Nấc thang để bước lên...

14 Tháng Mười Hai 201714:30(Xem: 4937)

Bút ký:

NẤC THANG ĐỂ BƯỚC LÊN...
Nguyễn Xuân Chiến


 “Giới luật chính là nấc thang đưa mọi người trên con đường giải thoát”.

TRẢ LẠI XÂU CHUỖI

Xưa, nhà tôi nằm ngay đầu xóm giữa, nhà của Ông Nội Chú ở xóm thứ ba, cách nhau khoảng vài trăm thước. Tại sao gọi là Ông Nội Chú? Đơn giản đó là em ruột của Ông Nội chúng tôi. Hai anh em rất thân nhau, đến nỗi trong bữa ăn nếu gia đình có món gì ngon lành, cũng mang sang cho người kia dùng.

Tôi cứ thế mà lớn lên giữa khung cảnh bình dị, nên thơ của nông thôn của cái thời chưa thấm nhiễm bụi hè phố. Vườn thì toàn trồng bưởi, thanh trà, khế chua khế ngọt, ổi xá lỵ, vân vân… Tôi đi học về quẳng sách vở lao xuống dòng sông trước nhà để tắm, bơi đùa giỡn trên mặt nước. Ăn cơm trưa xong, đi lên nhà Ông Nội Chú để rảo quanh vườn, tìm kiếm trái cây nào thích ý mà nhai rau ráu đến no nê.

Rồi, một biến cố trọng đại xảy ra, một sự kiện đã biến đổi cuộc đời tôi và nhiều anh em khác nữa.

Năm ấy, tôi vừa mười chín tuổi, Chú Quang bắt đầu chuyên tu pháp môn Tịnh Độ và lập đạo tràng niệm Phật đầu tiên tại thành phố Huế.

Xin được nói rõ hơn một chút: Xứ Huế hoặc bất cứ xứ nào của Việt Nam, xưa nay các Phật tử đều hành trì theo cuốn sách Nghi Thức Tụng Niệm, chú trọng tụng kinh là chính để phục vụ các thời khóa cầu an, cầu siêu – chứ không phải theo một pháp môn nào nhất định. Hình như là để duy trì niềm tin vào Tam Bảo mà thôi, chứ không phải thực hành Tịnh Độ như mọi người nghĩ. Bữa nay, (1981) Chú Quang theo học pháp môn Tịnh Độ từ hai vị khai sáng đó là Ngài Thích Trí Tịnh và Ngài Thích Thiền Tâm từ Miền Nam, cho nên Chú muốn phổ biến một pháp tu chắc thật và đúng đường lối của đức Phật và chư tổ sư. Nếu là Tịnh Độ thì hành trì bằng cách niệm Phật ròng rặt chứ không có xen vào các công việc khác như tụng kinh, hay bái sám hoặc trì thần chú các loại vân vân. Đây gọi là tu hành chuyên nhất chứ không phải xen tạp.

 Tôi mặc dù còn trẻ măng, nhưng Chú Quang nồng nhiệt khuyến khích niệm Phật ròng rã, hoàn toàn chuyên nhất - vì đạo Phật cần những người trẻ để cho người ta biết rằng, thanh niên cũng có thể tu hành như các bậc tiền bối, và Chú Quang muốn khơi dậy một không khí mới lạ trong các đạo tràng hiện toàn là những người già suy mà thôi! Phần đông mọi người cứ cho rằng, ông già, bà lão mới cần tôn giáo như “núp bóng từ bi” hoặc quan niệm tu hành là để vớt vát – kiếm được chút gì thì tốt chút ấy, chứ không phải là thanh toán Sanh Tử, giải thoát luân hồi hoặc hoằng dương chánh pháp!

Tôi cùng các anh chị em chỉ vừa tuổi đôi mươi, nhưng vẫn tự nguyện gia nhập nhóm Chú Quang để hành trì như các bác lớn tuổi và mỗi chủ nhật khi tụng kinh Pháp Hoa ở chùa Từ Đàm xong, Chú Quang dẫn các anh em ghé khắp mọi chùa ở xa thành phố để xin phép lên chánh điện để niệm Phật. Thời buổi khó khăn nên lòng người thường hay nghi kỵsợ hãi lẫn nhau, cho nên chúng tôi theo thủ tục “cơm nước tự túc” để khỏi làm phiền nhà chùa. Chúng tôi niệm Phật và dùng cơm xong do chính mình bới theo, rồi nghỉ ngơi vài mươi phút và tiếp tục đi đến chùa khác.

Cách thức hành trì của Chú Quang là phải sắm cuốn sổ riêng, gọi là Sổ Công Cứ, sử dụng xâu chuỗi để niệm Phật. Cứ lần chuỗi hàng ngày sao cho đủ số đã định, thì ghi vào sổ công cứ một dấu chấm. Bao giờ cuốn sổ tràn đầy những dấu chấm, thì trình lên Chú Quang hoăc một vị tu sĩ nào đó để cầu chứng minh.

Nhiều người “chọc quê” rằng, nếu các anh ấn định niệm Phật mỗi ngày bao nhiêu danh hiệu, rồi ghi vào sổ công cứ - như vậy có vẻ trẻ con quá! Chúng tôi thành thật trả lời như ri: Vâng. Đúng như rứa, bởi vì trên đường tu khó nhọc và hiểm trở, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ rất cần cây gậy chống và cần bậc thầy nâng đỡ.

