06 Chuyển Luân Thánh Vương

21 Tháng Mười Hai 201100:00(Xem: 6582)


LƯỢC TRUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT 

Hòa thượng Thích Đức Niệm
Phật Học Viện Quốc Tế, California, 1998


Chuyển Luân Thánh Vương

Một hôm tại thành Câu-Thi-Na, trong rừng Ta-La Song-Thọ, trước những ngày đức Phật sắp nhật Niếp-bàn, tôn giả A-Nan và đại chúng vô cùng buồn khổ, nhất là A-Nan tâm thần hôn mê, hồn bất phụ thể, quên ăn bỏ ngủ, vì nghĩ rằng Phật sắp lìa đời, như mặt trời rơi rụng, như con mắt thế gian không còn, như con thơ mất mẹ.

Sau khi được Phật an ủi khuyến hóa, A-Nan tỉnh ngộ, liền bạch Phật rằng: "Kính bạch đức Thế-Tôn! Thành Câu-Thi-Na na`y so với các thành Vương-Xá, thành Ba-La-Nại, thành Xá-Vệ, thành Tỳ-Xá-Ly, thì Câu-Thi-Na quả là nhỏ bé, kém văn hóa không khác gì nơi biên địa. Ngài nhập Niết-bàn nơi đây chúng sanh không được lợi ích nhiều. Con nay trộm nghĩ, tốt hơn, đức Thế-Tôn nên rời Câu-Thi-Na nầy, để đến các thành lớn kia nhập Niết-bàn. Nơi đó dân chúng đông đúc, trình độ văn hóa cao, lòng tin nơi đạo Ngài sâu đậm. Như vậy chúng sanh sẽ được nhiều lợi lạc hơn".

Nghe tôn giả A-Nan trình bày xong, đức Phật từ hòa dẫn giải: "Nầy A-Nan! Ông không nên nói như thế! Ông đâu có biết rằng, thuở quá khứ thành Câu-Thi-Na nầy có một vị Chuyển-luân Thánh-vương tên là Đại-Thiện-Kiến ngự trị, đem chánh pháp thống nhiếp bốn châu thiên hạ. Lúc bấy giờ vương thành mỗi bề rộng trên mười cây số, có bảy lớp thành bao bọc chung quanh. Lớp thành thứ nhất bằng vàng. Lớp thành thứ hai bằng bạc. Lớp thành thứ ba bằng lưu ly. Lớp thành thứ tư bằng pha lê. Lớp thành thứ năm bằng xa cừ. Lớp thành thứ sáu bằng mã não. Lớp thành thứ bảy tổng hợp tất cả các thứ châu báu trên đời làm thành. Cứ mỗi lớp thành là có ao nước tám công đức bao bọc.

Đền đài lầu các bao lơn đều làm toàn bằng bảy thứ bảo châu, điêu khắc chạm trổ huy hoàng trang nghiêm rực rỡ. Bốn cửa thành mỗi cửa đều có chín từng lớp chạm trổ sơn son thếp vàng ngời sáng thật là hoa lệ. Cây cối trong thành xanh tươi mát mẻ quanh năm. Có đủ thứ chim quý ngày ngày reo hót thanh thót trên cành cây, bay lượn trên mặt nước hồ. Trong vườn muôn thứ hoa thơm cỏ lạ rộn nở bốn mùa. Khắp hoàng thành, gió thoảng cành cây, các loài chim quý hòa tấu tạo thành âm thanh thiên nhạc. Nhân dân trong thành đều phú quý giàu sang, hưởng đầy đủ ngũ dục lạc như cõi trời Đao-Lợi. Hai bên đường xa trong thành treo đầy ngọc minh châu sáng chói không phân ngày đêm. Âm nhạc dịu dàng phát ra từ cành cây hoa lá khuyến khích khen ngợi mọi người trì trai giữ giới tu niệm, hòa với tiếng thuyết pháp, khiến cho người làm lành hướng thiện.

