Trang 02

08 Tháng Mười Hai 201100:00(Xem: 5127)


CAO TĂNG DỊ TRUYỆN

(Truyện Kể Các Vị Cao Tăng Trung Quốc)
Hạnh Huệ biên soạn - Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh 2001


27. PHÓ ĐẠI SĨ

Phó Đại Sĩ, tên Hấp tự là Huyền Phong hiệu là Thiện Huệ, người Nghĩa Ô. Niên hiệu Kiến Vũ thứ tư (497) đời Tề, Ngài sanh ngày 8 tháng 5 ở làng Song Lâm, trong nhà Phó Tuyên Từ. Năm mười sáu tuổi lấy con gái họ Lưu tên Diệu Quang, sanh được hai con trai là Phổ Kiến, Phổ Thành. Năm 24 tuổi, theo dòng sông bắt cá đem đến ao Kê Đình, dìm giỏ vào nước nói:

- Đi thì thả, ở thì bắt.

Người ta bảo là ngu. Một hôm có Tung Đầu Đà người Thiên Trúc đến thăm Ngài, bảo rằng:

- Xưa tôi với ông ở trước Phật Tỳ Bà Thi cùng phát thệ nguyện độ sanh. Nay ở cung Đâu Suất vẫn còn y bát. Ngày nào sẽ trở lại?

Rồi dẫn đến suối nhìn bóng, thấy bảo cái tròn sáng. Đại sĩ liền ngộ được nhân duyên đời trước cười to nói:

- Lò rèn còn nhiều sắt, thô. Cửa thầy thuốc đầy bệnh nhân, việc độ sanh gấp gáp, đâu rãnh mà nghĩ đến cái vui thú ở thiên cung.

Rồi Ngài bỏ đồ bắt cá, dẫn nhau về nhà, nhân đó Ngài hỏi đất để tu đạo. Tung Đầu Đà chỉ rừng Song Lâm núi Tùng nói:

- Nên ở nơi này!

Ngài bèn kết am tự xưng là “Bồ tát Thiện Huệ tương lai sẽ giải thoát, ở dưới cây Song Lâm”, ở đó cày cấy, trồng rau quả như người tầm thường. Khi thu hoạch lúa má, dưa trái, Ngài lấy giỏ đựng đem bán. Ngài cùng với vợ là Diệu Quang, ngày thì làm lụng, tối về hành đạo.

Ngài ở Sơn Lâm bảy năm, một hôm hành đạo xong, cảm được bảy Phật theo đến. Phật thích Ca đi trước, sau cùng là Duy Ma. Chỉ có đức Thích Ca mấy lần nhìn, bảo với Ngài:

- Ta bổ xứ cho ông đấy!

Lại có một hôm thấy ba vị Phật Thích Ca, Kim Túc, Định Quang phóng hào quang chiếu thân mình. Ngài tự bảo đắc định Thủ Lăng Nghiêm.

Vì thế đệ tử càng đông thêm. Niên iệu Trung Đại Thông sanh năm thứ hai (530) Ngài sai đệ tử là Phó Vãng đến kinh đô dâng thư cho Lương Vũ Đế rằng:

“Đại sĩ Thiện Huệ, người tương lai giải thoát, ở dưới rừng cây Song Lâm tâu với Quốc vương:

Bồ tát cứu thế có ba điều thiện bậc thượng, trung, hạ phải nên nhận giữ:

1. Điều thiện bậc thượng: Lấy hư hoại làm gốc, chẳng vướng mắc làm tông, vô tướng làm nhân, Niết Bàn làm quả.

2. Điều thiện bậc trung: Lấy trị thân làm gốc, trị nước làm tông, được quả báo an lạc trên trời, trong loài người.

3. Điều thiện bậc hạ: Lấy việc bảo vệ nuôi nấng chúng sanh, thắng tàn bạo, bỏ giết hại, khiến dân chúng đều giữ lục trai.

Nay mộ lòng sùng pháp của Hoàng đế, muốn đến tranh luận nghị mà chưa được mãn nguyện, nên sai đệ tử đến để cáo bạch”. 

Vua rất vui, sai Hà Xương viết chiếu đến, đón Ngài về triều. Vũ Đế hỏi:

- Xưa nay ai là thầy của Ngài?

Đáp:

- Theo không chỗ theo, đến không chỗ đến, thờ thầy cũng thế.

Lại hỏi:

- Sao không luận nghĩa?

Đáp:

- Lời Bồ tát chẳng dài, chẳng ngắn, chẳng rộng, chẳng hẹp, chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên, như như chính lý, còn nói gì nữa?

Niên hiệu Đại Đồng năm thứ hai (536), lại vào kinh đô. Vũ Đế mời vào hỏi:

- Thế nào là chân đế?

Đáp:

- Dứt mà chẳng diệt.

Vua nói:

- Dứt mà chẳng diệt tức là có sắc, có sắc nên trì độn. Như thế cư sĩ chưa khỏi được dòng tục. 

Ngài đáp:

- Gặp tiền tài không cẩu thả để được, gặp khó không cẩu thả để tránh.

Vua nói:

- Cư sĩ rất biết lễ.

Ngài nói:

- Tất cả các pháp không có cũng không không, những sắc tượng trong đại thiên thế giới, tất cả đều không, trăm sông trôi chảy không ra khỏi biển. Vô lượng diệu pháp không ra khỏi chơn như. Như lai vì sao một mình vượt hẳn chín mươi sáu đường trong ba cõi? Xem tất cả chúng sinh như con đẻ. Thiên hạ không phải đạo thì Ngài chẳng an, không phải lễ thì Ngài chẳng vui?

Vua làm thinh. Ngày khác, Vũ Đế thỉnh Ngài giảng kinh Kim Cang. Đại sĩ vừa lên tòa, lấy thước đập xuống bàn một cái rồi bước xuống. Vua ngạc nhiên, Đại sĩ hỏi:

- Bệ hạ hiểu không?

Đáp:

- Không hiểu.

Đại sĩ nói:

- Đại sĩ giảng kinh xong rồi!

Một hôm, Ngài đang giảng kinh thì vua đến, mọi người đều đứng dậy. Đại sĩ ngồi yên chẳng động. Họ bảo Ngài:

- Vua đến đây rồi, sao không đứng dậy?

Đại sĩ nói:

- Đất pháp nếu động, tất cả chẳng yên.

Ngài trở lại Song Lâm, viết bài minh “Tâm Vương”:

Quán tâm không vương 
 Quán tâm không vương

Kỳ diệu khó lường.
 Nguyên diệu nan trắc.

Không hình không tướng
 Vô hình vô tướng

Có thần lực lớn 
 Hữu đại thần lực

Hay diệt ngàn tai 
 Năng diệt thiên tai

Thành tựu muôn đức 
 Thành tựu vạn đức

Thể tánh tuy không 
 Thể tánh tuy không

Hay bày phép tắc
 Năng thí pháp tắc

Xem chẳng thấy hình 
 Quán chi vô hình

Hô thì có tiếng 
 Hô chi hữu thanh

Làm đại pháp tướng
 Vi đại pháp tướng

Tâm giới truyền kinh
 Tâm giới truyền kinh

Vị muối trong nước
 Thủy trung cổ vị

Keo xanh trong màu
 Sắc lý giao thanh

Quyết định là có 
 Quyết định thị hữu

Chẳng thấy được hình
 Bất kiến kỳ hình

Tâm vương cũng vậy
 Tâm vương diệc nhĩ

Nằm ở trong thân
 Thân nội cư đình

Ra vào trên mặt
 Diện môn xuất nhập

Ứng vật tùy hình
 Ứng vật tùy hình

Tự tại vô ngại.
 Tự tại vô ngại

Việc làm đều thành.
 Sở tác giai thành.

Rõ gốc, biết tâm
 Liễu bổn thức tâm

Biết tâm thấy Phật
 Thức tâm kiến Phật.

Tâm này là Phật.
 Thị tâm thị Phật.

Phật này là tâm
 Thị Phật thị tâm.

Niệm niệm Phật tâm
 Niệm niệm Phật tâm

Phật tâm niệm Phật 
 Phật tâm niệm Phật 

Muốn được sớm thành 
 Dục đắc tảo thành

Răn tâm tự luật 
 Giới tâm tự luật

Tịnh luật, tịnh tâm
 Tịnh luật tịnh tâm

Tâm tức là Phật
 Tâm tức thị Phật 

Trừ tâm vương này
 Trừ thử tâm vương

Không có Phật khác
 .Cách vô biệt Phật.

Muốn cầu thành Phật
 Dục cầu thành Phật 

Chớ nhiễm vật gì
 Mạc nhiễm nhất vật

Tâm tánh tuy không,
 Tâm tánh tuy không,

Tham sân thể thực
 Tham sân thể thực.

Vào pháp môn này
 Nhập thử pháp môn

Ngồi ngay thành Phật.
 Đoan tọa thành Phật.

Đến bờ kia rồi 
 Đáo bĩ ngạn dĩ

Được Ba la mật
 Đắc Ba la mật

Chân sĩ mộ đạo
 Mộ đạo chân sĩ

Tự xét tâm mình 
 Tự quán tự tâm

Biết Phật ở trong
 Tri Phật tại nội

Không hướng ngoài tìm.
 Bất hướng ngoại tầm.

Tức tâm tức Phật
 Tức tâm tức Phật.

Tức Phật tức tâm
 Tức Phật tức tâm,

Tâm sáng, biết Phật 
 Tâm minh thức Phật 

Rõ ràng biết tâm
 Liễu liễu thức tâm.

Lìa tâm không Phật 
 Ly tâm phi Phật 

Lìa Phật không tâm
 Ly Phật phi tâm

Chẳng Phật khó lường
 Phi Phật mạc trắc

Không kham nhận nổi.
 Vô sở kham nhậm.

Chấp không kẹt tịch
 Chấp không trệ tịch

Ở đó trôi chìm
 Ư thử phiêu trầm

Chư Phật Bồ tát 
 Chư Phật Bồ tát 

Chẳng an tâm (như) vậy.
 Phi thử an tâm.

Đại sĩ sáng tâm
 Minh tâm đại sĩ

Ngộ nguyên âm này
 Ngộ thử nguyên âm

Thân tâm tánh diệu 
 Thân tâm tánh diệu

Dùng không sửa đổi
 Dụng vô canh cải

Thế nên bậc trí
 Thị cố trí giả

Buông tâm tự tại
 Phóng tâm tự tại

Chớ bảo tâm vương
 Mạc ngôn tâm vương

Không, không thể tánh
 Không vô thể tánh

Hay khiến sắc thân 
 Năng sử sắc thân

Làm tà làm chánh
 Tác tà tác chánh

Chẳng có, chẳng không
 Phi hữu phi vô,

Ẩn hiện không định
 Ẩn hiện bất định

Tâm tánh lìa không
 Tâm tánh ly không

Thánh phàm thành Thánh
 Năng phàm năng Thánh

Thế nên khuyên nhau
 Thị cố tương khuyến

Khéo nên cẩn thận
 Hảo tự phòng thận.