Dạo ấy, xâu chuỗi hột đâu dễ tìm, muốn có thì phải mua ở phòng kinh sách Từ Đàm, chứ xin thì khó quá, mà mua lại không có tiền vì mình còn là thanh thiếu niên trẻ tuổi, đâu làm chi ra tiền?

Tôi sực nhớ ra, ngày xưa Ông Nội Chú ăn chay niệm Phật như vậy có lẽ ông đã dùng xâu chuỗi. Tôi tức tốc đạp xe lên nhà.

Phật ơi! Xâu chuỗi đây rồi!

Xâu chuỗi vẫn ngang nhiên đậu trên bàn chuông mõ, mà nằm an lành trên quyển nghi thức nhật tụng nữa!

Nhà tranh vách đất, mưa xan gió tạt làm quyển kinh nhật tụng đã ngã màu vàng úa, rách rời. Nhưng, xâu chuỗi thì không hề hấn gì, vì được làm bằng nhựa đã được phủ màu bụi đất!

Bấy giờ, chẳng biết làm sao, không lẽ cứ bỏ vào túi rồi lặng lẽ ra về? Khó quá! Xin thì chắc gì người nhà đã cho. Ông chú tuy đã không màng đến, nhưng biết đâu ông ta xem như món đồ cổ.

Tôi đắn đo, tần ngần, thèm muốn.

Tôi trở về nhà mà lòng vẫn gởi trên bàn chuông mõ của Ông Nội Chú, suy nghĩ thâu đêm, suốt mấy ngày như rứa! Thôi đành “lấy trộm” là ăn chắc. Dù nhà trường và cả thầy giáo đều dạy rằng: “Được đi học thì đừng ăn cắp”. Thế mà, tuổi trẻ thường ngả theo những quyết định táo bạo, thường dẫm đạp lên trên những những lời dạy ấy. Vẫn biết sai lầm mặc dù biết rõ là tầm bậy, nhưng vẫn liều lĩnh không dừng lại được!

Hôm sau, tôi lại đến nhà Ông Nội Chú, đúng lúc Chú tôi (con trai của Ông Nội Chú) đã ra đồng, thím thì đi chợ, mấy thằng con lớn thì đi theo chú, đứa còn nhỏ thì đi học. Thật là một dịp may hiếm có! Tôi vừa run, vái lạy Đức Phật vừa đưa tay cầm xâu chuỗi bỏ vào túi, lật đật ra về, sợ có ai nhìn thấy thì… thậm chí nguy!

Ngày ngày trôi qua, không tăm hơi, không có động tĩnh gì. Tôi hoàn hồn, có lẽ cả nhà cũng không để ý gì về sự ra đi biền biệt của xâu chuỗi.

Ngày tháng trôi qua, tôi không còn nhớ rõ là bao lâu, đến nỗi quên luôn chuyện xâu chuỗi. Thỉnh thoảng, xâu chỗi hột từ đâu dưới đáy tâm thức, chợt ngoi lên: “Chà, bậy quá! Mình đã ăn trộm xâu chuỗi. Ăn cắp rõ ràng, không thể chối cãi được! Nhưng Ôn Nội Chú đâu có dùng? Mình là con cháu trong nhà, có quyền lấy về xài tạm! Khi mô Ôn đòi thì hẵng hay!”

Lâu lâu, tôi cũng thấy chú về thăm ba tôi, mặc dầu lớn tuổi hơn ba, nhưng chú rất nể trọng ba. Có khi chào hỏi chú xong, tôi mon men đến gần, xem thử hai người nói với nhau những gì. Thì ra, chú tôi nay đi chùa tụng kinh. Ba tôi khuyên chú nên “hạ thủ công phu” bằng cách niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Chú đã nghe theo lời ba tôi.

Tôi sực nhớ xâu chuỗi, nhiều năm rồi tôi không cầm đến. Tôi vội chạy đi tìm. Xâu chuỗi vẫn còn đây, có vẻ còn sáng đẹp hơn hồi trước còn ở nhà Ôn Nội Chú một chút.

Tôi mang xâu chuỗi đến nhà chú, cầm lên và nói:

- Ông ơi! Đây là xâu chuỗi hột của Ôn ngày xưa. Cháu đã lén lấy về, thiệt là rất có lỗi. Và nay chú niệm Phật thì cho con xin hoàn lại!

Đôi mắt chú bừng lên, hân hoan, rạng rỡ:

- Rứa hả? Lâu ni tui cũng quên đi mất!

Có lẽ đôi mắt của tôi cũng sáng bừng lên, cũng hân hoan kể mấy cho vừa, và cũng rạng rỡ như nghe tin thi đậu.

Như vậy, vật đã về chủ cũ. Thật may mắn làm sao. Thoát được ám ảnh phạm giới, khiến lòng tôi thanh thảnhạnh phúc khôn cùng!

          * * *

CƯ SĨ TRẺ CÓ CẦN GIỮ GIỚI KHÔNG?

          * * *   

          Từ đó, tôi mới biết, giữ giới sao cho hoàn hảo và đúng như lời đức Phật dạy, quả là thiên nan vạn nan!

          Nhiều việc mình tưởng là nhỏ và mình không quan tâm, nhưng ông Vương Dương Minh bảo rằng: “Đừng coi thường việc nhỏ, bởi vì lổ nhỏ nhưng có thể làm đắm thuyền!”. Huống chi, người tu theo đức Phật thì không có việc nào nhỏ cả, vấn đềchúng ta phải làm một người trung thực đúng nghĩa!