Vua Đại-Thiện-Kiến là bậc vua hiền đức, tướng mạo đoan trang, dân chúng trong thành ai nấy đều quý mến ngưỡng mộ như bậc cha mẹ. Một hôm nhà vua muốn đi du ngoạn để xem dân tình, liền hạ lệnh cho quan chủ binh chuẩn bị tám vạn bốn ngàn xe ngựa để cho cung phi mỹ nữ và Bà-La-Môn, trưởng giả, cư sĩ đồng tham dự cuộc du ngoạn này. Riêng vua Đại-Thiện-Kiến cưỡi trên lưng con bạch tượng đi giữa quân hầu. Dân chúng nghe vua xuất thành, đồng nhau kéo đến đứng hai bên đường hàng hàng lớp lớp để được nhìn dung nhan của đức vua. Khắp nơi, vua Đại-Thiện-Kiến đều thấy cỏ cây hoa lá xanh tốt đầy đầy, dân chúng đâu đâu cũng được hưởng thái bình âu ca lạc nghiệp. Nhà vua lại còn hạ lệnh xây thêm hồ ao ở những nơi ngã tư đường, trông cây mát hoa thơm để cho dân chúng đến tắm rửa thưởng ngoạn. Đồng thời vua Đại-Thiện-Kiến còn sắc chỉ cho các quan địa phương nên đem của cải tiền vàng bạc trong kho ra bố thí để tùy sở thích của dân chúng lấy dùng.

Sau ngày du ngoạn trở về hoàng cung, khoảng tuần lễ sau, những người Bà-la-môn, trưởng giả , cư sĩ đem đủ loại vàng bạc của báu đến tặng cho vua. Vua Đại-Thiện-Kiến nói: "Ta đã ra lệnh khắp nơi mở cửa kho bố thí cho nhân dân. Ta đâu cần thiết bạc tiền mà các khanh đem đến tặng ta làm gì?"

Các vị Bà-la-môn, trưởng giả đồng loạt tâu vua rằng: "Muôn tâu Thánh-thượng! Cung điện Thánh-thượng quá nhỏ. Mỗi lần hạ thần chúng tôi vào ra mắt Thánh-thượng thì không đủ chỗ để cho thân quyến tùy tùng của chúng tôi đứng. Xin Thánh-thượng vì lợi ích muôn dân mà mở mang cung điện lớn thêm".

Nghe lời tâu hữu lý, nhà vua im lặng suy nghĩ: "Họ tâu có lý lắm. Nay ta nên mở rộng trụ xứ này".

Bấy giờ trời Đế-Thích biết rõ tâm niệm của vua Chuyển-luân Thánh-vương Đại-Thiện-Kiến, liền gọi vị thiên tử tên Tỳ-Thủ Kiến-Ma là vị kiến trúc tài ba khéo léo nhất, bảo rằng: "Nay vua Chuyển-luân Thánh-vương Đại-Thiện-Kiến ở cõi Diêm-phù-đề muốn mở mang cung điện, nhà ngươi nên xuống đó giúp đỡ để cho cung thành nhà vua ấy cũng được trang nghiêm tuyệt mỹ như cung điện của ta đây vậy".

Thiên tử Tỳ-Thủ Kiến-Ma vâng lệnh, liền vận dụng thần thông co duỗi cánh tay trong nháy mắt đã biến thành một trang tráng sĩ đến cõi nhân gian đứng trước nhà vua Đại-Thiện-Kiến.

Lúc đó, nhà vua trông thấy hình dáng đặc biệt của vị tráng sĩ, biết không phải là người thường, nên hỏi rằng: "Ngài là ai, bỗng nhiên hiện trước ta đây?"

Vị thiên tử đáp: "Tôi tên là Tỳ-Thủ Kiến-Ma vâng lệnh trời Đế-Thích đến đây giúp Đại-vương mở mang cung điện". Vua Đại-Thiện-Kiến nghe xong rất đỗi vui mừng ưng thuận ngay.

Nhờ sự giúp đỡ thần diệu của Tỳ-Thủ Kiến-Ma, chẳng bao lâu đền đài cung điện vua Chuyển-luân Thánh-vương Đại-Thiện-Kiến được xây xong bằng thất bảo, cực kỳ lộng lẫy rộng lớn trang nghiêm, nguy nga tráng lệ. Đặc biệt trong cung điện mới này có điện thuyết pháp, giữa điện thuyết pháp có tòa sư tử làm bằng bảy thứ châu báu và chung quanh tòa có tám vạn bốn ngàn chỗ ngồi nghe pháp.

Sau khi cung điện hoàn thành xong, thì cũng không còn thấy bóng hình của người tráng sĩ tài ba kia đâu nữa. Nhà vua truyền lệnh đánh trống thổi kèn rao khắp nhân gian rằng: "Tại thành nội, Đại-vương sẽ mở hội thuyết pháp bảy ngày đêm để khánh thành cung điện mới, đồng thời bố thí vàng bạc cơm áo, dân chúng ai thích đến nghe Phật Pháp thì sẽ được tùy ý nhận lấy của báu về dùng".