Sát na tạo tác
 Sát na tạo tác

Lại bị trôi chìm
 Hoàn phục phiêu trầm

Thanh tịnh trâm trí
 Thanh tịnh tâm trí

Như thể vàng ròng
 Như thể hoàng kim.

Kho pháp Bát Nhã 
 Bát Nhã pháp tạng

Đều ở thân tâm 
 Tịnh tại thân tâm

Pháp báu vô vi
 Vô vi pháp bảo

Không cạn không sâu.
 Phi thiển phi thâm.

Như Phật Bồ tát 
 Như Phật Bồ tát 

Rõ bổn tâm này 
 Liễu thử bổn tâm

Người ngộ có duyên
 Hữu duyên ngộ giả

Chẳng có ba đời
 Phi khứ lai kim.
 

Lại có kệ rằng:

Đêm đêm ôm Phật ngủ

Sáng sáng cùng thức dậy

Đứng ngồi vẫn theo nhau

Nói nín chung ăn ở

Mảy may không cách biệt

Giống hệt hình với bóng

Muốn biết chỗ Phật đi

Chính ngay tiếng nói này.

(Dạ dạ bão Phật miên

Triêu triêu hoàn cộng khởi

Khởi tọa trấn tương tùy

Ngữ mặc đồng cư chỉ

Ti hào bất tương ly

Như thân ảnh tương tợ

Dục thức Phật khứ xứ

Kỳ giá ngữ thanh thị).

Lại nói:

Có vật trước trời đất

Không hình vốn tịch tiêu

Hay làm chủ muôn vật

Chẳng theo bốn mùa tàn.

(Hữu vật tiên thiên địa

Vô hình bổn tịch liêu

Năng vi vạn tượng chủ

Bất trục tứ thời điêu).

Ngài ở niên hiệu Đại Đồng nhà Lương năm thứ mười (544), thiết lập đại pháp hội, khắp vì chúng sanh, sám hối diệt mọi tội khổ, chóng được giải thoát.

Ngài lại cho mục lục kinh kinh Phật quá nhiều, người ta chẳng thể xem khắp, bèn dựng Luân tạng, lập nguyện rằng:

- Người lên tạng môn của ta, đời đời kiếp kiếp, không mất thân người, người phát tâm Bồ đề có thể đẩy Luân Tạng cùng người trì tụng kinh, công đức không khác.

Ngài ở Song Lâm làm Phật sự rộng lớn, thường có kệ:

Tay không nắm cán mai

Đi bộ lưng trâu ngồi

Trên cầu người cất bước

Cầu trôi nước chẳng trôi.

(Không thủ bả xừ đầu

Bộ hành kỵ thủy ngưu

Nhơn tùng kiều thượng quá

Kiều lưu thủy bất lưu).

Nhà Trần niên hiệu Thái Kiến năm đầu (569), có pháp sư Huệ Hòa, chẳng bệnh mà tịch. Tung Đầu Đà cũng ở chùa Linh Nham, Kha Sơn nhập diệt. Đại sĩ thầm biết bảo Phổ Kiền, Phổ Thành rằng:

- Tung Công đang đợi ta ở cung trời Đâu Suất, không thể ở lại nữa.

Khi ấy, bốn phía, cây vừa đơm hoa đẹp đẽ chợt khô héo. Ngày 24 tháng 4, Ngài dạy chúng rằng:

- Thân này là nơi mọi khổ nhóm họp, rất đáng chán ghét. Phải tu tam nghiệp, tịnh tu lục độ, nếu đọa địa ngục, thật khó ra được, thường nên sám hối.

Lại nói:

- Ta diệt rồi, không được dời giường ngủ, bảy ngày sẽ có thượng nhân Pháp Mãnh đem tượng và chuông đến trấn ở đây.

Đệ tử hỏi:

- Sau khi quy tịch, thân thể nên làm sao?

Ngài bảo:

- Đem lên đỉnh núi thiêu.

Hỏi:

- Nếu không được thì sao?

Đáp:

- Không cần liệm vào quan tài, chỉ lấy gạch tường làm đàn tế, dời xác lên trên, bình phong màu đỏ che chung quanh, trên dựng tháp phù đồ, lầy tượng Di Lặc trấn vào.

Lại hỏi:

- Chư Phật diệt độ đều thuyết công đức, gốc gác của Thầy, chúng con có thể nghe được chăng?

Đáp:

- Ta từ trời Đệ Tứ Thiền đến, để độ các ông. Kế phụ giúp đức Thích Ca, và giúp Phổ Mẫn (Văn Thù), Huệ Tập (Quan Âm) Hà Xương (A Nan) cùng đến tán trợ, điều này trong Thích Ca Đại Phẩm có nói: “Có Bồ tát từ trời Đâu Suất đến, căn tánh mãnh lợi, chóng cùng Bát Nhã tương ưng” chính là thân ta đó.

Nói xong, ngồi kiết già mà thị tịch, thọ 73 tuổi. Đến bảy ngày sau có thượng nhân Pháp Mãnh quả nhiên đem lụa dệt tượng Di Lặc và chuông chín lỗ đến trấn ở khám. Chốc lát không thấy nữa.

Nhà Tấn niên hiệu Thiên Phước năm thứ chín (944) *. Tiền Vương mở tháp, lấy mười sáu miếng linh cốt toàn màu vàng tía và đạo cụ hơn mười món, đến Phủ Thành – Long Sơn dựng chùa Long Hoa, đắp tượng đặt thờ. Truyền thuyết nói rằng Ngài là Di Lặc hóa thân.

* Tấn Cao Tổ niên hiệu Thiên Phước từ 936-942 

Tấn Xuất Đế niên hiệu Thiên Phước từ 942-944 
 
 

28. LƯƠNG VŨ ĐẾ

Lương Vũ Đế, tên Tiêu Diễn, hình dung kỳ vĩ, vầng trán chữ nhật, mặt rồng, cổ có ánh sáng tròn, thân sáng như ánh trời chiều. Nhà ở thường có hơi mây. Thuở nhỏ hiếu học, từ thi thơ cho đến âm dương bói toán, chiêm đoán, bốc phệ; viết chữ thảo, chữ lệ trên tờ bồi (xích độc); cung tên, cưỡi ngựa, săn bắn thảy đều rành rẽ. Tuy lên địa vị to lớn, tay vẫn không rời quyển sách. Về già thờ phụng Phật đạo. Ngày chỉ ăn một bữa, nếu không có đại hội, yến tiệc, tế tự Tông Miếu thì không cử nhạc. Khi hành quyết tử tù thì rơi nước mắt. Chăm lo chính sự, mùa Đông qua nửa đêm vẫn cầm bút xem xét công việc, tay bị nứt nẻ; tánh ngay thẳng, ở trong nhà tối cũng mặc áo mão; tháng nóng chưa hề vén áo, cởi trần, tuy thấy bầy tôi thấp hèn cũng như gặp khách quan trọng. Niên hiệu Thái Thanh năm thứ ba (549); Hầu Cảnh vây hãm Thành Đài; đem năm trăm quân mặc giáp tự vệ, mang kiếm lên trên điện. Vua thần sắc vẫn không thay đổi, bảo Hầu Cảnh đến giường của bậc Tam Công ngồi, rồi bảo:

- Khanh ở trong binh lính lâu ngày không mệt nhọc sao?

Cảnh sợ hãi không đáp được, lui ra bảo tả hữu rằng:

- Ta mỗi lần lên ngựa ra trận, tên đá bời bời, không hề hãi sợ. Nay thấy Tiêu Công khiến người khiếp sợ. Há chẳng phải oai trời khó phạm. Ta chẳng gặp ông ta nữa.

Sau Lương Vũ Đế nằm giường bệnh, ngày đêm niệm Phật luôn miệng. Dần dần chẳng thể đưa thức ăn, lâu ngày miệng đắng đòi mật, giơ tay nói:

- Hà, hà.

Rồi băng ở Điện Tịnh Cư, thọ 86 tuổi.
 
 

29. THỰC XOA NAN ĐỀ (SIKSÀNANDA)

 (GIÁC HỈ)

 Dịch kinh Đại Hoa Nhiêm

Ban đầu Vũ hậu (Võ Tắc Thiên) nghe nước Vu Điền có Đại kinh Hoa Nghiêm bằng tiếng Phạn, bèn sai sứ đến thỉnh, và mời một học giả rành tiếng Phạn cùng về.

Quốc vương Vu Điền đưa Thực Xoa Nan Đề đến theo lệnh của Vũ Hậu. Tháng 3 năm Ất Mùi (695); mời vào chùa “Đại Biến Không” phiên dịch.
 
 

30. PHÁP TẠNG

Pháp Tạng họ Khương người nước Khương Cư. Ban đầu Đỗ Thuận truyền bản dịch Hoa Nghiêm Pháp Giới Quán đời Tấn cho Trí Nghiễm. Pháp Tạng hầu hạ Trí Nghiễm rất lâu, được truyền hết yếu chỉ kinh này. Nghiễm tịch. Pháp Tạng làm cư sĩ thuyết pháp. Vũ Hậu độ cho làm tăng. Năm Ất Mùi xuống chiếu mời Pháp Tạng khai thị tông chỉ Hoa Nghiêm. Mới nêu đề tựa kinh, hào quang trắng từ miệng Ngài lóe ra. Chốc lát biến thành một cái lọng dừng ở trên không. 

Vũ Hậu rất vui ban cho Ngài hiệu là Hiền Thủ. Vũ Hậu vời Pháp Tạng đến chùa Phật Thọ Ký giảng kinh Tân Hoa Nghiêm, đại địa chấn động cả thời mới dừng. Ngay ngày ấy, mời đến điện Trường Sanh hỏi về Đế Võng mười lớp huyền môn.

Pháp Tạng tuyên thuyết có đầu mối, huyền chỉ thông suốt. Vũ Hậu nghe xong kinh dị. Pháp Tạng chỉ con sư tử vàng ở góc điện để làm thí dụ cho rõ ràng, đến chỗ sư tử trên đầu một sợi lông có trăm ức sư tử, Vũ Hậu hoát nhiên liễu ngộ.
 
 

31. ĐẠO THỌ

Đệ tử của Thần Tú, sau khi đắc pháp kết am tranh trên núi Tam Phong ở Thọ Châu. Thường có người rừng ăn mặc giản dị, nói năng lạ lùng, có lúc chợt hóa làm Phật, hoặc cách hình Bồ tát, La Hán, Thiên Tiên ... hoặc phóng hào quang, hoặc tạo âm vang, học đồ đều không lường được. Sau mười năm, lặng lẽ chẳng còn chút bóng dáng.

