Hữu Công, Hữu Tội

13 Tháng Mười Hai 201100:00(Xem: 4995)


DỐC MƠ ĐỒI MỘNG
 
Diệu Nga 
Tu Viện Trúc Lâm Canada Xuất Bản PL. 2547 DL. 2003


Hữu Công, Hữu Tội

LTG: tuy dựa vào các dữ kiện thực tế nhưng các nhân vật trong bài hoàn toàn hư cấu.

Lễ Phật Đản mà không được đi chùa là một sự thiếu thốn lớn về tinh thần đối với gia đình bác Tường. Họ là Phật tử thuần thành, hai vợ chồng trường chay cả chục năm nay còn hai đứa con thì tuy “chay đụng” nhưng mỗi tháng cũng ăn được mươi ngày chớ không ít.
Tài, con trai trưởng (mà cũng là con út) trong gia đình lại là mẫu người có lý tưởng, thích hoạt động. Tuy đã ra trường, làm việc mấy năm nay ở thành phố cách đó hơn trăm dặm mà Tài vẫn thường xuyên về lo cho gia đình Phật tử hải ngoại với chức vụ Liên Đoàn Trưởng. Anh không tính gì đến chuyện lập gia đình; đôi vợ chồng già hiểu đạo cũng không ép uổng hay hối thúc chi cả.
Ông Tường hay đùa, lập lại mấy câu kệ của cư sĩ Bàng Uẩn thuở xưa:
Có con trai không cưới vợ,
Có con gái không gả chồng,
Cả nhà cùng nói chuyện vô sanh.
Nhưng không dễ gì được như vậy. Cô con gái lớn của ông phải sắp sửa theo chồng về Atlanta. Phúc, chàng rể tương lai, tốt nghiệp sau Tài mấy năm, đã nhận việc ở đấy. Phúc cũng có đạo tâm, tánh tình điềm đạm nên ông vui vẻ nhận lời cầu hôn, vả lại hai “vai chánh” đã phải lòng nhau từ lâu rồi.
Bữa nay thứ bảy, bà Tường lo làm bánh cuốn từ sáng để đến trưa thì có sẵn cho mọi người ăn. Tài về nhà mỗi tuần không nói chi nhưng hôm nay Phúc cũng bay về thăm vợ sắp cưới nên bà Tường phải làm đặc biệt hơn.
Bánh cuốn hấp chay của bà không thua gì bánh cuốn nhân thịt. Bà bằm củ sắn thật nhỏ, xào với cà rốt, nấm mèo, nấm rơm, gia vị vừa ăn để làm nhưn. Để thay thế hành phi, bà dùng những cọng “leek” (ba rô) thái nhỏ, phi vàng lên cũng thơm lắm. Còn nước tương thì luôn luôn bà thủ sẵn trong nhà mấy chay nước tương trắng hiệu Lá Bồ Đề, pha ra cứ tưởng là nước mắm. Lại thêm món chà bông làm bằng cà rốt giã nhỏ, xào thật khô, màu đỏ au; khi rắc đều lên dĩa bánh trắng ngần thì trông hấp dẫn vô cùng.
Ông Tường cằn nhằn vợ đã chay lạt mà còn bày vẻ ăn uống cầu kỳ, bà bào chữa:
- Thì phương tiện cho con cái ăn ngon, chúng khỏi ngán đồ chay vậy mà.
Người chồng lắc đầu, mái tóc trắng như bông cũng đong đưa theo:
- Vì hai chữ “phương tiện” mà lắm người đi xuống dốc hồi nào cũng không hay đó bà!
Bà vợ làm thinh không trả lời, tiếp tục tráng bánh. Bà thừa hiểu hai chữ “phương tiện” ông dùng để chỉ những chuyện lôi thôi đang xảy ra ở chùa.
Hai chục năm về trước, gia đình ông bà đầu tiên dọn về đây, người Việt mình chưa có ai. Thành phố nhỏ tuy đìu hiu, vắng vẻ nhưng cảnh trí thiên nhiên thơ mộng lắm. Dân chúng địa phương hiền hòa, hiếu khách và sống lành mạnh nên hai ông bà “chọn nơi này làm quê hương” thứ hai của mình.
Dần dần, hãng xưởng mọc lên, lôi cuốn nhiều người đến mảnh đất đầy sông rạch ao hồ ở miền Nam nầy; người Việt tụ về càng ngày càng đông.
Người Việt tha hương mình, hễ vừa an cư lập nghiệp xong là nghĩ đến vấn đề tâm linh. Người theo đạo Chúa thì họp nhau bàn chuyện lập nhà thờ. Nhờ hệ thống tổ chức của Thiên Chúa giáo rất tốt nên chẳng bao lâu họ có nhà thờ Việt Nam để đi xem lễ và sinh hoạt, có ông cha hướng dẫn tinh thần.
Đạo Phật thì chậm chạp hơn. Ban đầu, những người có đạo tâm chỉ họp lại bàn chuyện đạo thôi. Tới ngày rằm hay mồng một thì thay phiên nhau tổ chức những bữa an chay, tụng kinh.
Dần dần, họ lập ra hội Phật giáo với số hội viên thường xuyên không quá hai mươi vị. Số hội viên bất thường thì đông hơn, nhất là vào những dịp lễ lớn như Vu Lan, Phật Đản, họ kéo về tham dự đến bốn, năm chục người làm cho Niệm Phật Đường của hội, vốn là cái nhà xe được sửa lại, trở nên quá chật chội. 
Nhu cầu có một cái chùa được đặt ra rất khẩn thiết. Ai cũng thấy cần một mái chùa để sưởi ấm những tấm lòng tha hương, để làm nơi thờ phượng thiêng liêng, làm phương tiện thuận lợi cho những người muốn tu học.
Thế là ban Vận Động được bầu ra và mỗi người con Phật đều tự cảm thấy có bổn phận phải hô hào, kêu gọi, quyên góp. Những tiệm buôn, tiệm ăn, các phòng mạch bác sĩ, nha sĩ (lúc bấy giờ cũng đã khá nhiều để phục vụ cho năm, sáu ngàn người Việt ở đấy) cũng vui vẻ đóng góp.
Nhiều tay vỗ nên kêu. Với sự quyết tâm của mọi người, chùa L.P. được thành lập. Đó là tòa biệt thự xưa nằm trên thửa đất rộng ba mẫu, ở bìa thành phố. Thật là lý tưởng khi chọn được khu vực này để lập chùa vì cảnh trí u trầm, tĩnh mịch. Những cây cổ thụ tạo nên vẻ cổ kính và đất rộng thênh thang.
Nhưng những người có đạo tâm phải bỏ nhiều thì giờ và công sức để sửa chữa lại tòa nhà trên cho ra vẻ một ngôi chùa. Họ chịu khó nhọc cả năm trời để lần lượt làm lại mặt tiền ngôi nhà, phá bớt vách để làm rộng chánh điện. Lại còn lợp ngói, sơn phết và dựng cổng tam quan. Cuối cùng, lễ Khánh Thành chùa được tổ chức vào đầu thập niên chín mươi, với sự chứng minh của ba vị sư từ California sang.