Kinh dạy:

Đừng khinh tội lỗi nhỏ, 
cho là không tai họa
giọt nước tuy là ít, 
chảy mãi đầy hồ lớn. 

Tội lỗi gây chốc lát, 
họa ở vô gián ngục
một khi mất thân người, 
muôn kiếp khó được lại. 

Sự khỏe đẹp không bền, 
qua mau như ngựa chạy; 
mạng người vốn vô thường
quá hơn nước núi đổ: 
hôm nay dẫu còn đó, 
ngày mai khó bảo tồn

          Nhờ vào việc niệm Phật chuyên cần, chúng tôi trở nên thức tỉnh hơn và tự tâm thường căn dặn chính mình: Phải giữ giới luôn luôn. Nếu lỡ vi phạm thì phải thường xuyên sám hối thật chí thành thống thiết….

          * * *

          GỈA VỜ QUÊN LỬNG

          * * *  

          Chị Hải, một người chị bên ngoại nhưng rất thân tình, tuy tuổi tác cách biệt nhau, nhưng có quá khứ chơi đùa tinh nghịch cùng nhau, chung một khung cảnh nhà quê, nên chúng tôi gắn bó nhau không phải vì liên hệ bà con mà thôi. Lớn lên chị lấy chồng cũng ở gần nhà tôi nên tình cảm càng trở nên sâu đậm hơn. Vào tuổi trung niên, chị xuất cảnh theo diện H.O của chồng và ba năm sau chị đã khoác bộ vó Việt kiều trở về. Dĩ nhiên là phải ghé thăm gia đình tôi.

          Lúc chị sang nhà để thăm viếng thì cả nhà xúm xít hỏi han lung tung. Chị vừa trả lời những câu hỏi của các anh chị em gia đình tôi, vừa tíu tít tặng quà cho người này người nọ, khiến tôi xem như bị ra rìa. Đành thui thủi ngồi ở góc nhà, uống trà một mình và ngắm cảnh tượng sum vầy của gia tộc đông người! Mạ tôi hỏi:

          - Này, con Hải răng đi lâu quá, kể ra hơn ba bốn năm mới chịu về làng thăm viếng bà con lối xóm. Tau tưởng hắn biệt tích luôn chứ?

          Chị Hải vừa bày đồ đạc la liệt đầy bàn, vừa phân trần:

          - Mợ cứ noái như rứa e tội nghiệp con. Qua bên đó, hai vợ chồng đi làm đầu tắt mặt tối, đến nỗi không có thời gian để ăn uống cho đàng hoàng nữa, mần răng nghĩ được điều chi!

          Uả, thằng Long mô rồi?

          Tôi lật đật giong tay lên cao:

          - Có mặt. Em là thằng Long đây nè!

          - May không thôi chút nữa chị quên. À, em có quen thằng Hối, con trai ông “Phương Lọ Nồi” không?

          - Có. Hắn là bạn nối khố của em. Mà chuyện chi rứa?

          - Thằng Hối có gởi tặng em một trăm đô. Này, chị đưa liền kẻo nhiều việc rồi quên.

          Tôi chìa tay ra nhận một tờ giấy bạc mới toanh:

          - Cảm ơn chị!

Chị Hải vừa trao tiền cho tôi vừa quay sang mạ, nói:

- Con tặng mợ xấp vải ni. Bằng lụa Thượng Hải, để mùa hè mợ mặc cho mát.

Tôi thấy mọi người đang bận rộn, bèn vội vã chuồn êm. Bữa khác gặp riêng chị có lẽ chuyện trò vui vẻ hơn.

Chuyện như rứa tưởng là đã xong. Tôi có được tiền đóng học phí và mua các tài liệu học tập, khỏi phải xin mạ cho rầy rà. Nhưng ba ngày sau, nhà chị Hải có giỗ mẹ chồng, dù mình không ưa mấy việc tụ tập đông đúc mất nhiều thì giờ, nhưng tôi bắt buộc phải tham dự. Vừa bước vào ngay cửa, bỗng chị Hải lù lù xuất hiện, nắm ngay tay áo tôi và hô lớn:

- Kìa! Thằng Long vừa tới đây nì. Hôm trước tau đi Bolsa gặp một người đàn ông đen thùi lùi, bạn của Anh Vĩ chồng chị, tên là Phương Lọ Nồi. Nói chuyện một hồi mới biết con ổng là bạn thân của em. Ông Phương nói qua đây cực lắm, cho nên thằng Hối quên cả bạn bè ở Việt Nam. Nhân tiện, tau noái sắp về thăm làng xóm, thằng Hối mới gởi cho em trăm đô. Nì, cầm tiền mau lên để chị còn lo nhiều công việc…

Tôi nói: “Chị đã đưa số tiền đó cho em rồi mà!” nhưng khi ấy mọi người ăn nói cười cợt rầm trời nên chị không có nghe gì hết. Chị vội nhét tờ giấy bạc trăm đô vào tay tôi, rồi bỏ đi.

Bản tính tham lam nổi dậy, tôi thầm nhủ: Thôi, mặc kê. Chính chị đưa cho mình mà. Mình cứ cất đây, tha hồ mà tiêu xài cho sướng. Dại chi mà trả lại? Việt kiều chắc có nhiều tiền lắm. Chị không biết mô mà sợ.