Khi các hàng Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ và bá quan, vạn dân thi đua nhau vào chỗ ngồi xong, vua Chuyển-luân Thánh-vương Đại-Thiện-Kiến uy nghi bước lên ngồi tòa sư tử thuyết pháp về Thập Thiện, rồi tiếp đó thuyết về những thiện pháp khác, khiến cho mọi người đều được lợi lạc hưởng sự vui thú của cõi trời. Vua Đại-Thiện-Kiến tiếp tục làm việc lợi ích như thế suốt hơn một vạn hai nghìn năm.

Nầy A-Nan! Nhà vua ấy lại vào tịnh thất quán tưởng biết được thời quá khứ của mình nhờ tu hạnh bố-thí, nhẫn-nhục, từ bi mà nay được phước báu làm Chuyển-luân Thánh-vương tôn quý nhất trên đời không ai sánh bằng. Nhà vua ấy lại phát nguyện triệt để tinh tấn tu Tứ-vô-lượng-tâm, cung phi mỹ nữ hoàng thân quốc thích cùng cố gắng tu tập.

Lúc bấy giờ công chúa Thiện-Hiền cùng hoàng hậu và cung phi mỹ nữ ngồi thiền chánh niệm trong tịnh thất đã hơn bốn vạn năm cũng khởi niệm rằng: "Chúng ta ngồi thiền Chánh niệm nơi đây đã lâu lắm rồi, nay chúng ta nên đến ra mắt thăm Đại-vương".

Trong giây lát những người nầy hiện trước vua tâu rằng: "Muôn tâu Thánh-thượng! Nay Thiện-Hiền cùng tám vạn bốn ngàn thể nữ đến ra mắt vấn an Đại-vương".

Vua Đại-Thiện-Kiến nghe xong, liền lên pháp tòa sư tử. Các thể nữ kia cũng liền kéo đến trước pháp tòa đồng cung kính chấp tay quỳ thưa: "Chị em chúng con trong tịnh thất chánh tâm thiền quán đã hơn bốn vạn năm, nay đến đây yết kiến vấn an Đại-vương, và có điều muốn thưa thỉnh, kính xin Đại-vương thương xót thuận cho".

Vua Đại-Thiện-Kiến đáp: "Quý hóa thay, các ngươi cứ tùy ý nói".

Công chúa Thiện-Hiền tâu vua rằng: "Thiện hạ trong bốn phương: Nam Diêm-phù-đề, Tây Cồ-da-ni, Bắc Uất-đan-việt, Đông Phất-bà-đề đều giàu sang, vui vẻ, yên ổn biết tu hành thập thiện, tất cả đều nhờ đức giáo hóa của Đại-vương. Riêng thành Câu-Thi-Na trong cõi Diêm-phù-đề này còn có đến tám vạn bốn nghìn thành. Quốc-vương, Đại-thần, Bà-la-môn, Trưởng giả đều muốn yết kiến Đại-vương, ước mong để nhờ ơn mưa móc pháp nhũ. Nhưng Đại-vương thiền định trải qua nhiều năm, nên mọi người không có dịp triều kiến chiêm ngưỡng dung nhan, lòng họ khát vọng muốn được thấy tôn nhan Đại-vương như con hiếu lâu năm muốn được thấy cha hiền. Vả lại bốn phương thiên hạ cần sự vỗ về dìu dắt của Đại-vương. Lại nữa, voi ngựa xư cộ đều có sẵn, Đại-vương nên khéo dùng thời nghi để đi du ngoạn quan sát dân tình sinh hoạt. Vả lại ngày trước Đại-vương thường thuyết khuyến hóa muôn dân tu Thập thiện, nhưng thời gian gần đây Ngài lại chuyên tâm thiền định bỏ mất việc lợi ích này. Bọn nữ nhân chúng con không làm lợi ích nhân quần, nên chuyên tâm thiền quán. Còn Đại-vương là bậc ân đức của muôn dân, đâu phải vì mải mê tịnh tâm thiền định mà ở lâu mãi trong thiền thất được, bỏ mất điều lợi ích của muôn dân.