Ban trị sự của hội Phật giáo cứ hai năm được bầu lại một lần. Đó là những người có uy tín, có nhiệt tâm lo cho chùa hoặc có đạo tâm, được đề cử lên. Không ai chịu ứng cử cả nhưng nếu được đề nghị một cách thiết tha thì họ không từ chối.
Bác Tường nhận làm hội trưởng một nhiệm kỳ, sau đó nhất định rút lui vì ông vốn không muốn dính và chức vụ gì cả, nhưng lúc nào cũng dốc lòng lo Phật sự.
Mọi việc xem như đều tốt đẹp trong mấy năm đầu với sinh hoạt mỗi tháng hai lần vào ngày chủ nhật. Những dịp lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, hội thỉnh thầy ở nơi khác đến để chứng minh, chủ lễ và thuyết pháp.
Hình ảnh chiếc y vàng trong chánh điện thật trang nghiêm, ấm cúng làm cho một số người nảy sinh ra sự ao ước: “phải chi chùa mình có một vị thầy trụ trì thì hay biết mấy!”
Rồi họ thì thầm với nhau:
- Nhà thờ có ông cha, chùa phải có thầy. Như vậy mới phải lẽ.
- Mình toàn là Phật tử với nhau, ai cũng bận đi làm cả thành ra công chuyện chùa đâu người nào bỏ hết thì giờ để chu toàn được.
- Chùa không có người ở thường xuyên dễ bị phá phách, trộm vặt.
- Quan trọng hơn cả là vấn đề tinh thần: con không cha như nhà không nóc vậy.
Thế là vấn đề được chánh thức đặt ra trong một buổi họp rộng rãi.
Trước “khí thế hăng say” của họ, chỉ có bác Tường và một vài người lớn tuổi khác cho ý kiến một cách dè dặt:
- Trên thực tế, hội lập chùa sẵn rồi mời sư đến trụ trì sẽ có những vấn đề tế nhị lắm!
- Làm sao tìm được một vị thầy hữu tài hữu đức, giới hạnh tinh chuyên? Những bậc như vậy đã sáng lập tổ đình, có đệ tử đông vầy, chẳng lẽ bỏ chùa về đây sao?
- Chùa mình người lớn tuổi đông, phải tìm một vị thầy đứng tuổi, có đức độ, Phật tử mới chịu nghe.
- Sau nầy, nếu có sự bất đồng ý kiến giữa vị thầy và hội ở đây, cần giải quyết trên căn bản nào?
Nhưng vấn đề của những vị này đặt ra, trong lúc đó, đối với họ, không đáng để quan tâm. Họ tin rằng nếu tìm được một vị chân tu thì không có gì đáng lo ngại cả.
Thế là bao nhiêu người để tâm tìm kiếm, hăng hái như lúc vận động lập chùa vậy. Đâu chừng một năm sau, ban trị sự báo tin đã tìm được một vị sư đứng tuổi, tu lâu năm, mới từ Việt Nam đi chính thức sang Mỹ. Họ vui mừng rước vị sư đến thăm chùa và bày tỏ ý định thỉnh thầy trụ trì của mình.
Được một vị “đúng tiêu chuẩn” như vậy, họ mừng quá, không cần tìm hiểu xa xôi gì cả về lai lịch, cuộc đời tu hành của ông thầy ra sao. Hơn nữa, vị nầy lại có tài ăn nói nên thu phục sự kính tin của nhóm Phật tử nhiệt thành tại chùa L.P. không mấy khó khăn.
- Quí vị “offer job” cho tôi - vị nầy khá Anh văn nên thường nói chen tiếng Anh vào cho vui – Mà “job” đó như thế nào? Giữ nhà, lo dọn dẹp sạch sẽ trong ngoài hay chuyên gõ mõ tụng kinh?
Một người nhanh nhẩu nói:
- Mô Phật, chúng con cần thầy lãnh đạo tinh thần.
Nhà sư cười:
- Tinh thần của quí vị, quí vị còn chưa làm chủ được, tôi đâu dám lãnh đạo! Lãnh đạo tinh thần là từ ngữ có tính cách chung chung, không cụ thể rõ ràng chút nào.
Ông Hội Trưởng Vạn Niên, người đã tình cờ nhờ sự giới thiệu mà tìm được thầy, giờ mới cung kính đứng lên, chấp tay nói:
- Nam Mô A Di Đà Phật, chúng con thỉnh cầu thầy đến đây để trụ trì chùa.
Nhà sư vẫn làm nghiêm, hỏi tiếp:
- Quí vị thỉnh sư trụ trì nhưng có ai biết ý nghĩa của chữ “trụ trì” không?
Ai nấy đều ngồi im phăng phắt. Mãi một lúc sau, ông thầy mới nói:
- Để tôi giải thích rõ ràng cho quí vị hiểu. Sau khi hiểu rồi, nếu quí vị vẫn còn giữ ý định mời trụ trì, tôi mới hứa khả được.
Vị sư đưa mắt nhìn hết mọi người, chậm rãi nói:
- Trụ, nói cho đủ, là Trụ Như Lai Địa, trì là Trì Như Lai Tạng.
Trụ Như Lai Địa là ở tại đất của Như Lai. Chùa tuy là do bá tánh phát tâm đạo dựng nên nhưng nếu hiểu đạo một chút thì không chấp là của mình mà đem cúng dường Như Lai để làm nơi trụ xứ cho các sứ giả Như Lai.
Lập chùa mà chấp là chùa của riêng một gia đình, một giòng họ hay một hội riêng thì hoàn toàn không đúng nghĩa của tự viện, quí vị hiểu không?
- Dạ hiểu!
Ông thầy gật đầu, tiếp:
- Còn người xuất gia chân chính là một trong Tam Bảo, là người kế thừa sự nghiệp của Như Lai, khi nhận lời trụ nợi nào thì có bổn phận phải duy trì, gìn giữ Như Lai Tạng.
Như Lai Tạng, nói một cách cụ thể, là tất cả những tài sản của Như Lai. Về vật chất thì từ chén cơm đôi đũa cho đến cây kim sợi chỉ trong chùa đều thuộc về Như Lai Tạng vì đó là những phương tiện giúp cho sự tu hành, còn về phương diện tinh thần thì người trụ trì phải biết giữ gìn, chăm sóc, trưởng dưỡng chủng tử Như Lai của mình và của người để làm phát triển đạo nghiệp của Như Lai.
Như người con lãnh gia tài của cha mẹ, không những chỉ biết gìn giữ cho trọn vẹn mà còn phải biết kinh dinh cho sự nghiệp ấy ngày càng phát triển thì mới tròn bổn phận. Cho nên, vai trò của người trụ trì nặng nề lắm và trách nhiệm cũng lớn lao lắm.