Rứa là bỗng nhiên có được một số tiền quá lớn đối với một sinh viên nghèo như mình!

* * *

          Mọi chuyện rồi qua đi như con nước trong hay đục đều tuôn về biển cả. Tất cả rơm rác hoặc vật gì quý hiếm đều trộn lẫn trong dòng phù sa màu vàng nguệc rồi chảy ra đại dương. Đại dương thì vẫn muôn đời thinh lặng, nhưng, lại nhưng, lòng ta thì mãi mãi ồn náo như bị thủy triều vùi dập, và bị cuộn sóng đẩy lên liên miên.

          Tôi không quên được tờ bạc ấy.

          Thỉnh thoảng tờ bạc trăm đô như từ vũng sâu tâm thức chợt ngoi lên, khiến tâm hồn như bị sóng cuốn trào, và dòng nước đẩy lên cao ngút ngàn. Tôi loay hoay ban ngày. Tôi thẫn thờ ban đêm. Lòng không yên nên trí tuệ ngu ngơ, đờ đẫn.

Chị Hải thong dong trở lại Mỹ, nhưng tôi còn nằm yên trong tù ngục của sự ăn năn. Chỉ vì không giữ giới và thiếu thức tỉnh, cho nên lòng tham điều động con người mình, đánh mất cả những gì tu học bấy nay. Làm răng bây chừ?

* * *

TÌM GẶP THIỆN TRÍ THỨC

* * *

GẦN NỬA THÁNG TRĂN TRỞ, tôi như đánh vật cùng tờ giấy bạc ấy, sau rốt, tôi quyết định gặp Chú Quang để giãi bàycầu xin một cách giải quyết cho tâm hồn an tịnh, cho đường hành trì chẳng còn vướng bận gì. Nói là làm. Buổi sáng nọ, không còn biết bầu trời xanh hay trắng, tôi đạp xe qua chùa Phú Lâu. Cửa chính khép kín, đành phải vào chùa bằng cánh cửa hông, gặp Chú Quang đang sửa soạn đi đâu, chiếc túi đựng áo tràng đeo ở ghi-đông xe đạp.

- A di đà Phật! Anh Long đi đâu giờ này? Có việc chi không?

- Thưa chú, con có chút việc cần gặp để…

Chú Quang nói nhanh:

- Tôi sáng ni bận họp trên chùa Từ Đàm nhân dịp Lễ Phật Đản sắp tới. Anh có thể trình bày trong mười lăm phút.

- Hay là… con đi cùng với chú, vừa đi vừa nói chuyện có lẽ tiện hơn?

- Cũng được!

Vậy là tôi vừa đạp xe vừa nói chuyện với Chú Quang. Thời buổi cả nước còn nghèo, trên đường toàn là xe đạp và khách bộ hành, cho nên chúng tôi chẳng ngại cản trở giao thông gì cả.

Tôi kể lể vắn tắt đầu đuôi và khẩn cầu:

- Con nên làm chi bây giờ, thưa chú?

- A di đà Phật. Chuyện như rứa thôi à?

- Vâng. Nhưng con không biết làm chi cho đúng!

Chú Quang cười vui:

- Trước hết, anh Long này. Anh hãy kiếm vài chục bạc, rồi ra bưu điện gọi điện thoại cho chị Hải. Nhớ nói cho gọn kẻo tốn tiền. Sinh viên như anh mà không biết phải ăn nói với bà chị thân tình ra sao? – tôi khỏi cần chỉ bày cho anh. Để làm chi? Để xóa tan mọi ám ảnh của mình đã trót phạm giới và cầu mong chị Hải tha thứ, bỏ qua.

Nói về việc giữ giới thì anh xem như đã cố ý phạm giới thứ hai trong Ngũ Giới.

Anh nên sám hối vì đã phạm giớiVật mà người ta không cho, dù cây kim, cọng lá, sợi chỉ… cũng không được lấy. Huống chi anh đã cố ý “cầm nhầm” một số tiền khá lớn. Số tiền đó tôi có thể ăn uống hơn ba bốn tháng chứ không phải ít đâu!

Những người cư sĩ trẻ như anh chẳng hạn, thường ít quan tâm giữ giới. Tu hành mà chỉ lo đọc tụng các bộ kinh cao, không bao giờ đặt nặng phải nên giữ giới như thế nào? Họ cho rằng, kẻ mà cứ lo giữ giới thì bị ràng buộc và không làm nên việc chi được. Họ đâu biết rằng: Giữ giới là dùng tất cả năng lực bên trong để biến những hành vi của mình trở thành đức hạnh của một vị Phật.

Giữ giới còn làm cho tham sân si không có cơ hội phát triển. Ngoài việc tham thiền, hoặc tụng kinh niệm Phật, phần nhiều  thời gian, chúng ta sống theo bản năng tự nhiên, mà Giữ giớisử dụng ý thức để làm giảm thiểu bản năng tự nhiên ấy. Bản năng tự nhiên là tên gọi khác của tham, sân, si, mạn, nghi, và ác kiếnchúng nó luôn luôn mai phục đêm ngày, chỉ chờ dịp thích hợp là dấy khởi mãnh liệt, hung hãn.   

