh tọa công phurèn luyện tinh thần, thể xác nhưng mục tiêu chính yếu của họ là: luyện khí, luyện đan, luyện thần thông, rèn luyện tuyệt kỹ nội công, bằng những phương pháp tôi luyện và trau dồi cái Ngã với tham vọng duy nhất, là thủ đắc tất cả những gì thuộc về thế gian như: quyền lực, danh vọng, lợi dưỡng tài vật, địa vị chức tước, hoặc địa vị tông giáo, sự sùng tín mê muội của giáo chúng cuồng si... Nói chung, họ sử dụng công phu tĩnh tọa để tích tập và tăng trưởng các năng lực siêu hình, để chiếm hữu những gì có thể cất giữ trong bản thân, cốt thỏa mãn cái bản ngã si mê của họ, cốt thành tựu những khát vọng thầm kín và lòng tự kiêu sâu xa của họ.

          Còn những người tu tập thiền định, thì tạo ra những năng lực Tâm theo các pháp môn của Đại Thừa, với mục tiêu liễu thoát sinh tử, triệt hạ những vọng chấp về cái bản ngã tham sân si của mình - đồng thời, sử dụng năng lực Tâm với mục tiêu gần gũi và cao cả nhất, đó là Xả Ly Thế Gian.

          Ngô Mao chép miệng thở dài, ra dáng bực bội, nóng nảy:

          - Đại sư càng lúc càng thúc đẩy vãn bối đến chỗ rắc rối, nan giải. Hồi nãy, đại sư bảo rằng: tu tập thiền định cốt để thành Phật gì gì đó - bây giờ lại nói rằng, tu tập thiền định với mục tiêu duy nhấtbuông bỏ thế gian này. Khiến vãn bối càng thêm phân vân mờ mịt...

          - A Di Đà Phật! Cư sĩ hãy để yên cho lão tăng tuần tự giải bày. Thật ra, con đường thành Phậtcon đường xả ly thế gian, chỉ là một. Nói cách khác, không có con đường giải thoát, mà chỉ có con đường diệt tận phiền não - vì một khi phiền não rụng mất thì phơi bày con đường giải thoát. Hoặc là, không có con đường thành Phật mà chỉ có con đường xả ly thế gian vì một khi phủi bỏ được thế gian, thì đương nhiên hiển hiện con đường thành Phật.

          Cư sĩ hiểu chứ? Chớ nên chấp nhặt vào ngôn ngữ, phải cố gắng cảm nhận những ý tứ sâu xa ẩn tàng trong lời nói. Cổ nhân bảo rằng, “ý tại ngôn ngoại”, ấy mà!     

          Ngô Mao xoa tay, reo lên:

          - Ha ha, vãn bối hiểu rồi, điều ấy nghĩa như thế này: muốn giải thoát thì phải trừ diệt phiền não, muốn thành Phật thì phải xả ly thế gian, buông bỏ cuộc đời?

          Sư gật đầu:

          - Không sai!

          - Thưa đại sư, vãn bối xét thấy thế gian này quá tuyệt mỹ, hoàn hảo, vô cùng thú vị, đáng sống biết bao nhiêu... Tại sao lại xả ly, phủi bỏ nó như quăng một đôi giày rách? Lại nữa, nếu vứt bỏ thế gian này thì vãn bối biết tìm chui vào xó xỉnh nào để sống, để thở?

          Thiền sư cười giòn giã:

          - A Di Đà Phật, nếu Ngô cư sĩ hiểu rằng, xả ly thế gian tức là chối bỏ những sinh hoạt bình thường đang hiển hiện trước mắt mình, như vậy là ngộ nhận thái quá!

          Nếu cư sĩ cho rằng, phủi bỏ trần gian là quay lưng với những sự vật đương nhiên hiện hữu xung quanh mình - như vậy là chưa hiểu gì cả!

          Nếu cư sĩ nói rằng, buông bỏ trần gian có nghĩa là đoạn tuyệt với tất cả những mối liên hệ tất yếu giữa mình và kẻ khác, chối từ những niềm vui cái đẹp của càn khôn vũ trụ, như Bá Di, Thúc Tề lên Thú Dương Sơn ăn rau vi, uống nước suối - như vậy là chưa hiểu gì cả!          