Người trụ trì cần ít nhất là hai điều kiện để có thể hoàn thành sứ mạng: một là phải chân thật phát tâm phụng sự Như Lai, hai là cần sự hỗ trợ, tiếp tay của những Phật tử có đầy đủ tín tâm và đạo tâm.
Vậy quí vị nên tự xét lại mình, xem có thể hộ trì Tam Bảo theo tinh thần ấy hay không thì tôi mới có thể hứa khả được.
Trọn buổi họp, gia đình bác Tường không phát biểu một lời nào. Trên đường về, Tài hỏi:
- Ba thấy ông thầy như thế nào?
- Không nên phán đoán người mới gặp, nhất là đối với một vị tăng, con à.
- Con không dám phán đoán hay dở, đúng sai nhưng thấy rõ ràng nhà sư này có một lợi khí sắc bén, đó là tài biện luận. Ông nắm vai trò chủ động một cách dễ dàng.
- Ờ! Ba cũng thấy vậy. Tài năng ấy mà đi đôi với giới đức thì hay lắm. Phật tử có phước mới gặp được. 
Tài không mấy cảm tình với ông thầy. Anh nhún vai:
- Để chờ xem!

***

Cả nhà vui vẻ thưởng thức món bánh cuốn đặc biệt vừa xong. Phúc phụ Thúy dọn dẹp rửa chén trong lúc bác gái xẻ dưa hấu. Tài vừa pha trà vừa đùa nhẹ:
- Anh Phúc, ý quên, anh Hai nè! Chừng nào em sắp cưới vợ chắc phải thọ giáo anh một khóa để biết cách làm rể.
Thúy trả đũa ngay:
- Thọ giáo với anh Phúc mệt lắm đó! Phải học nấu cơm tấm, nấu bún bò Huế, mà cậu thì ngại vô bếp lắm, tôi biết mà!
Tài lắc đầu, nói thầm trong bụng: “Anh Phúc cưới nhằm bà chị mình, bà lanh quá trời!”
Mọi người trở lại bàn ăn đã được lau dọn sạch sẽ để vừa ăn tráng miệng vừa nói chuyện. Gia đình nầy có nếp quây quần trò chuyện với nhau sau bữa ăn hoặc cuối tuần. Thói quen ấy giúp cho người trong nhà luôn luôn gần gũi và hiểu biết nhau.
Bỗng có tiếng chuông reo. Tài đứng lên đi mở cửa. Tưởng ai, hóa ra bác Vạn Niên, cựu hội trưởng và bác Tâm, vốn là thơ ký của hội.
Bác Tường đứng lên đón khách:
- Mời “nhị vị” vào đây!
Phúc và Thúy định rút lui thì bác Niên vội nói:
- Hai cháu ở lại đây, cả cậu Tài nữa. Hôm nay chúng tôi đường đột tới thăm gia đình anh chị Tường, may mà gặp các cháu đủ cả.
Cả nhà ngơ ngác, không biết bác cựu hội trưởng muốn nói gì.
Bác Tâm có vẻ tình tĩnh hơn, tiếp lời: 
- Chúng tôi muốn xin ý kiến của gia đình anh chị về dự định sắp tới của chúng tôi. Chuyện này quan trọng lắm. Xin giữ kín dùm.
Trong khi Phúc, Thúy chưng hửng không biết ất giáp gì, Tài xây mặt chỗ khác cố giấu nụ cười vì chính anh là “nội ứng” của hai người khách nầy.
Bác Tường trai vẫn thản nhiên còn bác gái có vẻ lo ngại. Ông chủ nhà mời mọi người dùng nước để làm bầu không khí trở lại bình thường.
Một hồi sau, bác Niên mở đầu câu chuyện: Cách đây ba năm, chắc quý vị cũng còn nhớ, chính tôi là người tìm được thầy N.N. về đây trụ trì chùa mình.
Mới đầu, ai cũng kính phục ổng hết, vì ổng ăn nói hay quá. Ổng biểu gì ai nấy điều răm rắp tuân theo. Được thể, càng ngày ổng càng độc tài và làm những chuyện chướng tai gai mắt hết sức.
Bác gái vốn là một Phật tử ngoan hiền, bà không muốn nghe ai nặng lời phê phán một vị tăng nên dịu dàng cất tiếng:
- Thì thầy cũng như cha mẹ, phận mình là con phải vâng lời.
Bác Tâm cãi lại ngay:
- Xin lỗi chị nghe! Vì cha mẹ có công sinh thành dưỡng dục nên dù cha mẹ khó khăn nghiêm khắc gì mình cũng phải cúi đầu cam chịu. Còn đằng nầy chúng ta tạo sẵn cơ ngơi rồi ổng về làm cha mình, ai chịu nỗi!
Ông Vạn Niên nói thêm:
- Phật tử mình bỏ công của trong mấy năm trời mới dựng nên ngôi chùa. Ổng về, cái gì cũng chê, phải phá bỏ làm lại đủ thứ tốn tiền biết bao, thật là phí phạm của thường trụ. Nội cái hàng rào quanh chùa cũng tốn cả chục ngàn, nói chi cổng tam quan, rồi vườn cây kiểng, hòn non bộ… Phật tử cứ phải đóng góp hoài ai cũng than van.
Rồi bác chép miệng:
- Phải chi tiền đó mình đem trả nợ nhà băng thì giờ nầy khỏe lo rồi. Nghĩ lại càng thêm tức, ban trị sự bù nhìn do ổng lập ra, họ không dám có ý kiến gì hết! Họ chỉ có quyền mỗi tháng mở thùng phước sương đếm tiền rồi ký trả tiền nhà và đủ thứ hóa đơn thôi! 
Ông Tâm tiếp lời:
- Kể cũng lạ! Hồi đó tiền trong thùng phước sương mình chi xài đủ thứ rồi cũng còn dư. Bây giờ có tháng thiếu trả tiền nhà, phải kêu gọi đóng góp thêm.
Bác Tường ngồi đăm chiêu: Những điều họ kể ra chẳng phải là bác không biết nhưng đối với một sự việc, nếu nhìn ở khía cạnh nầy là đúng, ở khía cạnh khác lại sai nên bác không muốn những đạo hữu nầy “tố khổ” thầy, e phải tội. Bác đỡ lời:
- Trên thực tế, hồi trước chùa không có sư, ai cúng chùa cũng bỏ hết vô thùng phước sương thành ra nhiều tiền, bây giờ có thầy, nhiều người cúng riêng cho thầy mà không cúng chùa nên tiền trong thùng ít đi là phải rồi.
Ông Tâm nhún vai:
- Đó! Đó! Chỗ tôi muốn nói là thầy không biết điều. Người ta cúng cho thầy, thầy bỏ túi xài riêng còn nợ nần thì Phật tử hè nhau mà trả. Năm nào ổng cũng về Việt Nam. Người ta đồn ổng có vợ con ở bên đó!