Nói cách khác,  Giới có thể hiểu là: Năng lực kiềm chếngăn ngừa điều sai trái, chặn đứng việc xấu ác, gia tăng những hành động thiện lành khiến cho cuộc sống của người trì giới được giải thoát ra khỏi vô minh phiền não.  Hễ giữ được giới nào thì giải thoát được giới đó. Cho nên càng giữ được nhiều giới bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Như vậy tu tập Giới là nâng cao phẩm chất, hoàn thiện tư cách của chính con người mình. Đó chính là đạo đức, cái làm nên giá trị con người(GIỚI LUẬT THEO TINH THẦN PHẬT GIÁOThích Nữ Hằng Như)

tu hành là chi, nếu chúng ta không thành Phật trong mỗi phút, mỗi giây?

Giữ giới, chính là sức mạnh vô biên của Phật giáo. Người ta thường sa đà trong việc hành thiện, cúng dường, đọc tụng kinh điển mà quên rằng, tu hành chân chính là trước nhất phải giữ giới. Ngày nào chúng ta còn lưu tâm giữ vững các cấm giới – thì ngày ấy Phật Pháp mới tồn tại.

Chúng ta đã biết, trong kinh Di Giáođức Phật đã từng khẳng định:

“Giới là bậc Đạo sư của các tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, cận sự namcận sự nữ. Nếu Ta có ở đời, cũng không khác gì giới vậy”.

Vai trò của giới luật trong đạo Phật rất quan trọng và là nền tảng của các pháp lành, nên người Phật tử cần phải hiểu rõ tầm quan trọng này để khỏi phải sai phạm.

Vì thế, ngũ giới là nền tảng căn bản đem lại hạnh phúc cho con người, xây dựng con người sống đúng ý nghĩa văn minh của nhân loại. Ngũ giới là cơ bản đạo đức của người Phật tử, khi bắt đầu bước chân trên con đường giác ngộgiải thoát. Thiếu căn bản đạo đức này, dù chúng ta có tụng những cuốn kinh cao siêu như Kim Cương, Hoa Nghiêm vân vân, mà chúng ta không thể giữ năm giới căn bản của người Phật tử, thì… kém lợi lạccông đức bị sút kém rất nhiều.   

Người bình thường nghĩ rằng giữ giới là bị trói buộc, cứng nhắc và mất tự do, thoải mái. Đâu biết rằng: Giới Luật chính là nấc thang để chúng ta bước lên con đường niết bàn – tức là hạnh phúc thực sự!

Con người là đối tượng của đạo Phật, cho nên đức Phật chế bao nhiêu luật, bao nhiêu pháp môn, đều vì con người mà lập bày. Đem lại sự an vui hạnh phúc cho con người, là mục tiêu chánh yếu của đạo Phật.

Song quan niệm đạo Phật, không phải được nhiều của cải, nhiều tình yêu v.v… là con ngườihạnh phúc. Hạnh phúc là người sống biết tiết chế, biết tôn trọng hạnh phúc của mọi người, biết thành thật thương mến nhau. Một dân tộc văn minh là biết tôn trọng sanh mạng của nhau, tôn trọng những quyền tự do căn bản của con người.

Câu nói đáng ghi nhớ của cuốn Tại gia Bồ-tát giới:

“Giới luật chính là nấc thang đưa mọi người trên con đường giải thoát”.

* * *

THÊM VÀI Ý TƯỞNG VỀ GIỚI

* * *  

Đưa Chú Quang lên thấu chùa Từ Đàm, đứng dưới cội bồ-đề rợp mát, tôi muốn nghe nữa, nhưng chú bảo:

- Thôi! Vậy là vừa đủ cho anh. Chú bận họp, hôm khác chú sẽ nói nhiều về đề tài Giữ Giới cho các anh chị em cùng thảo luận để tiến bộ trên con đường đầy khó khăn mà thú vị này!

Tôi quày xe lại và trở về. Biển đã lặng và trời đã trong. Phố phường không có mưa mà như thấm ngọt. Chợt thấy rằng, giữ giới là niềm hạnh phúc vô cùng!

Sau khi gọi điện cho chị Hải và lạy ba bộ Lương Hoàng Sám, tôi lục lọi tất cả sách kinh về Giới Luật để tự mình học và nghiên cứu thêm. Thú thiệt, theo đạo Phật đã lâu mà mình quên khuấy chuyện giữ giới!  

Sau đây, là những bài kinh ngắn, có thể quý bạn đã từng nghe qua, nay xin đọc lại:

Giới: Tiếng Phạn Sila, theo nghĩa, dịch là giới. Giới [theo nghĩa hẹp] là những điều cấm chế, có công năng làm cho hành giả đề phòng, chế ngự thân, tâm, không cho phạm vào lỗi lầm (Hán: phòng phi chỉ ác). Giới là tiêu chuẩn quy định đệ tử Phật hành động thế nào là đúng pháp, hành động như thế nào là không đúng pháp.

Giới còn có nghĩa là "mát mẻ (Hán: thanh lương)". Ba nghiệp (thân, khẩu, ý) giống như cơn lửa phiền não đốt cháy hành giả, còn giới thì có thể dập tắt cơn lửa phiền não, làm cho hành giả mát mẻ, cho nên gọi là "thanh lương".

Giới là bậc thang cho tất cả pháp lành, trong đó có bốn giai tầng là ngũ giới, bát giới, thập giới, và cụ túc giới. Phật tử nếu muốn từ địa vị phàm phu vượt lên thánh vị, phải theo thứ tự này mà tiến bước. (Đây là nói theo Tiểu thừa, còn theo Đại thừa, giới pháp Bồ tát bao quát cả bốn giai tầng này.) 