Đạo Thọ bảo chúng rằng:

- Người rừng làm đủ trò khéo léo, mê hoặc mọi người. Lão nhân chả thèm thấy, chẳng thèm nghe. Cái khéo léo ấy có cùng, còn cái chẳng thấy chẳng nghe của ta vô tận.
 
 

32. HUỆ AN

Huệ An họ Vệ ở Kinh Châu, xuất gia thọ đại giới, hành hạnh đầu đà. Đời Đường niên hiệu Trinh Quán (627) đến Hoàng mai, yết kiến Hoằng Nhẫn được tâm yếu. Lân Đức nguyên niên (664) ẩn cư ở Thạch Bích Chung Nam.

Ở Thạch Bích, vua Cao Tông xuống chiếu rước, Ngài không đi, rồi dạo khắp các danh thắng. Đến Tung Nhạc, Ngài nói:

Đây là đất cuối cùng của ta.

Hai vị tăng Thản Nhiên và Hoài Nhượng đến tham vấn hỏi:

- Thế nào là ý Tổ Sư từ Tây sang?

- Sao chẳng hỏi ý của chính mình?

- Thế nào là ý của chính mình?

- Nên quán mật tác dụng.

- Thế nào là quán mật tác dụng?

- Ngài nhắm mắt mở mắt để dạy.

Năm Ất Mùi, có chiếu rước Ngài và Thần Tú đến kinh đô, tôn làm Quốc sư. Vũ Hậu thường hỏi:

- Ngài bao nhiêu tuổi?

- Chẳng nhớ thân sanh tử xoay vần, vần xoay không đầu đuôi khởi diệt, huống thức tâm lưu chú không có gián đoạn. Cái thấy như bọt nước khởi diệt tức là vọng tưởng. Từ lúc ban đầu đến lúc tướng động diệt cũng chỉ như thế, có năm tháng nào để nhớ?

Sau Ngài giã từ cung cấm trở về Tung Nhạc, một hôm chợt bảo môn nhân rằng:

- Ta chết hãy đem thây vào rừng, đợi lửa rừng đốt.

Đến ngày 8 tháng 7 đóng cửa ngồi yên mà tịch, thọ 128 tuổi. Môn nhân đem thây vào rừng. Quả nhiên có rửa lừng tự thiêu cháy, được xá lợi tám mươi viên, năm viên rất lớn màu hồng tím, sáng chói mắt.
 
 

33. ĐẠI SƯ PHÁP THUẬN

Họ Đỗ, đời truyền là hóa thân Văn Thù. Sanh ở Ủng Châu. Người bệnh đến trước tòa của Sư liền được lành. Người điếc, Sư kêu tai liền thông; người câm, Sư nói chuyện liền nói được. Người điên khùng, Sư ngồi thiền trước họ, họ liền bái tạ rồi đi.

Đường Thái Tông gọi Sư bảo:

- Trẫm nóng nảy, khổ nhọc, nhờ thần lực của Sư làm sao trị được?

- Chỉ cần ban lệnh đại xá, thì thánh thể tự an.

Vua theo lời, bệnh liền khỏi. Nhân đây ban cho Ngài hiệu Đế Tâm. Thường vời vào cung cấm, hoằng truyền ý chỉ viên đốn của Hoa Nghiêm, tạo Pháp Giới Quán. Thiên hạ đều tôn sùng. Thường có kệ pháp thân:

Trâu Gia Châu ăn lúa

Ngựa Ích Châu no bụng.

(Gia Châu ngư khiết hòa

Ích châu mã phúc trường). 

Thiên hạ kiếm thầy thuốc

Châm cứu trên vai trái heo.

(Thiên hạ mích y nhân

Cứu trư tả bác thượng).
 
 

 34. HÒA THƯỢNG VẠN HỒI

Vạn Hồi ở Văn Hương, họ Trương, tuổi trẻ tiêu ngao, ngông cuồng, làng xóm không ai lường được. Có anh tên Vạn Niên đi chinh phạt Liêu Tả. Mẹ Ngài mong tin anh. Ngài nói:

- Việc này quá dễ.

Rồi từ biệt mẹ đi, đến chiều trở về, đem theo thư của anh. Lân lý đều kinh ngạc, nhân đó gọi là Vạn Hồi. Ngài cùng Sa môn Long Hưng và thiếu tướng Đại Minh kết giao, thường qua lại nhà. Cấp Gián Minh Sùng Nghiễm ban đêm qua chùa thầy thần binh đứng hầu hai bên Ngài. Nghiễm kinh hãi.

Một hôm Ngài sai gia nhân quét dọn nhà cửa nói:

- Có khách quý tới!

Hôm ấy Huyền Trang từ Tây Vực trở về đến thăm Ngài. Ngài hỏi thăm phong cảnh Ấn Độ rõ ràng như tự mình trông thấy. Huyền Trang làm lễ đi nhiễu quanh Ngài gọi là Bồ tát. 

Niên hiệu Hàm Hanh năm thứ tư (673).

Vua Cao Tông vời Ngài vào cung, độ làm sa môn. Khi ấy có tăng Mông Cổ Phù Phong, trước ở trong cung, thường nói: “Hồi đến! Hồi đến!” Và Ngài đến. Tăng Mông Cổ nói:

- Người thay thế đến, ta sẽ đi.

Nội trong một tuần Tăng ấy tịch.

Đến lúc hiển hóa, Vạn Hồi được ban hiệu là Pháp Vân. Thường có kệ:

Sáng tối cùng quên mở mắt Phật 

Chẳng cột một pháp, trổ rừng sen

Chân không chẳng hoại tánh linh tri

Diệu dụng thường còn công vô tác

Trí thánh xưa nay thành Phật đạo

Tịch quang chẳng chiếu tự viên thông.
 
 

(Minh ám lưỡng vong khai Phật nhãn

Bất hệ nhất pháp xuất liên tùng

Chân không bất hoại linh tri tánh

Diệu dụng thường tồn vô tác công

Thánh trí bổn lai thành Phật dạo

Tịch quang phi chiếu tự viên thông). 
 
 

35. CẦU NA BẠT MA (GUNAVARMAM)

Cầu Na Bạt Ma (Công Đức Khải) đến Kim Lăng. Ban đầu, bỏ nước xuất gia, quán thông tam tạng, các vua thuộc quốc đều quy y thọ giới. Ngài dạo nước Đề Bà, vua nước này muốn theo Ngài xuất gia, quần thần cố thỉnh nên không thể đi được, bèn ra lệnh trong nước rằng:

- Nếu mọi người theo Hòa thượng quy y thọ giới thì ta sẽ theo lời thỉnh.

Vì thế thần dân nước ấy đều cúi đầu tuân mệnh. 

Đầu niên hiệu Nguyên Gia (424), Tống Văn Đế nghe danh Ngài, sai sứ rước về. Ngài vui vẻ nhận lời ghé thuyền đến Hàng Châu. Đạo pháp do đây được hưng thịnh. Ngài mến núi ở đây giống Linh Thứu, bèn lưu lại suốt năm. Trên vách chùa Ngài vẽ tượng Định Quang trải tóc ..., ban đêm có hào quang chiếu sáng, Ngài thường ngồi nhập định trải mấy ngày chẳng ra. Tăng trong chùa sai sa di hầu hạ. Sa di này bỗng thấy sư tử trắng vờn cột mà giỡn, khắp trời đều có hoa sen xanh. Sa di cả kinh bỏ chạy và la lớn. Tăng trong chùa đổ xô đến chẳng thấy gì cả. Niên hiệu Nguyên Gia thứ tám (431) Ngài đến Kim lăng, vua hỏi:

- Quả nhân thường muốn trì trai chẳng sát sanh; đem thân tiếp vật, mà chẳng tròn sở nguyện, xin thầy dạy cho.

Ngài đáp:

- Đạo tại tâm chứ không phải nơi việc. Pháp do mình chứ chẳng do người. Hơn nữa, Đế vương tu khác với thất phu. Thất phu nếu không khắc kỷ, tiết chế thì còn làm gì nữa? Còn Đế vương lấy bốn biển làm nhà, muôn dân làm con. Ban một lời khen thì sĩ thứ đều vui, công bố một chính sách tốt thì thần dân an hòa. Hình phạt không chết người, sưu dịch không làm nhọc sức người, thì mưa gió đúng thời, nóng lạnh hợp tiết, lúa đậu dồi dào, cây trái tốt tươi. Lấy điều này mà trì trai, trì trai cũng lớn, lấy đây mà chẳng sát sanh, thì lợi cũng nhiều. Đâu phải ở chỗ ngày ăn một bữa, bảo toàn tính mệnh cho một con vật, mới gọi giúp đỡ rộng rãi ư?

Vua vỗ ghế than rằng:

- Người tục thì mê những triết lý xa xôi, Tăng thì trệ ở kinh điển thiển cận. Còn như lời của Thầy, có thể nói gồm cả trời người vậy.
 
 

 36. PHÁP SƯ HUYỀN CAO

Ngụy Thái Vũ nghe lời sàm tấu của Thôi Hạo, bắt giam Thái tử Triều. Triều bèn kêu cầu với Huyền Cao. Ngài làm bài sám Kim Quang Minh cho Triều. Vua mộng thấy vua cha là Tổ Nhượng nói:

- Chớ nên vì lời sàm báng mà nghi Thái tử.

Tỉnh dậy, vua kể lại cho quần thần. Quần thần đều tâu là Thái tử vô tội. Vua thả Thái tử cho phục quyền như cũ. Thôi Hạo sợ bất lợi cho mình nên tâu vua:

- Trước đây Thái tử quả thật có âm mưu tạo phản, nhưng cấu kết với Huyền Cao, dùng pháp thuật đến tiên đế. Bệ hạ nếu không trừ sớm, e có hại lớn.

Vua nổi giận bắt Huyền Cao và Huệ Sùng thắt cổ.

Huyền Sướng là đệ tử của Huyền Cao, từ xa chạy đến. Huyền Cao chợt mở mắt nói:

- Đại pháp ứng duyên, tùy theo duyên mà thạnh suy, thạnh suy là đối với thân xác chứ lý thường trạm nhiên. Chỉ tiếc các ông hành như ta vậy. Chỉ có Huyền Sướng về Nam hóa độ. Các ông chết rồi, giáo pháp sẽ hưng thạnh lại, khéo tự tu tâm chớ để sau hối hận.

Nói xong liền chết. Sa môn Pháp Tấn kêu gào:

- Thánh nhân đã qua đời, tôi còn sống làm chi?

Dứt lời liền thấy ngài Huyền Cao ở trên không bảo Pháp Tấn rằng:

- Ta chẳng quên mọi người, chẳng lẻ bỏ mình ông sao?

Pháp Tấn nói:

- Hòa thượng với Sùng Công sanh về đâu?

Ngài đáp:

- Ta đến cõi ác để cứu giúp chúng sanh, còn Sùng Công nước An Dưỡng (Cực lạc ).

