Phần 08

18 Tháng Giêng 201200:00(Xem: 5483)


HƯ HƯ LỤC

Thích Nữ Như Thủy
Thiền viện VIÊN CHIẾU 6-8 Nhâm Tuất, 1982


Phần 8
Những Con Ngựa Dữ
Chú Đỉa Vô Tội
Thế Nào Là Thượng Tọa
Người Được Ca Ngợi
Bài Thơ Của Phật
Người Học Trò Hư Nhất 
Sự Khiêm Tốn Của Một Thiên Tài
Danh Và Thực
Tướng Tự Tâm Sinh
Ý Kiến Thống Nhất
Ba Con Búp Bê
Cái Chết Của Chim Ưng
Chim Sẻ Mái
Dê Hóa Chó
Lòng Mẹ
Tại Ai
Đười Ươi
Tri Âm
Kiếm Sư Munenori
Đôi Mắt Người Giác Ngộ
 

Những Con Ngựa Dữ 

Phật ví những người hung dữ trong môn đệ Ngài giống như những con ngựa dữ khó điều phục. Đó là:

Hạng người khi được bạn bè chỉ lỗi lầm cứ chối bai bải bảo: “Tôi không nhớ, tôi không nhớ.” Giống hệt con ngựa dữ bị tra hàm thiếc và quất roi da vào mông, mà vẫn còn hục hặc không chịu đi. 

Hạng thứ hai, khi được chỉ lỗi, bèn đứng làm thinh không nhận cũng không chối, giống như con ngựa dữ đứng dựa gọng xe không chịu đi. 

Hạng thứ ba là vị tu sĩ khi bị chỉ lỗi, liền hỏi lại người chỉ lỗi mình: “Huynh cũng phạm lỗi như tôi, sao dám chỉ lỗi tôi,” giống như con ngựa dữ ngã nhào xuống đất, trầy đầu gối, gãy gọng xe. 

Hạng thứ tư là loại người phản ứng bằng cách quạt lại người chỉ lỗi mình: “Đồ ngu! Phận huynh còn phải nhờ người chỉ bảo, sao dám lên mặt dạy tôi,” giống như con ngựa dữ cứ thụt lui không chịu bước tới. 

Hạng thứ năm là kẻ hay nói trớ sang chuyện khác, đem lòng thù hiềm, oán hận người nhắc nhở mình. Như con ngựa dữ chạy bừa vào đường hiểm, làm cho xe bể bánh, gãy trục. 

Hạng thứ sáu, là kẻ không sợ tội lỗi, không ngán chúng tăng, không cho ai chỉ lỗi, lấy đồ bỏ đi. Giống như con ngựa dữ bất kể nài và roi, ngậm hàm thiếc chạy càng vô phương kềm chế. 

Hạng thứ bảy phản ứng bằng cách lộn ngược y, đứng giữa hội chúng, khoa tay nói lớn: “Ai cho phép mấy người dạy khôn tui?” như con ngựa dữ, dựng ngược hai chân và sùi bọt mép. 

Hạng thứ tám, thuộc loại dữ dằn nhất, nói ong óng: “Mấy người có cho tôi y bát, tọa cụ, thuốc men không mà dám sửa sai tui?” Nói xong chưa hả giận còn xả giới, lột y vứt bên đường nghênh mặt hỏi chúng tăng: “Tôi đã hoàn tục rồi, mấy người vừa lòng hả hạ chưa?” Hạng người này, giống như con ngựa dữ nằm bẹp giữa đường. 

Kể xong về tám loại người hung dữ trên, đức Phật khuyên hàng môn đệ của Ngài nên dễ dạy, bình tĩnh khi nghe người ta nhắc nhở mình dù lời chỉ dạy đó đúng hay sai, đều nên giữ lòng bình thản và chân thật. Riêng người chỉ lỗi cho bạn phải biết đúng thời đúng lúc, nói năng dịu dàng nhỏ nhẹ và nhất là thật tâm yêu thương muốn giúp đỡ bạn bè chứ không vì ganh tỵ, ghét bỏ. 

Xong Phật kết luận:

“Này các tỳ kheo, ta đã nói đầy đủ, đằng kia là các cội cây, các hang trống. Các ông nên đến đó mà tọa thiền, chớ có buông lung mà về sau hối tiếc không kịp. Đây chính là lời nhắn nhũ của ta với các ông.”

Chú Đỉa Vô Tội 

Một cô gái phố thị về thôn quê chơi, rong bờ ruổi bụi thế nào mà chiều đến, cô mang cổ chân ra hỏi người em trai:

- Nơi chân chị có gì đen đen trong thật lạ? 

Cậu em cười to bảo:

- Đỉa đó! Chị chưa thấy nó bao giờ sao? 

Nghe chưa dứt câu, cô gái đã té xỉu vì kinh hãi. 

Em thân mến!

Công bình mà nói chú đĩa hoàn toàn vô tội trong việc gây kinh hãi cho cô gái, vì nếu chú là tác nhân duy nhất thì ngay khi bị chú đeo, lúc vừa nom thấy chú, chưa biết tên và lai lịch của chú đỉa, thì cô đã phải ngất xỉu liền. Đằng này, cô ung dung mang chú về nhà, đem giới thiệu với cậu em một cách rất bình tĩnh thoải mái. Cho đến lúc nghe tên con vật là đỉa, cô gái mới chịu ngất xỉu thì quả… đúng là – tác nhân chính làm cô sợ hãi chính là sự tưởng tượng phong phú, vốn liếng kinh nghiệm của cô về chú đỉa, hơn là chính bản thân “hiền lành” của chú. Có phải thế không nào? Cũng thế khi chúng ta nghe những danh từ, tự thân của chúng – không có danh từ tốt hay xấu mà chính chúng ta, người sử dụng gán cho nó những ý nghĩa tốt hay xấu mà thôi. Do đó, với những âm thanh đồng một tính chất hư huyền mà có danh từ làm chúng ta vui tươi phấn khởi, có danh từ làm chúng ta mệt mỏi chán nản. Như danh từ “vô học” có nghĩa chê trách đối với thế gian nhưng lại có nghĩa tán thán đối với Phật học. Thấu đáo rõ được điều này để có thể tùy thuận chúng duyên mà vẫn “vô quái ngại,” bình thản gỡ chú đỉa đang đeo trên chân mình mà không bị… ngất xỉu, tức là hành đạo đó, em ạ! 

Thế thì, tôi có thể đặt tên cho bài này là “Chú đỉa vô tội” rồi chứ? 
 
 

Thế Nào Là Thượng Tọa 

Thuở ấy, đức đạo sư đang ngự tại tinh xá Kỳ Viên. Mai sớm, có 30 vị tỳ kheo từ Câu Thi Na đến yết kiến Ngài. Lúc mới vào tinh xá, nhóm sa môn này gặp một chú tiểu ra vái chào họ. Sau khi đảnh lễ đức đạo sư, đoàn sa môn lui ngồi một bên. Phật hỏi họ:

- Sáng giờ, các thầy có gặp một vị Thượng tọa vừa rời khỏi nơi đây không? 

Các thầy sa môn đồng thưa:

- Bạch Thế Tôn, không ạ!

- Các thầy không gặp ai cả sao?

- Thưa, chúng con có gặp một chú tiểu chưa đến 20 tuổi….

- Này tỳ kheo! Vị ấy không phải là một chú tiểu. Đó chính là bậc Thượng tọa mà ta muốn nói.

- Nhưng… chú ấy còn quá trẻ, thưa Thế Tôn.

- Này tỳ kheo! Ta không gọi ai là Thượng tọa vì tuổi tác, vì họ được ăn trên ngồi trước hay đã xuất thân từ dòng dõi danh gia vọng tộc. Chỉ có người nào thấu đạt chánh pháp, cư xử tốt với mọi người, ta mới gọi vị ấy là Thượng tọa. 

Dù tuổi cao mày bạc

Không tịnh hạnh tu trì

Tôn xưng là Hòa thượng

Danh suông chớ ích chi?