- Thưa đại sư, thế mà lâu nay vãn bối cứ ngỡ rằng, xả ly thế gian có nghĩa là chán nản thế sự, mỏi mệt trước cuộc sống, yếu hèn trước những cạnh tranh sinh tồn - bèn trốn lên sơn lâm hoang dã làm bạn với hươu nai, lãng quên cuộc đời phiền toái, hoặc là cạo đầu lên chùa ẩn núp trong bóng từ bi của lão Phật!

          - A Di Đà Phật, đạo Phật không bao giờ chấp nhận một thái độ tiêu cực, ủy mị đến như vậy. Đạo Phật không phải là mớ giáo lý cạn cợt nông nổi rẻ tiền đến như vậy. Đạo Phật không phải là chỗ ẩn lánh của những kẻ thua cuộc chán đời. Đạo Phật không phải là nơi an dưỡng cho người lão suy, hèn yếu. Và Đức Phật không đến nỗi ngây ngô như đứa hài nhi mà có chủ trương bạc nhược khờ khạo như vậy.

Ngô Mao chợt nhíu cặp chân mày lại;

- Vậy thì, theo lão Phật, xả ly thế gian nghĩa là gì?

          - Xả ly thế gian, buông bỏ trần gian, có nghĩa là phá hủy những quan điểm sai lầm về thế gian, bẻ gãy tất cả những thấy biết mê muội và si chấp về cuộc nhân sinh này. Mà phải có một Tri Kiến đúng như thật, thấu triệt những tương quan tất yếu của những gì đang sinh sinh hóa hóa trước mắt mình, nhận thức đúng đắn về những tướng trạng và hành vi của bản thân.

Xả ly thế gian, buông bỏ trần gian, có nghĩa là chối bỏ những buộc ràng đắm đuối về thế gian, rũ bỏ những ảo tưởng ngu dốt về cuộc đời, mà phải có những thấy biết chân chính về mọi hiện tượng bên ngoài và bên trong ta.

          Xả ly thế gian, buông bỏ trần gian có nghĩa là từ chối thái độ thụ động của ta trước phiền não Tham Sân Si, triệt hạ những ý tưởng nhu nhược ươn hèn - mà sáng tạo một cách sống chủ động tỉnh thức, thành tựu cho mình một năng lực tâm linh để có thể trụ vững giữa mọi biến chuyển trần tục mà không đầu hàng, không bị dày xéo bởi khổ đau và phiền lụy. Trái lại, có thể sử dụng năng lực tỉnh thức của mình để hóa giải cuộc sống, để hoán chuyển kiếp sống khổ đau này thành cảnh giới an lạc, chơn thường. Phật dạy rằng, phải chuyển ta-bà thành Cực Lạc là có ý nghĩa như thế!

          Ngô Mao bật cười khanh khách, không dấu được vẻ khoái chí:

          - Đúng thật. Hay thật! Đức Phật quả nhiên lợi hại phi thường và bản lãnh cao thâm khôn lường! Ủa quên, xin đại sư thứ lỗi! Đức Phật đâu phải là một cao thủ võ lâm mà vãn bối phẩm bình như vậy! Ý vãn bối muốn nói rằng Đức Phật thật là... thật là thông tuệ phi thườngtri kiến siêu việt, thế gian hy hữu... khiến vãn bối nhất tâm nguyện ý bái phục! Bái phục!             

          Cười xong một tràng dài, Ngô Mao chợt bất thần suy nghĩ bâng quơ, rồi chìm giữa cơn ưu tư rất lâu. Cuối cùng, chàng thở dài:

          - Thưa đại sư, có lẽ đây là những lời tâm huyết nhất của vãn bối, trong khung cảnh tịch liêu giữa đêm khuya vắng.