Giới có công năng giúp cho hành giả ngăn chận pháp ác, đoạn trừ tất cả tập khí ác, diệt tận phiền não loạn tưởng, chứng đắc Niết bàn. Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: "Được gọi là giới, bởi vì nó có thể giúp hành giả diệt trừ các việc ác. Giới có thể giúp hành giả viên thành đạo quả, làm cho mọi người hoan hỷ. Giới, gọi là anh lạc trang nghiêm, vì làm cho hành giả hiện tướng trang nghiêm. Giới cấm của chư Phật, như bình Cát tường, tất cả nguyện cầu đều được toại ý; tất cả đạo phẩm đều do giới mà thành tựu. Như vậy, này các tỳ kheo! Kẻ nào tuân hành giới cấm, thì kẻ đó sẽ được đại quả báo, các điều lành sẽ đến. Kẻ đó được vị cam lộ, đến quả vị "vô vi", sẽ được thần thông, diệt trừ loạn tưởng, chứng đắc "sa môn quả", sẽ được Niết bàn." (Tại gia Bồ-tát giới. Trí Quang dịch)

* * *

THÀ CHẾT NHƯNG QUYẾT KHÔNG PHẠM GIỚI

* * *

Một thời, đức Phật ở nước Xá Vệ, tại tịnh xá Kỳ Hoàn, thuyết pháp cho chư Thiên nghe. Lúc bấy giờ, ở nước La Duyệt Kỳ có hai vị tân Tỳ kheo muốn yết kiến đức Phật.

Giữa hai nước ấy có một khoảng đồng rộng, không có người ở, lại gặp thời hạn nên suối hồ đều khô cạn. Hai người đi ngang qua bị khát nước, chỉ gặp được vũng nước nhỏ song thấy toàn loài trùng, không thể uống được. Hai người mới bàn nhau: “Chúng ta từ xa lại cốt trông mong chiêm ngưỡng đức Phật, không ngờ ngày nay bị chết khát giữa đường”.

Một người nói: “Thôi, ta hãy tạm uống cho khỏi chết, có vậy mới gặp được Phật. Vả lại, ta uống cũng không ai biết cả”.

Người kia đáp: “Giới luật mà đức Phật chế, ngăn cấm không được uống nước có trùng, chính là lấy nhân từ làm gốc. Nếu giết hại chúng sinh để tự sống thì dầu thấy Phật cũng không ích gì. Thà rằng giữ giới chịu chết, chớ không phạm giới mà sống”.

Người đầu tiên theo ý riêng mình uống nước cho hết khát và đi đến chỗ Phật ở. Người thứ hai không chịu uống nên phải chết vì khát nhưng lại được sinh vào cõi trời Đao Lợi. Nhờ suy nghĩ nên tự biết ở kiếp trước giữ giới không phạm nên được sinh Thiên, thật là do lòng tin mạnh nên phước báu chẳng xa vậy. Nghĩ đoạn, bèn đem hương hoa đến lễ Phật và đứng hầu một bên. Còn người uống nước phải cực khổ trải qua nhiều ngày mới đến chỗ Phật ở. Thấy đấng chí tôn oai nghiêm, người kia liền cúi đầu đảnh lễ khóc lóc bạch rằng: “Con còn có người bạn cũng muốn đến yết kiến Phật, chẳng may giữa đường bị mệnh chung, dám mong đức Thế Tôn biết cho”.

Đức Phật trả lời: “Ta đã rõ rồi”, bèn lấy tay chỉ vị tiên nhân đứng kế bên mà nói: “Tiên nhân này chính là bạn của ngươi đó, người này vì giữ trọn  giới luật nên được sinh lên cõi trời và được gặp ta trước ngươi”.

Bấy giờ, Thế Tôn chỉ vào người kia và bảo: “Ngươi tuy thấy ta mà không giữ  giới luật của ta, thời tuy ngươi thấy ta mà ta không thấy ngươi. Người kia tuy cách xa ta ngàn dặm nhưng vẫn giữ được giới luật, thời người ấy đứng trước mặt ta” .

* * *

NĂM GIỚI CĂN BẢN

* * *

1) Không sát sanh: Không xâm phạm đến sinh mạng người khác, ngược lại là tôn trọngsinh mệnh của người khác.

2) Không trộm cắp: Không xâm phạm đến của cải của người khác, theo đó phải tôn trọng của cải của người khác.

3) Không tà hạnh: Không xâm phạm đến danh tiết của người khác, theo đó phải tôn trọng thân thể của người khác.

4) Không nói dối: Sẽ không xâm phạm đến danh dự người khác.

5) Không uống rượu: Không xâm phạm đến lý trí của chính mình, tôn trọng sức khoẻ của mình, từ đó không xâm phạm đến người khác.

NHỮNG LÝ DO

ĐỂ ĐỨC PHẬT CHẾ ĐỊNH CÁC GIỚI

a) Giới thứ nhất: bất dâm

Na-đề-tử là một đệ tử xuất gia của đức Phậtxuất thân từ một gia đình giầu có. Năm đó bị hạn hán mất mùadân tình đói kém, Tăng chúng phải phân tán nhau đi các vùng chung quanh khất thựcTình cờ, Na-đề-tử đi ngang quê mình, vào nhà khất thực. Mẹ của ông gặp lại con mừng rỡ, khóc lóc, van xin ông ở lại, đừng xuất gia nữa. Ông khăng khăng từ chối. Cuối cùng, bà mẹ van xin ông để lại cho bà một đứa cháu để nối nghiệp gia đình và lo hương khói tổ tiên. Vì thương mẹ, cho nên Na-đề-tử chấp thuận ái ân một lát với người vợ cũ, rồi từ giã ra về với chúng Tỳ-kheo.