Vua Đại-Thiện-Kiến nghe xong, ôn tồn đáp: "Những lời khuyên vừa rồi của các khanh thật không đúng ý ta. Các con nên biết rằng, tất cả hình tướng đều là vô thường, ân ái hội họp rồi phải biệt ly, bốn phương thiên hạ đông đảo hưng thịnh rồi cũng suy tàn. Xưa kia ta đã từng làm đứa trẻ thơ bốn vạn tám ngàn năm; làm vua bốn vạn tám ngàn năm, nhờ liên tục gắng tu, sau rốt, ta làm Chuyển-luân Thánh-vương đến tám vạn bốn ngàn năm, trị vì bốn phương thiên hạ, cung điện dẫy đầy bảy báu, muôn dân ấm no, hạnh phúc, thuyết pháp tám vạn bốn ngàn năm. Từ đấy đến nay trải qua năm mươi tám vạn bốn ngàn năm. Tuy mạng sống lâu dài, nhưng cuối cùng rồi cũng hết. Thành Câu-Thi-Na này trước đây cũng hưng thạnh to lớn, lại còn có đến tám vạn bốn ngàn thành lớn khác tùy thuộc, cực thịnh vô cùng, rồi cũng suy tàn tiêu tan với thời gian. Tất cả sự đời có hợp rồi phải tan, có thịnh rồi phải suy, còn rồi phải mất. Biết rõ điều đó, ta đã lo chuyên cần tịnh tâm tu mà được phần tối thắng. Ta cần phải trồng nhiều thiện căn hơn nữa". Chẳng bao lâu, vua Chuyển-luân Đại-Thiện-Kiến ấy mạng chung, sanh lên cõi trời Phạm-Thiên.

A-Nan! Vua Chuyển-luân Thánh-vương Đại-Thiện-Kiến kia trị vì bốn châu thiên hạ, nhưng nhà vua cũng chỉ ở một thành Câu-Thi-Na cõi Diêm-phù-đề; voi ngựa mỗi thứ có đến hơn tám vạn bốn ngàn con, nhưng nhà vua cũng chỉ cưỡi có một con. Tuy có tám vạn bốn ngàn xe làm bằng thất bảo sẵn sàng cung ứng, nhưng nhà vua cũng chỉ ngồi một chiếc. Tuy có tám vạn bốn ngàn phu nhân, nhưng nhà vua chỉ yêu quý có một người. Tuy có hơn tám vạn bốn ngàn lâu đài cung điện làm bằng châu báu, mà thật sự nhà vua cũng chỉ ở một cung điện. Thế mà nhà vua phải bận tâm lo khắp bốn châu thiên hạ, buộc lòng vào chuyện chúng sanh, luống mệt tinh thần, mà chính bản thân không được mấy chân lợi ích.

Đức Phật lại bảo tiếp A-Nan rằng: "Vua Chuyển-luân Đại-Thiện-Kiến tôn quý kia không phải là người nào khác lạ mà chính là tiền thân của ta. Thành Câu-Thi-Na huy hoàng rực rỡ rộng lớn ngày xưa, chính là thành Câu-Thi-Na nhỏ hẹp ngày nay. Sự việc như thế, sao ông có thể nói thành Câu-Thi-Na nầy là chỗ biên địa được ư?"

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Bảy 2015(Xem: 4808)
Thời Đức Phật tại thế ở nước Xá Vệ, có một huyện nhân dân đều quy Tam bảo, phụng trì năm giới và thực hành mười thiện nghiệp của Phật dạy. Khắp huyện không bao giờ sát sanh, người uống rượu nấu rượu cũng không có.
22 Tháng Hai 2015(Xem: 8354)
Một ngày kia, khi Đức Phật ngụ tại tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana), một số Tỳ Kheo hỏi ngài là có lợi ích gì không, khi giết dê, cừu, và những sinh vật khác để cúng giỗ người thân đã qua đời.
19 Tháng Mười 2014(Xem: 12833)
Do duyên: Trước năm 1975, có vị giáo sư người Thiên chúa giáo, khi đọc truyện Thái tử Tu-đại-noa bố thí vợ con, vị ấy đã lên án khá gay gắt trong một bài viết, nói rằng, hành động bố thí vợ con là quá đáng, là không có nhân tính (tôi nhớ có thể nhầm, ngại không đúng nguyên văn). Vừa rồi, độc giả Thái Kim Du, có lẽ là một cư sĩ, trong một comment dưới bài viết của tôi trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen, có nội dung sau: ....