          Đại sư à, mấy chục năm qua, vãn bối chẳng khác nào con tê ngưu, chỉ biết lao đầu, húc về phía trước, bất kể hậu quả bất chấp trở ngại, không cần suy tính hơn thiệt thành bại, bất phân phải trái tốt xấu, chẳng quản thiện ác nhân quả... Nhưng mấy ngày nay được sinh hoạt cận kề đại sư, được đại sư khai tâm điểm nhãn, vãn bối như được đại sư ban cho cái thấy biết chân chính, để khởi đầu quán sát rõ ràng sự si cuồng, ngốc dại của mình.

          Thiền sư tằng hắng, tiếp lời:

-A Di Đà Phật! Chẳng phải riêng gì Ngô cư sĩ, mà tất cả thiên hạ, ai nấy đều lừa phỉnh nhau, tự vuốt ve nhau, bằng những thứ ngôn từ giả trá trống rỗng, hoa mỹ, cùng nhau tạo nên một thế gian hỗn loạn, thấy cong nhìn ngược, sống mộng chết say. Nơi đó, oán kết được xem là tình ái, nhan sắc nữ nhân được coi là mỹ thuật. Nơi đó những tên gian manh lừa đảo được xem là chúa thánh minh quân, nơi những tên bịp bợm hiếu sát được xem là anh hùng cái thế.

Phải xả ly thế gian ấy, chớ nên tiếc hận.

          Nhân loại vẫn thường thủ chấp thế giới mong manh vô thường này, bằng những ảo tưởng, trang sức thế gian này bằng sự ngu dốt si mê của nhau. Phải khẩn cấp từ bỏ thế giới ấy, cư sĩ đồng ý chứ?

          - Thưa đại sư, một khi vãn bối đã nhận thức thế gian này là đau khổ, vô thường, ảo hóa, hư ngụy - thì vãn bối nguyện ý xả ly, quyết tâm buông bỏ, không chần chờ không thắc mắc do dự, không tiếc nuối một chút gì. Nhưng, làm thế nào để xả ly thế gian một cách hữu hiệu mà không làm tổn thương võ công và nội lực của mình? Chẳng lẽ, muốn buông bỏ trần gian thì phải từ biệt thê nhi, gia trạch, hương thôn, bản quán để lên rừng ẩn tu, hoặc cạo trụi cả râu tóc và xuất gia như đại sư chẳng hạn?

          Sư cười xòa:

          - A Di Đà Phật, lẽ đương nhiên cư sĩ không nên làm như vậy, vô dụng thôi!

          - Thế thì đại sư bảo vãn bối phải hành xử như thế nào đây?

          Thiền sư Quang Phú giơ ngón tay lên:

- A Di Đà Phật! Đại Thừa Phật Giáo dạy rõ như thế này: muốn xả ly thế gian, chỉ có một con đường duy nhất: Thiền Định.                 Muốn diệt tận tham sân si, chỉ duy nhất một phương thức: Thiền Định. Muốn giải thoát cạm bẫy Sanh Tử Luân Hồi cũng chỉ cần Thiền Định. Muốn thành tựu địa vị Phật Đà cũng chỉ phải Thiền ĐịnhNói tóm lại, tất cả những hành vi, lời nói, suy nghĩ của chúng ta đều phải đi qua cửa ngõ Thiền Định.

          Ngô Mao hỏi:

          - Trong thiên hạ cũng như trong võ học, có quá nhiều loại thiền định. Nhưng theo đại sư thì loại thiền định nào là khả thủ nhất, hiệu quả nhất?

          - Phải thực hành thiền định chân chính của đạo Phật mới chấm dứt sinh tử, giải thoát khổ đau, chuyển hóa tham sân si trở thành năng lực hạnh phúc an lạc và cuối cùng thành Phật. Nếu lầm lạc vào các loại thiền định ngoại đạo hoặc tiên gia, hoặc ham mê luyện khí lực, thần thông, bí thuật, bùa chú… rốt cuộc tăng trưởng Ngã Chấp, Vọng Kiến. Khi mà ngã chấpvọng kiến sâu dày hơn, lớn mạnh hơn thì phiền não dấy lên, si mê cố kết, tình ái thắt buộc, tạo ra khổ đau, bế tắc, làm sao giải thoát?