Bác Tường không ngờ có kẻ bạo miệng đồn như vậy nên ông muốn chấm dứt câu chuyện ngay. Giọng ông chắc nịch:
- Mô Phật! Nói có sách, mách có chứng, mình còn hổng dám tin huống hồ họ đồn khơi khơi vì ác cảm. “Tội tùng khẩu xuất”, các anh ơi!
Bác Vạn Niên vẫn còn xẳng xái:
- Ờ, chuyện bên Việt Nam mình không biết thì đừng nói, còn chuyện ở đây, nếu chúng tôi có bằng chứng, anh nghĩ sao?
- Bằng chứng gì?
- Số là sau hai năm ông thầy tung hoành như chỗ không người, chúng tôi chướng mắt lắm nên năm rồi, sẵn cháu Lệ Xuân của tôi từ Việt Nam mới sang, tôi nhờ cháu dùng mỹ nhân kế, dụ ông vào tròng. Bây giờ có bằng chứng hẳn hoi.
Cháu tôi vốn có máu “điệp viên” nên khi tôi ngỏ ý nhờ nó “thử ông thầy”, nó chịu liền, cháu trẻ đẹp lại dạn dĩ nên thành công không khó.
Tài nghe nhắc đến Lệ Xuân, lòng xao xuyến. Anh chú ý đến cô mà thấy lúc nào cô cũng quấn quít bên ông thầy nên tức lắm. Giờ nghe bác Tâm thố lộ kế hoạch “mỹ nhân kế”, anh thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ Lệ Xuân cũng là lý do thầm kín khiến anh ghét ông thầy, muốn tiếp tay đẩy ông đi nơi khác cho khuất mắt.
Thúy nghe câu chuyện đã đến hồi gây cấn nên xen vào hỏi:
- Kế hoạch ấy ra sao, thưa bác?
Được người hỏi tới, bác Tâm càng hứng chí hơn:
- Ờ, thì nó từ Việt Nam mới qua, lấy cớ là cần người dạy Anh Văn mà chưa quen ai, nhân biết thầy có bằng cử nhân Anh Văn nên nhờ thầy dạy kèm giùm. Thầy gật đầu một cái là nó có cớ lân la bên thầy, giờ nào rảnh là nó chạy lại chùa, bất kể sáng, trưa, chiều tối.
- Chính tôi nhìn xem thấy rõ ràng tối hù rồi mà thầy còn mở cửa cho Lệ Xuân vào. Giờ đó có Phật tử nào ở trong chùa đâu!
Tài nghe nóng mặt:
- Trong chùa có chú tiểu Minh Mẫn tập tu mà!
- I da! Thằng bé đó khật khùng thì biết gì, cậu ơi!
Bà Tường cảm thấy choáng váng, bà không muốn dính vào câu chuyện tày trời nầy nên thối lui:
- Lạy Phật! Mình là Phật tử, không nên có âm mưu phá thầy như vậy. Tội nầy đọa địa ngục A-Tỳ chớ chẳng nhỏ.
Ông Vạn Niên cắt nghĩa:
- Người ta thường nói: “Lấy đá thử vàng, lấy vàng thử đàn bà, lấy đàn bà thử đàn ông”. Có thử thách mới lộ ra bộ mặt thật chớ thấy ai mặc áo nhà tu mình cứ nhắm mắt cúi đầu lạy bừa thì gặp kẻ giả tu, họ tha hồ làm bậy, chỉ hại cho Phật pháp. Đây chỉ là phương tiện thôi, chị à.
Bây giờ chúng tôi có đủ bằng chứng rồi cho nên định nhân dịp Phật Đản nầy, sau khi làm lễ xong xuôi, sẽ lột mặt nạ đạo đức giả của ông thầy rồi mời ông ra khỏi chùa luôn. Tôi xin ý kiến của gia đình anh chị, xem có nên làm như vậy hay là chọn một giải pháp nào êm thấm hơn?
Ông Tường làm thinh. Trả lời có nghĩa là đồng ý với âm mưu của họ. Chuyện lôi thôi nầy ông biết có thể xảy ra, nên đã nêu vấn đề trước khi họ mời thầy mà lúc đó đâu ai chịu nghe.
Không khí trong nhà trở nên căng thẳng, nặng nề. Phúc muốn tạo sự hòa dịu nên giơ tay xin phát biểu:
- Cháu ở xa không hiểu rõ sự việc ra sao, đúng sai như thế nào nhưng ví dụ chuyện nầy có thật đi nữa, chúng ta cũng không nên bêu xấu một người tu sĩ. Chỉ nên giải quyết trong nội bộ thôi.
- Chúng tôi cũng không có ác ý đó nhưng chỉ ngại mồm mép của ổng, ổng có thể lật ngược thế cờ như chơi nếu trong buổi họp chỉ độ mười người.
Bác Tường không muốn dây dưa nữa, ông nói:
- Xin lỗi hai anh, chúng tôi không dám dự vào chuyện nầy và đã dự định không đi dự lễ Phật Đản năm nay.
Hai người khách biết ý chủ nhà, đành đứng lên cáo từ, lòng không vui vẻ chi.

***

Lệ Xuân ngồi soi gương. Ánh nắng ban mai xuyên qua cửa sổ khiến cô thấy rõ hình ảnh mình hơn. Cô lắc đầu, nhắm mắt lại như một sự chối từ. Nàng không ngờ chỉ sau một tuần lễ mất ngủ, hình dung của mình lại tiều tụy đến thế.
Còn đâu làn da trắng hồng tạo sự rạng rỡ cho tuổi đôi mươi, đôi mắt mơ màng đẹp như nhung từng làm xao xuyến bao chàng trai trẻ bây giờ trở nên đờ đẫn, đỏ ngầu với hai quầng thâm sâu hoắm ở bên dưới.
Nàng cầm lược chải tóc. Mái tóc như cũng đồng lỏa phản bội nhan sắc của nàng, nó không còn mềm dịu trơn láng nữa; suối tóc như cạn khô nhựa sống với những sợi rời rạc, cúng đờ.
Lệ Xuân buồn rười rượi. Bây giờ nếu ai gặp lại đương kim Á Hậu hội chợ Tết Saigon chắc họ phải giật mình. Không ngờ sang Mỹ mới năm tháng mà nàng biến đổi đến thế. Nhưng thành thật với lương tâm, Lệ Xuân nghĩ mọi sự đều do mình tạo tác cả, nhân quả nhãn tiền đây mà.
Với nhan sắc mỹ miều, cô gái nào không kiêu hãnh, nhất là các cô ở Việt Nam mới sang, được thanh niên săn sóc đặc biệt lắm. Nào Lộc, nào Huỳnh, nào Quốc và sáng giá nhất là kỹ sư Tài, liên đoàn trưởng Gia đình Phật tử tại đây nhưng Lệ Xuân vẫn thấy lòng dửng dưng; có lẽ vì cô đang ôm ấp mộng làm người mẫu. Cô muốn sang Cali, nơi đó sắc đẹp của cô có cơ hội được nhiều người biết đến và không chừng cô sẽ được mời đóng phim, bước lên đài danh vọng mấy hồi.