Tưởng là chuyện đã xong, nhưng từ đó Na-đề-tử ăn nănhối hận, ăn ngủ không yên, thân hình tiều tụy. Thấy vậy, các vị Tỳ-kheo khác hỏi lý do tại sao, Na-đề-tử kể chuyện đó cho họ hay. Họ đem chuyện bạch lên đức Phật, ngài liền quở trách và chế ra từ đó giới thứ nhất là bất dâm, tức là hàng xuất gia không được có quan hệ tình dục, ngay cả với vợ chồng cũ của mình. Đối với người cư sĩ, thì không được tà dâm, tức là có quan hệ tình dục bất hợp pháp.

b) Giới thứ hai: bất đạo

Tỳ-kheo Đàn-ni-ca nguyên là con nhà thợ gốm, làm một căn chòi tranh trên núi để ở. Có người đi lượm củi thấy chòi vắng nên dỡ đi, lấy củi về nấu bếp. Khi về thấy chòi bị dỡ đi, ông bèn xây lên một căn chòi bằng đất nung, kiên cố mầu đỏ chói. Phật thấy vậy bảo ông nên phá bỏ đi, ông trù trừ nên đức Phật sai các Tỳ-kheo khác phá bỏ căn chòi đó. Ông liền đi tới khu rừng của vua Bình-sa (Bimsara) và nói với người kiểm lâm rằng: " Vua Bình-sa có hứa cho tôi dùng cây để làm cốc tu ", rồi vác rìu đốn cây xả cành lá lung tung. Quan triều đình đi qua thấy vậy hỏi người kiểm lâm, và chất vấn Đàn-ni-ca về tội đốn cây quí của Vua mà không xin phép. Câu chuyện rắc rối này đến tai Phật, cho nên ngài chế ra giới thứ hai là " bất dữ nhi thủ " (người ta không cho thì không lấy), hay là bất đạo (không được trộm cắp).

c) Giới thứ ba: bất sát

Lúc bấy giờ có một số Tỳ-kheo ở tại vườn bên sông Bà-cừu, tu theo quán bất tịnh để dứt lòng ái dục. Khi quán thấy thân thể mình nhơ nhớp, hôi hám không chịu nổi, chứa đầy phân tiểu, vi trùng lúc nhúc lại càng nhàm chán hơn, nên mới tìm cách hủy diệt thân mình. Họ xin "Nếu có ai giúp đỡ chúng tôi giải thoát khỏi kiếp sống này thì được phước lớn ".

Có một Tỳ-kheo tên Vật-lực-già-nan-đề, là sa môn mới xuất gia, nghe vậy liền rút dao ra đâm chém, càng giết càng hăng say, cho là mình độ giúp bao nhiêu đồng môn được giải thoát. Sau mùa an cư, các Tỳ-kheo thường về vấn an đức Phật, nhưng năm ấy ngài thấy sao mà về thưa thớt quá. Ngài phái các Tỳ-kheo đi nghe ngóng, thì tới nơi nghe thiên hạ đồn rầm lên là mấy ông thầy tu không biết làm sao mà giết nhau nằm la liệt, hôi thối không chịu nổi. Các Tỳ-kheo về bạch Phật, thì Phật nói: "Ta dạy chánh pháp, mà họ hành tà pháp".

Từ đó, ngài chế ra giới bất sát (không được giết hại), và dạy các đệ tử thay quán bất tịnh bằng quán sổ tức, để đừng đâm ra chán đời mà hủy hoại thân thể.

d) Giới thứ tư: bất vọng ngữ

Năm đó bị hạn hán mất mùa, lương thực không có bao nhiêu. Tại một thôn nọ, có một nhóm Tỳ-kheo bàn bạc với nhau và tìm ra một cách để được cúng dường hậu hĩnh. Một người tự nhận là mình đã chứng A-la-hán, đạt được nhiều thần thông siêu đẳng, và những người kia phụ họa là đúng như vậy, nếu cúng cho vị ấy thì sẽ được công đức vô lượngThiên hạ đua nhau cúng dường, và cả nhóm ăn uống dư giả. Sau mùa an cư, các Tỳ-kheo về hầu Phật, ai nấy đều xanh xao hốc hác, duy có nhóm ở thôn nọ thì hồng hào béo tốt. Phật hỏi:

"Các Tỳ-kheo khất thực ra sao?".

Họ trả lời: "Dễ lắm, thưa Thế Tôn".

"Ủa! Sao mấy Tỳ-kheo kia nói là khó lắm cơ mà!"

Bí quá, họ đành phải thú thực là đã nói dối và đánh lừa các thí chủĐức Phật khiển trách họ và chế ra giới bất vọng ngữ (không được nói dối).