 

RÁNG TRỒNG CÂY RỒI SẼ ĐƯỢC TRÁI NGON

 

          - Lâu nay, chắc hẳn đại sư cũng tu tập thiền định chân chính của đạo Phật chứ?

          -A Di Đà Phật, đúng như vậy.

Đạo Phật chỉ bày vô số phương pháp hành thiền như: an trụ Tứ Niệm Xứ, tu tập Tứ Vô Lượng Tâm, thực hành Lục Diệu Pháp Môn, tham thoại đầu, tham công án... Nhưng trong các loại thiền định chân chính của đạo Phật, chỉ có Niệm Phậtthiền định an toàn nhất, dễ dàng nhất, rất phù hợp với mọi căn tánh của tất cả chúng sinh mà lại hiệu quả chắc chắn, mầu nhiệm vô cùng.

          - Té ra lâu nay mỗi khi tĩnh tọa, công phu, đại sư chỉ niệm Phật mà thôi?

          Sư gật đầu:

          - Chính thị. Sau khi sửa soạn tư thế ngồi cho thật vững chãi, lão tăng vận dụng hơi thở, rồi điều hòa hơi thở cho thân tâm an tịnh. Sau đó lão tăng trì niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật nương theo hơi thở ra vào, cho đến lúc chấm dứt thời khóa công phu theo lệ thường. Đây gọi là Tùy Tức Trì Danh.

          Thật ra, trong vô số pháp môn do đức Bổn Sư truyền dạy, pháp môn nào cũng lấy thiền định làm nòng cốt, làm nền tảng. Nếu khôngthiền định thì không thể nào gọi là Đạo Phật, hoặc nói cách khác, Đạo PhậtĐạo Thiền Định.

          Thiền định theo pháp Tứ Niệm Xứ thì liễu ngộ Sinh Tử, đắc đại trí tuệ, còn Niệm Phật thì chấm dứt Sinh Tử, đắc đại giải thoát.                    Nói vậy chứ thật ra hai loại thiền định ấy đềuđưa đến những hiệu quả như nhau. Một khi liễu ngộ vấn đề Sinh Tử thì đương nhiên chấm dứt được đầu mối của Tử Sinh - một khi đắc đại giải thoát thì đại trí tuệ sẽ hiện tiền. Dù sao, thiền định theo pháp Niệm Phật vẫn là một loại thiền định tối thắng nhất, siêu việt nhất, dễ thực hành nhất - và thành tựu giải thoát một cách chắc chắn, cởi bỏ ràng buộc một cách mau chóng, hiệu quả - trên thì hòa nhập với tâm chư Phật, dưới thì chiêu cảm niệm lực của hết thảy chúng sinh, giúp ta an trụ Chân Tâm một cách viên mãn, rốt ráo.

          - Nghe đại sư tán thán phép Niệm Phật một cách cả quyết, hùng hồn, khiến cho vãn bối bắt đầu hân ngưỡng đạo lý nhà Phật và cảm mộ pháp môn Niệm Phật nữa. Nhưng, niệm Phật không gián đoạn như đại sư tu trì bấy nay thì được lợi ích gì? Phỏng có tạo ra những nhu cầu sinh hoạt như y phục, thực phẩm cho đại sư hay chăng?

          Sư lại cười:

- Nếu chỉ bàn về lợi ích vật chất, thì Niệm Phật không thể tạo ra thực phẩm, y phục, tiền bạc... Niệm Phật không thể thay thế gạo cơm, tài vật, mà pháp Niệm Phật giúp ta có đủ định lực để an trụ giữa các cảnh ngộ thế gian, tạo cho mình sự  tỉnh giáchỷ lạc - nhờ vậy chúng ta sẽ vượt thắng tất cả trở ngại gian khổ của kiếp nhân sinh.

Cuối cùng, Niệm Phật khiến ta thành Phật...