Lệ Xuân không định lưu lại nơi vùng nầy lâu, nếu ba mẹ nàng không chịu sang Cali thì nàng sẽ đi một mình, bên ấy đã sẵn có bạn bè, bà con. Bởi thế, khi bác Hai Tâm ngỏ ý nhờ nàng dùng kế mỹ nhân để thử thầy N.N., nàng bằng lòng ngay, với nhiều phấn khởi; xem đây như một trò chơi thú vị.
Thầy N.N., theo lời bác Hai nói, vào khoảng năm mươi tuổi, có tài biện luận, thích chỉ huy và đôi khi rất độc tài nên Phật tử ở đây không mến. Họ mong có cơ hội mời thầy đi chỗ khác, nếu Lệ Xuân giúp họ thì công nầy rất lớn. Nàng hãnh diện nhận lãnh vai trò nầy, như một kịch sĩ lần đầu tiên ra sân khấu mà được thủ vai chánh.
Khi Lệ Xuân được gặp thầy N.N., nàng cảm thấy thích thú trong “công tác” hơn vì dưới mắt nàng, vị thầy tu nầy rất hoạt bát, vui vẻ, nhiều nam tính và trẻ hơn tuổi nhiều. Dáng người cao ráo, làn da ngâm ngâm, đôi mày rậm hơi xếch biểu lộ sự cương quyết, đôi mắt sáng đầy nghị lực. Nơi thầy toát ra vẻ hiên ngang của một dũng tướng; khi thầy mở miệng nói thì người đối diện bị thu hút ngay, không chỉ vì âm thanh trầm hùng, vì ngôn từ lưu loát mà còn vì cái miệng của thầy có duyên. Thầy như không vướng bận điều chi, không gì có thể ràng buộc được thầy.
Sau lời thưa thỉnh, thầy N.N. nhận lời dạy Anh Văn cho Lệ Xuân với một yêu cầu: Lệ Xuân phải dạy chữ Việt cho chú tiểu Minh Mẫn. Chú đã mười tuổi rồi nhưng vì bịnh chậm phát triển nên ngu ngơ như đứa trẻ lên năm. Cha mẹ cho chú theo thầy từ lúc thầy mới nhận chùa.
Thầy nói:
- Chùa chỉ có một thầy, một trò mà công chuyện thì nhiều lắm. Nếu con phụ giúp lo kèm cho tiểu Mẫn học, thầy mới có thì giờ dạy con thêm về môn Anh văn.
Thế là nàng có cớ để đến chùa thường xuyên, dĩ nhiên là vào những ngày thường, ít Phật tử vãng lai.
Thầy N.N. nói tiếng Anh lưu loát và đúng giọng lắm. Vào những ngày lễ có khách ngoại quốc đến dự, thầy tiếp họ rất thoải mái, tự nhiên.
Ban đầu, Lệ Xuân được dạy về luyện giọng, tập phát âm cho đúng từng chữ rồi sau đó mới ráp lại thành câu.
Thầy N.N. tự nhiên lắm. Thầy nói, cười, pha trò một cách hồn nhiên và lại tận tâm dạy nên ở gần thầy, đầu óc Lệ Xuân không thể nảy sinh những ý nghĩ xấu xa; nàng lại bị cuốn hút vào sự học tập ngày càng tiến bộ.
Hai tháng trôi qua, chưa thấy động tịnh gì, bác Tâm sốt ruột hỏi thăm, Lệ Xuân đành nói dối:
- Cá sắp cắn câu! Con đến giờ nào thầy cũng tiếp, con trở thành khách quí của thầy rồi. Để con thử đến vào buổi tối, xem thầy mở cửa không? 
Thế rồi Lệ Xuân lựa những đêm tối trời, lần mò đi đến chùa, bác Tâm rình xem bên ngoài. Ông há hốc mồm thiếu điều muốn la to khi thấy cửa chùa xịch mở rồi đóng ập lại liền sau đó.
Nhưng bác không hề biết rằng chính tiểu Mẫn mở cửa cho Lệ Xuân vào. Thầy dạy chú tiểu lấy sẵn tập vở chờ “cô giáo” đến.
Đêm nào sự việc cũng xảy ra y như vậy. Lệ Xuân hỏi dò:
- Thầy đâu rồi?
Chú tiểu lắc đầu:
- Không biết!
Lần nào chú tiểu cũng trả lời y như thế, Lệ Xuân thấy bực, không thèm hỏi nữa. Nàng bảo tiểu Mẫn tập viết rồi lân la đi tìm thầy. Với ý nghĩ không chánh đáng trong đầu, tim nàng đánh lô tô trong lòng ngực.
Có khi nàng gặp thầy đang tụng kinh trên chánh điện, có lúc thấy thầy đang thiền hành. Khung cảnh tôn nghiêm làm Xuân đành rút lui với lòng hổ thẹn.
Một hôm, như thường lệ, Xuân lại đi rình xem thầy ở đâu. Chánh điện vắng bóng thầy. Khắp nơi đều im phăng phắt; tiểu Mẫn thì đang nặng óc làm bài toán khó. Lệ Xuân chắc chắn thầy đang ở trong phòng riêng. Đây là cơ hội tốt mà nàng chờ đợi từ lâu. Tay chân nàng bỗng nhiên run rẩy, cơ hồ đứng không vững. Nhưng hình ảnh bác Tâm hiện ra với những lời thôi thúc, những câu nói kích thích lòng tự ái và sự kiêu hãnh của nàng. Không suy nghĩ gì thêm, Lệ Xuân đánh bạo tiến về phương trượng, nhẹ tay gõ cửa.
Không có tiếng trả lời, cửa không khóa. Lệ Xuân run tay đẩy nhẹ cánh cửa. Phòng tối om. “Chắc ổng không có ở trong!” Nàng tần ngần ở đấy một hồi; lòng vừa tiếc rẻ, vừa mừng cho mình tránh khỏi một trọng tội. Trước khi thoái lui, Lệ Xuân định thần nhìn kỹ lần nữa ở bên trong. Lạ chưa! Thầy đang ngồi ở giữa phòng trong tư thế kiết già, trên đầu thầy như tỏa vòng hào quang.
Lệ Xuân có đầu óc khoa học nên không tin những phép lạ, thần thông; nàng cho rằng có lẽ vì sự tưởng tượng quá mạnh mà nàng thấy thế thôi.
Đêm ấy trở về, Lệ Xuân không ngủ được. Trằn trọc mãi với những ý nghĩ phải quấy, tội phước, nàng không biết mình nên dừng trò chơi nầy hay nên tiếp tục. Cuối cùng, lòng tự kiêu lại khống chế nàng: “Ông cố ý trốn tránh mình, thế là trong lòng ổng có cái gì rồi! Nếu không tấn công mạnh thêm thì làm sao mình thắng được?”