Nói xong biến mất. Ngài tịch khoảng 427 - 451 thời Ngụy Vũ đế trị vì.

Lúc Huyền Cao ở núi Mạch Tịch, nghe Đàm Vô Sấm đến Lương, liền đến thờ làm thầy. Qua một tuần liền ngộ. Vô Sấm tán thán cho là hơn mình. Ngụy Vũ sai sứ rước Huyền Cao làm thầy Thái tử Triều, môn nhân đắc pháp rất đông. Ngài có một đệ tử tên Tăng Ấn, tự nói mình đắc quả A la hán. Lúc mới nhập hạ, Ngài liền dùng thần lực khiến Tăng Ấn trong định thấy mười phương vô tận thế giới và nghe chẳng phải thuyết pháp, mỗi mỗi chẳng đồng. Cả một hạ đó tìm chỗ thấy này chẳng dứt, bèn sanh lòng hổ thẹn sám hối.
 
 

37. PHÁP SƯ HUỆ ƯỚC

Huệ Ước họ Sổ, lúc trẻ đạo đức đã vang xa, tổ tiên là Cấp sự Trung Sổ Ấu Du, mỗi lần thấy Huệ Ước đến thì đứng lên làm lễ. Có người hỏi:

- Đây là hạng con cháu của ông, sao ông lại cung kính thế?

Du đáp:

- Đây là Bồ tát ra đời sẽ làm thầy trong thiên hạ, há chỉ có mình lão phu kính mà thôi sao?

Lương Vũ Đế thỉnh Ngài ở trong cung. Ngày mồng 8 tháng 4 năm thứ mười tám (520) niên hiệu Thiên Giám. Vua thọ giới Bồ tát với Ngài, rồi thiết lập đại hội vô giá. Ngày ấy chợt có cam lộ rưới xuống sân. Ba chim Túc Điểu và hai chim Khổng Tước nằm đậu trên thềm. Thái tử và các vương tử công khanh, đạo tục theo Ngài thọ giới đến bốn vạn tám ngàn người. Nhân đây vua đại xá thiên hạ.

Nguyên hiệu Đại Đồng nguyên niên (546), tháng 9, Huệ Ước có chút bệnh. Vũ Đế cho người đến hỏi thăm. Ngài nói:

- Đêm nay sẽ đi.

Đến canh năm, hương lạ đầy nhà, môn nhân lặng đứng. Ngài dạy:

- Hễ có sanh thì có tử, đó là việc thường. Hãy siêng năng tu niệm huệ, chớ khởi loạn tưởng.

Nói xong, chắp tay mà tịch. Trâu xanh Ngài thường cỡi, rơi lệ kêu rống không thôi. Một đôi hạc trắng từ lúc dựng tháp, bay quanh kêu thương, tiếng rất thê thảm. Sau ba ngày, bay đi.
 
 

 38. PHÁP SƯ ĐÀM LOAN

Đàm Loan, ở Đông Ngụy, xuất gia chí muốn được trường thọ. Sau tu Phật pháp, nghe ẩn sĩ Đào Hoằng Cảnh ở Giang Nam có tiên thuật. Liền đến nước Lương yết kiến Cảnh. Cảnh vui vẻ truyền cho mười cuốn phép tiên. Ông trở về Ngụy đến Lạc Dương, gặp Bồ Đề Lưu Chi bèn hỏi:

- Trong Phật pháp có phép trường sinh bất tử không?

Đáp:

- Sao lại nói vậy? Đất này từng có phép trường sinh? Dù được ít lâu cũng chết, lại vẫn luân hồi.

Rồi Bồ Đề Lưu Chi bèn truyền cho ông Quán kinh nói:

- Đây là trường sinh thuộc họ Kim Tiên của ta vậy. Y theo đây mà tu, sẽ ra khỏi sanh tử vĩnh viễn.

Đàm Loan bèn đốt kinh Tiên chuyên tu Tịnh độ. 

Ngụy chủ gọi Ngài là Thần Loan. Niên hiệu Hưng Hòa năm thứ tư (542) thấy hương, hoa, tràng phan đến rước, thản nhiên mà tịch.
 
 

 39. PHÁP SƯ KHUY CƠ

Thời Đường Thái Tông là thời kỳ Phật giáo Trung Quốc phát huy rực rỡ, sự tích đại sư Huyền Trang thỉnh kinh, thấu qua sự tường thuật được thần thoại hóa trong Tây Du ký, cũng đã thành câu chuyện truyền khắp mọi nhà.

Lúc thỉnh kinh từ Ấn Độ trở về, Sư có thâu được một đồ đệ rất lý thú: Pháp sư Khuy Cơ (còn gọi là pháp sư Ba Xe).

Pháp sư Khuy Cơ từ bé đã thông minh lanh lợi, xuất thân trong gia đình phú quý, chú là đại tướng của vua Thái Tông, tức là Ngạc Quốc Công Cảnh Đức. Ngài là con của tướng quân Kim Ngô Vệ Kính Tông, mẹ nằm mộng thấy cầm mặt trăng nuốt vào bụng rồi có thai. Chiều sanh Ngài, hào quang đầy nhà. Sáu tuổi đã viết sách. Ban đầu, Huyền Trang qua Tây Vực được một cậu bé, dĩnh ngộ tuyệt luân, nhân Huyền Trang bế đến Kính Tông, Tông gọi Khuy Cơ ra chào Huyền Trang. Nhân Kính Tông sai tụng binh thư của Cơ làm, mấy ngàn lời. Huyền Trang đếm đề mục. Đợi đồng tử và Khuy Cơ tụng xong. Bèn nói gạt rằng:

- Đây là sách cổ.

Rồi bảo đồng tử Tây Vực che lại, đọc không sót một chữ. Kính Tông nổi giận, cho là Khuy Cơ trộm sách cổ để gạt, đòi giết. Huyền Trang xin cho Ngài xuất gia. Ngài đưa ra ba điều kiện: Đời sống xuất gia rất khổ cực, Ngài đòi mang theo một xe vàng ròng; rất ham đọc sách, Ngài đòi mang một xe sách vở; Ngài lại đòi mang theo một xe mỹ nữ để hầu hạ mình, vì thế người đời gọi Ngài là “Pháp sư ba xe”.

Tuy bấy giờ bị người dị nghị, nhưng cuối cùng pháp sư Khuy Cơ trở thành một Cao tăng đương thời, Ngài rất giỏi cả Đại thừa và Tiểu thừa. Niên hiệu Vĩnh Huy thứ năm (654) vua Cao Tông đặc biệt xuống chiếu chỉ cho Khuy Cơ làm Đại tăng, vào chùa Đại Từ Ân, tham gia dịch chánh nghĩa của kinh. Khuy Cơ bèn theo Huyền Trang thọ tông chỉ Du Già Duy Thức. Tạo luận đến 100 bộ, người đời gọi là Bách Bổn Luận Sư, ngoài ra còn có trước tác 25 bộ 118 quyên về các kinh Pháp Hoa Huyền Tán ...

Có một tắc công án rất nổi tiếng phát sanh từ Ngài. Luật sư Đạo Tuyên ở núi Chung Nam là Sơ Tổ của Luật Tông. Ngài trì giới tinh nghiêm, ngày ăn một bữa, cảm động lòng trời, có chư Thiên cúng dường. Do đó, không cần ôm bát khất thực, đến giờ cơm, thiên nhân tự nhiên cúng dường.

Một hôm, pháp sư Khuy Cơ đi qua Chung Nam, nghe đồn luật sư ĐạoTuyên ở đây tinh tấn, muốn lên núi bái phỏng. Luật sư Đạo Tuyên nghe Pháp sư Khuy Cơ muốn đến, đối với học vấn của khuy Cơ, đương nhiên Sư rất bội phục, nhưng đối với lối sống của Ngài thì Sư sanh tâm coi thường. Do đó, Sư định chờ cơ hội này khuyên bảo pháp sư Khuy Cơ, cho ông xem thấy Thánh cảnh chư Thiên đưa thức ăn cúng dường vào giữa ngọ để phô bày sự cảm ứng do đức hạnh nghiêm trì giới luật của mình. Đâu dè giờ ngọ đã qua mà Thiên nhân chẳng đem thức cúng dường đến. Khi pháp sư Khuy Cơ đi rồi, giờ ngọ hôm sau, thiên nhân mới đem cúng dường. Luật sư Đạo Tuyên bèn hỏi:

- Hôm qua sao không cúng dường?

Thiên nhân thưa:

- Hôm qua có Bồ tát Đại thừa ở đây, thần Hộ pháp vây quanh núi này nghiêm mật, tôi vào chẳng được!

Luật sư Đạo Tuyên toát mồ hôi, lập tức sanh lòng sám hối.

Khuy Cơ người to lớn, cao tám thước (Tàu), khí thế trùm vạn người. Trên gáy có ngọc chẩm; mười ngón tay có vân xoay tròn rõ ràng như ấn. Người thấy nể phục. Lòng từ thiện dạy người. Về già cầu sanh nội viện, nên hết lòng giữ giới.

Ban đầu Vô Trước và Thiên Thân ở Thiên Trúc, lên trời Đâu Suất tham hỏi tông chỉ Duy thức với đức Từ Thị, rồi cùng nhau tạo luận. Nước ấy có Thánh hiền hoằng dương giáo pháp này. Đến luận sư Giới Hiền truyền cho Huyền Trang. Huyền Trang truyền cho Khuy Cơ. Khuy Cơ tạo sớ luận giải thích rộng rãi. Gọi là Từ Ân giáo.

Niên hiệu Vĩnh Thuần năm đầu (682) Khuy Cơ nhập diệt, thọ 50 tuổi, là năm Võ Hậu lên ngôi.
 
 

40. THẦN TÚ

Thần Tú họ Lý quê ở Khai Phong. Thân cao tám thước, mày đẹp tai to. Lúc nhỏ theo Nho giáo học rộng biết nhiều. Sau bỗng đến Hoàng Mai gặp Hoằng Nhẫn bèn thán phục nói:

- Đây thật là thầy ta.

Hầu hạ Ngũ Tổ sáu năm. Ngũ Tổ biết là pháp khí, bảo:

- Ta độ người rất nhiều, mà kẻ ngộ giải chưa ai bằng ông.

Rồi sai phân tòa thuyết pháp. Phía đông cách chùa bảy dặm, đất bằng phẳng, núi hùng vĩ. Thần Tú nói:

- Đây chính là ngọn cô phong Lăng Già, là độ môn Lan Nhã, bóng tùng thảm cỏ, ta về già sẽ đến đó vậy.

Thần Tú trụ ở Đương Dương, Võ Hậu xuống chiếu rước về kinh đô, cùng Huệ An ở trong đạo trường để cúng dường.

Tú thường có kệ:

Tất cả Phật pháp

Tự tâm sẵn có

Đem tâm cầu ngoài

Bỏ cha chạy trốn.