***

NHỮNG GIỚI RẤT NGỘ NGHĨNH

***

Như vậy, cứ mỗi khi hữu sự, tức là có xẩy ra một chuyện gì rắc rối, gây xáo trộn trong đời sống Tăng đoàn, thì ngài lại chế ra một giới. Có nhiều giới rất ngộ nghĩnh, chẳng hạn như:

1- Một hôm, có một vị khách tăng tới thăm một Tỳ-kheo, không gõ cửa trước mà đẩy mạnh cửa đi vàoChẳng may có một con rắn trên xà nhà rớt xuống vai ông, ông hoảng quá kêu réo um sùm, làm náo động tất cả mọi ngườiCâu chuyện được bạch lên Phật, Phật liền đặt ra luật trước khi vào phòng người khác phải xin phép.

2- Một Tỳ-kheo đi khất thực, cứ xăm xăm đi vào nhà người ta, bỗng nhiên thấy một người phụ nữ lõa thể nằm trên giường. Ông hoảng quá, cắm đầu chạy ra, không may đụng phải ông chồng đang về nhà. Ông chồng thấy bà vợ lõa thể và ông sư đang chạy trốn thì sinh nghi, đánh cho vị Tỳ-kheo một trận nhừ tử. Đức Phật từ đó chế ra giới đi khất thực đâu thì phải biết đường biết hướng, không phải chỗ nào cũng vào, và phải đi từ hai người trở lên.

3- Cũng lại một Tỳ-kheo đi khất thực, vào nhà gặp một người phụ nữ. Cô này tính lả lơi, thấy vị sư trẻ đẹp trai, muốn quyến rũ cho bằng được. Cô nói là nếu không chịu thì cô sẽ tự quào cho rách mặt. Vị Tỳ-kheo khiếp quá, vùng bỏ chạy. Không may cũng lại gặp ông chồng đang về nhà. Ông chồng thấy cô vợ mặt mày rướm máu, lại thỏ thẻ:

"Vị sư này định làm chuyện phi pháp (quấy rối tình dục), em không chịu nên ông ấy quào vào mặt em".

Nhìn lại thì thấy vị Tỳ-kheo có móng tay dài, nên ông chồng không còn ngờ vực gì nữa, đánh cho vị Tỳ-kheo một trận nhừ tử. Đức Phật biết chuyện này, liền chế ra giới không được để móng tay dài.

4- Có những giới đặt ra còn ngộ nghĩnh hơn nữa: chẳng hạn như khi ngồi trong chúng tăng, không được đằng hắng to tiếng; đi vệ sinh, không được thở mạnh quá...

5- Và có những giới không quan trọng, nhưng lại có thể gây nên những hiềm khíchxáo trộn trong đời sống tăng đoàn. Chẳng hạn như câu chuyện sau đây ở Kosambi, thuật lại trong Kinh

Hôm đó, có một vị Thượng tọa Pháp sư (chuyên về dạy Pháp) đi tắm, tắm xong quên đổ nước thừa trong chậu. Vị Thượng tọa Luật sư (chuyên về dạy Luật) tắm sau, thấy vậy liền trách: "Tại sao tắm xong thầy lại không đổ nước thừa đi? Như vậy là phạm tội Đột-kiết-la". Thượng tọa Pháp sư trả lời: "Vâng, tôi quả là vô ý, xin thành thật sám hối". 

Câu chuyện tưởng đã xong, nhưng Thượng tọa Luật sư lại kể lại với đệ tử của mình, rồi cứ thế đồn ầm cả lên, đệ tử của Thượng tọa Pháp sư liền mách lại cho thầy của mình. Ông này cũng cảm thấy khó chịu, mình đã xin lỗi ông Luật sư này mà ông ấy còn làm khó dễ, thật là quá quắt.

Thế rồi lời qua tiếng lại, tịnh xá chia ra làm hai phe chửi bới nhau dữ dộiĐức Phật đi xa về thấy vậy bèn lấy lời khuyên bảo, nhưng không ai chịu ai, họ còn nói: "Thế Tôn cứ lo việc của ngài, chúng con lo việc của chúng con". Can ngăn mãi không được, đức Phật đành ôm bình bát lên núi để nghỉ dưỡng.

Tại đó, có một con voi già và một con khỉ già, bị đàn voi và đàn khỉ trẻ quậy quá, nên cũng lên ẩn trên núi. Vì chung một cảnh ngộ, nên cả ba rất hợp với nhauHằng ngày, voi đi lấy nước, khỉ lấy trái cây về cúng Phật. Cho nên trong tranh chuyện Phật giáo thường có hình ảnh voi và khỉ cúng Phật cũng là để ghi lại chuyện đó. Tại tịnh xá, hàng cư sĩ đến hầu Phật không thấy ngài đâu liền hỏi lý do. Các Tỳ-kheo trả lời ầm ừ qua loa, cho nên các cư sĩ tẩy chay, cấm vận lương thực. Cuối cùng, bí quá họ cũng phải nói rõ sự thật và tỏ ra rất ân hận.

Sau khi đã nhận lỗi và giảng hòa với nhau, họ cùng nhau đi thỉnh Phật trở về.

Trích: (§1). (THÍCH THIỆN SIÊU,  Cương yếu Giới Luật), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nhà Xuất bản TP HCM, 1996 )

Nam mô A di đà Phật.
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật…

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Tám 2018(Xem: 4748)
14 Tháng Tư 2018(Xem: 4480)
28 Tháng Hai 2018(Xem: 5889)
27 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 4941)
10 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 4952)
30 Tháng Mười Một 2017(Xem: 4888)
09 Tháng Mười Một 2017(Xem: 5059)