Thế là nàng phải bịa chuyện để báo cáo với bác Tâm. Ông hỏi: “Con cần gắn máy thâu âm trong người để có bằng chứng không?”
Nàng ngần ngừ: “Sao cũng được!”
Tháng sau đó, Lệ Xuân sắp đặt sẵn trong đầu những lời đối đáp, những câu hỏi bằng Anh văn để khi trả lời, thầy có thể lọt vào bẫy hầu có băng giao cho bác Tâm. Chấm dứt được công tác nầy, nàng sẽ bay qua Cali ngay, cho yên chuyện.
Vốn đã có sẵn căn bản về từ ngữ và văn phạm, sau bốn tháng học tập đều đặn, Lệ Xuân đã có thể nghe và nói những câu thông thường. Nàng sẽ lợi dụng thời giờ đàm thoại để hỏi thầy những câu “gay cấn” mà chắc chắn nàng sẽ không bao giờ dám mở miệng nói bằng tiếng mẹ đẻ. Nếu thầy bắt lỗi hay rầy rà thì nàng sẽ giả lả rằng “chỉ là một sự thực tập nói tiếng Anh thôi, không có dụng ý gì cả!” Vả lại cách xưng hô bằng Anh ngữ “I” và “you” rất dễ dàng và gần gũi, không quá nghiêm trang như khi gọi “thầy” và xưng “con”.
Sáng hôm ấy, nàng trang điểm khá cẩn thận. Không lòe loẹt diêm dúa nhưng kín đáo khêu gợi, Lệ Xuân tô phơn phớt chút phấn hồng trên gương mặt trái xoan trắng mịn. Đôi hoa tai nhỏ xíu bằng hạt trai màu xám sậm đi cùng bộ với xâu chuỗi ôm sát cái cổ tròn trịa, trắng ngần. Chiếc áo sơ mi màu lá mạ non làm cho đóa hoa anh đào trên môi nàng thêm tươi mát. Chưa đủ, phải buông vài lọn tóc đong đưa như tơ liễu và bôi tí nước hoa Chanel vào suối tóc óng ả chảy dài trên tấm lưng thon.
Giờ nầy cả nhà đều đi khỏi. Ba mẹ quần quật đi làm bảy ngày một tuần, hết ca ngày đến ca đêm, đâu ai ở không mà để ý đến việc làm của nàng. Biết con đến chùa học Anh văn và dạy chữ Việt là tốt rồi, không cần hạch sách lôi thôi gì cả. Các em thì đứa nào cũng ngán chị Hai, đâu dám theo dõi rình mò.
Lệ Xuân đứng uốn éo ngắm mình trong gương lần nữa trước khi bước ra khỏi nhà. “Nhan sắc nầy đáng lẽ phải đoạt giải hoa khôi! Ban giám khảo thiên vị rõ ràng, ai cũng bảo thế”. Nàng tự nhủ với lòng kiêu hãnh.
Bên ngoài, nắng vàng tràn ngập đường phố giờ đã trở nên vắng vẻ. Tuy sắp chuyển sang hè mà cây cỏ vẫn còn xanh tươi, hoa vẫn còn chen với lá. Chùa không xa lắm nên Lệ Xuân thích đi bộ để nhìn ngắm thỏa thuê: Nầy là giòng sông nhỏ in bóng trời xanh, nọ là đàn chim nhởn nhơ bay lượn, cả đến con đường đất dành riêng cho người đi bộ cũng nở đầy hoa dại xen lẫn vùng cỏ biếc.
Trong cảnh trí hữu tình, Lệ Xuân bỗng nảy sinh ra một ước mơ: phải chi có người yêu đi dạo với mình trong buổi sáng tươi đẹp nầy! Tâm lý nàng chẳng biết có lạ lùng chăng khi những người theo đuổi nàng, Lệ Xuân chẳng phải lòng ai cả.
Đột nhiên, hình ảnh của người ấy hiện ra, hiên ngang như chưa bao giờ chịu khuất phục và cao vời như áng mây. Nàng khẽ ngâm: “Chàng như mây mùa Thu”. Không, người ấy không trầm buồn man mác như mây xám chập chùng mùa Thu. Người như một vầng mây sáng rỡ chung quanh mặt trời rạng đông, tinh khiết như cụm mây trắng ngần giữa bầu trời thiên thanh…
Lệ Xuân không dám tin ở lòng mình nhưng ý nghĩ oái oăm nầy một khi đã xuất hiện thì bám riết tâm tư nàng như chứng bịnh nan y…
Buổi học Anh văn sáng nay diễn ra như thường lệ. Thầy N.N. vẫn tươi cười, điềm tĩnh như mọi hôm. Hình như ông không chú gì đến sự khác thường của Lệ Xuân. Hôm nay, theo chương trình, thầy trò sẽ đối thoại, đề tài tự do. Khác với những lần trước, kỳ này Lệ Xuân nắm phần chủ động để chuyển câu chuyện theo hướng định sẵn của mình.
Sau những lời thăm hỏi xã giao, Lệ Xuân mạnh dạn bắt đầu ngay:
- Nếu thầy (you) không phiền, tôi (I) xin hỏi vài câu thuộc lãnh vực tu hành.
- Cô cứ hỏi.
- Phải chăng người tu không có trái tim? Họ muốn biến thành tượng gỗ ngồi trên bàn thờ?
- Cô nghĩ sai rồi. Nếu không có trái tim, không biết xúc động, không biết thương yêu, người ta không thể tu được.
- Thế trái tim của thầy có xúc động không khi biết có người thương thầy?
Thầy N.N. có vẻ tránh né:
- Ai thương tôi, tôi cũng cám ơn.
Giọng Lệ Xuân tha thiết hơn:
- Nếu tôi nói thương thầy, thầy có dành chút tình cảm nào cho tôi không?
- Tôi cũng thương cô như thương tiểu Mẫn vậy.
- Không có gì đặc biệt hơn sao?
- Đối với tôi, mọi người đều như nhau. Sự thương ghét không thành vấn đề quan tâm.
Lệ Xuân thất vọng.
- Tôi nghĩ rằng người tu không còn chút tự do. Họ không dám làm những gì họ muốn.
Thầy vẫn bao dung:
- Cô lầm rồi! Người tu, theo đúng nghĩa, là kẻ thoát khỏi vòng nô lệ của dục vọng. Họ luôn luôn làm chủ được chính mình.
Nói xong, thầy chuyển đề tài ngay và điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
Sau buổi học hôm ấy, Lệ Xuân về nhà với những bước chân nặng chĩu. Tình cảm trái ngang khi không được đáp ứng, lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ. Từ đó, cô không đến chùa nữa. Bệnh tương tư làm cơ thể cô ngày càng héo gầy.