(Nhất thiết Phật pháp)

Tự tâm bổn hữu

Tương tâm ngoại cầu

Xả phụ đào tẩu).

Thần Tú thường tâu Vũ Hậu thỉnh Huệ Năng đến cung. Năng cố từ chối. Thần Tú lại tự viết thơ mời nữa. Huệ Năng bảo sứ rằng:

- Ta hình dung xấu xí. Ở đó thấy ta, sợ chẳng kính pháp ta. Hơn nữa, thầy ta bảo ta có duyên miền Nam, không thể trái lời.

Và từ chối không đi.

Thần Tú ở Đông đô, thiên hạ gọi là Pháp chủ Lưỡng kinh, Môn sư Tam Đế. Niên hiệu Thần Long năm thứ hai (706) ngày 2 tháng 2 Ngài nhập diệt, hiệu Đạo Thông. Ngài sanh cuối đời Tùy hơn 100 tuổi. Chưa hề tụ nói nên mọi người không rõ biết là bao nhiêu.

41. THIỀN SƯ NHÂN KIỆM

Nhân Kiệm tức Hòa thượng Đằng Đằng, tháng tư năm Nhâm Thìn (692), Vũ Hậu xuống chiếu rước vào cung. Ngài đến nhìn Thái Hậu im lặng giây lâu nói:

- Hội chăng?

- Không hội.

- Lão tăng giữ giới không nói.

Nói xong bỏ đi. Có làm 19 bài ca ngắn, có bài:

Tu đạo, đạo chẳng thể tu.

Hỏi pháp, pháp không thể hỏi.

Người mê chẳng rỏ sắc không.

Người ngộ vốn không nghịch thuận.

Tâm vạn bốn ngàn pháp môn.

Chí lý không rời gang tấc.

Biết giữ thành quách nhà mình.

Chớ dối tìm châu quận khác.

Chẳng cần học rộng nghe nhiều.

Chẳng cốt biện tài, thông suốt.

Chẳng biết tháng này đủ thiếu:

Chẳng quản năm này dư nhuận.

Phiền não tức là Bồ đề.

Hoa sạch sanh trong bùn phẩn.

Ngài đến hỏi ta thế nào?

Chẳng thể cùng y đàm luận.

Sáng sớm dùng cháo đỡ đói.

Đúng ngọ ăn thêm một bận.

Hôm nay nhậm vận đằng đằng.

Ngày mai đằng đằng nhậm vận.

Trong tâm rõ ràng biết hết.

Hãy làm ngu ngơ ám độn.
 
 
 
 

42. HUỆ KHOAN ĐẠI SƯ

Huệ Khoan họ Dương, người Ích Châu. Cha là Dương Vĩ làm đạo sĩ hiệu Tam Động Tiên sinh, có chị là Tín Tướng mới sanh đã biết đạo, trọn ngày thiền tịch. Năm sáu tuổi Huệ Khoan hàng ngày cùng chị luận bàn đạo lý, người nghe không ai hiểu. Gia thế theo đạo Lão, một mình Khoan chẳng vui. Cha quở mắng bắt lạy Thiên Tôn. Ngài bất đắc dĩ lễ bái, tượng đồng bỗng đổ xuống vỡ ra. Thân tộc kinh dị, nhân đó chép ngôn cú đã luận. Trước là thiền sư Đàm Tướng ở chùa Long Hoài, lúc lâm chung bảo đệ tử tên Hội rằng:

- Ta bảo duyên sẽ sanh vào nhà họ Dương, ở đỉnh núi Miên Trúc, Quảng Hán. Sau bảy năm hãy đến gặp ta.

Nói xong thị tịch. Sau Hội nằm mộng thấy Đàm Tướng trách mình lỗi hẹn. Hội thất kinh tỉnh dậy liền đến đỉnh núi gõ cửa. Khoan hỏi:

- Ai gõ cửa?

Hội thưa:

- Dạ, đệ tử là Hội.

Khoan cười nói:

- Làm sao biết ta mà xưng là đệ tử?

Hội thưa:

- Nghe tiếng Thầy giống tiếng ngày xưa.

Ngài bèn ra gặp. Người cha đem những lời ghi chép sự đàm luận của Ngài và Tín Tướng ra, Ngài dạy là luận Đại Trang Nghiêm.

Hội liền rước Ngài về chùa Long Hoài xuống tóc, khi ấy mười ba tuổi, Hội kính sợ như thần. Chúng ở Long Hoài ba ngàn người, Hội đều đích thân tận lực làm, Huệ Khoan một mình nhàn nhã. Mọi người bàn tán, Hội nói:

- Đây là tiên sư của ta. Do đó đã đầy đủ đạo đức.

Từ đây thần dị ngày một hiển lộ. Người đời gọi là Hòa thượng Thánh. Niên hiệu Vĩnh Huy năm thứ tư (653) ngày 25 tháng 6, Ngài Thị tịch. 

Người đời cho là ứng thân Quan Thế Âm.
 
 
 
 

43. BÁ TRƯỢNG HOÀI HẢI

Sư nói:

- Ở đất Thánh mà tập phàm. Vì Phật vào trong chúng sanh, thị hiện đồng loại để dẫn dắt vỗ về và cùng loài với ngạ qủy, thân thể bị lửa đốt, thuyết cho chúng Bát Nhã Ba la mật, khiến chúng phát tâm. Nếu cứ ở mãi đất thánh thì nương vào đâu mà nói chuyện với chúng được. Phật vào chốn khổ cũng đồng như chúng sanh chịu khổ, chỉ khác là đi đứng tự do không giống chúng sanh.

Sư trụ ở Bá Trượng, thấy luật Thiền Tông từ Thiếu Thất đến Tào Khê, phần nhiều nương theo luật chùa. Thuyết pháp, trụ trì, chưa có quy củ. Ngài bèn than:

- Nếu muốn Tổ đạo truyền bá chẳng mất, há nên theo hạnh của Tiểu thừa sao?

Vì thế Ngài sáng lập Thiền cư, hễ người đủ đạo nhãn, đức đáng tôn trọng thì gọi là Trưởng lão. Ai làm Hóa chủ thì ở phương trượng, không lập điện Phật, chỉ tạo Pháp đường. Học chúng bao nhiêu đều vào trong tăng đường hết, y theo tuổi hạ an bài. Đặt giường nối dài, khi nằm thì gối xéo, quay bên phải theo thế kiết tường mà ngủ. Khi vào thất thỉnh ích dù người học siêng hay lười, hoặc lớn hoặc chẳng câu nệ theo lệ thường. Tất cả đại chúng trong viện, sáng tham thỉnh chiều nhóm họp, trưởng lão thượng đường, thăng tọa, chủ sự theo chúng thứ tự đứng lắng nghe. Khách chủ vấn đáp, kích dương tông yếu, ngày hai buổi cơm cháo, tùy chúng chia đều. Thi hành pháp phổ thỉnh, đặt mười nhà vụ liêu. Mỗi nhà một người cầm đầu trông coi nhiều người, để cho mỗi ty thuộc trong nhóm, có ai giả hiệu, trộm hình lẫn lộn trong thanh chúng, gây sự quấy nhiễu người khác, duy na sẽ đưa lên, kéo ra khỏi bổn vị quải tháp (khi được nhận vào chúng, gọi là cho quải tháp), tẫn xuất đuổi ra khỏi viện. Hoặc người kia xúc phạm, như lấy gậy đánh, thì nhóm chúng đốt y bát đạo cụ, đuổi ra theo cửa bên, coi như để sỉ nhục. 
 

44. ĐÀM TẠNG Nối pháp MÃ TỔ - Ẩn cư HÀNH NHẠC

Đàm Tạng thọ tâm ấn ở Mã Tổ, sau yết kiến Thạch Đầu được thấu triệt. Niên hiệu Trinh Nguyên năm thứ hai, Sư ở ẩn trên chót đảnh Hành nhạc, ít người đến tham phỏng. Sau vì đau chân, mới dời đến ở Tây Viên; các thiền khách đến thăm viếng ngày càng đông. Một hôm tự nấu nước tắm, tăng hỏi:

- Sao không sai Sa di?

Sư liền vỗ tay ba cái. Sư thường nuôi một con Linh Cẩu. Đêm đêm đi kinh hành, khi nào chó kéo áo thì mới trở về phương trượng, còn chó thì nằm bên cửa canh. Một đêm nó sủa đổng, chồm lên dữ tợn, đến sáng thấy phía đông nhà bếp có một con trăn lớn dài mấy trượng há miệng thở phì, hơi độc xông ra, thị giả thỉnh Sư tránh chỗ khác. Sư nói:

- Cái chết có thể trốn được sao? Nó đem độc đến, tôi dùng lòng từ để nhận, độc không thực tánh, kích phát thì nó mạnh, còn lòng từ vô duyên, oán thân một đạo

Sư nói xong, trăn cúi đầu từ từ bò đi, chốc lát không thấy nữa.

Một tối có ăn trộm đến, chó cũng cắn y của Sư. Sư bảo ăn trộm:

- Nhà tranh có vật gì ưng ý cứ việc lấy đi, ta chẳng tiếc gì.

Ăn trộm cảm lời Ngài, cúi lạy giải tán. 
 

 45. BẢO TÍCH

Ban đầu tham Mã Tổ, làm nhai phường (*). Một hôm đi giữa chợ gặp một người khách mua thịt heo, bảo hàng thịt rằng:

- Lựa miếng ngon, cắt cho một ký.

Hàng thịt buông dao vòng tay nói:

- Trưởng Sứ! Có miếng nào mà không ngon?

Bảo Tích có tỉnh. Lại một hôm Sư ra cửa gặp đám ma. Một người cầm linh khua hát:

Mặt trời nhất định lặn về Tây

Chưa rõ linh hồn đến phương nào?

(Hồng luân quyết định trầm Tây khứ.

Vị thẩm hồn linh vãng na phương?)

Ngay lúc đó tang gia đang kêu khóc bi ai dưới màn, Bảo Tích mừng rỡ cả thân tâm, trở về kể lại cho Mã Tổ, Tổ ấn khả. Sau trụ Bàn Sơn.

(*) Nhai phường: Có nhiệm vụ vào chợ búa để xin vật dụng cho đại chúng. 
 
 
 46. THIỀN SƯ MINH TOẢN Thuyết pháp HÀNH NHẠC

Minh Toản tức Lại Tàn, chấp dịch ở Hành Nhạc, nhặt đồ thừa mà ăn. Tánh Sư lười biếng, ăn đồ thừa nên có hiệu là Lại Tàn. Tể tướng Lý Bí đề cao đức hạnh của Sư lên vua Đức Tông, vua sai chiếu mời. Sứ giả đến hang đá tuyên chiếu vua nói:

- Tôn giả hãy đứng lên tạ ơn vua.

Toản làm thinh, mũi dãi lòng thòng. Sứ giả trông thấy cười bảo Ngài chùi mũi. Toản nói:

Ta hơi sức đâu mà vì người đời chùi mũi.