 (PC 260)
 
 

Những ai thấu chánh pháp

Tự điều phục thân tâm

Thanh tịnh không não hại 

Mới đáng gọi thượng nhơn

 (PC 261) 
 
 

Người Được Ca Ngợi 
Thời Phật còn tại thế, có một vị lão tăng ẩn cư trong rừng sâu, người ta gọi ngài là Hòa thượng Nhất Cú vì ngài chỉ biết độc nhất có một câu kệ. Đó là câu: 

“Sa môn nào với tư tưởng thanh cao, tinh tấn luyện mình trong sự yên lặng thì vị ấy sẽ được an tịnh, thông suốt và không còn phiền não.” 

Vào những ngày Bố tát, vị lão tăng chỉ đọc câu kệ ấy và được chư thiên trong vùng tán thán bằng những tràng pháo tay vang rền. 

Một hôm, cũng vào ngày Bố tát, có hai vị tỳ kheo thông suốt tam tạng cùng đi với một hội chúng đông đảo đến khu rừng ẩn cư. Hòa thượng Nhất Cú vui vẻ tiếp họ và cầu thỉnh:

- Các tôn giả đến đây thật quý hóa! Xin quý vị đọc luật cho tôi và chư vị nơi đây cùng nghe! 

Các vị khách ngạc nhiên:

- Nhưng ngoài thầy ra, khu rừng này còn có thêm ai nữa đâu?

- Có chứ! Vào những ngày tuyên giới, khu rừng này vang dội tiếng vỗ tay của chư thiên. 

Sau khi phân tòa, một vị tỳ kheo bắt đầu đọc luật và vị kia giảng rộng ra, nhưng chẳng có ông trời nào chịu vỗ tay cả. Các tỳ kheo khách đều ngạc nhiên:

- Thế này là thế nào?

 Lão tăng cũng thắc mắc:

- Mấy bữa trước họ đều vỗ tay, sao hôm nay lạ vậy cà? Được rồi, thưa các tôn giả, để tôi đọc thử coi! 

Tôn giả Nhất Cú bèn đọc câu kinh thường nhật và chư thiên lại vỗ tay vang rền.

Nghe vậy, hai tỳ kheo khách cùng toàn thể đồ chúng tùy tùng rất bất bình.

- Chư thiên ở vùng này quả là có lòng thiên vị. Khi người ta giảng suốt về giáo pháp thì họ im lặng, không một tiếng tán dương. Vậy mà khi vị lão tăng này chỉ đọc có một câu thì họ lại hoan hô ầm ĩ. 

Các tỳ kheo trở về bạch Phật tự sự. Nghe xong, đức đạo sư dạy:

- Này các tỳ kheo! Ta không gọi ai là người thông suốt giáo pháp chỉ vì họ biết hoặc đã đọc nhiều kinh điển. Nhưng kẻ nào, dù chỉ biết một câu, hiểu rõ như thật, theo đó hành trì, ta mới gọi kẻ ấy là người thông suốt kinh điển. 

Nói nhiều lời hư vọng

Thêm huyễn hoặc cuồng si

Học ít nhưng tâm đắc

Mới là bậc hộ trì.

 (PC 259) 
 
 

Bài Thơ Của Phật 
Thời Phật tại thế, ở kinh thành Xá Vệ có một vị Bà La Môn giàu có. Gia sản của ông gồm bốn thằng con trai và 8000 đồng tiền vàng. Khi các con ông khôn lớn, vị Bà La Môn thành lập gia thất cho chúng và chia phần mỗi đứa 1000 đồng tiền vàng để làm vốn sinh nhai. Khi bà vợ ông từ trần, đám con bây giờ đã ra riêng, họp nhau lại bàn tán:

- Nếu cha mình cưới vợ khác, gia tài còn lại chắc chắn sẽ rơi vào tay mấy thằng con trai giòng thứ, chi bằng chúng ta luân phiên chăm sóc cha để hưởng trọn số gia sản. 

Bàn tính xong, bốn thằng con cắt nhau hầu hạ ông cụ rất mực chu đáo. Đám con dâu cũng tranh nhau dâng món ngon vật lạ, thay đổi y phục và chăm sóc cha chồng mỗi bữa. Những sự kiện đó khiến ông cụ rất đẹp lòng. 

Một hôm, bốn thằng con cùng đến tụ tập ở chân giường, chờ ông lão thức giấc dù lúc đó trời đã sáng lắm rồi. Khi ông Bà La Môn vừa thức dậy, đám con tranh nhau hầu hạ, rửa mặt lau tay, đấm bóp cho ông. Trong khi người cha dùng điểm tâm, chúng nhỏ nhẹ khuyên ông nên dành hết quãng đời còn lại để tu tâm dưỡng tánh. Phần chúng sẽ thay nhau phụng dưỡng cho ông được rãnh rang tu tập. 

Trước những tấm lòng chí hiếu ồn ào đó, ông Bà La Môn rất hài lòng và cảm động, nên chia nốt phần gia sản còn lại cho bốn đứa con. Phần mình, ông chỉ giữ lại bộ y phục đang mặt trong người. Đám con ông cũng hài lòng và xúc động không kém. Chúng hôn chân cha, cắt phiên hầu hạ và phụng dưỡng ông Bà La Môn. 

Ngày tháng dần qua trăng tròn rồi khuyết, đám con trai ông Bà La Môn viện cớ bận việc túi bụi, giao hẳn sự chăm sóc ông cha cho mấy mụ vợ của họ… 

Được ít lâu, đám dâu quý lại viện lẽ bận bịu con cái nên giao phần phụng dưỡng cha chồng cho đám gia nhân trong nhà. 

Đám gia nhân viện cớ bận tối mặt tối mũi về công việc nhà cửa, mùa màng, gia súc, tiệc tùng, nên mỗi ngày, người ta thấy ông lão Bà La Môn bấy giờ đã ốm yếu, y phục tả tơi, thất thểu gọi cổng nhà từng đứa con một… Giọng nói yếu ớt của ông bị chìm mất giữa tiếng sủa inh ỏi của đám chó canh cổng nên cuối cùng, vừa đói vừa giận ông lão cầm gậy, lê chân đi xin ăn khắp nơi… Không ai biết được ông lão hành khất ốm yếu dơ bẩn kia, có thời đã từng là chủ nhân của một gia sản kếch sù, có đến bốn đứa con trai, cả chục bà dâu và hàng tá cháu nội. 

Một hôm trên đường đi khất thực, vừa đói vừa mệt ông lão ngã quỵ bên vệ đường. Trong giờ phút tuyệt vọng ông chợt nhớ đến những lời đồn đãi về một đấng giác ngộ. 

“Người ta bảo rằng sa môn Cồ Đàm có một dáng dấp từ hòa, vẻ mặt chân thật và cởi mở. Thái độ đối đãi của ngài thật mát lòng, ngài đón tiếp mọi người đều thân thiện và bình đẳng như nhau! Có lẽ đó là người duy nhất sẽ đón tiếp ta một cách thân thiện trên cõi đời này chăng? 

Ông lão liền nhỏm dậy, chống gậy lê chân đi tìm Phật. Đến nơi, ông chào Phật và lui về một bên. Đức đạo sư đón chào ông cụ với vẻ hoan hỷ cố hữu của ngài, ngài thân ái hỏi:

- Này cụ Bà La Môn! Vì sao cụ đến đây với vẻ tiều tụy và quần áo rách tả tơi thế này? 

Ông lão rơi nước mắt:

- Thưa ngài Cồ Đàm! Tôi có bốn đứa con trai giàu có, nhưng đứa nào cũng nghe lời vợ, hất hủi và bạc đãi tôi… Tôi đành bỏ nhà đi lang thang, vì thà rằng nhận sự bạc đãi của kẻ bàng quan hơn là sự dằn xéo của những người thân thuộc.

- Này ông cụ! Ngày trăng tròn đến đây, dòng Bà La Môn và vua qua sẽ họp mặt với nhau, trước đông đảo quần chúng. Ông cụ hãy gắng học thuộc bài thơ sau đây và xin đọc nó trước đại hội. Đám con ông thế nào cũng phải thay đổi cách cư xử: 

“Chúng là những người khi sinh ra

Tôi mừng vui tôi hy vọng.