Lệ Xuân đã trao cuốn băng cho bác Tâm, như đã xong phận sự. Cô nghĩ rằng những lời đối đáp trong băng vô hại. Nhưng cô không dè bác Hai Tâm là người mưu sĩ, bác sửa đổi, cắt xén, ráp nối sao đó mà tuyên bố rằng đã có bằng cớ để “lột mặt nạ” ông thầy.
Bác Tâm và ông Vạn Niên đã hẹn nhiều người đến chùa vào đêm 14 tháng 4 âm lịch để thấy sự thật. Bác dặn thế nào Lệ Xuân cũng phải hiện diện để làm chứng nhân.
Thấy Lệ Xuân định thối thoát, bác tiết lộ bí mật: “Cháu đừng lo, cuộn băng cháu đưa cho bác, bây giờ trở nên lâm ly, trữ tình lắm, mình không thua cuộc đâu!”
Sự tiết lộ của bác làm Lệ Xuân đau khổ và hối hận quá. Nàng vừa yêu, vừa kính phục người ấy đâu thể tiếp tay bêu xấu người với bằng chứng giả tạo được. Nhưng mà nàng cũng không dám sửa sai bác Tâm trước đám đông. Bác là người đã bảo lãnh gia đình nàng sang Mỹ, nợ máy bay còn thiếu bác chưa trả xong kia mà!
Sự dằng co mâu thuẫn trong nội tâm làm nàng mất ngủ cả tuần khiến thân thể võ vàng, tâm thần bất định. Nhưng mà đêm nay, Lệ Xuân đâu thể vắng mặt được. Nàng đành miễn cưỡng sửa soạn qua loa, bác Tâm đang chờ ngoài xe với từng hồi còi hối thúc.
Đêm nay, nhiều Phật tử đến chùa giúp thầy chuẩn bị lễ Phật Đản vào ngày mai. Đèn đuốc sáng choang, không khí vui vẻ rộn rịp. Nhưng nếu tinh ý, người ta sẽ nhận ra có hai thành phần rõ rệt. Nhóm Phật tử vô tư thì lúi húi trong công việc còn phe “đảo chánh” thì mang bộ mặt nghiêm trọng, chỉ đi tới đi lui quan sát hay ngồi rỉ tay mấy cụ già.
Lệ Xuân kín đáo đi tìm thầy. Thầy cũng bận trang hoàng chánh điện với nhóm thanh niên Phật tử, có cả Tài ở đấy. Tiểu Mẫn gặp lại nàng, tỏ vẻ mừng rỡ, chấp tay chào: “Thưa cô giáo!”. Trông nó sáng sủa hẳn ra và không có vẻ gì là khờ khạo ngu ngơ cả.
Đang lúc Lệ Xuân nói chuyện với tiểu Mẫn, bác Vạn Niên lớn tiếng mời mọi người đến họp ở trai đường với lý do: “Có chuyện khẩn cấp, vô cùng quan trọng!”
Đa số đều ngơ ngác, do dự. Họ đi tìm thầy để thỉnh ý thì chợt khám phá rằng thầy không có mặt ở trong chùa nữa. Nhóm thanh niên đang làm việc với thầy hoang mang hơn hết vì mới năm phút trước đây, thầy còn chỉ họ làm đèn xếp, lau dọn chánh điện và chuẩn bị nơi làm lễ tắm Phật, rồi vui miệng thầy nhắc lại nghi thức tắm Phật với từng chi tiết một.
Mới đây mà thầy đâu rồi? Người ta tủa ra đi tìm thầy từ trong đến ngoài. Chiếc xe “con cóc” già nua cũ kỹ của thầy, do một Phật tử cúng dường, cũng còn đậu yên tại chỗ. Tài phóng nhanh vào phòng thầy: Mọi thứ vẫn còn y nguyên, cả đến cái túi vải nâu mà thầy hai đeo trên vai khi cần đi công chuyện Phật sự cũng còn máng trên vách.
Mỗi người có một ý nghĩ khác nhau: Lệ Xuân thở phào nhẹ nhõm; nhóm “đảo chánh” hớn hở cho rằng thầy bỏ trốn; còn đa số Phật tử hay lui tới chùa thì tin rằng thầy có phép thần thông.
Rồi tất cả ngồi lại với nhau để bàn bạc. Bác Vạn Niên đứng lên với ý định chủ động buổi họp nhưng ông chưa kịp mở lời thì tiểu Mẫn đưa ra một bức thư: Thư của thầy.
Tài lãnh phần đọc thư vì anh có giọng nói lớn và rõ ràng dễ nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Kính thưa quí Phật tử,
Cách đây ba năm, vì cảm lòng thành của quí vị, tôi đã nhận lãnh chứ vụ trụ trì tại chùa L.P. Nhưng trước khi hứa khả, quí vị còn nhớ tôi đã nói gì không?
Thưa, tôi đã nói rằng: “Nếu những ai có công lập chùa mà còn chấp đó là chùa riêng của mình thì nơi đó không phải đất của Tam Bảo. Phật Pháp Tăng là của mọi người nên Tam Bảo địa cũng là của mọi người, không thuộc về riêng ai. Sau mỗi thời kinh, khóa lễ, chúng ta luôn luôn hồi hướng:
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
Hồi hướng, ở phương diện nào đó, cũng có nghĩa là xả bỏ, không chấp mình có làm việc thiện, cũng không chấp có việc thiện, có công đức đã làm. Phải xả bỏ những cái hạn hẹp, riêng rẽ như vậy mới có thể phát tâm Bồ Đề rộng lớn được.
Bao giờ chúng ta còn chấp giữ, bấy giờ chúng ta còn sai lầm, còn phiền não.
Ngày mai là ngày kỷ niệm Phật Đản sanh, nếu quí vị muốn cứ hành lễ Khánh Đản, xin nhớ rằng đức Phật không thể đản sanh trong những tâm hồn u tối, si mê. Hãy sám hối một cách chân thành nếu xét thấy mình đã có ý nghĩ, việc làm, ngôn ngữ không đúng chánh pháp. Công đức sám hối mầu nhiệm này sẽ giúp tâm hồn quí vị trở nên an ổn, hầu có thể tiến tu và tiếp tục bồi công lập đức, lợi mình lợi người.
Bấy lâu nay, nhiều vị đã phát tâm cúng dường cho tôi, tôi đã theo lời Phật dạy, vì quí vị mà bố thí cho những người nghèo đói, tật bịnh, những kẻ khốn khổ bơ vơ nhưng cho đến nay, số tiền còn lại cũng khá. Đạo hữu Tường Vân (bác Tường) sẽ thay tôi giao số tiền ba mươi tám ngàn cho Ban trị sự đương nhiệm. Quí vị có thể dùng tiền này trả dứt nợ ngân hàng vì làm Phật sự mà lo nghĩ quá nhiều về nợ nần tiền bạc thì sự tu tập sẽ trở thành thứ yếu.