Rồi không chịu đi.

Thích Sử sắp tế thần núi, lo sửa đường lên. Nửa đêm sấm gió, một khối đá to rơi xuống chắn ngang đường. Người sửa đường đem mười trâu đến kéo, lại thêm mấy trăm người giup mà hòn đá không nhúc nhích. Sư cười nói:

- Chẳng phiền nhiều sức. Rồi lấy chân đạp đá, đá lăn tròn rồi rơi xuống, tiếng như sấm nổ. Đường được khai thông, mọi người xem Sư như thần. Ngoài cổng chùa, cọp beo chợt họp thành bầy. Sư bảo chúng tăng:

- Tôi sẽ đuổi sạch chúng cho các ông. Đưa roi đây!

Chúng lấy roi đưa, Sư vừa ra khỏi chùa. Một con cọp vội vàng vâng lệnh Sư bỏ đi, hổ beo cũng theo đó mà dứt tuyệt dấu vết.

Sư thường có bài ca:

Ngơ ngơ vô sự không cải đổi

Vô sự đâu cần luận một đoạn

Trực tâm không tán loạn,

Việc khác chẳng cần đoạn.

Quá khứ đã qua đi

Vị lai vẫn chẳng tính

Ngơ ngơ vô sự ngồi

Đâu từng có người gọi.

Hướng ngoại tìm công phu

Đều là tên ngu ngôc.

Lương chẳng chứa một hột

Gặp cơm chỉ biết kêu.

Người đa sự ở đời,

Đuổi theo mà chẳng kịp.

Ta chẳng ưa lên trời,

Cũng chẳng thích ruộng phước.

Đói đến ăn cơm,

Mệt đến thì ngủ.

Người ngu cười ta,

Mà người trí biết.

Chẳng phải si độn,

Thể vốn như nhiên.

Cần đi thì đi,

Cần đứng thì đứng,

Thân khoác manh áo rách,

Chân mặc khố mẹ sanh.

Nhiều lời và lắm lẽ

Chỉ làm hiểu lầm nhau.

Nếu muốn độ chúng sanh,

Không gì hơn tự độ.

Chớ báng Phật thiên chân

Chân Phật chẳng thể thấy.

Diệu tánh và linh đài

Đâu cần chịu rèn luyện.

Tâm là tâm vô sư

Mặt là mặt mẹ sanh.

Kiếp thạch có di động,

Trong đây không cải biến.

Vô sự vốn vô sự

Đâu cần đọc văn tự,

Dẹp trừ gốc nhân ngã,

Thầm hợp ý trong này.

Các thứ nhọc gân cốt,

Chẳng bằng ngủ trong rừng

Ngơ ngơ ngẩng đầu nhìn,

Mặt trời lên cao.

Ăn thức ăn thừa

Đem công dụng công,

Dần dà mờ tối.

Nắm lấy chẳng được,

Không nắm tự thông.

Ta có một lời,

Dứt nghĩ, quên duyên,

Nói khéo chẳng được,

Chỉ đem tâm truyền.

Lại có một lời,

Chẳng qua cho thẳng,

Nhỏ như mảy lông,

Lớn không nơi chốn.

Vốn tự viên thành,

Chẳng nhọc thêu dệt.

Thế sự mang mang,

Chẳng bằng non núi,

Tùng xanh che trời,

Suối biếc chảy dài,

Mây núi đang giăng,

Trăng đêm làm móc,

Nằm dưới dây leo.

Gối đầu tảng đá.

Chẳng chầu thiên tử.

Há khoái vương hầu.

Sanh tử chẳng lo,

Còn lo gì nữa?

Trăng nước không hình.

Ta thường chỉ an,

Vạn pháp đều vậy

Vốn tự vô sanh.

Ngơ ngơ vô sự ngồi,

Xuân đến cỏ tự xanh.
 
 

Lửa phân bò chỉ biết màu vàng đẹp mà thôi.

Móc bạc đâu rành bùn tía mới

Còn chẳng có tâm chùi mũi dãi

Há có công phu hỏi người tục.

(Phẩn hỏa đản tri hoàng độc mỹ

Ngân câu na thức tử nê tân

Thượng vô tâm tự thu hàn thế

Khởi hữu công phu vấn tục nhân).
 
 

47. ẨN SỸ LÝ NGUYÊN Thăm TỲ KHEO Viên Trạch

Xưa An Lộc Sơn vây hãm Đông Thành, Lý Đăng bị cầm giữa đến chết. Lý Nguyên là con, phẫn chí tự thề không làm quan, không lấy vợ, không ăn thịt, bỏ nha làm chùa Huệ Lâm. Tăng trong chùa là Viên Trạch, kết bạn với Nguyên rồi dẫn nhau đi dạo Nga Mi. Nguyên muốn đi từ Kinh Châu qua sông Tố lên đường núi, còn Trạch muốn đi theo đường Tà Cốc Trường An. Nguyên nói: 

Tôi đã dứt việc đời, há trở lại đường kinh sư sao?

Trạch làm thinh, hồi lâu nói:

- Đi đứng cố nhiên chẳng do ý người.

Bèn đi theo đường Kinh Châu, thuyền đến Nam Phổ, thấy một người đàn bà mặc quần gấm múc nước. Trạch chỉ và khóc nói:

- Tôi không muốn đi đường này cũng vì bà ta.

Nguyên cả kinh hỏi. Trạch nói:

- Bà này họ Vương, tôi sẽ làm con bà. Bà mang thai ba năm rồi, vì tôi không đến nên không sanh được. Nay đã thấy thì không còn trốn thoát được. Ông nên dùng phù chú nguyện giúp tôi sanh mau. Ba ngày sau, lúc tắm đứa bé, mong ông đến với tôi, tôi sẽ cười để làm tin. Và sau mười ba năm, dưới trăng Trung thu, phía ngoài chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu sẽ cùng ông tương kiến. Tôi đã ba đời làm Tỳ kheo tu tập Thiền, ở sông Tương phía Tây chùa Nhạc Lộc có hòn đá to, tôi tọa thiền trên đó.

Nguyên nghe xong thương xót hối hận. Đến chiều thì Trạch chết. Người đàn bà sanh được ba ngày thì Nguyên đến xem, đứa bé quả nhiên cười. Sau đến kỳ hạn, Nguyên đến chỗ hẹn ước, nghe bên bờ sông Cát Hồng có mục đồng gõ sừng trâu mà ca rằng:

Ba năm trên đá tinh hồn cũ

hưởng trăng, vịnh gió chẳng cần bàn

Hổ thẹn tình người xa đến viếng

Thân này tuy khác tánh còn nguyên.

(Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn

Thưởng nguyệt, ngâm phong bất yếu luận

Tàm quý tình nhân viễn tương phỏng

Thử thân tuy dị tánh thường tồn).

Nguyên bèn gọi:

- Trạch Công mạnh không?

Đáp rằng:

- Chân tín sĩ Lý Công! Ông duyên tục chưa hết, cẩn thận chớ gần nhau, chỉ chuyên cần tu thì chẳng đọa. Rồi sẽ gặp nhau nữa.

Lại ca ràng:

Thân trước thân sau sự mịt mùng

Muốn nói nhân duyên sợ điếng lòng

Ngô Việt núi sông tìm đã khắp

Khua chèo trở lại đến Cù Đường.

(Thân tiền thân hậu sự mang mang

Dục thoại nhân duyên khủng đoạn trường

Ngô Việt sơn xuyên tầm dĩ biến

Khước hồi yên trạo thướng Cù Đường).

Rồi ẩn mất không thấy nữa. Nguyên ở chùa hơn ba mươi năm, chết lúc hơn tám mươi.
 
 

 48. THIỀN SƯ PHÁP KHÂM

Pháp Khâm họ Chu ở Côn Sơn, theo Nho nghiệp. Lúc mẹ Ngài mang thai, nằm mộng thấy hoa sen mọc ở then cửa, bà lấy một bông cột vào thắt lưng. Tỉnh giấc, không ưa ăn mặn và sanh ra Ngài. Ngài hình dung kỳ vỹ, thần sắc sáng rỡ, ưa lấy Phật sự để nô đùa. Năm 22 tuổi về kinh ứng thí. Vì đi đường bộ nên ghé nghỉ ở chùa Hạc Lâm. Huyền Sách trông thấy lấy làm kinh dị hỏi: 

- Ông làm gì?

- Mong lên kinh đô làm quan.

- Tuy có tước ngũ đẳng đâu bằng làm bậc tôn quý trong tam giới.

- Học được chăng?

- Xem thần khí của ông thì ông thuộc loại sanh ra đã biết. Nếu chịu xuất gia, sẽ ngộ tri kiến của Như Lai.

Pháp Khâm bèn xé bỏ sách vở, khắc khổ thân cận, nương theo Huyền Sách tu tập. Sách thầm nhậm là pháp thí, bảo với môn nhân Pháp Cảnh rằng:

- Gã này sẽ hoằng dương rộng lớn pháp của ta, là bậc Thầy người.

Pháp Khâm ngày đêm gắng gỏi, tam học đều tinh thông. Một hôm thỉnh Huyền Sách chỉ dạy pháp yếu. Huyền Sách bảo:

- Không người nào được pháp của ta.

- lấy gì để truyền.

Pháp Khâm chóng dứt các nghi trệ. Sau từ giã ra đi. Huyền Sách nói:

- Ông theo dòng mà đến, gặp “kính” thì dừng.

Pháp Khâm bèn đi về Nam, thọ đại giới ở chùa Long Tuyền Dư Hàng, rồi đến Lâm An ở phía Đông Bắc một ngọn núi, hỏi tiều phu rằng:

- Đây là núi gì?

- Đây là núi Kính Sơn.

Sư bèn trụ ở đây. Có tăng hỏi:

- Thế nào là đạo?

Pháp Khâm bảo:

- Trên núi có con cá Lý Ngư, dưới đáy nước có bụi dấy.

Mã Tổ sai người đem thư đến. Trong thư vẽ một vòng tròn. Pháp Khâm mở xem, vẽ vào vòng tròn rồi gởi trả.

Mã Tổ lại sai Trí Tạng đến hỏi:

- Trong mười hai giờ, lấy gì làm cảnh?

- Đợi lúc ông đi về, ta sẽ có tin.

- Về ngay bây giờ.

- Nhắn lại phải hỏi Tào Khê.