Vậy mà chúng nghe lời vợ

Đuổi tôi ra khỏì nhà

Như đuổi con chó già vô dụng.

Giả dối thay! Vô ích thay!

Khi chúng thủ thỉ:

Cha thân yêu! Cha thân ái!

Ma quỷ nào đội lốt con tôi

Bỏ rơi tôi lúc tuổi già?

Như con ngựa già bị bỏ đói

Làm cha lũng u phải đi xin ăn từng nhà

Một cây gậy còi

Còn có ích hơn lũ con bất hiếu

Trong đêm tối

Cây gậy dẫn đường

Trong vũng nước bùn sình

Cây gậy đỡ chân…” 

Ông Bà La Môn học thuộc lòng bài thơ và ra về. Đến ngày hội, đám con ông lão cũng có mặt. Chúng ăn mặt sang trọng, đeo đầy đồ trang sức và được ngồi ghế danh dự giữa cuộc họp. Thật là một cơ hội hiếm có. Ông lão len vào giữa hội nghị, vái chào mọi người thưa:

- Tôi muốn đọc một bài thơ, xin quý vị cho phép. 

Sau bữa tiệc no say mọi người đều hoan hỷ, tưởng ông lão định ngâm thơ giúp vui nên họ liền đồng ý:

- Cứ đọc đi, ông già! 

Ông lão đứng giữa đám đông, đọc lớn bài thơ đã học. Giọng đọc khàn khàn cùng hình dung tiều tụy của ông khiến ai cũng xúc động và phẫn nộ. 

Sau khi tìm hiểu rõ tự sự, chiếu theo luật pháp hiện hành, những đứa con được thừa hưởng gia tài mà không phụng dưỡng cha mẹ đều bị tuyên án tử hình. Hội chúng đồng ý xử tử bốn thằng con bất hiếu. Lũ con ông hoãng hốt, nhào đến ôm chầm chân cha, khóc rống lên:

- Cha ơi! Cứu con với! 

Tấm lòng người cha mềm lại, ông lão đứng ra xin bảo lãnh đám con:

- Xin quý tòa khoan hồng! Bầy trẻ đã hối hận. Thế nào tụi nó cũng nuôi dưỡng tôi tử tế. 

Hội chúng hăm dọa đám con bất hảo:

- Từ nay, chúng tôi sẽ cắt người theo dõi, nếu mấy anh không phụng dưỡng cha già, chúng tôi sẽ thi hành pháp luật. 

Đám con ông Bà La Môn run rẩy làm tờ tự kiểm và cam đoan sẽ không tái phạm lần thứ hai.

Sau buổi họp, chúng kiệu ông về nhà, tắm rửa sạch sẽ, xịt dầu thơm, thoa phấn, đánh kem và thay y phục đẹp cho ông lão. Xong, chúng gọi bốn bà vợ đến, quát mắng họ và căn dặn:

- Bà nào không săn sóc cha chu đáo thì phải ăn roi thay cơm đấy nhé! 

Các nàng dâu vội vã làm tiệc đãi cha chồng. Sau một tuần lễ được chăm sóc nghĩ ngơi, bồi dưỡng ông lão đã phục hồi sức khỏe. Ngày thứ tám ông chọn một xấp vải thật tốt, sai gia nhân thắng xe song mã đưa ông đến tinh xá thăm Phật. Ông đặt xấp vải dưới chân đức đạo sư và kính cẩn nói:

- Thưa ngài Cồ Đàm! Người Bà La Môn của chúng tôi sẽ rất sung sướng khi một vị thầy nhận lễ vật giáo thọ. Xin đức Cồ Đàm kính mến, vị thầy của tôi, nhận cho món lễ mọn này. 

Để giúp ông vui lòng đức Phật nhận xấp vải và hỏi han về đời sống hiện tại của ông. Ông cụ cảm động nói:

- Thưa ngài Cồ Đàm! Các con tôi thường cho tôi ăn bốn bữa mỗi ngày, tôi đã trải qua quãng đời hành khất nên tôi đã hiểu rõ sự cơ cực thiếu thốn của nó. Từ nay, tôi xin chia hai phần ăn cúng dường cho ngài Cồ Đàm, vị thầy của tôi mỗi ngày hai bữa ăn. 

Trước nhiệt tình của ông lão, đức đạo sư cảm ơn và từ chối, viện lẽ rằng ngài có thói quen đi khất thực khắp nơi. 

Ông lão về nhà bảo con:

- Này mấy đứa, sa môn Cồ Đàm là bạn thân của cha, khi nào ổng đến, tụi con phải tiếp đãi cho tử tế. 

Đám con dạ rân, hứa sẽ y lời.

Một hôm, nhằm ngày lễ lớn, đám con ông Bà La Môn tổ chức tiệc tùng linh đình và hỏi ý cha:

- Ai là khách danh dự của nhà ta? 

Ông lão dõng dạc:

- Chỉ có sa môn Cù Đàm thôi! Không còn ai hết… 

Đám con liền đi thỉnh đức đạo sư đến nhà dự tiệc. Họ khoe với ngài:

- Thưa ngài Cồ Đàm, chúng tôi đã biết lỗi nên chăm sóc cha mình rất chu đáo, không dám thiếu sót. Ngài hãy nhìn xem, ông cụ hồng hào mập mạp ra. 

Đức Phật dạy:

- Tốt lắm! Người khôn ngoan bao giờ cũng có hiếu với cha mẹ. Nên kính thờ cha mẹ như vị trời Đại Phạm. Một người Bà La Môn nếu muốn sinh lên cõi trời thì nên phụng dưỡng cha mẹ thay vì đốt hương dâng hoa cúng dường thần linh. Loài súc sinh có hiếu còn được sinh thiên nữa là loài người. 

Đám con ông lão ngạc nhiên:

- Thưa ngài Cồ Đàm! Loài súc sinh mà cũng biết ơn cha mẹ nữa ư? 

Đức Phật bèn kể chuyện con voi Tài Hộ, dù được nhà vua thương mến, săn sóc kỹ lưỡng, ăn ngon ở nhà đẹp mà vẫn khóc lóc u sầu vì nhớ cha mẹ ở rừng sâu. 

Câu chuyện con voi làm mọi người đều xúc động. Biết tâm niệm họ đã thuần thục, đức đạo sư bèn nói pháp. Sau thời pháp mọi người hiện diện đều chứng sơ quả. Kinh Pháp Cú còn ghi lại sự kiện này bằng một câu đơn giản nhắc đến chuyện con voi chí hiếu: “Con voi Tài Hộ bất trị, rơi nước mắt bỏ ăn vì nhớ mẹ ở rừng sâu.”

 (PC 324) 
 
 

Người Học Trò Hư Nhất
 

Thomas Edison là một nhà kỹ thuật nổi tiếng của Hoa Kỳ hồi đầu thế kỷ thứ 20. Người ta kể rằng số lượng những phát minh sáng chế của ông nhiều đến nỗi, chỉ riêng những vết chân ông đi từ nhà đến phòng cấp bằng phát minh cũng đủ làm mòn cỏ để tạo nên một con đường rồi. 

Khi Edison phát minh ra chiếc máy ghi âm đầu tiên cho nhân loại, ông được tổng thống Mỹ mời đến tòa bạch cung để làm quen. Tổng thống rất hài lòng và kính trọng nhà phát minh nên sau khi nghe máy hát, tổng thống hỏi:

- Ông đã tốt nghiệp kỹ sư ở nước ta hay ở Âu châu? 

Nhà phát minh thời danh mỉm cười, rút ví lấy ra một mảnh giấy đã ố vàng, nói:

- Thưa tổng thống, đây là bằng cấp của tôi. 

Tổng thống Hayes cầm mảnh giấy đọc và không giấu được vẻ bất bình. Đọc xong, ông có dáng sững sờ. Cả cử tọa đều ngạc nhiên. Một vị bộ trưởng lấy mảnh giấy và đọc to lên:

- “… Trò Thomas, con trai ông là một học sinh dốt lười và hư, hỗn láo. Nếu còn giữ trò lại trường e rằng hương thơm mà lâu nay trường chúng tôi vẫn có vinh dự được mang, sẽ bị thương tổn. Tốt nhất là ông nên cho trò này đi chăn lợn thì hơn vì chúng tôi nhận thấy rằng, dù trò có mất công đi học thì sau này cũng không làm nên trò trống gì cả.” 