Trong tương lai, chùa sẽ có một vị tân trụ trì. Vị này không xa lạ gì đối với quí vị. Tuy là người mới phát nguyện xuất gia nhưng thiện căn phước đức của vị ấy đã chứa nhóm từ nhiều đời nhiều kiếp.
Còn tiểu Mẫn giờ đã bình phục. Đạo hữu Minh Thái có thể đem con về cho cháu đi học. Sau nầy nếu cháu phát tâm xuất gia thì rất tốt.
Nhân duyên của tôi đối với Phật tử tại đây đã mãn nhưng chắc chắn rằng tôi sẽ luôn luôn ủng hộ quí vị.
Văn bất tận ý. Kính chúc quí vị thường giữ thiện tâm, thường tu chánh pháp y như lời Phật dạy cho đến khi viên mãn quả Bồ Đề.
Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát.
Tỳ Kheo Nhật Nguyệt.
Tài toát mồ hôi trán khi đọc xong bức thư. Mọi người đều im lặng vì không dám làm kinh động sự xúc cảm đầy thiêng liêng đang lan tỏa nơi đây.
Phe “đảo chánh” lặng lẽ xấu hổ, lại thầm cám ơn nhà sư đã tránh cho họ khỏi phạm tội phỉ báng một vị chơn tu. Lệ Xuân lẻn ra sau bếp ngồi ôm mặt khóc tức tưởi. Cô không rõ tâm trạng mình, chỉ muốn khóc cho thỏa. Nhiều người mến thầy quá cũng lặng lẽ sụt sùi vì sự chia ly quá đột ngột. Họ lại có dịp thần thánh hóa nhà sư: Chắc ngài là Bồ Tát thị hiện, ngài là bậc Thánh tăng hiếm hoi trong thời mạt pháp…
Ông Vạn Niên thì thầm bên tai bác Tâm: “Chúng mình có mắt như mù!” Rồi ông kêu gọi mọi người làm lễ sám hối. Tất cả đều hưởng ứng với lòng chí thành.
Sau đó, Ban trị sự phân công cho mọi người để tiến hành lễ Phật Đản vào ngày hôm sau. Ai cũng nức lòng với Phật sự vì hình ảnh chân tu sáng ngời trong tâm tư họ, như một ngọn đuốc soi đường.
Tài về đến nhà lúc nửa đêm. Trăng rằm tháng tư sáng vằng vặc trên bầu trời trong veo, soi tỏ cả sân nhà, phản chiếu trên những viên sỏi bóng ngời. Anh nghe mùi trầm hương lan tỏa rất nhẹ trong không khí. Anh hít thở thật sâu như muốn tận hưởng sự tinh khiết, an lành đang bao phủ chung quanh.
Chàng thanh niên chậm rãi bước vào nhà. Ba anh đang tĩnh tọa trước bàn thờ Phật. Anh rón rén bước chân, không dám làm xao động sự trang nghiêm thanh tịnh ở đây.
Mẹ anh vẫn còn thức, có lẽ bà đang chờ anh về. Nhìn vẻ mặt của mẹ, anh biết bà có điều muốn nói. Nhưng Tài còn có chuyện quan trọng hơn để hỏi:
- Ba có giữ ba mươi tám ngàn của thầy giao không?
Cái gật đầu xác nhận của mẹ làm anh xấu hổ: Lúc nào anh cũng đa nghi. Sự ngờ vực khiến anh xa đạo nghìn trùng.
Bà Tường bảo con ngồi xuống ghế; bà vào đề thẳng:
Ba con xin xuất gia, đã được thầy hứa khả.
Tin này thật ra không làm Tài ngạc nhiên lắm. Bức thư anh
đọc ở chùa ban nãy đã khiến anh có linh tính không sai.
Hai mẹ con cùng ngồi im. Họ biết chuyện nầy sớm muộn gì cũng đến nhưng không ngờ lại xảy ra vào thời điểm rối ren như hiện nay.
Bỗng sực nhớ ra, Tài hỏi:
- Thầy N.N. đến đây vào lúc nào? 
- Cách đây mấy tiếng đồng hồ; khoảng 9 giờ hơn.
Tài hỏi dồn dập:
- Thầy ở đây lâu không? Thầy đi vào lúc nào? Đi đâu ba mẹ biết không?
Bà Tường vẫn điềm đạm trả lời từng câu hỏi của con:
- Thầy lưu lại chừng nửa tiếng đồng hồ. Thầy đi đâu ba mẹ không biết mà cũng không dám hỏi.
Tài thở ra, thất vọng. Anh muốn đi tìm thầy để tạ lỗi. Anh đã đánh giá thầy quá thấp và ganh ghét thầy một cách vô cớ. Tài đứng lên:
- Thầy không có xe. Chắc con có thể gặp thầy ở bến xe buýt hay nhà ga xe lửa.
Bà Tường không cản con nhưng bà đoán chắc rằng sẽ không ai tìm được thầy vì trước khi ra đi, thầy đã nói với hai người rằng:
- Như Lai không từ đâu đến cũng không đi đến đâu. Là đệ tử của Như Lai, tôi chỉ tùy duyên hành sự, không trụ ở nơi nào nhất định. Muốn gặp nhau, xin hãy theo hạnh nguyện của Bồ Tát mà làm. Nhưng làm Phật sự mà chấp mình có công thì công trở thành tội. Đó là sự thật mà ít ai thấy.
Nói xong, thầy chấp tay chào; hai ông bà tiễn thầy ra tận ngõ. Họ đứng nhìn bóng thầy in trên mặt đường loang loáng ánh trăng khuya rồi xa dần, xa dần cho đến khi khuất hẳn. 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Bảy 2015(Xem: 4829)
Thời Đức Phật tại thế ở nước Xá Vệ, có một huyện nhân dân đều quy Tam bảo, phụng trì năm giới và thực hành mười thiện nghiệp của Phật dạy. Khắp huyện không bao giờ sát sanh, người uống rượu nấu rượu cũng không có.
22 Tháng Hai 2015(Xem: 8372)
Một ngày kia, khi Đức Phật ngụ tại tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana), một số Tỳ Kheo hỏi ngài là có lợi ích gì không, khi giết dê, cừu, và những sinh vật khác để cúng giỗ người thân đã qua đời.
19 Tháng Mười 2014(Xem: 12900)
Do duyên: Trước năm 1975, có vị giáo sư người Thiên chúa giáo, khi đọc truyện Thái tử Tu-đại-noa bố thí vợ con, vị ấy đã lên án khá gay gắt trong một bài viết, nói rằng, hành động bố thí vợ con là quá đáng, là không có nhân tính (tôi nhớ có thể nhầm, ngại không đúng nguyên văn). Vừa rồi, độc giả Thái Kim Du, có lẽ là một cư sĩ, trong một comment dưới bài viết của tôi trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen, có nội dung sau: ....