Vua Đại Tông lưu tâm đến Không môn khiến các đạo sĩ sanh lòng đố kỵ. Tháng 9 niên hiệu Đại Lịch năm thứ ba (768). Đạo sĩ Sử Hoa tâu xin cùng họ Thích đấu phép. Bèn ở Đông Minh Quán, đặt giá dao làm thang, Sử Hoa leo lên đi như trên đường đá. Các tăng lữ nhìn nhau không dám bước lên. Khi ấy Sa môn Sùng Huệ ở chùa Chương Kính vâng lịnh vua, ở trên cây trong sân chùa, dựng một cái thang, bậc toàn mũi nhọn, sắc trắng như sương, cao hơn thang ở Đông Minh Quán cả trăm thước. Sùng Huệ đi chân không mà lên, đến mút thang dừng lại, leo xuống như đi trên đất bằng rồi đạp trên lửa hừng, thử dầu sôi, ăn miếng sắt, nuốt đinh. Các đạo sĩ trông thấy toát mồ hôi ướt áo bỏ chạy. Mọi người hoan nghinh, tiếng đồn như sấm. Vua càng thêm kính trọng xuống chiếu ủy lạo, khen ngợi mấy lượt, ban tử y và gọi là Hộ Quốc Tam Tạng, vời vào cung hỏi:

- Sư đệ tử ai?

- Cao tăng Pháp Khâm núi Kính Sơn là thầy của hạ thần. Thần chưa đủ giới pháp, không dám nhận tử y.

Vua đặc biệt ra lệnh mở đàn giới. Vừa Yết ma, Sùng Huệ ẩn thân trên đàn, không biết ở đâu. Vua càng kinh dị, bèn lễ Pháp Khâm làm thầy, sai nội thị cầm chiếu chỉ đi thỉnh. Sư đến, vua đích thân đi đón và hỏi pháp, làm lễ đệ tử.

Pháp Khâm một hôm ngồi trong sân trong, thấy vua đến liền đứng lên. Vua hỏi:

- Vì sao Sư đứng lên?

Sư đáp:

- Đàn việt đâu được ở trên bốn oai nghi mà thấy bần đạo.

Vua đẹp lòng ban hiệu là Quốc Nhất. Chẳng bao lâu Sư muốn từ biệt đi. Vua nói:

Chúng sanh ở đây có người đáng độ, chúng sanh kia há có khác sao?

Pháp Khâm đáp:

- Thực không có pháp để độ chúng sanh.

Pháp Khâm ở kinh đô chỉ một năm. Vua Đại Tông mỗi lần ban tơ lụa, dọn ngự tuyển Sư đều không nhận, chỉ mặc áo vải, ăn rau, đồ dùng bằng sành như lúc thường. Tướng Quốc Dương Oản thấy thế khen:

- Đây là bậc cao sĩ phương ngoại, khó được danh như thế.

Thôi Triệu Công Quần thường hỏi Ngài:

- Đệ tử xuất gia được chăng?

Ngài đáp:

- Xuất gia là việc của đại trượng phu. Há dũng tướng mà làm được.

Quần khen ngợi lời này. Rồi Ngài từ giã trở về núi cũ.

Sư từ Trường An trở về Kính Sơn. Về sau Thích Sử mời về chùa Long Hưng ở Hàng Châu. Pháp Khâm bèn qua lại nơi đó, chẳng chọn chỗ ở nhất định. Ngày 28 tháng 12 niên hiệu Trinh Nguyên năm thứ tám (792) Sư thị tịch ở Long Hưng. Trước đó ba ngày, Sư bảo chúng:

Nên chôn ta ở hố đất ngoài sân phía Nam, đừng làm quan tài sợ làm trở ngại đất trồng rau của tăng đồ.

Sư thọ 92 tuổi, 70 tuổi hạ. Bi nguyện của Sư sâu rộng, ai thấy mặt nghe danh đều như con được mẹ. Vì thế phía Đông đến núi Thái Sơn giáp biển, phía Tây đến Lũng Thục, phía Nam tiếp Giao Quảng, phía Bắc đến tận phương Bắc (Sóc Phương). Người học đạo thảy đều kính mộ quay về. Người tham học đều coi Sư là Công Đức Sơn, đến cả trời rồng cùng quy kính hướng về loài khác quy y, đất mọc cỏ Linh Chi, trên trời mưa Cam Lộ. Đèn Thánh soi đêm, mây gấm sáng vờn, mãnh thú ở một bên, chim chóc tụ đầy thất đến ăn trên tay Sư. Có hai thỏ trắng quỳ lạy trong phương trượng, một gà thường theo nghe pháp, chẳng ăn vật sống. Khi Ngài đến Trường An, nó kêu suốt ba ngày mà chết. Một con vượn cũng thường ở trong thiền thất, chẳng đi đâu khác. Khi Sư tịch, ba ngày sau cũng chết theo. 
 
 

49. PHONG CAN – HÀN SƠN - THẬP ĐẮC Thị hiện THIÊN THAI

Phong Can, chẳng biết người ở đâu. Niên hiệu Trinh Quán đời Đường, Sư đến ở chùa Quốc thanh núi thiên Thai, cắt tóc ngang mày, mặc áo vải rách, có ai hỏi lý Phật, chỉ đáp hai chữ “tùy thời”. Thường xướng đạo, cưỡi cọp ra vào, chúng tăng đều kinh sợ chẳng ai dám nói chuyện với Sư. Có Hàn Sơn, Thập Đác cũng chẳng biết dòng họ, người đời cho là đồ điên khùng, chơi thân với Phong Can. Hàn Sơn ở núi Hàn Nham cách huyện Đường Hưng bảy mươi dặm về phía tây, nhân đây thành tên. Thập Đắc thì do Phong Can khi đến Xích Thành, nghe tiếng trẻ con khóc ở bên đường, hỏi thì nói: “Mồ côi bị bỏ ở đây”. Do đó đặt tên Thập Đắc, đem về giao cho khố ở sau viện. Khố tăng (Tăng coi kho) tên là Linh Tập coi nhà ăn và hương đèn, Thập Đắc bỗng leo lên toà, ngồi đối diện với tượng Phật mà ăn, sau lại ở trước Thánh tăng hô lên:

- Tiểu quả Thanh văn!

Linh Tập liền báo cho các bậc Thôn túc, rồi đổi xuống nhà bếp rửa chén bát. Hằng ngày tăng chúng thọ trai xong, Thập Đắc gạn lại thức ăn dư bỏ trong ống đồng. Hàn Sơn đến liền cõng đi. Hàn Sơn dung mạo khô gầy, áo quần tơi tả, lấy vỏ cây làm mũ, mang guốc gỗ to. Lúc đến chùa, hoặc đi dạo dưới hiên, hoặc vào bếp chụm lửa, hoặc chơi với mục đồng, có lúc quát tháo, ngửa mặt lên trời mà chửi, hoặc nói: “Than ôi! Than ôi! Tam giới luân hồi!”.

Tăng lấy gậy đuổi thì vỗ tay cười to. Một hôm, hỏi Phong Can rằng:

- Gương xưa chẳng bao lâu, làm sao soi chiếu?

- Băng đài không hình bóng.

- Khỉ vượn mò thủy nguyệt (*).

- Đây là chẳng chiếu ssoi, thỉnh Sư nói nữa.

- Vạn đức chẳng đem đến, bảo ta nói cái gì?

Hàn Sơn, Thập Đắc đều làm lễ. Phong Can bảo Hàn Sơn:

- Ông đi dạo Ngũ Đài với ta thì là bạn với ta; nếu không đi, không phải bạn ta.

- Tôi không đi!

- Phong Can nói:

- Ông chẳng phải bạn ta.

Hàn Sơn hỏi Phong Can:

- Ông đi Ngũ Đài làm gì?

- Ta đi lễ Văn Thù.

- Ông không phải bạn của ta.

Phong Can đi Ngũ Đài một mình. Gặp một ông già, Phong Can hỏi:

- Có phải Văn Thù không?

- Há có hai Văn Thù?

Phong Can liền làm lễ. Chợt ông già biến mất. Sau Phong Can trở về Thiên Thai thị tịch.

Hàn Sơn nhân chúng tăng nướng cà, bèn lấy xâu cà đánh vào lưng một vị tăng, tăng quay đầy lại. Hàn Sơn đưa xâu cà hỏi:

- Là cái gì?

Tăng nói:

- Gã điên này!

Hàn Sơn hỏi tăng bên cạnh:

- Ông nói xem ông sư này tốn bao nhiêu tương muối?

Triệu Châu đến Thiên Thai, đi thấy dấu chân trâu. Hàn Sơn hỏi:

- Thượng tọa lại biết trâu chăng? Đây là năm trăm La hán dạo núi.

- Đã là La hán vì sao lại làm trâu.

Hàn Sơn nói:

- Trời xanh! Trời xanh!

Triệu Châu cười ha ha.

Hàn Sơn nói:

- Cười cái gì?

Triệu Châu nói:

- Trời xanh! Trời xanh!

Hàn Sơn nói:

- Chú nhỏ này lại có tư cách đại nhân.

 *

Thập Đắc quét đất, chủ chùa hỏi:

- Ngươi họ gì? Ở đâu?

Thập Đắc buông chổi vòng tay đứng. Chủ chùa mờ mịt.

Hàn Sơn đấm ngực nói:

- Trời xanh! Trời xanh.

Thập Đắc hỏi:

- Ông làm gì vậy?

Hàn Sơn nói:

- Há không nghe nói nhà phía Đông có người chết, nhà phía Tây buồn lây sao!

Rồi vừa múa, vừa cười khóc mà ra.

Thập Đắc lại chăn trâu ở trang xá ca vịnh kêu trời rằng:

- Ta có một hạt châu, chôn ở trong ấm giới không một ai biết cả.

Chúng tăng thuyết giới. Thập Đắc lùa trâu đến, tựa cửa vỗ tay mỉm cười nói:

- Mờ mịt thay! Chụm đầu làm bộ, cái này thế nào?

Tăng nổi giận mắng:

- Đồ hạ tiện khùng điên! Phá sự thuyết giới của ta!

Thập Đắc cười nói:

Không sân tức là giới!

Tâm tịnh tức xuất gia

Tánh ta cùng ông hợp

Tất cả pháp không sai.

Rồi lùa trâu ra, hô tên tăng đời trước. Trâu liền ứng tiếng mà đi qua. Thập Đắc lại nói:

- Đời trước chẳng trì giới, mặt người mà lòng thú. Ngươi nay tạo lỗi này, lại oán hận người nào? Sức Phật tuy rất lớn mà ngươi phụ ơn Phật.

 *

Thần hộ Già lam, thức ăn để dưới Tăng trù cứ bị quạ tới phá. Thập Đắc lấy gậy đánh nói:

- Thức ăn ngươi còn không thể giữ được, làm sao hộ Già Lam?

Thần liền báo mộng cho tăng trong chùa:

- Thập Đắc đánh tôi.

Đến sáng, chúng tăng kể lại mộng, đều thấy như nhau. Bèn đến xem tượng thần, quả nhiên thấy có chỗ bị bể. Ai nấy đều kinh dị, đem trình lên Quận huyện. Quận bảo: “Hiền sĩ dấu vết tích là Bồ tát ứng thân” và gọi là Hiền sĩ Thập Đắc.