Dưới bức thư là chữ ký và con dấu của ông hiệu trưởng trường tiểu học Po. Burôn. 

Tổng thống Hayes quyết định chuộc lại lỗi lầm của ông hiệu trưởng đối với nhà kỷ thuật thiên tài bằng cách ký sắc lệnh đổi tên các trường tiểu học ở Po. Burôn thành trường tiểu học Thomas Edison. 

Em thân mến!

Sự giáo dục mà Edison nhận được do nhà trường truyền trao thật là ngắn ngủi. Chưa qua khỏi cấp một thì đã bị cấp bằng…. đuổi học nhưng, thời hàn vi gian khổ, cuộc phấn đấu, tranh sống không ngừng nơi trường đời đã giúp cậu bé xui xẻo ấy thành một thiên tài kỹ thuật với hơn hai ngàn mảnh bằng về sáng chế và phát minh. 

Những kiến thức kinh nghiệm mà chúng ta nhận được do nhà trường trao thật ít oi và thiếu xót, so với sự phong phú và đa dạng của cuộc sống. Người ta, thầy bạn, người chung quanh có thể đánh giá em một cách hời hợt như ông hiệu trưởng trường tiểu học Po Burôn đã đánh giá Edison. Nhưng nếu riêng em, em biết tự đánh giá mình như cậu bé Edison, điều này không phải là tự cao ngã mạn, mà chính là tự tin đó em ạ. 

Trong nhà thiền, đi gieo rắc cho mọi người có niềm tin rằng họ có thể thành Phật, được xem là một công tác cực kỳ trọng đại và khẩn cấp, người làm việc này được gọi là sứ giả Như Lai hay Bồ Tát Thường Bất Khinh. Phải gọi là khẩn cấp vì các nhà bác học đều bắt đầu từ những cậu học trò nhỏ bé, cũng như các đức Phật đều khởi nguyên từ một chúng sanh vậy. Không tội nào lớn bằng tội giết chết một đức Phật, một thiền sư Nhật Bản có bảo rằng: 

“Ai phủ nhận sự giác ngộ của một người, kẻ ấy giết chết một vị Phật tương lai.” 

Kể lại câu chuyện này, tôi chỉ muốn nhắn nhủ em rằng, sự tin tưởng của thế nhân đặt và mình không bằng niềm tin của chính mình. Xin chúc em, người bạn đồng hành bé bỏng của tôi, có được niềm tự tin vững chắc như Thomas Edison vậy.
 
 

Sự Khiêm Tốn Của Một Thiên Tài 

Mặc dù được giới khoa học tôn xưng là một trong những người vĩ đại nhất thế giới, nhưng mà nhà bác học Einstein vẫn rất khiêm tốn. Một lần, cậu con trai lên 9 của ông phỏng vấn:

- Vì sao bố được nổi tiếng như thế? 

Einstein giải thích:

- Một con ruồi bò trên mặt của quả địa cầu nhưng nó không biết được rằng nó đang bò trên một đường cong. Còn bố, bố may mắn hơn nó là bố biết được điều đó. Nhờ thế mà bố nổi tiếng con ạ! 

Lần khác, một nhà báo phỏng vấn, đề nghị ông hãy cho biết nhờ đâu mà ông tìm ra được học thuyết tương đối. Nhà bác học đáp:

- Mọi người được may mắn hơn tôi là hiểu rõ thời gian và không gian ngay từ thuở bé. Riêng tôi thì do trí khôn ngoan chậm phát triển nên đến lúc lớn rồi mà tôi vẫn chưa hiểu thế nào là không gian và thời gian. Vì vậy tôi phải gắng công tìm hiểu và tình cờ đi đến thuyết tương đối. 

Bữa nọ có người hỏi ông rằng:

- Thưa bác học, những tư tưởng vĩ đại thường nẩy sinh trong đầu óc ngài vào lúc nào trong ngày ạ? 

Einstein mỉm cười:

- Suốt cả đời, tôi chỉ may mắn có được một tư tưởng tạm dùng được là thuyết tương đối, còn hầu hết đều là những ý tưởng tủn mủn. 

Người ta kể rằng, khi đến nhận chức giáo sư tại trường đại học Prinxtôn (Mỹ), Einstein bảo người tùy phái hãy mang vào phòng cho ông một cái sọt rác to nhất. Trước sự ngạc nhiên của người tùy phái, ông giải thích:

- Tôi cần nó để đựng giấy loại vì tôi thường hay mắc phải sai lầm. 

Em thân mến!

Phải may mắn lắm mới được làm một thiên tài nhưng quên cái thiên tài của mình đi thì sự may mắn ấy được trọn vẹn. Đó là trường hợp của Albert Einstein. 
 
 

Danh Và Thực 

Đại văn hào Lép Tônxtôi (1828-1910) một hôm gởi tác phẩm của mình đến một tạp chí, nhà văn không ký bút hiệu thường dùng, mà lại lấy tên là “nông dân Xê-Mi-Ô-Nốp”. Ban biên tập hẹn cụ già đến tòa soạn. Một biên tập viên trả lại bản thảo cho cụ với lời nhận định:

- Chúng tôi đã đọc kỹ tác phẩm của cụ. Nói chung cụ có nhiều cố gắng nhưng tiếc rằng nó còn rất yếu, thực khó mà đăng được…. 

Anh chàng bỗng đỏ mặt, nín ngang khi thấy mình đang phê bình một đại văn hào mà cả nước đều kính mộ. 

Em thân mến!

Thấy mặt không bằng nghe danh là thế! May mà cụ già nông dân Xê-Mi-Ô-Nốp còn có thêm một cái tên thời danh là Lép Tônxtôi nên chúng ta mới đọc được câu chuyện này, chứ không thì tác phẩm của Xê-Mi-Ô-Nốp sẽ bị quẳng vào sọt rác… Cái nhãn hiệu trên một món hàng đôi khi lại quan trọng hơn chính sản phẩm. Chả trách chi mà thiên hạ hay bán đồ dỏm và đồ dỏm bao giờ cũng đắt và bán chạy hơn là đồ thật vì cái nhãn báo đời của nó. Chúng ta tính sao đây? 
 
 

Tướng Tự Tâm Sinh 

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái nghèo, mồ côi cha mẹ phải đi ở mướn cho người. 

Hôm nọ, đi gánh nước ở bờ giếng, cô gặp một cụ già xin cơm ăn. Cô liền trao cho cụ phần cơm sáng của mình. Ngờ đâu, cụ già ấy chính là bụt hóa thân để thử lòng cô. Thấy cô tốt nết, bụt ban cho cô mấy giọt sương đọng trên đầu cỏ, bảo uống đi thì sẽ thành tựu điều mơ ước tốt đẹp nhất. Cô gái y lời và hóa thành một cô gái xinh xắn dễ coi, ai thấy cũng đem lòng thương mến. 

Khi cô trở về nhà, chủ cô vô cùng kinh ngạc. Sau khi gạn rõ duyên cớ, họ vội vã quảy thùng ra giếng, hy vọng sẽ gặp may như cô. 

Ông lão ăn xin, hóa thân của bụt vẫn còn đó. Mọi việc đã lập lại như một vở kịch được tập dợt sẵn. Bụt cũng trao mấy giọt sương mầu nhiệm cùng lời chúc lành cho họ rồi biến mất sau một đám mây lành. 

Sau khi uống xong mấy giọt sương, chủ nhân cô gái bỗng thấy ngứa ngáy khắp người. Phép mầu nhiệm vẫn còn hiệu dụng nhưng tánh tình xấu xa của các ông chủ ích kỷ khiến họ biến thành các sinh vật khó coi, ai thấy cũng kinh tởm. Họ xấu hổ trốn biệt vào rừng và thành thủy tổ của loài khỉ, con cháu họ vẫn còn nhăn nhó cho tới ngày nay.

Truyện cổ Việt Nam 

Nếu gặp bậc hiền minh

Chỉ lỗi và khiển trách

Hãy cung kính khép mình

Như được gặp kho tàng

Thân cận bậc hiền trí

Bảo đảm được tốt lành

 PC 76
 
 

Con đường đến niết bàn

Ngược nẻo đường thế lợi

Tỳ kheo đã biết rõ

Hãy tu hạnh từ bỏ…

 PC 75
 
 

Con tôi, tài sản tôi

Người ngu thường nghĩ vậy

Thân này còn không có

Con của từ đâu ra.

 PC 62 
 
 

Ý Kiến Thống Nhất 

Hôm nọ, đức vua Akba tranh luận cùng một nhà hiền triết. Nhà hiền triết bảo:

- Muôn tâu! Giữa hàng trăm nghìn con người dị biệt, ta vẫn có thể tìm ra một ý kiến thống nhất. 

Đức vua không chấp nhận điều ấy và phải làm một cuộc trắc nghiệm theo lời đề nghị của nhà hiền triết. 

Nhà vua cho đặt một cái bể chứa trước cung điện, trên chiếc bể được phủ một tấm vải trắng mỏng rồi truyền lệnh cho hết thảy thần dân trong kinh thành, mỗi người phải đổ một lít sữa vào bể trong đêm tối. 

Nhận được lệnh ấy, các thần dân yêu quý của đức vua đều nghĩ bụng:

- Trong đêm nay có đến hàng khối người mang sửa đổ vào bể, mình có trút vào đấy một lít nước lã cũng chẳng ai biết! 

Sáng hôm sau, đức vua cùng nhà hiền triết đến thăm chiếc bể. Sau khi lật tấm vải trắng lên, họ thấy bể chứa đầy nước lã. Đức vua nhìn đăm đăm vào làn nước trong leo lẻo, gật gù:

- Khanh nói đúng, có khi hàng trăm hàng nghìn người lại suy nghĩ và hành động hệt nhau. 

Em thân mến!

Thông thường, loài người chúng ta, do các môi trường sinh hoạt khác nhau, sự học tập, đào luyện đã khiến ta có những lề lối suy nghĩ nói năng theo kiểu “chính người mười ý.” Nhưng cũng lắm khi, ý kiến của chúng ta lại gặp nhau. Đó là lúc chúng ta hành động để bảo vệ cái bản ngã và ngã sở của mình trong lúc tối lửa tắt đèn như câu chuyện trên đây vậy. 

Dựa vào những điểm thống nhất này, các luận sư Phật giáo đã lập ra bộ môn Duy Thức học để giúp các hành giả theo dõi, quán sát và thấu đáo rõ đường đi lối về của tâm thức đó em! 

Quan sát, theo dõi và thấu đáo rõ ràng các hoạt dụng của tâm thức là một việc khó khăn nhưng không kém phần kỳ thú. Thật là ngỡ ngàng biết bao khi ta bắt gặp những con thú dữ đội lốt thánh thần trong khu rừng âm u của nội tâm. Đó là một cuộc dạo chơi hoàn toàn không thể biết trước và đoán trước…, một nghệ thuật hơn là một kỷ thuật để truyền trao. Các thiền sư được ấn tâm đều là những bậc thầy cự phách trong bộ môn nghệ thuật này vậy. 
 
 

Ba Con Búp Bê 

Ngày xưa, có một đức vua. Để thử tài của đình thần, nhà vua cho làm ba con búp bê bằng vàng giống hệt nhau về hình dáng, kích thước cũng như trọng lượng. 

Đức vua truyền lệnh rằng, giá trị của ba con búp bê hoàn toàn khác nhau: một con rẻ, một con đắt và một con rất đắt. Rồi ngài trao giải thưởng cho ai tìm ra nguyên do sự khác biệt đó. 

Sau một thời gian dài tìm kiếm, các quan đều bó tay và nhà vua của họ nổi giận lôi đình về sự kiện này. Túng thế đình thần cho treo bảng cầu hiền. Nhiều người gỡ bảng nhưng không ai tìm ra manh mối. 

Cho đến một hôm, quan tể tướng gặp một chàng thanh niên khố rách áo ôm đến xin thử thời vận. 

Chàng trai trầm ngâm quan sát ba con búp bê khá lâu. Thấy ở mỗi tai con búp bê đều có dùi một lỗ nhỏ, chàng lấy rơm đút vào tai chúng và thấy có những sự khác biệt lạ lùng: 

Ở con búp bê thứ nhất, cọng rơm xuyên vào tai và chui qua mồn. 

Ở con thứ hai, cuống rơm xuyên tai này liền chui qua tai kia 

Nơi con thứ ba, cuống rơm chui vào tai liền tụt xuống bụng và nằm sâu ở đó. 

Chàng trai liền giải đáp:

- Thưa tể tướng, ba con búp bê này giống hệt như người. Con thứ nhất là kẻ bộp chộp, giống kẻ vừa nghe đã nói, việc gì qua tai cũng tuôn cả ra miệng. Đây là hạng không thể tin cậy được, nên dù có làm bằng vàng ròng đi nữa, giá của nó cũng rẻ rề. Con búp bê thứ hai giống kẻ vô tâm chễnh mãng, nghe tai này lọt qua tai kia mất. Hạng này khó mà học hành hay thu tiếp thu điều hay lẽ phải. Con thứ ba giống như người nghe xong để trong lòng. Hạng này kín đáo thâm trầm có thể tin cậy được… nên giá của nó phải cao nhất. 

Chàng trai này là người duy nhất trúng giải. 
 
 

Cái Chết Của Chim Ưng 

Thuở xưa, có một con chim ưng được nhà vua nuôi dưỡng và yêu mến, thường mang theo trong những cuộc đi săn. Đáp lại, chim cũng hết mực trung thành với đức vua. 

Bữa nọ, trong một cuộc săn, vua bị lạc vào rừng, chỉ có một người một ngựa và chú chim ưng thân tín. Vua khát nước đến lả người, đi mãi mới tìm được một mạch nước nhỏ, rỉ ra từ kẽ đá của vách núi. Đức vua mừng rỡ, hái lá rừng để làm bát hứng nước uống. Chờ đợi hồi lâu, nước mới rỉ được lưng lửng bát, vua mới dợm lên miệng uống thì chim ưng đã dùng cánh hất đổ. Vua nén giận, kiên nhẫn hứng thêm bát nữa. Đợi nước đầy miệng chén, chim lại hất đổ sạch. Nhà vua điên tiết, quật chim vào vách đá chết tươi. 

Vào lúc đó, đội ngự lâm quân phi ngựa đến. Nhà vua đòi nước uống, một tên thị vệ liền dâng nước cho vua nhưng ngài gại đi, bảo:

- Ta muốn uống nước lạnh rỉ ra từ khe đá kia. Ngươi hãy trèo lên vách núi, múc cho ta bát nước đầu nguồn chứ ta không thể đợi cho nó rỏ từng giọt như thế được. 

Gã thị vệ vâng lời, trèo lên vách đá, tìm đến nguồn nước và thấy một cảnh đáng kinh hãi: giữa bể nước trong veo, một con rắn độc nằm chết ngay đó. Dòng nước đã hòa nọc độc của con rắn rỉ dần qua kẻ đá. 

Biết được cội nguồn, đức vua ôm xác con chim ưng mà nhỏ lệ đầm đìa. 

Em thân mến!

Có một người bạn cận thị, tức là không thể nhìn rõ được những vật ở xa, như đức vua trên đây thì dù họ có yêu thương và tin cậy mình thật đó, nhưng kết cuộc đôi khi lại bi thảm giống như cái chết của chú chim ưng trong câu chuyện trên đây vậy. 
 
 

Chim Sẻ Mái 

Thuở xưa, có đôi chim sẻ đang đậu giữa đường. Nhác thấy một người khoác áo tu sĩ đang đi đến, chim sẻ mái bảo chồng:

- Kìa mình! Có người đang đi đến, chúng ta hãy bay lên cây kẻo hắn bắt nạt thì khốn. 

Chim sẻ trống cười lớn:

- Má nó khéo lo! Đó là một tu sĩ khả kính chớ nào có phải bọn phàm phu tục tử đâu mà sợ. Ngài đã không che chở cho mình thì thôi chớ khi nào nỡ làm hại… 

Chim mái không đợi chồng nói hết câu, bay vụt lên cây. Chim trống thản nhiên tiếp tục nhặt thóc Gã tu sĩ xuất hiện, nhặt một hòn đá ném chim trống. Chim bị thương bay loạng choạng theo vợ. 

Chim mái săn sóc vết thương cho chồng xong trách:

- Em đã bảo mà mình không nghe. Đấy! Đáng kính với che chở. May mà chưa vặt trụi lông mình. 

Chim trống thở dài:

- Biết thế nào được! Chiếc áo không làm nên nhà tu. Thôi, bu nó đừng có nhiếc anh nữa. Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi, cũng có kẻ tu hành đàng hoàng chứ không phải ai cũng như tên giả hiệu kia đâu, bu nó ạ! 

Sẻ mái nguýt chồng:

- Hừ! Bọn tu sĩ ngoan đạo đó có làm ích lợi gì cho mình đâu nào! Có rước họ đến nhà, dâng cơm hầu nước...họ cũng chỉ ăn căng bụng xong là ngồi mơ tưởng đến thần đến thánh, nào có đếm xỉa gì đến gia chủ đâu. Thứ cái ngữ ưa ai thì đem làm vua, ghét ai thì đem thiêu sống ấy mà mình còn để mắt tới họ làm gì nữa? 

Em thân mến!

Câu chuyện trên đây được trích từ tập truyện cổ Ấn Độ, do nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội ấn hành năm 1985. Đó là một câu chuyện được những người đồng hương với đức Phật lưu truyền trong nhân gian, nhằm chỉ trích thái độ xấu xa và vô công rỗi nghề của hàng tu sĩ. 

Ghi lại câu chuyện này vào đây, tôi không có ý muốn đưa lên một lời bào chữa hay biện minh gì về màu áo do tu sĩ mà tôi và em đang khoác. Tôi chỉ muốn gợi ý cho em biết tại sao có sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa cùng phương châm. “Thượng cầu bồ đề, hạ hóa chúng sanh.” Nghĩa là, người tu sĩ Phật giáo trên không bao giờ bỏ lý tưởng giác ngộ nhưng trong nếp sinh hoạt thường nhật, lấy việc giúp đỡ và phụng sự chúng sanh, giúp đỡ những chúng sanh cơ cực lầm than đang chung sống với mình tức là cúng dường chư Phật rồi vậy. 

Các sứ giả thường có thái độ xem Phật giáo Đại thừa như là một cái gì sản sinh ra do sự pha trộn của các dị giáo Ấn về sau mà quên rằng đức Phật, vị thủy tổ của Phật giáo là một người thực hành phương châm ấy hơn ai hết. Suốt cuộc đời ngài, trong 49 năm đăng đẳng, với ba tấm áo chấp vá mong manh và một bình bát ăn xin, đấng giác ngộ có nguồn gốc vương giả đó đã bôn ba khắp hang cùng ngõ hẻm, kêu gọi con người xóa bỏ những giai cấp phân chia giả tạo, sớt cơm chia áo, nhìn nhau với cặp mắt ái kính, trước mặt cũng như sau lưng... 

Đức Phật đã thành công trong vai trò làm vị sứ giả hòa bình của nhân loại. Riêng phần chúng ta, tôi và em, không nên làm chim sẻ mái thất vọng bằng những lời hứa hẹn hay lý luận suông, trong hiện tại, ngoài việc đừng đóng góp vào thế giới điên đảo này bằng những vọng tưởng rối nùi, đục ngầu ngã kiến, ngã dục, ngã chấp v.v... chúng ta còn phải thay một bộ đồ công tác lành lặn, vác lên vai, vừa đi ra đồng, vừa hát: 

“Một ngày không làm, một ngày không ăn” vậy. 
 
 

Dê Hóa Chó 

Thuở xưa, có một tu sĩ Bà La Môn ra chợ mua dê về tế thần. Nhìn con dê béo tốt, một bọn lưu manh rắp tâm đánh cắp. Sau một hồi bàn tính, một tên bước ra, giả bộ ngạc nhiên hỏi ông Bà La Môn: 

- Ủa, sao ngài cõng chó lên lưng mà đi như thế kia? Nó bị đau chân hả? 

Tu sĩ nổi cáu quát:

- Mắt với mũi, dê mà mi dám bảo là chó à? 

Tên lưu manh bỏ đi sau cái nhún vai bất cần. Chập sao, một tên khác lại chận đường hỏi tu sĩ: 

- Thưa ông Bà La Môn, chó là một con vật khả ố, sao ông lại để nước miếng nó dây vào người thế kia? 

Tu sĩ cãi: 

- Này cậu, đây là dê chớ không phải là chó. 

Gã lưu manh lắc đầu, mỉm cười bỏ đi. Ông Bà La Môn bắt đầu nao núng, đặt con dê xuống đất buộc vào cổ nó rồi kéo đi. Tên lưu manh thứ ba bước đến hỏi: 

- Thưa ngài, chắc ngài chuẩn bị dắt chó đi săn? 

Vị tu sĩ cãi: 

- Đây là con dê mà! 

Gã lưu manh bỏ đi sau một chuỗi cười dòn dã. Ông Bà La Môn ngơ ngẩn đứng dụi mắt hồi lâu vẫn nom thấy rõ ràng là mình đang dắt một con dê. 

Tên lưu manh thứ tư lại đến, chào ông và hỏi: 

- Ngài mua con chó này giá bao nhiêu thế? 

Vị tu sĩ vô cùng hoang mang nghĩ bụng: 

- Có lẽ đây là con chó thật. Tên lái buôn phù thủy đã làm mù mắt ta. Một vị Bà La Môn cao cả như ta mà dắt chó đi thì còn ra cái thể thống gì. 

Ông bèn quăng dây, thả rong con dê và bương bả đi tìm gã lái buôn để ăn thua đủ. Gặp cơ hội bằng vàng, bọn lưu manh tóm lấy con dê và chuồn mất. 

Em thân mến!

Sự giả dối được lập đi lập lại nhiều lần lại hóa thật. Ông Bà La Môn trên đây bị lừa mất con dê là tại vì “quý lỗ tai mà khinh con mắt.” Mà nào có mỗi mình ông ta đâu! Tôi và em cùng tất cả những ai trên thế gian này đều bị lừa, tự lừa và lừa gạt lẫn nhau cả. 

Từ cái “bản lai vô ngã,” nghĩa là trong những lúc ở một mình, quán chiếu lại mình, ta thấy rõ ràng, thân và tâm ta đều là những tổ hợp nhân duyên tạm bợ, rất đỗi mong manh và vô thường. Không có cái gì là ta, thường tồn, bất biến… vậy mà, vừa gặp mặt nhau, chúng ta đã tay bắt mặt mừng: 

- Ồ, sao lúc này bạn đẹp ra thế? Trẻ hơn lúc trước nhiều (trong khi sự thật thì càng ngày càng già càng xấu thì có!) 

Có lẽ vì thế mà kinh điển thường ca tụng chữ TÍN: “Tín là cội nguồn và đạo, là cha mẹ chư Phật!” Tín đây là niềm tin vững chắc nơi mình, không bị những trò giả dối của trần cảnh lường gạt đến độ “thấy dê hóa chó” đó em ạ! 

Nghiệp ác chưa thuần thục

Người ngu tưởng ngọt ngon

Nghiệp ác đã thuần thục

Người ngu chịu khổ sầu.

 PC 69 
 
 

Lòng Mẹ 

Thuở xưa, có một bà mẹ bồng con ra sông tắm. Tắm xong, chị đặt nó ngồi dưới bóng cây, choàng khăn cẩn thận rồi mới xuống bến sông giặt giũ. 

Một người đàn bà hiếm hoi đi ngang qua, bế lấy đứa bé đi thẳng. Người mẹ mất con, cuống quít đuổi theo, bắt kịp, nhưng chị đàn bà kia trở mặt bảo đứa bé là con của y và nhất định giữ lấy. Vì vậy, nội vụ được đưa lên quan. 

Quan vạch một đường dưới đất, đặt đứa bé ngồi ở giữa rồi ra lệnh cho hai bà mẹ, mỗi người nắm lấy một tay đứa bé: 

- Ai kéo được đứa bé về phía mình, người ấy có quyền giữ lấy nó. 

Hai chị đàn bà y lời, thi nhau kéo. Đứa bé đau quá khóc thét lên, người mẹ ruột thương con buông tay và ôm mặt khóc. Quan phân xử: 

- Chị kia kéo được đứa bé về phía mình nhưng lòng chị không có sự bi mẫn, đích thị không phải là mẹ ruột của nó rồi. Chị này thương con, không nỡ làm nó đau, mới thật là mẹ nó. 

Người mẹ lau nước mắt, bế con vào lòng. 

Em thân mến!

Một bà mẹ, không phải do nhan sắc, quyền uy, tài sản hay chức tước có thể tạo thành, mà chính là tấm lòng đối với đứa con. 

Cũng thế, một bậc giác ngộ không phải chỉ do hình dáng bên ngoài, công phu tu luyện, sự cung kính của người khác đối với ngài, mà chính là tấm lòng từ bi, yêu thương đối với tha nhân. Do đó mà trong kinh thường nhắc nhở chúng ta rằng, lòng yêu thương của đức Phật đối với chúng sanh hệt như tấm lòng bi mẫn. Có khác chăng là một bậc giác ngộ yêu thương hết thảy chúng sinh bất kể thân sơ, vì các ngài không còn cái tính chấp về ta và của ta nữa. Một bậc giác ngộ mà không có tấm lòng bi mẫn đối với chúng sinh thì chỉ được gọi là độc giác mà thôi. 

Như người đang hái hoa

Lòng say đắm lạc thú

Bị tử thần lôi xa

Như lụt trôi làng ngữ.

 PC 47
 
 

Tại Ai 

Xưa, có một nhà tu, trên đường hành đạo, ông gặp một khách bộ hành có dáng điệu dị thường. Ông chăm chú nhìn và hỏi y: 

- Ngươi là ai? 

Người ấy đáp: 

- Quỷ sa tăng. 

Nhà tu cau mặt: 

- A, chính ra mi là tên khốn khiếp chuyên làm những điều đốn mạt trên thế gian này đó à? 

Con quỷ mỉm cười: 

- Ai cũng nghĩ như thế, nhưng thật ra, tôi chính là người nhận chịu tất cả tội lỗi mà thế nhân gây ra rồi đổ cho tôi. Nếu ngài không tin, chúng ta hãy làm một cuộc thí nghiệm vậy. 

Tu sĩ bằng lòng. Sa tăng bèn vào tiệm mua một ít mật, phết lên cánh cửa tiệm rồi lánh sang cửa hàng đối diện. 

Ngay tức khắc, một bầy ruồi kéo đến bu kín cả cánh cửa. Vài chú nhện vội sà xuống bắt ruồi và một con chim leo xuống bắt nhện. 

Vừa hay, một viên quan đi săn cỡi ngựa đi ngang, tay cầm một con chim ưng. Chim ưng liền bay ra, liệng cánh định bắt chú chim nhỏ. Chủ quán thấy chim ưng, ngỡ là diều hâu, sợ nó hại đàn gà của mình, liền chộp lấy quả cân, ném chết chim. Viên quan nổi giận, quất roi vào người chủ quán. Đám con chủ quán bênh cha, đánh viên quan bị trọng thương, bọn tuần dinh liền bao vây cuộc ẩu đả… 

Quỷ sa tăng bèn bảo nhà tu: 

- Thế ngài đã rõ rồi chứ? Tôi chỉ là kẻ phết mật lên cánh cửa, còn tất cả chuyện khác là do con người gây ra. Bao giờ cũng vậy, hễ gây nên một lỗi lầm là loài người của ngài liền đổ lỗi cho tôi. 

Kẻ thù hại kẻ thù

Oan gia hại oan gia

Không bằng tâm niệm tà

Gây hại cho tự nhân
 
 

Đười Ươi 

Xưa, có một anh chàng kết bạn với đười ươi và rủ nó về nhà chơi. Gặp khi trời lạnh, anh chàng nọ cóng cả tay chân nên không ngớt đưa tay lên miệng hà hơi để sưởi cho ấm. Đười ươi thấy lạ hỏi: 

- Anh thổi thế để làm gì?

- Tôi hà hơi cho ấm. 

Chập sau, anh chàng pha chè đãi khách. Chè nóng quá, anh ta lại phải nâng tách lên thổi cho nguội bớt. Đười ươi lại hỏi: 

- Anh thổi thế để làm gì?

- Để cho nước nguội bớt. 

Đười ươi nổi giận: 

- Sao mà anh tráo trở thế! Anh vừa lấy mồm thổi cái lạnh cho nóng, giờ lại lấy mồm thổi cái nóng cho lạnh. Tôi không thể nào tin hạng người nói láo như anh. 

Em thân mến!

Đây là một câu chuyện cổ Ấn Độ. Dĩ nhiên là trên thực tế, không có ai kết bạn với đười ươi và cũng không có con đười ươi nào biết nói tiếng người cả. Tác giả chỉ muốn mượn hình ảnh của đười ươi ám chỉ cho chúng ta thấy hạng người ngu xuẩn mà lại tưởng mình khôn ngoan, biết một nhưng chẳng biết hai. Hạng này trong kinh điển gọi là bị “sở tri chướng” đó, em ạ! 
 
 

Tri Âm 

Bá Thúc Nha, người tự cho mình là một danh cầm, thường than thở rằng chưa có ai hiểu được tiếng đàn của mình. Cho đến một hôm, khi có việc đi sứ, xuôi thuyền trên sông, ông gặp được Chung Tử Kỳ, người đầu tiên hiểu được những gì mà Bá Thúc Nha muốn diễn tả qua tiếng đàn. Ông bèn kết bạn tri âm với Tử Kỳ và hứa sẽ gặp lại chàng ở chuyến về. 

Việc sứ xong xuôi, Bá Nha quay thuyền tìm Tử Kỳ thì chàng không còn nữa. Bên nấm mộ còn thơm mùi đất mới, Bá Nha ôm đàn gảy khúc cuối cùng rồi đập vỡ cây đàn, thề không bao giờ gảy nữa vì người bạn tri âm duy nhất của ông đã mất rồi. 

Câu chuyện giữa hai người được truyền tụng mãi về sau: 

Em thân mến!

Chúng ta đã được nghe giai thoại trên từ những năm mới vào học cấp II. Nhưng ở đây, tôi không có cốt ghi lại câu chuyện tình đẹp của hai người bạn trong cổ sử Trung Hoa, tôi chỉ muốn hỏi nhỏ em, cũng là tự vấn lòng mình rằng: nếu chúng ta có tài thật sự thì tiếng đàn của ta sẽ làm rung cảm được người chung quanh. Bằng không với tài năng quá khiêm tốn của mình, ta không tìm được đôi tai nào vừa ý để thấu rõ âm thanh chói tai của ta. Cho đến một ngày nào đó, kẻ “tri âm” chính là người nhận ra tán tụng và thưởng thức cái nghệ thuật, tài năng mà ta chưa hề có… thì coi chừng khách tri âm ấy chỉ là một kẻ xiểm nịnh mà thôi. Hay nói như một tư tưởng gia Tây phương: “Tên ngu nhất, thế nào cũng tìm ra một tên đần độn hơn để tán tụng nó.” Em nghĩ sao đây? 

Ngờ đâu thiên tài nhất thời

Hèn lâu mới gặp được người tri âm

So dây nắn phím âm thầm

Ngờ đâu người điếc tự năm tháng nào! 
 
 

Kiếm Sư Munenori 

Kiếm sư Yayu Taijima-no-Kami Munenori là một tay kiếm lừng danh của Nhật Bản, ông cũng là một đệ tử của thiền sư Trạch Am (Tabwan). 

Hôm nọ Munenori đi dạo hoa viên với một tên biểu đồng theo hầu, đang trầm ngâm nhìn hoa đào nở, kiếm sư bỗng quay phắt người lại, đảo mắt nhìn quanh với vẻ tìm kiếm. 

Quan sát hồi lâu, không thấy gì, kiếm sư bỏ về phòng riêng và bỏ luôn buổi ăn trưa thường nhật. 

Môn đồ Munenori thấy lạ, lên vấn an thầy và hỏi duyên cớ vì sao ông cỏ cơm trưa. Monenori đáp: 

- Ban sáng, lúc đi dạo vườn, thầy bắt gặp một cảm xúc: có người sắp đâm lén mình. Thầy chưa bao giờ lầm về những linh cảm này. Vậy mà, cho đến bây giờ, thầy vẫn chưa tìm ra hung thủ. Vì thế thầy bỏ cơm. 

Các môn đệ bối rối nhìn nhau, riêng tên tiểu đồng theo hầu Munenori lúc sáng thì tái mặt, bước ra thưa: 

- Bạch sư phụ, tên vô lại ấy chính là con. Lúc đi theo hầu sư phụ, con khởi lên ý tưởng rằng: “Dù cho thầy là một kiếm sư lừng danh đi nữa, nhưng chắc ổng không thể nào đỡ nổi những nhát kiếm đâm lén từ sau lưng được…” Con đã nghĩ như vậy, xin sư phụ tha tội cho con! 

Munenori cười ha hả: 

- Đáp số đã tìm ra rồi, các con hãy dọn cơm cho thầy dùng nhanh lên. 

Em thân mến!

Một kiếm sư lỗi lạc không cần lúc nào cũng lăm lăm cây kiến trong tay, vừa múa, vừa la, mặt mũi oai phong lẫm liệt như những kịch sĩ mà ta thường thấy trên sân khấu… Rất có thể, vị ấy không còn dùng đến kiếm nữa nhưng vẫn đỡ được bất cứ đường gươm nào, trước mặt hoặc sau lưng. Hay tuyệt diệu hơn, như kiếm sư trên đây, khám phá ra những đường gươm của đối phương từ khi chúng hãy còn trong tâm tưởng. 

Cũng thế, một thiền sư cự phách không phải lúc nào cũng kè kè bồ đoàn tọa cụ một bên, miệng lải nhải các thiền ngữ hoặc lắp ba lắp bắp về thiền về đạo... mà phải là một con người tự tại trước bát phong, ung dung đón bất cứ thuận hay nghịch cảnh từ mọi phía… Và cũng như kiếm sư Munenori, các ngài có thể khám phá ra những tên giặc ti tiện ngay lúc chúng mới manh nha trong tâm thức, như lời một thiền sư bảo: 

“Quan bất dung châm,

Tư thông xa mã.” 

Nghĩa là, hành giả sẽ kiểm soát tâm mình thật miên mật như một nhân viên thuế vụ, một cây kim không thể lọt qua cửa nữa là xe ngựa rộn ràng, đồ sộ. 

Em có thấy như thế không? 

Chúng ta biệt ly nhau

Từ ngàn vạn kiếp lâu

Nhưng không hề xa cách

Dù một giây phút nào.

Chúng ta đối diện nhau

Hằng ngày suốt ngày lâu

Suốt ngày nhưng không gặp

Không bao giờ gặp nhau.

 Thiền sư Godaito

 Gởi vua Daito

 (1318-1338) 
 
 

Đôi Mắt Người Giác Ngộ 

Một thuở nọ, đức đạo sư lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho chư thiên nghe. Do oai thần của ngài và căn cơ của chư thiên ở vùng trời này đức Phật hiện thân giống hệt vị vua cõi Đao Lợi để thuyết pháp hóa độ chúng thiên. 

Dưới nhân gian, mọi người đều thương nhớ đức đạo sư nên tứ chúng đồng đề cử tôn giả Mục Liên, vị đại đệ tử thần thông đệ nhất đi thỉnh Phật về. Tôn giả Mục Liên nhận lời ủy thác của hội chúng, vượt qua bao tầng trời cõi dục, đến từng tam thập tam thiên để tìm Phật. Khi ấy đức đạo sư đang ngồi đối diện với trời Đế Thích. Ngài Mục Liên vận hết sức thần thông mà vẫn không phân biệt nổi giữa hai vị vua trời giống nhau như tạc ấy, vị nào là đấng giác ngộ. Sau cùng, tôn giả phải quay sang vấn kế người bạn đồng hành của mình là đức Đại Trí Xá Lợi Phất. Tôn giả Xá Lợi Phất bèn mách nước: 

- Này hiền hữu! Bạn hãy nhìn xem, dù hai vị Đế Thích trước mặt chúng ta có giống hệt nhau về nhan diện, dung mạo, hình vóc và y phục chăng nữa... thì vẫn còn một điểm khác biệt. Hiền hữu hãy nhìn vào đôi mắt của từng vị một: vị Đế Thích ngồi bên trái có đôi mắt láo liên, luôn luôn giao động, trong khi vị bên phải, đôi mắt biểu lộ một sự an tĩnh hồn nhiên và trong sáng, có phải thế không nào? 

Tôn giả Mục Kiền Liên gật gù, thầm khen bạn và hai vị thánh tăng bước đến, cung kính làm lễ thỉnh Phật giáng trần. 

Em thân mến!

Đây là một mẩu chuyện nhỏ mà tôi đã đọc được đâu đó trong các bộ A Hàm thuộc hệ Bắc phạn. Điều lý thú ở câu chuyện trên là chỗ giống nhau của Phật và một chúng sinh cõi trời. Chúng ta có thể mang hình dáng, dung mạo, màu da, tiếng nói, cung cách hệt như một đấng giác ngộ nhưng vẫn không phải là một vị Phật chính hiệu khi tâm ta còn bị giao động bởi tham lam, sân hận, si mê... Nếu không nuối tiếc quá khứ thì cũng ngong ngóng về tương lai hay đắm say quay cuồng theo trần cảnh trong hiện tại. Dù có sung sướng như trời Đế Thích chăng nữa, đôi mắt vẫn láo liên, biểu lộ một trạng thái tâm thức trạo cử, lăng xăng. Vậy thì, em đã hiểu vì sao Phật giáo lại nhấn mạnh đến sự tĩnh lặng của tâm thức qua câu: “Không có gì quý bằng sự an tĩnh của tâm thức” chưa! 

Sự an tĩnh đó, kinh điển Nam phương thường gọi là niết bàn, tức sự dập tắt, nguội lạnh của các mầm móng tham sân si... Trong khi, các kinh thuộc hệ Bắc phương gọi đó là trạng thái vô sinh, vô niệm v.v... 

Nhưng làm thế nào để đạt được sự an tĩnh đó? Đây là một câu hỏi dễ nêu lên và thật khó trả lời. Cũng giống như một kẻ nằm mơ vậy. Trong đoạn đường vừa qua, ít nhất cũng hơn một lần tôi và em thoát khỏi một cơn mộng dữ nên... câu hỏi này chúng ta hãy tự mình tìm lấy lời giải đáp vậy. 
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Bảy 2015(Xem: 4809)
Thời Đức Phật tại thế ở nước Xá Vệ, có một huyện nhân dân đều quy Tam bảo, phụng trì năm giới và thực hành mười thiện nghiệp của Phật dạy. Khắp huyện không bao giờ sát sanh, người uống rượu nấu rượu cũng không có.
22 Tháng Hai 2015(Xem: 8355)
Một ngày kia, khi Đức Phật ngụ tại tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana), một số Tỳ Kheo hỏi ngài là có lợi ích gì không, khi giết dê, cừu, và những sinh vật khác để cúng giỗ người thân đã qua đời.
19 Tháng Mười 2014(Xem: 12837)
Do duyên: Trước năm 1975, có vị giáo sư người Thiên chúa giáo, khi đọc truyện Thái tử Tu-đại-noa bố thí vợ con, vị ấy đã lên án khá gay gắt trong một bài viết, nói rằng, hành động bố thí vợ con là quá đáng, là không có nhân tính (tôi nhớ có thể nhầm, ngại không đúng nguyên văn). Vừa rồi, độc giả Thái Kim Du, có lẽ là một cư sĩ, trong một comment dưới bài viết của tôi trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen, có nội dung sau: ....