          Ngô Mao lại đặt lưng xuống thảm cỏ, đưa mắt nhìn trời sao nhấp nhánh, lẩm bẩm:

          - Có lẽ vài mươi năm nữa, sau khi thỏa mãn giấc mộng tranh bá đồ vương, sau khi hưởng thụ sung mãn các thứ khoái lạc - lúc về già, lui khỏi chốn võ lâm mưa máu gió tanh, vãn bối sẽ hưởng thú điền viên và bắt chước đại sư cũng thiền định bằng pháp Niệm Phật. Còn giờ đây, vãn bối còn lưu luyến thế sự, bầu nhiệt huyết vẫn phương cương, thân thể hãy còn tráng kiện, nên vãn bối chưa cần phải chịu khó bẻ chân, ngồi kiết-già niệm Phật cần mẫn như đại sư được!

          Thiền sư khoác ống tay áo:

          - A Di Đà Phật! Ngô cư sĩ chớ quên rằng, đạo Phật không phải là toa thuốc an thần như Ninh Thần Hoàn cho kẻ rũ liệt gân cốt, không phải là viện an dưỡng cho người lão suy - và pháp môn Niệm Phật không phải là ca khúc êm dịu cho kẻ sật sờ ngái ngủ, không phải là bóng mát tạm thời cho kẻ ươn hèn biếng nhác, và cũng chẳng phải là niềm an ủi bâng quơ cho kẻ lỡ thời vận, bất đắc chí...

          Phải có tinh thần đại dũng, dám đối mặt với sinh tử, dám đương đầu với phiền não, liều lĩnh cắt đứt dây trói vô minh tham ái, mới có thể tu tập thiền định chân chính của đạo Phật. Và phải phát khởi bồ đề tâm siêu việt, phải thể hiện đại từ bi, đại trí tuệ như một kẻ bất khuất nhất, cương dũng nhất mới hội đủ khả năng để ngồi kiết già thẳng lưng mà... niệm Phật.

          Ngô Mao đột nhiên bật người nhỏm dậy:

          - Té ra là thế! Té ra niệm Phật cũng đòi hỏi nhiều dũng mãnh, liều lĩnh, quả cảm chẳng khác nào dấn bước lên thâm sơn để... bắt gấu! Ha ha.

          Sư cao giọng, nói:

          - A Di Đà Phật, muốn niệm Phật đến chỗ thành thục, hiển phát trí bi, tự tại giải thoát, chấm dứt sinh tử - đòi hỏi người tu phải lập chí nguyện quảng đại, tâm lực dũng cảm, không hề thoái bộ trước bất cứ trở ngại nào. Cho nên, thực hành pháp môn Niệm Phật còn khó hơn bắt gấu trăm ngàn lần...

          Nhưng nếu bền dai kiên trì niệm Phật thì sợ gì đường xa, cứ ráng trồng cây, rồi sẽ được hưởng trái ngon...

          Ngô Mao vừa ngáp dài, vừa nói:

          - Vâng... chính thị! Cứ ráng trồng cây rồi sẽ được trái ngon. Vâng, vãn bối cũng sẽ trồng cây...

 

* * *

 

Thiền sư nói:

          - Khuya rồi, mời cư sĩ an giấc, canh năm chúng ta khởi hành sớm.

          Ngô Mao cười gượng gạo:

          - Đại sư thứ lỗi, vãn bối cũng sắp buồn ngủ rồi.

          Thiền sư Quang Phú lặng lẽ kiết già tĩnh tọa trở lại, và tiếp tục niệm Phật. Âm thanh thì thào nho nhỏ vang động bầu trời khuya.

          Dường như người niệm Phật thì không bao giờ ngủ nhiều..

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2017(Xem: 4691)
Khi ngồi thiền, tâm còn bám víu cái gì, mình phải niệm phóng tâm, tức là dù đối tượng phóng tới là thiện hay bất thiện, tịnh hay bất tịnh, chánh hay tà đều phải buông. Đã buông thì chánh hay tà không còn kẹt vào. Buông tất cả chánh tà, mình không còn thấy cái gì gọi là chánh cái gì gọi là tà, chỉ có thực tại hiện tiền.
28 Tháng Hai 2017(Xem: 5096)
24 Tháng Hai 2017(Xem: 6684)
24 Tháng Hai 2017(Xem: 5821)
22 Tháng Hai 2017(Xem: 6517)
21 Tháng Hai 2017(Xem: 5586)