 *

Lúc đầu Lư Khâu Dận, sắp nhậm Đan Khâu, bị đau đầu, thuốc men trị chẳng lành; gặp một thiền sư tên Phong Can bảo rằng từ Thiên Thai đến yết kiến sứ quân. Ông kể bệnh mình, Phong Can nói:

- Thân ở nơi tứ đại, bệnh từ huyễn thân. Nếu muốn trừ nó, phải lấy nước sạch.

Rồi đòi bình nước, đọc thần chú phun lên đầu, lập tức hết đau. Dận lấy làm lạ, bèn hỏi xin cho biết sự an nguy từ đây về sau. Phong Can nói:

- Hãy nhớ đến yết kiến Văn Thù, Phổ Hiền. hai vị Bồ tát này, thấy thì chẳng biết, biết thì chẳng thấy. Nếu muốn thấy, chẳng được chấp tướng. Chính là Hàn Sơn, Thập Đắc đang lao dịch ở chùa Quốc Thanh.

Dận đến nhậm chức ba ngày rồi đến chùa Quốc Thanh hỏi:

- Chùa này có thiền sư Phong Can chăng? Hàn Sơn, Thập Đắc là ai?

Tăng Đạo Kiểu đáp:

Phong Can nền cũ ở sau Tàng kinh. Nay vắng vẻ không người. Còn Hàn Sơn, Thập Đắc đang ở nhà bếp.

Dận đi vào phòng của Phong Can, chỉ thấy dấu chân cọp. Lại hỏi:

- Ngài Phong Can hồi ở đây làm gì?

Đạo Kiểu đáp:

- Chỉ phụ giã gạo cúng tăng, rảnh thì ngâm vịnh.

Dận xuống bếp tìm Hàn Sơn, Thập Đắc, thấy đang thổi lửa, rồi vỗ tay cười to. Dận đến lễ bái, hai người quát mắng liên thanh, nắm tay cười to nói:

- Phong Can lắm mồm, Phong Can lắm mồm! Phật Di Đà chẳng biết, lễ chúng ta làm chi?

Tăng chúng ùa đến, kinh ngạc bảo nhau:

- Vì sao tôn quan lại làm lễ hai gã bần sĩ này?

Hai người bèn nắm tay chạy ra khỏi chùa.

Dận khiến đuổi theo. Hai người lại chạy gấp vào Hàn Nham. Dận lại hỏi tăng:

- Hai người này chịu ở lại chùa này chăng?

Rồi bèn sai người tìm thăm hỏi để đem về chùa an trí. Dận trở về quận, cắt may hai cặp áo sạch cùng hương, thuốc ... đem đến cúng dường, nhưng hai vị không về nữa. Sứ liền đến núi đưa lên thấy Hàn Sơn lớn tiếng hét: 

- Giặc! Giặc!

Rồi vào kẽ đá núi, lại nói:

- Báo cho mấy người, nên cố gắng lên!

Kẽ đá tự khép lại, chẳng thể đuổi theo. Còn thập Đắc thì chẳng thấy dấu vết. Sau có tăng đi hái củi ở Nam Phong, cách phía Đông Nam chùa hai dặm gặp một Phạm tăng chống gậy vào núi, gánh một vòng xương nói:

- Lấy Xá lợi của Thập Đắc.

Mới biết Thập Đắc nhập diệt ở đây. Nhân đó gọi núi là Thập Đắc. Dận sai Đạo Kiểu tìm thăm di tích. Ở trong rừng, trên lá cây được thư, từ, tụng của Hàn Sơn và các người trong thôn làng hơn ba trăm bài. Thập Đắc cũng có thơ hơn mấy mươi bài đề trên vách đá miếu Thổ địa, được gom góp thành tập.

Thơ Hàn Sơn:

Nhớ lại mươi năm trước

Thả bộ Quốc Thanh về

Trong chùa ai cũng nói

Hàn Sơn là kẻ si

Si không biết tầm tư

Riêng ta còn chẳng biết

Thì y biết nỗi gì!

Cúi đầu đừng hỏi nữa

Hỏi được lại làm chi?

Có người đến chửi tớ

Tớ biết rõ tức thì

Tuy nhiên không ứng đối

Thế mà được tiện nghi.
 
 

(*) Thủy nguyệt: Trăng trong nước. 
 

50. THIỀN SƯ ĐẠO LÂM

Sư họ Phan quê ở Phú Dương. Mẹ nằm mộng thấy nuốt ánh sáng mặt trời mà có thai, đến khi sanh hương lạ xông khắp nhà, nên đặt tên Sư là Hương Quang. Lên chín tuổi Sư xuất gia, hai mươi mốt tuổi thọ giới. Sau đến Trường An lễ pháp sư Phục Lễ học kinh Hoa Nghiêm, luận Khởi Tín. Pháp sư Phục Lễ dạy bài tụng Chân Vọng, bắt tu Thiền na. Đạo Lâm hỏi:

- Khởi đầu làm sao quán? Làm sao dụng tâm?

Phục Lễ làm thinh chẳng nói. Sư lạy ba lễ lui ra. Sau Pháp Khâm đến cung vua, Đạo Lâm đến yết kiến bèn được chánh pháp.

Sư từ khi được tâm ấn của Pháp Khâm, liền đến chùa Vĩnh Phước ở Cô Sơn, có tháp Phật Bích Chi. Lúc đó đạo tục đang làm pháp hội. Ngài chống gậy đi vào, pháp sư Thao Quang hỏi:

- Đây là pháp hội, sao ông làm ồn thế?

Sư đáp:

- Không gây tiếng ồn ai biết là hội.

Sau Ngài thấy núi Tần Vọng, rặng tùng xoay vòng quanh như bảo cái bèn leo lên ở. Vì thế được gọi là thiền sư Điểu Khòa (ổ chim), lại có một ổ chim khác bên cạnh, tự nhiên quen thuộc, nên Sư còn được gọi là Hòa thượng Thước Sào.

Có Lục cung sứ là Ngô Nguyên Khanh, người Hàng Châu, thông minh mẫn ngộ, vua Hiến Tông rất ưa thích. Một hôm ở cung Chiêu Dương, thấy hoa cỏ tốt tươi, đang bồi hồi thưởng ngoạn chợt nghe trên không trung có tiếng:

- Những tướng hư huyễn, nở rụng không dừng, hay hoại căn lành, nhơn giả đâu nên hưởng chúng.

Nguyên Khanh bừng tỉnh, muốn thoát trần tục, vào năn nỉ vua, vua cho về nhà. Nhân pháp sư Thao Quang yết kiến Đạo Lâm, ông theo thưa:

- Đệ tử bảy tuổi đã ăn chay, mười một tuổi thọ ngũ giới, năm nay hai mươi hai tuổi, định xuất gia nên đã nghỉ làm quan. Mong Hòa thượng độ con làm tăng.

Ngài Đạo Lâm bảo:

- Đời nay làm tăng, ít người chịu tinh khổ, tính hạnh phần nhiều hời hợt.

Nguyên Khanh thưa:

Vốn sạch đâu cần mài giũa

Sẵn sáng không theo chiếu.

(Bổn tịnh phi trác ma

Nguyên minh bất tùy chiếu).

Đạo Lâm nói:

- Ông nếu rõ thể của tịnh trí diệu viên tự không tịch, tức là chân xuất gia, đâu cần tướng bên ngoài. Ông nên làm Bồ tát tại gia, tu bố thí và trì giới, như bọn ông Tôn Hứa đi.

Nguyên Khanh thưa:

- Lý tuy như vậy nhưng chẳng phải chí của con. Cúi mong Thầy từ bi nhiếp thọ, con thể tuân theo lời Thầy dạy.

Thưa thỉnh đến ba lần mà Đạo Lâm vẫn chẳng nhận. Thao Quang khuyên:

- Cung sứ chưa hề lấy vợ, cũng không nuôi thị nữ. Thiền sư nếu không thâu nhận thì ai độ ông ta.

Đạo Lâm bèn cho xuất gia, thọ giới đặt pháp hiệu là Hội Thông. Từ đó ông ngày đêm tinh tấn tụng kinh Đại thừa, tu tập An ban Tam muội. Rồi bỗng một hôm ông từ giã thầy xin đi du phương. Đạo Lâm hỏi:

- Ông định đến đâu?

Ông thưa:

- Hội Thông vì pháp mà xuất gia. Hòa thượng chẳng rủ lòng lòng chỉ dạy, nay con đến các nơi học Phật pháp.

Đạo lâm nói:

- Nếu là Phật pháp, thì trong đây ta cũng có chút ít.

- Thế nào là Phật pháp của Hòa thượng?

Đao Lâm rút một sợi vải trên người, đưa lên thổi. Hội Thông bèn ngộ huyền chỉ, đời gọi là thị giả Bố Mao (lông vải). Hội Thông sau trụ ở Chiêu Hiền, đến đời Vũ Tông phế giáo, ông vào núi sâu ẩn, sau cùng chẳng biết thế nào.

Bạch Cư Dị, tự là Lạc Thiên, đời Đường khoảng 772-846 làm Thái thú Hàng Châu. Niên hiệu Trường Khánh năm thứ hai (822), nhân vào núi yết kiến Đạo Lâm, thấy Ngài ngồi trên ổ chim mới hỏi:

- Chỗ ở của Thiền sư nguy hiểm quá vậy?

Đạo Lâm nói:

- Thái thú còn nguy hiểm hơn nhiều.

Bạch Cư Dị nói:

- Đệ tử địa vị trấn giang sơn, có gì mà nguy hiểm?

Đạo Lâm nói:

- Củi lửa giao nhau, thức tánh chẳng dừng, không nguy hiểm sao được?

Bạch Cư Dị lại hỏi:

- Thế nào là đại ý Phật pháp?

Đạo Lâm nói:

- Các ác chớ làm, những điều thiện vâng làm.

Bạc Cư Dị nói:

- Con nít ba tuổi cũng biết nói thế.

Đạo Lâm nói:

- Con nít ba tuổi tuy nói được mà ông lão 80 tuổi làm không được.

Bạch Cư Dị lại dùng kệ hỏi:

Riêng vào cửa không hỏi khổ không,

Dám đem việc thiền hỏi Thiền ông.

Ngay khi mộng là việc phù sanh,

Hay việc phù sanh ở trong mộng?

(Đặc nhập không môn vấn khổ không,

Cảm tương thiền sự khấu Thiền ông.

Vi đương mộng thị phù sanh sự,

Vi phục phù sanh thị mộng trung).

Đạo Lâm đáp:

Đến thì không dấu, đi không vết

Khi đi và đến, sự giống nhau

Đâu cần lại hỏi việc phù sanh

Chỉ phù sanh này là trong mộng.

(Lai thời vô tích khứ vô tung

Khứ dữ lai thời sự nhất đồng

Hà tu cánh vấn phù sanh sự

Chỉ thử phù sanh thị mộng trung).

Bạch Cư Dị bèn làm lễ mà lui.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn